Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




ĐỔ PHỦ

杜 甫
(712-770)

N hà thơ Đỗ Phủ - một trong ba thi hào Trung Quốc dưới đời nhà Đường: Lý Bạch (thi tiên ) , Đỗ Phủ (thi thánh ) và Bạch Cư Dị. Liên Hiệp quốc tôn vinh Ông là danh nhân thế giới cùng với Nguyễn Trãi của chúng ta . Ông để lại 1405 bài thơ .

Thạch hào lại - 石壕吏

Lời giới thiệu :

Thạch Hào lại ( 石壕吏 ) là một Trong mười lăm bài thơ Đường bậc trung học hiện nay nó vẫn được xếp vào dòng thơ thơ biên tái,theo định nghĩa rộng, cho dù Đỗ Phủ không thuộc nhóm chủ lực trong dòng thơ này cùng Vương Chí Hoán , Sầm Tham, Lý Kỳ, Vương Hàn. Đây là một trong các bài thơ hay nhất của Đổ Phủ, dòng thơ tự sự sử thi, trong loạt ba bài Tam lại là Đồng Quan lại (潼關吏) Tân An lại (新安吏 ) và Thạch Hào lại ( 石壕吏 ).

Đổ Phủ đã mô tả cảnh bắt lính thời Đường,tuổi bị bắt đưa ra chiến trường là từ mười lăm đến tuổi sáu mươi. Người lính được các vua Đường nướng vào chiến trường Lương châu, hoặc dùng xâm lăng các nước láng giềng, mà nước Việt phương Nam luôn nằm trong tầm ngắm. Thời Đường, con giun đạp mãi cũng quằn , dân nước Việt ta đã có nhiều cuộc khởi nghĩa thành công cho dù rất ngắn do các anh hùng Phùng Hưng, Mai Thúc Loan ( Mai Hắc Đế) . Khách thơ đọc Đôi dòng lịch sử (3) phần cuối trang

Trong bài này, Đổ Phủ dùng thủ pháp “ người dấu mặt “, viên quan (lại) không xuất hiện nhưng tồn tại song hành cùng với bà lão, trong vai người mẹ, người vợ.Trước sau chỉ duy nhất một bà lão than thở ,van xin, và người chứng nhân là thi nhân kể lại. Một thủ pháp rất mới thời bấy giờ.

Theo Tiến sĩ Hồ sĩ Hiệp, trong tập sách giáo trình dành cho học sinh và thầy cô giáo , tập “Thơ đường ở trường phổ thông”, do nhà xuất bản Tổng hợp Khánh Hòa ,1992 (in lần thứ hai với sự sửa chữa) có đoạn viết như sau :

….”Đỉnh cao của nổi khổ này là tuy già nua vẫn phải gạt nước mắt ,thay gia đình để đi phục vụ chiến dịch. Rõ ràng cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh ái quốc và chính nghĩa”.

….Hoài Thanh đã nhận xét: “Bài thơ của ông (Đỗ Phủ ) không gieo vào lòng ta một mối chán nản nặng trĩu như câu chuyện của nhà văn phương Tây, (tức G.Duhamel ) nhưng nó vẫn khiến ta bâng khuâng, nữa thương người cùng cực, nữa oán những ai đã gây nên họa chiến tranh.” [trích tuyển tập Hoài thanh ] .

Laiquangnam


Xin mời các bạn cùng đọc lại nguyên tác ,

Nguyên tác

石壕吏

暮頭石壕村,
有吏夜捉人。
老翁逾牆走,
老婦出門看。
吏呼一何怒!
婦啼一何苦!
聽婦前致詞:
三男鄴城戍,
一男附書至,
二男新戰死。
存者且偷生,
死者長已矣!
室中更無人,
惟有乳下孫。
有孫母未去,
出入無完裙。
老嫗力雖衰,
請從吏夜歸。
急應河陽役,
猶得備晨炊。
夜久語聲絕,
如聞泣幽咽。
天明登前途,
獨與老翁別。

Phiên âm

Thạch Hào lại

Mộ đầu Thạch Hào thôn,
Hữu lại dạ tróc nhân.
Lão ông du tường tẩu,
Lão phụ xuất khan môn.
Lại hô nhất hà nộ,
Phụ đề nhất hà khổ!
Thính phụ tiền trí từ:
"Tam nam Nghiệp Thành thú
Nhất nam phụ thư chí
Nhị nam tân chiến tử.
Tồn giả thả thâu sinh,
Tử giả trường dĩ hỹ!
Thất trung cánh vô nhân,
Duy hữu nhũ hạ tôn.
Hữu tôn mẫu vị khứ,
Xuất nhập vô hoàn quần.
Lão ẩu lực tuy suy,
Thỉnh tòng lại dạ quy.
Cấp ứng Hà Dương dịch,
Do đắc bị thần xuy.
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt,
Như văn khốc u yết.
Thiên minh đăng tiền đồ,
Độc dữ lão ông biệt.

Dịch nghĩa toàn văn

Viên lại thôn Thạch Hào (2)

Buổi tối đến ngủ đỗ thôn Thạch Hào,
Đêm ấy có viên quan lại đến bắt người.
Ông già vượt tường chạy trốn,
Bà già ra coi cổng.
Viên laị quát tháo sao mà dữ thế!
Bà già kêu van sao mà khổ thế!
Lắng nghe bà van lơn :
“ Có ba con trai đều đi thú ở Nghiệp Thành,
Một đứa vừa gửi thư cho biết :
Hai đứa kia vừa chết trận cả !
Đứa sống, sống bấp bênh,
Đứa chết thế là hết !
Trong nhà chẳng còn ai,
Chỉ có đứa cháu đang ấp vú.
Vì có cháu nên mẹ cháu chưa đi,
Ra vào, không có lấy một manh quần lành.
Già này tuy sức đã kém,
Cũng xin theo cậu về ngay đêm nay.
Nếu được kíp chuyển đi phục dịch ở Hà Dương,
Thì còn kịp sửa soạn bữa cơm sáng”.
Đêm khuya, tiếng nói đã im bặt,
Vẫn còn như nghe tiếng nghẹn ngào thút thít.
Sớm mai khách lên đường,
Chỉ cùng ông già từ biệt!

Dịch thơ Việt ngữ

Thạch hào lại
(tạm dịch tiêu đề: Quan lại thôn Thạch Hào )

Chạn vạn Thạch Hào tìm chổ ngủ
Nghe lệnh truyền hốt đủ đêm nay
Trèo tường Ông lão phóng ngay
Bà già hé cửa liệu xoay bề nào!

Quan Lại quát nghe sao khiếp tổ,
Vái lạy khan, kêu khổ trần ai,
Lắng nghe bà cố van nài:
“Nghiệp Thành trú đóng ba trai xa nhà.”

Thằng út vừa thơ qua cho biết:
“Hai người anh trận chết ngày qua”
Thằng sống nào có chi xa,
Hai anh đã chết “nghĩ mà yên thân!”.

“Nhà chẳng ai Thượng Quan kiếm thử,
Mụ chỉ còn cháu nhứ vú thôi.
Dâu con đâu dám xa rời,
Hổ ngươi quần rách tả tơi, - Quan à!”

“Tuy sức yếu đâu già dám quản
Nguyện theo Ngài đi sáng đêm nay
Hà Dương còn kịp khuya này,
Thổi cơm kịp lúc bửa mai - Quan à !”

Đêm khuya khắc giọng đà im bặt,
Mãi còn nghe thút thít quanh đây.
Lên đường hừng sáng ban mai,
Tiển ta, ông lão vẫy tay… gượng cười!

Laiquangnam dịch

Chú vài từ

1-Thạch Hào, Nghiệp Thành là các địa danh

2- Mộ là tối, mặt trời sắp lặn ,ở đây phải dịch là chạn vạn, lúc nhá nhem, người ta không còn được phép đi trên đường nữa.(các cuộc bố ráp bắt lính tiến hành từ lúc này ) .

3-hốt đủ, là bắt cho đủ chỉ tiêu trên giao. Nhớ một thời trước 75.

4-khiếp tổ, việc gì lớn gọi là tổ , ví dụ “to tổ mẹ”, khiếp tổ là khiếp ghê , khiếp thế(B), khiếp dễ sợ(N), khiếp tổ (QN).

5-“Tiễn ta, ông lão vẫy tay… gượng cười!” sao giống hình ảnh Morris trong giờ thứ hai lăm quá vậy .

Lqn giới thiệu các bản dịch khác và xin có ý kiến

01- Bản dịch 01, bản dùng cho sách giáo khoa hiện nay(1)

(Người dịch: Khương Hữu Dụng)

Chiều trú xóm Thạch Hào,

Đêm, nha lại bắt người
Ông già vượt tường trốn,
Bà già ra cửa dòm.
Viên lại quát dữ quá !
Bà van thật đến khổ!
Van rằng: "Có con trai
Nghiệp thành đều đi thú.
Một đứa gửi thư nhắn:
Hai đứa vừa chết trận.
Đứa chết đành thiệt phận
Đứa sống đâu chắc chắn!
Trong nhà không còn ai,
Có cháu đang bú thôi.
Mẹ cháu vừa rời cháu,
Ra vào quần tả tơi.
Tuy sức yếu, già đây,
Xin theo về đêm nay,
Đến Hà Dương kịp việc ,
Còn thổi bưã sớm mai
Đêm khuya lời đã tắt,
Dường nghe khóc ấm ức.
Sáng ra chào lên đường,
Mình ông già với khách

02- Bản dịch 02, Bản dịch này do nhóm dịch Thơ Đường của Viện Văn Học Hà Nội chọn .Thẩm mỹ của nhóm là dịch sát nguyên tác, giữ nguyên thể, đừng phản ý là OK .

Thạch Hào lại

Chiều trú Thạch Hào thôn,
Đêm có lại bắt người,
Ông lão vượt tường trốn,
Bà lão ra cửa coi.
Lại quát tháo, ghê thật!
Bà kêu khổ, thương ôi!
Thoạt nghe bà lão thưa:
"Ba con đi lính trấn,
"Một đứa gửi tin về:
"Hai đứa vừa chết trận,
"Đứa sống sống qua ngày,
"Đứa chết đành thiệt phận,
"Trong nhà chẳng còn ai,
"Chỉ đứa cháu bú mẹ.
"Bận con, nó chưa đi,
"Tấm quần không lành lẽ.
"Mụ đây tuy già yếu,
"Xin theo ngài đi ngay,
"Về Hàm Dương nhận việc,
"Kịp thổi bữa sáng mai".
Đêm khuya đã dứt lời,
Như nghẹn ngào ảo não.
Sáng từ biệt lên đường,
Chỉ còn độc ông lão.

Phạm Lê Duyên và Tương Như


Ý Kiến riêng của laiquangnam

Câu

Tuy sức yếu đâu già dám quản
Nguyện theo ngài đi sáng đêm nay

1- Theo laiquangnam, lão bà không có ý kiến yêu nước yêu non gì cả như tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp bình văn như trên, tất cả đều gán ghép cho bà già nhà quê tội nghiệp, gần đất xa trời. Ba đứa con trai đã chết mất hai. Hồn vía trên mây ,ở đó mà yêu với ghét. Câu nói trên của Bà chẳng qua là giải pháp tình thế, với Bà trước mắt là phải kéo cho được quan Lại Bắt Lính theo Chỉ Tiêu kia đi thật xa nhà bà, càng sớm càng tốt, hy vọng lão ông, chồng bà, có cơ may thoát nạn. Người bình văn (có lẽ là giáo sư tiến sĩ Hồ sĩ Hiệp) rõ ràng không đọc lịch sử Tàu vào thời đại Đường và không đọc vài bài thơ khác của Đổ Phủ.
Xin nhắc cho Giáo sư nhớ cho rằng đời Đại Đường đã làm nước Tàu chết 2/3 dân số. Cuộc chiến tranh dai dẳng với người Hồ phía Lương châu đã làm suy kiệt Đại Đường nhờ vậy mà nước Việt ta dành độc lập lâu dài vào đầu thế kỷ thứ X.Người Hồ lại là ân nhân xưa của dân tộc Việt, vậy mà nở gọi họ là rợ Hồ không ngượng miệng! ((3).

2- Bạn có bâng khuâng không khi đọc bản dịch này,bạn có ý kiến gì với lời kết luận của Hoài Thanh nói ở phần trên?.

3- Bạn đã đọc bản dịch của Khương hữu Dụng mà giáo sư tiến sĩ Hồ sĩ Hiệp chọn cho học trò? Bạn có khi nào suy nghĩ về ngôn ngữ thi ca Việt Nam mà các em phải học thuộc lòng mỗi khi bọn trẻ lên bảng trả bài học thuộc lòng cho thầy cô? Bạn thử học thuộc đi. Tôi dành cho bạn hai giờ để học đó. Thuộc tôi cùi!. Thấy các em học thuộc lòng một cách vất vả mà thương cho bọn chúng, văn chương dịch đã làm khổ bọn chúng quá chừng. Ghét văn là phải. >

Tham Khảo

1- Hồ sĩ Hiệp , Thơ đường ở trường phổ thông , NxbTH Khánh Hòa 1992 (in lần thứ hai vói sự sửa chửa )
Quyển trên được tái bản năm 1997 , dưới tên -Thơ Đường, nxb Văn Nghệ, tpHCM,1997 Sách do Tiến sĩ Hồ sĩ Hiệp viết và chọn bài,theo chương trình CCGD và phân ban.trang 35-45.Trong sách Thơ Đường, nxb Văn Nghệ HCM,, có lời bình và giảng dài gần 10 trang A5,từ trang 35-đến trang 45, trong đó có vài câu bình và giảng đáng chú ý mà laiquangnam dẫn ở trên .
(2) - Thơ Đường nxb Văn Hóa Hà nội , Nam Trân chủ biên , Thơ Đường tập I&II, Nxb Văn Học, Hà nội 1987
Giới thiệu đôi nét về tập thơ này , Tập Thơ Đường nxb VH này do một lực lượng hùng hậu của Hà nội dịch gồm các chuyên gia Hán văn, và các nhà dịch thơ Đường chuyên nghiệp, dưới sự chỉ đạo Nam Trân, có Thể lữ, Chế lan Viên hổ trợ chọn bài khi rơi vào trường hợp một bài mà có nhiều bản dịch của nhiều người khác nhau. Họ đã thu thập được 3000 bản dịch của 600 bài thơ Đường vào năm 1962, ngoài ra Họ được hổ trợ bởi một nhà khoa bản chữ Hán là cụ Hoàng Mậu Lâm là chỗ chống lưng về nhận mặt chữ và dịch nghĩa chữ Hán. Phần chữ Hán được phân công cho ba cụ Hoa Bằng,Tảo Trang và Hoàng Tạo.
(3) - Đôi dòng lịch sử :
Nước Việt ta thuở ấy,cũng không thoát nạn bắt lính và làm nô lệ cho Tàu. Người nô lệ Việt phải gánh vải tiến vua Tàu , các quan lại Đường bắt dân ta gồng gánh giống cây vải quý sang trồng tại đất Tàu, cây đâu người đó, cây chết, người chết theo cây. Người nô lệ Việt phải ở lại chăm sóc cây vải thiều cho đến khi ra trái để dâng cho Dương Quý Phi thì hy vọng mới được trở về cố quốc. Cho nên nước Việt ta mới có Nàng Tô Thị đau khổ trong câu ca dao “Đồng Đăng có phó kỳ lừa … “. Nàng Tô Thị ngày ấy, ngày ngày nhìn về phương Bắc(Tàu). Chồng mình ngày đi thì có mà ngày về thì không. Do nước Việt thời ấy đã bị đô hộ môt cách chặt chẽ và khốc liệt. Con giun đạp mãi cũng quằn, huống hồ chi con người. Các cuộc khởi nghĩa xảy ra liên tiếp ở nướcViệt ta dưới triều đại Đại Đường, Xin nhắc cùng khách thơ vài cuộc khởi nghĩa đáng nhớ. Mai Hắc Đế ( Mai thúc Loan) năm 722, thuộc năm Khai Nguyên thứ 10, đời vua Đường Huyền Tông (thời Thịnh Đường ). Bố Cái Đại Vương( Phùng Hưng)791.(4)
Đôi cuộc khởi nghĩa ở nước Việt thành công là nhờ chiến trường Lương châu ác liệt quá. Chúng ta vô tình nhận ơn của người Hồ mà không biết. Xưa nay ông bà vì bị bọn Tàu nhồi sọ cho nên gọi Hồ là ” rợ Hồ” quả là sai trái. Họ, người Hồ chính là ân nhân của chúng ta. Cuộc chiến dai dẳng, “máu kêu trả máu đầu kêu trả đầu”, chuyện quả báo là lẽ đương nhiên. Chơi dao thì sẽ chết vì dao,Ông bà ta nói vậy mà. Sự vinh quang của nhà Đại Đường cũng khiến dân Tàu trả giá khá đắt, đất nước Tàu thời các vua Đường đã chết rất nhiều, dân số đang từ 52.900.000 chết còn 16.900.000 (5). Thói quen coi dân như củi mục là lề thói hành xử xưa nay của các vị vua Tàu. Khổng Tử cổ súy đạo vua tôi thật đoản hậu. Vua Tàu là thiên tử là một tôn xưng đoản hậu. Nhất định người Tàu, dân tộc Tàu phải trả giá!
Cũng nhờ đời các vua Đường đã để lại nướcTàu tan nát, đến năm 907 thì Họ mất ngôi vua. Dân Tàu vốn pháp xuất phía Tần (China) dần dần sang đồng hóa các dân tộc khác ở bờ đông sông Hoàng Hà và phía nam sông Dương tử, cho nên sự phân hóa chủng tộc vốn là bản chất, sự xung đột quyền lợi là đương nhiên, đất nước Tàu lại chia ra làm 5 nước nhỏ đánh nhau gọi là đời Ngũ Quỷ (Ngũ đại) gồm Hậu Lương, hậu Tấn, hậu Hán, hậu Chu, nhờ vậy mà nước Việt dành được độc lập với Ngô Quyền năm 938, và hào khí dân tộc lại vượng lên, nhờ vua tôi Lý Trần biết tiết kiệm không xây kinh thành vĩ đại, đời người là ngắn ngủi(tư tưởng Phật giáo), dân là muôn đời, Vua ở chốn vĩnh hằng chính là lòng dân tộc. Nhớ thời nô lệ 1000 năm , vua nương sức dân, thời gian xây dựng lại đất nước khá nhanh đem lại sự hưng phấn cho toàn dân tộc. Đến đời Lý,chỉ sau hơn 100 năm dành độc lập, danh tướng Lý thường Kiệt đem quân đánh vào tận hang ổ Tàu. Đời Trần thì đã vững vàng lắm rồi. Quốc hiệu Đại Việt mang lại niềm tự hào cho toàn dân tộc sau những ngày biết thế nào là độc lập, là tự do. Những ngày ấy thật quý giá ,tận muôn đời saunhắc lại cũng rất đỗi tự hào. Nàng Tô Thị cũng đã nguôi ngoai.
Mãi đến năm 1222 thì quân Mông Cổ làm cỏ các nước Hồ, buộc người Hồ theo phong tục Tàu, nước Hồ bị sáp nhập vào lãnh thổ Nguyên. Nhà Minh diệt Nguyên, nên thừa hưởng thành quả những gì mà người Mông Cổ chiếm đoạt được. Và chính đất nước Mông Cổ nơi quê cha của Thành Cát Tư Hãn cũng mất hẳn Nội Mông. Nước Tàu ngày thêm rộng lớn.
4) - Trần trọng Kim, Việt Nam sử lược,NXB TH HCM,2005, in lại ,
(5) - Lam Giang_Vũ Tiến Phúc, Thiên hạ đại sự , nxb Khoahoc,năm ? (mờ quá), Ông VTP lấy từ nguồn của các sử gia rất nổi tiếng là Johannes Hartmann (Đức ) và George Himelfarb (Pháp ) và Hélène Himelfarb (Pháp ) và các tư liệu khác.




VVM.19.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .