Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Trận đánh thành Xương Giang







Tìm Lại Thành Xương Giang





M ột nhà tâm linh thấu thị hình tượng Cụ Nguyễn Trãi lấp lánh trên đầu tôi. Có thể. Bởi mấy chục năm qua, khi đã đủ lớn khôn, tôi thường sống với anh linh Nguyễn Trãi. Cụ đã cho tôi chữ, tìm Tổ Tông, nòi giống Tiên Rồng.

594 năm ngày chiến thắng Thành Xương Giang Nguyễn Trãi dắt tôi về sông Thương tìm Trần Nguyên Hãn và các nghĩa binh Lam Sơn đã cảm tử chiến đấu và chiến thắng Thành Xương Giang:

“Hẹn trung tuần tháng mười là tiêu diệt
Liền chọn những quân hùm hổ
Lại sai các tướng vuốt nanh
Voi uống nước cạn hết nước sông
Gươm mài đá mẻ mòn núi đá
Một tiếng trống ngạc kinh đứt đoạn
Hai tiếng trống chim muông sợ tan”


Bình Ngô Đại Cáo

Thư tịch cổ Việt Nam khẳng định Thành Xương Giang được xây dựng đầu thế kỷ XV (1407) khi nhà Minh xâm lược nước ta. Thành Xương Giang là lỵ sở của Phủ Lạng Giang (bao gồm các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Ngạn và Hữu Lũng ngày nay).

Thành Xương Giang thuộc vùng đất làng Đông Nhan, xã Thọ Xương- Bắc Giang, cách Đông Quan (Hà Nội) hơn 50km. Là thành luỹ kiên cố nhất của giặc Minh, án ngữ con đường nối Quảng Tây (TQ) và Đông Quan.

Nhà Minh chiếm nước Nam, chia đất làm 17 phủ và năm châu, đặt 12 vệ để phòng giữ những nơi xung yếu, xây thành đắp luỹ kiên cố. Thành Xương Giang là đường độc đạo quân Minh vào Đông Quan.

Thành Xương Giang hình chữ nhật, đắp bằng đất. Chu vi 2100m. Diện tích 27ha. Có bốn cổng chính Đông- Tây- Nam- Bắc. Ngoài thành hào nước sâu bao bọc. Những năm 1970 còn dấu vết tường thành cao hơn mặt ruộng 4- 5m, bốn góc thẳng có bốn pháo đài. Trong thành có đường nước chảy từ cổng Đông sang cổng Tây.

Chiến thắng Xương Giang là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc. Chiến thắng Xương Giang được đánh giá ngang tầm với chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ,...

Trải gần sáu trăm năm lịch sử biến thiên dữ dội, người Bắc Giang ghi nhớ chiến thắng Xương Giang qua các giá trị văn hoá phi vật thể trong Lễ hội Xương Giang hằng năm vào dịp Tết Xuân. Nhưng hiện trạng di tích thành Xương Giang vẫn trong tình trạng hoang vu.

Trưa cuối thu 2011. Chúng tôi thăm khu dấu tích thành Xương Giang cảm nhận một vùng hoa cỏ dại. Những cây Trinh nữ tụ về rất đông, nở hoa tím hồng như ủi an chia sẻ vạn linh hồn. Xa xa, tiếng hát chèo trầm buồn nhịp ru thiên cổ. Cánh đồng trung tâm Thành Xương Giang trơ gốc rạ. Thấp thoáng mảnh vườn đào Nhật Tân chưa tuốt lá, đợi Xuân về. Khu thành Xương Giang vắng lặng. Không đền thờ. Không hương khói. Tiếng gà gáy trưa, gợi xa xăm.

Tôi lặng lẽ niệm “Nam mô ADiĐà Phật” cầu vạn linh hồn u uẩn đâu đây siêu thăng tịnh độ. Bỗng mênh mang gió cuốn bụi trần. Thoảng lời ru trăng nước:

Trăng Nước Xương Giang

Trăng nước Xương Giang xiêu đảo cánh cò
Cặm cụi sông Thương nuôi chồng đánh giặc
Giấc mơ Tình giăng mắc lả ngọn tre
Tiếng ru hời vời vợi gieo cô lẻ
Chiến bào yên ngựa bóng chàng lô xô
Bánh xe luân hồi nhấp nhô trăng nước
Vòng quay dằng dặc bát quái trận đồ
Trăng nước Xương Giang cá lặn sao mờ
Đá trông chồng vò võ biệt tăm hơi
Xa xăm bảng lảng gió chờ đợi mây
Phải duyên Nhân Nghĩa muôn năm hội về.


(Mai Thục)

May thay! Những năm gần đây, Chính quyền Thành phố Bắc Giang xây dựng bia đánh dấu vị trí bốn cổng thành, trung tâm thành, khoanh vùng bảo vệ các dấu tích: Khe nước cổ, Giếng Phủ, một đoạn vết thành cổng Đông, dấu tích Đền phía Tây Bắc thành. Năm 2008 khai quật khảo cổ hai hố. Năm 2009 Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá chiến thắng Xương Giang năm 1427”; Nhiều lễ cầu siêu thoát vong linh đã diễn ra trong khu di tích thành Xương Giang…

Năm 2010. UBND Tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang”.

Dự án hợp lòng người Bắc Giang và nhân dân cả nước.

Thành Xương Giang được bảo tồn tôn tạo sẽ phát huy những giá trị lớn về văn hoá tâm linh, và thể thao du lịch.

Nhiều nhà khoa học vang tiếng nói Tìm lại Thành Xương Giang và giá trị chiến thắng Xương Giang: Nghệ thuật quân sự của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn; Chiến dịch chặn đánh viện binh; Vai trò của tướng quân Trần Nguyên Hãn; Giá trị khoa học lịch sử của khảo cổ và di tích thành Xương Giang; Xây dựng tuyến tham quan di tích từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến Xương Giang; Khai thác các giá trị văn hoá phi vật thể của chiến thắng Xương Giang trong Lễ hội Xương Giang…


* Thành Xương Giang - Đất và Người

Trước khi quân Minh giày xéo nước ta, Xương Giang là một vùng đô hội sầm uất. Một trung tâm thương mại nối giữa trung châu với vùng duyên hải. Một giang cảng tấp nập ngày đêm trên bến dưới thuyền. Những đoàn thuyền chở đầy tơ lụa xuôi ngược sông Thương, nối sông Thao về Phong Châu- Bạch Hạc. Nguyễn Dữ đã phác hoạ Xương Giang trong Truyền kỳ mạn lục (Tuý Tiêu truyện) vào những năm cuối đời Triệu Phong nhà Trần. Tầng tầng lớp lớp tư dinh của Trấn soái Lạng Giang Nguyễn Trung Ngạn. Những bữa tiệc đêm sang trọng đèn nến lung linh. Âm vang múa hát đàn ca. Xương Giang hiền hoà sông nước, trải đôi bờ sông Thương, những câu hát huê tình. Những đêm quan họ ngập trăng thơ. Những tiếng ca trù lảnh lót ngân nga cửa đình. Tiếng hát chèo vắt vẻo váy áo Thị Mầu. Mẹ Đốp gõ mõ khua chiêng xóm chợ…

Đau thương thay! Đầu thế kỷ XV. Lợi dụng nhà Trần sụp, nhà Hồ mới cướp ngôi còn non yếu, quân Minh đưa mấy vạn quân áp sát biên giới. Đầu tháng 11- 1406. Khoảng bốn mươi vạn quân Minh do Tổng Trương Phụ và phó Trần Húc, Mộc Thạnh chỉ huy tràn vào Đại Việt. Quân nhà Hồ ở Bắc Giang rút về hạ lưu sông Thái Bình và Thanh Hoá. Giữa năm 1407. Giặc chiếm toàn bộ nước ta. Cả dân tộc bị giày đạp điêu linh:

“Thui dân đen trên lò bạo ngược
Hãm con đỏ dưới hố tai ương
Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khoé
Cậy binh gây hấn, ác chứa gần hai chục năm
Bại nghĩa thương nhân, trời đất tưởng chừng muốn dứt
Vét vơ thuế má, chằm núi chẳng còn tý gì
Khai mỏ vàng, thì xông pha lam chướng, phá núi đãi vàng
Mò ngọc trai thì mặc giao long, giòng dây quẳng biển
Nhiễu dân đào hầm bẫy hươu đen
Hại vật, chăng lưới bắt chim trả
Cỏ cây, sâu bọ, không loài nào được thoả sống còn
Quan quả khốn cùng, chẳng một ai được yên ổn
Hút máu mủ sinh linh, quân tham ác miệng răng nhờn béo
Ra công xây dựng cho nguy nga những dinh thự công tư
Nơi công lý bao tầng sưu dịch
Trong làng xóm lặng lẽ cửi canh
Tát cạn hết nước Đông Hải không đủ rửa hết vết nhơ
Chặt hết trúc Nam Sơn, chẳng đủ ghi hết tội ác
Thần Người đều căm giận, Trời Đất chẳng dung tha”


Bình Ngô Đại Cáo

Thảm hoạ khủng khiếp này thiêu cháy dân ta ròng rã hai mươi năm, mà Bắc Giang, Lạng Giang là nơi bị tàn phá nặng nề.

Năm 1407. Nhà Minh lập vệ Xương Giang trên đất Lạng Giang, cho xây vệ thành kiên cố. Thành Xương Giang nằm trong vùng đất thấp, có sông nhỏ và những thửa ruộng trũng bao quanh. Nên phải tốn nhiều sức dân xây thành cao, hào sâu, chứa nhiều lương thực, vũ khí, nơi ăn ở của nhiều người, lính, tướng, mỹ nữ, ca nương. Là căn cứ quan trọng nhất của địch từ Quảng Tây sang Đông Quan. Những người dân trẻ già ở khắp vùng Lạng Giang đều phải đến đây lao dịch, khoét đồi lấy đất, nung gạch ngói, đào hào, xây dinh thự. Biết bao nông phu hiền lành đã ngã xuống đệm cho toà thành Xương Giang cao chất ngất.

Nguyễn Trãi sau khi tiễn cha qua Mục Nam Quan, bị giam lỏng ở Thành Đông Quan. Ông cùng Trần Nguyên Hãn tìm cách vượt núi sông vào Thanh Hoá gặp Lê Lợi và giúp Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1418 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418- 1427) bắt đầu và kết thúc bởi chiến thắng Xương Giang.

Năm 1425. Nghĩa quân Lam Sơn mạnh. Vua Minh buộc phải tăng quân cứu viện.

Tháng 9- 1426. Lê Lợi tiến quân vây thành Đông Quan. Quân Minh cố thủ Đông Quan chờ cứu viện.

Đầu năm 1427. Nhà Minh điều mười lăm vạn quân. Ba vạn ngựa chia làm hai đường sang cứu viện Thành Đông Quan. Đạo quân thứ nhất do Liễu Thăng Tổng binh, Hoàng Phúc làm Tham tán quân sự, kéo mười vạn quân, hai vạn ngựa, tiến theo đường Quảng Tây.

Đạo quân thứ hai do Mộc Thạnh kéo năm vạn quân, một vạn ngựa từ Vân Nam tiến sang.

Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng Lam Sơn chỉ huy nghĩa quân diệt quân tiếp viện. Hai tướng Trần Lựu và Phạm Bôi đem quân giữ ải Pha Luỹ. Khi cần, lui về ải Chi Lăng. Các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lĩnh, Lê Thiệt đem một vạn quân tinh nhuệ, một trăm chiến mã và năm thớt voi bí mật mai phục ải Chi Lăng. Các tướng Lê Lý, Lê Văn An, đem ba vạn quân tiếp ứng phía dưới Chi Lăng.

Tại Xương Giang, tướng Trần Nguyên Hãn được lệnh gấp biến thành Xương Giang thành một pháo đài án ngữ đường tiến quân của địch về Đông Quan. Quyết chiếm bằng được thành Xương Giang trước khi quân tiếp viện tới.

Khoảng hai nghìn quân Minh trấn giữ thành Xương Giang. Quân ta tấn công ròng rã sáu tháng vẫn chưa hạ được thành. Lê Lợi phái tướng Trần Nguyên Hãn đến hội quân cùng Lê Sát, Lê Lý, sai quân sĩ đào đường hầm chui vào bốn cổng thành, dùng câu liêm, giáo, đạn đá, nỏ cứng, hoả pháo bốn mặt cùng đánh. Ngày 28- 9- 1427. Quân ta chiếm được thành Xương Giang. Tướng giặc Lưu Tử Phụ, Kim Dận, Lý Nhậm tử trận.

Ngày 8- 10- 1427. Đại quân Liễu Thăng tiến đánh ải Pha Luỹ. Quân Trần Lựu vờ thua lui về ải Chi Lăng. Liễu Thăng kiêu ngạo, lọt vào vùng mai phục. Trần Nguyên Hãn, Lê Sát tung quân đánh. Đội kỵ binh địch vấp bùn lầy, hỗn loạn. Bộ binh, kỵ binh ta đồng loạt xông ra. Liễu Thăng chết. Hơn một vạn địch bỏ mạng tại Chi Lăng.

Quân Minh không còn đường lui, tiến vào Xương Giang. Thành đã bị quân ta chiếm. Chúng đắp luỹ giữa cánh đồng để tự vệ. Quân ta vây bốn mặt.

Quân tướng già Mộc Thạnh án binh bất động gần biên giới nghe ngóng. Nghe tin Liễu Thăng chết. Quân Mộc Thạnh không bị đánh mà vỡ. Các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả tung quân tiến đánh. Quân Minh tháo chạy chết đuối tại các khe vực. Mộc Thạnh trơ trọi một mình một ngựa trốn về.

Chỉ trong một tháng. Chiến thắng Xương Giang chặn đứng hơn mười lăm vạn quân, ba vạn ngựa chiến, tiếp viện của Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo vào nước ta giải vây cho Vương Thông và quân Minh thành Đông Quan.

Ngày 16- 12- 1427. Vương Thông xin hàng. Chấm dứt cuộc xâm lược tàn bạo hai mươi năm của nhà Minh.

Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo:

“Tổ kiến hổng làm toang đê vỡ
Trận gió rung rụng trút lá khô
Đô đốc Thôi Tụ quì gối chịu tội
Thượng thư Hoàng Phúc trói mình nộp thân
Lạng Sơn, Lạng Giang xác chết đầy đường
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.”
* Hình Tượng Trần Nguyên Hãn- Nguyễn Trãi & Nghĩa Quân Lam Sơn Thành Xương Giang

Trần Nguyên Hãn là một trong những “Anh tài giúp vua, gặp hội phong vân, trổ hết trí dũng, có công đầu mở nước. Lúc trăm trận gian nan đã bày mưu dùng sức để bình giặc Ngô, nên cơ nghiệp nhà vua. Không hổ là bậc tướng giỏi.” Trần Nguyên Hãn có vai trò quan trọng trong bộ máy chỉ huy của nghĩa quân Lam Sơn, chỉ huy nhiều trận đánh lớn thắng lợi. Chiến thắng Xương Giang hiển hách công lao của Trần Nguyên Hãn không phải nhỏ. Chiến tích khoét đất thành đường hầm xuyên vào lòng địch là phi thường.

Trần Nguyên Hãn người Lập Thạch- Vĩnh Phúc. Dòng dõi Tư đồ Trần Nguyên Đán. Em họ ngoại của Nguyễn Trãi. Trần Nguyên Đán học vấn cao, giỏi binh pháp, sớm nuôi chí giúp dân. Ông cùng Nguyễn Trãi lặn lội vào Lam Sơn tìm Lê Lợi tụ nghĩa.

Trần Nguyên Hãn luôn cùng Lê Lợi bàn mưu lược đánh giặc. Ông lập nhiều công lớn ở Tân Bình, Thuận Hoá, thu mấy vạn nghĩa quân tinh nhuệ. Năm 1426. Ông cùng Lê Bị lĩnh hơn một trăm chiến thuyền xuôi dòng sông Hát đến Đông Bộ cùng Lê Lễ phá tan lực lượng của Vương Thông. Tổ chức vây chặt Đông Đô. Mùa thu 1427, được phong Thái uý, cùng Lê Sát hạ thành Xương Giang.

Trần Nguyên Hãn chí khí kiên cường. Bất khuất. Hiên ngang. Võ lược cao siêu. Đôi tay lực lưỡng của ông nổi gân cuồn cuộn, uốn cong cây giáo, vặn thành mấy vòng như cái lò so, ném bay xuống đất, trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Lê Lợi trọng tài đức của ông. Trần Nguyên Hãn là đứng người thứ hai sau Lê Lợi trong hội thề Đông Quan. “Anh hùng di hận kỷ thiên niên (Anh hùng để hận mấy ngàn năm)(Nguyễn Trãi).

Cống hiến vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh là vận dụng sách lược Công Tâm, đánh vào lòng người và tư tưởng Nhân Nghĩa.

Trong tổng số sáu mươi chín bức thư gửi quân Minh của Nguyễn Trãi có sáu bức liên quan đến Thành Xương Giang.

Thời điểm quân Minh cố thủ thành Xương Giang, Nguyễn Trãi gửi vào hai bức thư dụ hàng. “Lấy lời nói chăm chăm hiểu dụ, thực vì nhân mạng trong thành là hệ trọng, mà không nỡ làm cho thương tổn”.

“Kể ra thích cho người sống mà ghét việc giết người là một người tướng có Nhân Nghĩa, xét biết thời cơ và biết lượng sức mình là một người tướng có Tri Thức”.

“Thành Xương Giang nhỏ mọn kia dám chống lại mệnh Trời nổi giần đi đánh… Nếu cứ mê muội không hiểu biết gì, thì đến ngày thành bị hạ, ngọc đá không phân biệt, thì không phải ta làm cho bạo ngược bừa bãi mà là lũ các ngươilàm ra tội nghiệt đó thôi”.

“Tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà trong thành đều bị các ông lừa dối, làm hại, làm cho bọn người vô tội một mai bị chết. Cho nên ta không ngại nói đi nói lại.”

“ Các ông nên mau mau mở cửa thành, cởi áo giáp cùng ta hoà giải. Ta nếu trái lời giao ước, tất nhiên Trời chẳng dung cho. Nếu các ngươi cứ chấp nê, ta tất không tha thứ”.

Hình tượng Nghĩa quân Lam Sơn được Nguyễn Trãi khắc hoạ:

“Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ
Lấy ít địch nhiều , hay dùng mai phục
Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn
Lấy trí nhân mà thay cương bạo…
Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”


Bình Ngô Đại Cáo

* Giá trị Văn hoá Tâm Linh Thành Xương Giang

“Có đức công mới lớn, có người đất mới linh”. Tên tuổi lẫy lừng của Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, các tướng và nghĩa quân Lam Sơn khắc ghi anh linh nơi thành Xương Giang, làm cho đất này linh thiêng bất diệt. Vòng hào quang toả rạng nước non và địa cầu.

Trong bài “Phú Xương Giang” Lý Tử Tấn (làm quan ba triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông) đánh giá chiến thắng Xương Giang ngang các trận đánh đời Tấn hay chiến thắng Xích Bích quân đông Ngô đánh quân Tào Tháo:

“Kìa trận Hợp Phì oanh liệt
Trận Xích Bích toàn Thắng đời xưa
Sao bằng đây Xương Giang vẻ vang”

Lý Tử Tấn ca ngợi sự linh thiêng Đất và Người Xương Giang:

“Đức nhà vua thịnh, non sông linh
Áo nhung một mảnh võ công thành”.

Mấy chục năm sau. Vua Lê Thánh Tông trở lại chiến trường xưa của cha ông, đã viết:

Xương Giang cảm hoài

Đứng bên bờ dốc ngắm sông dài
Lặn với sao trời, ráng đỏ soi
Cái ý vô cùng vừa kéo đến
Tấm lòng tham dục bỗng tiêu vơi
Sông xa bát ngát buồn trăng xế
Tiếng giặt đâu đây não nuột ai
Tiêu trường lý xưa nào đổi khác
Nhân sầu muôn hộc thẩm mù khơi.

Ba trăm năm sau. Đức Bảo- Sứ thần nhà Thanh qua đây đã thốt lên trước vẻ đẹp của một vùng sông nước thanh bình:

Ngày dài cưỡi sóng vượt Xương Khê
Cười ban Đông Pha đến chật đê
Áo vải tay đeo nón lá cọ
Thuyền hoa đầu chẹn sóng pha lê
Hoa như son đỏ màu tung nở
Mạ tựa măng non cấy chỉnh tề
Mắt thấy xóm làng đầy thói cổ
Gần xa nhà lá, đám mây che.

Dưới thời Lê, Xương Giang phồn thịnh, là trụ sở của Phủ Lạng Giang thuộc trấn Kinh Bắc. Đến thời Mạc Xương Giang vẫn giữ vai trò quan trọng. Vì vậy nơi đây còn có tên gọi là thành nhà Mạc. Là một trung tâm kinh tế thương mại sầm uất, nhộn nhịp với chợ Kế ngày nay. Cạnh thành Xương Giang là quê hương của Trạng nguyên Giáp Hải thời Mạc.

Các nhà khảo cổ học thấu hồn Xương Giang trong lòng đất. Những mảnh gốm, đồ sứ bát, lọ, vò… hoa văn mềm mại hình xương cá, ô trám, nhiều viên gạch “múi bưởi” có hoa ô trám. Những đồ gốm sứ Lý- Trần. Ngói ống, ngói bản, ngói hình cánh sen. Bát đĩa men sứ da lươn, men xanh, men ngọc, men nâu, hoa văn cúc dây, cánh sen… Những hiện vật thời Lê gồm những viên đạn bằng đá và chân tảng của các kiến trúc thành Xương Giang, gạch, ngói, đồ sành sứ, than tro, gạo cháy…

Đặc biệt những viên đạn đá nhiều loại khác nhau. Kỹ thuật chế tác đạn đá đẽo gọt đơn giản, mặt ngoài không được tròn trĩnh, hình bầu dục, đường kính 12cm, loại nhỏ 3cm. Đá chế tác là đá muối hoặc đá nhám màu đỏ. Đây là loại đạn đá của súng Thần Cơ, do Hồ Nguyên Trừng, con trai Hồ Quí Ly chế tạo.

Sức mạnh linh diệu nhất của chiến thắng Xương Giang là sức sống Tâm Linh Hồn Người Xương Giang dâng trào suốt sáu trăm năm qua.

Văn hoá tâm linh là Nhân Nghĩa, là Đạo của người Việt Nam. Chúng ta thờ Tổ Tiên Rồng Tiên. Thờ Thánh Mẫu. Thờ các vị anh hùng dân tộc và người có công với nước. Thờ Thập loại chúng sinh. Thờ Thổ Công, Thổ địa. Thờ Thần Đất. Thần Nước. Thần Núi. Thần Sông. Thờ vạn vật hữu linh.

Trong tâm thức dân gian, sự bảo tồn, tôn tạo thành Xương Giang là việc “Nhân Nghĩa cốt ở yên dân”. “Uống nước nhớ nguồn”. Tôn vinh, hương khói, thờ phụng các vị tướng tài ba lỗi lạc Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lĩnh… và nghĩa quân quả cảm đã cảm tử chiếm thành Xương Giang là Nghĩa Tình Non Nước tri ân muôn đời của dân tộc ta.

Đối với kẻ thù, khi chúng đã phơi thân nội cỏ đất này, dân ta cầu vong linh họ siêu thoát. Ngày giỗ trận Đống Đa Tết âm lịch hằng năm tại Hà Nội trên gò Đống Đa là nghĩa cử cao đẹp đó. Tướng giặc Sầm Nghi Đống tự tử cũng được vua Quang Trung cho Hoa kiều lập đền.

Trước niềm vui bảo tồn, tôn tạo thành Xương Giang, từ ngày 8- 4- 2011 đến nay, UBND Thành phố Bắc Giang đã làm Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án; duyệt thiết kế bản vẽ thi công xây dựng giai đoạn I với qui mô 10ha.

KTS Nguyễn Thế Khải Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc đô thị Việt Nam đã trình bày thiết kế với các hạng mục công trình: Khu Trung tâm lễ hội (Lễ đài; Trục hành lễ tâm linh; Đỉnh hương; Hồ nước; Sân hành lễ, múa hát, âm nhạc, đọc Bình Ngô Đại Cáo; Tượng đài chiến thắng Xương Gian); Khu các trò chơi dân gian; Nhà múa rối nước; Vườn tượng; Khu diễn tả cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Hội thề Lũng Nhai, các trận đánh quan trọng, trận đánh Thành Xương Giang, cuộc đào hầm tiến vào thành Xương Giang của đội quân Thái uý Trần Nguyên Hãn…); Chọn trồng cây xanh toả bóng mát: Xoài, Muỗm, Cây linh thiêng như Đa, Si, Thông, Tùng, Trúc, Đại, Ngọc Lan, Các loài hoa muôn sắc…

Ông Bùi Văn Đình, Giám đốc Ban quản lý dự án cho chúng tôi xem bản thiết kế được sự đồng tình của nhiều nhà tâm linh, phong thuỷ cả nước, và nhân dân cán bộ tỉnh, thành phố Bắc Giang. Chúng tôi xúc động trước hình tượng Đài chiến thắng là Thanh Kiếm Thuận Thiên- Thanh kiếm được Trời trao cho Lê Lợi đánh đuổi giặc ngoại xâm. Và ngày chiến thắng Thanh Kiếm Thuận Thiên được trả lại cho Thần Kim Qui ở Hồ Lục Thuỷ- Đông Quan (Hồ Hoàn Kiếm- Hà Nội).

Chiêm ngắm hình tượng Thanh Kiếm Thuận Thiên cao 47m ngự trên lưng Rùa Thần Hồ Gươm toả hào quang trên nền trời trong xanh Tình yêu Hoà Bình của con cháu cụ Nguyễn Trãi lan bốn phương Trời Đất, chúng tôi nguyện cầu lòng người dân Việt Nam hiện đại dù ở nơi đâu hãy hướng về tôn tạo Thành Xương Giang, cho Hoà Bình toả rạng nước non ta.

Cho lời Nguyễn Trãi vang bất tận “Xã tắc được yên/ Non sông đổi mới/ Càn khôn đã bĩ mà lại thái/ Nhật Nguyệt đã mờ mà lại trong/ Để mở nền thái bình muôn thuở/ Để rửa nỗi xỉ nhục ngàn thu/ Bốn biển lặng yên (Bình Ngô Đại Cáo).


Thành Xương Giang- Hồ Gươm
Tháng 11- 2011.