Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh Nguyễn Thanh Nhàn

TRĂNG VUÔNG



      

M ộ của em Lành nằm trên một mô đất lưa thưa hoa trinh nữ, chân đạp về hướng đông. Hồi cha còn sống đã khổ công xây được cho em một cái nấm bằng gạch, láng xi măng. Cha định xây nấm hình chữ nhật, như mấp mô những ngôi mộ tại đây. Sau, nghe tôi bàn riết, cha xuôi lòng xây nấm hình tròn, không gấp khúc góc cạnh. "Vậy là chẳng sợ mưa dập gió vùi. Lâu lâu về nhổ cỏ, thắp hương là yên lòng", cha tôi có vẻ như vừa trút bớt một gánh nặng đau đáu cả đời.
     Em nằm lại đó một mình, với đất đỏ ba zan và những hàng cây phờ phạc gió Lào, trong khi gia đình tôi đều đã ra Bắc. Tôi ra trước, từ hồi còn học lớp 9, theo diện học sinh K8 của Chính phủ. Cha tính, ở thì không chịu nổi với bom đạn. Còn đưa cả gia đình ra cùng lúc thì làm gì để sinh sống. Ngày tôi đi, vẫn gió Lào thổi rát rạt, rừng cây rốc rỗng như không còn đủ sức chịu đựng được nữa. Pháo giặc đêm ngày bắn vào từ ngoài hạm đội 7, từ Cồn Tiên, Dốc Miếu cũng dày hơn. Em Lành tiễn tôi lên đến miệng hầm - nơi tiếp giáp giữa đất tối om với trời bao la sáng trong. Anh em chỉ yên lặng nhìn nhau, tay vẫy vẫy, lòng buồn buồn. Theo cha một đoạn giao thông hào có những hầm móc cách nhau rất đều, nước mắt tôi mới bắt đầu chảy dài. Ngày hòa bình, hồi còn khỏe, cha tôi thường giành quyền được về thăm em vào các dịp giỗ chạp. Cha đi thì tôi phải ở lại để chăm sóc mẹ đang đau yếu, ăn nằm một chỗ. Về sau mẹ mất, đến lượt cha già yếu, tôi lại phải bận rộn với quá nhiều việc gia đình, cơ quan nên cũng ít khi được về thăm em.
    Trời chiều đứng gió, mùi hương trầm cứ quần vờn lãng đãng như thể hồn của em Lành chưa chịu về với núi rừng, sông biển. Lâu lắm mới được gặp nhau, đúng không em? Không như hồi bị đạn bom nhốt dưới địa đạo gia đình bịt bùng bóng tối. Chẳng biết chạy chơi đâu, anh em mình cứ quấn quýt bên nhau như hình với bóng để chuyện trò về cuộc phiêu lưu của dế mèn.
     Ngày ấy, anh đã thấy em giống chú dế mèn không chịu giam mình nơi hang tối. Nên cứ bực bội đòi lên, lên cho được trên mặt đất. Tức, cha quát:
     - Lên trên đó làm gì?
     - Cho con chạy qua nhà cậu chơi chút... một chút thôi... rồi ở miết dưới hầm cũng được...
     - Bom đạn đầy trời trên đó tề...
     Cha bỏ lửng câu nói rồi luồn theo một ngách hầm, sang ngăn nhà bếp. Cũng có nghĩa là cha đã phán quyết rạch ròi: "Không được đi đâu cả".
     Nhà cậu tôi ở đối diện với nhà tôi, chỉ cách chừng năm mươi mét. Hồi chưa có "chiến tranh phá hoại", em Lành thường chạy sang bên đó chơi với bé Ly, con của cậu. Đến giờ ăn cơm, nghe gọi, nó vừa dụi mắt vừa chạy ngược hướng gió, thân hình tong teo như muốn bay ngược lại.
     - Thôi mà, ở dưới nầy chơi ô với anh đi - Tôi dỗ em Lành.
     - Sao anh lên được, em lại không lên được?
     Ừ hả, tại sao cha chỉ nhắc nhở tôi phải cẩn thận mà không cấm tôi ra khỏi hầm. Suy nghĩ, tôi nhìn nó, nó nhìn tôi. Bất chợt, nhận ra màu da mặt chuyển sang bợt lạt, hơi xanh của em, tôi nghe thắt tim:
     - Anh khác.
     - Khác sao?
     - Thì anh đã lớn, lại còn phải đi học.
     Đến đây thì em Lành im lặng, hai mắt nhiu nhíu ra vẻ suy nghĩ. Nói đến đi học, nó chịu thua. Bởi nó chỉ mới học vỡ lòng a, b... dưới lán có mái đắp bằng đất nhồi rơm. Từ ngày bom đạn rộ lên, làng xóm ngoằn ngoèo những địa đạo đất đỏ, nhà nhà bị đẩy từ trên mặt đất xuống dưới hầm sâu. Lớp học của em Lành không ai giải tán cũng trở thành trống huơ trống hoác. Giữa lờ mờ, nhợt nhạt ánh sáng không đủ của chiếc đèn dầu làm bằng vỏ đạn 12 ly 7, tôi dạy em học tiếp chữ c, d... Chữ được chữ mất, bữa có bữa không.
     - Anh Trọng xin cha cho em lên chút đi. Lên một lần thôi...
     Tôi đành lòng phải hứa với em Lành:
     - Được rồi, anh sẽ xin.
     Không ngờ khi dọn lòng thưa hết lời lẽ với cha để xin cho em Lành lên chơi trên mặt đất, cha vẫn một mực khư khư: "Không được!"
     . - Thì chỉ khi vắng máy bay, đạn pháo, cha cho em lên một chút thôi!
     - Biết lúc nào là vắng, lúc nào không. Mày thấy đó, mới nghe cạch một cái ngoài biển, trong này đã nổ đoành. Người lớn còn không núp kịp. Em con còn khờ lắm...
     Cha tôi có lý. Năm ngoái thằng Hoành lớp tôi chết, thịt xương bay mắc trên cành tre cũng chỉ vì mải nhởn nhơ, không lo nhảy vào hầm ếch. Khoảng cách giữa bình yên và sự chết chỉ cách nhau một tiếng nổ đùng. Mẹ nó vừa trông thấy con chạy lúp xúp ngoài bờ lúa, chớp mắt, xác nó đã tan tành. Khi người ta tìm gom được một số ít xương thịt của thằng Hoành bỏ vào trong cái tỉn mang về thì bà mẹ lại ngất xỉu lần thứ hai.
     Thấy tôi buồn buồn, cha động viên:
     - Khi nào con ở nhà, có thể đưa em lên lán chơi một chút cho đỡ ngột. Còn bình thường thì phải tập cho em thói quen sống dưới hầm. Bom chùm, pháo bầy còn dài ngày lắm đấy...
     Dài ngày là bao nhiêu nữa? Đã gần một tháng trời không ngớt đạn bom, em Lành bị nhốt dưới đáy địa đạo, không biết trời trăng mây gió. Nằm đất, ngủ đất, nghỉ ngơi, ăn chơi với bóng tối, da thịt em Lành đã nhão ra như người đang bệnh.
     Tối hôm đó, trong khoảng lặng yên hiếm hoi giữa những đợt pháo bầy, tôi và em Lành lẻn bò theo đoạn thông hơi dẫn lên miệng hầm phụ. Có lần cha dặn, nếu lán bị cháy, miệng hầm bị bít thì phải theo lối này để thoát ra. Tôi có cảm giác như hai anh em đang trở về từ một chuyến thám hiểm lòng đất. Trước mắt là đường lên trời hun hút. Men theo đường lên trời ấy được một đoạn, chúng tôi có thể nhìn thấy ánh sáng trăng, qua cái miệng hầm vuông vức. Hình như là trăng đang ở độ tròn đầy nhất. ánh trăng rải vàng óng màu mật ong lọt vào đường hầm nhỏ xíu, huyền ảo như trong truyện thần tiên. Em Lành dừng lại, chỉ tay về phía ấy kêu lên: "Ôi đẹp quá!". Vừa nói, em vừa rướn người vung đôi cánh tay khẳng khiu như chú chim tập chuyền đang muốn bay. Đôi mắt lóng lánh ánh trăng. Nhớ lời cha, tôi kéo tay em:
     - Thôi, xuống đi, pháo đấy!
     Em Lành như không nghe lời tôi nói:
     - Đố anh trăng hình chi?
     - Thì trăng tròn chứ hình chi.
     - Không, hình vuông.
     Tôi thầm cười, nhớ lại bài hình học đầu đời tôi đã dạy cho em Lành ngay trong căn hầm chữ A, bên dưới ánh đèn lét leo hắt ra từ một lõm đất được móc sâu, không đủ soi rõ những nét vẽ trực quan trên đất.
     - Anh ngó nè, một cạnh, hai cạnh... một góc, hai góc... Em Lành vừa nói, vừa chỉ tay lên miệng hầm.
     Nhìn theo ngón tay chỉ của em Lành, tôi nhận ra một khoảnh trời đầy trăng, không tròn trịa mà gấp gãy, góc cạnh. Đó là vầng trăng riêng của em tôi sao?
     ầm... ầm... xíu... ầm, xíu... ầm... ầm... Hình như khoảnh khắc bình yên của thênh thang đất trời bên trên căn hầm đang chao đảo. Tiếng đạn pháo gầm réo, tiếng kẻng báo động, rồi tiếng máy bay khi gần khi xa, đang cày nát vầng trăng vuông vức của em Lành. Cha quát: "Thằng Trọng đâu, đưa em xuống! Nhanh lên!". Tiếng cha tôi thốc tháo nỗi lo. Tôi kéo em Lành như đang rơi tụt trở lại lòng đất. Cha tôi mặt bớt tái, nói tỉnh queo: "Đã dặn rồi đừng có ở lâu trên đó".
     Cuộc sống cứ chảy theo quán tính thời chiến: Bình thường trong bất bình thường. Trên kia bom đạn vẫn nổ, trăng vẫn sáng, mây trắng tha hồ bay. Dưới hầm gia đình tôi vẫn co cụm giữa mập mờ ánh đèn, không vui, chẳng buồn. Lắng nghe bom đạn chán, lại nói, lại cười. Em Lành thì hình như vẫn đang còn nuối tiếc khoảnh trời hình vuông, đầy trăng. Lát sau, đạn pháo chưa dứt, cha tôi đã giục: "Thôi, tắt đèn đi, còn phải để dành dầu". Căn hầm lại tối om như nhiều ngày đêm từng tối om.
     Tôi mở mắt nhìn trân bóng tối mà lại thấy khoảnh trăng vuông của em Lành. Chưa có đêm nào khó ngủ như đêm ấy. Giá mà được nằm sát cạnh em Lành, không cách cái thân hình to bề của cha, chắc tôi sẽ sờ xem mắt em đang nhắm đang mở? Người chết nằm dưới mồ chắc cũng giống như thế này? Khác chăng là họ chẳng còn biết gì nữa trên đời nên không đòi lên xem trời đất như em Lành. Nghe như có con giun, con dế đang lọ mọ bò dưới lưng, tôi cố xua đuổi suy nghĩ lên mặt đất. Và tôi đã gặp tôi, đang đi dưới giao thông hào, bỗng dưng lại ném sách vở, nhảy cỡn lên mặt đất múa may, hét vang, cười vang. Lũ bạn không hiểu chuyện cứ tròn xoe mắt nhìn, rồi tái mặt kêu lên: "Thằng Trọng... điên! Coi chừng bom xém đầu". Có lần bạn tôi bị bom xém mất đầu theo kiểu chơi ngông nghênh ấy, nhưng có ai biết lúc đó tâm thần tôi sảng khoái thế nào đâu. Dù là chỉ tích tắc sau lại phải nhảy xuống giao thông hào, lom khom lúi húi...
     Ở Hà Nội, chuyện quê, chuyện về em Lành chỉ nhớ nhớ, quên quên. Về đây, được ngồi bên em, giữa chiều quê bình yên, mọi thứ đều trở nên đầy đủ, rõ ràng đến lạ lùng. Giữa ngút ngàn những vườn tiêu, đồi chè đang chờ mùa thu hoạch, giữa chen chúc nhà mới mái đỏ, dấu vết địa đạo năm nào vẫn ngoằn ngèo rạch đỏ ký ức, cái miệng hầm chữ A dè dặt mở như một hang thần độ lượng... Rồi những đám tang vội vàng, nối tiếp diễn ra từng ngày khiến nỗi ám ảnh về sự chết cũng chai lỳ dần... Ngày còn sống, cha vẫn kể như một điệp khúc: "Thì hôm đó tao phải ra tận xóm đông để chôn cất thím Tư. Làng xóm chỉ còn toàn người già và trẻ con. Còn mẹ mày thì phải lo đi cứu thương bên nhà đội. Có ai biết rằng em con đã lẻn ra khỏi hầm để chạy sang bên nhà cậu. Tội nghiệp, nó đang gọi Ly ơi, Ly hỡi thì... bom nổ...".
     Vậy là anh vẫn còn nợ em, mãi nợ em... một cái gì đó lớn lắm, phải không Lành? Nợ người sống còn trả được, nợ người chết, dù một chút ánh sáng, cũng khó lòng...

     Trăng non đã nhô lên khỏi biển. Trăng như quả chuối, như chiếc thuyền giấy em hay xếp. Rồi nó sẽ tròn như quả bóng, như cái mâm con. Không có vầng trăng vuông, gấp gãy, góc cạnh như của em Lành.





VVM.04.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .