Nguyên bản: ХЛЕБ của VARLAM CHALAMOV
trong КОЛЫМСКИЕ РАССКАЗЫ (CÂU CHUYỆN TỪ KOLYMA)
Varlam Tikhonovich Chalamov (tên Nga: Варла́м Ти́хонович Шала́мов) sinh ngày 18 tháng 6 năm 1907 tại Vologda và mất ngày 17 tháng 1 năm 1982 tại Moscou.
Nhà văn, nhà báo và nhà thơ, Varlam Chalamov là một người đã sống sót được sau hơn 17 năm trong Gulag.
Ông đã trải qua phần lớn thời gian bị giam cầm từ năm 1937 đến năm 1951 trong các trại lao động cưỡng bức tại vùng Kolyma ở Sibérie , một phần là vì ông ủng hộ Leon Trotsky và ca ngợi nhà văn chống Liên Xô Ivan Bunin. Năm 1946, trước cái chết, ông trở thành trợ lý y tế trong khi vẫn còn là một tù nhân. Ông giữ công việc này trong suốt thời gian thụ án, sau đó thêm hai năm nữa mặc dù đã được trả tự do, cho đến năm 1953.
Từ năm 1954 đến năm 1978, ông viết một bộ truyện ngắn về những trải nghiệm của chính ông trong các trại Gulag.
Bộ truyện này được sưu tầm lại và xuất bản thành sáu tập, gọi chung bằng tựa đề Kolyma Stories (Kolyma Tales)- Câu Truyện Từ Kolyma.
Bản thảo gốc Câu Truyện Từ Kolyma được đưa sang Mỹ năm 1966 rồi xuất hiện trên tờ New Review trong những năm 1970 và 1976. Phiên bản tiếng Nga chỉ xuất hiện trên bản in vào năm 1978 tại Luân Đôn bởi cơ sở Overseas Publications Interchange Ltd . Năm 1980, John Glad đã xuất bản Kolyma Tales từ các bản dịch của chính ông, trong đó có tuyển tập các câu chuyện. Cuốn sách tiếp theo, Graphite, cung cấp thêm những câu chuyện từ Kolyma Tales.
Колымские рассказы (Kolyma Tales) xuất hiện lần đầu tiên ở Liên Xô vào năm 1989 và được người dân Liên Xô xếp hàng để mua.
Vào năm 2018, phần đầu tiên của ấn bản tiếng Anh hoàn chỉnh . Bộ sách bao gồm ba tập truyện đầu tiên đã được New York Review of Books xuất bản với bản dịch của Donald Rayfield. Ba tập truyện còn lại được xuất bản tiếp vào năm 2020.
Những "Câu Chuyện Từ Kolyma" được coi là kiệt tác của Chalamov và là "biên niên sử cuối cùng" về cuộc sống trong các Gulag.
Toàn bộ Câu Chuyện Từ Kolyma dựa trên hai lĩnh vực: kinh nghiệm cá nhân và lời thuật lại về những câu chuyện đã nghe. Các câu chuyện dựa trên cuộc sống của các tù nhân (chính trị hoặc chuyên nghiệp) trong trại tù và mối quan hệ của họ với chính quyền. Chúng ta tìm thấy lời kể của những tù nhân đã trở nên hoàn toàn thờ ơ, mất trí trong những điều kiện man rợ, giết người và tự tử một cách vô cảm.
Viết về việc bị giam cầm dưới chế độ Staline nhưng Chalamov chỉ đề cập một lần đến Joseph Stalin trong cuốn sách, chỉ một nhận xét ngắn gọn về bức chân dung lớn của Staline treo trong văn phòng của một cơ quan hành chánh. Có thể vì qúa ghê tởm khi nói đến Staline nên Chalamov không muốn đề cập tới tên của kẻ sát nhân này.
Cuốn sách được chia thành năm phần: Truyện kể Kolyma, Bờ trái, Người thợ xẻng bậc thầy, Tiểu luận về thế giới tội phạm và Sự phục sinh của cây thông rụng lá.
Chúng tôi xin được lần lượt giới thiệu cùng qúy độc giả những "Câu Chuyện Từ Kolyma".
TỪ VŨ
♣
M ột ngày thì phần đầu. Một ngày thì phần đuôi.
Trong Gulag ở Kolyma này, việc phân phối những con cá trích là một thời điểm nghiêm trọng khi mọi tù nhân chúng tôi đều náo nức trước niềm vui được liếm láp một tý thịt và nhai chút xương cá.
Cánh cửa hai cánh khổng lồ mở ra và người phân phát thực phẩm bước vào cái lán gỗ trung gian. Ông ta đứng giữa khoảng nắng ban mai thật lớn phản chiếu trên nền tuyết xanh nhạt. Hai nghìn con mắt cùng nhìn chăm chăm vào ông ta từ khắp mọi hướng: từ dưới các gầm giường, từ ngay trước mặt, từ bên cạnh, từ trên cao, từ đỉnh của chiếc giường bốn tầng, nơi những người còn chút sức vịn tay vào một nấc chiếc thang nhỏ cố nhoai mình lên để nhìn .
Hôm nay là ngày phát cá trích, và đằng sau người phân phối cá là một chiếc khay bằng gỗ dán khổng lồ, chiếc khay bị cong lại dưới sức nặng của một núi cá trích đã cắt đôi. Sau chiếc khay thật lớn là người quản giáo đang trực, ông ta mặc một chiếc áo khoác lông cừu ngắn nhưng dầy, toàn một màu trắng, lấp lánh như ánh mặt trời.
Cá trích được phân phát vào buổi sáng: một nửa, cách ngày. Không biết người ta đã tính toán về các chất lượng pro-té-in và ca-lo-ri như thế nào để việc làm đó? Không ai có thể biết, và cũng chẳng một ai quan tâm đến cái chuyện tính toán vẩn vơ này.
Hàng trăm người tù chúng tôi đều thì thầm lặp lại cùng một chữ: những cái đuôi.
Một tên thủ trưởng nào đó đầy khôn khéo, biết tâm lý của các tù nhân nên đã ra lệnh chỉ phân phát cùng lúc phần đầu hoặc phần đuôi con cá trích. Chúng tôi thường hay bàn bạc về giá trị tương ứng của từng loại: có vẻ như phần đuôi chứa nhiều thịt hơn, nhưng phần đầu thì cho nhiều khoái cảm hơn. Quá trình hấp thụ thức ăn trong suốt thời gian để hút mang cá hay gặm nhấm bên trong. Việc ăn cho sạch cá còn lâu mới được mọi người nhất trí vì đám tù chúng tôi cùng thích được ăn cả xương và da cá hơn. Nhưng sự tiếc nuối vì không có phần đầu cá ngày hôm đó chỉ tồn tại trong giây lát rồi biến mất: đó là chuyện thực tế, một thực tế rất rõ rệt. Hơn nữa, chiếc khay thật lớn đang tiến gần hơn, và cùng với khoảnh khắc hồi hộp căng thẳng nhất trong câu tự hỏi: khúc cá sẽ lớn đến mức nào? Bởi lẽ đương nhiên không thể đổi lại được , mà lại càng không thể phản đối được. Mọi thứ đều nằm trong tay vận may hay số rủi, một trong những lá bài trong trò chơi chống lại nạn đói trầm trọng này. Người cắt từng phần cá trích không phải lúc nào cũng hiểu được điều đó - hoặc đơn giản là người đó đã quên - rằng mười gam nhiều hay ít, mười gam được đánh giá bằng mắt ông ta, có thể dẫn đến một thảm kịch, đôi khi đẫm máu. Đối với những giọt nước mắt, thật vô ích khi nói về điều này. Nước mắt là một sự phổ biến thông thường mà tất cả mọi người đều hiểu nên chúng tôi không bao giờ chế giễu những bạn đồng tù phải khóc.
Trong khi người phát cá đến gần, mọi người đều đã có đủ thời gian để nhận ra món ăn mà bàn tay thờ ơ của ông ấy sắp đưa cho. Mọi người cũng đều đã có thời gian để mà thất vọng, để được vui mừng, để chuẩn bị cho một phép nhiệm màu hoặc để đi đến bờ vực của sự tuyệt vọng trong trường hợp anh ta đã sai lầm trong ước tính quá vội vàng của mình. Một số người nhắm mắt lại, không thể kìm chế được xúc động, họ chỉ mở mắt ra đúng lúc người phân phối tình cờ chạm vào tay khi đưa cho họ khẩu phần cá trích.
Vì thế, sau khi nắm lấy phần cá bằng những ngón tay dơ bẩn, sau khi vuốt ve, cảm nhận thật nhanh và cũng nhẹ nhàng để xác định xem anh ta đã nhận được phần béo hay phần khô (trên thực tế, cá trích từ Biển Okhotsk không bao giờ béo và chuyển động này của những ngón tay, vẫn là mong đợi một phép nhiệm màu), sau đó, anh ta không quên liếc nhìn những bàn tay của mấy người bên cạnh anh, những người cũng đang vuốt ve miếng cá của mình và mò dẫm nó, vì sợ nuốt phải cái đuôi nhỏ bé trên tay quá nhanh, qúa vội.
Cá trích, bọn tù nhân chúng tôi không ăn nó mà chúng tôi liếm láp nó. Chúng tôi liếm nó, để rồi cái đuôi dần dần biến mất khỏi mấy ngón tay. Xương còn: sau đó xương được nhai kỹ, nhai ít, xương tan ra rồi cũng biến mất. Liếm láp cá xong, chúng tôi tấn công tới phần bánh mì (buổi sáng, chúng tôi nhận được năm trăm gram bánh mì trong ngày), chúng tôi xé những miếng thật nhỏ cho vào miệng. Mọi người ăn bánh của mình ngay lập tức để không ai bị ăn cắp hoặc cưỡng chiếm nó hơn nữa, chúng tôi lại không thể để dành nó được. Chỉ có điều, không được vội vã ăn, không được ăn chung với nước, không được nhai mà phải hút nó, hút như hút đường, như liếm kẹo. Sau đó, chúng tôi mới có thể uống một cốc "trà": nước âm ấm thật khó chịu đen kịt nấu với vỏ bánh mì cháy thay cho trà.
Chúng tôi đã ăn cá trích và bánh mì, chúng tôi đã uống trà. Ăn xong thì bỗng dưng thân thể chúng tôi phát nóng, chúng tôi chẳng muốn đi đâu cả mà chúng tôi chỉ muốn được đi ngủ. Nhưng, chúng tôi lại phải mặc quần áo, mặc chiếc áo khoác chần bông rách rưới cũng dùng làm chăn đắp, buộc bằng dây đế của chiếc bourki cũng bằng bông chần và rách, chiếc bourki thì dùng làm gối, rồi chúng tôi phải nhanh chân, bởi vì cửa lại mở và đằng sau hàng rào dây thép gai của cái sân là bọn lính canh với những con chó hung tợn đang nghe răng khi nhìn thấy chúng tôi.
Bọn tù chúng tôi đang bị cách ly vì dịch sốt phát ban thế mà họ cũng không để cho chúng tôi được yên thân. Chúng tôi phải ra ngoài làm việc: không cần danh sách, lính canh chỉ cần đếm từng hàng năm người một ở ngoài cổng. Có một cách khác đã được chứng minh để có một công việc tương đối thuận lợi mỗi ngày. Muốn thế, người tù như tôi chỉ cần kiên nhẫn và tự chủ.
Một công việc thuận lợi luôn là một công việc người ta nhận rất ít tù nhân: hai, ba hoặc bốn người tù. Khi người ta lấy hai mươi, ba mươi hay một trăm thì đó là dành cho công việc nặng nhọc, khiêng vắc, đào đất, trong hầu hết các trường hợp. Và, người tù không bao giờ được bọn canh giữ thông báo trước về nơi làm việc - anh ta chỉ biết được điều đó trên đường đi - chính những kẻ biết kiên nhẫn mới là người được trúng số trong cuộc xổ số ghê hồn này. Tù nhân phải biết rời khỏi hàng ngũ của mình, lòn lại phía sau, ẩn núp, rồi chồm tới cho thật đúng lúc khi bọn canh đang thành lập một nhóm nhỏ. Sướng nhất là được ở trong nhóm làm việc lựa chọn rau cải tại một kho hoặc tại xưởng làm bánh mì; nói tóm lại, những nơi mà công việc có dính líu đến thực phẩm, bởi vì vào trường hợp này thì tù nhân sẽ luôn có thức ăn thừa, thức ăn thừa là anh ta có thể ăn được.
**
Chúng tôi được xếp hàng và đưa đi dọc theo con đường lầy lội vào tháng tư. Chân của những người lính hộ tống chúng tôi nhanh nhẹn bước trong vũng nước làm bắn tung tóe. Chúng tôi không được phép cắt đứt hàng ngũ bên các bức tường thành phố: không một ai được đi vòng để tránh các vũng nước. Chân chúng tôi đã ướt sũng, nhưng không một ai để ý đến: chúng tôi không sợ bị cảm lạnh. Cảm lạnh đã xảy ra với chúng tôi hàng nghìn lần trước đây, và bên cạnh đó, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng tôi như bị tắc nghẽn buồng phổi chẳng hạn, bị tắc nghẽn đường phổi sẽ chỉ đưa chúng tôi đến bệnh viện điều mà mọi người chúng tôi đều rất mong muốn. Trong hàng tù đang đi, có tiếng thì thầm ngập ngừng vọng lên: "Chúng mình đang đi đến nhà máy bánh mì, mày nghe chưa, mình đến nhà máy làm bánh mì!"
Có những người biết, những người luôn đoán trước tất cả mọi thứ. Cũng có những người nhìn thấy mặt tốt của sự kiện với tính lạc quan luôn tìm cách dung hòa cuộc sống trong những tình huống dù là xấu xa nhất. Ngược lại, những người khác lại nghĩ rằng mọi thứ đang càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn và họ nghi ngờ bất kỳ sự cải tiến nào, coi đó chỉ là lỗi lầm của số phận. Cách đánh giá khác nhau này ít liên quan đến kinh nghiệm cá nhân mà dường như nó đã được trao cho mỗi người trong chúng ta ngay từ thời thơ ấu và cho suốt cả cuộc đời...
Hy vọng điên rồ nhất của chúng tôi đã trở thành hiện thực: chúng tôi đến trước cổng nhà máy làm bánh mì. Hai mươi người cùng thọc hai tay vào hai ống tay áo cho đỡ lạnh, cùng giậm chân tại chỗ, quay lưng về phía gió thốc qua người. Những tên lính hộ tống tù nhân đã đứng tránh sang một bên và đang phì phào hút thuốc. Một người đàn ông mặc bộ đồng phục màu xanh lam, không đội chapka, đi ra qua một cánh cửa nhỏ cắt ở cổng. Sau khi trao đổi vài lời với người lính hộ tống, ông ta tiến lại gần chúng tôi. Không vội vã, ông ta kiểm tra từng người một bằng một cặp mắt tinh sảo.
Kolyma biến người ta trở thành những nhà tâm lý học, và người kiểm tra chúng tôi cần phải nắm bắt được rất nhiều thứ ngay tức thời khi ông quan sát bọn tù chúng tôi. Ông ta phải chọn trong số hai mươi người rách rưới này để làm việc trong nhà máy làm bánh mì, tại các phân xưởng. Những người được chọn lựa phải khỏe nhất để có thể khiêng những chiếc thùng chứa đầy gạch vỡ còn sót lại sau khi dọn lò. Mà người tù này không phải là kẻ trộm, kẻ lừa đảo, nếu không thì ngày làm việc đó sẽ được dành cho nhiều cuộc gặp gỡ lén lút khác nhau để chuyển những thông điệp bí mật ... mà không phải để làm việc. Chắc hẳn những tù nhân khó có khả năng đạt tới mức để có thể trở thành những kẻ trộm vì họ đang đói. Mất tù nhân được chọn không được có ý định chạy trốn. Điều cần thiết là ... Ông ta phải đọc được tất cả những tiêu chuẩn quan trọng này ngay trên khuôn mặt của hai mươi tù nhân trước mắt ngay tức khắc rồi chọn lựa.
- Này lại đây, người đàn ông không đội mũ chapka nói với tôi. Anh cũng vậy, ông ta nói tiếp với người tù mặt có đầy tàn nhang đứng cạnh tôi. Đây, tôi lấy hai tên này, ông ta quay sang nói với người lính hộ tống.
- Tốt, người lính thờ ơ trả lời.
Những ánh mắt ghen tị dõi theo chúng tôi trong lúc chúng tôi đi.
**
Năm giác quan không bao giờ hoạt động cùng lúc với cường độ tối đa ở con người. Tôi không thể nghe radio khi tôi đang đọc sách. Các dòng chữ bắt đầu nhảy múa trước mắt tôi nếu tôi bắt đầu lắng nghe kỹ chương trình phát thanh, mặc dù tính cách tự động của việc đọc vẫn còn: mắt tôi trượt trên các dòng chữ, và đột nhiên tôi nhận ra rằng mình không nhớ một chữ nào những gì mình vừa đọc. Cũng có trường hợp đang đọc nửa chừng, tôi bắt đầu nghĩ sang chuyện khác: ở đó, cái công tắc bên trong hoạt động, ai cũng biết câu tục ngữ khẳng định: “Khi tôi ăn, tôi câm điếc .” Chúng ta có thể thêm vào đó 3 chữ nữa : “và mù quáng”. Bởi vì, khi một người ăn ngon miệng, thị giác chỉ là một phần phụ của vị giác. Khi tôi cảm thấy một cái gì đó trong một chiếc tủ sâu và nhận thức được định vị trên các đầu ngón tay tôi, tôi không nhìn thấy cũng không nghe thấy gì, mọi thứ đều bị liệng bỏ ra ngoài, cảm giác sờ nắn này vô cùng dữ dội.
Cũng như thế, sau khi bước qua ngưỡng cửa nhà máy làm bánh mì, tôi đứng đó mà không nhìn thấy những khuôn mặt đầy nét nhân hậu và đầy lòng trắc ẩn của những người công nhân (những tù nhân cũ và tù nhân hiện tại đang được làm việc ở đây), không nghe được lời của người đốc công, của người đàn ông không đội mũ chapka mà tôi đã nói. Ông ta cắt nghĩa với chúng tôi, rằng chúng tôi phải mang những đống gạch vỡ đây bỏ ra ngoài đường, rằng chúng tôi không được bén mảng qua các phân xưởng khác, rằng chúng tôi không được ăn cắp, rằng dù sao thì ông ấy cũng sẽ cho chúng tôi ăn bánh mì : Tôi hoàn toàn chẳng nghe được gì . Tôi cũng không cảm nhận được cái hơi ấm của nơi đây, hơi ấm mà cơ thể tôi đã rất thiếu thốn trong suốt mùa đông dài dằng dặc của Kolima.
Tôi hít hà mùi bánh mì, mùi thơm vừa nặng lại vừa nồng của những ổ bánh quyện với mùi dầu cháy và mùi bột chín quấn quyện. Tôi ngấu nghiến nuốt ngửi những mùi này, cái mùi quan trọng nhất trên đời, mỗi buổi sáng, được áp mũi vào cái vỏ khẩu phần trước khi ăn. Bây giờ tôi cảm nhận được nó với tất cả cường độ và sức mạnh mà nó có, và dường như cái mùi này đang xé toạc hai cái lỗ mũi tội nghiệp của tôi.
Người đốc công đã phá vỡ cơn mê hoặc mà tôi đang có :
- Nhìn đủ rồi, ông ta nói. Bây giờ ta phải đến lò đốt .
Chúng tôi đi xuống tầng hầm. Người đồng đội với tôi ngồi sẵn trong buồng đốt đã được quét dọn sạch sẽ, ngay tại bàn của người trông coi lò . Người này mặc một chiếc áo bờ-lu màu xanh lam, tương tự như áo của người đốc công ; anh ta đang hút thuốc bên cạnh lò, và qua khe hở trên cánh cửa bằng gang của lò đốt, tôi có thể nhìn thấy ngọn lửa đang nhảy múa và tỏa rực ở bên trong, ngọn lửa lúc thì đỏ, lúc thì vàng, trong khi những bức tường của nồi hơi rung lên cùng tiếng rù rù chuyển động của ngọn lửa .
Người đốc công đặt một chiếc ấm đun nước và một cái cốc đầy mứt cam lên bàn, rồi ông đặt thêm một ổ bánh mì trắng lên đó.
- Cho chúng nó ăn, người đốc công nói với người giữ lò . Chừng hai mươi phút nữa tôi sẽ quay lại. Chỉ cần ăn càng nhanh càng tốt, không được kéo dài mất thời giờ. Tối nay tôi sẽ cho hai anh thêm bánh mì nữa. Hai anh chỉ cần cắt nó thành nhiều mảnh, nếu không bánh sẽ bị lấy khi các anh trở về trại đó.
Dứt câu, ngườì đốc công bỏ đi .
- Chỉ biết bô bô cái lỗ miệng, thằng khốn nạn, người giữ lò sưởi vừa nói vừa quay đi lật lại ổ bánh mì cầm giữa hai tay. Chưa gì mà nó đã tiếc một ổ bánh mì ba mươi*, đồ bần tiện. Cứ chống mắt mà xem...
Nói xong anh ta sải bước theo gót người đốc công, một lúc sau quay lại, vừa đi vừa chuyền đi chuyền lại trên hai tay anh một ổ bánh mì khác.
- Bánh còn đang nóng, anh nói rồi ném ổ bánh mì trên tay cho anh chàng có tàn nhang. Làm bằng "ba mươi". Bởi vì, hai anh thấy đấy, ông ta muốn thoát nợ nên cho các anh cái bánh mì nửa trắng này. Cho một ít mà.
Dứt câu người coi lò nhanh nhẹn chụp lấy ổ bánh mà người đốc công đã để lại cho hai đứa chúng tôi rồi mở cửa lò và ném nó vào giữa ngọn lửa đang ào ào cháy. Ném xong anh đóng cửa lò rồi quay lại, cười:
- Thế là xong, nói xong anh vui vẻ nhìn chúng tôi .
- Tại sao anh lại làm như vậy? Tôi hỏi. Chúng tôi sẽ lấy đem về.
- Đem về?. Được , không sao, người ta sẽ cho hai anh ổ bánh khác, người coi lò trả lời.
Nhưng cả tôi lẫn anh chàng tàn nhang đều không tài nào bẻ được ổ bánh mì.
- Anh không có dao không? Tôi hỏi người canh lò .
- KHÔNG. Dao để làm gì ?
Không cần nghe tôi trả lời, anh ta cầm ổ bánh mì bằng cả hai tay, rồi dễ dàng, anh bẻ đôi nó. Một làn hơi nóng, thơm tỏa ra từ ổ bánh mì vừa bị bẻ gãy .
Người canh lò thọc một ngón tay vào ruột bánh mì rồi nói :
- Nó làm bánh mì ngon lắm, Fedka làm ngon lắm, hoan hô, người canh lò khen.
Hai chúng tôi không có thời gian để tìm biết Fedka là ai. Chúng tôi bắt đầu ăn, bỏng cả người khi tiếp xúc với bánh mì và nước sôi mà chúng tôi đã trộn với mứt cam. Những dòng mồ hôi nóng hổi bắt đầu chảy xuống cơ thể chúng tôi. Chúng tôi vội vã: người đốc công đã quay lại tìm chúng tôi. Ông ta đã mang theo một cái thùng, kéo nó đến gần đống gạch vỡ, mang theo một cái xẻng và tự ông xúc gạch đổ vào thùng. Chúng tôi bắt đầu phải làm việc nhưng đột nhiên chúng tôi nhận ra rằng cả hai chúng tôi cũng không tài nào có thể khiêng nổi được chiếc thùng đầy gạch vụn này. Đầu chúng tôi quay cuồng, hai chúng tôi loạng choạng cố kéo. Chuyến thứ hai thì chính tôi là người xúc gạch đổ vào thùng. Có kinh nghiệm lần trước nên tôi chỉ súc một nửa thùng.
- Đủ rồi, đủ rồi, mệt qúa rồi, anh chàng có tàn nhang hổn hển nói.
Mặt chàng ta còn tái ngắt hơn cả tôi, hay là chính những vệt tàn nhang của anh đã làm cho anh ta xanh xao.
- Nghỉ một chút đi hai bạn ơi, một người thợ làm bánh mì đi ngang qua chúng tôi với một nụ cười không một chút mỉa mai nói.
Thế là cả hai chúng tôi cùng ngoan ngoãn ngồi bệt xuống. Người đốc công đi ngang qua chúng tôi, nhưng ông ta không nói gì.
Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục công việc, nhưng cứ hai hay ba chuyến lại phải ngồi xuống thở: đống gạch cần phải đem bỏ ra ngoài vẫn không chịu vợi đi.
- Làm một điếu thuốc đi các bạn ạ, người thợ làm bánh lại xuất hiện, nói.
- Hai chúng tôi không ai có thuốc lá cả.
- Thôi, thôi, tôi cho hai anh mỗi người một điếu. Chỉ có điều là hai anh phải đi ra ngoài. Ở đây bị cấm không được hút thuốc. dứt câu, người này đưa cho tôi 2 điếu thuốc màu xám lớn
Tôi chia cho người bạn tù mặt tàn nhang một điếu. Mỗi người đốt điếu thuốc của mình: một thứ xa xỉ đã bị lãng quên từ rất lâu. Tôi hít vài hơi thật chậm rồi cẩn thận dập tắt điếu thuốc bằng hai ngón tay gói nó trong một mảnh giấy để giấu nó vào trong ngực .
- Hay! hay!, người bạn tù mặt tàn nhang nói. - Thế mà tôi không nghĩ ra được điều đó !.
Đến trưa, hai chúng tôi đều thở phào vì đã đến lúc được nghỉ. Tôi dõi mắt quan sát các phòng liền kề lò nướng. Ở khắp mọi nơi họ lôi ra khỏi lò các khuôn đặt trên những tấm vỉ sắt kêu lên rin rít, rồi họ lấy bánh mì vừa nướng còn bốc khói đặt trên các kệ bày bánh, bánh mì thơm phức, bánh mì ở khắp nơi. Một chập sau, mấy chiếc xe được đẩy đến, những ổ bánh mì vừa ra lò được chất lên và mang đi một nơi nào đó, nhưng tất nhiên không phải là nơi hai người tù chúng tôi phải quay trở về vào buổi tối nay vì đấy là những ổ bánh mì ... trắng.
Qua khung cửa sổ rộng không có chấn song, bên ngoài rõ ràng trời đã chạng vạng tối. Một cơn gió lạnh ào vào từ cánh cửa. Người đốc công đã đến.
- Thôi, thôi ngưng đi. Bỏ xẻng vào thùng đi. Không làm đủ rồi... cứ cái điệu này thì cả tuần mới kéo hết đống gạch này ....
Tuy thế hai chúng tôi cũng được cho thêm một ổ bánh mì, chúng tôi lại bẻ nó ra từng mảnh nhưng lần này thì ... nhét vào túi... Nhưng bao nhiêu có thể nhét được vào đầy túi của hai chúng tôi?
- Giấu nó ngay trong lưng quần của anh, anh chàng tàn nhang đề nghị.
***
Hai chúng tôi đi ra ngoài sân, buổi tối vô cùng lạnh lẽo, bữa tiệc đã xong. Chúng tôi được dẫn đi ra bằng cửa sau. Không ai lục soát chúng tôi tại điếm canh lúc về trại vì cả hai chúng tôi không ai có bánh mì cầm trên tay.
Tôi trở về chỗ ngồi, chia sẻ chiếc bánh mì mang về với những người bạn tù hàng xóm rồi nằm xuống và ngủ thiếp đi ngay sau khi bàn chân ướt và cứng sắp đóng đá của tôi vừa được ấm lên.
Suốt đêm trong cơn mơ tôi
thấy những ổ bánh mì dài và khuôn mặt ranh mãnh của người thợ canh lò khi anh ném ổ bánh vào miệng lò lửa.
1956
* Đề cập đến chất lượng của bột mì.
♣ Mời đọc tiểu sử của VARLAM CHALAMOV ♣