C on sông Xanh vào mùa khô chỉ còn một dòng nhỏ chảy sát mé hữu, cả dòng sông giờ là một bãi cát rộng mênh mông chi địa. Mỗi buổi tan trường, học sinh trường Bồ Đề tỏa ra chơi bời chạy nhảy đã đời luôn. Tụi thằng Danh, thằng Hiển, con Hoa, con Lợi…thường kéo đến bơi lội ở quãng trước nhà máy nước, dòng sông khô cạn nhưng duy chỉ khúc này nước tạo thành một vực sâu và rộng, làn nước trong xanh mát lạnh, những hàng cây bên bờ rủ bóng, những cây cừa nước, cây si xìa cành ra sát mặt sông. Thường mỗi chiều bác Hữu dắt con ngựa ra bãi sông này cho nó tắm và chải lông. Con ngựa tên Gia Minh, nó rất đẹp, to, cao, lông màu mật mía và mướt rượt. Bọn học sinh xúm xít quanh nó để rờ mó vuốt ve. Bác Hữu nhắc nhở:
- Mấy con đứng hai bên hông, đừng đứng phía sau, rủi nó đá bất thần là bể mặt!
Bác Hữu là người lái xe thổ mộ, nhà sát trường Bồ Đề. Có lẽ bác là người duy nhất còn chạy xe ngựa trong thị trấn. Chiếc xe ngựa có hai cái bánh to vào cao hơn ngực tụi học trò, trong thùng xe ngồi chừng tám người, phía sau thùng xe có mấy cái móc để treo quang gánh hoặc đôi nừng của mấy bà đem hàng ra chợ. Bác Hữu chạy xe ngựa chở các bà các cô đi chợ Gò, chợ Quán và chợ Huyện. Cái lộ trình bao nhiêu năm nay khép kín một vòng như thế. Cứ mỗi bốn giờ sáng là người trong thị trấn đã nghe tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường, dòng đi mang hàng xén đi bán ở các chợ quê và dòng về thì mang theo rau, củ, hoa quả… nói chung là nông sản. Tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường suốt mấy mươi năm in sâu vào tâm khảm không biết bao nhiêu thế hệ rồi. Con Gia Minh bị hai miếng da che mắt, nó chỉ được nhìn về phía trước để thẳng đường chạy theo ý muốn của bác Hữu mà thôi, đời ngựa kéo xe nặng nhọc, khổ sở và chỉ được nhìn một quãng ngắn phía trước trên một lộ trình khép kín. Thế giới của Gia Minh bị buộc vào hàm thiếc, càng xe và hai miếng da che mắt. Nó kéo xe sùi bọt mép trong sự câm lặng và roi vọt, cũng nhờ cỗ xe ngựa ấy mà bác Hữu nuôi nổi hai đứa con ăn học tới nơi tới chốn. Thằng Danh tốt nghiệp khoa sử trường sư phạm, con Hoa ra trường với mảnh bằng cử nhân văn. Bác Hữu nhờ người quen chạy chọt nên cũng xin được cho con Hoa một chân dạy ở trường cấp hai gần nhà, đến thằng Danh thì không còn tiền, chấp nhận đi dạy ở huyện miền núi xa nhà.
Thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội và Internet đã chọc thủng bức màn sắt, qua những thông tin và kiến thức từ bên ngoài. Thằng Danh và con Hoa đều nhận ra những cái mình học toàn là xạo sự, những điều người ta nhét vào đầu mình từ hồi nào đến giờ toàn là giả trá. Cả hai vật vã nhưng không biết nói cùng ai, tâm sự nặng nề, có đôi khi thố lộ gần xa trên mạng xã hội thì lập tức bị bề hội đồng như đấu tố thời xưa. Cả thầy Danh và cô Hoa đều bí bách, bức bối và bất an. Ngày thầy Danh về phép chơi, cả nhà 1o bữa cơm quây quần khá đầm ấm, tuy nhiên Danh và Hoa vẫn có những nét khác lạ làm cho bác Hữu cũng thấy lo nhưng không biết làm sao giúp con mình, ngoài những lời động viên khuyên bảo vốn đã như là một công thức quen thuộc. Cả hai cũng dạ dạ cho bác Hữu an lòng. Thầy Danh nói trổng trơ nhưng rõ ràng có ý với Hoa:
- Con ngựa của tía bị bịt mắt bằng hai miếng da, nó chẳng thấy được gì, ngoài cái tầm chạy định sẵn phía trước. Mình là người nhưng cũng chỉ chạy được một cung đường nhất định, không được phép lạng quạng vượt rào.
Cô Hoa Chua chát:
- Con ngựa bị bịt mắt nhưng tai còn nghe ngóng được, tuy nhiên nó bị khớp hàm thiếc, cột vào càng xe nên đành chịu phép. Mình không chỉ bị bịt mắt mà còn bưng cả tai, khớp cả miệng. Lộ trình mình cũng quanh quẩn trong vòng ràng buộc bởi biên chế và những thiết chế xã hội đặt ra. Con ngựa của tía chệch một tí là ăn roi ngay, còn mình chệch một chút là… chết!
- Mấy năm nay nhờ có mạng NET nên mới nhìn ra bên ngoài được một tí, tuy nhiên tường lửa cũng ngăn chặn liền. Dù sao cũng nhờ có NET mình mới biết mình không khác gì con ngựa kéo xe của tía.
- Con ngựa bị khớp miệng, buộc vào càng xe, che mắt và chạy theo cái lộ trình nhất định. Nó không thể nhìn xung quanh, không được ăn cỏ tươi ven đường, thậm chí không được làm cái việc mà giống đực vẫn làm. Tía đặt tên cho nó là Gia Minh nhưng đời nó tối đen chứ chẳng sáng tí nào, nó lầm lũi kéo xe theo hướng tía giật dây cương, hễ nó bướng là bị tía quất roi liền. Trước mắt nó là con lộ nhỏ bé xám đen, nó không thể thấy đồng loại hay hoa cỏ hai bên đường. Trọn đời nó trong bộ hàm thiếc, dây cương và cột vào càng xe, cứ thế kéo xe đến khi không còn kéo xe được nữa thì tía bán nó cho lò mổ. Thỉnh thoảng tía đưa nó ra sông tắm những tưởng là tự do lắm nhưng nó cũng không thể làm gì theo ý muốn, vẫn luôn nghe theo lịnh và cái roi của tía.
- Mình đi học cũng thế, người ta nhét vào đầu mình những gì họ muốn, rồi ra trường đi dạy cũng cứ thế mà lập lại như con vẹt. Thầy của mình, mình và học trò của mình cứ thế mà đi theo hướng người ta buộc mình phải đi. Con ngựa còn có đích đến là chợ nhưng mình thì chẳng biết đi về đâu, cái đích ở đâu và bao giờ tới chỉ có trời biết!
Cứ thế hai chị em nói toàn những lời đâu đâu không đầu không cuối, người nhà nghe cũng ngờ ngợ hiểu nhưng chẳng biết nói gì. Cả tía lẫn má cứ cầu an bảo:
- Chuyện đâu còn có đó, người ta sao mình vậy, đừng có bày đặt cầm đèn bão chạy trước xe hơi chi cho mệt!
Cô Hoa và thầy Danh nhìn nhau cười, cả hai ngầm hiểu nên dừng ở đây, nói thêm nữa chỉ làm cho tía má lo âu. Bữa cơm cũng xong, hôm sau cả nhà cùng với anh em họ quây quần một bữa vui nữa để rồi mai thầy Danh lại lên miền núi xa xôi kia đi tiếp tục cái lộ trình định sẵn và cô Hoa cũng thế, dù dạy gần nhà nhưng cũng phải đi theo con lộ người ta bảo mình phải đi, còn con Gia Minh vẫn cứ kéo xe cho tía.
Một ngày kia vì quá căm phẫn người Tàu giết ngư dân Việt, cướp lấy Hoàng Sa và Trường Sa, thầy Danh lên mạng xã hội đăng một cái tin ngắn vốn nhiều người biết:
- Hoàng Sa, Trường Sa của ta, lưỡi bò phi pháp. Người Phi Lip Pin đã kiện ra tòa án quốc tế La Hay và tòa phán xử thắng! Tại sao ta không làm như họ?
Cái tin vừa đăng chẳng mấy chốc lũ tiểu yêu nhào vô đấu tố ném đá một cách điên cuồng, bọn chúng chửi rủa với tất cả ngôn từ mất dạy và bẩn thiểu nhất mà tâm trí chúng có được. Thầy Danh thầy nóng mặt nhưng biết không thể dùng lời phải trái để phân bua với chúng, nói chuyện thị phi với chúng thà nói với đầu gối của mình còn có lý hơn. Đồng nghiệp thầy Danh cũng ngán ngẩm, họ e sợ liên lụy nên tránh ra mặt, chẳng một ai dám lên tiếng bênh vực. Thật sự ra thì nhiều đồng nghiệp đã tránh thầy Danh họ sợ liên lụy, nhất là từ sau cái vụ thầy Danh dám đăng lên mạng xã hội chuyện bà Hai Hóa bị mất cả mấy mẫu đất vườn mà người ta chỉ bồi thường có chút xíu tiền không đủ mua cục đất chọi chim. Thầy danh còn đăng nhiều vụ người này mất nhà, người kia bị trấn tiền mãi lộ…Chính vì những lời thật này mà đám tiểu yêu luôn rình rập bề hội đồng, giờ thầy Danh đăng cái tin này nữa kể như cao điểm.
Ngày hôm sau thầy Danh được gọi lên văn phòng hiệu trưởng, có cả một toán cán bộ văn hóa, an ninh, mặt trận của huyện về. Sau khi bị chụp mũ những điều hết sức vô lý, thầy Danh đứng dậy toan nói phải quấy nhưng bọn họ không cho thầy Danh nói. Mấy cánh tay lực lưỡng đứng bên ấn thầy Danh ngồi xuống ghế, nhìn những bộ mặt hung tợn đằng đằng sát khí biết chúng sẵn sàng động thủ tay chân nên đành ngồi yên mặc tình nghe chúng buộc những cái tội trời ơi đất hỡi và cũng ngay hôm ấy hiệu trưởng tống cho thầy Danh cái giấy buộc nghỉ dạy. Thế là thầy Danh mất dạy vì dám nhìn thấy những gì ngoài hai tấm da bịt mắt, dám nói những gì không được nói, dám chệch ra khỏi lộ trình đã định hướng.
Gói ghém tém gọn vài món đồ hành trang cá nhân ít ỏi của mình để quay lại ngôi nhà cũ bên sông, chiều chiều thầy Danh thay tía dắt con Gia Minh ra sông tắm. Thầy Danh cũng chẳng buồn vì mất dạy mà buồn vì bạn bè sao sứa quá, chỉ có nhiêu đó mà đã dạt giãn ra cả rồi. Nằm trên bãi cát của con sông, nhìn mây trắng trôi lang thang trên bầu trời mà lòng cảm khái chi đâu. Thầy ước ao hóa đám mây trắng ấy mà bay bốn phương chẳng còn phải bận tâm việc người đời. Con Gia Minh đã mấy nay quen với sự ve vuốt chải lông của thầy Danh nên nó cũng tỏ vẻ quyến luyến cứ lăn lộn trên bãi cát cạnh thầy. Thầy Danh nhìn nó, đưa bàn tay vỗ vỗ vào trán nó:
- Cuộc đời kéo xe của mày vậy mà an toàn, mày sẽ kéo xe cho đến ngày cuối đời mà không lo mất việc miễn là mày chịu đeo hai mảnh da che mắt, miệng buộc hàm thiếc, thân cột vào chiếc xe thổ mộ kia.
Con Gia Minh có hiểu chi không thầy Danh không biết, chỉ thấy nó nằm ngửa tung cả bốn vó lên trời và hí một tràng nghe cảm khái làm sao.
Thầy Danh gầy gò, lúc nào cũng áo sơ mi trắng bỏ trong quần, đi đứng từ tốn, nói năng nhỏ nhẹ, cặp mắt kiếng cận dày cộp mà bạn bè cứ ghẹo là nhìn đời qua hai miếng đít chai. Thầy lên mạng suốt những lúc rảnh rỗi, tìm đọc đủ thứ tài liệu, những trang nào bị tường lửa thì tìm cách vượt qua mà đọc, có lẽ vì thế mà tên thầy Danh nằm trong danh sách đen của lực lượng an ninh mạng và cả trong danh sách của lũ tiểu yêu côn đồ mạng. Ngày thầy Danh bị buộc mất dạy và trục xuất khỏi địa phương, những người bạn cùng trong dãy tập thể đều đóng cửa phòng hoặc giả bệnh, chẳng ai tiễn hay nói một lời chia tay. Thầy vốn hiểu tình đời nhưng không ngờ con người ta là yếu bóng vía đến như thế. Cả ngàn người bạn trên mạng cũng im hơi lặng tiếng, thậm chí có người còn huỷ kết bạn với thầy để tránh những rắc rối mà họ sợ sẽ xảy ra. Thầy danh gầy gò như câu tre miễu mọc lẻ loi bên bờ sông, vậy mà bão tố quăng quật chỉ làm xơ xác lá chứ chẳng thể làm ngã được. Cả nhà thương và xót lắm, tía má cứ giục thầy Danh cưới vợ rồi lo làm ăn, chuyện thiên hạ cứ để đấy có người khác lo. Chị Tư Bông vốn là bạn học ngày trước, chị thương thầy Danh quá trời luôn, đi đâu, làm gì cũng ghé qua nhà thăm tía má. Chị bán hàng xén ngoài chợ huyện. Cả nhà xúi vô, con Tư Bông hiền lành, chăm chỉ, đẹp người đẹp nết...Thầy Danh chỉ cười qua quýt không ừ mà cũng không phản đối. Chỉ có cô Hoa là hiểu nỗi lòng anh trai mình, nhân lúc nhà vắng, cổ nói:
- Không phải ngựa nào sanh ra cũng bị kéo xe, có những con ngựa kiểng đẹp lắm, được ăn uống và chăm sóc kỹ càng, không phải bị bịt mắt, đeo hàm thiếc, kéo xe thổ mộ.
Thầy Danh cười:
- Những con ngựa kiểng thì nói làm gì, được mấy mống như thế? Đại đa số vẫn phải bị bịt mắt kéo xe.
- Anh tính xa quá mệt người, thôi thì người ta sao mình vậy.
- Nghĩa là đời ngựa cứ bị bịt mắt kéo xe, rồi ngựa sanh ra lại tiếp tục như vậy sao?
- Biết sao được giờ? Ai cũng phải sống, phải sanh con đẻ cái, không lẽ sợ bịt mắt kéo xe mà để tuyệt tự?
- Thật tình anh cũng chẳng biết làm sao, nhưng anh lấy vợ về e làm khổ người ta.
Cô Hoa không biết nói gì thêm, ngồi bó gối im lặng.
Phần chị Tư Bông chờ hoài mà hổng thấy thầy Danh đá động gì, đời con gái xuân thì ngắn ngủi, bông búp hổng bán bông tàn bán ai mua. Phần tía má cổ ép quá nên đành lòng lấy anh Sáu Bang, một người buôn chuyến đường xa, lâu nay vẫn thích chị Tư Bông nhưng ngặt vì chị thương thầy Danh nên hổng tán được. Nghe chị Tư Bông lên xe hoa, thầy Danh miệng cười nhưng hai đuôi mắt hắt hiu quá chừng. Mấy tháng đã qua, kể từ ngày thầy Danh bị mất dạy. Cô Hoa thường nấu món này món kia cho anh hai ăn, làm nhiều cách cho thầy Danh vui. Một hôm hai anh em ra bờ sông để lội. Cô Hoa nói: - Con Gia Minh kéo xe cho tía cả đời, mắt nó bị che bởi hai tấm da, thân nó bị xích trong cỗ xe, tuy cùn mòn đời nhưng thế mà yên ổn. Con ngựa chiến sa trường có vẻ dõng mãnh anh hùng nhưng bị tên bay đạn lạc, đôi khi còn bị xẻ thịt lột da để gói xác ông tướng tử trận. Con Gia Minh sẽ kéo xe cho tới khi hết kéo nổi, không lo mất việc. Anh mất dạy vì dám gỡ hai cái miếng da bịt mắt, muốn tháo cái hàm thiếc khỏi miệng, gỡ bỏ cái ách khỏi cỗ xe.
Thầy Danh lấy cành tre quẹt quẹt trên cát, mắt nhìn xa xa, nói với em gái mà như tự nhủ lòng:
- Anh không phải là con ngựa, tuy nhiên muốn gỡ cái miếng da bịt mắt quả là khó khăn lắm, ấy là chưa muốn nói rất nguy hiểm. Con Gia Minh nó an toàn kéo xe cũng vì hai miếng da ấy, đời nó chỉ thế thôi! Mà nào chỉ mình nó, tất cả những con ngựa kéo xe đều thế cả, sáng đi chợ huyện trưa về bị nhốt trong chuồng với nắm cỏ rơm khô. Đời ngựa kéo xe chẳng có chút chi nguy hiểm, cứ lầm lũi với ngày tháng, chúng quên béng mất tổ tiên từng tự do chạy nhảy trên thảo nguyên xanh mênh mộng. Chúng không biết rằng bạn bè đồng trang lứa của chúng nơi rừng xanh, sa mạc vẫn tung hoành ngang dọc dưới bầu trời xanh vô tận. Đời ngựa hoang cũng có lúc hiểm nguy khi phải đối diện với cọp, beo, sư tử hay bọn thợ săn. Tuy nhiên chúng sống và chết với tất cả tự do kiếp ngựa, chúng hòan toàn thõa mãn cái ước vọng tự do, chúng chưa bao giờ biết hay có thể hình dung ra cái miếng da che mắt hay cái hàm thiếc rọ mõn. Thỉnh thoảng có những con ngựa hoang bị bọn thợ săn bắt được và bọn họ cố gắng tra hàm thiếc vào miệng chúng. Những con ngựa hoang bất hạnh ấy vùng vẫy chiến đấu với tất cả sức lực mà chúng có được. Tổ tiên con Gia Minh ngày xưa cũng từ thảo nguyên xanh ngút tầm mắt kia, từ khi bị bọn người bắt được và tròng vào mình chúng cái gọng xe, tra hàm thiếc vào miệng, dùng miếng da bịt hai bên mắt. Từ đó dòng họ của Gia Minh đời đời gắn với chiếc xe thổ mộ này. Gia Minh cũng được sinh ra từ trong chuồng ngựa của tía, nối tiếp dòng họ nó kéo xe, nhiều lúc máu hoang dã trong người nó khởi lên, nó tung cả hai chân trước lên đứng hẳn bằng hai chân sau, tiếng hí của nó nghe vang động thảm thiết cả ráng chiều bên sông.
Cô Hoa im lặng nghe mà không chen ngang vào, để cho dòng tư tưởng của thầy Danh mặc sức tuôn ra khỏi miệng, có lẽ đã lâu chưa bao giờ được nói một cách khái cảm như thế. Thầy Danh lúc này như con ngựa đã được tháo mảnh da che mắt, gỡ hàm thiếc khỏi miệng, tự do chạy rông trên bãi sông. Ngưng một lúc, dường như thấu nỗi đau của Gia Minh, thông cảm với kiếp ngựa kéo xe của nó. Thầy Danh tiếp tục tâm sự:
- Nhiều lúc anh muốn thả nó về với đại ngàn nhưng ở giữa thị trấn này biết đại ngàn ở đâu? Vả lại thả nó đi rồi thì tía má và cả nhà sẽ sống bằng gì? Nó đã nuôi cả nhà, ngay cả tấm bằng cử nhân của anh và em cũng nhờ công sức kéo xe của nó. Con Gia Minh cách xa đồng loại đã lâu, chuồng ngựa là nơi quen thuộc vào ra, không biết nó có nhớ gì đồng loại của nó chăng? Nó có thấy cô đơn như anh kể từ khi bị mất dạy?
Cô Hoa đứng dậy, kéo anh trai ra mép vũng nước để bơi như thể lôi anh ra khỏi cơn mặc tưởng. Cả hai vẫy vùng ở khúc sông đầy sảng khoái, một chút tự do tuyệt đối mà những kẻ không biết bơi chưa bao giờ hưởng và cũng không làm sao hiểu nổi. Thầy Danh mất dạy, chiều chiều đắt ngựa ra sông tắm, người và ngựa vùng vẫy bơi ở cái vũng nước của tuổi thơ ngày xưa.
Tháng ngày mòn mỏi chậm chạp trôi qua, tía già cụm rụm, con Gia Minh cũng già rồi chết. Cỗ xe ngựa tháo bung tận dụng được một số bộ phận, những phần không xài được bỏ chỏng chơ ngoài sân, chuồng ngựa cũng tháo đi để làm nhà kho chứa đồ linh tinh chẳng mấy khi dùng.
Thời buổi này đâu còn ai đi xe ngựa nữa, hồn con Gia Minh không biết thác sanh về đâu nhưng ít ra thì bây giờ nó không còn phải bị bịt mắt kéo xe, không còn ngàm thiếc buộc miệng, không cả những làn roi quật trên lưng khi chạy lệch ra mé lộ. Thầy Danh vẫn mất dạy, cô Hoa theo chồng về chợ huyện an phận thủ thường ngày ngày đi dạy, tiếp tục chạy trên con đường vô định với hai hai mảnh da bịt mắt và bộ cương vô hình.