Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


NGUYỄN THỊ LỘ

     TỰA

     Trong những định nghĩa về lịch sử, hình như có câu: "Lịch sử là những văn bản do sử gia viết rồi sau đó không ngừng được viết lại. " Xem ra định nghĩa này đúng với trường hợp Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
     Về Lễ nghi học sĩ triều Lê Thái tông, sử gia Ngô Sĩ Liên có
 Lời bàn: "Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?"  Ðiều này, như người ta thường nói, là quan niệm bất công, khinh rẻ phụ nữ của một sử gia phong kiến. Nhưng vì lẽ gì, ngay cả trong chuyện Rắn báo oán tác giả dân gian cũng phũ phàng dồn hết mọi tội lỗi lên đầu người đàn bà?
     Về Nguyễn Trãi, vua Tự Ðức nhà Nguyễn có 
Lời phê: "Ðời Lê Thái tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. Trãi nếu là người hiền thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón trước ngự giá, thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì tai vạ tru di cũng là tự Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền?" Với nhiều thế hệ trí thức Việt, lời bàn trên được coi như khuôn vàng thước ngọc. Nhưng rồi thời gian cho thấy khuôn vàng thước ngọc cũng biến dạng!
     Nguyễn Trãi có là người hiền chăng? Biết tất cả những bậc hiền của quá khứ, biết những Khuất Nguyên, Trương Lương, Ngũ Tử Tư, Văn Chủng, Phạm Lãi. Biết Chu Văn An và cũng biết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo.nhưng Nguyễn Trãi tự biết mình hơn bởi ông là 
người hiền dấn thân . Án Trại Vải là bi kịch tất yếu mang tính toàn nhân loại khi chế độ chuyên quyền thống trị. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là viên đá lót đường cho dân tộc vươn tới tự do!
     Văn bản lịch sử không phải là văn bản chết mà là tấm gương từ đó con người phải soi vào để nhận ra chân dung của bản thân mình, của thời đại mình. Nhà văn, trong ý nghĩa nguyên sơ của từ này, chính là lương tri của dân tộc của thời đại, có nhiệm vụ giải mã tấm gương câm lặng của lịch sử để đưa ánh sáng dọi chiếu con đường đi tới cho dân tộc. Ðấy là sứ mạng thiêng liêng cao cả nhiều người mơ ước. Nhưng giải mã chân xác cuốn sách cổ là điều cực khó mà không phải ai cũng thành công.
     Tiểu thuyết Khối tình Nguyễn Thị Lộ là một trong những cách giải mã lịch sử. Ðánh giá nó thế nào là quyền của thời gian.

     Sài Gòn, Thu Giáp Thân

     Hà Văn Thùy


  CHƯƠNG I

 

N guyễn nằm im, nghe hơi đá mát lạnh dưới lưng. Nghe không khí nhẹ lâng lâng của rừng thu. Nghe tiếng lá thông vi vút trong gió. Nghe dòng suối rì rào ngân nga như tiếng đàn. Nghe rừng trúc xạc xào. Miên man miên man êm đềm... Nguyễn nhận ra một cái gì thân thiết như ru trong bài ca xa xưa. Tự nhiên ông thấy lòng thư thái, thấy mình như tan hòa cùng không gian cùng cảnh vật, nhận ra hồn mình lâng lâng nhẹ như sạch hết bụi trần. Chỉ nơi này, giữa thiên nhiên khoáng đạt, ông mới tự do tự tại, mới thực sự là mình. Nguyễn thả cho hồn phiêu diêu chìm dần vào giấc ngủ. Cảm thấy có cái gì bò nong nóng râm ran trên mặt, Nguyễn tỉnh giấc. Ông nhận ra từ trên cao một tia nắng chói lòa xuyên qua tán thông rậm rạp xanh ngăn ngắt chiếu xuống mặt mình. Nguyễn xê người tránh chỗ nắng trên thạch bàn, nhắm mắt lại, định ngủ tiếp nhưng giấc ngủ không đến nữa. Nghe trong không gian mùi khói lá thông hăng hắc, Nguyễn mở mắt nhìn rồi từ từ ngồi dậy. Tránh chiều gió, phía sau một gốc thông già, nàng đang lúi húi đun nấu. Nguyễn lặng ngắm nét mặt nàng hồng hào điểm mấy đốm tàn tro. Xách chiếc ấm đồng nhỏ về phía thạch bàn, Thị Lộ âu yếm nói: sao chàng không ngủ thêm đi? Trời đẹp lắm! Thôi để thiếp pha trà mời chàng vậy! Không nói không rằng, Nguyễn chăm chú nhìn vợ. Bàn tay thon thon của nàng duyên dáng nắm quai ấm đồng, rót dòng nước sôi sùng sục vào ấm chuyên màu gan gà. Ðậy nắp lại, nàng nhẹ nhàng lắc lắc ấm rồi rót bỏ lượt nước tráng trà, sau đó nàng rót nước sôi vào ấm. Tiếp theo nàng tráng đôi chung. Ðặt ấm nước vào chiếc đĩa gan gà, Thị Lộ bưng hai tay để trước mặt chồng, nói nhỏ: mời chàng! Rồi nàng e lệ ngồi xuống mép thạch bàn.

Ðêm hôm trước, cảm thấy trong lòng vơi nhẹ, Nguyễn nói: "Mai ta định lên núi chơi, nàng có đi với ta không?" "Còn gì bằng nữa, nàng hồ hởi đáp, chàng cho thiếp đi cùng với." Sáng ra nàng dậy sớm cùng lão Mộc lo nấu cơm nếp nắm lại trong bẹ mo nang. Lão Mộc làm con gà ri, luộc lòng đào. Nàng mang ấm chén uống trà và như thói quen, nàng cũng không quên mang theo nghiên cùng giấy mực.

Nguyễn chống gậy trúc đi trước. Bước theo sau, nàng ngắm dáng chàng phong phanh trong áo vải, gió cuộn tà lại phía sau. Ði được một lúc, nàng thấy mặt chồng hồng hào lên, những giọt mồ hôi rịn ra nơi thái dương. Dừng lại nơi hòn đá bàn, hai người ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi rồi Nguyễn xuống suối tắm.

Ở đoạn này, dòng suối phình rộng ra, lặng lẽ chảy hiền hòa. Nước thật trong, mát lạnh, đáy nước lộ rõ những hòn cuội trắng cùng những con cá kìm bơi tung tăng. Tiếp đó là một ghềnh đá, nước bị chặn lại chảy rì rầm như bản nhạc. Trong lúc Nguyễn vẫy vùng thỏa thuê cùng suối mát, nàng bắc bếp nổi lửa nấu nước pha trà. Khi Nguyễn bước khỏi suối lên ngồi trên đá bàn, nàng đã pha sẵn ấm nước cho chồng. Cầm bó nhang cùng mồi lửa, nàng nói: "Chàng nghỉ ngơi, thiếp mang hương lên viếng thày." "Ừ, nàng đi đi!" Nguyễn nói rồi đưa cặp mắt sâu dưới lông mày chớm bạc nhìn theo như nâng niu ôm ấp nàng. Cặp chân dài dẻo dai, dáng đi uyển chuyển. Tấm váy lụa mềm mại cuốn theo mỗi bước đi, để lộ bắp chân trần trắng muốt. Chiếc thắt lưng hoa lý bay bay phơ phất và tấm áo tứ thân màu huyết dụ bó sát lấy thân hình nở nang. Nàng vẫn đẹp, quá đẹp ở tuổi của nàng, Nguyễn nghĩ. Khi bóng nàng khuất trong rừng, không hiểu sao ông bỗng thấy âm thầm một nỗi lo xa xôi. Tinh hoa phát tiết đến vậy liệu có bền lâu?!

Theo lối mòn, nàng lên đỉnh núi Kỳ Lân. Ngọn Bái Vọng đã gần ngay trước mặt, giống như hình người đang quỳ lạy hướng về Vạn Kiếp. Trong bóng thông mát rượi, nàng bước đến ngôi mộ cô đơn được vây xung quanh bằng đá tổ ong. Ngôi mộ xây bằng những tảng đá ong, phủ kín lá cùng quả thông màu nâu, từ đất xám mọc lưa thưa những ngọn cỏ bò lan ra ngoài. Mấy năm trước, sau khi được Thái tổ giải oan, tha khỏi lao tù, Nguyễn Trãi xin với nhà vua được sang Tàu kiếm hài cốt cha. Nhờ một chủ thuyền buôn người Khâm Châu, chàng đã vượt biển sang Tầm Châu, lưu lại đấy mấy tháng trời rồi lần hồi tới Yên Kinh. Cũng chuyến đi ấy, chàng xin cho Phi Hùng được trở về. Ngày trước, khi chia tay ở Ải Bắc, Phi Hùng theo hầu hạ bên cha. Cha mất Hùng an táng và ở lại giữ mộ. Chuyến đi Bắc ấy, người mang về hơn chục bài thơ. Nàng nhổ những dây cỏ dại bò lan, nhặt bớt lá thông, sửa sang cho nấm mộ bớt phần hoang liêu rồi kính cẩn thắp nhang cắm trước mộ chí, miệng nàng lầm rầm khấn vái những lời to nhỏ. Xong việc, nàng đứng lên, nhìn bao quát khoảng rừng rồi ngắm nấm mộ cùng tấm mộ bia, quay về hướng Ðông. Tấm bia mộ bằng đá xanh với những dòng chữ khắc chân phương: Nguyễn Phi Khanh chi mộ. Bên trái là dòng lạc khoản: Hiếu nam Nguyễn Trãi tạo. Tận cùng của sự khiêm nhường, nàng nghĩ. Cả hai cha con, không một dòng chức tước! Cha không chức tước đã đành vì phụng sự ngụy triều nhưng còn con, một đại công thần? Nàng hiểu cách ứng xử của chồng. Với người, mọi danh vị đều phù du, chàng muốn cha mình ẩn trong cái sự vạn đại chi dân. Nhìn sâu vào lòng đất, cảm thương cho người nằm dưới mộ, nàng thầm hỏi: "Nguyễn Phi Khanh, hạnh phúc của ông là ở chỗ nào? Khi làm quan nhà Hồ hay trong mối tình của nàng quận chúa?" Chỉ có im lặng trả lời nàng, chỉ có tiếng rừng thông vi vút.

Nàng hình dung cuộc tình của chàng nho sinh đất Nhị Khê với cô quận chúa lá ngọc cành vàng. Là đam mê, là sợ hãi. Lo sợ trong đam mê. Ðam mê lẫn cùng lo sợ. Nhưng đẹp sao một tình yêu dâng hiến! Nàng nghĩ, đó có lẽ là quãng đời hạnh phúc nhất của người? Càng hạnh phúc hơn khi từ sự vụng trộm ấy lại cho ra đời con người tuyệt vời Nguyễn Trãi. Và thật diệu kỳ, cái mầm sống sinh ra từ đam mê ấy lại gắn bó với cuộc đời nàng, đem lại cho nàng hạnh phúc quá lớn đến mức ôm không nổi!

Trở lại thạch bàn thì cũng gần trưa. Từ xa nàng thấy thấp thoáng giữa những thân thông già, Nguyễn đang viết. Nàng hiểu mình nghĩ đúng. Những dịp lên núi như vầy thế nào người cũng có thơ. Biết thế nên nàng không muốn quẩn quanh bên chàng. Nàng muốn mình luôn có mặt trong tâm tưởng nhưng không cản trở suy nghĩ của chàng. Nếu lên rừng một mình, chàng sẽ cô đơn lắm. Nhưng có nàng, chàng sẽ yên tâm có hình bóng nàng bên mình và trong sự yên tâm ấy, chàng viết. Rất nhẹ nhàng, nàng bước lại phía chàng, không hề nhắc đến thơ phú, nàng chỉ nói:

- Mộ thày vẫn yên lành. Thiếp đã dọn cỏ rác và thắp hương viếng thày.

Nàng nói thế cho chàng yên tâm rồi nàng dọn cơm ra thạch bàn ân cần mời chàng. Buông bút, Nguyễn xuống suối rửa tay rồi trở về nhận khoanh cơm nếp dẻo thơm từ tay vợ. Bốc miếng thịt gà, chấm muối tiêu với những sợi lá chanh thái mịn, Nguyễn ăn ngon lành. Ðợi cho chàng ăn xong, nàng dâng tăm, nước, sau đó bẻ cành lá thông phủi sạch thạch bàn, nàng mời chàng nghỉ trưa.

Nguyễn muốn tìm lại giấc mơ vừa vụt biến. Giấc mơ không trở lại, tiếc đến quặn lòng. Một ông già râu tóc bạc phơ không biết tự bao giờ lặng lẽ đăm đăm nhìn Nguyễn. Dáng ông già phong sương có nét gì quen quen. Cái nhìn ông sâu thẳm đượm buồn, khuôn mặt ông là nỗi đau vời vợi. Dường như nơi khóe mắt ông già một giọt lệ trào ra? Không nói không rằng, ông lặng lẽ nhìn Nguyễn giờ lâu, cái nhìn trăn trối phảng phất nỗi lo lắng. Có nét gì giông giống ngoại tổ? Nguyễn tự nhủ và khi nhận ra người đứng trước mặt nãy giờ chính là ông ngoại Trần Nguyên Ðán, Nguyễn định kêu lên thì thấy khóe miệng ông ngoại hình như mấp máy muốn nói điều gì. Nhưng ngay lúc ấy Nguyễn giật mình tỉnh dậy. Sao mình không nhận ra ông ngoại? Nguyễn tự trách. Ngoại tổ gầy lại phong sương quá, không thật giống với quan Tư đồ phương phi đạo mạo ngày xưa. Nhưng sao cụ nhìn mình lo lắng và ánh mắt buồn vời vợi? Phải thôi, cuối đời cụ là cả một chuỗi buồn. Ðấy là cụ không còn sống để chứng kiến cái chết của Nguyên Hãn! Cụ định nói gì? Nguyễn không thể nào hiểu nổi. Lòng xao động, Nguyễn không hiểu được vì sao lại gặp ngoại tổ giữa buổi trưa này? Liệu có điềm gì báo với mình chăng? Nguyễn ngồi dậy trên thạch bàn, nhìn những cây thông già cao vút. Nắng mùa thu lọc qua tán lá tỏa xuống những tia chói chang. Trên đất, phủ dày một lớp lá thông màu nâu. Một đôi sóc tranh nhau quả thông, cùng rơi từ trên cành xuống, giương mắt nhìn Nguyễn rồi lại vội vàng leo lên cây. Xa xa, từ nơi nào đó vọng lên tiếng tu hú tu hú nhịp đôi khắc khoải.

Uống xong chung trà, Nguyễn chọn mấy tờ giấy hoa tiên màu trắng ngà có bài thơ vừa viết đưa cho vợ:

- Ta mới làm xong bài thơ, phiền nàng đọc thử. Ông nhìn vợ bằng ánh mắt trìu mến.

Ðưa hai tay nhận bài thơ, Thị Lộ mỉm cười:

- Cảm ơn chàng đã tin thiếp! Nói xong, nàng chú mục vào những dòng chữ viết thoáng như rồng bay. Một lần, hai lần nàng đọc: Côn Sơn ca. Ðọc đến lần thứ ba, nàng không hề ngẩng lên. Những tờ giấy trắng run run trong bàn tay hồng trắng. Tự dưng mắt nàng nhòa lệ.

- Ô kìa, sao nàng khóc? Nguyễn lo lắng hỏi. Sao nàng khóc?

- Thiếp hiểu lòng chàng! Chàng yêu nơi này biết bao. Nào suối nào đá nào thông nào trúc. Thiếp những tưởng chàng an lòng với nơi đây mà lánh xa vòng danh lợi! Thiếp cứ mong chàng như Trương Lưu hầu sau khi phò Hán thì lánh đời lên núi tu tiên. Thiếp cũng mong chàng như Phạm Lãi sau khi diệt Ngô thì cùng nàng Tây Thi rong chơi Ngũ Hồ. Thiếp cứ tưởng một dải non xanh Yên Tử với Lục Ðầu Giang này sẽ là Ngũ Hồ của chàng, còn thiếp thì dù vô hạnh, cũng mong được là một chút gì của Tây Thi để sớm hôm bên chàng. Nhưng nay thì thiếp hiểu, lòng chàng vẫn hướng về Kinh vẫn hướng về nhà Lê. Rồi mai đây, chỉ cần cái vời tay nhẹ của nhà vua, chàng lại ra đi, xông pha cùng gió bụi. Vâng, cuộc đời chàng sẽ không yên ổn. Là phúc hay là họa đây? Bấy lâu nay lòng chàng dằn vặt đắn đo giữa chuyện xuất và xử. Nay thì thiếp hiểu, dù có muôn ngàn chông gai phía trước, dù gặp nguy nan, chàng cũng ra đi vì lòng chàng chưa yên!

- Ta xin, ta xin nàng, đừng khóc nữa! Ta không chịu được nước mắt, mà lại là nước mắt nàng. Nàng đã hiểu ta! Dù biết thế nào là Phạm Lãi thế nào là Văn Chủng thì ta vẫn là ta. Ta phải đi hết con đường của số phận mình. Nhà Lê còn biết bao công việc bộn bề, chúa quá trẻ, chúa sẽ cần ta, dân cũng cần ta. Là trượng phu đội trời đạp đất, làm sao ta có thể vì sự yên ổn của bản thân mà trốn lánh? Nàng biết đấy, vinh hoa ta không màng, phú quý ta không cầu nhưng có những công việc mà không đưa vai gánh vác, ta không còn là ta nữa! Trong những việc như vầy, sinh tử với ta không còn là chuyện phải bàn! Ðiều duy nhất ta lo lắng là việc làm của ta sẽ liên lụy tới nàng.

- Ðừng nói thế, xin chàng đừng nói thế! Lo là thiếp lo cho chàng, còn với thiếp, không có điều gì lớn hơn tình yêu của chàng. Chỉ cần được chàng yêu, thiếp sẽ theo chàng tới cùng trời cuối đất!

Nắng đã nhạt, trong rừng trở nên âm u. Hai nguời xuống núi theo lối mòn ban sáng. Dưới chân núi, một xóm nhỏ bình yên bao bọc bằng cánh đồng lúa xanh thì con gái. Trên bãi cỏ cạnh làng, đám mục đồng chăn trâu thổi sáo. Tiếng sáo véo von vút lên tận tầng mây. Những con sáo đá sáo sậu quen với đàn trâu và đám trẻ bay lên bay xuống lưng trâu kiếm ăn, hót ríu ran không khác chi lũ trẻ vô tư tranh nhau chuyện trò sôi nổi. Trên không, những đám mây nhẹ bay từ phía biển vào. Những cánh diều phất cậy* màu nâu nhạt lửng lơ giữa trời xanh, cùng mây trắng. Từ trên không tiếng sáo diều vang vang tạo thành bản hòa tấu êm đềm. Nguyễn nghe kể rằng, hội chơi diều vùng này rất sành. Hàng năm đều có cuộc thi xem diều ai đẹp, bay cao và tiếng sáo của ai hay nhất. Phần thưởng chỉ là vuông lụa điều. Tuy nhỏ nhưng là vinh dự lớn kèm theo sự may mắn nên ai cũng gắng làm diều cùng sáo tốt nhất. Diều được làm thường xuyên nên mỗi ngày thường có thêm những cánh diều cùng tiếng sáo mới. Các vị đứng đầu hội diều có óc thẩm âm tinh tế nên hàng trăm chiếc diều với hàng trăm bộ sáo mà vẫn giữ được hòa.âm, không bị lạc điệu. Mỗi khi nghe một tiếng(*Cậy: cây thuộc giốngồng, trái nhỏ, nhựa rất chát. Ngày trước thường lấy nhựa từ trái cậy để quét lên diều, chống được mưa hay sương. Cũng dùng cậy bồi bìa và gáy sách rất bền lại không bị mọt ăn. sáo lạ, các vị cùng bình phẩm. Tiếng sáo nào bị chê là lạc điệu, phá cách, chủ nhân cũng đành vui vẻ nghe theo, hủy bỏ để rồi cố làm bộ sáo hay hơn. Im lặng lắng nghe tiếng sáo một lúc lâu, Nguyễn nói:

- Nàng thấy không, ngay trong tiếng sáo này cũng thể hiện mối hài hòa của vũ trụ. Tiếng trúc của mục đồng là nhân sáo, tiếng bầy chim là địa sáo, còn tiếng sáo diều là thiên sáo. Ðấy là âm nhạc của cuộc sống. Chỉ cần nghe ba âm thanh ấy, kẻ trí biết rằng thời trị hay loạn. Nàng hãy nghe, tiếng thiên sáo từ trên trời vọng xuống trong ngần, êm ả. Không bị phá cách, không lạc điệu. Ðấy là sự hài hòa.

Tiếng nhân sáo cất lên cao vút sảng khoái như con người chắp cánh bay lên với ước mơ, với hồn trong sáng. Còn địa sáo tiếng chim khỏe vui của đất tưng bừng dồi dào sự sống. Âm thanh như ta nghe hôm nay là âm thanh của thái bình, của thiên địa nhân giao hòa.



  CHƯƠNG II


1.

 

N ăm Kỷ Mùi Thiệu Bình thứ sáu là năm đặc biệt của vương triều Lê Thái tông. Như thân cây mảnh dẻ sau nhiều năm bị cớm nắng dưới bóng quyền thần, nhà vua đã vươn ra ánh sáng, muốn khẳng định bản lĩnh thiên tử của mình. Ngài quyết định năm sau, Canh Thân sẽ đổi niên hiệu, mở ra khúc ngoặt mới cho Ðại Việt. Chuẩn bị cho cuộc đổi mới ấy, lễ thánh tiết năm nay ngài không dùng tên Kế thiên như mọi năm mà đổi thành Vạn thọ thánh tiết. Ngài muốn rằng ngày đó phải được cử hành thật long trọng. Ngoài thông lệ là các quan vào Ðiện chúc thọ rồi hoàng thượng ban yến cho bá quan, năm nay còn có biểu diễn múa kiếm tại sân rồng, trình diễn múa và dàn nhạc lễ của quan Ðô giám trung thừa. Hai năm trước, sau khi bất đồng với Lương Ðăng trong việc làm nhạc lễ, quan Hành khiển Nguyễn Trãi trả việc nhà vua rồi xin về Côn Sơn trí sĩ. Vào tiết Vu lan năm nay, nhà vua thấy lòng không thanh thản nên đã cho mở cái hòm vàng chứa di ngôn của tiên đế, trong đó ngài đọc được dòng chữ ghi lại lời của vua cha lúc sắp băng. Ðọc những dòng chữ do sử quan ghi, Thái tông bỗng nhớ lại buổi chiều tháng Tám sụt sùi mưa năm ấy. Là đứa trẻ sắp mất cha, nhà vua đã khóc khản cổ bên long sàng, có nghe cha nói nhưng nào biết nói những lời gì! Vì vậy, một thời nhà vua theo bản năng của đứa trẻ được nuông chiều, đã từ chối việc đưa quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi vào cung làm thầy học. Trong giây lát, lòng trắc ẩn rung động, nhà vua cảm thấy hối tiếc và ân hận nên đã xuống chiếu cho Lê Trãi giữ chức cũ, kiêm Trung thư sảnh tri tam quán sự đồng thời cho quản cả việc quân dân hai đạo Ðông Bắc để ông vẫn được ở quê nhà vui cùng sơn thủy. Tiếp chỉ của nhà vua, Lê Trãi hồi kinh bái nhận rồi bắt tay vào công việc, định rằng tới dịp thánh tiết sẽ về triều tạ ân. Vì vậy năm nay ông về Thăng Long sớm. Trong buổi chầu, ông dâng tấu báo cáo tình hình quân dân đạo An Bang cùng biểu tạ ân. Hai bản văn được dâng lên, nhà vua đặt bản cáo trên án trước mặt mình, còn biểu tạ ân, sai quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ đọc. Quan ngự sử vái nhà vua, nhận bài biểu rồi hắng giọng:

"Vinh lộc đại phu Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh tả ty hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ tri tam quán sự đề cử Côn Sơn Tứ phúc tự Á đại trí tự tứ quốc tính Lê Trãi, rất lo rất sợ, cúi đầu rập đầu kính tâu:

Ngày 20 năm nay, kính đội thánh ân, trao cho thần chức kể trên, thần đã bái nhận rồi, nay kính cẩn dâng biểu tạ ân.

Cúi nghĩ: Sáu chục tuổi xuân tàn, chức vụ đã yên phận mọn; chín trùng trời chiếu xuống, móc mưa lại đội ân trên.

Xét mình biết thế là vinh; nghĩ bụng lại càng thêm thẹn.

Thần, tấn thân dòng cũ, chương củ nho hèn.

Chuyên đọc Ðiển Phần, chí những muốn việc cổ nhân đã muốn, để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo.

Ðương quốc gia thảo muội ban đầu; vừa chân chúa phong vân gặp hội.

Cửa viên ruổi ngựa, làm việc lớn mà nửa đời trung nghĩa được tròn; miệng hổ giấu mình, quyết nghị hòa mà hai nước can qua đều nghỉ.

Ðặc ân may được, chính chức dự vào.

Nói tất nghe mà kế tất theo; công đã thành mà danh đã toại.

Chia bảo phù, ban thái ấp, chung ngựa trắng ăn thề; mua ghen ghét, chuốc dèm pha, chợt nhặng xanh nhơ vết.

Mới biết quả hợp thì người khó thích; để cho trong trắng thì bẩn đã dây.

Nếu không được Tiên đế xét rõ đáy lòng, thì hầu khiến tiểu thần ngậm cười dưới đất.

Việc qua đã hẳn, lòng còn thẹn chi.

Kim mã ngọc đường, vật cũ rốt thu lại được; thanh thiên bạch nhật, lòng trung được chút tỏ ra.

Sao vãn cảnh đã xế bóng tang du, mà thanh mộng còn vương nơi kim khuyết?

Tài hèn sức yếu, đầu bạc lòng son.

Nào ngờ lúc hài cốt xin về, lại được mệnh vân tiêu ban xuống.

Kính thấy Hoàng đế bệ hạ, trên đầu sáng rỡ, rộng rãi khôn lường.

Ðế Nghiêu là thánh là thần, biết người rất rõ; đại Thuấn thích nghe thích xét, đãi chúng lấy khoan.

Chọn người hiền không cứ loại nào; dùng người tài xem như mình vậy.

Kén người thì rau phỉ rau phong đều hái; đức tài thì đồ thô đồ méo không quên.

Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi; cho thần như thông qua năm rét, càng dạn tuyết sương.

Quần môn mặc kệ dèm pha; thánh ý cứ bền tín nhiệm.

Khiến cho suy nát trở lại sáng tươi.

Chức giữ Ðông đài, thực việc triều đình rất trọng; việc kiêm Tam quán, ấy điều nho giả cực vinh.

Huống ban quốc tính để rạng tông môn; lại với công thần xếp cùng hàng liệt.

Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng.

Tự nghĩ ngu hèn, sao cho xứng đáng.

Thần gìn giữ bền tiết cũ, mong kịp người xưa.

Bể rộng non cao, chưa báo được quyên ai chút đỉnh;

Trời che đất chở, dám đâu quên ân đức lớn lao!"

Ngự sử Bùi vừa dứt lời, các quan liền tung hô vạn tuế ba lần. Chờ cho mọi người im lặng trở lại, nhà vua nói với Trãi:

- Vào dịp Vu lan, trẫm có việc đọc lại những ý chỉ của Tiên đế, đã tìm thấy lời Người nói trước lúc lâm chung : "Ngày dấy nghiệp, Lê Trãi giúp ta có công lớn. Khi đại định, tuy không dùng được Trãi nhưng ta vẫn biết tài lương đống cùng lòng trung son sắt của ông ta. Lê Trãi như cây gỗ lim giữa rừng Lam Sơn, càng già càng quý, ta dành ông ta để lại cho ngươi làm trụ cột chống đỡ giang sơn nhà Lê. Chớ quên lời ta!" Vâng theo di huấn của Tiên đế, trẫm đã trọng dụng, nâng khanh lên hàng đầu của công thần. Trẫm mong khanh hết lòng vì nước!


Sáng ngày hăm hai tháng Một, quan Thiếu úy thiếu bảo tham tri chính sự Liệt hầu Trịnh Khả dẫn bách quan theo hoàng thượng tới nhà Thái Miếu cáo tiên tổ. Trong tiếng trống tiếng chiêng rộn rã, cờ phấp phới bay, người dân kinh thành ăn mặc thật đẹp nô nức đi xem hội để được từ xa ngắm vua cùng bách quan. Lính vụt roi dẹp đường, tiếp đó xe loan chở nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử đi trước, đi sau là kiệu của các quan. Lọng vàng lọng tía che rợp trời. Nhà Thái Miếu đèn nến sáng trưng. Tại gian chính điện một đỉnh lớn bằng đồng bốc làn khói xanh thơm ngát hương trầm. Những nén nhang cắm trước bài vị của Thái tổ cùng các vị tiền bối nhà Lê khói tỏa nghi ngút. Các quan theo thứ tự quỳ trên nền gạch trải chiếu hoa cạp điều. Nhà vua quỳ trên tấm thảm màu vàng. Ðứng quay mặt vào điện, viên lễ quan trịnh trọng đọc:

". Ðứa con côi là Nguyên Long kính dâng Tiên đế cùng liệt tổ liệt tông tấm lòng tri ân vạn bội. Nay nhân ngày thánh tiết, xin cáo với Tiên đế cùng tổ bối rằng, từ năm thứ nhất đến năm Thiệu Bình thứ sáu, tuy còn phải nương dưới bóng quyền thần, kẻ hiếu tử là Thái tông đã giữ vững giang sơn nhà Lê, mở khoa thi, luyện quân sĩ, chế lễ nhạc điển chương, đất nước đã thái bình thịnh trị. Nay thời cơ vào hội mới, hiếu tử quyết định từ năm sau đổi niên hiệu là Ðại Bảo năm thứ nhất. Kính cáo việc lớn này để Tiên đế cùng liệt tổ liệt tông chứng giám và phù hộ cho trẫm cùng giang sơn nhà Lê."

Bài cáo đọc xong, một hồi chuông trống rung lên, vua cùng bách quan dập đầu lạy bốn lạy. Ðội nhạc cung đình tấu nhạc lễ mừng Thánh tiết.

Từ Thái miếu, vua quan trở về cung, Lỗ bộ ty bày sẵn nghi trượng ở Ðan Trì. Ngự ở Ðiện Hội Anh, vua mặc triều phục áo cổn, mũ miện ra ngồi ngay ngắn trên ngai vàng, bá quan quỳ nghe quan bộ Lễ đọc biểu chúc thọ. Ðọc xong, các quan tung hô vạn tuế. Tiếp đó vị quan của nội cung đọc chiếu của hoàng thượng:

"Tiên đế băng hà, trẫm sớm phải lo việc nước.

Nỗi nhà thì ngặt: một đứa con côi.

Vận nước nặng nề: buổi đầu gầy dựng.

May nhờ hồng phúc tổ tiên;

may nhờ bách quan giúp rập

mà nước thái bình mà dân lạc nghiệp.

Thiệu Bình sáu năm, trẫm dốc lòng hiếu thuận.

Nhưng trẻ thơ sao khỏi lỗi lầm.

Nay niên nguyệt trưởng thành, tới lúc phải chỉnh trang triều chính.

Trẫm quyết định đổi niên hiệu, lấy năm sau Canh Thân làm năm Ðại Bảo nguyên niên.

Kể từ năm nay, lễ thánh thọ gọi là Vạn thọ thánh tiết.

Nhân dịp này trẫm công bố đại xá thiên hạ, thưởng cho những người bảy mươi tuổi trở lên, mỗi người một tư."

Những mâm yến đã bày sẵn. Bọn thái giám đón mời từng người theo thứ tự vào chỗ ngồi. Những bình ngự tửu bọc giấy hồng điều được đem tới từng mâm. Trong tiếng nhạc rộn ràng, mọi người chuyện trò cười nói vui vẻ. Vừa dự tiệc trong Ðiện, các quan vừa xem võ sĩ đấu kiếm giữa sân rồng. Sau múa kiếm là chương trình tấu nhạc.

Về dự Thánh tiết năm nay, quan Hành khiển Nguyễn Trãi vui hơn mọi lần. Từ một hưu quan tưởng như chỉ còn sống quãng ngày tàn, ông bỗng được vua dùng lại, giao cho những công việc hệ trọng ở hai đạo miền Ðông Bắc. Một số công việc ông mới thi hành nhưng kết quả thì đã rõ: bỏ bớt những chính sách ngặt nghèo, hạn chế bọn cường hào và giặc cướp, ổn cố được nhân tâm. Ðấy chính là cái gốc của bản nhạc mà ông trình lên nhà vua hôm dâng biểu tạ ân. Nhìn nhà vua mấy ngày qua, ông thấy như là con người khác, con người chủ động và quyết đoán, không còn như trước đây, là mầm cây cớm nắng dưới bóng bọn Ngân bọn Sát. Nghe những bài chiếu bài cáo, ông hiểu nhà vua đã trưởng thành, muốn vượt khỏi quá khứ, tự khẳng định. Hiểu vậy nhưng thâm tâm Nguyễn Trãi cũng tiếc cho nhà vua tuy thông minh nhưng vì thiếu sự học hành cần thiết mà bị hạn chế nhiều trong công việc. Hai năm trước, khi nhận làm nhạc, ông đã tâu:

"Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn: Ngày nay định ra lễ nhạc chính là phải thời lắm. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng theo chiếu chỉ thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng. Song học vấn sơ sài, nông cạn sợ trong áng thanh luật khó làm cho được hài hòa. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Ðó tức là giữ được cái gốc của nhạc."

Nhà vua đã khen ông. Ông những tưởng, giao ông làm công việc quan trọng này là nhà vua hiểu ý nghĩa công việc và cũng biết, người có thể làm được tốt nhất là ông, tức là hoàng đế nhận chân giá trị của ông. Nhưng sự đời không như ông nghĩ. Ðến khi vào việc, thì thật trớ trêu, nhà vua ghép ông cùng làm với gã hoạn quan Lương Ðăng. Ông không sao hiểu được vì lẽ gì nhà vua lại dùng Lương Ðăng trong việc làm nhạc. Dùng hắn làm kẻ hầu hạ nơi hậu cung thì ông có thể hiểu được và cũng không xét nét với nhà vua, đằng này lại dùng y làm nhạc. Ông hiểu y quá. Y là con một phú ông huyện Tĩnh Gia xứ Thanh Hoa. Phú ông rất mê hát nên trong nhà thường nuôi những gánh hát có tiếng, đàn địch hát xướng thâu đêm suốt sáng. Người con trưởng phú ông lây tính mê hát xướng của cha lại vốn thông minh nên nhanh chóng thuộc nhiều tuồng tích cùng bắt chước đóng những vai tuồng hát khá tài, lại học được thanh luật, thạo một số ngón đàn. Có gánh hát xin Ðăng theo nhưng nghĩ, con nhà con hát không thể tiến thân nên phú ông không chịu. Khi Ðăng tới tuổi trưởng thành thì phú ông mất, gia cảnh trở nên sa sút. Quen hát xướng chơi bời nhàn nhã, Ðăng không chịu được nghề nông vất vả. Lại do thuộc nhiều tuồng tích nên Ðăng thấy chỉ có con đường tiến thân nhanh nhất là làm quan hoạn. Nghĩ vậy, y tự thiến rồi nhờ người mai mối tiến cung. Vốn thương người, nên khi thấy viên quan hoạn trẻ thông minh nhanh nhẹn, có khiếu mua vui, Thái tổ yêu, cho ở gần. Những ngày trận mạc gian nan, có Ðăng bên cạnh, khi kể chuyện, lúc diễn tuồng hát xướng, đàn địch khiến nhà vua thanh thỏa, càng yêu hơn. Nhưng về cuối đời nhìn ra bộ mặt hèn hạ của gã nô tài, chỉ biết làm vui lòng chủ nên nhà vua không tin dùng nữa, đồng thời di chiếu cho con cháu không được lục dụng. Tưởng phen này y hết thời. Nhưng khi Thái tổ qua đời, bằng sự khéo léo miệng lưỡi, y lại được Thái tông thích, dùng làm thủ túc thân tín. Cậy thế chủ nên khi bàn làm lễ nhạc tên hoạn quan vô học ngang ngược lấn át Nguyễn Trãi từng ly từng tý. Tuy ông đã hết sức nhẫn nhịn mong làm tốt việc vua giao nhưng cuối cùng không chịu nổi, đành xin rút khỏi việc. Ðến khi nghe Ðăng dâng kiến nghị về nghi thức các buổi lễ trong triều, ông cùng các ông Nguyễn Truyền, Ðào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Nguyễn Liễu tâu:

- Lễ nhạc là cốt ở người mới đặt ra được. Phải là bậc tài thức như Chu công rồi sau mới không thể chê trách được việc đặt lễ chế nhạc. Nay nhà vua để cho hạng bầy tôi hèn mọn ở trong cung chuyên việc xếp đặt lễ nhạc, như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao? Vả lại việc làm của Ðăng đều là dối vua lừa dưới không căn cứ vào đâu cả. Lương Ðăng là tên bầy tôi hèn mọn ra vào nơi cung cấm, hầu hạ ở bên vua, như vậy chúng tôi trộm lấy làm ngờ lắm!

Nghe vậy Lương Ðăng tâu:

- Thần là kẻ vô học, không biết chế độ thời xưa ra sao. Những việc bây giờ làm đó chỉ là biết thế nào làm thế ấy mà thôi.

Nguyễn Liễu nóng mắt nói:

- Từ xưa đến nay chưa có bao giờ hoạn quan lại tự chuyên làm nát thiên hạ như vậy.

Ðúng lúc đó, hoạn quan Ðinh Thắng từ trong cung đi ra, mắng lớn:

- Hoạn quan làm gì mà nát thiên hạ? Nếu nát thiên hạ thì phải chém đầu mày!

Vậy mà Nguyễn Liễu bị hình quan khép tội chém, may vua hạ chiếu giáng xuống tội thích chữ vào mặt đày đi xa. Ðấy là chuyện của hai năm trước. "Có cô thì chợ cũng đông." Nguyễn Trãi cười mỉm nhớ lại câu ca của dân gian.

Nay ngắm nhìn buổi đại lễ cử theo nghi thức mới với ê hề nào trống nào chiêng nào đàn nào địch gióng lên gõ lên gào lên thét lên trong cung điện, trong nhà Thái miếu, giữa sân rồng. vị lão thần cảm thấy người gai lên vì tủi hổ. Ðấy là cả một sự hỗn độn, cả một sự trái ngược. Buổi lễ với những con người từ nét mặt từ quần áo, dáng đi đều mang vẻ trang nghiêm. Sự trang nghiêm cố ý đến cứng nhắc bị những tiếng chiêng tiếng trống tiếng đàn hỗn độn bỡn cợt tạo nên một cái gì đó bát nháo kệch cỡm đến khôi hài. "Như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao?" Quan Hành khiển nhớ lại những điều ông đã tâu vua hai năm trước!

Bối cảnh trước mắt làm hiển hiện bức tranh đất nước. Nhà Mạt Trần giềng mối hỗn loạn, kỷ cương lỏng lẻo. Nhà Hồ chính sự tàn khốc phiền hà tiếp đó là suốt hai mươi năm loạn lạc chiến tranh, cái công cái xảo là đánh thành chém tướng. Ðại Việt một thời gian dài đứt đoạn về lễ nghi. Những con người thực sự hiểu biết như Trần Nguyên Hãn, như Phạm Văn Xảo thì bị giết vì nghi kỵ. Người hơi hiểu biết như bọn Lê Văn Linh thì hèn hạ xu phụ quyền thần để thỏa túi tham. Người biết thì không được làm còn người nhảy ra làm thì không biết việc! Triều đình nhà Lê như một mớ bung xung mạnh đâu mọc đấy. Trong cảnh hỗn mang như vậy, chó nhảy lên bàn độc! Lương Ðăng làm nhạc định lễ rồi nhạc lễ của Lương Ðăng là đỉnh điểm của sự bát nháo của sự vô học. "Văn hiến nước nhà đang bị lăng mạ!" Nguyễn Trãi nghĩ mà xót xa trong lòng. Quan Hành khiển muốn cười mà không cười nổi, ông nuốt nước mắt vào trong!

Buổi tối, các đại thần được đưa vợ con vào Ngự uyển xem hội hoa đăng. Nguyễn Trãi đưa phu nhân là bà Nguyễn Thị Lộ đi dự hội. Trong vườn Ngự uyển có những con đường lớn rợp bóng cây, mùa hè ban ngày mát rượi. Còn có Ngọc Hồ là cái hồ tròn rộng vài chục mẫu. Ðêm nay trên các cây ven hồ treo những chiếc đèn lồng đủ màu đủ kiểu. Các đại thần, phu nhân, công tử quận chúa tiểu thư khuê các mặc những bộ quần áo đẹp nhất đi dạo chơi ngắm người ngắm cảnh khoe tươi khoe tốt. Bên hồ có những rạp mới dựng lên làm chỗ trình diễn nhạc múa. Cách một quãng lại có một quầy hàng đèn nến sáng trưng bày la liệt hàng hóa quý hiếm do thương nhân từ các đạo mang đến dự hội chợ. Các hàng hóa đều được miễn thuế. Những thứ hàng tốt nhất đẹp nhất còn được thưởng. Thương nhân các đạo đua nhau đem tới phương vật cùng hàng hóa từ Lão Qua, Chân Lạp đưa sang, từ Nam Dương chuyển tới, được bán với giá rẻ. Từ phía bắc hồ, hàng trăm cung nhân cùng tiểu thái giám ăn mặc như tiên đồng ngọc nữ đem những chiếc thuyền nhỏ bằng giấy, có buồm có bánh lái, đốt lên ngọn nến ở giữa thuyền rồi thả trên mặt hồ cho trôi theo chiều gió bấc. Thuyền ai cập bến trước nhất mà vẫn còn sáng đèn sáng nến thì được thưởng. Nguyễn Trãi trong lễ phục, choàng thêm tấm áo kép lên mình, trông dáng người nho nhã. Thị Lộ mặc áo dài nhung đen nền nã. Trong màn đêm, ánh đèn đậm nhạt, sắc đen của nhung làm nổi lên màu trắng của làn da, nét nhân hậu nơi khuôn mặt. Chiếc áo bó sát người khiến cho cơ thể tròn trĩnh của thiếu phụ tỏa ra sức hấp dẫn lạ lùng. Một tài tử tiên phong đạo cốt bước bên cạnh một tuyệt thế giai nhân khiến cho họ dường như nổi lên giữa đám người đông đúc của đêm hội. Họ như từ nơi khác đến mà không phải của thế giới này. Không lòe loẹt diêm dúa mà dịu dàng êm ả, tận cùng của khiêm cung. Nhưng sao từ họ vẫn tỏa ra vẻ sang trọng khiến ai cũng nể vì? Ai cũng thèm được như họ. Không hiểu sao mà không ai bảo ai, người nào gặp họ cũng tự nhiên nhường đường. Nguyễn Trãi khi chào người này khi nói chuyện với người khác. Bà Lộ theo sát bên chồng đáp lại khách bằng tiếng chào nhỏ nhẹ, bằng những cái nghiêng mình duyên dáng. Bờ bắc Hồ Ngọc có một cái đình rộng. Mùa hè mở cửa ra bốn phía, đình thật mát và thoang thoảng hương thơm từ hồ sen gần đấy. Lúc này, khi các cửa bắc, đông, tây đóng lại, ngồi trong đình sưởi ấm nhờ những hỏa lò đặt mỗi góc rồi thưởng thức chè cúc và nhìn ra hồ nơi có hàng trăm chiếc thuyền đèn đua nhau lướt trên sóng thì thật thú vị. Nguyễn Trãi và Thị Lộ sau khi đi đã mỏi chân, vào đình nghỉ. Trong đình thật đông vui. Nguyễn Trãi chào những người quen rồi chọn một chiếc bàn còn trống chỗ. Ngay lập tức, người hầu của nội cung mang đến cho họ khay trà với ấm trà ủ nóng trong cái giành sơn mài bức tranh Bát tiên thưởng trà. Thị Lộ rót nước ra hai chén tống trắng ngần rồi bưng hai tay dâng cho chồng. Một vị lão thần người tầm thước mặt vuông cặp mắt sáng quắc từ chiếc bàn ở dãy phía trong bước tới:

- Chào quan lớn Hành khiển, biết ngài về kinh mà chưa tới thăm được, thất lễ quá!

Nhận ra đó là Bùi Ư Ðài, Nguyễn Trãi vui vẻ đứng dậy đáp lễ:

- Xin chào quan lớn Ngự sử. Tôi về được mấy ngày rồi, lẽ ra phải tới thăm quan lớn nhưng do công việc quá bận, xin lượng thứ!

- Ấy chết, quan lớn dạy quá lời. Vừa ngồi xuống, Bùi Ngự sử vừa nói. Cũng lúc đó quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ người hơi gầy dáng phong sương trong bộ quan phục cũ bước tới, vui vẻ nhập cùng bàn trà với họ. Bà Lộ rót nước ra chén rồi trân trọng đưa cho chồng. Nhận chén nước từ tay vợ, Nguyễn Trãi đưa mời bạn, miệng nói: mừng quan lớn được trở lại chức cũ! Trước đây ông này dâng thư phản đối Lê Sát nên bị cách chức. Khi Sát bị tội, vua cho là người trung thực nên phục chức cũ. Hai người hỏi thăm về tình hình An Bang. Không muốn khoe khoang, Nguyễn Trãi nói xa xôi: "Ðông, Bắc là hai đạo quan yếu. Vậy nên nhà Lý rồi nhà Trần sớm có đối sách với vùng này. Trong đối sách của tiền triều, thấy điều cốt lõi là khoan nới sức dân. Nhà Trần còn đi thêm một bước: vua Nhân tôn gầy dựng miền này thành trung tâm Phật giáo. Ở giữa lòng phật tử, người nghe ngóng động tĩnh giúp triều đình an dân và ứng phó kịp thời khi có biến. Thật là kế sách sâu xa. Ðược thánh thượng giao trọng trách, tôi cứ theo phương lược của người xưa, khoan nới sức dân, mang uy lớn của triều đình phủ dụ các sắc dân thiểu số, ráng sức kiềm chế không cho quan lại địa phương hiếp đáp dân quá đáng. Mặt khác khuyến khích thuyền buôn đến mua bán. Ðánh thuế vừa phải và nhất là không được nhũng nhiễu họ."

Bùi Cầm Hổ nói: - Quan lớn được trở lại công việc là phúc lớn của dân. Bọn chúng tôi cũng vui lây.

- Ða tạ quan lớn, Nguyễn Trãi đáp lời.

- Thánh tiết năm nay là dịp vui mừng, Bùi Ư Ðài tiếp, chứng tỏ hoàng thượng người đã trưởng thành, mở ra vận hội mới cho non sông. Không còn bị quyền thần lấn át, ngài tỏ ra sáng suốt hơn. Việc vời quan lớn Hành khiển trở lại làm việc là một biểu hiện đáng mừng.

- Cũng đáng mừng như việc quan lớn Ngự sử Cầm Hổ được lục dụng. Nhà vua biết nghe lời nói thẳng, biết dùng người nói thẳng là phúc lớn của muôn dân. Nguyễn Trãi nói.

- Nhưng, chư vị thấy không, dường như vẫn còn căng thẳng, Bùi Cầm Hổ hạ giọng, lễ năm nay long trọng, vui nhưng quả thật tôi không kham nổi thứ lễ nhạc hổ lốn này.

Nguyễn Trãi cười:

- Quan lớn bức xúc cũng phải, nhưng làm sao một sớm một chiều đổi thay ngay được. Công việc còn nhiều.

Ðang trò chuyện vui vẻ thì bên ngoài bỗng có tiếng hô:

- Thánh thượng giá lâm!

Mọi người lập tức nhìn ra cửa rồi quỳ xuống khi thấy bóng nhà vua bước vào. Nhà vua trẻ dáng cao lớn mặc hoàng bào thêu rồng lóng lánh ánh kim tuyến. Trên mũ miện viên hồng ngọc tỏa sáng rực. Khoan thai nhà vua bước vào đình.

- Miễn lễ, miễn lễ, các khanh hãy bình thân! Ðừng giữ lễ quá mất vui. Trẫm cũng đi vui hội cùng các khanh thôi mà. Vừa nói nhà vua vừa bước về phía Nguyễn Trãi, nói với mọi người:

- Các khanh ngồi xuống đi. Viên quan hầu theo sau nhà vua nhanh nhẹn mang chiếc ghế tới bên chỗ của quan Bùi Ngự sử. Nhà vua ngồi xong, đưa tay ra hiệu cho mọi người cùng ngồi. Riêng Thị Lộ vẫn đứng nép phía sau Nguyễn Trãi một chút.

- Còn khanh, ngồi đi chứ ?

Nhà vua hình như lần đầu thấy Thị Lộ, nói theo thói quen nhưng rồi bất chợt nhìn sững người đàn bà. Ngài nhìn Nguyễn Trãi, tay chỉ Thị Lộ nói tiếp:

- Ðây là, đây là Thừa chỉ đại học sĩ phu nhân, giai nhân danh tiếng kinh thành phải không?

- Thưa bệ hạ, dân nữ là phu nhân của quan Thừa chỉ ạ. Thị Lộ cúi đầu thưa. Giong nàng thanh như tiếng chuông đồng.

Nhà vua gật gật đầu:

- Trẫm biết, trẫm biết! Miệng nói, mắt nhà vua đắm đuối nhìn Thị Lộ sau đó nhìn sang Nguyễn Trãi:

- Quan Thừa chỉ, khanh có biết rằng khanh có tội lớn không?

Nguyễn Trãi ngơ ngác:

- Thưa bệ hạ!

- Khanh còn chối không có tội sao? Tội của khanh là có được giai nhân trác tuyệt như vầy mà nỡ nhốt kín nàng không cho thiên hạ chiêm ngưỡng! Ðúng vậy, nhà vua trầm ngâm, để đến nỗi mãi tới bây giờ quả nhân mới được thấy! Khanh tưởng tội thế chưa đủ to sao? Nói xong, trước sự ngơ ngác của mọi người, nhà vua vui vẻ cười lớn.

Thấy Thị Lộ vẫn đứng, nhà vua nhìn nàng trìu mến rồi nói:

- Khanh vẫn đứng sao? Trẫm ban cho khanh ngồi. Rồi ta sẽ bênh nàng, sẽ xử tội người nào ức hiếp nàng. Các khanh uống chè? Chè ngon chứ? Nhà vua nhìn ra các quan. Không đợi ai đó trả lời, ngài tiếp, không được, bây giờ phải có rượu! Vẫy viên quan hầu cúi xuống, nhà vua nói gì đó vào tai ông ta. Viên quan hầu bước vội ra cửa. Lát sau đám tiểu công công bước vào mang theo những bình ngự tửu bằng sứ men xanh đặt lên tất cả các bàn. Nhà vua truyền:

- Bây giờ trẫm ban rượu ngự, trong đêm vui như vầy, các khanh cứ uống thỏa sức.

Nguyễn Thị Lộ cầm bình ngự tửu rót vào chén ngọc rồi nâng hai tay dâng vua:

- Dân nữ xin kính chúc bệ hạ vạn thọ vô cương!

Nhận chung rượu, nhà vua như vô tình nắm lấy bàn tay thon thon ấm nóng của nàng. Một linh cảm gợn lên trong người, mặt thiếu phụ dường như ửng hồng thêm mặc dù từ khi vào đây khuôn mặt ấy cũng hồng hào vì sức ấm hỏa lò, sức nóng của chè cúc. Dâng rượu cho vua xong, Thị Lộ lần lượt rót rượu mời các vị khác, sau cùng là chén rượu cho chồng.

- Khanh không uống ư? Nhà vua nhìn Thị Lộ hỏi. Không được, đây là rượu vua ban, là lộc nước, không uống là có lỗi khanh biết không? Hay khanh chê rượu của trẫm không ngon?

- Bệ hạ tha tội! Bệ hạ tha tội! Thị Lộ quỳ xuống khấu đầu, không phải dân nữ chê mà tại dân nữ không quen uống rượu.

- Nàng đứng dậy đi, đứng dậy đi. Nhà vua bước tới thân đưa hai tay nâng nàng dậy. Nàng nói uống không quen, có phải nàng ngượng ngùng vì có trẫm lại có các quan lớn đây không? Trẫm hiểu. Trẫm miễn lễ cho khanh. Bây giờ để trẫm chúc khanh một chung. Nhà vua nâng chén rượu trên bàn nhấm môi rồi đưa lên gần môi Thị Lộ. Không thể từ chối, nàng nhận chén rượu, đưa ống tay áo che miệng uống. Sau chén rượu, bén hơi men, mặt nàng càng hồng.

Nguyễn Trãi vốn không ưa chỗ đông người nên việc đức vua xuất hiện làm ông hết sức bối rối. Ông chỉ biết nhận những chén rượu từ tay vợ và giữ sao cho nét mặt cũng như hành động hòa được với cái vui của mọi người. Vì vậy, trong mâm rượu bữa đó, bà Lộ là người điều khiển. Mọi người ai cũng được uống, được vui, được bà ân cần chăm chút. Nhà vua còn muốn uống nữa nhưng bà khéo léo khuyên người dừng lại về cung để giữ cho niềm vui được trọn vẹn. Ly rượu cuối cùng nhà vua bằng bàn tay run run đưa tới kề miệng nàng.

Về đến nhà, quan Hành khiển thấy thấm mệt nên bà Lộ trải giường cho người đi ngủ sau khi rửa mặt rửa chân tay ngài bằng nước nóng. Nàng tưởng rằng, mệt mỏi sau cuộc vui lại có chút men, đêm nay nàng sẽ ngủ thật ngon. Nhưng rồi nàng biết mình lầm. Có cái gì đó ám ảnh khiến nàng không sao nhắm mắt được. Ðúng là một cái gì đó từ đâu không rõ cứ dõi vào nàng. Mãi sau nàng nhận ra đó là đôi mắt nhà vua. Trong đêm tối, đôi mắt hiện lên như nhìn xoáy vào nàng bạo liệt, khi mơn man trên da thịt nàng, khi van xin khi khêu gợi, khát thèm. Nhà vua đa tình hiếu sắc. Chuyện ấy nàng từng nghe. Nhưng chẳng lẽ với cả mình, người đàn bà hơn gấp đôi chàng về tuổi tác? Không có lý, nàng không tin lại có điều đó trên đời này. Nhưng dù sao thì đêm nay cũng là đêm vui vì ít ra có một chàng trai trẻ nhìn nàng bằng con mắt đắm say.

 

T rở về cung, vua Thái tông nằm vật ra long sàng, để mặc cung nữ thay quần áo, lau người rồi chàng trôi vào giấc mộng.

Buổi chiều mùa đông, đứa bé trai vẫy vùng trong thùng gỗ nước nóng xông hương thơm ngát. Tắm xong, cậu bé được dắt ra khỏi thùng, người dắt cậu ôm cậu trong lòng rồi dùng khăn mềm lau khô người cậu. Vẫn tiếp tục trò tinh nghịch khi tắm, cậu mở mắt nhìn người đàn bà. Cậu sửng sốt gần như cảm thấy rùng mình vì đó là khuôn mặt lần đầu cậu gặp, khuôn mặt trắng hồng đẹp như tiên sa. Trong khi cô tiên mặc áo cho cậu thì bàn tay nghịch ngợm của cậu luồn vào trong cái yếm màu hoa đào, mân mê bầu vú căng cứng rồi cũng bàn tay tội lỗi ấy lật yếm làm lộ ra trái vú trắng hồng. Cô tiên khẽ đẩy tay cậu bé, mũi hơi nhăn lại làm xấu nhưng khuôn mặt bất giác đỏ lựng. Áo quần mặc xong, cậu bé tụt khỏi lòng cô tiên rồi chạy lao đi theo tiếng gọi đâu đó. Suốt bao nhiêu năm từ cái chiều mùa đông ấy, cậu bé đi tìm cô tiên của mình. Có phải mẹ không? Nhiều lần cậu tự hỏi. Trong đầu óc non nớt của cậu chỉ mờ mờ nhớ mẹ mặc quần áo thật đẹp ngồi trên cao giữa khói hương nghi ngút, cậu khóc thét lên đòi đến với người. Rồi từ đó không bao giờ cậu nhìn thấy mẹ nữa. Phải chăng là mẹ hiện về với cậu? Cậu không dám chắc mà chỉ biết rằng khuôn mặt ấy sao gần gũi, sao thân thương? Khuôn mặt ấy cứ ám ảnh cậu suốt trong những tháng năm côi cút đau buồn. Khi lớn lên, cậu biết được rằng, năm ấy cha vây thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên, thần đền Phổ Ðộ báo mộng với cha:

- Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân diệt được giặc Ngô, làm nên nghiệp đế.

Hôm sau cha hỏi những bà vợ của người:

- Có ai chịu đi làm vợ vị thần không? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con của người ấy làm thiên tử!

Trong khi các người khác im lặng, mẹ đã nói:

- Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên việc lớn chớ phụ con thiếp!

Và rồi cậu hiểu, buổi chiều mẹ thật đẹp ngồi giữa hương khói ấy là buổi chiều mẹ ra đi! Khói hương và nước mắt làm cho đứa trẻ mới ba tuổi là cậu không nhìn rõ mặt mẹ. Suốt tuổi thơ cậu đi tìm khuôn mặt ấy. Nhưng không nhớ thì biết tìm làm sao? Cho đến hôm bắt gặp khuôn mặt nàng tiên... Phải chăng đấy là mặt mẹ? Rồi như ánh chớp, khuôn mặt ấy cũng biến mất để cậu khắc khoải đi tìm trong hy vọng trong khổ đau. Không phải các bà phi thường vẫn vuốt ve chiều chuộng cậu. Cũng không phải các cô cung nữ. Tìm mãi không thấy tới lúc cậu cho rằng người đàn bà ấy không có thực mà đó là cô tiên trên giời mang khuôn mặt mẹ một hôm nào đó đến với cậu trong giấc mơ. Không còn cách nào khác, cậu đã tin theo lý giải đó. Nhưng rồi khi bình tâm lại, cậu thấy, khuôn mặt ấy, nhất là bầu vú căng tròn cậu đã mân mê là thực chứ không phải mơ. Thực hay mơ - mơ hay thực cậu không hiểu nữa, nhưng cái giấc mơ ấy là điều khắc khoải khôn nguôi trong cậu, nó làm nên niềm vui nỗi buồn của tuổi thơ cậu, một tuổi thơ không yên tìm kiếm nỗi khát khao vô vọng. Lâu rồi, với năm tháng, giấc mơ ấy như cũng chìm lắng vào thế giới lãng quên. Cậu ít mơ mộng hơn, quyết đoán hơn. Hầu như mọi cái đẹp trên đời cậu đã nếm trải: những khuôn mặt xinh xắn, những bộ ngực trinh nguyên thanh khiết hay ngồn ngộn sức sống. Ngay cả vẻ mặt tiên sa ngày nào cũng mù mờ nhạt nhòa phôi pha trong ký ức cậu. Không hiểu sao chính hôm nay, vào cái ngày sinh lần thứ mười bảy của cậu, cô tiên của tuổi thơ lại hiện về trong dung nhan một con người thật. Như tia chớp lóe lên làm rực sáng mọi vật trong đêm, nàng xuất hiện lập tức đánh thức dậy toàn bộ ký ức đã chìm quên đã phiêu linh trôi dạt của cậu. Ðêm nay, từ ngoài gió rét bước vào trong đình ấm áp, chàng như đang trong đêm tối bỗng tia chớp loé lên soi tỏ mặt nàng. Và nhanh như chớp ký ức tuổi thơ sống dậy nói với chàng rằng cô tiên ngày xưa là có thật. Rằng chàng đã không vô lý đã không uổng công theo một bóng hình ảo. Bao nhiêu năm rồi, điều kỳ lạ là nàng tiên của chàng không hề già đi không hề xấu đi mà vẫn trẻ trung đằm thắm. Chàng nghĩ, nếu như bữa gặp lại hôm nay mà nàng già đi xấu đi thì hẳn là chàng chẳng thể nhận ra nàng và sẽ chẳng còn gì để nói nữa. Giấc mơ ngày xưa sẽ chết và cô tiên cũng tan cùng mây khói. Nhưng không phải vậy, nàng hiện lên trong buổi tối hôm nay thật sinh động thật rực rỡ đến nỗi bên cạnh nàng, bóng dáng cô tiên trong giấc mơ xưa trở nên mờ nhạt. Nàng hơn tuổi ta! Chàng thoáng nghĩ rồi biện luận, tình yêu không nệ tuổi. Ta đã từng nếm trải nhiều thiếu nữ trẻ. Biết đâu ở tuổi nàng sẽ cho ta hương vị khác mà những cô gái trẻ không có được? Sau những suy tư như thế, trong óc nhà vua hiện lên một kế hoạch.

Sáng hôm sau tuy nghỉ chầu nhưng vua dậy sớm, giao cho Bộ Lễ soạn tờ chiếu tấn phong bà Nguyễn Thị Lộ vợ quan Hành khiển Lê Trãi vào cung giữ chức Lễ nghi học sĩ.


Run run cầm tờ chiếu trong tay, Nguyễn Thị Lộ bàng hoàng. Nàng không thể hiểu đó là phúc hay họa. Nguyễn Trãi cũng bối rối, không ngờ cơ sự như vậy. Nhưng dù muốn dù không, mệnh vua bất khả kháng. Lại gần vợ, ông nói:

- Nàng đi đi, đừng để nhà vua đợi!

Biết không còn cách nào khác, Thị Lộ trở vào nhà thay quần áo, trang điểm rồi lên kiệu vào cung. Cúi đầu từ giã chồng, nàng dặn:

- Tướng công yên lòng, thiếp sẽ về sớm!

Ðứng trước cổng phủ, chờ chiếc kiệu son đi khuất, quan Hành khiển lững thững quay vào nhà, lòng phân vân vô định. .*(Bặc thứ 9 trong cung, ở trên các cung tần) Theo sau hoạn quan Ðinh Thắng, Nguyễn Thị Lộ đi qua dãy hành lang dài có những cột sơn son đến cái sân rộng lát gạch hoa. Hồ bán nguyệt thật rộng, trong hồ cạn là hòn giả sơn lớn. Qua sân lại một hành lang rộng đèn nến lung linh. Ðến trước khuôn cửa rộng màu vàng, Ðinh Thắng bảo nàng đứng lại chờ. Viên hoạn quan tướng ngũ đoản, nước da nhợt nhạt khẽ mở cửa bước vào, rồi khép lại sau lưng. Lát sau y bước ra nói: "Phu nhân vào đi, hoàng thượng đang chờ phu nhân trong đó." Thận trọng nàng chậm rãi bước qua ngưỡng cửa. Viên hoạn quan khép cánh cửa vàng son lại phía sau nàng.

Ðúng là nhà vua đang chờ nàng. Người dường như đang đi lại bất an trong gian điện rộng ấm áp, mùi trầm thoang thoảng. Tới gần nhà vua, nàng quỳ xuống thi lễ:

- Dân nữ kính chào bệ hạ. Bệ hạ vạn tuế!

- Trẫm miễn lễ, khanh bình thân!

Nàng đứng lên, nhà vua chỉ cho nàng ngồi chiếc ghế bên cạnh. Người cung nữ bưng ra một khay trà. Rót nước nóng thơm hương sen ra chén đặt trước nhà vua rồi sau đó một chén trước mặt nàng.

- Thiên tử nuôi dân, lấy giáo hóa làm trọng. Nhưng giáo hóa bắt đầu từ đâu? Nhà vua nói như tự nói với mình bằng giọng nghiêm trang sâu lắng thân tình. Bài học đầu tiên trong kinh Thi chẳng phải từ hậu cung của Văn vương mà ra sao? Người ta thường nghĩ giáo dưỡng là chuyện cao xa nhưng suy cho cùng lại chẳng bắt đầu từ cái nôi của đứa trẻ, từ buồng the của bậc nữ lưu mệnh phụ sao? Tiên đế giành nước từ trên lưng ngựa. Trẫm là đứa con mồ côi sớm lo việc nước nên không khỏi có nhiều sơ sót mà điều thiếu sót đầu tiên là ở hậu cung của trẫm. Trẫm không vừa lòng nhưng chưa biết làm thế nào vì thiếu người tài. Từ hôm qua gặp khanh, trẫm nhận ra khanh chính là người tài năng đức độ có thể giúp trẫm việc lớn. Vời khanh vào cung, phong cho chức Lễ nghi học sĩ trẫm muốn khanh giúp trẫm chấn chỉnh nội cung, dạy rèn cung nữ. Người ta thường nói, người mẹ hiền mới có con giỏi. Trẫm muốn rằng, từ hậu cung của trẫm văn đức được thắp lên và tỏa sáng cùng thiên hạ.

Nghe vua nói một cách nghiêm cẩn, Thị Lộ quỳ xuống:

- Muôn tâu thánh thượng, tiếp thánh chỉ dân nữ vô cùng hoảng sợ. Mệnh vua thì phải theo nhưng trong lòng lo lắng bởi ý nghĩ mình có tài cán gì mà được trao trọng trách lớn đến thế? Dân nữ tài hèn đức mỏng trộm nghĩ thánh thượng đã chọn nhầm người. Cúi xin thánh thượng nghĩ lại tha cho, kẻo vì bất tài mà lạm nhận chức cao gây hỏng việc lớn đắc tội với thánh thượng!

Nhà vua cúi xuống nâng nàng dậy:

- Nàng hãy bình thân! Trẫm hiểu đức khiêm cung của nàng. Lo lỡ việc của trẫm cũng là ý tốt sẽ khiến khanh cẩn trọng. Vậy thì theo trẫm, được việc hay không, có làm mới biết! Hôm nay khanh hãy đi xem xét mọi nơi chốn khắp tam cung của trẫm rồi sau đó nói cho trẫm biết suy nghĩ của khanh!

Hoạn quan Ðinh Thắng dẫn vào một cung nữ trung tuổi. Nhà vua bảo người ấy :

- Ngươi hãy đưa quan Lễ nghi học sĩ đi thăm khắp các cung viện và đáp ứng mọi yêu cầu của học sĩ.

Rời khỏi điện Kinh Diên, Nguyễn Thị Lộ biết rằng, nàng như người trên lưng cọp, không còn đường khác. Mệnh vua không thể không nghe còn làm người dạy cung nữ cũng là việc vô cùng bất trắc. Lụa là gấm vóc sung sướng đấy nhưng chỉ sa sẩy một bước chân thì sinh mệnh chẳng được toàn, như bao câu chuyện thâm cung bí sử nàng đã từng nghe. Nàng biết nhà vua có năm người vợ. Bà Lê Nguyên phi là con của Ðại tư đồ Lê Sát, khi Lê Sát bị tội, bà bị phế làm dân thường. Bà Lê Chiêu nghi là con gái của Ðô đốc Lê Ngân, năm Thiệu Bình thứ tư được phong làm Chiêu nghi nhưng sau khi Lê Ngân mắc tội, bà bị dáng làm tư dung. Như vậy, trong cung hiện có ba bà phi mà người được sủng ái nhất là bà phi Dương Thị Bí, mẹ của hoàng tử Nghi Dân. Nghĩ vậy, nàng thấy, trước hết phải tới thỉnh an bà Dương Quý phi, người đàn bà thế lực nhất trong cung.

Ðấy là thiếu phụ trẻ với cặp mắt sắc, vành môi thật mỏng, cằm hơi nhọn. Ðứa trẻ mới làm mẹ này tỏ ra kiêu hãnh thái quá về sắc đẹp và quyền uy của mình. Quyền uy của các bà phi được đo bằng mức độ sủng ái của quân vương. Một trong lý do làm nên lòng sủng ái đó là ông vua con mặc áo vàng trong nôi kia. Nàng quỳ xuống khấu đầu, miệng nói nhỏ:

- Hạ thần là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ thỉnh an Quý phi nương nương!

Bà phi ngừng chơi đùa với đứa con trai, ban cái nhìn hạ cố xuống người đàn bà quỳ dưới chân, véo von nói:

- Ngươi bình thân! Bằng cái liếc mắt, một cung nữ theo lệnh, cầm chiếc đôn đặt ở nơi xa xa cách chỗ ngồi của người đàn bà uy quyền, mời bà Lộ ngồi. Ngươi vào cung bao lâu rồi?

- Dạ, thưa, thần mới vào cung sáng nay. Việc đầu tiên là đến vấn an Quý phi cùng hoàng thái tử.

- Như vậy là nhà ngươi cũng biết lễ đấy! Phải rồi, không thế sao hoàng thượng lại vời vào cung cho làm chức Lễ nghi học sĩ! Làm học sĩ chắc chữ nghĩa phải nhiều lắm nhỉ ?

- Dạ thưa, dân nữ đâu có giỏi giang gì, chỉ vì hai chục năm theo hầu phu quân dân nữ là quan Thừa chỉ Ðại học sĩ Lê Trãi nên cũng học mót được chút ít chữ nghĩa thánh hiền. Dân nữ biết mình tài nông đức mỏng nên từ chối mãi.

- Từ chối ? Vua cho làm quan mà còn từ chối sao? Lạ nhỉ!

- Dạ thưa, làm quan được vinh hoa phú quý ai chẳng muốn nhưng nếu tự biết mình làm không nổi thì sao bằng sớm chối từ để khỏi mang họa về sau có hơn không?

- Ngươi nghĩ cũng phải. Thế nhưng Lễ nghi học sĩ là cái nghề gì vậy?

- Dạ thưa, các triều vua thời nào cũng có quan học sĩ để dạy cung nữ từ đọc sách đến nói năng, đi đứng.

- Ðàn bà cần gì phải đọc sách? Còn đi đứng nói năng ai chả biết mà phải dạy, thật vẽ chuyện!

Nàng im lặng, đưa mắt nhìn bà phi ăn mặc diêm dúa, nói năng kênh kiệu. Nàng lễ phép cáo lui.

Thần phi Nguyễn Thị Anh là người niềm nở. Sau khi nàng thi lễ, bà ân cần hỏi thăm về quê hương bản quán, về cuộc sống ở núi rừng Chí Linh. Bà phi đặc biệt thích thú khi nghe nàng kể về những ngày gian nan theo Tiên đế đi đánh giặc. Nhìn người nữ quan xinh đẹp, ăn mặc nền nã, nói năng lịch lãm, Nguyễn Thị Anh cảm thấy vì nể. Nàng nói:

- Có hiền khanh vào cung, ta mừng lắm. Khi nào rỗi, nhớ đến thăm ta nói chuyện cho vui. Chuyện của khanh nghe thú vị lắm!

Không hiểu sao, nhìn dáng vẻ thân mật rồi nghe giọng nói ngọt ngào của bà phi, Thị Lộ cảm thấy cái gì đó không thật, nó khiến nàng khó chịu. Một tiếng nói mơ hồ nào đó trong linh cảm mách bảo nàng cần phải thận trọng với con người này.

Chỉ khi đến cung Khánh Phương thăm Tiệp dư Ngọc Dao, Thị Lộ mới thấy vui. Vợ chồng nàng với gia đình Ngọc Dao là chỗ thân tình. Họ biết Ngọc Dao từ thuở nàng mới sinh ở Lam Sơn. Trời bắt hiếm muộn nên Thị Lộ rất yêu trẻ. Tới nhà ông Ngô Từ chơi, Thị Lộ nhiều khi bế ẵm tắm táp cho Ngọc Dao. Từ khi Ngọc Dao vào cung, họ ít gặp nhau. Khi thị nữ dẫn vào, theo lễ vua tôi, Thị Lộ quỳ xuống khấu đầu: "Hạ thần là Lễ nghi học sĩ." thì Ngọc Dao đã nhào tới, nâng nàng dậy:

- Phu nhân, ôi phu nhân, sao lại thế này?

Ðặt Thị Lộ ngồi trên cái đôn đối diện, Tiệp dư vồn vã nắm hai tay nàng ríu rít:

- Phu nhân vào cung từ bao giờ vậy?

- Bẩm nương nương, từ sáng nay ạ!

- Phu nhân là Lễ nghi học sĩ? Vậy thì hay quá rồi, từ nay bản cung sẽ được gần phu nhân, mong phu nhân hết lòng dạy dỗ bản cung như từ trước đã chăm sóc Ngọc Dao cùng em Chi Lan vậy. Xin hỏi phu nhân, quan Thừa chỉ có khỏe không, em Chi Lan có ngoan không?

- Bẩm nương nương, phu quân của hạ thần vẫn khỏe, Chi Lan rất ngoan, luôn nhớ đến chị Ngọc Dao. Nhìn bà phi, Thị Lộ hỏi: Nương nương khỏe chứ ạ, đã có tin mừng chưa?

- Ta vẫn khỏe, còn tin mừng, chuyện dài lắm. Phu nhân được vào cung thế này là hay rồi, hôm nào ta kể phu nhân nghe!

Sau khi vấn an các bà phi, người cung nữ tên là Phương Viên dẫn bà Lộ đi thăm các cung nhân.

Buổi chiều trở về cung, Nguyễn Thị Lộ dường như thấy nhà vua đang chờ mình trên con đường lát đá bên bờ hồ sen mà vào dịp này sen đã tàn lá héo vàng xơ xác. Tới gần nhà vua, nàng cúi mình thi lễ. Nhà vua thân mật:

- Khanh đến được những đâu?

- Thưa bệ hạ, thiếp đến vấn an Dương Quý phi, Nguyễn Thần phi cùng Ngô Tiệp dư sau đó tới thăm một số cung nữ.

Nhà vua cười mỉm:

- Khanh thấy hậu cung của trẫm ra sao?

- Thưa, điều bệ hạ hỏi quả khó trả lời bởi thiếp mới tiếp xúc thoáng qua chắc sẽ không có được sự hiểu biết thấu đáo. Mà hiểu không thấu đáo chắc trả lời sẽ nông nổi. Xin bệ hạ miễn thứ!

- Không sao, nàng hãy trả lời thực lòng như nàng nghĩ. Trẫm không mong gì hơn là lời nói thật.

- Vậy thì thiếp xin nói thật. Thiếp thấy hậu cung của bệ hạ có nhiều người đẹp. Dương Quý phi đẹp, Nguyễn Thần phi cũng đẹp. Cung nữ của bệ hạ nhiều người đẹp không khác gì một bầy tiên nữ !

Nhà vua bỗng cười lớn:

- Vậy thôi sao? Khanh không thấy những gì khiếm khuyết nơi họ à? Ðó chính là điều trẫm cần được biết để còn răn dạy họ!

- Tâu bệ hạ, vậy thiếp xin thưa, là những người đẹp được chọn ra từ các làng xóm, họ có nét tươi tắn, hồn nhiên, khỏe mạnh của ruộng đồng. Tuy nhiên họ cũng mang vào cung của bệ hạ những điều thô vụng vốn có. Họ có những năng lực bẩm sinh để làm vợ làm mẹ trong gia đình nông phu hay quan lại nhỏ nhưng lại thiếu bản lĩnh để thành những bậc mệnh phụ làm mẫu nghi thiên hạ, sinh ra và nuôi dạy thiên tử.

Bước nhẹ nhàng bên nàng trên bờ hồ lạnh trong những cơn gió bấc xao xác, nhà vua suy nghĩ rồi ngài gật gật đầu:

- Nàng nói chí lý! Ðấy là một sự thật mà lâu nay trẫm đã cảm thấy một cách mơ hồ. Những cái họ có là thuộc về bản năng. Cái họ thiếu là sự giáo dưỡng. Ðấy là điều tệ hại. Một cái xấu đứng riêng chỉ là một cái xấu nhưng khi nhiều cái xấu dồn lại sẽ thật kinh khủng! Cái thiếu là sự giáo dưỡng. Trẫm hiểu! Có phải ý nàng muốn nói là cả triều đình của trẫm cũng vậy, cũng thiếu sự giáo dưỡng?

- Thưa, thiếp không có ý nói vậy, thiếp chỉ thấy những điều từ các cung nhân!

- Trẫm hiểu, nàng không có ý đó nhưng chính lời nàng cho trẫm hiểu ra ý đó! Nàng biết đấy, nhà Lê đến trẫm mới đời thứ hai. Tiên đế vốn là nông phu, do đánh giặc mà ở ngôi báu, đã bao giờ được học hành tử tế. Cả đến trẫm, trẫm là đứa trẻ mồ côi thiếu sự giáo dưỡng nghiêm khắc của cha nên thuở nhỏ thường ham chơi biếng học. Quả như nàng nói, những phi tần cung nữ của trẫm có thể sinh cho trẫm những đứa con sáng sủa thông minh nhưng chưa đủ làm nên những bậc vua hiền. Rất cần sự giáo dưỡng. Nhà vua sát lại gần, nắm lấy tay Thị Lộ, nàng biết không, nàng cần cho trẫm biết mấy!

Chiều buông sớm, nền trời trĩu nặng mây đen. Ngước nhìn trời, Thị Lộ băn khoăn:

- Thưa bệ hạ, chiều rồi. Thiếp xin phép bệ hạ về nhà kẻo phu quân thiếp mong.

- Nàng không thể ở lại trong cung được sao? Trẫm có biết bao chuyện cần nói với nàng!

- Thưa, thiếp phải về, ngày mai phu quân của thiếp lên đường ra miền Ðông!

- Trẫm hiểu! Nhà vua khẽ nén tiếng thở dài. Nàng là người vợ yêu chồng. Lê Trãi thật hạnh phúc vì có người vợ như nàng. Thôi được, nàng hãy về nhà, ngày mai nhớ vào cung sớm, đừng để trẫm mong! Nhà vua sai lấy kiệu đưa nàng về phủ.

Xuống kiệu trước cổng phủ, Thị Lộ bước vội qua vuông sân rộng, đôi mắt kiếm tìm. Nàng chỉ yên tâm khi nhìn thấy Nguyễn Trãi đang lom khom tưới nước cho gốc cây đào trụi lá trước sân.

- Tướng công! nàng reo lên.

- Nàng về đấy sao! Nguyễn Trãi nói nhỏ như trong hơi thở. Suốt ngày nay ông khắc khoải dấu đi hơi thở ấy. Ông băn khoăn không hiểu tình hình nàng ra sao? Trong thâm tâm, ông biết rằng, làm lễ nghi học sĩ không ai hơn được nàng. Nhà vua đã khéo chọn. Nhưng cung cấm là chốn hiểm nguy với biết bao mưu mô tranh giành. Ông không muốn nàng phải dấn thân vào nơi nguy hiểm ấy. Ông chỉ muốn nàng bên ông trong cuộc sống đạm bạc cùng cây cỏ, cùng muông thú nơi núi rừng Côn Sơn. Suốt ngày nay ông khắc khoải mong chờ. Giờ thì ông yên tâm. Dù sao thì nàng cũng đã về bên ông. Trong bữa cơm, nàng xới cho ông bát cơm gạo dự hương trắng ngần. Trên mâm là đĩa cà muối dòn tan cùng những con cá diếc ràm kho riềng xương mềm vụn và dĩa ngồng cải luộc, bát chiết yêu nước rau dầm cà chua.

- Nhà vua cần gì ở phu nhân ? Ông hỏi.

- Thưa, hoàng thượng muốn thiếp vào cung đảm nhiệm việc dạy dỗ các cung nhân. Thiếp đã cố chối từ nhưng nhà vua không chịu. Thiếp chẳng biết phải làm sao!

- Còn làm sao được nữa. Ý vua đã vậy. Ta nghĩ, nếu không thể chối từ thì nên vui vẻ nhận. Vậy nhà vua đối với phu nhân ra sao?

- Thưa, nhà vua tỏ ra tôn trọng và nghe lời thiếp. Sau khi thiếp vấn an Quý phi, Thần phi, Tiệp dư cùng viếng thăm các cung nhân, hoàng thượng hỏi thiếp nghĩ thế nào về hậu cung của ngài.

- Phu nhân nói sao?

- Thiếp nói rằng hậu cung của bệ hạ nhiều người đẹp nhưng cũng nhiều sự thô vụng do thiếu giáo dưỡng.

Nhìn vợ bằng đôi mắt trìu mến, quan Thừa chỉ hỏi tiếp:

- Vậy hoàng thượng nói sao?

- Nhà vua cũng nhận với thiếp là như vậy. Tướng công biết không, từ lời thiếp nói, hoàng thượng còn suy ra, cả triều đình của ngài cũng thiếu sự giáo dưỡng!

Nguyễn Trãi cười rồi gật gật mái đầu bạc:

- Cuối cùng thì người cũng nhận ra, thật là may cho dân cho nước. Rồi nhìn vào vợ, ông nói: Như vậy ý hoàng thượng muốn chấn chỉnh hậu cung là ý định nghiêm chỉnh. Việc chọn phu nhân cũng là đúng người. Thôi phu nhân đừng chối từ nữa, cố giúp hoàng thượng.

- Thiếp chẳng sợ khó khăn nhưng thiếp chỉ không thể xa được chàng. Suốt ngày hôm nay thiếp cứ tơ tưởng đến chàng, cứ nghĩ đến việc xa chàng mà hoảng. Thiếp ở trong cung, còn chàng một mình một bóng mãi tận chân trời. Thiếp thấy thương chàng mà tội nghiệp cho thiếp quá!

Ðêm hôm đó, lần đầu tiên sau nhiều đêm Nguyễn Trãi vào buồng với vợ. Nghĩ cảnh xa cách sắp tới, Thị Lộ ôm chặt chồng, nước mắt cứ trào ra. Nàng hôn tới tấp lên mặt lên mắt chồng rồi ôm ấp chồng xiết chặt trong vòng tay của mình, cho da thịt chồng vốn nguội lạnh được sưởi ấm bằng nguồn nhiệt lượng nóng bỏng từ nàng. Mạnh bạo hơn, nàng chủ động cởi quần của chồng rồi dứt bỏ yếm của mình cho hai cơ thể ôm ấp quấn quýt nhau. Từ thân xác hồi xuân hừng hực của nàng, hơi ấm của sự sống từng chút một kiên trì truyền sang người đàn ông luống tuổi. Tới một lúc sức sống từ lâu ngủ quên trong ông bừng tỉnh. Ông nhận ra trong mình vẫn còn sự ham muốn. Ông đáp lại sự chờ đón của nàng như một sự đền ơn, như biểu hiện hết mình của tình thương. Và trong sự chờ đợi của nàng, ông vén váy lụa mềm cuộn lên. Như ngọn lửa tưởng tắt lại bùng cháy, ông sung sướng lịm đi trong lòng nàng.

Sáng hôm sau, kiệu từ cung tới phủ đón quan Lễ nghi học sĩ cũng là lúc quan Thừa chỉ lên đường. Ði sau ông là kiệu của nàng đưa tiễn. Chiếc kiệu tía đưa ông ra bến Ðông. Dòng sông Cái mùa này màu xám bạc bồng bềnh sương khoan thai chảy, bỏ lại bên bờ những bãi ngô thân cây màu rơm xơ xác run rẩy trong gió lạnh cùng những vạt cải đơm hoa vàng tươi mong manh. Từ sông vọng lên tiếng gõ mạn thuyền chài trầm đục. Trong quan phục tía phong phanh, quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi đứng lặng ngắm cảnh, mắt ông hướng ra xa vô tận như thu vào muôn trùng non nước. Gió vô tư lay động chòm râu bạc. Bên ông, Thị Lộ trẻ trung trong tấm áo tứ thân màu mỡ gà, chiếc khăn gấm trên đầu và dải thắt lưng hoa lý bay bay.

Bước trên chiếc cầu gỗ cong cong, nàng theo chồng xuống thuyền xem xét lại những đồ dùng, dặn dò gia nhân nhớ chăm sóc ông chu đáo rồi nàng bảo chồng:

- Chàng nhớ giữ sức khỏe. Thiếp sẽ sớm về thăm.

- Nàng ở lại, cẩn trọng giữ gìn. Giọng ông trầm xuống.

Thuyền nhổ neo, nàng còn đứng trên bến hồi lâu nhìn hút theo cánh buồm nâu khuất dần phía chân trời. Hai hàng nước mắt nàng rơi thầm lặng.


- Chúng ta gặp nhau từ lâu lắm rồi, nàng nhớ không?

- Thưa bệ hạ, từ đêm Thánh tiết.

- Không, không phải vậy, từ lâu, lâu lắm rồi. Nhà vua trẻ đăm đắm nhìn nàng. Nàng cúi mặt e lệ. Nhà vua đứng dậy, tay chắp sau lưng bước những bước ngắn theo một vòng tròn mà nàng là tâm điểm. Ta nhớ vào một chiều mùa đông, có một đứa bé được nuông chiều vẫy vùng trong bồn tắm nước nóng hương thơm ngào ngạt. Tắm táp kỳ cọ cho đứa bé là một cô tiên tuyệt vời dịu dàng và xinh đẹp. Ðứa bé nhìn cô tiên như bị hớp hồn. Tắm xong, ôm đứa bé vào lòng, cô tiên lau khô nó bằng chiếc khăn bông mềm. Trong lòng cô tiên, đứa bé ngước nhìn khuôn mặt thần tiên thật gần. Cô tiên đẹp mê hồn. Từ cô tỏa ra mùi hương quyến rũ cũng mê hồn. Ðứa trẻ nghịch ngợm luồn tay vào trong yếm đào, mân mê bộ ngực rồi còn tinh nghịch hơn, nó vạch yếm để lộ ra bầu vú trắng ngần. Mũi cô tiên khẽ nhăn lại làm xấu và cô tiên nhẹ đẩy tay đứa bé. Quần áo mặc xong, đứa bé vô tư chạy vội đi theo tiếng gọi nào đó. Không hiểu sao cô tiên trở nên ám ảnh với đứa trẻ. Suốt tuổi thơ nó là cuộc kiếm tìm. Nó tưởng đó là mẹ ở xa về với nó. Nó cũng nhìn thật kỹ và tìm mùi thơm từ những bà phi những cô cung nữ luôn chiều chuộng bế ẵm nó. Không phải, nó hiểu, không có ai như vậy cả! Cuộc tìm kiếm làm nó mỏi mòn trong sự khắc khoải. Rồi tới lúc nó chợt nghĩ, hay đó chỉ là giấc mơ, cô tiên không có thật? Và rồi nó yên tâm đó là giấc mơ. Nhưng có những lúc, không chịu yên như thế, nó lại nghĩ mùi hương là thật, da thịt ấm nóng là thật, bộ ngực tròn đầy là thật. Và nó không chịu yên. Suốt tuổi thơ, nó đi tìm giấc mơ của mình. Cuộc kiếm tìm khắc khoải đến đau đớn. Khi lớn lên, va chạm với cuộc đời, giấc mơ phai mờ dần chìm vào quên lãng. Nàng biết không, ta là đứa bé tội nghiệp ấy. Suốt tuổi thơ ta tìm kiếm giấc mơ của mình, nàng tiên của mình. Cuộc kiếm tìm vô vọng khiến ta mệt mỏi. Rồi một hôm, đúng vào ngày sinh thứ mười bảy của mình, ta gặp nàng và ngay lúc đó nhận ra giấc mơ xưa... Nàng chính là cô tiên ngày ấy!

- Thưa bệ hạ, người nhầm rồi, chưa bao giờ.

- Ðừng, đừng ngắt lời ta! Ta mà lầm sao? Nàng dối ta sao nổi! Chính là nàng. Ðôi mắt ta nói với ta thế. Trái tim ta nói với ta thế và hơi thở cũng nói với ta như thế. Cô tiên đó chính là nàng. Ta trách mình sao không tìm lại nàng sớm hơn? Nhưng ta lại nghĩ, phải chăng số phận đã nuông chiều ta, cho ta gặp lại nàng vào lúc này, lúc mà cả ta và nàng cùng vào độ chín!

- Thưa bệ hạ, người nhầm rồi, thiếp chưa bao giờ tắm cho bệ hạ.

- Ôi, nàng nỡ cay nghiệt với ta thế sao? Nàng nỡ đùa bỡn với tình cảm chân thành của ta thế sao? Nàng chẳng bao giờ hiểu được tình cảm của ta đâu! Với nàng, đó chỉ là chuyện bình thường, một lần vào cung thăm thú rồi nhân đấy tắm táp cho một ông vua con, một chàng hoàng tử bé tẹo mà chàng hoàng tử tí xíu ấy lại là đứa bé con tinh nghịch đáng ghét. Nhưng với ta, đó là một hạnh phúc, một nỗi nhớ suốt đời. Khuôn mặt nàng tiên, hơi thở nàng tiên hôm đó như là khuôn mặt thân yêu của mẹ ta mà ta đánh mất không bao giờ tìm lại được nữa. Nàng biết không, nàng chính là cuộc sống của ta! Nàng biết không, trước hạnh phúc lớn lao được gặp nàng, ta bỗng sợ! Ta linh cảm thấy một điều gì ghê gớm: Tai họa sẽ đến theo hạnh phúc tròn đầy!

- Tai họa? Thưa bệ hạ!

- Phải, tai họa! Ta đã lường trước tai họa. Nhưng rồi ta hiểu, chẳng tai họa nào lớn bằng tai họa khủng khiếp là ta lại mất nàng lần nữa! Vì vậy ta hiểu chẳng gì có thể chia cắt được ta với nàng!

- Thưa bệ hạ, ngày ấy bệ hạ còn quá trẻ mà bây giờ thiếp lại quá già!

- Quá già? Nhà vua dừng lại, đưa tay nắm lấy bàn tay nàng giá lạnh, ấp vào nơi có trái tim mình. Ta hỏi nàng, trăng có già không? Nàng sẽ trả lời ta là không chứ gì? Thì nàng ơi, nàng cũng vậy, nàng chả bao giờ già cả! Chính lúc này đây là lúc tròn đầy viên mãn nhất của vầng trăng nàng. Còn ta, cũng là lúc ta trưởng thành. Cảm ơn Trời cho ta gặp lại nàng đúng lúc này!

- Thưa bệ hạ, nhưng thiếp yêu Nguyễn Trãi !

- Trẫm không nghi ngờ điều đó. Nàng đã yêu Nguyễn Trãi và vẫn còn yêu. Nếu là nàng, ta cũng yêu Nguyễn Trãi. Ai cưỡng nổi tình yêu với Ức Trai? Ta yêu Ức Trai và ta ghen tị với Nguyễn Trãi. Ghen tỵ với tài trí của người, ghen tỵ với đức độ của người và càng ghen tỵ với tình yêu của người! Hai mươi năm trước, giữa lúc bơ vơ trong cuộc đời, Nguyễn Trãi gặp nàng rồi sau đó nàng cùng người đến Lỗi Giang làm nên một trong những thiên tình sử giầu ý nghĩa nhất của Ðại Việt. Ta hiểu tình yêu của nàng không chỉ gợi hứng cho những thi tứ trác tuyệt của Ức Trai mà chính tình yêu đó góp phần làm nên tâm hồn, làm nên cuộc sống của Nguyễn Trãi. Nhưng lẽ nào trong lòng nàng không có chút gì dành cho ta sao?

- Thưa, thiếp kính trọng bệ hạ!

- Kính trọng! Ta cần gì thứ tình cảm vô bổ ấy? Cái ta cần là tình yêu của nàng!

- Thưa, tất cả tình yêu của thiếp đều là của Nguyễn Trãi. Làm sao thiếp có thể cho bệ hạ cái mà thiếp không có? Hai mươi năm nay, hình ảnh người đàn ông duy nhất trong thiếp là Ức Trai. Với bệ hạ là sự kính trọng đấng quân vương tài trí.

Nhà vua nổi nóng:

- Ðấng quân vương? Nàng giễu cợt ta sao? Nàng chọc tức ta sao? Nàng có biết chọc giận chúa sơn lâm hậu quả sẽ ra sao không?

- Xin thánh thượng tha tội, Thị Lộ quỳ xuống dưới chân nhà vua, xin bệ hạ nguôi giận, thiếp chỉ nói thật lòng! Sự giận dữ của đấng quân vương có thể gây ra giông bão nhưng thiếp chắc là không thể làm nên tình yêu! Như đang cơn mê chợt tỉnh, nhà vua sững lại, ngây người ra. Không nói không rằng ngài lặng lẽ bỏ đi, hình như miệng lẩm bẩm điều gì.


- Có cách nào khanh chấn chỉnh hậu cung của trẫm? Làm mặt giận, nhà vua hỏi Thị Lộ vào một buổi chiều như tình cờ gặp nàng trên hành lang.

- Thưa bệ hạ, mọi sự chấn chỉnh không qua sự học. Muốn thuần nhu, cung nữ phải được học. Có nhiều thứ phải học nhưng để thiết thực nên có học chữ, học nhạc, học múa, học nữ công, học lễ, cũng còn phải tập thể hình cho con người khỏe mạnh. Thần đã phân ra từng nhóm để ai cần gì cho học trước thứ đó. Ban đầu, thần xin bệ hạ cho một số học quan để giúp thần. Sau đó thần sẽ dùng những người học lớp trước dạy lớp sau.

- Ðược, trẫm chuẩn tấu. Vẫn với vẻ mặt giận, nhà vua nói mà không nhìn nàng.

Ðúng là cái hờn giận con trẻ, nàng nghĩ, hờn giận của đứa trẻ được nuông chiều. Tuy chưa bao giờ làm mẹ nhưng thiên tư người mẹ trong nàng mách bảo rằng, đứa trẻ bướng bỉnh này trong khi giận đã không giấu nổi tâm trạng của mình. Là phụ nữ, nàng thật dễ chịu khi cảm thấy mình có một uy lực quy phục cả đến bậc quân vương. Lòng tự ái đàn bà được vuốt ve, nàng cảm thấy trong vòng vây tình ái của ông vua trẻ cũng có cái thú vị! Mà tình ái là gì nhỉ, nàng nghĩ. Tình của mình với Ức Trai có phải là tình yêu? Lần đầu tiên nàng nghĩ về nó với vẻ nghi ngờ. Nàng chẳng biết nữa! Nàng chỉ nhớ đấy là buổi chiều mưa xuân rây rây trên phố phường. Nàng đi sau chiếc xe kéo trên đường giao chiếu cho khách trở về qua chùa Quán Sứ thì nhận ra có người đi theo. Một người nho nhã, ra khỏi chùa, bước đi khoan thai như người đi dạo. Người đó theo nàng về tới cửa hàng chiếu của nàng bên bờ Hồ Tây. Chàng lân la mua chiếu rồi hỏi chuyện, sau đó ứng khẩu đọc bài thơ. Chưa biết chàng là ai, nàng họa lại, trong đó mang chút đáo để của dân kẻ chợ... Lần sau chàng đến, nàng nói về bài thơ của chàng. Nàng biết chàng đã có vợ có con, nàng còn biết chàng là văn nhân nổi danh chốn kinh thành. Chàng đến với nàng như số phận, như nhân duyên tự bao giờ. Rồi nàng theo chàng vào Thanh cùng nghĩa quân, đi suốt những năm kháng chiến. Chàng là thần tượng của nàng, là cuộc sống của nàng. Không biết cuộc sống khác, không biết tình yêu khác nên mối tình của nàng là duy nhất, không nặng xác thịt mà phảng phất hương hoa, đạm, thanh mà sâu sắc. Quen dần với tình cảm, với cách sống của chàng, những ham muốn tự nhiên trong con người nàng cũng dịu lắng đi, không còn là đòi hỏi bức thiết. Nàng chấp nhận tự nhiên như mọi việc bình thường khác trên đời. Nhưng giờ đây, bên chàng trai vương giả đầy đam mê, nàng bỗng thấy sự đời không giản đơn như mình nghĩ. Nàng nhận ra những nhu cầu của thân thể mình vẫn còn đấy, không mai một, nó chỉ ngủ quên đi. Những cái nhìn đắm đuối của chàng trai mười tám khát khao và bạo liệt dường như đánh thức bản năng yên ngủ trong nàng. Và điều đó khiến nàng khắc khoải buồn lo.

- Vì sao nàng buồn? Nhà vua hỏi. Phải chăng trẫm có gì không phải với nàng? Nàng buồn khiến trẫm đau lòng nàng biết không?

- Thưa bệ hạ, thiếp nhớ Nguyễn Trãi. Thiếp ở đây mà chàng mãi nơi góc bể chân trời, vò võ một mình, không ai chăm sóc! Thiếp và chàng chưa bao giờ xa nhau, ngay cả những ngày gối đất nằm sương trong rừng núi Lam Sơn.

- Khanh sợ phu quân không người chăm sóc? Vậy thì trẫm ban cho Lê Trãi một cung nữ để thay khanh hầu hạ ông ta! Khanh thấy sao?

- Ða tạ bệ hạ nhưng thiếp không dám lạm ơn của người!

- Nàng đừng ngại, ta sẽ làm tất cả miễn sao nàng vui!


Dù chưa bằng lòng với Nguyễn Thị Lộ nhưng vua Thái tông sớm nhận ra từ khi nàng vào cung, hậu cung có sự thay đổi. Quả thật nhà vua đôi khi thấy ngán cái cảnh hàng lũ đàn bà suốt ngày ngắm vuốt chưng diện, ngồi lê đôi mách, bài xích ganh ghét nhau rồi hằng đêm phấn son lòe loẹt chờ đón ân sủng từ chàng. Cuộc sống như vậy thật nhàm chán vô vị, nó làm con người tầm thường, ngu độn đi. Từ khi có nàng, chàng nghe trong cung rộn rã tiếng học tam tự, ngũ tự kinh, rồi tiếng hát, tiếng đàn, nhịp phách. Một không khí vui tươi yêu đời chưa bao giờ chàng thấy. Khi trao cho nàng việc dạy cung nhân, chàng hỏi: Nàng làm bằng cách nào? Nàng nói, bệ hạ nghe chuyện Tôn tử luyện quân rồi chứ? Rồi nàng kể, Tôn tử sang Ngô, vua Hạp Lư hỏi: Khanh có thể dạy cung nữ của trẫm đánh giặc được không? Tôn tử bảo được và vua giao cho cầm đội quân một trăm cung nữ. Tôn tử chia họ thành hai đội, lấy hai cung nhân được vua yêu nhất dẫn đầu. Sau khi ra lệnh ai tập không nghiêm sẽ bị chém, Tôn tử bắt đầu cho đám con gái tập quay trước quay sau. Các cung nữ thấy lạ, chẳng ai chịu tập, chỉ bụm miệng cười. Hai người cung nữ đội trưởng ỷ thế được vua yêu cũng tưởng chuyện đùa vì nghĩ rằng vua không bắt tội mình. Tôn tử bắt hai người đội trưởng đem chém, vua Ngô xót người tình đứng ra xin cũng không được. Ngay sau khi hai người đội trưởng bị chém, các cung nữ khác sợ khiếp vía, đội quân con gái nghe lệnh răm rắp. Không có tài như Tôn Trường Khanh nhưng thiếp biết rằng tình cảm sẽ thuyết phục được họ, chỉ mong bệ hạ giúp thiếp. Quả thật, chỉ bằng tình cảm như chị em, mẹ con, bằng những lời khích lệ cùng phần thưởng nhỏ, nàng đã động viên được mọi người.


…....... CÒN TIẾP




VVM.16.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .