Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


QÙA QUÊ




A i trong chúng ta cũng từng trải qua tuổi thơ ấu với biết bao ký ức ngọt ngào. Từ những sớm lấm lem bùn đất bắt những con ốc, con cua đến những chiều lặn ngụp trong dòng sông quê… Những ký ức ngọt ngào ấy còn gắn chặt với những món quà bánh mẹ mua ngoài chợ, những trái chín bà ngoại đặt vào tay, hay những trái na dại lũ bạn cởi trần hái trên triền đê dãi nắng…

Nhớ lại khoảng thời gian cách đây hai mươi năm trở về trước, vào những buổi chiều, mẹ hay dẫn tôi ra chợ Cốc nằm ngay trước sân Đình Cốc, thuộc phường Phong Cốc. Chợ họp đông đúc lắm, có bán rất nhiều hàng hoá, thực phẩm, rau củ, lại bán nhiều quần áo, quà bánh làm tôi vô cùng thích thú. Ngày ấy, những cốc chè chỉ có một nghìn đồng, cùng các thứ quà vặt cũng rẻ lắm. Tôi cứ thế sà vào lần lượt các hàng chè, hai mắt lim dim thưởng thức vài tấm bánh đúc, bánh vặn; có hôm lại được mẹ gọi cho một đĩa bánh cuốn thơm và béo ngậy mùi tôm khô ăn cùng bát nước chấm vừa cay vừa ngọt, lại chua chua làm tôi chỉ muốn theo mẹ đi chợ mãi. Nhưng có lẽ, thứ quà quê làm tôi mê mẩn nhất phải kể đến là món bánh đa kê...

Ký ức trong tôi lại dội về nghe nao nao, nhớ nhớ về một thời của tuổi thơ với đủ thứ quà đậm chất quê hương của đảo Hà Nam yêu dấu, thúc giục bước chân tôi tìm lại tuổi thơ ấy… Một hôm, vào buổi sáng, khi đang thơ thẩn đi chơi lòng vòng, tôi ngang qua một khu chợ có cái tên nghe đến nổi da gà - chợ Ma (thuộc địa phận xã Cẩm La). Gọi vậy thôi, nhưng bạn đừng sợ, chợ rất đỗi ấm áp hương vị chân quê. Đây là một chợ nổi tiếng ở quê tôi. Chợ họp đông không kém gì chợ Cốc, bày bán nhiều hàng hoá, nông sản và hải sản. Nhiều khi chợ Ma còn họp tràn ra cả vỉa hè của đường, nó mang đậm nét văn hoá truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ. Và kia rồi, trước mắt tôi là hàng bánh đa kê, với những chiếc bánh vàng ruộm, bắt mắt. Chị bán hàng tầm độ 40 tuổi, đon đả chào mời:

- Cháu trai mua gì cho cô? Bánh chưng nhé! Hay đa kê? 

- Cô cho cháu mua miếng bánh đa kê!

Vừa ngồi ăn vừa xem cô làm bánh thật thú vị. Bàn tay cô thoăn thoắt phết kê, cắt đỗ, cho đường lên miếng bánh đa trông thật thuần thục. Cô bảo: Làm món bánh này không khó, nhưng cần cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài đậu xanh đồ chín, giã nhuyễn, bánh đa nướng, đường trắng thì kê là nguyên liệu quan trọng nhất. Kê thường chọn loại hạt nhỏ, đều nhau, xát sạch vỏ, đãi sạch, đem ngâm. Muốn cho kê ăn mát và có vị nồng nồng đặc trưng thì phải ngâm với một chút vôi trong khoảng chừng 30 phút, vớt ra để ráo, cho kê vào nồi, đổ một ít nước và đun nhỏ lửa. Để kê có mùi thơm ngậy, vàng óng và quánh lại thì khi nấu phải quấy thật đều tay sao cho kê không bị nát quá, cũng không bị khô quá…

Nhận tấm bánh từ tay cô bán hàng, tôi bỗng thấy như mình đang sống lại tuổi ấu thơ, theo mẹ đi chợ, được mẹ dẫn vào quán ăn quà. Mải khi cô bán hàng giục: “Cháu ăn đi, để lâu sẽ mất ngon đấy!”, tôi mới giật mình, trở về thực tại.

Xưa kia, vùng đảo Hà Nam quê tôi không náo nhiệt như bây giờ, nên những người bán bánh đa kê thường tập trung ở nơi chợ lớn. Ngày nay, người ta đã nhận ra món ăn này không thể thiếu được trong các món quà vặt của quê hương. Nhớ đến bánh đa kê là nhớ tới hình ảnh các bà, các chị ngồi ở một góc nhỏ, bên cạnh là ổ bánh đa, kế bên là chõ kê vàng ươm, thơm sực nức. Bánh đa kê thơm mùi kê và vị bùi của đậu xanh ăn mát, là món quà mộc mạc, giản dị. Đây là món ăn dân dã ở nhiều vùng quê Bắc bộ, nhưng với tôi, không nơi nào có bánh đa kê ngon như ở vùng đảo Hà Nam. Mỗi khi nhấm nháp hương vị của nó, tôi lại thấy yêu hơn, gắn bó hơn với mảnh đất này…




VVM.19.10.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .