- T hưa thầy, có một chuyện quái lạ, con xin trình thầy. Trên đường vào kinh thi Hội, nhân ngày tháng còn dài, con ghé qua cửa biển Thần Phù dạo chơi.
Trời vào hạ cao và trong vắt. Một vài vẩn mây, trắng mỏng lang thang theo chiều gió lộng, hình như gió lộng khắp bốn trời.
Gã trẻ tuổi ngồi trên ghềnh đá, chiếc bóng nhỏ nhoi đơn độc, nhạt nhòa chìm trong khoảng trời, biển gặp nhau. Dáng trầm mặc, gã ngồi bất động giữa làn bụi nước mịt mù, mắt dõi theo cánh diều no gió, điểm trên bầu trời từng chấm xanh đỏ li ti, thỉnh thoảng gã lại lười biếng nhấm nháp từng ngụm rượu nhỏ.
- Này chàng tuổi trẻ, ngươi ngắm gì mà ngẩn ngơ đến thế?
Tiếng nói làm gã giật mình. Trước mắt gã xuất hiện một ông lão tóc râu đều bạc.
Thư sinh cười, giọng hồn nhiên:
- Tôi ngắm mấy cánh diều.
- Cánh diều nho nhỏ đủ khiến ngươi say sưa đến xuất thần thế ư?
- Cụ có biết thả diều không? Thích lắm đó. Tôi chợt nghĩ tới những cuộn dây thật mảnh, vậy mà không có nó con diều không thể cất cánh bốc lên. Tuy nhiên, chính sợi dây mỏng manh lại ràng buộc, khiến nó không thể bay bổng tuyệt vời. Con diều bị giằng co giữa trời và đất.
- Té ra ngươi bận tâm về mấy sợi dây.
- Đó đó, cụ xem kìa, con diều cao nhất đứt dây rồi, nó lảo đảo vài vòng rồi chúc đầu lộn xuống.
- À! Ta hiểu, chắc ngươi nghĩ tới những sợi dây ràng buộc giữa đời thường.
- Đúng vậy, tuy nó mỏng manh thật đấy, nhưng lại rất chắc và rất êm ái.
Gã ngưng ngang, chợt cười thầm và thấy lòng ấm áp. Gã uống cạn một chung rượu, rồi nhỏ nhẹ:
- Vùng này hoang vắng, không ngờ lại có gót hạc vân du.
- Gót hạc quái gì, nói ra xấu hổ. Mũi ta rất thính, có thể đánh hơi thấy mùi rượu trong vòng một dặm, còn đôi chân hư hỏng, cứ theo hướng rượu mà lân la. Chà! Rượu thơm, rượu thơm thật!
Gã cười hào sảng:
- Không có gì buồn bằng độc ẩm, xin kính cụ một chung.
- Khéo mời. Nhưng ngươi thử đoán xem ta là ai trước đã.
Gã nghiêng đầu, nheo mắt:
- Áo thụng xanh, râu dài chấm ngực... vẫn chưa có gì đặc biệt khác người. Tay phải cầm cuốn sổ lớn, tay trái cầm bó chỉ hồng. Gã cười tít. Biết rồi, cụ chính là Nguyệt hạ lão nhân.
- Quả là mắt sáng. Ngươi xem, sổ này ghi rõ tình duyên trăm họ, còn chỉ này buộc chân các cặp vợ chồng ở thế gian. Ha ha, ta đã buộc, đố ai chạy thoát.
Gã vỗ nhẹ vào hồ rượu làm bằng quả bầu khô.
- Giờ tới phiên tôi. Đố cụ biết đây là loại rượu gì?
- Trên trời có ngọc lộ, quỳnh tương. Dưới đất có trạng nguyên hồng, nữ nhi hồng, trúc diệp thanh... Ta may mắn đã có duyên nếm thử. Còn rượu của ngươi?
- Rượu của tôi cất bằng thứ nếp đầu mùa. Chất rượu đã gắt, lại nhắm với trái mơ xanh chát chát, chua chua. Cụ có muốn nếm thử không?
Ông lão mắt sáng lên, cười hề hề không đáp. Gã rót đầy một chung.
- Kính cụ.
- Kính với cẩn quái gì. Trong lúc túy lúy càn khôn, tửu đồ chỉ có bằng hữu, không có trên dưới.
Ông lão uống cạn rồi nhai rau ráu một quả mơ.
- Chà! Chất cay xông mờ mắt. Uống rồi dư vị vẫn còn nóng cháy cổ họng. Rượu của ngươi quả là vừa cay, vừa nồng.
Gã chặc lưỡi:
- Phải uống thứ rượu này mới cảm nhận được hết nỗi đắng cay của cuộc đời sớm nắng, chiều mưa.
Ông lão cười bẽn lẽn:
- Ta xin chung nữa.
- Xá gì một chung. Bình rượu này có thể chia nhau tới giọt cuối cùng.
- Hào sảng, thật là hào sảng!
Gã nhặt hai hòn đá cuội gõ nhịp, rồi cất tiếng ngâm hai câu thơ của Lý Trích Tiên.
“Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”.
Cả người như tan loãng trong cơn túy tửu, cuồng ngâm.
Ông lão chợt nghiêm mặt:
- Ta có một nguyên tắc: nhận của ai vật gì, tất phải đáp tạ gấp đôi.
- Ha ha, thế ư? Để xem cụ đáp tạ thế nào cho xứng?
Ông lão ngần ngừ rồi thở dài:
- Này nhé, ta sẽ vì ngươi tiết lộ thiên cơ, cho ngươi xem sổ để biết trước mối duyên tiền định.
Gã xua tay lia lịa.
- Đa tạ, thịnh tình của cụ tôi không dám lãnh nhận.
- Sao vậy? Bá tánh muôn người cầu ta còn chẳng được.
- Tôi cũng có một nguyên tắc: chỉ đi con đường mình đã vạch ra. Như thế cần quái gì biết tới những điều đã ghi trong sổ của cụ.
Ông lão nhăn mặt:
- Vậy là ngươi làm khó ta rồi.
- Thôi được, để khỏi áy náy, cụ cứ đọc thử xem.
Ông lão ngồi xếp bằng, trang trọng giở từng trang giấy.
- Đây rồi, đây rồi “Vũ Thế Lương, tự là Nhược Hư, người huyện Nghi Xuân, sinh năm thứ ba đời Cảnh Hưng, nổi tiếng là “Lê triều tài tử”. Năm hai mươi ba tuổi đậu đầu ba khoa, kết duyên cùng tiểu thư Lưu Thể Hượng, con gái vị thượng thư bộ Học. Nàng vốn là bậc khuê trung tài nữ, và cũng là đệ nhất giai nhân ở chốn kinh thành”. Chúc mừng ngươi, quả là mối lương duyên hiếm có.
Gã vỗ tay cười ngất:
- Sai rồi, sai đứt đi rồi. Này nhé: “Vũ Thế Lương, tự là Nhược Hư, lấy chữ trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử “Lương cổ thâm tàng nhược hư” (người lái buôn giỏi giấu kín như chẳng có gì). Năm hai mươi ba tuổi đỗ đầu ba khoa. Khinh thường phú quý, họ Vũ đã khẳng khái dứt bỏ cuộc hôn nhân với Lưu tiểu thư, con gái thượng thư bộ Học, để kết duyên với cô gái quê Trần Băng Ngọc làm nghề dệt lụa, con gái một ông đồ nghèo”.
Gã xòe bàn tay:
- Đây này, cụ xem đi, sổ của tôi ghi rõ rành rành, không tẩy, không xóa. Cụ ơi! Sách của cụ đốt quách đi là vừa.
Ông lão trừng mắt:
- Tuổi trẻ ngông nghênh. Tình duyên trăm họ, đều do trời định sẵn, ngươi dám cưỡng lại sao?
- Cưỡng với chả không cưỡng. Cụ có dám đánh cuộc với tôi không?
- Được, đúng ba năm sau, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở chính chỗ này. Nếu thua, ta đãi ngươi một vò quỳnh tương, còn ngươi thua, phải đãi ta một hồ rượu nếp.
Gã cười hì hì, giơ tay kích chưởng lập thệ...
- Thưa thầy, là thực hay là mộng? Chỉ biết sau khi tỉnh dậy, trăng lưỡi liềm đã lên tới đỉnh trời, còn con vẫn nằm khoèo trên ghềnh đá, bên cạnh là bầu rượu đã cạn tới giọt cuối cùng. Còn Nguyệt hạ lão nhân? Là mộng hay là thực?
Ông đồ già thở dài:
- Ý trời.
Ông ngập ngừng:
- Vậy sao con lại về đây?
- Thưa thầy, ý trời không nặng bằng tình người.
Lại thêm một chuyện này, cũng lạ lùng không kém. Trong lúc ở nhà trọ chờ bảng, một buổi tối con gái ông chủ quán về thăm nhà. Cô vốn là thị nữ thân tín của tiểu thư họ Lưu. Theo lời cô ta, tiểu thư Thể Hương nửa đêm nằm mộng thấy Nguyệt hạ lão nhân, ông lão báo trước nàng sẽ kết hôn với tân khoa trạng nguyên Vũ Thế Lương. Mối lương duyên ấy do nhà vua đích thân đứng ra tác hợp. Mới đầu con còn bán tín bán nghi, về sau sự việc cứ tuần tự xảy ra: con đỗ Hội nguyên rồi Đình nguyên. Tới ngày nhận mũ áo, thượng thư bộ Lễ lại lấp lửng tặng cho một tờ hoa tiên, vỏn vẹn bốn chữ: “song hỷ lâm môn” kèm theo nụ cười tinh quái. Đồng thời cứ theo lời đồn của dân kẻ chợ, nhà vua đã ra khẩu dụ, chờ ngày đãi yến sẽ chính thức tác hôn.
Ông đồ lại thở dài:
- Mệnh vua! Vũ nhi, “mệnh vua, ý trời”. Trong khoảng cao xanh lồng lộng, con còn trốn tránh được sao?
- Thưa thầy, bậc quân vương giả “ý trời” để khống chế muôn dân, còn trăm họ lại mượn “ý trời” để bào chữa cho những hành vi bội bạc, hoặc tự an ủi mỗi khi thất cơ lỡ bước. Thực ra “trời có nói gì đâu” (Thiên hà ngôn tai - Khổng tử).
- Vũ nhi, ta nghe đồn triều đình đã cho niêm yết lệnh truy lùng, sao con về được đây?
- Thưa thầy, trước ngày vào nhà thái miếu lễ tạ, con thấy chỉ còn một cảnh xa chạy, cao bay. Khi ra tới ngoài thành Tây, gặp xác một nạn nhận bị bọn sơn tặc giết hại, con liền thay đổi mũ áo, bỏ lại mấy vật dụng để làm kế ve sầu thoát xác.
Ông đồ nhìn thư sinh bằng cập mắt lờ đờ:
- Con ở với ta đã bao nhiêu năm rồi?
- Thưa thầy năm nay con hai mươi ba, tức là thầy nhận con từ giữa chợ về nuôi đã trọn hai chục năm rồi.
- Hai mươi năm kết thành mối tình thanh mai trúc mã, thế mới biết “mệnh vua, ý trời” vẫn không thể sánh bằng “tình người”.
Giọng gã họ Vũ rất trang nghiêm:
- Thưa thầy! Con về đây từ biệt thầy và Băng Ngọc lần cuối. Tội khi quân chỉ có một con đường chết, con không thể làm liên lụy người thân. Tiếc thay, mọi người chỉ có một mạng sống, rất bèo bọt, phù du, nên con càng quyết tâm giành quyền tự định đoạt vận mệnh của mình.
Băng Ngọc đứng cạnh lúc này mới lên tiếng:
- Thưa cha! Anh Vũ đã vì con dứt bỏ tiền đồ, con há không thể vì anh chấp nhận một cuộc phiêu lưu.
Ông đồ ngước mắt nhìn lên trần nhà:
- Vũ nhi, hành động của người quân tử chỉ cần thuận đạo, không thể đem lợi, hại mà so đo. Cả ba chúng ta sẽ về quê ngoại Băng Ngọc làm lại từ đầu.
Gã họ Vũ thấy đôi mắt cay cay...
Ở vùng đất tân canh có gia đình một già hai trẻ vừa dọn đến. Vùng này vốn là một bãi đất bồi, dân chúng quai đê trồng cói. Tuy cật lực mưu sinh mà vẫn bữa đói, bữa no. Người vợ trẻ đem đến cho dân làng nghề dệt lụa, cuộc sống cũng nhẹ thở đôi phần. Còn người chồng viết trướng miễn phí ở đầu thôn, giúp bọn trẻ ăn mày được đôi ba chữ thánh hiền. Chưa đầy một năm, trong mái lá vang lên tiếng khóc trẻ thơ, đó là một đứa bé trai, đứa bé lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của xóm làng. Ngày đứa bé vừa đầy tuổi, đôi vợ chồng trẻ bày vòng bách nghệ thử con. Dưới trời trăng sao vằng vặc, chiếc mâm đồng lớn được đặt ở giữa sân, trên bày la liệt đủ trăm món, vừa vật dụng, vừa đồ chơi, chính giữa là một cây nến đỏ. Trong khi người mẹ trẻ đốt hương lầm rầm khấn vái, đứa bé chập chững toét miệng cười. Cặp mắt đen hau háu nhìn hết vật nọ, vật kia. Nó mon men vòng vòng quanh mâm, rồi đôi tay mũm mĩm quơ vội hai món: một quả cầu mây, một con ngựa đất. Người mẹ trẻ mắt chợt tối sầm, trái lại người cha hớn hở, vỗ tay cả cười:
- Con ngoan, con ngoan, đúng là con khôn hơn bố.
- Như vậy mà anh còn mừng được sao?
- Cớ sao lại chẳng mừng? Cưỡi ngựa, đá cầu. Rong ruổi giữa cuộc đời, như trong một cuộc chơi. Như vậy há chẳng hơn lúc nào cũng cẩn cẩn thủ lễ, ra dáng một môn sinh thiên tử.
Năm đứa bé gần hai tuổi, nhân tết đến, người chồng vác chõng lên chợ huyện viết câu đối, vẽ tranh. Khách khứa lưa thưa, chỉ có dăm ba phụ lão ghé mắt xem qua.
- Quả thật giữa đời ô trọc rất hiếm kẻ mắt xanh. Đó là tiếng nói của một văn sĩ trung niên.
- Vũ huynh không nhớ đệ sao?
Gã họ Vũ ngước lên, chợt bàng hoàng.
- Xin thứ cho tôi mắt kém.
- Mắt kém hay không thèm nhận lại người xưa?
Gã họ Vũ cau mặt:
- Tôn ông chắc nhận lầm người.
- Người thì có thể lầm, còn bút pháp lan đình tuyệt thế, đệ tuy chữ nghĩa chẳng bằng ai, nhưng lầm lẫn sao được. Huynh chắc chưa quên người bạn ba năm trước, đã cùng chung nhà trọ trong khoa thi Hội.
Họ Vũ cười gượng:
- Huynh ông thứ lỗi đệ có nỗi khổ tâm.
- Nỗi khổ tâm ư? Việc huynh dứt áo bỏ đi, sớm đã trở thành một giai thoại ở chốn kinh thành.
Văn sĩ trung niên nhanh nhảu tiếp:
- Cùng khoác áo sĩ tử múa bút trường văn, không ngờ lại có duyên gặp nhau ở chốn cùng trời cuối đất. Huynh ông, tửu điếm kề bên, chúng ta đừng để lỡ cơ may hội ngộ.
Cả hai dắt nhau bước vào quán rượu.
- Huynh ông đừng ngại, từ lúc hay tin huynh ông bị thảm sát ở ngoài thành Tây, triều đình đã bãi bỏ việc truy lùng. À! Té ra là kế ve sầu thoát xác cao minh.
- Trong cuộc sống phức tạp, mỗi người đều có một cảnh ngộ riêng, không thể lấy những qui tắc chung mà phán xét. Huynh ông đừng trách đệ quanh quẩn biện minh.
Văn sĩ trung niên lảng sang chuyện khác.
- Huynh ông cao ẩn nơi đâu, cho phép đệ đến vấn an lệnh nghiêm đường.
- Song thân chẳng may vắn số, còn nhà đệ ở xóm chài hẻo lánh, huynh ông có đi mỏi cẳng cũng chẳng tìm ra. Xin chớ bận tâm.
Câu chuyện nhạt nhẽo, vô vị. Ăn uống qua loa, gã họ Vũ chắp tay cáo biệt...
Tết qua mới được ít bữa vừa tới ngày hạ cây nêu, trong lúc ông đồ đang lúi húi thắp hương trên bàn thờ tổ, ngoài ngõ đã rầm rập tiếng bước chân. Viên tri huyện đi đầu, dẫn theo bọn sai nha xô cổng bước vào. Huyện quan lại chính là văn sĩ trung niên hôm trước.
- Té ra đây là chốn cao ẩn của Vũ huynh, xin thứ cho tội đường đột.
Gã họ Vũ miễn cưỡng mời khách vào nhà. Khách xua tay:
- Bất tất. À quên, hôm gặp nhau ở phố chợ, có một điều đệ chưa thưa rõ để huynh mừng. Ba năm trước trong khoa thi Hội, huynh oanh liệt chiếm ngôi đầu bảng, còn đệ, nhờ hoàng thượng tứ ân, tên cũng may được nêu trên bảng chính. Hiện nay triều đình đoái công, đã ban cho đệ một chức huyện quan nho nhỏ.
Gã họ Vũ mỉa mai:
- Xin chúc mừng, tiền trình của huynh ông chắc hẳn còn vô hạn.
- Tiền trình của bọn đệ còn tùy thuộc vào công khuyển mã. Ha ha, nếu huynh ông chịu khuất thân bay nhảy chốn quyền môn, đệ chỉ xin làm một tên thư lại mài mực dưới án. Nhưng cảnh đời éo le, biến hóa thật khôn lường.
Viên huyện quan khoái chí cười ngặt nghẽo.
- Huynh ông biết không? Lúc gặp huynh ở phiên chợ huyện, chính là lúc đệ đi thị sát dân tình trước ngày đáo nhậm. Lời đồn đây là vùng “chó ăn đá, gà ăn muối” quả thật không ngoa. Này huynh ông, tuy đệ chẳng có chí lớn của chim hồng, chim hộc, nhưng cũng không cam tâm vùi mình ở cái huyện lỵ cỏn con này. Đệ đành đắc tội, phiền huynh ông theo đệ về kinh một chuyến, gọi là thể hiện cái đức “thành nhân chi mỹ”.
Câu nói chấm dứt bằng một chuỗi cười bỡn cợt. Nét mặt vẫn thản nhiên, gã họ Vũ ôn tồn:
- Đệ chuẩn bị đón ngày này đã lâu, huynh ông đừng ngại, chỉ xin huynh ông chốc lát, để đệ dặn dò nội tử việc nhà.
- Dù sao chút tình vẫn không thể quên, huynh ông cứ tự nhiên, nhưng cũng đừng trùng trình thái quá.
Đứa bé như linh cảm được việc chẳng lành, ré khóc không thôi, còn người vợ trẻ níu chặt tay chồng, đầm đìa nước mắt.
Trước khi quay lưng, gã còn ngoái lại.
- Em hãy dạy cho con khi nó lớn lên: “Giá trị cuộc sống là biết trỗi dậy từ giữa nỗi đau”.
Gã ngửa mặt nhìn trời.
- Mọi việc đã qua là sai hay đúng, dù sao đây cũng là kết quả của sự tự do lựa chọn.
Gã nhìn vợ con lần cuối rồi lặng lẽ theo bọn sai nha. Phía sau lưng có những đôi mắt chưa hết bàng hoàng, những đôi mắt ngậm ngùi, cam phận.
Cửa biển Thần Phù trời chớm vào hạ, gió cát mịt mù. Bọn sai nha dẫn giải tội phạm vào rừng nghỉ chân. Tên tội phạm dáng dấp thư sinh yếu ớt, cổ đeo một chiếc gông hầu như quá khổ, vậy mà vẻ mặt gã vẫn thản nhiên, gã dõi mắt ngắm mấy cánh diều lang thang bay bổng. Có tiếng vang lên bên cạnh.
- Ngươi vẫn còn thú ngắm diều đấy ư?
Gã giật mình quay lại.
- À! Té ra là cụ, cụ biết không, trong cuộc đời có những sợi dây ràng quá chặt, đôi khi làm người ta nghẹt thở.
Gã cười.
- May quá chúng ta không lỡ cuộc hẹn ba năm.
- Chính vì cuộc hẹn mà ta đến đấy.
Giọng gã hóm hỉnh, đôi mắt nheo nheo như cười.
- Thế rượu của cụ là quỳnh tương hay ngọc lộ?
Ông lão thở dài:
- Ta thua rồi, nhưng cái giá ngươi phải trả quá đắt.
- Mua khoảng trời tự do bằng một kết quả nghiệt ngã, theo cụ là lỗ hay lời?
- Bây giờ ta mới hiểu hai chữ lời, lỗ không thể dùng để đánh giá một hành động.
- Rất hay, chọn lựa một hành động chỉ cần thuận lý thuận tình, việc quái gì phải so đo.
Ông lão mở nút bình rượu quỳnh tương.
- Đích thực ngươi thắng rồi.
Không cần dùng chén, ông lão ngửa cổ tu một hơi dài rồi trao sang cho gã. Bọn sai nha trố mắt nhìn một già một trẻ vừa uống rượu vừa nói lăng nhăng. Cách không xa là một đứa bé khoảng tám, chín tuổi. Người nó khô đét, đen đúa, nhưng vẻ mặt rất lanh lợi, mảnh áo rách phong phanh trước ngực. Hai tay chắp sau lưng, nó trố mắt nhìn mọi người. Trước mắt nó hình như một cánh cửa vừa mở ra.
Bình rượu trao qua, trao lại chẳng mấy chốc đã cạn. Gã ho Vũ vẻ còn thòm thèm.
- Té ra trên trời cũng có rượu ngon, nhưng vẫn không sánh bằng vị nồng gắt đến cháy cổ của rượu dưới trần. Tôi hiểu rồi, cuộc đời trên ấy duy nhất chỉ có mùi mật ngọt.
Gã chợt hỏi:
- Cụ có giấy bút không?
- Gì chứ mấy thứ lỉnh kỉnh ấy lúc nào ta cũng sẵn.
Gã trải giấy trên phiến đá phẳng, hà hơi vào nghiên mực, rồi thấm bút thảo một bài hành. Nét bút bay lượn uyển chuyển, đẹp như đóa bạch ngọc mới nở, có lúc lại run rẩy như chồi mặc lạn mùa đông gió cắt da. Ông lão chồm qua vai trầm trồ:
- Quả là thần bút như danh họa, ý thơ bi tráng mà vẫn không hết vẻ ngông nghênh. Này gã mặt trắng ơi! Người tuy còn trẻ mà hầu như đã nếm trải trọn vẹn ý vị cuộc đời.
Bài hành thảo xong, gã cười ha hả rồi thản nhiên tung mảnh giấy cho gió cuốn đi.
Từ đầu đến cuối, đứa bé ngẩn ngơ, nhìn không chớp mắt. Thấy tờ giấy chao lượn, đứa bé co giò phóng chạy, đua với sức gió đuổi theo. Nó chụp hụt vài lần rồi cuối cùng cũng vồ được. Đứa bé xoay ngang xoay dọc bài thơ, giữa rừng bút loạn thảo, nó kịp nhận ra hai chữ “thiên” và “nhân”. Đứa bé khoái chí gấp tư mảnh giấy, rồi trịnh trọng nhét vào ngực áo. Bờ cát trắng mịn hằn rõ vết chân nhỏ nhắn, nhưng bất quá ba lớp sóng tràn, tất cả chỉ còn lại những dấu lờ mờ.
Gã họ Vũ thoáng rùng mình sau một phút ngẩn ngơ. Gã nhìn cảnh vật trước mắt, gã nhìn đám người trước mắt, gã cắn nhẹ vào cánh tay.
- Là thực hay là mộng?
Chưa đầy một thoáng, nét mặt gã chợt lấy lại vẻ phóng túng, gã cười ngạo nghễ, ngửa mặt nhìn trời.
- Ô hay! Trời có nói gì đâu?