Sau mấy
ngày mưa, sáng nay trời quang mây, xanh ngắt. Ngoài ô cửa, đã có thể thấy những
ánh hồng đầu ngày đang lan dần trên các vòm cây, các mái nhà. Hai chân ông đỡ
đau nhức, người cũng cảm thấy thơ thới, nhẹ nhõm hơn. Ông với tay mở tung cánh
cửa, nhìn xuống dòng sông dưới xa kia, thầm ồ lên mừng rỡ khi trông thấy
con thuyền vẫn còn neo đậu. Ông đã nhìn
thấy con thuyền từ mấy ngày trước, trong một buổi chiều muộn, khi lơ đãng nhìn
lướt qua phong cảnh ngoài xa kia. Từ cửa sổ tầng 11 của chung cư, con thuyền
sơn màu xanh biển trông thật thảnh thơi, nhàn hạ. Ông không hiểu vì lẽ gì, cái
con thuyền xinh xắn nằm yên giữa dòng sông ấy lại giúp ông cảm thấy yên ổn
trong lòng. Ở nhà một mình, thỉnh thoảng ông lại đến bên ô cửa nhìn xuống để
xem con thuyền còn đó hay đã rời xa. Mấy ngày mưa, trời đất mù mịt, ông căng
mắt tìm qua màng kính mờ đục, chẳng nhìn thấy bất cứ vật gì, lòng thấp thỏm
không yên. Ông bước lui bước tới trong
căn phòng nhỏ, cảm thấy hết giới hạn của mình, sự bất lực của mình.
Ông biết
mình vô lý, biết rõ một con thuyền thì phải xuôi ngược trên những dòng sông của
nó. Thế mà, mỗi sớm mai trở dậy, ông không sao có thể ngăn được nỗi phấp phỏng,
sợ con thuyền đã rời đi vào đêm trước. Có thể mọi chuyện bắt đầu từ cái hôm ở
bệnh viện, sau ca phẫu thuật chăng. Bữa đó, sau mấy tiếng đồng hồ mê man, ông
chợt tỉnh lại, vào buổi xế chiều. Âm thanh đầu tiên ông nghe thấy là tiếng kêu
lích chích của con chim sâu bé nhỏ. Ông khẽ ngiêng đầu ra phía ô cửa sổ và qua
màn sương mỏng của đôi mắt, ông nhìn thấy con chim như một nắm bông màu xám
nhạt, đang đong đưa trên một nhánh liễu mềm mại. Ông nghĩ đó là điềm lành. Vậy
rồi, chiều nào ông cũng nằm ngiêng qua phía cửa sổ, chờ đợi. Con chim nhỏ,
không biết cả ngày phiêu bạt những đâu, chiều muộn lại về, đong đưa trên cành
liễu, kêu lích chích chào ông. Nó còn ở đó cho đến khi ông xuất viện vào một
buổi chiều. Ông đứng bên ô cửa với cặp nạng gỗ, cố chìa tay ra. Nó nghiêng đầu,
đôi mắt tròn xoe lúng liếng, miệng lích chích, lích chích như tiếng tích tắc
của chiếc đồng hồ để bàn ở nhà ông.
Ông
biết, mình đã trở nên yếu đuối đến thế nào khi trong suốt những ngày nằm viện,
ông đã gần như chỉ bấu víu vào con chim bé nhỏ đung đưa trên cành liễu sà vào
bên ô cửa để hy vọng. Giờ đây, lại bám víu vào con thuyền bất động dưới xa kia,
cũng qua một ô cửa. Chỉ có điều, niềm hy vọng ngày một bé nhỏ hơn, ít ỏi hơn.
Hồi đó, ông mong mình có thể trở lại hoàn toàn bình thường, đi lại mà không cần
chiếc nạng. Giờ đây, ông mong sao có thể cùng chiếc nạng đi dọc con phố men
theo bờ sông dưới kia, trong những sớm mai, những chiều muộn, khi phố xá thưa
vắng. Ông thở dài, tự nhiên nhớ đến câu nói của một nhân vật nào đó, trong một
cuốn sách ông đọc hồi còn trẻ: Đời sẽ sướng mắt hơn nhiều nếu ta chỉ nhìn nó
qua một ô cửa sổ duy nhất. Ông cố nhớ xem câu nói đó của ai, được nói trong
hoàn cảnh nào nhưng không sao nhớ nổi, chỉ biết rằng mình đã từng tâm đắc với câu nói có tính triết
lý này. Chỉ có điều, ngày đó nó là một tiếng reo, giờ thì nó là một tiếng thở
dài. Chũ nghĩa, trong những cảnh huống khác nhau, có thể hàm chứa những ý nghĩa
khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Ông học đại học trong thời chiến nên trường
phải sơ tán về một vùng núi rừng hẻo lánh. Trong lớp, có một cô người Ba Lan
theo học văn học Việt Nam. Cô ta nói một thứ tiếng Việt không có dấu nhưng đọc
và hiểu khá tốt. Lần nọ, cô ta gặp rắc rối tình cảm sao đó, buồn lắm. Nghe cô
ta kể chuyện, ông, chàng trai trẻ 20 tuổi, an ủi: Rồi mọi sự sẽ qua thôi. Không
ngờ cô ta cười, đáp lại: “Với một người đang vui, thì câu đó có ý nghĩa lạc
quan nhưng với một người đang buồn thì nó lại có ý nghĩa bi quan”. Ông đã sửng
sốt biết bao trước cách hiểu và diễn đạt tiếng Việt của cô gái. Hình như cô
cũng có ít nhiều cảm tình với ông và ngược lại, ông cũng thấy quyến luyến cô
gái thông minh có mái tóc vàng và đôi mắt xanh như ngọc ấy. Ông đã thật
buồn khi cô không thể chịu cực khổ thêm
nữa, đã trở về nước khi khóa học còn dở dang. Maria, tên cô gái là Maria, ông nhớ
lại khi cúi mình qua khung cửa, nhìn ngắm con thuyền. Maria, cô đã sống ra sao trong
chừng ấy tháng năm, giữa cuộc đời đầy bất trắc này.
Một tai
nạn đã đổ ụp xuống cuộc đời ông khi ông vác máy băng qua đoạn đường cheo leo để kịp chụp những bức ảnh về
loài đào phai ở rừng cho số báo cuối năm. Tảng đá ông đặt chân bất ngờ rời khỏi
triền núi. Ông nằm mê man, hai chân dập nát, một ngày sau mới có người nhìn
thấy, đưa đến bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện
tỉnh. Bệnh viện tỉnh xoay xỏa vài ngày rồi đưa về thành phố. Kết cục, sau 3 lần
mổ, giờ đây, ông chỉ có thể loanh quanh trong phòng với một chiếc khung sắt
hình chữ nhật làm trụ đỡ.
Tốt
nghiệp đại học nghành ngữ văn, ông về làm biên tập cho một tờ báo ảnh. Công
việc buộc ông phải tìm hiểu, học hỏi nghề ảnh và rồi say mê thứ nghệ thuật này
lúc nào không biết. Thay vì ngồi ở văn phòng, xem ảnh và bình luận, ông trèo
đèo lội suối theo các nhiếp ảnh gia để “ có cảm hứng” khi viết bài, ông trình
bày với ban biên tập như vậy. Các nhiếp ảnh gia của tờ báo là những tay chuyên
nghiệp, những tay có số má trong nghề, như cách thiên hạ vẫn nói về họ. Chàng
trai trẻ lang thang theo họ, lúc vác giúp bộ chân máy, khi chặt cây dựng lều
giữa rừng, nhìn ngắm họ làm việc, lắng nghe họ trò chuyện. Họ cũng yêu chàng
trai trẻ đầy nhiệt huyết. Họ thấy có anh đi cùng cũng vui, hơn nữa, cách biên
tập và các bài viết của anh ngày một sâu hơn, nhiều cảm hứng hơn. Đôi khi, thấy
nhiếp ảnh gia bỏ máy, ngồi hút điếu thuốc, uống ngụm trà, ông cũng cầm máy lên
ngắm nghía. Chỉ ngắm nghía thôi, không dám bấm máy vì hồi đó chỉ có máy chụp
phim mà phim thì vừa hiếm lại vừa đắt. Người ta phải tính toán kỹ càng trước
khi quyết định chụp một pô ảnh. Sau một thời gian tầm sư học đạo, anh quyết
định theo thầy VH, một chuyên gia ảnh phong cảnh. Anh bị mê hoặc bởi các bức
ảnh của ông. Trong mỗi rặng cây, trong mỗi triền đê, trong mỗi bến sông, trong
mỗi chiều tà của VH dường như đều hàm chứa một lời kêu gọi, một niềm chờ đợi,
một nỗi hoài nhớ nào đó… VH đã cưỡng lại lối sắp đặt cân xứng vốn có trong bản
chất của mỗi con người, của tự nhiên để làm nên một trật tự mới, một vẻ đẹp khác
lạ cho các bức ảnh của mình… Ông đã viết như vậy trong một bài báo viết về VH.
Đọc xong, VH cười cười, cúi xuống vê mồi, rít một hơi thuốc lào rõ dài, vỗ vai
chàng trai trẻ một cái, rồi lững thững ra khỏi tòa báo.
VH chạy
đôn chạy đáo mua cho cậu học trò một chiếc Leica của Đức. Thầy hươ hươ chiếc
máy trước mặt chàng trai, cố nhịn ăn vài tháng nhé. Rồi cười, tớ phải chiến đấu
thật lực với tay buôn máy mới bớt được chút đỉnh cho câu có cháo mà ăn đấy. Tớ
nghiệm ra, đàn ông mà đã đi buôn thì còn
rắn hơn cả phụ nữ. Một là một, hai là hai, chắc như bắp, chẳng gì làm cho nó
lung lay được. Chàng trai trẻ nhào tới rồi bất chợt đứng sựng lại trước mặt
người thấy, không nói nổi lời cảm ơn.
Suốt thời gian này, vào các buổi sáng, thầy lúc đem chiếc bánh mì, khi đem gói
xôi cho học trò. Chàng trai ái ngại mà không dám từ chối, sợ thầy buồn. Thầy
lúc nào cũng nghĩ người khác khổ hơn mình. Có kẻ trong tòa soạn ác mồm gọi thầy
là “ngài bi thảm hóa”. Thầy dạy nghề cho học trò thật kỹ lưỡng, thật bài bản,
nhường bớt phần phim ít ỏi của mình cho
học trò rồi kéo chàng trai theo mình lang thang tìm cảnh. Mỗi khi chàng trai có
được bức ảnh khiến ông hài lòng, ông lại kéo chàng ta ra quán chè chén trước
cửa cơ quan, vừa uống nước vừa rít thuốc lào. Mãi rồi học trò cũng nghiện trà,
nghiện thuốc lào theo thầy. Trong một lần như thế, thầy bỗng nghiêm giọng, bây
giờ thì quên đi những khẩu độ, những độ sáng, độ sâu, những chia cảnh, những
căn khung…Hãy làm theo cái slogan của hãng máy ảnh Lomography: Don’t think,
just shoot, đừng suy nghĩ, chụp đi. Tất cả bí quyết của tớ là khoảnh khắc. Tất
cả là khoảnh khắc, ông nhắc lại. Chàng trai dè dặt hỏi ông, hình như thầy đồng
quan điểm với trường phái Ấn tượng. Ông rít một hơi thuốc lào, nhả khói, nhìn
làn khói lơ lửng giữa khoảng không, trầm
ngâm, tớ cũng chả biết nữa. Chỉ là
chuyện Dị sàng đồng mộng của những kẻ cùng làm một thứ lao động thôi mà.
Khoảnh
khắc. Phải rất lâu sau, phải làm hỏng, phải bỏ phí hàng ngàn khoảnh khắc, ông
mới hiểu lời dạy của thầy, mới có thể làm chủ được những khoảnh khắc. Các bức
ảnh của ông đã được tạo nên trong những khoảnh khắc huyền diệu của trời đất, cỏ
cây, sông núi. Ông không có thói quen
chụp nhiều po ảnh cho một cảnh sắc như người khác vì tin chắc rằng chỉ có một khoảnh
khắc cho điều mình muốn ghi nhận, một lần duy nhất, không thể lặp lại. Sau cuộc
triển lãm đầu tiên của ông, thầy bỗng đổi cách xưng hô. Không còn cậu cậu tớ tớ
nữa mà là Anh và Tôi. Ông thấy sờ sợ, thấy xa cách sao đó nhưng một người bạn
từng sống lâu ở tòa báo, bảo ông, đó là cách thầy công nhận tài năng của anh
đấy. Không mấy người trẻ được như vậy đâu. Những năm cuối, mắt thầy ngày một mờ
đi, cho đến khi mắt phải của thầy lòa hẳn, không thể nhìn qua ống kính được nữa, thầy mới gác máy.
Thầy bảo, Trời chỉ cho ta được hưởng mọi thứ đến một giới hạn nào đó. Tôi đã
nhìn nhiều hơn số lần được nhìn trong đời một người rồi. Giờ thì dù muốn dù
không, mình cũng chỉ có thể nhìn đời bằng một mắt mà thôi. Thầy trao lại chiếc
máy ảnh cho ông. Đó là chiếc máy ảnh ông mang theo khi gặp tai nạn. Như có phép
màu, chiếc máy ảnh cũ chỉ sây sát chút đỉnh. Ông nghĩ, có lẽ mình cũng đã đi
nhiều hơn số lần được đi trong đời một con người.
Cũng như
thầy, ông chỉ dùng một chiếc máy ảnh chụp phim duy nhất cho công việc của mình, chiếc Nikon F100 thầy để
lại. Ông có cảm giác khi lấy nét bằng tay, đo sáng bằng mắt, có cái gì đó như
sự gắn bó của cơ thể, của máu thịt với cảnh vật. Có lẽ nó cũng giống như người
làm thơ nọ muốn viết trên mặt giấy, muốn nghe thấy tiếng lạo xạo khi ngọn bút
tiếp xúc với trang giấy, muốn nhìn thấy vết dập xóa trên mỗi con chữ, ngay cả
khi máy tính là vật dụng phổ biến cho tất cả mọi người. Có ai chê ông cổ lỗ,
bảo thủ, ông chỉ cười, không thanh minh, không giải thích. Một đồng nghiệp lâu
năm bảo ông có cái cười giống VH- người thầy của ông. Ông hỏi, nghĩa là sao.
Nghĩa là tin mình đúng nhưng cũng không phủ nhận người khác, người bạn đáp.
Sau tai
nạn, ông đem chiếc Nikon 100 cất vào tủ đựng tài liệu, bên cạnh chiếc Leica của
thời khởi nghiệp. Dần dà, ông đã quen nhìn chúng như nhìn những hiện vật bảo
tàng. Xin đừng chạm tay vào.
Mọi việc
lướt qua ông như một cuốn phim quay chậm, không lời thoại, trong khi ông vẫn
chăm chú nhìn xuống dòng sông, nhìn con thuyền đứng yên, nhìn rặng cây thấp
xanh tươi chạy dọc đôi bờ sông vắng lặng. Ông không ngờ, chính cuốn phim quay
chậm đó đã làm thức dậy nỗi khao khát bị chôn vùi nhiều ngày tháng. Tự nhiên
ông thấy lòng dạ cồn cào như sắp sửa một cơn đau bao tử, thấy thèm cầm chiếc
máy trong tay, thèm được đưa máy lên ngắm nhìn, thèm được nheo mắt, được ấn nhẹ
ngón tay vào contac trong khoảnh khắc này. Linh cảm cho ông biết ông sẽ có một
bức phong cảnh tuyệt vời. Ông đứng dậy, đẩy lồng sắt tới trước chiếc tủ tài
liệu. Tim đập loạn xạ, tay ông run rẩy khi mở cánh cửa nhỏ. Trong lúc ông với
tay lấy máy, chiếc quai da vướng vào một chồng báo được ràng rịt cẩn thận.
Chồng báo rơi xuống mặt sàn, sợi dây buộc ngoài, có lẽ quá cũ, đứt tung ra. Ông
mở tập báo, nhìn ngày tháng trên những tờ báo, những tờ tạp chí khác nhau, lật
dở từng trang một để tìm ra lý do của sự lưu giữ. Chỉ đến khi nhìn thấy bức ảnh
phong cảnh chùa Thầy trên trang giữa của một tờ báo, ông mới chợt nhớ ra cơ sự.
Hồi đó, không hiểu vì cớ gì, khi bức ảnh của ông vừa được trao giải trong cuộc
thi hàng năm, một nhiếp ảnh gia lên báo cho rằng ông đạo ảnh của ông ta. Trong
lúc ông chưa kịp phản ứng thì hàng loạt tờ báo đã vội vã vào cuộc. Người thì
cho rắng lời tố cáo là đúng sự thật. Kẻ thì cho rắng ông bị oan. Ai cũng muốn
nói lời sau cùng, ai cũng muốn mình đúng. Ông nghe lời thầy, đợi mọi người nói
xong phần của họ rồi mới lên tiếng. Lại ầm ầm thêm một thời gian nữa mọi việc
mới yên ắng. Ít lâu sau, ông gặp lại tay nhiếp ảnh nọ ở một cuộc triển lãm mỹ
thuật, hắn chạy tới bắt tay, cười nói hi
hô như chưa từng xảy chuyện. Hết biết. Ông nói với VH đang đứng bên cạnh. Thầy
cười, chưa hết đâu. Rồi cậu còn thấy khối chuyện lạ trong cái mảnh sân bé nhỏ
này. Quả nhiên, gần như ngay sau đó, lại đến lượt thầy gặp nạn. Có ba bốn bài
báo đồng loạt lên tiếng phê phán VH, cho rằng thầy là người duy mỹ, các tác
phẩm không phản ảnh hiện thực đời sống, không theo đúng các chức năng này chức
nặng nọ…Ông đã toan lên tiếng bênh vực thầy nhưng thầy bảo, vào lúc này, anh
không “địch” nổi với họ đâu. Thầy vừa rít thuốc lào vừa lơ đãng nhìn khói, nói
dấm dẳng, chỉ cần họ không tước máy của mình là được. Rồi lại vác máy ra đi
hàng tháng trời. Rồi lại đem về những bức ảnh đẹp tuyệt vời. Hồi đó, ông thấy
mọi việc nghiêm trọng lắm, quyết giữ lại các chứng từ để phòng khi cần dùng đến,
mà cũng muốn cho con cháu về sau biết rõ hư thực. Ông thở dài, đứng ngẩn ra một
lúc rồi thu dọn chồng báo, đem đặt vào chỗ báo cũ ông vẫn để dành cho người
giúp việc. Người phụ nữ gầy nhỏ này giúp việc theo giờ cho năm nhà trong chung
cư, nhà thì 2 tiếng, nhà thì 3 tiếng, cộng lại thành 12 tiếng trong một ngày. Ông
chọn quãng thời gian 9 đến 11 giờ để tiện việc chợ búa, cơm nước. Gia đình bà
vốn là những diêm dân ở miền Trung nhưng vì chồng đau ốm, con lại đang theo học
trường cao đẳng nghề ở thành phố nên bà đưa cả nhà vào theo, thuê một căn phòng
nhỏ để tá túc. Bà làm việc chăm chỉ, cẩn thận, rất ít lời. Lần duy nhất bà hỏi
ông về gia cảnh là khi ông bị cảm, phải ăn cháo mấy ngày liền. Bà bưng cháo
lên, ái ngại, tôi hỏi không phải, xin ông thứ lỗi, bà nhà và các anh chị ở đâu
mà ông sống một mình thế này. Ông cười nhẹ, nhà tôi mất sớm, có một cô con gái
thì lại lấy chồng cách xa đây hàng vạn cây số. Ông nghe bà thở dài khi quay đi.
Đó cũng là lần duy nhất ông nói với người khác tình cảnh của mình. Trừ số tiền
lương được thỏa thuận ra, ông cũng chẳng có gì nhiều để cho bà, ngoài mấy tờ
báo cũ, mà nghe đâu bây giờ cũng chẳng đáng gì. Hôm nay bà xin phép nghỉ để đưa
chồng đi tái khám sau đận mổ ruột thừa. Ông mở tủ lạnh. Các thức ăn đã sắp sẵn
cho một ngày, chỉ cần đặt vào lò vi sóng hâm nóng lại. Thật tội nghiệp, ông nói
nên lời, nước mắt chợt ứa nhòa đôi mắt. Cái cuộc đời tàn khốc, đau đớn này rút
cục bao giờ cũng dành cho ta một niềm thương cảm, một nỗi xót xa, để sống.
Ông
quàng chiếc dây da qua cổ. Một cảm giác gần như cơn ớn lạnh chợt chạy khắp cơ
thể, giống như lần đầu tiên ông cầm chiếc Leica, ngắm nhìn Hồ Tây trong một ban
mai mùa hạ. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại như thế, làm cho cuộc đời mình như dày
dặn thêm lên, thầy từng có lần nói câu này, có lẽ là câu nói dài nhất, văn vẻ
nhất của thầy, trong lúc xem bức phong cảnh cũ nhưng được chụp ở một thời khắc
khác.
Ông đẩy
chiếc khung sắt về phía ô cửa. Loay hoay mà đã đến nửa buổi rồi, ông lẩm bẩm.
Lựa một tư thế ngồi thích hợp, ông cúi nhìn xuống dòng sông, chuẩn bị cho việc
bấm máy. Thế nhưng, trong ánh sáng rỡ ràng của ngày, con thuyền đã biến mất.
Ông bỏ máy xuống, nhướn mắt nhìn thật kỹ một lần nữa. Rặng cây thấp ven bờ vẫn
xanh thắm. Dòng nước dưới xa kia vẫn êm đềm như chẳng hề trôi chảy. Chỉ có con
thuyền là không còn nữa. Cái cảnh vật mà
ông muốn có đã vỡ ra. Khoảnh khắc đã vuột mất.
Dù biết vậy,
ông vẫn không sao có thể rời khỏi ô cửa.
Ông cứ ngồi như thế, chốc chốc lại đưa mắt tìm kiếm, hy vọng lại nhìn thấy con
thuyền neo đậu giữa dòng sông, cái hình ảnh đã tạo nên cảm giác yên bình kỳ lạ
trong tâm khảm ông từ bấy lâu nay. Nếu không có tiếng chuông cửa của người đưa
báo, không biết ông sẽ còn chờ đợi đến bao giờ. Ông kêu to, tôi ra đây, tôi ra ngay đây như kẻ ngủ mê chợt tỉnh dậy, nói mà
không biết mình đang nói gì.
Khi ông
ra đến nơi thì người đưa báo đã đi rồi. Mấy tờ báo được đẩy qua khe cửa. Thường
thì cậu ta nán lại vài phút để trò chuyện với ông. Không hiểu do đâu mà cậu ta
biết nghề nghiệp của ông. Cậu ta thích chụp ảnh, thích bàn luận về nghệ thuật
này và không ngớt tán dương ưu thế của máy ảnh kỹ thuật số. Cậu ta bảo đang
theo học tại một trường nghệ thuật nào đó, đưa báo là việc làm thêm để chi dùng
hàng ngày. Biết vậy, những hôm bận, cậu đưa báo trễ, thậm chí quên đưa báo, ông
cũng không phàn nàn. Ông bảo, cậu đừng ngại, đọc báo chỉ là thói quen thôi, tin
tức có là bao. Hàng ngày, ông vẫn có ý đợi chàng trai này để… nói dăm điều, ba
chuyện, cho đỡ buồn. Đã vài ba lần cậu ta bảo, để lúc nào rỗi, cháu đến chơi
với bác cả buổi. Nhưng chắc chẳng khi nào cậu ta ( và bọn trẻ nói chung) có thể
có đủ một buổi để nói chuyện với một ông già, ông nghĩ.
Ấy vậy
mà, một ngày nọ, chàng trai tìm đến thăm ông. Nghe tiếng chuông, nghĩ là người
giúp việc đến dọn dẹp, không ngờ là cậu đưa báo. Câu ta đến giữa phòng rồi mà ông vẫn còn đứng
vịn vào cánh cửa, vẻ bần thần. Cậu ta quay lại, cháu có làm phiền bác không ạ.
Ông giật mình, đỏ mặt, không, không, chẳng là tôi ở một mình lâu quá nên bất
ngờ một chút thôi. Ông đã không nói với cậu ta rằng, chính cậu, chàng trai có
mái tóc cắt ngắn, mặc chiếc sơ mi kẻ sọc xanh biển, khoác hờ hững chiếc ba lô
màu đen bên vai, đã mang theo một luồng khí ấm nóng, tràn trề nhựa sống ùa vào
căn phòng nhỏ bé, lạnh lẽo của ông, đã khiến ông nghẹn ngào vì xúc động. Chỉ đến lúc này ông
mới hiểu vì sao ngày trước thầy VH lại yêu quý ông đến vậy. Tuổi trẻ làm cho ta
hoài nhớ tuổi trẻ của chính mình, làm sống dậy trong ta những khát vọng, những
ao ước, những tiếc nuối, day dứt, để sống.
Vẫn đứng
giữa phòng, chàng trai nói to, giọng trầm vang, cháu vừa đi thực tập ở Tây Bắc
về. Đẹp không thể tả được bác ạ. Chỉ có
3 ngày mà cháu chụp không biết bao nhiêu là ảnh. Bác đừng cười cháu nhé. Cháu
không thể cưỡng lại cái ý muốn thâu tóm tất cả cảnh trí vào ống kính của mình.
Đêm nằm không sao ngủ được, cháu cứ lục đà lục đục khiến cậu bạn mất ngủ, càu
nhàu cấm cảu như một bà già khó tính. Vừa tờ mờ sáng cháu đã vác máy đi, đúng
là quên ăn, quên ngủ. Cháu mang ảnh đến trình bác đây ạ. Chàng trai chợt dừng
lại, lo lắng nhìn ông già đang ngồi im lặng, một tay chống cằm, vẻ lơ đãng, bác
ơi, bác có khỏe không ạ. Ông già ngẩng lên, mỉm cười, giọng run run, tôi khỏe
mà. Anh cho tôi xem ảnh đi. Ông đã thay
đổi cách xưng hô. Nhận thấy vẻ bối rối của chàng trai, ông đưa tay kéo cậu ngồi
xuống bên cạnh, chỉ riêng tình yêu với thứ nghề này của anh đã đủ để chúng ta
thành bạn bè rồi.
Chàng
trai ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc máy tính cũ trên bàn làm việc, bác dùng máy
tính ư. Thật tuyệt quá. Cháu đã in ra đây rồi nhưng xem trên máy sẽ rõ ràng
hơn, thú vị hơn, sinh động hơn. Ông húng hắng ho, máy của tôi chỉ để gửi thư,
nhận thư của con cháu, không biết anh có dùng được không. Chàng trai ngó
nghiêng chiếc máy một chút, giúp ông đến ngồi trước màn hình, rồi đặt CD vào ổ
máy. Lập tức, trên màn hình hiện ra những triền núi, những cánh đồng, những
thửa ruộng bậc thang phủ đầy một màu hoa hồng thắm. Chàng trai vừa di chuột cho
những bức ảnh liên tục hiện ra vừa giải thích, đây là hoa Tam giác mạch, cháu
may mắn đến vào đúng mùa hoa. Thoạt tiên cháu cũng hơi ngạc nhiên vì tên của
hoa. Người bạn ở địa phương nói với cháu, sở dĩ có tên lạ lùng như vậy là bởi
hoa có 3 mặt hình tam giác, lại là thứ hoa được nảy mầm từ mày lúa, mày ngô, có
thể lấy hạt làm bánh, nấu rượu như các loại cây lương thực khác. Tam giác là vẻ
ngoài, còn mạch là thuộc tính căn bản của hoa.
Có người gọi chúng là loài Lương thảo, có người lại gọi là Thảo hoa.
Cháu thấy tên nào cũng hay vì chúng đẹp quá, mỏng manh quá, hoang dại quá. Một
cô gái đẹp đâu phải nhờ cái tên bác nhỉ. Tam giác mạch có nhiều ở Cao Bằng, Lào
Cai, Hà Giang…
Ông vừa
nhìn hoa vừa nghe chàng trai vừa nhớ lại những loài hoa ông từng biết, những
vùng đất ông từng qua. Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Trà Lĩnh, Trùng
Khánh, Sủng Là, Lũng Cú, Hoàng Su Phì, Phó Bảng, Đồng Văn, Xín Mậu…Ông đã trở
đi trở lại những vùng đất này biết bao lần. Ông đã chụp hàng trăm bức ảnh Hoa
Ban, Hoa Đào phai, Hoa Mận, Hoa Táo, Hoa Sim, Hoa mua, Hoa Cải, Hoa Lan rừng…Có
mùa đông ông còn lặn lội vào từng nhà
của vùng núi này để tìm mật ong Hoa Bạc hà về làm thuốc trị bệnh cho vợ. Vậy mà ông chưa
khi nào biết đến một loài hoa có tên là Tam giác mạch quyến rũ, huyền hoặc,
thắm thiết nhường kia.
Ông nhắm
mắt lại, ngả đầu tựa vào thành ghế, im lặng hồi lâu rồi bất thần hỏi chàng
trai, Tam giác mạnh nở vào lúc nào. Dạ, vào cuối thu, khoảng tháng 10, tháng 11
bác ạ. Thế nào cháu cũng sẽ quay lại vào năm tới. Chàng trai hào hứng trả lời,
trong khi ông già đã thiếp đi trong ý nghĩ, sao ngày xưa ta lại không đến Tây
Bắc vào độ cuối thu.