Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

QUÂN CỜ




A n leo lên từng bậc cấp, mặc dù đã quen với đôi giày bốt nhưng vẫn cảm nhận cái nặng nề của nó, đã thế cái ba lô trên lưng đủ thứ vật dụng cá nhân, bộ áo rằn ri, cái nón sắt… tất cả góp phần trì níu bước chân. An thấy sự nóng bức từ bên trong, sự bức bối khó chịu của quân trang nhưng làm người lính thì không thể nào khác được. Nay được bữa thả trại sau những này huấn nhục, thật ra thì mấy mươi bậc cấp chẳng nhằm nhò gì so với những thử thách trong quân trường. An ngước lên nhìn thấy pho tượng Phật tổ từ bi nhìn xuống, pho tượng đẹp quá, cứ như khối mây trắng của trời xanh tụ lại, đã quen mắt rồi nhưng mỗi lần nhìn pho tượng này lòng An vẫn trào lên cảm xúc mãnh liệt. An thầm nghĩ đây là pho tượng Phật tổ đẹp nhất của quê hương mình.

Lên đến chân bệ tượng, An tháo nón sắt và ba lô để đấy, đoạn qùy xuống thành tâm khấn nguyện:

- Con thành tâm đảnh lễ Thế Tôn, cầu xin Thế Tôn và chư Phật từ bi gia hộ cho con, những ngày tháng sắp tới phải ra trận, cuộc chiến ngày một khốc liệt, súng đạn vô tình… Thời buổi chinh chiến điêu linh. Con và bao người khác đâu có muốn vào lính cầm súng, chỉ muốn sống đời bình an nhưng đời nghiêt ngã quá, giờ không cầm súng cũng không được!

An nghẹn lời, chưa biết nói những gì nữa nên cứ quỳ như thế mà chiêm ngưỡng kim thân Phật tổ. Đỉnh đồi gió lộng, những cơn gió từ biển thổi vào làm mát dịu và dễ chịu. Những cơn gió mang lời khấn thầm của An bay khắp bốn phương trời. Lòng An cảm nhận sự thư thái và niềm tin khơi dậy, những lo sợ và những suy nghĩ bi quan cũng vơi đi nhiều.

Vợ An vừa sanh thằng cu thứ hai thì An phải đi quân dịch vì lệnh tổng động viên. An vốn hiền lành chơn chất và rất đẹp trai, có thể nói nét đẹp lãng tử và ăn ảnh của An còn hơn cả những tài tử Hồng Kông. An xuống thị trấn trọ học và gặp Thảo, Thảo là con gái bà chủ nhà nơi An trọ, lạ gì trai gái phải lòng nhau. Bà chủ cũng chìu, gả con gái cho và An ở rể luôn. Từ nhỏ đến lớn, An có bao giờ làm việc gì gây nguy hại cho người và vật đâu, giờ tự nhiên vào lính phải cầm súng để bắn giết nhau làm sao An không khỏi kinh sợ chứ? Tuy nhà nghèo nhưng An như một công tử: Trắng trẻo, đẹp trai, chữ viết đẹp như rồng bay phụng múa, biết làm thơ, đánh đàn guitar… Phải nói những ngày ở quân trường cứ như là địa ngục trần gian đối với An, có không ít lần An khóc và tưởng như chịu không nổi nữa, nhưng rồi cũng phải cố để vượt qua chứ không thì bị tống vào quân lao, lúc ấy thì còn thê thảm hơn.

Cuộc chiến càng ngày càng tồi tệ, quân bắc cộng tràn vào tấn công bất kể ngày đêm, bom đạn tơi bời, khói lửa ngút trời, những trận pháo kích chẳng phân biệt chùa chiền, bệnh xá, trường học… cả miền nam chìm trong lửa đạn, mạng người rất mong manh, sống chết trong đường tơ kẽ tóc. An vẫn quỳ đấy, dòng tâm tư miên man không dứt. An lại thì thầm:

- Con đâu biết giặc là ai, giờ buộc con cầm súng giết người thì con biết làm sao đây? Nay mai ra trận, nếu con không bắn họ thì họ bắn con. Con không muốn giết người, dù đó là giặc, giờ con bị buộc vào lính thì phải bắn giết, phải sát sanh. Mạng người quý lắm, thân người khó được, lính hai bên bị lùa vào cuộc chiến này thì phải làm sao đây? Khi còn thở thì có bên này bên kia, một khi hết thở thì cái xác vô tri kia của bên nào cũng thế thôi! Cái xác tứ đại đất, nước, gió, lửa đâu có còn nghĩa lý gì chuyện bắc hay nam.

Lời thì thầm của An bị cắt ngang bởi một tiếng nổ long trời lở đất, đứng lên nhìn về hướng nội đô thấy một cốt khói bốc cao, có lẽ một cơ sở nào đó vừa bị giật mìn. An xốc ba lô lên lưng, đội nón sắt đi xuống đồi để trở về đơn vị.

An mở mắt ra thấy mình đang nằm trên giường bệnh của nhà thương, toàn thân trần như nhộng, được phủ bởi một tấm vải trắng tinh. Đưa mắt nhìn quanh thấy đầy nhóc những bệnh binh như mình, rất nhiều người còn nằm trên những cái giường xếp nhà binh vì nhà thương không còn giường. Thương binh từ các chiến trường vẫn ào ạt tải về. An cảm nhận sự đau đớn ê ẩm toàn thân, mỏi quá, muốn trở mình một tí nhưng không sao làm đượcc, hễ cựa là đau thấu tận óc. An cố hồi tưởng lại chuyện gì đã xảy ra.

An và những đồng đội được điều chuyển từ quân trường Đồng Đế về Bình Định. Đêm hôm trước An và tiểu đội đi tuần quanh đầm Thị Nại, một vùng đầm phá nước xà hai, nơi này có nhiều kẻ nhảy núi, quân du kích đêm đêm kéo vào nội đô và các thị trấn gần quấy nhiễu dữ lắm. Vùng này là vùng xôi đậu, ngày quốc gia đêm việt cộng. Dân chúng qaunh vùng khổ sở vô cùng. Ban ngày làm ăn buôn bán mưu sinh nhưng đêm về thì vào thị trấn ngủ nhờ, không ai dám ngủ ở nhà cả, nhất là thanh niên và hạng trung niên. An và cả tiểu đội cẩn thận từng bước chân, bất ngờ một quả pháo cối từ đâu chụp xuống, thế rồi An không biết gì nữa cho đến khi mở mắt ra thì thấy nằm ở đây. Mãi mấy ngày sau An mới biết thằng Nhiên bị đạn cối cắt mất một giò, thằng Lượng bị thổi bay mất nửa mặt và vĩnh viễn nằm lại bên đầm, thằng Quân và An thì bị miểng găm vào bụng, mất máu nhiều nhưng bác sĩ giải phẩu giỏi đã giữ lại mạng sống cho cả hai thằng.

Nằm tên giường bệnh, An nhớ vợ con quay quắt, nhớ mẹ đang ở trên quê giờ không biết ra sao. An rơm rớm nước mắt. An bị đi quân dịch, cầm súng chống lại những kẻ xâm nhập từ phương bắc, những kẻ đang phá nát trị an và cuộc sống bình thường của người dân. An cũng biết cuộc chiến này là chính nghĩa nhưng sao vô vọng quá, không biết ngày nào sẽ kết thúc, tương lai hòan toàn mờ mịt chẳng thấy lối ra, mạng sống người dân cũng như người lính đều rất bất ngờ. An nhớ lần đụng trận đầu tiên, An chẳng biết đó là du kích hay quân bắc cộng, cứ bóp cò nhả hết băng đạn mà cũng chẳng biết có trúng mục tiêu hay không. Đâu chỉ mỗi An, sau này thằng Khiêm, thằng Tân và hầu như cả bọn cũng đều thú nhận như thế. Tội nghiệp thằng Khiêm, vừa cưới vợ xong là bị tổng động viên, giờ nó trở về không còn toàn vẹn như lúc mới vào nhà binh, một cái chân đã để lại vùng đất xa lạ vì đạp phải quả mìn trên đường hành quân.

Giấc trưa, Thảo bồng con vào y viện thăm An. Chưa ngồi dậy được và cũng chưa thể bế thằng cu. An lấy bàn tay còn dính vệt máu khô sờ má thằng cu tí. Thằng bé hồn nhiên cười toan lấy ngón tay An đưa vào miệng mút. An vội rút tay về, những ngón tay bết máu và bùn khô lại, không thể để thằng bé bị nhiễm trùng. Thằng cu Tí bi bô những tiếng ba ba đầu đời làm cho An sung sướng đến đỏ hoe cả mắt, Thảo cười nhưng nét xót xa hiện rõ trên gương mặt khả ái, một tay bồng con, một tay vén mớ tóc lòa xòa trên trán An mà mắt ngấn lệ. An trấn an:

- Không sao đâu em, vài hôm nữa sẽ lành thôi! Anh còn may mắn hơn nhiều so với đồng đội.

Thảo lấy gà mên từ cái làn mây, cháo gà cô nấu đem vào cho An còn nóng hổi, múc từng muổng đút cho An. An cảm nhận sự ấm áp và ngọt ngào của tình yêu qua gà mên cháo gà thơm ngon mà Thảo dành cho anh. An thấy mình còn hạnh phúc và may mắn biết bao trong khi thằng Lượng, thằng Tân chẳng còn bao giờ được gặp lại vợ con. An thấy thương vợ quá, không muốn xa vợ, không muốn cầm súng và càng chẳng muốn ra trận, hoàn cảnh nó đẩy đưa và buộc con người vào cái thế phải như thế. Không cầm súng thì súng đạn cũng vào tận phòng ngủ, cầm súng để ngăn súng đạn phá hoại đời sống an lành. An thương Thảo, Thảo hiền lành, thật thà, ít nói hay mắc cỡ, dù đã là vợ chồng rồi nhưng Thảo vẫn cứ như gái xuân thì, luôn thể hiện tình yêu qua những công việc hay hành động chứ không nói bằng lời. Gà mên cháo gà ấm áp đầy yêu thương mấy ngày nay đã tiếp sức cho An, khiến cho An cảm thấy năng lượng được nạp thêm và tinh thần cũng được an ủi lớn. An cầm bàn tay Thảo không muốn rời, hôn bàn tay vợ, níu cổ Thảo hôn một nụ hôn nồng cháy. Nước mắt Thảo rơi trên mặt An, An lấy ngón tay quệt nước mắt vợ:

- Đừng khóc nữa em, rồi sẽ ổn thôi!

Mãi sai Thảo mới nói nên lời:

- Cố gắng nha anh, vết thương lành về lại với em và con!

Thảo bồng con về rồi, An nằm trầm ngâm, bao nhiêu tâm sự cứ chực tuôn trào mà chẳng biết nói cùng ai, chẳng biết làm sao ngăn chặn trái tim đang xao động. An nhìn qua những bệnh binh trong phòng, xem ra Anh là người may mắn và hạnh phúc nhất ở đây. Những thân hình sứt mẻ hoặc biến dạng vì đạn pháo, những hình hài băng bó trong bao lớp vải trắng đã nhuộm đỏ máu. Thỉnh thoảng những tiếng rên vì đau đớn của đồng đội làm cho lòng An thấy thương đến xót xa, nhất là những người vào y viện cả tuần nay mà chưa thấy thân nhân đến thăm, có lẽ gia đình đơn chiếc hoặc là người nhà vì xa xôi cách trở mà chưa kịp đến.

An thiếp đi trong giấc mộng nặng nề mệt nhọc, mười tám năm rồi không gặp không biết tin tức gì về ba. Ông Hòa đi hay bị đi tập kết thì An không biết, lúc ấy An vừa được bảy tuổi, trí óc con trẻ đâu biết gì. Nghe ba đi tập kết nhưng nào có biết là đi đâu. An nhớ là ba nói đi hai năm sẽ về, giờ thì đã mười tám năm rồi. Má mòn mỏi đợi ba mà không có bất cứ tin tức gì, hội tề hương ấp ve vãn và làm khó đủ điều. An lớn lên mới biết ba An đang ở bên kia, thế rồi An đi quân dịch, vô tình trở thành đối địch với ba, giờ An và ba ở hai chiến tuyến khác nhau. An và ba trở thành kẻ thù của nhau. Bên phe ba đem súng đạn xâm nhập vào nam và bên An buộc phải dùng súng đạn để chống lại. Cái cảnh trớ trêu này đâu chỉ mỗi An và ba, cả triệu người như thế. Có người thì cha con đối địch, có kẻ thì anh em không đội trời chung, những gia đình có người thân đi tập kết hay nhảy núi đều rơi vào cảnh oái oăm này. Mười tám năm không gặp ba, không có tin tức gì về ba, cuộc chiến này đến bao giờ mới kết thúc đây? Liệu có còn cơ hội gặp lại ba? Trong cơn mê sảng, An ú ớ vật vã làm cho người y tá đến bên đánh thức An và vỗ về:

- Anh tỉnh lại! Ác mộng qua đi, vết thương sẽ lành sớm thôi!

Người y tá lay vai An và rờ trán xem có sốt không, thấy nhiệt độ bình thường nên anh ta cũng an tâm, nói thêm vài lời an ủi nữa rồi đi thăm bệnh những người khác. Y tá đi rồi, An nằm trừng mắt nhìn trần nhà, trán lấm tấm mồ hôi, cổ họng khô khát nên với tay lấy bi đông nước để cái bàn con cạnh đầu giường. Người y tá quay qua nhắc nhở:

- Anh uống chút chút thôi, vì vết thương chưa khô. Anh cố gắng một chút thì sẽ lành sớm hơn!

Anh y tá đi một lát rồi đem lại cho An vài viên thuốc giảm đau, sau khi uống thuốc. An lại thiếp đi trong cơn mê, hình bóng người ba yêu thương trong những ngày thơ ấu lại hiện về, cuộc sống thường nhật bận rộn và chiến chinh khói lửa đã làm lãng quên bao lâu nay, giờ thì nó lung linh hiện ra cứ như thước phim quay chậm chiếu lại. An và ba đi bắt giông, cá đồng nướng ăn ngoài bãi, những bữa chiều mưa cả nhà quây quần bên mâm cơm, những món ngon ba lơ đũa không động đến, nhường cho anh em An ăn. Rồi mùa mía đến, An theo ba về từ đường nhà nội xem anh em họ ép mía làm đường. Rồi cái ngày ba ra đi tập kết, má cứ bịn rịn níu tay ba. Ba cũng dùng dằng mấy bận mới rứt ra được để nhập vào dòng người trên đường làng. Bóng ba mất hút tận chân trời mà má còn tựa gốc mít đầu ngõ ngóng hoài.

Chợt một tiếng nổ kinh hoàng tưởng chừng như kinh thiên động địa, sức ép làm rung rinh cửa kiếng. An giật mình ra khỏi giấc mơ, những tiếng nổ như thế đã từ lâu không còn làm cho ai sợ hay quan tâm nữa, nó đã quá thường như cơm bữa, còn những tràng đạn vu vơ từ tiểu liên khạc ra cũng thế, nó đã trở nên thường tình như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thậm chí một quả mình giật sập một tòa nhà hay chiếc xe đò bị nổ tung vì lựu đạn cũng không làm cho người ta sợ. Đạn bom xương máu đã hòa quyện vào nhau, sự sống cái chết dường như không còn kẽ hở. Nằm trên giường, An hồi tưởng lại hôm leo lên đồi viếng kim thân Phật tổ, hình ảnh pho tượng in sâu vào tâm khảm An, nhìn pho tượng sao mà thanh thoát và bình an quá đỗi, mặc dù đạn bom khói lửa vây quanh. Pho tượng bằng bê tông mà sao An cứ ngỡ đôi mắt hiền từ mở ra nhìn An, nhìn chúng sanh đang chém giết nhau. Pho tượng không rơi lệ nhưng An có cảm tưởng lệ chảy vào trong. An nhắm mắt thì thầm:

- Cầu xin đức Phật che chở cho con, cho đồng loại và non nước này! Tại sao con phải cầm súng để bắn vào những người không quen biết kia?tại sao những người xa lạ kia lại mang súng đạn vào đây để bắn giết đồng bào? Con cũng như đồng bào con nào có thù ghét gì những người xa lạ kia, những người dân vô tội cớ sao lại phải chịu thảm cảnh cuộc chiến dã man này?

Từ hồi còn đi học, An không chỉ tìm hiểu và đọc nhiều sách về đạo Phật mà còn đọc cả những tài liệu về Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo. Sở dĩ phải tìm hiểu vậy là vì hai tôn giáo kia có liên quan nhiều đến đạo Phật. Từ bi trong đạo Phật quá tuyệt vời, không còn gì để bàn cãi. Đạo Phật chủ trương thương yêu tôn trọng sự sống của muôn loài, ngay cái giới đầu tiên mà người Phật tử thọ là: không sát sanh. Ở Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo cũng thế, tôn trọng sự sống, tránh mọi việc giết hại sinh vật, kể cả cây cỏ...Ấy vậy mà Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo đều chấp nhận và cho phép chiến đấu để bảo vệ bản thân, cộng đồng, quốc gia. Từ đó An cảm thấy được an ủi rất nhiều. An cầm súng không phải vì thù hận, chẳng phải gây hấn bạo lực, lại càng tuyệt đối không dùng súng để đàn áp, cướp bóc hay đe dọa người khác. An cầm súng vì quốc gia lâm nguy, vì đồng bào đang bị bức tử, cầm súng để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. An hoàn toàn không có ý giết người, không muốn bắn người, nhưng người ta xông vào nhà mình để giết mình và giết người nhà mình nên mình phải bóp cò thôi! Trong nội tâm An cũng loạn động như cuộc chiến của xứ sở này, bao nhiêu sự giằng xé giữa lý tưởng, niềm tin và những giá trị đạo đức, tâm linh. Nhiều lúc An tức giận nguyền rủa tại sao bọn người ngoài kia không để cho đồng bào An được an? Tại sao xứ sở này đánh nhau mãi và chẳng biết bao giờ mới hết đánh nhau? Tại sao người ta lại chia hai xứ sở này? Tại sao An và ba lại phải ở vào hai bên đối địch nhau? Cả một nùi rối bù trong tâm An, tên ba má đặt cho là An vậy mà chẳng được an, chí ít là kể từ ngày ba ra đi tập kết.

An nằm im nghe nhịp tim mình thổn thức, hàng bao nhiêu câu hỏi tại sao cứ tiếp tục tuôn ra từ trong đầu óc. An mệt rã rời và thiếp đi, trong lúc ấy mơ hồ có một giọng trầm ấm từ trong thâm sâu của nội tâm:” Khi con và mọi người cùng chung một hoàn cảnh như thế này, có nghĩa là phước phần của con và những người ấy có liên can nhau, hoặc là cùng hưởng phước hay cùng chịu nạn. Con và những người đồng cảnh ngộ, hoặc là tình thương yêu lẫn nhau hay là thù hận nhau, nó có nguyên nhân sâu xa từ vô lượng kiếp chứ không phải tự nhiên mà sanh ra như thế! Yếu tố bên ngoài châm ngòi cho cuộc chiến hay tiếp sức cho cuộc chiến chỉ là cái duyên xúc tác, nó không phải nguyên nhân chính. Loài người từ khởi thủy cho đến hiện tại có bao giờ thôi đánh nhau? Không đánh lớn thì đánh nhỏ, không nơi này thì nơi kia, không lúc này thì lúc khác. Quá khứ đã thế, hiện tại cũng vậy và mai sau cũng chẳng khác được. Cuộc chiến này tàn thì cuộc chiến khác xảy ra, thế giới loài người không thể không có chiến tranh! Chiến tranh là kết quả của sự tham lam vô độ, lòng sân hận đỉnh điểm và sự si mê mờ ám của con người. Con ở trong cuộc chiến này dù là bất đắc dĩ. Ba con cũng bất đắc dĩ, tất cả những binh lính cầm súng bắn giết nhau cũng là bất đắc dĩ. Tất cả chỉ là những quân cờ trong cuộc cờ của những thế lực chính trị, Những quân cờ có cùng chung cái nghiệp. Con vừa là nạn nhân cũng vừa là tội đồ do cái nghiệp của con dẫn dắt. Ngay cả những người điều khiển cuộc cờ chiến tranh cũng thế! Họ đang chơi cái nghiệp cũ và tạo cái nghiệp mới”.

Đêm dần về khuya, không gian căn phòng tịch mịch im lìm trong cái màu trắng đến lạnh lùng. Những bệnh binh đều đã chìm vào trong giấc ngủ hay những cơn mộng mị không đầu không đuôi. Ngoài kia những tiếng nổ đì đùng như dội vào trong tâm thức, thỉnh thoảng những quả hỏa châu bay lên làm đỏ lựng cả một khoảng trời.
Ất Lăng thành, 12/21



VVM.26.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .