Ô ng Hàm ngồi dựa lưng vào gốc mít, nghe ông Xuyên nói đủ loại chuyện trên đời. Những lúc không còn gì để nói, ông Xuyên thường kể về những ngày cuối đời của vợ ông cho các bạn nghe. Ông kể đi kể lại, đã vài chục lần, toàn chuyện cũ. Bạn ông già cả, người gần chầu Chúa, người sắp vào lò thiêu, dư thời giờ, kiên nhẫn ngồi nghe, chẳng phản đối. Không nghe thì làm gì cho hết ngày.
“Bốn ngày cuối Liêu không ăn, chỉ uống nước. Đêm ngủ, lúc trực giấc tôi thường thấy Liêu thức. Bà ấy không còn đau, rên như mấy tuần qua. Một khuya, Liêu hỏi: “Sau này chúng ta còn gặp nhau không, ông?”. Bất ngờ, nhưng tôi cũng trả lời ngay: “Chắc được. Rồi chúng mình sẽ gặp cả cha mẹ nữa”. Liêu thì thào: “Cha mẹ, bốn người… và các anh, chị”. “Phải, bà con, anh chị em, đông lắm, vài chục người”. “Tốt”. “Em nói gì?”. “Vậy là tốt, vui”. Tôi muốn hỏi, Liêu sợ chết không, nhưng ngại. Nhiều lúc, để Liêu yên tâm, tôi nói: “Không lâu đâu, ngó qua ngó lại, rồi tụi mình sẽ sum họp… Em thấy đấy, hơn 80 phần trăm đàn ông làng này chết trước 70. Sáu mươi năm cuộc đời, người ta hát thế”. “Tôi mấy tuổi, à, năm mươi sáu… Được ông gọi bằng em, tôi sợ!”. Sáu mươi năm, nghĩ theo kiểu cũ, nay mức thọ đã cao hơn nhiều. Năm mươi sáu, Liêu chưa già lắm, nhưng lại sắp đi. Từ trần, yên nghỉ, khuất núi, qua đời, có lẽ đây là khâu ám ảnh loài người lớn nhất.
“Ông sẽ buồn”, Liêu nói, rất nhỏ. “Buồn gì?”. “Còn một mình, rồi ông…”. “Có thằng Thủ, đừng lo”. Liêu nói, như mê sảng: “Thủ vụng về, nó chịu ngọt, thích khen”. “Tôi biết… Không lâu đâu, rồi chúng mình sẽ gặp nhau”. Cũng lạ, tôi nhận ra mình không buồn lắm. Tôi nói, như bàn chuyện làm ăn: “Đàn ông ở đây hiếm người sống tới 70”.
Ông Hàm lim dim mắt, như ngủ gật. Chẳng có gì mới, mấy chuyện này ông đã nghe mòn tai. Nghe thêm cũng không hại gì, chỉ hại trà, sáng đến giờ hai người đã nốc cạn ba bình trà. Nếu ông Hàm còn ngồi đây, lát nữa ông Xuyên sẽ nói về vụ bà Hợp, người tình của ông. Chuyện bà Hợp là truyện dài, kể hai ngày không hết… Dù luôn miệng rao to mình yêu thương vợ sâu đậm, nhưng bà Liêu mới chết non hai năm ông Xuyên đã cặp bà Hợp, người ở cùng xóm, góa chồng, ba con. Cuộc tình này sóng gió, ồn ào, do lũ con bà Hợp phản đối mạnh. Nhưng hai diễn viên chính của tình sử cổ thụ vẫn cứng cựa, vững vàng. Họ tiến tới như chiếc xe tăng, càn lướt qua mọi vật cản. Vậy rồi, ngày vui chóng tàn. Một hôm, cách đây bốn tháng, ông Hàm chới với khi nghe kép Văn Xuyên đổi giọng, từ mùi rệu chuyển qua chát chúa. Ông ta không tiếc lời chê bai, tố khổ bạn tình.
“Đàn bà gì chẳng có chút dịu dàng, đi đứng huỳnh huỵch, giọng chua hơn me, nói như tiểu liên khạc đạn!”.
Ông Hàm hỏi: “Sao lâu nay ông yêu?”.
“Ai bảo tôi yêu, chỉ thích thôi. Lầm, tôi lầm, trước kia mụ khác, biết điều, vui tính”.
“Chỉ là nhân tình, đâu phải vợ chồng, thích thì qua lại với nhau…”.
“Người gì bạ đâu nói đấy, mở mồm là quần áo, xe cộ, nay mê cái này mai muốn thứ khác, nhỏng nhảnh õng ẹo như gái mười bảy”.
Ông Hàm đẩy đưa, nói cho có nói, không lẽ cứ im như câm: “Con người ai cũng có mặt mạnh mặt yếu, không phải thánh, ta nên châm chước”.
“Càng ở với mụ tôi càng nhớ Liêu. Nay mai tôi tính đường khác, chắc sẽ phải nói thẳng là hãy tạm xa nhau vài tháng”.
“Xa thế nào?”.
“Chưa chia tay hẳn, chỉ là không gặp nữa… Anh ơi, mệt! Đàn bà gì mà mặt mũi trơ trơ, nói như cọp rống”. Ông Hàm bò ra cười.
“Nay thấy rõ, mụ ta không thương tôi, mụ nhắm vào…”.
“Vào gì?”.
Chàng lãng tử luống tuổi nói bằng giọng đau khổ: “Tôi xin giữ bí mật chuyện này. Đến lúc nào đó, xét thấy thuận lợi, tôi sẽ nói anh nghe”.
Hai con chó phóng ra ngõ, sủa inh. Ông Chấp đến. Vậy là đủ bộ, ba người. Gần như ngày nào bộ ba cũng ngồi với nhau, tán phào đủ loại chuyện, hoặc chỉ ngồi suông, rít thuốc uống trà rồi về. Cũng phải làm gì đó cho qua ngày. Ngồi nhìn trời mây, hoặc chẳng nhìn gì, ngồi nghĩ lan man mấy thứ chuyện vớ vẩn, hoặc không nghĩ gì, cũng là làm. Ông Xuyên hỏi khách: “Mặc đồ đẹp quá, tiệc tùng ở đâu vậy?”.
Ông Chấp diện quần áo mới, mang giày bóng láng, tóc chải tém. “Tiệc gì đâu, bỗng dưng thích bận đồ đẹp”.
“Uống ca cao hay cà phê”, ông Xuyên hỏi.
“Anh cho ly đen”.
Ông Xuyên gọi lớn: “Thủ ơi, ly đen cho bàn số 6”.
Bàn số 6 là nói đùa. Không nghe Thủ dạ, chắc nó vù đi chơi rồi. Ông Xuyên vào bếp pha cà phê. Thủ là cháu ngoại, vợ chồng ông Xuyên nuôi từ nhỏ. Thầy bói bảo, tuổi nó xung khắc với cha mẹ, sống bên chú bác ông bà tốt hơn. Nó hiền, tướng mạo đẹp, nhưng hơi tốc. Xưa nay nó sống như cái bóng mờ, nhưng từ khi bà Liêu mất, vị thế của nó trong nhà này được nâng lên, sáng hơn, lớn hơn. Từ đứa lêu bêu quanh năm rong chơi, nay nó thành phó quản gia, phụ trách khâu chợ búa, nấu ăn. Nó tự nguyện, xung phong làm.
Ông Chấp hỏi: “Thủ biết nhớ chị Xuyên không?”.
“Biết, tối hôm kia nó khóc, mếu máo: con nhớ ngoại”.
“Khóc là tốt”.
“Không phải một, nhiều lần rồi. Nó chỉ chạm điện nhẹ, không khùng. Nó nhớ dai, học sáng”.
“Sao dạo này trẻ con chập mạch, bất bình thường hơi nhiều”. Ông Chấp nói: “Có người bảo, do ăn uống”.
Ông Hàm xua tay: “Tôi không tin, ăn thì tác động vào gan mật dạ dày, còn đây là chuyện của cái đầu… Nếu không có thằng Thủ, anh Xuyên bơ vơ đấy”.
Ông Chấp nói chậm, như đọc chính tả: “Đời rộng lớn, tụi mình ở quê, như cóc nhái bơi trong ao, nên khó thấy vóc dáng to cao của thế giới”.
“Thấy để làm gì?. Dạng tụi mình thì chỉ biết ăn theo nói leo vâng dạ lễ phép, không thấy không hiểu lắm khi lại tốt”.
“Tốt cho ai?”.
Im lặng. Hễ nói thêm, bàn rộng, đẩy vấn đề (bất cứ vấn đề gì) xa hơn, sâu thêm mức bình thường một tí là tắc tị, lúc nào cũng vậy.
“Nghĩ đến chuyện 62 tỉ người từng sống trên trái đất này (đã chết), ta mới thấy kiếp người bọt bèo”.
“Con số 62 ấy đúng tới đâu?”.
“Dù nhỏ hơn số đó, như là 40, 50 tỉ, thì tính chất của sự kiện cũng không thay đổi”.
Nghỉ một lát, người uống, người hút thuốc. Rồi ông Xuyên kể chuyện vui: “Vừa rồi tôi nói với Thủ: mai kia ông chết, con làm gì? Nó hỏi ngay: chừng nào ngoại chết! Tôi cười ba phút, khen: Mày hỏi hay! Một lúc sau, nó nói: ngoại chết, con không làm gì cả! Đâu còn ai ăn mà nấu cơm, ai uống mà pha cà phê pha trà, lấy quần áo đâu mà giặt!... Các anh biết không, chuyện làm bếp của nó là một vở kịch hài nhiều màn. Tối qua tôi đã ra chợ xã ăn phở trừ cơm. Nó bắt tôi ăn món canh khổ qua bốn ngày liên tiếp, mệt!”.
Hai ông bạn già có dịp cười. Vui đấy.
“Có lần nó, thằng Thủ ấy, chỉ tay lên trời hỏi tôi: trên xa, qua khỏi mây, phía sau cái màn xanh sẫm kia là gì, ngoại?”.
Tôi đáp, là trời, trời cao. “Thế cao hơn nữa, xa gấp mười lần trăm lần là gì?”.
Hơi khó, tôi nói bừa, là thiên đình, thượng giới. Con có nghe nói thiên đàng bao giờ chưa? Nó gật, có nghe, nhiều lần. Tôi bảo: đó là chỗ chúng ta sẽ đến khi chết”.
“Vậy là bà ngoại ở trên ấy?”.
“Phải, tôi nói ngay. Nói cho qua chuyện, chớ tôi biết gì!”.
Ông Hàm tán thành: “Không phải anh, đa số như vậy, chẳng mấy người biết”.
“Cái này gọi là vấn đề biết, người lớn mà không biết thì hơi khó coi”, ông Chấp nói.
“Kể cho hai anh nghe chơi, đặc điểm của thằng Thủ là không sợ ai, không sợ gì. Nó nói, nhiều lần: con không sợ chết, ngoại à. Tôi hỏi, sao vậy? Nó cười toe: người ta chết được mình chết được! Chuyện gì cũng vậy, muốn thì làm, chán nó bỏ. Vừa qua, nó thông báo, tỉnh queo: chừng học hết lớp 10 con nghỉ. Tôi hỏi, sao vậy? Nó nói, tới đó đủ rồi, thêm nữa sẽ mệt, phí sức! Tôi im, vì biết mình có nói gì cũng bằng thừa”.
Một công nhân nhà đèn đến thu tiền điện, ông Xuyên vào nhà lấy tiền.
“Bạn Xuyên của chúng mình cũng mát như thằng Thủ”.
“Có lẽ thế”.
“Ông ấy nói nhiều gấp hai gấp ba trước kia, thường bàn về sống chết”.
Ngẫm nghĩ giây lâu, ông Chấp đưa ra một nhận định: “Có lẽ do cái chết của chị Liêu tác động, nó là cú va đập cực mạnh”.
“Cách đây mấy hôm ông ấy bảo, sẽ tìm cách để chết trước năm 70 tuổi”.
“Lý do?”.
“Mấy vị thầy bói, chiêm tinh nói tướng ông Xuyên thọ lắm, phải trên 80. Ổng muốn làm cho các thầy hố, xấu hổ”.
“Trời đất! Kể cũng lạ, nghĩ thế là lạ”.
“Tôi bảo, anh đừng phí công tìm cách chết, cứ sống thanh thản, chừng đến buổi, đến kỳ hạn thì sẽ chết thôi. Sống khó, chết dễ, xưa nay vẫn vậy”.
“Anh ấy nói sao?”.
“Chẳng nói gì. Tôi đưa ra một ví dụ, làng ta hiện giờ có hai mươi hai người trên 70 tuổi. Trong số 22 vị ấy có mười lăm bà, bảy ông. Dễ gì anh rơi vào tốp 7 ông mà vội lo”.
“Những con số vừa nói ở đâu ra?”.
“Tôi và vợ tôi đếm, thống kê năm ngoái, chỉ là chuyện đùa, giải trí thôi”.
“Hay. Người ta nói, thường nghĩ về cái chết thì sẽ bớt sợ chết”.
Ông Xuyên trở lại. Yên lặng. Người uống trà, người nhắp cà phê, nhẹ nhõm. Rồi cuộc nhàn đàm rẽ qua khu vực khác.
“Không hiểu giới giàu sang nhìn chúng mình thế nào?”.
“Để ý làm gì”.
“Nạn khủng bố dày đặc hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ sự chênh lệch giàu nghèo”.
“Có lý, nhưng làm sao bình đẳng tuyệt đối được”.
“Hãy nói chuyện gần. Cứ cày cuốc ruộng rẫy mãi khó giàu”.
“Chừng nào nông dân chỉ còn chiếm ba mươi phần trăm dân số, ta sẽ giàu, nhiều chuyên gia nói thế”.
“Sao vậy?”.
“Dài dòng lắm. Có người bảo, đó chỉ là suy đóan, chắc họ dựa vào các tỷ lệ mười, hai mươi phần trăm nông dân ở các nước giàu”.
“Chuyện này phức tạp, nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố lớn nhỏ dày mỏng khác”.
“Tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đó, cũng như tôi không tìm hiểu, nghiên cứu tại sao mình lại được phọt ra giữa ruộng đồng”.
Im thin thít, đúng quá. Như vậy, chết là chuyện lớn, nhưng cạnh nó có thứ không lớn mà cũng đáng nói: sự quê mùa và cái nghèo.
Ông Xuyên kể lại giấc mơ dài ông thấy đêm thứ bảy vừa rồi cho hai bạn nghe. Đây là loại mơ bay bổng, rõ, kỳ quặc: “Tôi gặp lại tôi và Liêu thời trẻ, cỡ ngoài 20 tuổi. Liêu đẹp, vui, cười suốt. Tôi chạy lúp xúp, chạy mãi, nên khi tỉnh dậy rất mệt. Sao cứ phải chạy, tôi không biết. Trên đường, gặp ai tôi cũng hỏi: trời sinh ra đàn bà để làm gì? Một cụ già quát: ngốc, không có họ làm sao có mi! Vậy là Liêu cười sằng sặc. Cô ấy chạy cạnh tôi, mặt tươi rói, chỉ cười, chẳng nói tiếng nào. Gặp một thằng bé cao và đen, tôi cũng hỏi câu đó, trời sinh ra đàn bà để làm gì. Thằng nhỏ trợn mắt lè lưỡi trêu tôi: cha ơi, điên khùng, không có họ làm sao có ông! Liêu lại cười vang, khoái trá… Tôi chạy, từ đường này sang đường khác, quanh quẹo, mệt đừ. Chạy và hỏi mãi cái câu lẩn thẩn ấy, như gã rồ. Nhưng tôi không dừng lại, các anh biết vì sao không? Bởi tôi muốn thấy Liêu, được ở gần cô ấy. Tôi muốn hỏi một câu khác, mới, hay hơn, để người ta không chê, nhưng đầu óc tôi mụ mị, nghĩ mãi không ra. Sau cùng, chạy nhiều, mệt nhoài, gặp một bà cụ tóc bạc lưng còng mang mặt nạ cọp, tôi dừng lại, hỏi cụ, cũng câu đó. Bà cụ hét: đầu bò, ta đập chết mi bây giờ! Bà ta rống lên, như bò rống, rồi giựt mặt nạ quẳng xuống đất, lộ ra bộ mặt thật, mụ Hợp. Mụ Hợp nổi giận, mặt đỏ kè, tóc dựng ngược”.
Thằng Thủ về, vào bếp bằng ngõ sau. Ông Xuyên xuống trò chuyện với nó. Ông Chấp nói: “Bạn Xuyên chập mạch hơn thằng Thủ. Ổng cứ kể mãi chuyện bà Liêu chết thế nào, nghe phát sợ”. Ông Hàm nhắc lại chuyện mấy vị thầy tướng số nói về cái tuổi 80, và việc ông Xuyên hứa sẽ sớm gặp lại vợ. Không hiểu sao, các ngài thầy bói, không trừ ai, đều bảo ông Xuyên sẽ thọ tới cỡ 80. Ông Xuyên cũng tin thế, vì ông bà, cha mẹ ông đều qui tiên vào độ tuổi ấy. Cái khó ở đây, ông đã nói (gần như hứa) với bà Liêu, ông sẽ sớm “về” với bà. Chờ đến 80 thì hơi lâu. Hơn nữa, ông muốn làm cho băng thầy bói mất mặt. Ông không thích họ!”. “Ngoài hai việc trên, tôi nghĩ có thể còn có những nguyên do sâu xa khác nữa”, ông Chấp nói. Ông Hàm đồng ý: “Phải, có thể đó là những kỷ niệm, ký ức riêng, đặc biệt, chỉ vợ chồng anh Xuyên biết thôi… Gút lại, điều dễ thấy hiện giờ là Xuyên lão quá, lẩm cẩm rồi, có lẽ anh ấy sẽ về trời trước tuổi 70, như anh ấy mong” ./.