SỰ BIẾN ĐỔI
TRONG PHONG CÁCH ĂN UỐNG
B àn về phong cách ăn uống của người Hà Nội xưa và nay là cả một chủ đề rộng lớn và vô cùng đa dạng, từ cách ăn, cách uống, lối ăn, lối uống, cách đối đãi, không gian ăn, thời gian ăn, ăn trong thường nhật hay trong lễ tết… Có người nói: “Chỉ xem cách ăn uống, cách nói năng, cách mặc của anh, tôi đã biết anh là người Hà Nội,” hay: “Nom cái miệng cô ấy ăn, tôi đã đoán ngay cô ấy là con nhà gia giáo Hà Nội rồi.” Những nhận xét ấy tôi cho là hơi quá. Làm sao mà có khả năng nhận xét tinh tế được như thế! Làm sao mà những nét tinh túy trong phong cách ẩm thực Hà Nội lại có thể được gìn giữ và bảo lưu bền vững đến thế! Có lẽ chỉ vì quá yêu cái cốt cách trong ứng xử ẩm thực cổ điển xưa mà người ta tưởng tượng ra những chuẩn mực cao siêu đó chăng? Dẫu sao, nhiều người vẫn luôn nhắc câu cửa miệng:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng thanh cũng thể là người Tràng An.”
Quả thực, người Hà Nội trải qua nghìn năm lịch sử đã tích tụ được cái tinh hoa ứng xử của tổ tiên truyền lại. Cái ứng xử ấy thể hiện từ trong cách mời chào, gắp thức ăn, cầm đũa, nâng bát; cách tổ chức cỗ bàn, tiệc tùng, đón khách, tặng quà…
Hỡi ôi! Trong thời hiện đại này, phải thực thà mà nói những giá trị ấy đã bị “bay đi” khá nhiều rồi.
Người Hà Nội ngày nay quả thực đã quá xô bồ trong ăn uống so với thời xưa. Nhiều phong cách lịch sự trong ăn uống đã biến mất. Đến hàng ăn nào cũng dễ thấy cảnh thực khách ồn ào, xả rác bừa bãi...
Các kiểu đứng ngồi, nói năng, hành động kém lịch sự trong khi ăn thì không thể coi là phong cách ăn uống của người Hà Nội được.