Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NGƯỜI CỦA PHẬT



   

  IX-DƯỚI NHỮNG THANH ÂM

 

M ùa thu năm Ất Mùi, một cơn bão lớn đổ vào Hà Yên. Dải đê phía đông và phía tây nam xáp với biển, vốn xung yếu, lập tức bị vỡ. Nước biển như thác đổ, tràn lụt trắng. Sóng chồm lên nuốt chửng những nóc nhà ven đê. Hàng trăm người thiệt mạng cùng bao nhiêu gia cầm gia súc bị cuốn trôi. Những bàn tay chới với, những đầu tóc ngụp lặn biến vào dòng xoáy đục ngầu. Những mảnh vạt giường, những chiếc bài vị, những tấm ván thôi áo quan… lềnh bềnh, mất hút. Những con trâu, những con lợn chết bụng trương phềnh vướng vào ngọn cây. Làng mạc, bờ tre, đồng lúa tan hoang. Cả vùng đảo như một cái nong nước khổng lồ dập dờn trên cửa biển.

Ngôi nhà gỗ năm gian của gia đình ông Lý Tấn ở địa thế cao, nư­ớc chỉ săm sắp bậc thềm. Ông mở cửa nhà cho dân trong xóm sang chạy lụt. Họ ngồi trên các giường phản, trèo cả lên xà ngang, bắc các tấm gỗ nằm qua đêm, chờ nước rút. Vợ chồng con cái nhà Đĩ Lẽ cũng có mặt trong đó. Hắn hổn hển khoe mẽ với mọi người: Kể ra… ngôi nhà này thuộc về Lẽ tôi đây! Bà cụ Chấm cười khẩy: Lấy của người ta đám mâm thau nồi đồng chửa đủ ư? Ngữ như anh mà cũng đòi… Cứt cũng thuộc về nhà anh chắc?

Trận bão gây vỡ đê làm ruộng đất bị nhiễm mặn. Làng quê đắm chìm trong đói và khát. Bộ đội, dân công các nơi dồn về hàn khẩu lại đê. Phải hai năm sau, cày cuốc cật lực, ra sức thau chua rửa mặn cải tạo đất các cánh đồng, nông dân mới gieo cấy được mạ lúa. Sản xuất dần được phục hồi. Nhưng cũng từ đó hàng năm các làng xã Hà Yên chung một ngày giỗ trận.

Những ngày lập Tổ đổi công, nông dân giúp nhau tương trợ làm ăn. Các hộ chung nhau làm ruộng, chung nhau chia “cẳng trâu” để chăn dắt. Cán bộ xã đi họp huyện nghe chuyên gia Trung Quốc về phổ biến, hướng dẫn nấu cám cho lợn bằng... phân trâu, liền hý hửng họp dân làng lại, thao thao bất tuyệt: Bà con yên trí! Phân trâu từ cỏ, từ rơm lúa mà ra. Bụng trâu là “nhà máy chế biến tổng hợp” thức ăn cho lợn! Con chó, con cá ăn phân người còn béo tốt, huống chi con lợn ăn phân trâu là quá lý tưởng cho việc vừa tiết kiệm cám bã, rau xanh vừa sạch chuồng trại!... Người người đem quang gánh, giành sọt ra ngõ ra đường chờ hứng trâu ỉa. Hàng tấn phân trâu được gom lại thành từng đống. Những chảo phân được bắc lên “ba ông đầu rau” to ụ. Kẻ làm người nói xôn xao. Củi lửa cháy phừng phừng. Khói bay mù mịt. Phân trâu trong chảo sôi ùng ục. Đang hăm hở, sốt ruột, bỗng mọi người bịt mũi chạy dạt ra ngoài. Mùi khai khét, ngái khẳm bốc lên hôi thối. Phân trâu nấu chín được múc ra máng trộn với rau khoai băm nhỏ cho lợn ăn. Bầy lợn háu ăn tưởng bở xộc mõm vào. Bất ngờ chúng hẩy đổ luôn cả máng cám! Rồi lại chuyện cắt đuôi, cắt tai lợn, cạo móng trâu cho chóng lớn. Chuyện bón muối, đổ hàng tạ muối xuống ruộng... Lúa bị nhiễm mặn, héo rũ…

Quyền tư hữu ruộng đất của nông dân chỉ tồn tại một thời gian ngắn.  Quyền sở hữu tập thể thay thế quyền tư hữu tư nhân. Ruộng đất dần dần tập trung vào Nhà nước thông qua các Hợp tác xã quản lý. Con đường hợp tác hóa nông nghiệp bắt đầu mở ra chân trời một cuộc cách mạng làm ăn mới. Cũng như các nơi, nông dân làng Lụa đưa ruộng đất, nông cụ vào hợp tác xã để làm ăn tập thể. Ông bà Lý Tấn được hạ thành phần xuống phú nông, rồi trung nông. Ban vận động thành lập hợp tác xã cho người đến các thôn xóm gõ trống, đánh thanh la, phát thanh cả ngày lẫn đêm. Hồi ấy thông tin phát thanh bằng loa sắt, loa cuộn bằng quyển sách hoặc chiếc mo cau. Người ta trèo lên các ngọn cây, lên mái ngói các nhà thờ họ hát hò, hô khẩu hiệu: Cầm vàng còn sợ vàng rơi. Vào HTX đời đời ấm no!  Nông dân sẽ sung sướng như sống ở thiên đường! Nhà nào chưa chịu vào, cho là ngoan cố, ban vận động kéo đến tận ngõ đánh trống, thổi kèn tò te, rúc tù và inh ỏi. Họ còn đem theo cả võng dọa ai không chịu sẽ khiêng ra nhà Ủy ban…

Cuộc vận động xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp diễn ra tưng bừng, sôi động. Làng quê vốn nghèo vẫn nghèo và lạc hậu. Người nông dân cả đời không ra khỏi lũy tre làng. Đàn ông vẫn có nhiều người còn búi tóc củ hành, thắt lưng búi tó, mặc quần lửng gối luồn dải rút hoặc dải bao đầu tượng. Đàn bà mặc váy thâm vá chằng và đụp một mảng lớn đằng sau mông. Họ đứng vạ đường vén xống đái vô tư. Có bà có chị, con cháu may cho tấm áo mới, bẽn lẽn quá phải nhúng bùn rồi đem giặt cho xuống màu mới dám mặc.

Xã được trên phân phối một chiếc đài Orinton của Hung ga ri. Cán bộ xã hàng ngày công tác thay nhau đeo đài bên hông đựng trong chiếc túi dết. Bần Nhọ, một cán bộ thanh niên, kiêm ủy viên văn xã, chữ nghĩa ăn đong, nhưng hiền lành chân chỉ, hay đeo chiếc đài này. Đi dọc đường làng, đến đâu đài nói oang oang đến đấy. Những ngày đầu, trẻ con chạy theo rồng rồng. Đàn bà con gái đứng đằng xa chỉ trỏ. Cái đít anh Bần Nhọ biết nói!

Đợt vận động nông dân đóng thóc nghĩa vụ, đoàn cán bộ xã tới nhà ông cụ Khán Khiêm ở xóm Kiều Thượng, khi vào trong sân rõ ràng thấy cụ ngồi cạnh đống rơm vặn dây chão. Lúc bước lên nhà trên, quay lại, cụ đã biến đâu mất. Đứa cháu đi tìm, mãi mới thấy cụ trốn trong buồng. Khi ra người cụ cứ run cầm cập. Bần Nhọ hỏi: Sao thấy chúng tôi, cụ lại đi hú? Lấy vạt áo lau mồ hôi mặt, mãi lâu ông cụ mới ấp úng: Lão… lão tưởng… tưởng các bác là… là ma. Cái… cái hòm kia là thần là đạo gì… Sao nó lại… lại… biết nói?

-Hóa ra như vậy! Nó là cái đài. Cụ hiểu không? Người ta ở mãi thủ đô, mãi đâu đâu ấy nói vào máy thu thanh. Cái đài thu lời người ta… Vậy là nó nói được… Đặt chiếc đài lên bàn, Bần Nhọ vặn to đột ngột. Cụ Khán Khiêm lại giật bắn mình, ngã chổng về đằng sau. Bần Nhọ vội đỡ cụ dậy, giảng giải hồi lâu. Chốc sau ông cụ mới dám đến gần chiếc đài, mó một cái, rồi rụt tay lại, làm ai cũng buồn cười. Ông cụ còn áp tai nghe, nhìn đằng sau chiếc đài, rồi nhòm xuống gầm bàn xem có ai nấp ở đó nói ra không:

-Cái… cái mồm thật của các bác còn… còn khó tin! Sao lại tin cái… cái mồm sắt? Mọi người lại lăn ra cười rũ rượi.


Ruộng đất, trâu cày, nông cụ đưa vào hợp tác xã sản xuất tập thể. Nông dân thành xã viên làm công ăn điểm, cuối vụ chia thóc. Ông bà Lý Tấn cũng thành lớp xã viên đầu tiên của HTX nông nghiệp Lụa Vân. Số ruộng còn lại sau cải cách ruộng đất trên các cánh đồng Hậu Hương, Láng Nứa, Đượng Tre, Bát Cơm… đều đưa vào HTX. Lý Tấn tắm cho con trâu đực mộng, rửa sạch hai bộ cày, hai cái bừa cho bà Hai mang ra sân kho nhập cho ban quản trị. Ông gõ gõ vào trán con trâu: Từ nay mày được cộng vào tài sản của làng nước. Khi nào đến luyến thì bà ấy nhà ta với mày mới gặp nhau kéo cày con nhá! Con trâu giương mắt lơ ngơ nhìn ông, bỏm bẻm nhai lưỡi...

Sau đó ít năm, con trâu được giao lại nhà ông nuôi. Lúc này nó đã què lê kéo dệt hai chân trước do cày bừa quá sức và bị mất chăm. Đón trâu về, cu Tầm mừng lắm. Cậu chăn dắt rất chu đáo. Chiều nào trâu cũng được ăn những gánh cỏ non tươi. Mùa đông, bà Hai nấu cháo loãng, pha muối cho trâu uống. Bà còn khâu chiếc áo ghép bằng mo cau, khoác lên mình nó để chống rét...

Con trâu là đầu cơ nghiệp. Trẻ chăn trâu được ưu tiên một ngày tết riêng gọi là tết Mồng Năm. Tết Mồng Năm chính là tết Đoan Ngọ, nhưng ở quê nó được dành đặc biệt cho trẻ chăn trâu. Làng nào cũng có một cái đượng Mồng Năm coi như một sân chơi của mục đồng. Ngày đó bọn trẻ ra gò đượng Mồng Năm ngoài cánh đồng tham gia hội rước Cờ lau, cúng Ông Trâu. Ông Lý Tấn thường kể chuyện vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân. Thuở xưa ấy, Đinh Bộ Lĩnh là một cậu bé mồ côi, phải đi ở chăn trâu cho chú thím. Cậu bé được bọn trẻ con trong làng công kênh làm tướng trẻ trâu, thường kéo chúng đi tập trận cờ lau. Trong lúc hứng chí, cậu đã liều giết một con trâu để khao quân. Trời tối, cậu đem đuôi trâu còn sót lại cắm xuống ruộng, xong hớt hải chạy về gọi chú: “Chú ơi! Trâu chui xuống đất mất rồi!”...

Có lẽ xuất xứ từ câu chuyện dã sử này mà ở đây cứ đến dịp mồng Năm tháng Năm âm lịch là trẻ chăn trâu được người lớn dành cho một ngày diễn trò đánh trận cờ lau. Đánh trận là phải có lương ăn. Để có đồ cúng lễ và khao quân, bọn trẻ được quyền đứng chặn đường “ăn cướp” bằng cách đón người đi chợ lấy của họ mỗi thứ một ít, chủ yếu là hoa quả, bánh trái. Người lớn cũng biết vậy mà tự nguyện để chúng tự do. Có người thấy chúng vào vườn bẻ trộm quả mít, hái quả muỗm, chỉ bảo: Quả chín thì vặt, đừng vặt quả xanh! Những đồ lấy được, bọn trẻ tụ họp lại xì xụp nấu nướng, làm những mâm lễ, nghinh một cái đầu trâu nặn bằng đất sét rước từ đầu làng ra đồng. Đám rước đến đâu, người lớn lại chạy theo cho thêm các thứ hoa quả, cả thịt, cả cá đến đó. Có thôn biếu hẳn một cái đầu trâu còn tươi nguyên, hai sừng vênh cong ngạo nghễ. Đám rước lên đượng Mồng Năm thì dừng lại bày cỗ. Các thứ bày trên lá chuối, lá sen, lá khoai nước để vào cuộc cúng lễ. Tiệc khao quân diễn ra tưng bừng trên cánh đồng, chiều tối mới lùa trâu về chuồng. Đứa nào cũng hoan hỷ y như thắng trận trở về.

Cuối năm tổng kết các HTX thường tổ chức họp trẻ chăn trâu ngoài sân kho, phát cho mỗi đứa một chiếc nón mới, một đùm cơm xôi làm phần thưởng động viên chăm sóc trâu hợp tác béo tốt hơn để tăng cường sức kéo. Nhận những chiếc nón mới chằm bằng lá thô vàng khè, bọn trẻ vui thích vô cùng.

Nhà Lý Tấn được phát những quyển sổ nhỏ. Quyển để ghi theo dõi ngày công, ghi số lượng thóc được chia gọi là “sổ Lao động”.

Quyển ghi nghĩa vụ chăn nuôi gọi là “sổ Chăn nuôi”, quyển ghi mua bán thực phẩm gọi là “sổ Mua bán”. Đi làm công việc gì cũng nhận một mảnh giấy “biên lai” của đội trưởng nghiệm thu với số điểm ứng theo. Ai vô ý đánh mất tờ giấy này coi như công cốc, không được tính công lao động lấy thóc. Ngoài ra, còn có thẻ tín dụng, phiếu mua vải, sổ mua “rượu ty” của nhà nước phân phối… Chăn nuôi lợn gà, được con nào cũng cân cho đủ nghĩa vụ đã giao, thừa mới được trích để lại ăn hoặc bán với giá cao hơn. Ngày giỗ kỵ, muốn có cân thịt lợn cúng gia tiên, người ta thường tìm kế “mổ chui” bằng cách đút đầu con lợn vào bao tro bếp cho nó sặc, chết ngạt, mới đâm tiết để không phát ra tiếng kêu. Cán bộ “xâu xiên” rất thính tai; tiếng lợn kêu ở đâu lọt ra ngoài, họ đã xuất hiện, lập biên bản tịch thu tang vật và ngay lập tức Ủy ban đem chủ nhà ra kiểm điểm, phạt tiền hoặc phạt quy bằng thóc.

Nhưng phải nói rằng thuở ban đầu làm ăn tập thể ấy có cái thế mạnh của nó. Không khí làng quê thật nhộn nhịp. Sức mạnh tập thể của sức người như nước, niềm tin trong sáng, hồn nhiên, ít màng lợi nhuận, làm gì cũng thoắt cái đã xong. Tư tưởng nông dân thuần khiết như ngọn lúa sớm ngày háo hức ánh ban mai. Lòng người phơi phới như cánh diều muốn bay lên. Ngày ngày từng đoàn xã viên kéo nhau ra đồng làm tập thể trong không gian trên bờ cờ đỏ sao vàng phất phới; dưới ruộng, kẻ cày người cuốc, con trâu đi trước cái cày theo sau chạy phăng phăng. Đêm trăng thanh niên trai gái đi tát nước, gánh nước lên ruộng, hát “trống quân”, hò lơ hò lờ đến tận khuya. Mùa đắp đê biển, đào mương làm thủy lợi, dân công các làng xã đốt đèn măng sông xẻ mai vác đất, thi nhau “hò biển”, “hò sông nước” cả đêm theo con nước thủy triều. Mùa gieo cấy, trên các thửa ruộng, tiếng hát đúm ngân nga đối đáp lẫn nhau. Mùa gặt hái, đường làng, sân kho bề bộn lúa rơm. Nhịp đập lúa thậm thịch. Tiếng quạt thóc rào rào. Thiếu niên nhi đồng tụ tập trên các sân nhà nhảy dây, múa sạp, hát bài ca hòa bình văng vẳng, ngân xa. Bức tranh nông thôn được vẽ trên nền đồng quê tràn trề màu sắc.

Vào HTX, nhà Lý Tấn vẫn lâm cảnh khó khăn. Gạo lo từng bữa. Vải không đủ mặc. Bà Hai lấy những chiếc bao tải dùng dây gai khâu lại thành chiếc chăn đắp. Để các con có giấy đi học, ông phải lấy giấy học cũ ngâm nước vo gạo cho sạch chữ rồi đem phơi khô, vuốt phẳng phiu mới viết được bài mới. Đêm văn nghệ của trường cấp I, thằng Tầm cũng được cùng lớp múa hát trong tiết mục nhảy sạp. Mừng lắm. Nhưng trang phục chỉ toàn quần áo vá chằng vá đụp. Thấy con kêu không có quần mới, ông bèn mở hòm lục tìm chiếc quần kaki màu ghi trắng giữ được từ hồi nào nhưng còn nguyên nếp gấp sực nức mùi long não, đưa cho vợ: U nó chịu khó đem cắt sửa, khâu ngắn lại cho con nó mặc. Cốt sao lành lặn là được! Bà Hai ngồi cắt sửa suốt nửa buổi mới xong. Được quần thì lại không có thắt lưng. Bà lấy chiếc dải rút cũ thắt tạm. Ông ngắm con trai, gật gù: Được! Được! Trông cũng oách ra phết! Tối hôm ấy, Tầm bước ra sân khấu với chiếc quần ka ki rộng thùng thình vô tư hát ca nhảy múa cùng các bạn. Đang vui, giữa chừng nghe đánh “phựt”. Dải rút bị đứt. Chiếc quần bỗng tụt xuống. Tầm vội vàng xốc lên, túm lấy, mặt đỏ phừng phừng vì xấu hổ, bỏ chạy vào trong. Xung quanh được mẻ cười vỡ bụng.


Chiều mồng 5-8-1964. Làng quê đang thanh bình trong không gian đầu thu, bỗng rung chuyển bởi tíếng súng đạn chát chúa, tiếng máy bay ì ầm, rít réo phía đông, ngoài vịnh Hạ Long vang động tới. Đế quốc Mỹ bắn phá Hòn Gai, mở màn cuộc tấn công phá hoại miền Bắc! Chiến tranh chống Mỹ nổ ra. Thanh niên ba sẵn sàng. Phụ nữ ba đảm đang. Mỗi người làm việc bằng hai. Hạt gạo chia ba. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!

Mùa hạ năm 1967, lần đầu tiên vùng làng đảo Hà Yên bị máy bay Mỹ bắn phá. Vào một buổi trưa tháng tư, dân công các xã đang đắp tuyến đê đến đoạn bến đò Chiêm. Chiều hôm trước nhóm Thông tin cổ động của Phòng Văn hóa huyện và Ban Văn hóa xã Lụa Vân, trong đó có Tầm, đang vẽ bức tranh cổ động trên tấm bảng tin lớn ngay đầu đường lên đê của bến đò. Vì thiếu bột màu, bức tranh tạm để dở dang hình họa chưa tô hết các mảng màu và chưa đề các dòng chữ. Anh em nghỉ và thu gọn đám hộp màu, bút vẽ lại, định bụng sáng hôm sau lên vẽ tiếp. Thì đến trưa bất ngờ máy bay Mỹ từ biển vào oanh tạc xuống Bến đò và công trường. Nhiều người đang vác đất bị chết và bị thương. Chị Sậy lái đò bị trúng bom, chết tại sạp đò. Cô cháu dâu họ ông Lý Tấn bị mảnh bom phạt cụt tay phải. Bảng tin vẽ bức tranh cổ động anh công nhân cầm búa giơ tay, chị nông dân cầm liềm ôm bó lúa, anh bộ đội bồng súng cùng người đeo kính trắng đằng sau trên con đường thẳng vút tới khu nhà máy vươn hai cái ống khói đang tỏa khói lên trời… bị sập đổ tan tành! Đội Thông tin cổ động hú vía… Bà Hai ra sân thắp hương khấn vái. May mà con trai thoát nạn…

Không khí chiến tranh ngày càng bao trùm căng thẳng. Dân quân tay cày tay súng. Dọc đường làng và lối ngõ trong các thôn xóm nơi nào cũng đào hố “tăng xê” và giao thông hào. Người lớn ra đồng, trẻ con đi học đội mũ rơm trên đầu, đeo mộc rơm sau lưng để phòng tránh mảnh đạn, mảnh bom bi. Không ai được mặc áo trắng ra đường. Ban đêm không được đốt đèn. Hầm kèo chữ A đào ngầm trong nền nhà, dưới bụi tre. Ông Lý Tấn đào hẳn nền đất gian giữa làm một chiếc hầm kèo chữ A buộc lợp bằng tre, gỗ rất công phu. Rồi ông khiêng bộ sập gỗ nghiến kê lên căn hầm. Căn hầm dưới đất này đã che chở bọn trẻ mỗi lần kẻng báo động bất ngờ vang lên.

Trận máy bay B52 Mỹ oanh tạc Hải Phòng-Hà Nội tháng 12-1972, con gái lớn Minh Tầm ra đời mới đầy tháng. Cảng Hải Phòng bên kia sông Vân Cừ bị ném bom, khói lửa cháy sáng rừng rực một khoảng trời. Làng xóm bên này nằm ngay dưới đường bay của giặc, rung chuyển như động đất. Tiếng máy bay gầm rú điên dại như hàng trăm chiếc cối xay thóc quay ầm ầm. Những tràng bom xé không gian nổ đinh tai nhức óc. Mảnh bom văng vèo vèo, va choang choang xuống mái ngói, cổng ngõ, sân gạch. Đê Cống Môn làng Đông An và xóm Bãi Gai bị ăn bom. Nhiều người dân vô tội thiệt mạng…

Mỗi lần cho con cháu xuống hầm trú ẩn, ông Lý Tấn lại ngồi phía trên canh chừng, như một pho tượng: Các con lấy bông bịt tai cháu lại, khỏi bị điếc. Bom dội thế này người lớn cũng không chịu nổi! 

Chiến tranh ác liệt, căng thẳng đến nỗi, sau vụ máy bay Mỹ đột kích đổ bộ biệt kích xuống Hà Tây cứu phi công Mỹ bị ta giam giữ, trong làng có một cán bộ đảng viên dao động tư tưởng, lo sợ quá, đã bí mật cuộn cờ đỏ sao vàng và tháo ảnh các lãnh tụ đang treo trên tường xuống đem giấu. Trưởng thôn Lê Văn Kiết đem chuyện đến nhà Lý Tấn thì thầm. Lý Tấn xua tay:

-Làm gì có chuyện đó! Bác đừng gắp lửa bỏ tay người! Đừng nhìn gà hóa cuốc. Làng nước biết chuyện, khổ người ta. Nhân đây tôi kể bác nghe một chuyện về thầy Khổng Tử. Năm ấy đói kém. Một bữa, Khổng Tử phân công một học trò nấu cơm. Ông trên nhà dạy học, vô tình nhìn xuống bếp thấy cậu học trò xúc nấy xúc để những muôi cơm ăn, rồi nhanh nhảu lau sạch miệng. Đến bữa ăn, nhìn khắp lượt học trò, ông bảo: Lúc nãy lớp ta có một trò ăn vụng cơm. Cũng là do đói quá mà liều. Ta sẽ nhịn để nhường cơm cho con... Nghe vậy, trò kia đứng dậy lễ phép: Dạ thưa thầy! Lúc con mở vung xới cơm có cơn gió mạnh thổi vào cửa bếp, một mảng bồ hóng rơi xuống nồi cơm. Nhớ lời thầy dạy, con nghĩ đây là ngọc thực, lại đang cơ thầy trò ta thiếu gạo, con không dám vứt đi, nên đã ăn vào bụng ạ! Coi như con đã ăn rồi. Vậy xin phép thầy, con được nhịn bữa cơm này!... Không Tử giật nẩy mình: Thì ra ta đã hồ đồ… Lê Văn Kiết ký cốc thề: Không! Đây thực mà! Sai cháu chết bỏ vợ bỏ con! Không tin, cụ cứ ra tận nhà ông ta mà xem! Mọi ngày cờ ảnh với giấy khen dán la liệt trên tường. Giờ không thấy nữa… -Hà cớ gì tôi phải làm vậy? Lý Tấn ngậm ngùi đọc: Gia bần tri hiếu tử. Quốc lọan thức trung thần!  Nhà nghèo mới hiểu lòng con cái. Nước lâm nguy mới biết bụng kẻ gian người thẳng. Còn bình thường thì ai cũng nói hay! Sao lại có thứ người bạc nhược thế? Thì ra… Nếu lòng yêu nước mà cân lên được, trên đời này chưa ai đã hơn ai!…


Đêm đêm, xóm quê không một ánh đèn lọt ra ngoài. Chốc chốc lại có bầy máy bay phản lực Mỹ rẹt qua. Súng trên các mỏm đồi bên kia sông nổ tới tấp từng loạt. Tiếng bom, tiếng tên lửa bùng lên. Thỉnh thoảng trên cao bật ra những chùm pháo sáng. Những chiếc máy bay địch bị bắn cháy, lao phùng phùng như bó đuốc ra phía biển, phía cửa sông Vân Cừ. Tiếng hô reo mừng lại âm âm khắp xóm làng. Có cả thùng dầu phụ, đít tên lửa rơi xuống mặt đất. Một buổi trưa, đít tên lửa rơi xuống ngõ nhà anh cu Ngác kế toán đội sản xuất, khiến Ngác chết tại chỗ, trong tay còn cầm quyển sổ chiều sẽ đi chia thóc cho xã viên…

Lúc đó học sinh trường học cấp I học sơ tán ở các nhà thờ họ, quán xóm. Trường học làm nơi liên lạc và trực kẻng báo động máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời. Hễ phát hiện tiếng máy bay Mỹ vù vù ngoài xa là tiếng kẻng cùng tiếng loa vang lên dồn dập báo động cho mọi người tìm nơi trú ẩn và dân quân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đêm mùa hạ, vòm trời đầy sao. Bí thư đảng ủy Lê Tịnh vào tận nhà ông Lý Tấn gọi Tầm. Tầm đang học bài chuẩn bị thi hết cấp ba. Lê Tịnh bảo Lý Tấn: Xin ông cho cậu Tầm ra trạm xá cùng các chú thông tin khiêng một ca khó đẻ sang bệnh viện huyện sơ tán bên Cát An. Thanh niên cần phải đi đầu gương mẫu!

-Phải rồi! Tầm đâu, đi giúp các chú mau… Việc sinh đẻ cũng như cứu cháy, phải cứu người ta ngay, không để chậm trễ…

Tầm vội gấp sách, theo chú Lê Tịnh. Ra Trạm xá, đã thấy chiếc võng và đòn khiêng để sẵn cùng anh Quỳ, anh Thạo trong Ban Thông tin văn hóa xã đứng đợi. Một bà sản phụ đang ôm bụng nhăn nhó. Bà là dân làng Thị Khê cách đây hơn chục km, do đứa con gái dẫn lên Phân viện 2 của Bệnh viện huyện sơ tán ở trạm xá làng Lụa để đẻ. Suốt cả ngày hôm nay bà đau dạ mãi vẫn chưa đẻ được. Các bác sĩ quyết định điều bà sang phân viện 1 là phân viện chính, sơ tán ở làng Cát An bên kia sông. Nhưng khốn nỗi không có xe cấp cứu và không có nhân viên chuyển viện. Bà bác sĩ phân viện trưởng đành đến nhà ông Bí thư đảng ủy Lê Tịnh nhờ tìm thanh niên giúp hộ.

Ba anh em Quỳ, Thạo và Tầm xúm lại đưa bà sản phụ vào võng. Quỳ và Thạo ghé vai khiêng. Tầm cầm đèn bão soi đường. Đứa con gái bà sản phụ đeo chiếc bị cói đựng quần áo lẽo đẽo bước bên cạnh võng. Một nữ bác sĩ và công an phó Phan Văn Chèm đi sau hộ tống, đề phòng xảy ra bất trắc. Đoàn khiêng võng sản phụ đi như chạy bộ trên quãng đường bốn cây số leo qua bờ đê, lội xuống bãi rừng Cống Đào. Đêm tối như mực. Bàn chân lội trên bãi rừng bước thấp bước cao. Vỏ hà vỏ don cắm tứa máu. Không ai kêu ca. Một chiếc đò đang đợi sẵn. Võng cấp cứu bà đẻ sang đò. Tầm được cắt về, tiếp tục ra trường học trực gõ kẻng báo động, phòng máy bay Mỹ bất ngờ vào bắn phá.

Sáng ra có tin báo về: Bệnh viện kịp thời xử lý ca khó đẻ. Bà sản phụ sinh con trai. Đứa bé chào đời khi tiếng gà trong làng Cát An cất tiếng gáy đầu tiên.

 

Chiến tranh kết thúc. Trai làng trở về. Kẻ còn người mất. Làng xóm dần ấm lại. Nhà cửa bình yên cùng thiên hạ. Những tưởng cuộc sống sẽ đi lên phơi phới trong khung cảnh hoà bình, thống nhất non sông. Những tưởng bao câu khẩu hiệu tung hô rầm rĩ, tá loả một thời sẽ đưa nông dân tới thiên đường. Nhưng không ngờ kinh tế HTX lại ngày càng sa sút trong cảnh cha chạ không ai khóc. Từ chỗ được chia một, hai cân thóc, mỗi công lao động tụt xuống chỉ còn nửa ký, rồi ba lạng… Cán bộ bớt xén công quỹ. Xã viên mạnh ai nấy vơ. Đây đó trong dân gian  đẩy đưa, vắt véo những câu ca dao: Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà xây sân… Mấy bà hàng xóm đi lấy rơm trâu choàng rộng sải tay vơ cuộn từng mớ thóc cho vào gánh, vào xe cải tiến. Về nhà, họ rũ lại được hàng thúng thóc. Một nhát vơ dôi bằng ba ngày công cặm cụi. Bà Hai thực thà lại rũ rơm sạch làu trên sân kho. Nhìn người ta lợi dụng bòn mót thóc tập thể, bà chỉ biết lắc đầu than thở với ông: Thế này chả mấy nỗi hợp tác thành con trâu sệp. Lấy đâu ra thóc mà chia?…

-Thực thà ăn cháo, bố láo ăn cơm! Ông buồn bã lắc đầu: Biết làm sao được bà ơi! Nhà mình đừng bắt chước người ta!

Có vụ thu hoạch xong, chỉ được nhận về sáu chục cân thóc. Sáu chục cân thóc cho sáu tháng trời, nấu cháo hoa cũng khó lòng! Cả nhà tám miệng ăn. Hạt cơm như hạt ngọc điểm xuyết trong nồi khoai, bát sắn khô. Ông bà, con cháu xì xụp quanh mâm cháo, rổ rau. Đám trẻ nheo nhóc dây bí dây bầu, lơ ngơ như nghé con trên cánh đồng, bờ cỏ. Tối đến, những đêm trăng bọn trẻ lại kéo nhau ra sân kho, ra các khúc sông hò hát tưng bừng, không biết đói kém là gì. Dưới những thanh âm bề nổi háo hức lời ca tiếng hát như nồi nước sôi của bọn trẻ là những nỗi trầm lo của người già cả. Để chống đói, ông nghĩ ra kế cất vó tép. Bà Hai xin được những chiếc màn cũ rách của các nhà bên phố huyện đem về cắt thành những ô vuông, vá víu cho lành lặn, rồi chẻ tre uốn gọng, làm được hơn một trăm chiếc vó cho anh em Tầm cất tép. Bà dặn con:

-Nhà đói, chịu khó cất vó tép, được đồng nào hay đồng ấy đỡ đần thầy mẹ!

Sao mai mọc, anh em Tầm đã dậy vai gánh vó, tay xách ống bơ đựng thính cám do mẹ đã rang sẵn, ra đồng. Chúng thả vó dọc các ven sông. Mỗi lần cất lên, mỗi chiếc vó được hàng bát tép. Chao ôi! Ngày ấy sông ngòi đồng quê sao mà lắm tép thế! Chỉ cần sơ cây gậy xuống mặt nước, tép đã nhảy lúa xúa tựa mưa sa. Chiều chiều, chúng mang hàng giỏ tép về cho mẹ đem ra chợ bán, đong ngô, đổi khoai hoặc mua sách bút. Ông không quên bớt lại một bát để rang mặn, nhào với rau muống luộc làm món nộm tép. Nộm tép rau muống trộn thêm vừng rang, ăn trừ bữa thay cơm, ngon tuyệt và chắc dạ. Có bữa cất được nhiều quá, ông đem mài làm mắm tép. Tép mài kỹ, chan thính gạo rang, thêm chút riềng giã nhỏ, phơi gặp nắng to, được món mắm ngấu lên màu đỏ au rất thơm ngon. Lại người cày người cuốc. Đi học đi làm không thấy bụng kêu... Chả mấy chốc cuộc sống nhọc nhằn và thời gian vô tư trôi vèo. Anh em Tầm như­ những con chim lớn dần, tập bay chiền khỏi tổ đón ban mai…


 

  X- GIẤC MỘNG ĐẤT ĐAI

 

G  óp tư liệu sản xuất vào HTX nông nghiệp làng Lụa, nhà Lý Tấn còn lại khoảng năm sào gồm đất ở, đất vườn và “ruộng phần trăm”. Xung quanh phía tây ông trồng bờ tre dây, một loài tre thân nhỏ và dẻo do ông kỳ công lấy giống bên Thủy Nguyên. Giống tre dây gióng đốt lên rất nhanh, chả mấy khi trùm bao bọc xanh tốt như lũy như thành. Dân xóm sang xin về chẻ lạt khi buộc bờ rào, bó cái mạ, lúc gói chiếc bánh chưng bánh gio ngày tết.

Cư dân vùng sông nước này đời sống chủ yếu lệ thuộc vào sông ngòi. Sông ngòi bao quanh nhà, len lỏi trong các xóm thôn là mạch máu giao thông, là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Muốn vật đất đắp móng xây nền phải đào ao hồ. Dựng đình chùa cũng vậy.

Trước cửa đình Lụa có một cái hồ rộng ba sào, đình Đông An có ba cái hồ rộng năm sào… vì cần lượng đất đắp nền đình quá lớn.

Trước cửa nhà, Lý Tấn cũng đào một cái ao rộng nửa sào ruộng để nuôi cá và trữ nước tưới cây. Đào cái ao, Lý Tấn còn muốn tạo lá phổi xanh, chắn bụi bặm, tạo phong thủy cho ngôi nhà. 

Cái ao nhỏ đào xong, ông bảo Tầm: Sáng mai, cha con mình xuống nông trường Đại Phong mua cá giống!

 Lần đầu tiên đi bộ gần hai chục cây số, Tầm mỏi nhừ chân. Cậu nghĩ bụng: Thầy mình giỏi thật! Chả thấy kêu ca gì! Đến nơi, hai cha con được cán bộ nông trường dẫn đi thăm các ô cá giống, ô cá thịt. Ô đầm rải ran, vuông vức như những chiếc gương vuông lấp lánh ánh mặt trời. Cá bơi như trong chậu. Ông thích lắm, bỏ nón đi đầu trần, hòa mình vào không gian đầm áng mênh mang. Lại nhớ những tháng năm bên đầm Nhà Mạc chim trời cá nước. Lại bâng lâng tiếc nuối những gì đã mất!

Cán bộ kỹ thuật đóng cá giống các loại trắm, trôi, mè… vào các túi nilon. Họ dặn khi chuyển phải vừa đi vừa lắc túi liên tục cho nước dao động, tạo thêm ô xy kẻo cá chết. Vừa định cất quang gánh lên vai bước ra khỏi sân nông trường thì cơn giông ngoài cửa biển bất ngờ ập đến. Sấm chớp đùng đùng. Mưa xối ào ạt, quất ràn rạt vào mặt. Chiếc nón cũ bị gió lột khỏi đầu bay như cánh diều rách ra xa. Ông kéo Tầm: Vào hiên trú tạm đã con! Đi giữa đồng trống đường không, nguy hiểm lắm!

-Ối! Sét! Thầy ơi!

Tia sét chùm rễ cây nhoằng ngay trước mặt, sáng lóa, xanh lét. Một tiếng nổ xé không gian. Tiếp theo là những chùm tiếng nổ nối nhau đập vào vòm trời.

-Sét đánh chết người… Làng nước ôi… sét đánh chết người…

-Sét đánh xuống ao cá giống bà con ơi…

Cha con bị đẩy vật vào mép hiên. Tầm ngã sấp xuống bậc gạch.

Ông vột dậy hoảng hốt sờ nắn khắp người con: Còn sống! Sét đánh gần quá! Tưởng nó đánh vào con…

-Không! Không sao! Khiếp quá thầy ơi! Mặt tái mét, Tầm run rẩy áp vào ngực cha. Cậu trỏ tay: Sét đánh chết người… Chỗ… chỗ người ta vừa vớt cá giống cho… cho nhà mình kia kìa…

  Một đám khói đen bảng lảng xông hơi khét lẹt ngay phía dưới cái ao ngoài mép sân. Trên các ngả đầm náo động tiếng hô hoán.

Người ta xúm lại ao cá giống vớt lên hai người đàn bà, đặt trên bờ cỏ. Sét đánh chết một người, quần áo rách tả tơi, cả thân cháy xám như mảnh than củi gỗ. Còn một người ngất xỉu, đã cựa quậy, ánh mắt đờ đẫn, ngơ ngác, dại hẳn đi. Tầm nhận ra người đàn bà chết cháy khô đét: Thầy ơi! Chị Đĩ Hạ, vợ anh Đĩ Lẽ làng mình! Ông Lý Tấn chạy tới:

-Người làng tôi, các ông các bà làm ơn làm phúc khiêng vào Trạm xá…

Thì ra hai người đàn bà làng Lụa đi cắt cỏ thuê, dọn ao cho nông trường. Trông thê thảm quá! Họ xuống đây từ gà gáy. Nắm cơm độn khoai khô trong chiếc mo cau để dưới gốc cụm na dại, ướt sũng nước mưa. Nông trường cho người lấy võng khiêng nhà Đĩ Hạ về làng Lụa. Còn người kia ở xóm Thầu Dầu được đưa tạm vào Bệnh xá nông trường, chờ xe cứu thương của bệnh viện huyện về chở đi cứu chữa. Chiều tối, đám đông mới giải tán. Hai cha con lúc này mới cất gánh lên đường đem cá về làng. Tầm giật tay cha: Sao các bác này lại xuống mãi đây… để sét đánh chết hở thầy?

-Đói đầu gối phải bò! Chắc xuống làm thuê. Cũng như cha con mình lặn lội đi mua cá giống. Họ không may con ạ! Nhưng con người ta chết đều có số cả!

Nửa đêm cha con mới về đến nhà. Ông thuật lại cho bà nghe chuyện sét đánh buổi chiều: Ai ngờ lại là Đĩ Hạ vợ nhà Đĩ Lẽ…

-À… Cái nhà chị hồi cải cách ăn không nói có, đấu tố ông với bà Cả phải không?

-Ừ! Chuyện thời thế, chấp làm gì! Nghĩ khổ người ta… Mình dè sẻn một vài bữa, mai bà mang cho họ ống gạo…

-Nhà này còn một thằng bé bế tay…

Bà Hai thắp thêm một cây đèn nữa soi cho hai cha con thả cá xuống ao. Số cá giống chỉ còn sống một nửa.

Độ tháng sau, vào lúc chập tối. Bà Hai đang băm bèo cho lợn ở góc sân thì thấy Đĩ Lẽ đội một chồng mâm thau vào. Hắn hạ xuống thềm hiên, thở hổn hển:

-Dạ thưa! Cháu đem sang trả ông bà đám mâm thau hồi cải cách… Năm chiếc còn cả năm, chỉ méo mất hai chiếc… Xin ông bà tha lỗi…

Đang ngoài ao, nghe tiếng đồng xô loảng xảng, Lý Tấn chạy vào. Biết rõ sự thể, ông xếp chồng mâm bằng lại, đặt lên đầu Đĩ Lẽ: Chuyện cũ lâu rồi! Bác đừng làm thế! Nhà tôi không lấy đâu! -Dưng mà… cháu áy náy lắm! Xem đâu người ta cũng bảo cháu di cướp không của người… Lý Tấn nhất quyết đẩy Đĩ Lẽ quay lưng:

-Ôi giời! Đừng tin bói với toán! Nước đổ thôi đành. Do thời buổi mới sinh ra chuyện. Bác nghĩ thế là tốt! Coi như tôi đã nhận rồi! Mang về đi.... Rõ khổ! Nhà bác dùng cũng như nhà tôi dùng…


Ngày đợi ngày. Giấc mơ ao cá lớn dần. Cá sinh sôi nẩy nở, lên đớp mồi dày đặc. Mặt ao như nồi cơm bắt đầu sôi. Cái ao thuần thục đất và nước xuất hiện nhiều lươn và ốc bươu. Ông mua lờ về đơm lươn. Lại thêm một món đem nấu cháo, rồi đem ra chợ bán. Bữa ăn gia đình thêm cải thiện bằng nguồn lao động tăng gia thức khuya dậy sớm. Giấc mộng đất đai trong ông lại le lói hình thành…

Để khắc phục kinh tế và tạo nguồn công việc lâu dài, những ngày tháng ba tháng tám, đói kém là vậy, ông bà thuê một con thuyền lẵng gỗ ra tận ngòi Láng Nứa lặn móc bùn. Bà chống sào. Ông lặn xuống. Anh em Tầm và Thảo cũng lặn xuống. Đầu tiên thì háo hức như đi tắm lội. Sau ngấm nước, môi tím tái, răng va vào nhau run cầm cập. Nước đục ngầu chan xót mắt. Mắt ngấm nước, sưng tấy đỏ như bị đau mắt hột.

-Phải cố công các con ạ, mới có cái mà ăn! Ông động viên con mà lòng tái tê, nén đi cái rét cũng đang ngấm vào da thịt. Bùn móc lên đầy thuyền, chở vào bến Cổ Thành, lại hì hụi gánh về đổ dâng những chỗ ruộng sâu, cải tạo thành vườn. Vừa đói vừa mệt. Ông cởi áo vắt kiệt mồ hôi, lại mặc vào. Nắng đốt cháy lưng, rộp từng mảng da. Gánh nặng, mồ hôi ra nhiều, áo mủn nhanh. Áo vải rách hết, ông mặc áo tơi, áo mo cau do bà Hai khâu bằng những tấm bẹ cau già. Gà gáy bà đã bắc nồi cháo hoa khỏi bếp, để nguội sẵn đấy cho cả nhà cùng húp. Nhiều hôm chỉ húp bát canh rau đay nấu tép hoặc ăn bát củ chuối hột thái nhỏ luộc trộn ruột con quéo, con don... Dân làng thấy “ông bà Tổng” lóp ngóp móc bùn, kỳ quẹo gánh về nhà, người tấm tắc khâm phục, kẻ lắc đầu, mai mỉa... Chỉ có ông bà ấy là một… Người thế mới là người… Lỗi thời làm quan lại vày đất bám vườn, tay làm hàm nhai… Bùn đất chua mặn cỏ năn nó còn chê, cây cối nào chịu nổi?... Hơi sức ấy để mà ngồi, ôm bụng đói hơn ăn no phải làm!… Biết đâu mai kia lại thành địa chủ… Địa chủ cũng phải làm lấy mà ăn chứ ai cho…

Kiến tha lâu đầy lỗ. Quay đi quay lại mấy sào vườn đã hình thành vuông vắn. Bùn lỏng khô dần. Sền sệt như cháo. Đặc mịn như cơm. Cuốc xới lên, bùn chuyển màu nâu tươi rói, xốp xáp đất cày. Màu bùn màu đất gợi nhớ mùa màng. Để bùn lạ bén hơi cây, ông đem hạt rau đay gieo xuống. Vài ngày, mầm non lú nhú nở thành những lá rau lấm tấm xanh.

Giấc mộng đất đai lại khiến ông hằng đêm thức trắng.

Lặn lội đi các nơi Thanh Hà, Hưng Yên, Đoan Hùng, ông lấy giống cam bưởi, vải thiều, mía... về trồng. Ông còn gây giống các loại rau răm, rau húng, rau mùi, cần tây, hoa huệ... trồng trên các luống đều đặn và thẳng tắp. Trong khi chờ đợi các loại cây ăn quả bén gốc, đơm hoa, ông còn cấy cả lúa xen canh. Lúa cấy trên cạn, khát nước như người. Ao cạn nước, phải gánh thêm nước ngoài hồ làng về tưới. Có vụ, đêm chuột vào phá tanh bành, sáng ra mặt đất vương đầy những gié lúa non! Ông phải cột con mèo bên cạnh đám lúa. Được đầu này mất đầu kia. Lũ chuột đói vẫn xông vào chí tử. Có đêm anh em Tầm thức gõ chậu thau xua chúng đến tận gà gáy! Được hạt thóc vào sân phơi thì hai, ba cái chậu bẹp rúm. Bùn dưới đáy sông đưa lên ánh sáng, lắng lại thành đất. Đất giở mình nạp lấy mồ hôi lắng đọng độ phì. Cây gặp đất tốt, mọc nhanh như mơ. Khu vườn xum xuê hoa trái. Mùa nào thức ấy. Bóng cây mát rượi, hương quả hương hoa thoảng thơm không gian. Các loài chim, cò tự nhiên ở đâu về đậu và làm tổ chi chít trên ngọn tre dây. Anh em Tầm từng móc những ổ trứng chim, bắt những chú cò non xuống lòng bàn tay, rất thích thú. Tầm hỏi cha: Sao chim cò bay về vườn nhà mình lắm thế thầy nhỉ?

-Đấy là do mùi bùn, mùi mồ hôi. Do hoa thơm, quả ngọt, con ạ!... Giống bưởi quý Đoan Hùng về đất mái chua, ra hoa kết quả rất sai. Tháng giêng hai, hoa đơm chi chít những chùm cúc trắng, tỏa hương ngào ngạt. Tháng chín tháng mười, trái sai trĩu trịt đầy cành, nhuốm vàng suộm nắng cuối thu. Những cây bưởi chiết cành từ cây gốc, trồng năm trước, năm sau đã bói quả la đà mặt đất. Mùi thơm nức nở như một thứ hương kỳ lạ từ mặt đất xông lên. Ông sai Tầm đem bưởi biếu các chú bác, cô dì nội ngoại bị ốm đau. Ăn vào ai cũng khen ngon, cảm thấy mát ruột, chóng lành bệnh. Bao giờ ông cũng dùng kéo cắt trái bưởi trên cành để nguyên cọng chuỗm đủ một hai chiếc lá:

-Thế này quả bưởi mới đẹp và tươi. Đã biếu đã cho, phải chọn thứ tươi tốt!

Trái bưởi vàng, sần sùi bởi nắng quái chiều tháng chín. Mỗi khi sau cơn giông, nhiều trái rụng xuống sân vườn như những cục vàng lăn từ vòm xanh. Anh em Tầm tranh nhau chạy ra nhặt. Ông bảo: “Sau cơn giông cuối mùa, những quả nào chịu được sẽ ở bền trên cành, quả nào yếu không đủ sức thì rụng xuống!” Sang tháng Một, ông mới cẩn thận hái từng trái, bôi vôi quanh đầu chuỗm rồi nhẹ nhàng xếp vào thảm cát rải dưới gầm giường.

-Giống bưởi để chín trên cành, cắt quả muộn để làm hàng thường nhanh bại cây. Nên sau đây phải bón nhiều phân chuồng xung quanh gốc cho cây mau lại sức! Ông giảng giải và hướng dẫn vợ con: Nhằm thẳng tán lá xuống mặt đất dưới gốc mà đào rãnh sâu rồi bón phân, vùi đất lên. Ngửi thấy hơi phân, rễ cây sẽ bò ra. Tán cây tỏa đến đâu thì rễ cây bâm đến đó. Cứ thế mà làm…

Về mùa này, trong ngôi nhà từ tấm chiếu, dây quần áo cũng nhuốm hương bưởi chín thơm. Bưởi để qua đông đến giáp Tết, bà Hai gánh ra chợ bán vừa được giá vừa được cả lời khen. Bà thường bán bưởi ở chợ Lưu, chợ Đông. Đều đều, phiên chợ nào cũng có hương bưởi của vườn nhà Lý Tấn. Dân các làng mua bưởi về ai cũng khen: Ông bà kiếm đâu được giống bưởi quý và ngon quá!... Bà Hai lựa những trái bị dập vỏ, những trái méo mó để riêng, rồi gọt cho cả nhà thưởng thức. Ông bảo: “Bán trầu chỉ ăn chuỗm cau”. Của tăng gia được, nhà chỉ ăn những quả sâu si. Những quả sâu si trông thì sần sùi, méo mó, chứ bổ ra quả nào múi cũng đầy tép. Vỏ bưởi sực nức, cay cay sống mũi. Anh em Tầm vô tư bóc những múi dày mọng nước. Tép bưởi trong vắt, ngọt như bát chè kho mới qua môi đã thấm lịm tâm can. Với đầu óc trẻ thơ, Tầm thường tưởng tượng ra đấy là những dúm tép đồng sạch bong, tươi rói trong chiếc vó gai mới cất lên. Bà Hai gom những khoanh vỏ, những hạt bưởi rải vào chiếc mẹt con đem phơi nắng, để dành nấu nước gội đầu. Mới một, hai nắng, vỏ bưởi đã khô quăn queo. Còn hạt thì ngót lại, Tầm cất đi, sang năm tha hồ bóc ra xâu thành chuỗi làm bấc đốt đèn đêm Trung Thu. Đấy là những hạt khát vọng, ông bà chọn gieo, chỉ vài năm sau sẽ sum suê toả bóng mát rợi mặt đất, cho đời con trĩu trịt chuỗi ngày sau.

Đám cán bộ xã thường kéo đến nhà giả đò mua, ông cũng làm quà gọi là cây nhà lá vườn, chả lấy tiền ai. Tay y sĩ Hoàng cùng thầy giáo Khuất sểnh giờ trực trạm y tế và trẻ học ra chơi là la cà vào nhà dân chén trà chén nước. Mùa bưởi chín, bọn họ thỉnh thoảng lại đáo qua nhà ông làm vài điếu thuốc lào, dăm ba chén nước chè Vân. Mang mấy câu chuyện làm quà đến, bọn họ lại được ông ngắt bưởi, bổ ra. Vừa bóc những múi bưởi hồng mọng nước, mấy cái mồm lại vừa nịnh những câu ngọt lịm... Gian nhà trong, bà Hai đang ngồi võng ru cháu ngủ, hát mấy câu ca: Châu chấu thấy lửa bò vào... Cào cào thấy lửa bò ra...

Trong khung cảnh làm ăn thanh bình ấy, không ai ngờ tới một cơn bão mất đất khác lại tràn vào gia đình, vào nửa cuộc đời tiếp theo của ông bà Lý Tấn...

…....... CÒN TIẾP




VVM.14.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .