Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





VĂN HỌC LÃNG MẠN

 

(1795-1830)


Bối cảnh lịch sử

Cách mạng tư sản Anh ở thế kỷ XVII và Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử châu Âu. Sang đầu thế kỷ XIX , sức sản xuất bằng máy móc đã tạo đà cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Ở xã hội cơ khí hóa , con người bị ràng buộc nhiều hơn, làm việc theo mệnh lệnh sản xuất, tuy đời sống có cao hơn, nhưng không phải vì thế mà hạnh phúc hơn, ở trong xã hội cơ khí hóa con người “ tìm kiếm vô vọng sự đích thực của bản thân mình”. Đấy là mặt trái của xã hội cơ khí hóa. Ở Đức thời gian 1795-1830 là thời kỳ phong kiến suy tàn, đồng thời là lúc hình thành trật tự xã hội tư sản.

Đặc điểm văn học

Từ cuối thế kỷ XVIII tới ba mươi năm đầu của thế kỷ XIX, ở châu Âu xuất hiện một trào lưu văn học mới đối lập với trào lưu văn học cổ điển. Tất cả các giá trị tinh thần của quá khứ đều được đặt lại trên bình diện mới, đầu tiên nó xảy ra trên lĩnh vực văn học và triết học, rồi lan sang các lĩnh vực khác như nghệ thuật, khoa học, tôn giáo. Và nó đi vào đời sống xã hội, chính trị, đạo đức của con người. Trào lưu văn học trên người ta gọi là Văn học lãng mạn , nó quay lưng lại với chủ nghĩa duy lý và lối nghĩ thực dụng của thế kỷ XVIII. Về mặt từ nguyên , từ Romantik có liên quan chặt chẽ với từ Roman. Tính từ của danh từ Romantik là romantisch. Ở thế kỷ XVII và XVIII chữ romantisch có nghĩa : như tiểu thuyết, có tính phiêu lưu, chỉ viển vông, chuyện bịa không thật. Các nhà văn lãng mạn Đức nhanh chóng chấp nhận những sắc thái đó và giải thích chữ romantisch theo cách nghĩ của mình. Về mặt thời gian thì dòng văn học lãng mạn Đức và dòng văn học cổ điển Đức phát triển song song, nó đối lập nhau, nhưng không triệt tiêu nhau, thậm chí nó còn bổ sung cho nhau.

Văn học lãng mạn Đức chia làm hai nhóm lớn : tiêu cực và tích cực. Trong khi nhóm này muốn trốn tránh thực tại bằng lý tưởng hóa quá khứ, bảo thủ,cố chấp thì nhóm kia trốn tránh thực tại bằng cống hiến đời mình cho việc tiếp thu và kế thừa văn hóa thời Trung cổ, làm sống lại nền văn hóa ấy với khuynh hướng tích cực, góp phần thức tỉnh tinh thần dân tộc trong chiến tranh giải phóng nước Đức khỏi ách đô hộ của Napoleon . Văn học lãng mạn Đức 1795-1830 được chia làm ba giai đọan:

     1. Tiền văn học lãng mạn 1795-1806

     2. Thời trung hưng của văn học lãng mạn 1806-1815
     (giai đọan này còn có tên là Văn học lãng mạn thời chiến tranh giải phóng )

     3. Hậu văn học lãng mạn 1815-1830


1. Tiền văn học lãng mạn (1795-1806)

Những nhà văn lãng mạn thời kỳ sống và họat động văn chương ở thành phố miền nam nước Đức, thành phố đại học đầy thơ mộng Jena, nên thời kỳ này còn gọi là Văn học lãng mạn trường phái Jena. Một đặc điểm đáng lưu ý là ở thời kỳ này phụ nữ cũng tham gia văn đàn và cũng có những đóng góp nhất định trong đời sống tinh thần với tư cách như một thành viên bình đẳng. Trong số đó phải kể tới Caroline Schlegel (vợ của August Wilhelm Schlegel) và Dorothea Schlegel (vợ của Friedrich Schlegel). Các nhà văn thời kỳ Tiền văn học lãng mạn ban đầu cũng có thiện cảm với Cách mạng Pháp, nhưng đến khi nhận biết được bản chất của chủ nghĩa tư bản là vô chính phủ trong sản xuất và tiêu thụ, nó phá vỡ mối quan hệ giữa người và người bằng kiếm lợi nhuận tối đa, sự phân bố lao động trong tư bản chủ nghĩa làm thay đổi những sinh họat bình thường của con người, sự tha hóa trong nghệ thuật của giai cấp tư sản thì họ liền quay lưng lại. Trong khi Goethe thấy hiện tượng tha hóa là nhân tố tất yếu trong quá trình phát triển của lịch sử với bộ tiểu thuyết bốn tập Những năm học nghề của Wilhelm Meister để tự mình không đi ngược lại tiến trình của lịch sử thì những nhà văn Tiền văn học lãng mạn đáp lại nó bằng cách trốn ra khỏi bầu trời xã hội đương thời. Những nhà văn tiêu biểu của Tiền văn học lãng mạn là Friedrich Schlegel, Novalis ( Hardenberg), W. Heinrich Wackenroder, Ludwig Tieck.

Friedrich Schlegel(1772-1829)

F. Schlegel sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có truyền thống văn chương. Novalis và Schlegel là những nhà lý luận tiêu biểu của thời kỳ Tiền văn học lãng mạn. Friedrich Schlegel đưa những chuẩn mực có tính cá nhân của mình để làm thước đo mọi sự vật. Với tác phẩm Ngợi ca sự lười biếng và tác phẩm Ngợi ca sự khó hiểu ông tự đối đầu gay gắt với xã hội. Ông coi “ việc bỏ đi những đường nét và những định luật của lý trí suy nghĩ hợp lý và chúng ta hãy cùng nhau đi vào thế giới hỗn độn tươi đẹp trong tưởng tượng, đi vào sự hỗn mang nguyên thủy của bản chất con người” là sự mở đầu của thi ca. Ông địng nghĩa: “ Thi ca lãng mạn là thi ca vạn năng tiến bộ. Điều luật của nó không chỉ đơn giản là gắn liền các thể lọai thi ca với nhau, đưa chúng gần gũi với triết học và thuật hùng biện. Nền nghệ thuật ấy pha trộn cả thơ lẫn văn xuôi , cả cái vĩ đại lẫn sự chỉ trích, thơ bác học pha trộn với thơ bình dân làm cho thi ca trở nên sống động và có hồn, làm cho xã hội và cuộc sống thi vị hơn, thi vị hóa truyện cười để các thể lọai của nghệ thuật có tầm văn hóa cao và phong phú, làm cho nó có hồn qua cái bay bổng của khôi hài…” Theo ông thì thi ca lãng mạn sẽ hợp nhất các thể lọai của văn học, nó là dòng chảy của triết học và nghệ thuật ngôn từ. Theo ông thì thể lọai văn học thích hợp với văn học lãng mạn là tiểu thuyết. Schlegel cho rằng, lãnh địa của thi ca là thế giới tưởng tượng và mộng mơ, và như vậy nó có khuynh hướng của truyện cổ tích . Năm 1799, Schlegel cho xuất bản tiểu thuyết có tính tự thuật Lucine , trong đó ông nói quan niệm của mình về thi ca. Những luận văn triết –mỹ học của F. Schlegel có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn lãng mạn. Với tư cách là nhà ngữ văn Đức và nhà phê bình , ông đã mở đường cho môn nghiên cứu tiếng Phạn (Sankrit) và môn ngôn ngữ học so sánh.

Novalis(1772-1801)

Novalis là tên một chi trong dòng họ, đồng thời là bút danh của nhà văn. Tên thật của Novalis là Georg Phillip Friedrich Freiherr von Hardenberg . Friedrich Schlegel và Novalis là hai nhà văn tiêu biểu của thời kỳ Tiền văn học lãng mạn. Novalis địng nghĩa : ” Cần phải lãng mạn hóa thế giới. Lãng mạn hóa không phải gì khác hơn là một sự thay đổi chất lượng . Tôi lãng mạn hóa bằng cách cho cái thấp hèn một ý nghĩa cao cả, cái bình thường một vẻ huyền bí, cái quen thuộc một vẻ đẹp xa lạ, cái hữu hạn một vẻ đẹp của sự vô cùng tận…” Tuy chỉ có hai năm sáng tác , nhưng với bài Tụng ca gởi bóng đêm (Hymne an die Nacht) và với tiểu thuyết về ca sĩ huyền thọai thời Minnesang Heinrich von Ofterdingen ông trở thành nhà văn tiêu biểu nhất của Tiền văn học lãng mạn. Với ngôn ngữ giầu âm điệu từ tâm hồn thơ mộng, đa sầu đa cảm , với sức tưởng tượng tưởng chừng không bao giờ cạn kiệt, Novalis đã tạo ra một nhân vật tiêu biểu cho văn học lãng mạn Đức là Heinrich von Ofterdingen. Heinrich tự hỏi:
     - Giờ chúng ta đi đâu nhỉ ?
     -/ Lúc nào cũng về nhà, trở về với lòng ta .


     Vốn “ghê tởm đối với thực tại (của nền sản xuất tư bản) và có nguyện vọng mãnh liệt muốn thóat khỏi thực tại đó”, Novalis viết tiểu thuyết Heinrich von Ofterdingen với dụng ý phản bác lại tiểu thuyết Những năm học nghề của Wilhelm Meister của đại văn hào Goethe-một bộ tiểu thuyết có tiếng vang lớn trong thời bấy giờ, vì nó giúp độc gỉa định hướng theo xu hướng phát triển của thời đại: Sự hình thành và phát triển của nền sản xuất máy móc cùng với mặt trái của nó là hiện tượng tất yếu của lịch sử. Bông hoa xanh (Blaue Blume) mà Heinrich von Ofterdingen thường ôm ấp trong mộng được coi là biểu tượng của văn học lãng mạn Đức, chính vì thế người ta gọi Novalis là Ông hòang của văn học lãng mạn Đức.

    Novalis sinh ra và lớn lên trong khung cảnh lòng mộ đạo của gia đình trong cộng đồng thiên chúa giáo ở Herrnhuter. Novalis học Luật ở Leipzig và Wittenberg. Tốt nghiệp đại học ông đi làm ở Tennenstedt thuộc vùng Sachsen. Trong thời gian làm Luật sư ở đây, ông làm quen với một thiếu nữ quí tộc mới mười ba tuổi là Sophie von Kũhn. Ngày 15.3.1795 , chàng đính hôn với Sophie von Kũhn. Nàng mất hai năm sau đó vào ngày 19.3.1797 vì bệnh lao phổi. Cái chết qúa trẻ của vị hôn thê làm chàng trai ngoan đạo đau khổ, làm chàng luôn nghĩ tới cái chết thần bí ở con người và chàng muốn được đi theo nàng. Mối tình sâu nặng nhưng ngắn ngủi với hình ảnh người yêu chết trẻ đã trở thành biểu tượng cho kiếp sống mong manh , vật vờ của con người ở nơi Novalis. Cái đó chính là nhân tố chủ quan quyết định đến sự nghiệp văn chương của chàng trai Novalis. Trong tâm trạng rối bời những xúc động bởi mối tình đẹp ngắn ngủi do cái chết quá trẻ của người yêu (khi mười lăm tuổi) chàng viết Tụng ca gửi bóng đêm . Bài thơ có sáu chương và nó thuộc lọai thơ bộc lộ thế giới quan, một lọai thơ thơ rất phổ biến ở thế kỷ XVIII. Novalis bộc lộ tâm trạng mình thông qua bài Tụng ca, chàng không lý giải được những đau khổ kia từ đâu tới. Chàng cho rằng, không thể tìm thấy hạnh phúc ở trần gian, chỉ có thể thấy hạnh phúc trong bóng đêm vĩnh cửu, nơi con người thóat khỏi những dày vò trần thế, nơi con người về với cõi vô cùng của nội tâm mình. Novalis gọi bóng đêm là Nữ hòang và là Vị thần thiêng liêng xây dựng cuộc sống. Tiếp đến Novalis ca ngợi cái chết, vì nó là một đêm dài vô tận, nơi con người tiếp tục sống cuộc đời khác nơi cực lạc, ở đó con người bắt đầu cuộc sống thực. Novalis coi Cây thánh giá đạo Cơ đốc là vật đảm bảo cho một cuộc sống sung sướng ở thế giới bên kia và đó là Lá cờ chiến thắng của thế hệ mình.

Ludwig Tieck (1773-1853)

Ludwig còn có những bút danh như Peter Lebrecht, Gottlieb Fãrber . Ông học Trường dòng (Gymnasium) ở Berlin từ 1782 tới 1792, ông muốn trở thành diễn viên, nhưng theo lời khuyên của gia đình ông học Thần học và Ngữ văn ở thành phố đông nam nước Đức là Halle, sau đó lại chuyển về thành phố ở miền trung nước Đức là Gõttingen để học Lịch sử và Văn học (chủ yếu là văn học Anh). Ludwig Tieck là người có năng khiếu văn, khi còn đang học ở đại học (1792-1797) , ông đã cho xuất bản năm 1796 truyện Chàng Eckbert tóc hoe vàng và truyện Cô Magelone xinh đẹp. Đó là những truyện Tieck phóng tác theo cốt truyện của truyện cổ tích với giọng văn diễu cợt mỉa mai kiểu văn học lãng mạn. 1797, Tieck viết Con mèo đi hia. Những nhân vật trong truyện giống như các nhân vật thường thấy ở trong truyện cổ tích : người, động vật, ma qủy. Câu chuyện chế nhạo quan niệm và cuộc sống tù túng của tầng lớp thị dân. Chú mèo Hinz dám xóa bỏ những luật lệ phong kiến . Hanswurst bảo mèo như thế là đùa giỡn. Mèo bị đưa đi lưu đầy, vì người ta cấm đùa giỡn. Trong xã hội thì tên hề cung đình cũng nhận số tiền lương như nhà học giả. Tòan những chuyện thật mà bỡn, không sao phân ranh giới được, đâu là cuộc đời, đâu là sân khấu. Cuộc đời chỉ là một vở kịch, tất cả mọi người đều là diễn viên trên sân khấu cuộc đời. Với truyện Con mèo đi hia , Ludwig Tieck được coi là người mở đường cho lối viết văn như lối viết truyện cổ dân gian trong Lịch sử văn học Đức. 1798, Tieck viết tác phẩm Những chuyến du ngọan của chàng Franz Sternbald. Câu chuyện kể về cuộc đời lang thang vô định của họa sĩ Franz Sternbald, học trò của danh họa nổi tiếng thế giới Dũrer . Sternbald rời Nũrnberg sang Hà Lan và Ý. Tại những nơi này , chàng gặp gỡ người ở mọi tầng lớp và tranh luận với họ về nghệ thuật. Sternbald là mẫu người lang thang vô định của văn học lãng mạn- con người đang rối bời tâm trí trong lúc đi tìm lý tưởng và sự hài hòa. Tieck dựa theo lối viết của Goethe trong tiểu thuyết Những năm học nghề của Wilhelm Meister, một tiểu thuyết kể về con đường phát triển của Wilhelm Meister, một con người đi đúng hướng phát triển của xã hội bằng cách đi học nghề hữu dụng. Sternbald của Tieck cũng đi học nghề, nhưng học nghề để trở thành nghệ sĩ theo Trường phái lãng mạn Đức. Trong giai đọan đầu của cuộc đời sáng tác Tieck thuộc Trường phái Văn học lãng mạn. Tieck quen thân với những thành viên của văn học lãng mạn như Novalis, F. Schlegel, A.W. Schlegel, Brentano, với nhà triết học Schelling, Fichte, và sau này với hai đại văn hào Goethe và Schiller.

Ludwig Tieck không những là nhà văn, mà còn là nhà thơ lãng mạn có ảnh hưởng tới sự phát triển của thơ Đức. Thơ ông thường đề cập tới nỗi nhớ nhung, nỗi cô đơn, niềm hy vọng và tình yêu, đặc biệt thơ về thiên nhiên và về các lòai hoa. Thơ ông uyển chuyển, giầu âm điệu và có âm vang tâm hồn nghệ sĩ.

Wilhelm Heinrich Wackenroder (1773-1798)

W. H. Wackenroder còn có bút danh là Ernst Winter. Ông là con Bộ trưởng tư pháp và là bạn học của Ludwig Tieck. 1793 ông học Luật cùng với Tieck, hai người đã đến thành phố Bamberg và thành phố Nũrnberg để tham quan những công trình kiến trúc cổ, năm 1794 ông chuyển về thành phố Gõttingen học tiếp và có đi tham quan thành phố Kassel và thành phố Salzdahlun. 1976, ông đến thành phố nằm dọc sông Elbe là Dresden để tham quan Phòng tranh nổi tiếng nước Đức ở đây. Năm 1797, ông cho xuất bản tập Nỗi lòng của một tu sĩ yêu nghệ thuật (Herzenergiessungen eines kunstliebenden Klosterbruders). Wackenroder kể những cảm nhận nghệ thuật của mình trong những chuyến đi du lịch tham quan nói trên. Tập luận văn này được coi như là một trong những luận văn đầu tiên mang tính chất cương lĩnh cho văn học lãng mạn Đức . Tập luận văn này tỏ lòng ngưỡng mộ , tôn vinh thời Phục hưng (Renaissance), tôn vinh những bậc thầy của nghệ thuật tạo hình, của hội họa, đặc biệt tôn sùng họa sĩ Dũrer và họa sĩ Raffael coi những tác phẩm của họ là những mẫu mực của cách biểu hiện , diễn đạt tâm linh. Qua Raffael , ông phản bác lại quan điểm nghệ thuật ngợi ca vẻ đẹp tạo hình Hy Lạp do Winkelmann khởi xướng. Wackenroder cho rằng , sức sáng tạo của nghệ sĩ có được từ sự kết hợp của nghệ thuật với thần bí. Ông ca ngợi những tác phẩm nghệ thuật bỏ ranh giới giữa các thể lọai, để cho âm nhạc hòa quyện cùng văn học và để cho nó thay thế nhau. Tập luận văn này có ảnh hưởng nhiều tới các nhà văn lãng mạn Đức.

2. Thời trung hưng của văn học lãng mạn 1806-1815

Tháng mười năm 1806, Napoleon củng cố ách thống trị ở Trung Âu qua chiến thắng ở thành phố Jena và ở thành phố Auerstedt trên đất Đức. Giờ đây xuất hiện trên văn đàn một thế hệ mới trẻ hơn với sưu tập Chiếc tù và kỳ diệu của chú bé. Hai năm sau, vào năm 1808 hình thành một trung tâm văn học lãng mạn mới ở thành phố đầy thơ mộng, đồng thời cũng là thành phố đại học Heidelberg . Vì vậy văn học thời kỳ này còn gọi là Văn học lãng mạn trường phái Heidelberg. Trong khi các nhà văn Tiền lãng mạn quay lưng lại với khung cảnh xã hội thì các nhà văn thế hệ mợinhân thấy có thể đóng góp sức mình trong việc giải quyết những vấn đề xã hội của dân tộc thông qua văn học. Họ dồn tâm trí vào việc sưu tầm dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, vào việc nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc - ngôn ngữ Đức, họ quan tâm tới Lịch sử Đức và coi những điều đó là cội nguồn của tinh thần dân tộc Đức. Thời trung hưng của văn học lãng mạn biểu lộ rõ khuynh hướng làm sống lại những thành quả trong quá khứ, trước tiên phải kể tới dân ca và các thể lọai của văn học dân gian . Những nhà văn tiêu biểu của Văn học lãng mạn thời trung hưng là C. Brentano, J. v. Eichendorff, A. v. Arnim, Jacob và Wilhelm Grimm, W. H. von Kleist.

Clemens Brentano (1778-1842)

Brentano là con trai một gia đình thương gia ở Frankfurt. Cha là thương gia người Ý Pietro Antonio Brentano. Mẹ là Maximiliane von la Roche. 1797 B. học đại học mỏ ở Halle, 1798-1800 học ở Jena, trong thời gian học đại học này, B. kết bạn văn chương với Wieland, Herder, Goethe, Savigny, Schlegels, Fichte, Tieck và nữ văn sĩ Sophie Mereau, người mà sau này là vợ của chính Brentano. 1801, B. tới Gõttingen, kết bạn với Achim von Arnim. Trong chuyến đi du lịch dọc sông Rhein với Arnim , B. và A. đã nghe các ca sĩ hát những bài dân ca, hình ảnh này đã gây ấn tượng mạnh trong lòng B. và A. Do được hưởng một gia tài lớn nên từ thời gian này trở đi, B. sống bằng gia sản ấy và bằng văn thơ và thường xuyên đi du lịch giữa hai thành phố đẹp ở miền trung du là Heidelberg và Gõttingen. Cũng trong thời gian này B. sưu tầm dân ca. 1806-1808, Brentano cùng với Arnim cho xuất bản Chiếc tù và kỳ diệu của chú bé ( Des Knaben Wunderhorn). Đó là một sưu tập những bài dân ca đã được Brentano cải biên. Phần đông đó là những bài tình ca, thơ của Breanton đặc biệt giầu nhạc tính, giầu âm điệu. Thơ tình của Brentano mang đầy nhiệt huyết, nó gợi trong lòng người ước mong về cái đẹp và sự cao thượng . Có những bài thơ lại đầy kịch tính như bài Ballade Lore Lay , bài này Heine đã sọan lại và nó được coi như là một bài dân ca . Thơ của Brentano có lúc bi thảm, có lúc đầy huyền bí, có lúc lại thanh thoát. Do thấu hiểu nỗi lòng của người dân nên Brentano đã sáng tác những bài hát có tinh thần bình đẳng, như trong bài Những nhạc sĩ lang thang vui tính (Lustige Musikanten) :

         Những lời thơ ngân vang
         Nhiệt huyết truyền khắp thân
         Tôi huýt sáo mừng vui
         Như muốn được yên nghỉ.

        

Trong thời gian nước Đức chịu ách thống trị của Napoleon, lòng người dao động, tập Chiếc tù và diệu kỳ của chú bé là một khẳng định vốn văn hoá của dân tộc Đức, nó góp phần thức tỉnh ý thức dân tộc ở người dân trong cuộc chiến tranh giải phóng, chống ách thống trị của Napoleon. 1808-1818, Brentano lại sống một cuộc đời vô định, nhưng ông thường hay sống ở Berlin và giao du với những nhà văn thơ Kleist, Eichendorff, A. Mũller, thời gian 1813-1814 ông sống ở Viên. Sau chiến tranh giải phóng nước Đức khỏi ách thống trị Napoleon, những lực lượng yêu tự do hay có khuynh hướng tự do đều bị đàn áp. Áp lực ấy làm cho nhà thơ mẫn cảm Brentano suy sụp tinh thần :

         Chẳng bao giờ trở lại thời thanh xuân
         Thời không có những tự đánh lừa
         Giờ tình yêu đã chết, hết cả niềm tin, hy vọng.
         Ngực đầy sẹo theo cùng năm tháng

         Bài Terzinen zum Rosenkranz

1817, Brentano lại chuyển sang công giáo thần bí và từ đó ông sống một cuộc đời vô định, lúc ở Mũnchen, lúc ở Frankfurt. Vì thường xuyên thay đổi chỗ ở và với tính khí của một nhà thơ trữ tình nên cuộc đời Brentano là những cuộc tình dang dở hay bất hạnh với Sophie Mereau, Augusta Busmann, Luise Hensel, Anna Katharina Emmerick, Emilie Linder.

Ngoài thơ, Brentano còn viết tiểu thuyết Godwi hay là bức tượng đá của người mẹ với phụ đề: Một tiểu thuyết hoang dã kể về Maria ( Godwi oder Das steinerne Bild der Mutter mit dem Untertitel: Ein verwilderter Roman von Maria- 1801) , truyện ngắn phóng tác theo các truyện cổ dân gian Câu chuyện về chàng Kasperl hiền lành và nàng Annerl xinh đẹp, và hài kịch Ponce de Leon (1804) Trong truyện ngắn của Brentano, biên giới giữa truyện ngắn và truyện cổ dân gian không còn nữa, chúng đan chéo nhau thêu dệt thành những câu chuyện có tính hiện thực và phê phán xã hội, sự thực ở đây đã được tác giả thi vị hóa.

Brentano và Arnim là những nhà văn tiêu biểu nhất của Trường phái lãng mạn Heidelberg.

Achim von Arnim (1781-1831)

Arnim là người bạn thân thiết nhất của Brentano.Thơ ông chỉ kém thơ của Brentano. Cả hai đều là những nhà thơ văn tiêu biểu nhất của Văn học lãng mạn thời trung hưng. Arnim tên thật là Ludwig Joachim von Arnim. Arnim là con trai một gia đình qúy tộc phục vụ trong ngành ngọai giao của Phổ. Arnim ở Berlin với bà nội và được giáo dục theo truyền thống qúy tộc Phổ. 1798/99, Arnim học Vật lý ở Halle, rồi 1800/1801 chuyển về học ở Gõttingen. Đầu năm 1801, Arnim kết bạn với Brentano. 1802, Arnim làm quen với em gái Brentano là Bettina. Arnim cùng với Brentano đi chu du dọc sông Rhein tới tận Dũsseldorf. Chuyến đi du lịch này là nguồn cảm hứng về sưu tập dân ca và những bài thơ hay đang lưu truyền ở nơi những người dân bình dị.

Arnim sang Thụy Sĩ cuối năm 1802, đầu năm 1803 ông sang Paris, từ tháng 6.1803 tới hè 1804 ông ở Anh và Xcốt-len (Schottland). Tháng 5.1805 cùng với Brentano về Berlin , sau đó đi Heidelberg để chuẩn bị cho xuất bản tập 1 cuốn sách Chiếc tù và kỳ diệu của chú bé vào đầu năm 1806.

1807 Arnim về Kassel để sọan thảo tập 2 và tập 3, 1808 ông tới Heidelberg để lo in tập 2 và tập 3 cuốn sách Chiếc tù và kỳ diệu của chú bé. 1811 Arnim cưới Bettina- em gái Brentano. 1813 Arnim là đại úy quân đội trong cuộc chiến tranh giải phóng Đức khỏi ách thống trị Napoleon. Từ tháng 10.1813 tới tháng 1.1814, Arnim là biên tập viên tờ báo Thông tín viên Phổ , vì tính tình phóng khóang không chịu nổi sự kiểm duyệt gắt gao nên Arnim rút về trang trại ở ẩn viết văn. Trong số những tác phẩm Arnim viết có hai tác phẩm có giá trị văn học là Isabella của Ai-cập (Isabella von Aõgypten) và Người phế binh điên cuồng ở pháo đài Ratonneau (Der tolle Invalide auf dem Fort Ratonneau)

Joseph Freiherr von Eichendorff (1788-1857)

Eichendorff là con trai một sĩ quan Quân đội Phổ, sinh tại lâu đài Lubowitz ngày 10.3.1788. Thưở nhỏ Eichendorff được gia sư giáo dục theo lối qúy tộc Thiên chúa giáo. 10.1801 cùng với em trai Wilhelm theo học Matthias-Gymnasium. 1804/1805 theo học đại học học kỳ mùa đông ở Breslau,rồi sang học kỳ muà xuân về Halle học Luật và Triết và có cuộc hội ngộ đầu tiên với trào lưu Văn học lãng mạn qua văn phẩm của Novalis. Mùa thu 1805, Eichendorff làm chuyến lãng du từ phương Nam lên phương Bắc, đi bộ qua Thũringen, Harz, Hamburg, Lũbeck và trở về tới Halle ngày 1.8.1806. Tháng 5.1807, Eichendorff tới Heidelberg rồi đi Paris. Tháng 6.1808 , ông trở về Paris gặp Arnim và Brentano, sau đó ông trở về quê. Mùa thu 1809, Eichendorff tới Berlin, giờ đây ông có quan hệ mật thiết hơn với Arnim và Brentano. Eichendorff là nhà thơ tiêu biểu của Văn học lãng mạn thời trung hưng. Thơ ông giầu âm điệu, mang tính dân ca, có những rung cản sâu sắc, lời thơ nhẹ nhàng bay bướm, biểu hiện tình yêu thiên nhiên , cái thú lãng du :

         Suối chảy từ trong núi
         Sơn ca hót véo von
         Còn gì hơn thế nữa
         Cất cao giọng hát vang

Bài: Chàng lãng tử vui tính (Der frohe Wandersmann) hoặc mang mầu sắc tôn giáo :

         Thật tĩnh lặng tuyệt vời
         Cô quạnh ở trên đời
         Rừng nghiêng mình chào cúi
         Khi Chúa trời đi qua .

Bài : Lời cầu nguyện sớm mai (Das Morgengebet)

Những bài thơ , đồng thời là những bài hát rất quen thuộc của Văn học lãng mạn là những bài Đêm trăng (Mondnacht), Thợ săn chia tay nhau (Der Jãger Abschied), Thung lũng xa xa, núi cao vời vợi ( O Tãler weit, o Hõhen) Nếu chúa thương ai đó ( Wem Gott will rechte Gunst erweisen) Ở giếng nước mát (In einem kũhlen Grunde) đều là thơ của Eichendorff.

Trong số tác phẩm văn xuôi của Eichendorff chỉ còn tác phẩm Cuộc đời của chàng trai vô tích sự (Aus dem Leben eines Taugennichts) là được truyền tụng tới ngày nay. Chuyện kể về cuộc chu du thiên hạ của chàng trai xay bột với những tình tiết hoang tưởng như trong truyện cổ tích, câu chuyện có tính chất phản đối trật tự xã hội tư bản đang trên đà phát triển, tác phẩm này như một lời đối đáp của Văn học lãng mạn với tác phẩm Những năm học nghề của Wilhelm Meister của Johann Wolfgang Goethe.

Jacob Grimm và Wilhelm Grimm (1785-1863) (1786-1859)

Nói đến Truyện cổ tích là người Đức nhắc ngay tới anh em Grimm. Bố của anh em Grimm là Luật sư. Thưở nhỏ hai anh em học chung một Trường, ngủ chung một giường, lớn lên cùng học Luật, hầu như suốt đời hai anh em gắn bó với nhau, ở bên cạnh nhau, không muốn rời nhau một bước. Năm 1802 Jaob học Luật ở Marburg, năm sau-1803- Wilhelm học Luật ở Kassel. Sau khi tốt nghiệp đại học, hai anh em lặng lẽ về các thôn làng ở Main, Kinzig, Kassel thuộc vùng Hessen nghe những người dân bình dị kể truyện dân gian và ghi chép lại. Năm 1812 tập I được xuất bản , tập II ra mắt bạn đọc năm 1814. Anh em Grimm đặt tên bộ sách là Truyện cổ tích kể cho trẻ em và trong gia đình . Ở trang đầu cuốn sách đề :” Tặng bà Elisabet von Arnim và cháu nhỏ Johannes Pheraimun” . Thực ra lúc đầu anh em Grimm cùng với Brentano sưu tầm nghiên cứu anh hùng ca Nibelungen và truyền thuyết Dieterich. Brentano sưu tầm truyện cổ dân gian và có ý định cho xuất bản năm 1809, nhưng kế họach ấy ông bỏ. Brentano chuyển sang sáng tác truyện theo lối kể của chuyện cổ tích. Ngược lại hai anh em Grimm từ chỗ sưu tầm Truyện cổ tích chỉ là nguồn vui trong lúc nhàn rỗi lại trở thành công việc nghiêm túc đi cùng với hai anh em trong suốt cuộc đời. Trong Lời nói đầu, anh em Grimm giải thích việc đặt tên sách:

“ Những câu chuyện tưởng tượng được kể cho trẻ nhỏ nghe để thức tỉnh trong tâm hồn ngây thơ trong trắng của các em những suy nghĩ và động lực của con tim, và để cho những cái đó phát triển trong tâm hồn các em. Chất thơ mộc mạc gần gũi làm cho chúng ta thấy đời vui , sự thật trong truyện có thể răn người đời.”

Gorres - bạn thân của anh em Grimm- viết thư cho Wilhelm Grimm kể về thú vui của trẻ con khi đọc tập sách và kết luận: “ Có thể nói tập sách có chỗ đứng xứng đáng của nó và để lại dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống đám trẻ con.” Tác dụng của bộ sách lớn hơn nhiều so với sự tưởng tượng của anh em Grimm, nó có tiếng vang rất lớn trong đời sống xã hội, nó hướng mọi người trở về với sức mạnh vốn tiềm tàng trong nhân dân và bắt nguồn từ nhân dân, nó kích động được ý thức dân tộc và là nguồn động viên nhân dân trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của Napoleon. Từ khi xuất bản lần thứ nhất năm 1812 tới khi xuất bản lần thứ bảy năm 1857 - lần xuất bản cuối cùng khi anh em Grimm còn sống- bộ sách được bổ sung, sửa chữa nhiều lần. Từ những câu chuyện rời rạc, không nhất quán về nội dung cũng như văn phong- như Arnim nhận xét : “ Vì quá trung thành với lời nghe kể nên tôi thấy những truyện cổ tích sao nó rời rạc, không được trau chuốt… Tạo sao những truyện đó không thể kể hay hơn được.” Wilhelm đã biên sọan chỉnh lý bộ sách bằng lối kể chuyện dí dỏm, giầu hình ảnh, với ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, ông đã nâng nó thành tác phẩm cổ điển của văn học thế giới.

Truyện cổ tích là một thể lọai hòan chỉnh của văn học truyền miệng- văn học dân gian, nó là sản phẩmcủa sáng tác có tính tập thể và được gọt rũa qua không biết bao nhiêu thế hệ, nó mang đậm nét tính nhân dân và phản ánh tinh thần lạc quan vào sự tất thắng của chính nghĩa, niềm tin vào thiện bao giờ cũng thắng ác, nó phản ánh ước vọng sống an vui của người dân. Truyện cổ tích phản ánh trung thực quan điểm của người dân về công lý xã hội, nó là tấm gương phản chiếu tín ngưỡng, phong tục tập quán, tâm tình, ước vọng của một dân tộc, chính vì nét này mà các nhà sử học coi kho tàng truyện cổ tích là những tư liệu quý trong khi nghiên cứu các thời kỳ khác nhau của một dân tộc.

Mặc dù được lưu truyền qua nhiều thế hệ và ở mỗi dân tộc truyện cổ dân gian lại có những nét riêng độc đáo của nó. Trẻ em say mê truyện cổ tích bởi những điều kỳ lạ hợp với ước vọng mình, người lớn bị thu hút bởi những triết lý đơn giản nhưng sâu sắc, người già đọc truyện cổ tích rồi vỗ tay tiếc rằng, giờ mình mới thấy hết sự phong phú của cuộc sống.

Âm thầm, lặng lẽ, ngày càng đi sâu hơn trong nghiên cứu và nhất quán trong việc làm, anh em Grimm lần lượt cho xuất bản Truyền thuyết Đức tập I năm 1816-1818, tập II năm 1819-1837, Ngữ pháp tiếng Đức năm 1828, Thần thọai Đức năm 1835, Từ điển Đức-Đức năm 1852, anh em Grimm chỉ kịp hòan thành bốn tập trong tổng số mười sáu tập của bộ sách Từ điển Đức-Đức. Với những công trình nghiên cứu trên, anh em Grimm đã đặt nền móng cho ngành Ngữ văn Đức hiện đại nên hai ông được coi là những người sáng lập ra ngành Ngữ văn Đức hiện đại . Sau khi anh em Grimm qua đời, để tưởng nhớ tới công lao của anh em Grimm, nên những lần tái bản bộ sách Truyện cổ tích kể cho trẻ em và trong gia đình được gọi là *Truyện cổ Grimm.

* Truyện cổ Grimm, toàn tập , Lương Văn Hồng dịch và giới thiệu, in lần thứ 7 năm 2004,

3. Hậu văn học lãng mạn

Thời kỳ Hậu văn học lãng mạn bắt đầu năm 1815 – sau cuộc chiến tranh giải phóng nước Đức khỏi ách thống trị của Napoleon.- và kết thúc vào năm 1830 – vào lúc có cuộc Cách mạng tháng bảy năm 1830. Hậu văn học lãng mạn biểu thị tâm trạng thất vọng về những hứa hẹn của tầng lớp thống trị, giờ đây những cái đó chỉ là lừa dối. Ở thời kỳ này các nhà văn thơ đã đạt được những thành công trong nghệ thuật cao hơn giai đọan trước, họ không trốn tránh hiện thực đương thời , mà đang trên đà tìm một lối ra. Ở những sáng tác của họ đã biểu lộ những khuynh hướng mới. Những nhà văn thơ tiêu biểu của Hậu văn học lãng mạn là E. T. A. Hoffmann, W. Hauff, L. Uhland, A. Chamisso. Wilhelm Mũller

Ernst Theodor Amadeus Hoffmann (1776-1822)

Ông có tên thật là Ernst Theodor Wilhelm Hoffmann, nhưng do ngưỡng mộ Wolfgang Amadeus Mozart nên ông lấy tên là Ernst Theodor Amadeus Hoffmann. Hoffmann là con một luật sư, ông sinh ngày 24.1.1776 ở Kõnigsberg (từ 1945 tên là Kaliningrad) và mất ngày 25.6.1822 ở Berlin. 1792-1795 ông học Luật ở Kõnigsberg (thuộc Phổ). 1798-1808 Hoffmann là công chức. Hoffmann là nghệ sĩ đa tài lớn nhất của văn học lãng mạn Đức. Trên các lĩnh vực Văn, Nhạc , Họa ông đều có những sáng tác sáng giá. Ông được mời làm Nhạc trưởng ở Bamberg (1808-1813), 1813 ông làm Giám đốc âm nhạc ở thành phố hội chợ Leipzig và thành phố văn hóa bên bờ sông Elbe Dresen, 1814 ông được mời làm Ủy viên Hội đồng Pháp quan ở Berlin (ban ngày ông làm việc ở Tòa án, đêm ông sống đời sống âm nhạc), nhưng ông cũng lại là nhà biếm họa tài ba. Hình ảnh Hoffmann với hai đời sống (Doppelleben) như nói ở trên ta lại thấy ở một số nhân vật của ông (cũng sống hai đời sống). Hoffmann là nhà văn Đức có nhiều ảnh hưởng tới nền văn học Đức, Nga, Pháp, Anh, và Mỹ, trong số các văn nghệ sĩ Richard Wagner, Edgar Poe, M. Dostojewski. Truyện của Hoffmann nổi tiếng thế giới bởi đời thường và thế giới tưởng tượng , mộng và thực hòa quyện với nhau bằng giọng văn hài hước mỉa mai, bằng lối kể giầu hình ảnh. *Truyện cổ tích của Hoffmann vẽ lên một thế giới đời thường nhưng mang đầy mầu sắc huyền ảo thần kỳ ma quái (đấy chính là đặc trưng của truyện cổ tích "hiện đại", truyện cổ tích do nhà văn sáng tác ra : Kunstmãrchen). Lối kể chuyện (như lối kể của truyện cổ tích) này tạo thành một phong cách riêng rất Hoffmann. Lối kể chuyện ấy có ảnh hưởng tới những nhà văn như Keller, Storm, Hofmannsthal. Những truyện nổi tiếng của Hoffmann là Chiếc nồi vàng (Der goldene Topf), Công chúa Bambilla (Die Prinzessin Bambilla), Người cắn hạt dẻ và vua chuuột (Nussknacker und Mãusekoenig). Trong truyện cổ tích nổi tiếng Chiếc nồi vàng ta thấy một nhân vật rất đặc trưng của Văn học lãng mạn kiểu Hoffmann: Anh chàng sinh viên Anselmus luôn ở trong tình trạng đầy mâu thuẫn giữa cuộc sống thường nhật và đời sống nghệ thuật. Chỉ những lúc sống trong thế giới tưởng tượng anh mới thấy thỏa mãn. Đây chính là cuộc đấu tranh nội tâm giữa cái Thiện và cái Ác. Kết cục bao giờ Thiện cũng thắng Ác. Trong những sáng tác văn xuôi của Hoffmann có những tác phẩm nổi tiếng là Anh em nhà Serapion, 1819-1821 (Serapionbrueder), Thợ cả Martin der Kũfner và thợ bạn, 1819 (Meister Martin der Kũfner und seine Gesellen), Rượu trường sinh của quỷ, 1816 (Die Exiliere des Teufels), Quan niệm sống của chú mèo Murr, 1819- 1821 (Lebensansichten der Kater Murr), Tiểu thư Scudery, 1820 (Das Frãulein Scudery). Câu chuyện trong Thợ cả Martin der Kũfner và thợ bạn xảy ra trong thời Phục hưng (Renaissance), thời gian mà người ta thường nghĩ sản phẩm của nghề thủ công có thể là những tác phẩm nghệ thuật. Khi người thợ bạn làm nên những tác phẩm nghệ thuật thì cũng chính là lúc họ đã thể nghiệm được sự nhất quán giữa cuộc đời, lao động và nghệ thuật. Lao động được tác giả coi như là một việc hữu ích, chứ không phải là sự trừng phạt. Tiểu thuyết chưa hòan thành.

Quan niệm sống của chú mèo Murr

Tiểu thuyết Quan niệm sống của chú mèo Murr của E. T. A. Hoffmann có tính chất tự truyện. Tiểu thuyết kể về quan niệm sống của chú mèo đực Murr và tiểu sử của nhạc trưởng Kreisler. Chú mèo hãnh tiến philixtanh Murr sống trên buồng sát nóc nhà. Chú nghĩ mình là thiên tài. Chó quý phái Ponto dạy mèo phải thành thật trong mọi chuyện, dù là những chuyện nhỏ nhặt. Sự khác biệt về đẳng cấp không cho phép chó kết bạn với mèo, lại càng không thể cùng đi với mèo tới những nơi dạ hội. Hình ảnh chú mèo Murr (philixtanh) và hình ảnh nhạc trưởng Kreisler (người nghệ sĩ) như những cái bóng giỡn nhại nhau. Cuộc sống của chú mèo Murr chẳng khác gì cuộc sống cá nhân tư sản ích kỷ và bị coi là cuộc sống của lọai người philixtanh, cuộc sống của nhạc trưởng cho thấy mâu thuẫn nội tâm của người nghệ sĩ giữa lý tưởng cao đẹp trong nghệ thuật và thực tế cạnh tranh khốc liệt và trần trụi trong xã hội tư bản lúc bấy giờ. Lý tưởng cao đẹp và thực tế khắc nghiệt tạo nên áp lực khó mà dung hòa được nơi người nghệ sĩ. Thế giới của người hướng theo lý tưởng cao đẹp- những nghệ sĩ- không thể nào tương hợp được với thế giới của những người sống chết chạy theo lợi nhuận (đồng tiền) -những nhà tư sản.

Ludwig Uhland (1787-1862)

Uhland là nhà thơ tiêu biểu nhất của Nhóm nhà thơ lãng mạn vùng Schwaben. Uhland thôi sáng tác sớm, sau năm 1819 chỉ còn thấy xuất bản Tụng ca Hạnh phúc vùng Edenball (Ballade Glũck von Edenball). Ludwig Uhland là Gíao sư ngôn ngữ và văn học Đức, Gs văn học Pháp ở Đại học Tũbingen nên cổ tích và truyền thuyết Đức rất quen thuộc và thân thiết đối với ông. Thơ ông hay lấy đề tài từ truyền thuyết và cổ tích , chất dân ca rất rõ nét trong thơ của Uhland. Uhland có sáng tác hai vở kịch Công tước Ernst vùng Schwaben (Herzog Ernst von Schwaben), Ludwig - người vùng Bayer (Ludwig der Bayer), nhưng ông không thành công. Với tư cách là học giả ông đã biên sọan một cuốn sách về Walter von der Vogelweide. Chất dân ca rất rõ nét trong thơ của Uhland, nên thơ của ông được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có Schubert, Brahms, Liszt, Schumann, Mendelssohn-Bartholdy. Bài thơ Người bạn tốt (Der gute Kamerad) được nhạc sĩ Silcher phổ nhạc đã trở thành bài hát được ưa chuộng nhất ở Đức. Hebbel nói: "Uhland là nhà thơ duy nhất mà tôi biết chắc chắn sẽ còn âm vang sống động trong lòng những thế hệ sau này".

Adelbert von Chamisso (1781-1838)

Chamisso là nhà văn thơ, nhà khoa học Đức gốc Pháp. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc Pháp di cư sang Berlin trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Khi còn trẻ, Chamisso rất chăm học tiếng Đức, nên ông sớm có thơ đăng trên các báo và tạp chí của các nhà văn thơ lãng mạn Đức. Chamisso học Thực vật ở Trường đại học tổng hợp Berlin và tham gia một chuyến đi nghiên cứu vòng quanh thế giới trên chiếc tầu Rurik của Nga vào những năm 1815-1818. Ông kể lại chuyến đi ấy trong cuốn sách Du lịch vòng quanh thế giới. Chamisso rất say mê công việc nghiên cứu ở Thảo cầm viên Berlin. Thơ thời thanh niên của Chamisso chủ yếu là thơ tình tả nỗi cô đơn của một con người đa cảm. Đóng góp lớn nhất của Chamisso cho thi ca là chất dân ca trong thơ của ông. Thơ ông phản ánh khát vọng về một xã hội đề cao giá trị con người và vì thế ít nhiều khát vọng này đã vượt ra khỏi những ràng buộc của truyền thống lãng mạn., thơ ông đề cập tới những tiến bộ kỹ thuật thời bấy giờ Ngựa (chạy bằng) hơi nước (Dampfross). Chamisso nhận thức được mâu thuẫn giai cấp ngày một sâu sắc trong quá trình công nghiệp hóa, ông đứng về phía những người nghèo khổ bị áp bức Bà cụ giặt thuê (Die alte Waschfrau), Người ăn mày và con chó (Der Bettler und sein Hund) Lời cầu nguyện của người đàn bà góa (Das Gebet der Witwe).

* Truyện kỳ dị về Peter Schlemihl

Chamisso nổi tiếng bởi tiểu thuyết Truyện kỳ dị về Peter Schlemihl (Peter Schlemihls wunderbare Geschichte, 1814). Theo tiếng lóng của giới lừa đảo bịp bợm thì từ Schlemihl có nghĩa là Pechvogel: Con chim hay gặp rủi ro, điều đó có nghĩa là Schlemihl là con người luôn gặp rủi ro. Sống trong xã hội đồng tiền có thể khuynh đảo nhiều thứ, chàng trai nghèo Schlemihl tưởng cứ có tiền là có tất cả nên chàng đã bán cái bóng của mình lấy một túi tiền cứ vơi lại tự đầy. Cái hạnh phúc của việc có túi tiền lại chính là nguồn gốc của cuộc sống bất hạnh. Từ khi Schlemihl không còn bóng nữa thì mọi người xa lánh anh, ngay người vợ chưa cưới cũng bỏ anh. Ai cũng ghê sợ *con người không có bóng. Schlemihl trở thành con người giầu có nhưng vô cùng cô đơn giữa đồng lọai- một người đứng bên lề xã hội. Schlemihl tung tẩy với túi tiền lớn, ban phát tiền cho mọi người, nhưng những người này lập tức trở thành những kẻ vô tích sự và những kẻ ăn bám. Tiền không làm cho Peter Schlemihl hạnh phúc. Chán chường cảnh người không bóng, anh ta ném túi tiền xuống vực thẳm. Rồi anh ta trở lại với công việc mà anh thích khi xưa: chăm sóc vườn thực vật. Công việc này tạo cho anh một cuộc sống bình yên. Truyện kỳ dị về Peter Schlemihl có nhiều nét mang *tính chất tự truyện, nó châm biếm sâu cay thói đề cao quá đáng đồng tiền - hình ảnh tượng trưng của thời kỳ bắt đầu công nghiệp hóa - nó nói lên khát vọng của Chamisso về một xã hội ít bị chi phối bởi đồng tiền. Thomas Mann nhận xét: " Chamisso đã nói lên sự day dứt của mình thông qua tác phẩm". Chamisso là nhà văn thơ ở giai đọan cuối từ chủ nghĩa lãng mạn chuyển sang chủ nghĩa cổ điển trong văn học Đức.

* Thông qua nhân vật Peter Schlemihl, Chamisso đã tạo nên hình tượng văn học về người không bóng, hình tượng ấy ta lại thấy trong tác phẩm Người đàn bà không bóng ( Die Frau ohne Schatten, 1919) của Hugo von Hofmannsthal.

* 1792, gia đình Chamisso di cư từ Pháp sang Đức. Chamisso phải khắc phục rất nhiều khó khăn về chính trị và xã hội để có thể hòa nhập với cuộc sống trên quê hương mới - thành phố Berlin.

Wilhelm Mũller

(1794-1827)

Mũller là con một người thợ may ở Dessau. 1812-1816, Mũller học Ngữ văn Đức ở Berlin. 1813, Mũller đi lính tham gia chiến tranh giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của Napoleon. Mũller là hội viên Hội tiếng Đức của thành phố Berlin. 1822-1827, Mũller là người cho xuất bản Tủ sách các nhà thơ Đức thế kỷ XVII. 1826, Mũller là người biên tập Bộ bách khoa thư của Ersch và Gruber. Mũller kết bạn với nhiều nhà văn đương thời, với Tieck ở Dresden, với Goethe ở Weimar, với Kerner, với Schwab, với Uhland ở Wũrttemberg. Thơ của Mũller mang đậm nét nỗi nhớ nhung lâng lâng theo kiểu lãng mạn và trong thơ giầu chất dân ca. Nét đặc biệt của thơ Mũller là ông hay sáng tác Các chùm thơ có tính liên khúc, như chùm thơ Bà chủ xay bột xinh đẹp (Die schõne Mũllerin) gồm 25 bài thơ. Chùm thơ này đã được Schubert phổ nhạc. Một chùm thơ khác cũng rất nổi tiếng của Mũller là chùm thơ ca ngợi tinh thần chiến đấu chống ách thống trị Thổ Nhĩ Ky ø của nhân dân Hy Lạp. Chùm thơ được Mũllerđặt tên Anh hùng ca Hy Lạp. Về thơ của Mũller, Heine viết: " Thơ ông chẳng khác gì những bài dân ca trong sáng, lành mạnh". Những bài thơ của Mũller còn lưu truyền tới nay và thường được hát trong các dịp lễ là Cây bồ đề, Tôi nghe tiếng suối chảy róch rách, Ngao du là thú vui của Mũller (Der Lindenbaum, Ich hõrt' ein Bãchlein rauschen, Das Wandern ist Mũllers Lust).

Wilhelm Hauff

(1802-1827)

Hauff là con trai viên thư ký chính phủ. Ông học Thần học và Triết học ở Tũbingen từ 1820 tới 1825. Tuy học ở trong Tu viện Tũbingen, nhưng Hauff không làm mục sư, mà làm gia sư. 1826 ông đi chu du Pháp, Hà Lan, miền Bắc nước Đức. Hauff là nhà văn ở giai đọan chuyển tíếp giữa Hậu lãng mạn và Tiền chủ nghĩa hiện thực. Hauff nổi tiếng qua tiểu thuyết Lichtenstein (1826), đó là một tiểu thuyết lịch sử có cốt truyện ly kỳ. Với tác phẩm này, Hauff là người đưa tiểu thuyết lịch sử vào Văn học Đức. Hauff còn viết Truyện cổ tích, nổi tiếng là những truyện * Trái tim băng giá (Das kalte Herz) , Con cò Kalif (Kalif Storch) , Người tí hon Nase (Zwerg Kalif) . Hauff còn làm thơ và viết truyện ngắn, đáng lưu ý là truyện ngắn Tùy hứng trong hầm rượu tòa thị chính Bremen (Phantasien im Bremer Ratskeller), truyện tả về cuộc sống và thú vui uống rượu cùng bạn bè và những suy nghĩ về nghệ thuật với văn phong nhẹ nhàng, phóng khóang và trào phúng, vừa hiện thực vừa tùy hứng. Hauff là một nhà văn đa tài, đáng tiếc là ông qua đời khi còn qúa trẻ bởi bệnh sốt viêm não.




VVM.19.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .