Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

VẪN CÒN VỚI NHATRANG


                        

T hật ra, chuyến đi Nha Trang lần này không nằm trong “kế hoạch năm” của ông Tài. Đây là đơn đặt hàng của Sếp ông nhân lúc “giáp hạt” giữa hai khóa học và ấn định ngày lành tháng tốt để lên đường. Chuyến đi đã được thực hiện bằng tàu lửa. Một vấn đề nhỏ đã làm bận tâm chút xíu là cầu Gành đã sập và người ta đang ra sức sửa chữa, nghe đâu cuối tháng này sẽ được nối lại.

"Buổi mai hôm ấy” không có sương thu và gió lạnh gì cả, tuy nhiên Sếp muốn đi vào thời điểm này vì kế hoạch của Sếp cũng có phần cập rập. Đúng 8 giờ, mọi người lên tàu ở ga Saigon. Vì đây là tàu trung chuyển nên chẳng ai soát vé và mọi người ai muốn ngồi đâu cũng được. Tàu chạy rỉ rả tới ga Sóng Thần mất khoảng nửa giờ, mọi người xuống tàu gồng gánh và rồng rắn ra trước cửa ga gặp ngay một đoàn xe khách loại 5, 6 chục chỗ ngồi. Người ta hướng dẫn hành khách lên xe và và đoàn xe tiếp tục lăn bánh đến ga Biên Hòa thời gian mất hơn nửa tiếng. Đến đây khách lên tàu được soát vé hẳn hoi và được hướng dẫn đến chỗ ngồi tử tế. Nhưng ông Tài hết sức kinh ngạc về cách sắp xếp chỗ ngồi của nhà xe… lửa. Khi mua vé thấy nhân viên bán ba vé mang số 2, 3 và 4 cho ông Tài và “đoàn tùy tùng” gồm Sếp và người em gái, cô này tuổi tác cũng trên 60, ông Tài rất vui mừng biết chắc rằng ba người sẽ được ngồi gần nhau. Nhưng khi vào toa tàu được người xếp chỗ ung dung chỉ hai ghế số 3 và 4 ở sát vách đầu toa cho hai người, Sếp và người em, rồi dẫn ông Tài lên ghế số 2 ở sát vách cuối toa. Khoảng cách của ông Tài và hai người đi theo là đúng một toa xe lửa. Chịu thôi! Không có quả bồ hòn ngậm cho đỡ tức.

Một điều đáng nói là cô nhân viên bán vé cho ông không “fren-lì” (thân thiện) chút nào. Đây là từ ngữ người nước ngoài thường dùng để khen tặng người Việt Nam. Khi cô cho thông tin vào máy mà mặt mày nhăn nhó có vẻ rất khó chịu. Ông Tài hãi quá không biết có “tai biến” gì đây. Khi cô in vé và đưa cho ông Tài thì ông phát hiện tên của bà xã ông bị in sai không đủ số từ của cái tên, ông Tài phát hiện và lấy hết can đảm trình bày cho cô bán vé: - Cô ơi cái vé này cái tên bị in sai rồi, nhờ cô đối chiếu lại chứng minh.

Cô bán vé xem chứng minh rồi nhìn vào máy:

- Không sao đâu bác, trên máy vẫn hiện đủ tên chính xác.

- Nhưng trên vé không hiện đúng tên so với chứng minh. Vậy là không được rồi.

Một cô nhân viên khác ngồi bên cạnh lớn tuổi hơn có vẻ là “sếp” không biết nghe lõm bõm câu chuyện ra làm sao mà quay sang nói như ra lệnh với cô đang “làm việc” với ông Tài:

- Trả tiền lại ổng đi, bỏ vé đó, không mua thì thôi.

Nghe nói như vậy ông Tài hoảng quá vội đính chính ngay:

- Không phải vậy đâu cô ơi, đây chỉ là sai tên trên vé tàu thôi.

Sau cùng, ông Tài hướng dẫn cô bán vé bằng cách viết tay điều chỉnh cái tên rồi đóng dấu đính chính lên đó. Xong!

Ông Tài và hai bà, phải ngồi yên tại chỗ suốt chuyến hành trình. Mỗi khi muốn liên lạc với nhau ông phải đứng hẳn lên hướng về cuối toa chỉ nhìn thấy được đầu của hai người phụ nữ nhô lên khỏi dãy người trước mặt giơ tay ra hiệu và sau đó phải đi đến tận nơi để trao đổi vài công việc ngắn như dặn dò chuẩn bị mua cơm trưa hoặc cho biết vị trí toa-lét trên tàu. Ở khoảng giữa toa có mấy người nước ngoài, dân da trắng nhưng không biết họ là người nước nào, Ông Tài chỉ quan tâm đến việc những người ngoại quốc này sẽ nghĩ sao khi phải sử dụng toa-lét ở đây. Khi bước vào trong, mùi hôi hám nồng nặc, dưới sàn nước đọng lấp xấp, trên bàn ngồi thì loang lỗ những đốm vàng, đốm xám, chỉ nhìn thôi đã không muốn sử dụng. Nếu những người nước ngoài này nhìn thấy chắc họ sẽ kết thúc ngay nhu cầu cấp bách đang phát sinh. Điều này cũng dễ gây cho khách du lịch nước ngoài hạn chế đến Việt Nam.

Nha Trang đang mưa tầm tã. Đứng dưới mái hiên ở mặt tiền nhà ga còn giữ nguyên cái dáng vẻ từ xưa cách đây hơn bốn chục năm. Phố xá trước mặt thay đổi nhiều và có phần hiện đại. Cũng dễ hiểu thôi, xa cách một nơi người ta từng sinh sống với thời gian bốn năm chục năm trời khi quay trở lại đương nhiên phải có sự đổi khác không ít thì nhiều. Tuy nhiên theo ông Tài nghĩ, so với thời gian xa cách như vậy, sự thay đổi của Nha Trang chưa có gì để gọi là phát triển nhanh chóng.

Một người có vẻ chạy xe ôm, mặc áo mưa dừng xe ngay trước mặt ông, hỏi:

- Đi xe không bác?

Ông Tài nhìn lại thì ra ông bạn ra đón. Hai người tay bắt mặt mừng. Nhưng ông Tài cho biết ông đi tới ba người và bây giờ phải về nhà người em của Sếp để nghỉ rồi đẩy người bạn quay xe ra về sau khi hẹn sáng mai sẽ gặp để đi chơi.

Buổi sáng, bầu trời khu vực Cầu Dứa có phần u ám, ba người, ông Tài, bà xã và bà em, thong dong bước ra quốc lộ. Phố xá san sát như ở trung tâm thành phố, với nhiều hàng quán bán đủ loại thức ăn, món uống. Ba người ghé vào một quán bên đường bán bún bò, bàn ghế bày ngay trên lề đường đã có lai rai vài người khách. Trời mưa lất phất, thỉnh thoảng có vài ngọn gió mát rượi. Ba tô bún bò được mang tới còn bốc hơi nóng. Ông Tài nói:

- Cái này hơi nóng bay lên thực sự chứ không phải do hóa chất đâu nghe.

Bà bán hàng nghe qua thắc mắc:

- Bác nói vậy là sao?

Ông Tài vội vàng xin lỗi và giải thích:

- Trong Saigon có những xe bán xôi đủ màu vàng, tím, xanh rất bắt mắt, bày trong những mâm để trần lúc nào cũng có hơi nóng bốc lên nghi ngút. Nhưng nhìn kỹ thì hơi nóng đó bốc lên từ phía dưới của các mâm xôi chứ không phải từ xôi đang trưng bày. Có người nói hơi nóng giả tạo đó là do hóa chất.

- Vậy sao? Bây giờ cái gì cũng giả hết.

- Đúng. Chị coi chừng nhe. Tôi ngồi đây cũng là người giả đó, tin không?

- Bác này tếu vui quá he!

Mưa bắt đầu nặng hạt. Những giọt mưa rớt lên tấm vải bố làm mái che nghe lụp bụp. Ông Tài vừa ăn vừa ngóng chừng ông bạn mà ông vừa điện thoại và được biết khi đó ông bạn đang trên đường đến gặp ông…

Để hai bà lên taxi đi lên phố Độc Lập rồi đến chợ Đầm, sau đó đi dạo tự do, ông Tài leo lên xe ông bạn chạy thẳng đến một quán cà phê nằm ngay trên bờ sông có phong cảnh rất đẹp. Hai bà bạn trẻ hơn ông Tài năm bảy tuổi được ông bạn gọi điện mời cũng vừa đến. Không khí trong quán không khác gì những quán cà phê sân vườn ở trong Saigon, nhưng ở đây đặc biệt là quán nằm sát một dòng sông. Nơi đây ông Tài nhớ lại ngày xưa khi còn làm việc ở Nha Trang, lúc đó ông Tài mới ngoài ba mươi cùng một người bạn thuê một chiếc ca-nô và mời thêm vài cô bạn gái rồi mang theo bánh mì, vịt quay, bia bọt đủ thứ, chất lên chiếc ca-nô chạy dọc theo con sông này vào tận trong xa, chung quanh chỉ còn thấy ruộng đồng bao la, không còn bóng dáng gì của thành phố nhộn nhịp. Trời gần trưa, anh bạn cho ca-nô tấp vô bờ gần một bãi đất nho nhỏ đủ để mọi người làm nơi picnic. Thức ăn đâu đó đã sẵn sàng không cần thiết phải chuẩn bị gì cả, mọi người thay đồ tắm xuống sông tung tăng bơi lội. Mấy cô bạn là dân Nha Trang chính cống, thường xuyên tắm biển, nên bơi lội quá rành sáu câu, và đặc biệt rất dạn dĩ, nói chuyện với hai người đàn ông đi chung và cũng là đồng nghiệp trong cơ quan nên nói chuyện có phần mạnh bạo không hề e dè nhút nhát. Dòng chảy của con sông này hơi đặc biệt, nước ở gần hai bên bờ rất yên tĩnh, những chiếc lá khô trôi nhè nhẹ, lừ đừ, nhưng ở chính giữa sông nước chảy nhanh hơn cuốn theo những nhánh cây khô, tàu lá dừa trôi nhanh về phía hạ lưu.

Ông Tài và người bạn lên bờ đi về phía tấm bạt trải dưới đất chuẩn bị thức ăn, các cô còn nô đùa té nước lẫn nhau. Thình lình có tiếng la:

- Anh Tài, con Yến bị nước cuốn rồi.

Ông Tài đứng lên vừa nói:

- Giỡn hoài, lội giỏi quá trời mà bị cuốn cái gì?

Nhưng ông chợt nhìn thấy cô gái đang bị trôi ở giữa dòng, cô muốn bơi vào bờ nhưng không được. Ông Tài bảo ông bạn:

- Không sao, anh lấy ca-nô ra rước cô nàng về.

Ông bạn nhảy vội xuống ca-nô, mở máy, phóng nhanh về hướng cô gái đang bì bõm đưới nước, và chỉ vài giây sau, cô gái được vớt lên ca-nô và đưa vào bờ. “Anh” Tài chọc:

- Bang ra giữa dòng làm chi cho nước cuốn?

- Em muốn bơi ra đó để nước đẩy mình bơi cho nhanh, ai ngờ quay vô không được.

- Vậy là gan cùng mình he.

- May mà em biết bơi.

- Anh cũng biết em bơi được, nếu không cho em ở nhà rồi. Thôi ăn đi rồi về các bạn…

Mới đó mà đã hơn 40 năm rồi!

Ông Tài kể đến đây, hai bà bạn bật lên cười ha ha:

- Trời ơi, anh Tài nhớ kỹ quá he.

- Nhớ chứ, vì hồi xưa ở Nha Trang này, cái chuyện mướn ca-nô đi chơi trên sông quá dễ dàng.

Chợt ông Tài như sực nhớ một điều gì, ông quay sang nói với ông bạn:

- Còn sớm, chưa tới 10 giờ, anh với tôi đi Ninh Hòa thăm bà con đi.

- Chuyện nhỏ!

Chào hai bà bạn già, hai ông già lên xe gắn máy nhắm hướng Ninh Hòa trực chỉ. Khi gần tới cầu Hà Ra, ông Tài bảo ông bạn quẹo vào một con đường nhỏ mang cùng tên với chiếc cầu. Đường Hà Ra. Đột nhiên ông Tài liên tưởng đến con đường Quang Trung ở quận Tân Bình, gần cuối con đường này có một chiếc cầu, lúc đầu không biết cái cầu này tên là gì. Bên cạnh có một ngôi chợ không lớn lắm, có tấm bảng ghi rõ ràng là Chợ Cầu. Một thời gian sau ở đầu cầu có gắn tấm bảng ghi tên chiếc cầu là Cầu Chợ Cầu. Tự nhiên người ta nghĩ ra liền một câu đố. Cây cầu và cái chợ, cái nào có trước cái nào có sau? Có thể chiếc cầu được thành lập từ thời… Tây nhưng không được cấp giấy khai sanh để có cái tên cúng cơm. Mãi đến sau này khi lập ra cái chợ rồi được khai sanh cho cái tên Chợ Cầu, người ta mới giật mình nghĩ ra cái tên trí tuệ đặt cho cây cầu là Cầu Chợ Cầu. Chuyện rất bình thường. Có người còn cắc cớ so sánh chuyện cái cầu và cái chợ giống như chuyện quả trứng và con gà cái nào có trước cái nào có sau?

Qua khỏi đèo Rù Rì, nắng bắt đầu chói chang, nắng tràn lên dãy núi phía xa. Ngồi phía sau ông Tài chỉ cho ông bạn xem cảnh biển phía bên phải với một ngọn núi bên ngoài chắn lại làm thành một cái vịnh nho nhỏ trông rất đẹp mắt. Trong lúc đang trao đổi vẻ đẹp hữu tình của một vùng biển miền trung, ông Tài phát hiện người bạn đang cầm tay lái bị chứng nghễnh ngãng lỗ tai của tuổi già, Ông Tài hỏi:

- Sao anh không mua cái trợ thính để nghe cho dễ.

- Có mua mà để ở nhà. Ít khi đeo. Mà đeo vô mệt quá đi.

- Sao vậy?

- Vì tất cả những âm thanh nhiễu loạn lọt vô tai chung với tiếng người nói làm cho lỗ tai bị ù.

- Thảo nào một ông bạn già của tôi ở Saigon, tuổi ở hàng tám, gần như bị điếc, cũng không chịu đeo máy trợ thính.

- Rồi sao?

- Ông thường xuyên đi họp tại một câu lạc bộ văn thơ và thường lên diễn đàn phát biểu ý kiến về những đề tài nho nhỏ, khi phát biểu xong, người khác tham luận hay phản biện, ông hoàn toàn để ngoài tai, vì ông không nghe được gì cả.

Vừa vào tới thị xã Ninh Hòa, ông bạn cho xe quẹo vào một con đường đất đến một căn nhà kiểu xưa ba gian hai chái có sân rộng với hàng rào bao quanh. Trước nhà có mấy chậu bonsai lớn đặt trên những hồ cá và hòn non bộ. Đúng là một nơi có đầy đủ điều kiện để những người lớn tuổi sinh sống một cách thanh nhàn nhưng không kém phần sang trọng.

Chủ nhà là một ông già đã lên hàng tám, hồi xưa làm việc ở cùng cơ quan với ông Tài nhưng chức vụ ông ta lại nhỏ hơn, nay thấy ông Tài từ Saigon ra thăm ông rất cảm động. Hồi còn làm việc, buổi tối ông phải ở lại trực cơ quan, ông thường mang theo cây đàn mandoline và chơi khoảng một tiếng đồng hồ rồi đi ngủ. Bản nhạc mà ông thường đàn là bản Granada và ông Tài nghe riết cũng thuộc lòng giai điệu bản nhạc. Theo lời ông kể ông bị đột quỵ cách đây hơn hai tháng tưởng đâu đã phải về chốn cửu tuyền không kịp từ giã bạn bè, may nhờ vô bệnh viện làm phẫu thuật lồng ngực nên tai qua nạn khỏi.

Lúc từ giã ra về, nghe ông Tài nói tối lên xe lửa về Saigon, ông chủ nhà như không dằn được cảm xúc, ôm ghì lấy ông Tài:

- Chắc là hết gặp lại anh rồi, anh Tài ơi!

Gỡ tay ông ra, ông Tài an ủi:

- Đừng lo, tôi còn ra chơi nữa. Rủi ro anh lên thiên đường sớm nhớ bảo mấy đứa nhỏ báo cho tôi biết.

Lúc trở về Nha Trang, ngồi phía sau ông bạn già có lỗ tai nghễnh ngãng, ông Tài sực nhớ tới một ông bạn già khác, và cũng nhờ ông bạn đang lái xe đây tìm được. Sau đó, ông này gửi hình ảnh vào Saigon cho ông Tài và ngược lại ông Tài cũng gửi hình ảnh cho ông kia xem để nhìn thấy con người ta thay đổi theo thời gian dài ba bốn chục năm. Sau đó chừng một tháng ông Tài nhận được một bức thư không phải do ông bạn già đó gửi mà là do một người em của ông gửi vào cho biết ông bạn già đó đã qua đời và thư hồi âm cùng hình ảnh của ông Tài gửi ra tới Nha Trang, đến nhà ông bạn đó ngay khi nhà đang tổ chức đám tang và chính người em gửi thư báo tin đã đọc bức thư đến muộn trước linh cữu ông bạn già đó. Không biết qua làn khói hương, trước tấm hình chân dung ông có đọc được những dòng chữ thăm hỏi của ông Tài không?


Xe lửa về Saigon đã khởi hành hơn nửa tiếng đồng hồ, lần này thì ba người được ngồi gần nhau, không giống như bận ra ông Tài giống như ở đầu sông Tương hai bà kia ở cuối sông Tương, chẳng được “tương cố, tương kiến” chi cả.

Lúc đưa ông Tài ra nhà ga, ông bạn nói:

- Ông ra chơi mà gấp gáp quá, phải chi có thời gian tôi đưa ông ra đảo Khỉ chơi cho biết.

- Cám ơn, để lần khác. Tôi đi chơi xa chỉ cốt thăm bạn bè chứ không hề quan tâm đến những danh lam thắng cảnh hay di tích di tiếc gì cả. Ông thấy không, bà xã tôi cũng không thích… ./.




VVM.26.7.2023 - NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .