Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


TÌNH BẰNG CÓ CÁI TRỐNG CƠM




H út trong hốc bà tó là khu nhà tái định cư với con đường vào loại xấu xí nhất thành phố nham nhở ổ gà, ổ voi nhưng không hề thiếu vắng xe cộ và người qua lại. Nói là xấu, chứ so với những căn nhà ổ chuột dựng tạm bợ bên bờ kênh rạch hôi hám mà người dân nơi đây từng sinh sống thì đúng là thần tiên thật sự. Điện đường trường trạm chẳng thiếu thứ gì. Các món ăn chơi cũng thế, tuy không bằng nơi đô hội.

Một cái chợ chồm hổm tự phát tràn ra lòng đường, khi có xe to đi qua nó tự co lại theo cách cuốn chiếu. Dăm quán bia lạnh hơi nhớp nháp, đặc quánh mùi men. Một trong số đó là quán có cô chủ thật quyến rũ, có giọng cười khanh khách như nghệ sĩ hài.

Quán bé tẹo, kê được năm bàn, mỗi bàn bốn khách vị chi là hai chục anh hùng hảo hán lưu linh. Sẽ là chẳng có gì để nói nếu cô chủ ấy không xuề xoà bạ ai cũng quàng vai, bá cổ. Cũng thường thôi. Nghệ thuật kinh doanh mà. Muốn có khách, có tiền, người ta còn làm những điều kinh tởm hơn nhiều. Chuyện quàng vai, kề má thì có là gì kia chứ. Ừ, thì cũng đúng, càng đúng hơn khi cô ấy là gái goá mà.

Ấy là lời của mấy bà bán hàng hàng rong của cái chợ tự phát đối diện chứ cánh đàn ông - nhất là đàn ông không vợ hay vợ vắng nhà – thì không ai lại đi nói thế. Ở cái tuổi bốn mươi, bốn mốt gì đó cô chủ quán vẫn còn múp rụp. Da trắng, mái tóc hung đỏ và ba vòng thì chẳng chê vào đâu được. Nhất là khi cô ả cúi xuống sàn nhà lấy bia từ két lên cho khách, một trời yêu thương nhảy múa sau cửa áo rộng thênh thênh.

- Nhìn ngực cô ả kìa. Căng như quả bóng.

- Ừ, giống cặp mông em bé…

- Úp mặt vào có khi chết ngạt như chơi.

- Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt.

Cô ả nghe và hiểu là mấy người kia đang nói về mình. Cô xả lả :

- He..he…Dám hông cưng.

- Tất nhiên là chưa bao giờ từ chối.- Cả bọn cười hô hố.

- Hãy đợi đấy.

Cô sang bàn khác phục vụ, dĩ nhiên là chẳng hề để ý tới những tiếng cười quái đản của đám lưu linh kia. Khác với họ, một ông tuổi ngoài sáu chục, ngồi bàn trong cùng chẳng nói năng gì. Ông là khách hay người nhà cô chủ chẳng ai biết, chỉ biết là sáng sáng chiều chiều ông thường ngồi đó, ngày nắng cũng như ngày mưa. Ông chỉ uống duy nhất một loại bia Hà Lan đắt tiền. Trên bàn của ông tuyền một màu xanh lá cây dìu dịu, từ vỏ bia cho tới những món rau củ quả. Khi nghe bọn người kia đàm tiếu về những đường cong hôi hổi của cô chủ trẻ đẹp, ông không thể bắt mắt mình nhìn đi chỗ khác. Ông cũng có phải phần chứ. Ông nhìn vào cặp mông tròn căng thiên chức đàn bà của cô chủ mà xuýt xoa. Ông nâng ly bia lên nhưng không uống vội, mắt vẫn nhìn vào cái vòng kim cô ấy, cho tới khi không dằn nổi trái khế đứng yên một chỗ, ông nuốt tất số bia còn lại trong cái ly tổ bố của mình.

Khi đã lo bia và mồi nhậu cho khách đâu vào đấy, cô chủ ghé lại ngồi đối diện với đám lưu linh khi nãy :

- Uống nữa không em khui.

- Uống chứ, cô đuổi bọn tôi à.

- Ai dám, anh Hai.

Và cô cúi xuống lấy bia. Và những đôi mắt nhìn chăm bẳm vào chỗ áo hở cổ nọ và…một bàn tay láu cá vuốt ve cặp mông căng tròn của cô.

- Quỷ sứ…Chặt tay bây giờ.

Bọn lưu linh lại cười hô hố.

Ông khách phía bàn trong cùng lại nâng ly, lại đỏ bừng mặt. Hình như ông đang uống những giọt cay đắng nhất của cuộc đời thì phải. Mắt ông lồng lên những sọc giận dữ cho tới khi cô chủ nhìn ông đá lông nheo tình tứ thì lửa lòng ông mới hạ hoả. Khi khách dần vơi cũng là lúc ông hối hả về bắc nồi cơm. Công việc của ông chỉ có thế. Khi cơm chín ông quay lại quán, chờ khách ra về hết thì giúp cô chủ dọn dẹp rồi đóng cửa. Hẳn nhiên, đó là đôi uyên ương già nhân ngãi non vợ chồng. Người ta bảo ông háo sắc, gần đất xa trời mà chẳng nên nết, nên thân. Mặc, ai nói gì nói, đôi đũa lệch ấy vẫn gắp thức ăn rất điệu nghệ và rất ý hợp tâm đầu. Chỉ có ông biết và cô chủ quán biết. Đó là một ngày cách đây dăm năm, khi ông còn làm việc ở một địa phương nọ. Ông nhận trại viên đã cải tạo tốt từ trại phục hồi nhân phẩm đưa về. Sau khi bàn giao số người đó lại cho gia đình thì có một người không biết đi đâu, về đâu.

- Này, cô kia sao không về đi, bộ tính quay lại trại hả.

- Dạ cháu chẳng có nơi nào để về.

- Sao, địa chỉ ở khóm ba mà…

- Dạ đó là nhà trọ ạ.

- Thế, trước nhà trọ thì cô ở đâu.

- Dạ đầu đường xó chợ…

- Đừng giỡn mặt với tao nghe mậy.

Cô bé ôm mặt khóc thút thít mãi không thôi. Hết giờ hành chánh rồi, ông đâm hoảng. Ông gọi điện thoại hết chỗ nọ tới chỗ kia, ở đâu cũng được nghe : “ Chỗ anh không giải quyết được thì chúng tôi bó tay.”! Vậy là tai bay vạ gió, ông đành gởi cô gái trú tạm chỗ nhà người quen. Hôm sau ông báo cáo lãnh đạo cơ quan thì lãnh đạo cơ quan cũng chịu, không có khoản kinh phí nào để chu toàn nổi cuộc sống cho cô gái ngoài mấy đồng tiền hổ trợ ít ỏi khi ra trại. May mà ai cũng thương cho hoàn cảnh của cô gái, ai cũng góp một ngày lương cho cô làm vốn ban đầu. Ông dắt cô gái ra cái chợ nhỏ tự phát kia nhờ người có uy tín giúp đỡ. Cô gái đứng dậy từ đó, từ cái rổ rau và lòng kiên quyết của mình. Bây giờ cô đã sang được quán nhậu, được làm bà chủ hẳn hoi. Thế mới biết, giày dép có số thì con người làm sao không có số cho được.


Mười năm hơn ông sống trong lặng lẽ, trong căn nhà cũng vào loại phốp pháp của mình, vợ mất, không con. Cái cô đơn có lẽ chỉ người cô đơn mới biết. Cô gái thường đến thăm ông, rủ ông đi ăn cái này cái nọ nhưng ông chưa bao giờ để cô gái trả tiền. Ông không hề nghĩ gì, có chăng là cô ấy xinh quá, trẻ quá, còn mình thì già quá. Cho đến một hôm cô ấy say mèm, đẩy cửa bước vào phòng ông và không có ý định ra về. Vạ gió tai bay. Ông thành người hầu thiện chí. Lau mặt, lau chân, pha nước chanh, xoa dầu và đắp chăn ấm cẩn thận. Ghế phô tơi là chỗ ông nằm đêm đó. Khi tỉnh dậy, cô gái cười khanh khách, tiếng cười xoáy vào tim ông. Ông biết, ông thua chớ không hề thắng, bằng chứng là đêm qua ông chẳng chợp mắt được chút nào. Có lúc ông định xoá bỏ cái khoảng cách kia đi nhưng ông dằn được mà cũng chỉ nhất thời thôi. Và ông thua thiệt, cô gái chẳng chịu đi đâu cả.

Đêm nay, ông cũng không ngủ được. Nhục nhã quá khi nhìn thấy đám nhậu sàm sỡ với cô ấy quá. Trằn trọc mãi ông đành phân trần :

- Hay là em sang quách cái quán ấy đi.

- Cái gì cơ, điên hả. Đang ăn nên làm ra…

- Nhưng anh không thích.

- Thì ông cưới tôi đi – Cô gái thách thức.

Rồi như hối hận, cô nhẹ nhàng :

- Em biết là anh ghen nhưng ghen mù quáng. Vuốt mông, sờ đùi có là gì so với chuyện em làm ngày xưa. Em chẳng yêu ai khác ngoài anh, tuổi tác không có gì là quan trọng. Em có được như bây giờ là cũng nhờ anh. Em muốn trả ơn anh mà không có cách nào. Anh không dám cưới em thật sao ?

Cờ đang chiếu bí. Ông làm sao dám cưới cô kia chứ, một cô gái có cái lý lịch quá cỡ. Còn sống lén lút mãi thế này ư, chẳng tốt đẹp gì, mà tiếng tăm thì cũng đầy tai rồi. Ông chống chế :

- Sao lúc mấy ông nhậu hỏi anh là ai, em nói là khách ?

- Chớ nói sao bây giờ, muốn quán ế hả ?

- Ế cũng được.

- Không hối hận nghe chưa ! – Cô trầm ngâm.

Vừa mở mắt, băng lưu linh hôm nọ đã gọi điện thoại ơi ới, hôm nay chủ nhật, nhậu sớm. Không kịp cùng cô đi ăn sáng. Tất bật đến quán mở cửa, sắp xếp bàn ghế, ly tách. Trong lúc cô lo đồ nhậu cho khách thì ông bước sang chợ mua hai ổ bánh mì và mấy quả trứng gà mới. Bữa sáng được ông làm và bưng ra. Cô mải lo kháo chuyện với đám khách, ông điên tiết.

- Này, có ăn không thì bảo.

- Ăn trước đi.

Đám khách lao nhao, một người trong số đó nhìn cô dè bỉu :

- Lão già ấy là ai vậy ? Bố em à.

-…

- Ngày nào cũng đưa cũng đón, mặt lúc nào cũng hằm hằm. Thấy ghét.

- Thì ai bảo anh thương đâu.- Cô bênh vực.

- Nếu nói thế thì bọn tui tới đây để làm gì, hết chỗ nhậu rồi à, hay là để ngắm một bà già lọm khọm ?

- Thôi mà, uống đi, ủng hộ cho em út…Nào, dzô…

Ông không kiên nhẫn nổi nữa, ông bưng đĩa ốp la và ổ bánh mì sang chỗ cô ngồi cùng đám khách :

- Em ăn đi, đêm qua có ăn gì đâu.

Rất hàm ý. Ông về lại chỗ của mình, mắt không quên đảo một vòng nhìn đám khách. Một người thấy rất quen trong đám khách đó dường như có tình ý với cô chủ :

- Không dám trả lời tui hả, lão ấy là ai ?

Đến nước này thì chịu, tốt đã vào cung, không trả lời không thể. Bao nhiêu cặp mắt đều dồn về chỗ cô chủ, mắt cô sọc lên, nhìn ông lắc đầu ngao ngán :

- Chồng tôi.


Quán ế rề, vài ba người bạn của ông thì chẳng thể gánh nổi tiền thuê nhà, tiền thuế, tiền nước, tiền điện chứ nói gì tới lợi nhuận. Đồng lương hưu của ông chẳng bõ bèn gì. Ông đem chuyện bán căn nhà phốp pháp của mình rồi mua căn nhà nhỏ hơn ra bàn với cô, cô cau mày suy nghĩ. Có lẽ nào mới quen ông mà đã nuốt mất nửa căn nhà của ông, tiếng đời nghe sao thấu. Một quyết định khó khăn đến với cô :

- Em ra chợ bán lại.

- Lê lết dọc đường ư.

- Em sang quán bia lấy tiền đó sang sạp hàng rau anh ạ.

Ông không nói gì, nghĩa là ông đã bằng lòng.

Bán hàng rau vất vả lắm ba, bốn giờ sáng phải dậy rồi. Phải ra chợ ngồi chóc ngóc chờ nhà vườn mang hàng đến. Rồi phải rửa, phải lặt bỏ những lá úa, lá dập, phải sắp xếp hàng cho có thứ tự, bắt mắt. Công việc của cô nặng nhọc quá, ông thương lắm nhưng ông kiên nhẫn xem cô chịu đựng tới đâu. Cô vẫn vui như ngày nào, có đồng lui đồng tới cô rủ ông đi ăn món này món nọ. Ông hạnh phúc ra mặt. Một hôm ông đưa cô xấp thiệp cưới mới toanh, bảo cô đi mời người quen biết của mình. Cô sung sướng rơm rớm nước mắt :

- Sao không đợi xuống lỗ rồi cưới.

- Thì cũng phải xem em thật lòng không chứ.

Ông ôm cô vào lòng, đặt nụ hôn say đắm lên môi cô. Ông tủm tỉm cười.

- Cười gì thế, anh.

- Anh vừa tậu được cái trống cơm, em ạ.

- Đâu, đưa em coi.

Ông xoa xoa vào bụng cô rồi cười nắc nẻ.

Ngoài kia trăng đã lên, không gian tràn ngập ánh sáng và thời gian thì như ngưng đọng. Đêm nay mới thật là đêm…




VVM.26.12.2023-NVA.LTMC.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .