Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      





BÍ MẬT
MỘT ĐỨA CON




     C ó lẽ cả hai người đều không mong gặp lại nhau như thế này. Cứ nhìn Xuân mắt mở to, mặt đầy sửng sốt là hiểu cô đã rất ngỡ ngàng.

Đăng còn lúng túng, ngượng ngập hơn. Như một phản xạ, hai chân anh bật lùi khỏi cửa phòng bệnh, hấp tấp đến dẫm cả lên chân cô y tá đi sau.

Vừa đau vừa bực, cô y tá xô mạnh lưng Đăng, gắt lên:

-Cái ông xớn xác này!... Không vào còn định đi đâu?

Đăng ấp úng:

-Cô… có thể… cho chọn phòng khác…

-Hết sạch phòng rồi.

Cô y tá lại gắt lần hai, giọng uy quyền lạnh tanh của kẻ đang ban phát.

Rồi cô gạt Đăng ra, tiến thẳng vào phòng, chỉ cái giường trống còn lại, ra hiệu cho Đăng ôm con vào. Phòng dịch vụ này chỉ kê hai giường bệnh thì giường kia đương nhiên là của mẹ con Xuân rồi.

Sau phút ngỡ ngàng, Xuân lấy lại bình tĩnh, làm ra vẻ thản nhiên kéo ghế ngồi quay lưng lại, như không thèm đếm xỉa đến hai cha con bệnh nhi mới vô này.

Đăng nhẹ nhàng đặt con nằm lên giường. Con bé đang ngủ say -hay vì sốt cao mà li bì, không rõ.

Đăng loay hoay chưa xếp xong đám ly chén lỉnh kỉnh lên mặt chiếc tủ cá nhân con con thì cô y tá nhanh chóng hoàn thành thao tác quen thuộc: tìm ven cắm ống truyền dịch cho bệnh nhân, đã quay về phòng trực rồi.

Tay Đăng kéo lại quần áo, sửa lại chăn đắp ngang ngực cho con gái mà mắt kín đáo liếc trộm giường bệnh bên kia, quan sát Xuân. Tư thế ngồi quay lưng của Xuân vừa dửng dưng vừa kênh kiệu.

Đăng bối rối, không biết có nên đánh tiếng hỏi han trước chăng? Hỏi thì ngại ngần mà giả lơ như chưa hề quen biết cũng thấy không ổn. Dù muốn hay không, hai người sẽ còn ở chung một phòng thế này cả tuần nữa, liệu có tai điếc mắt ngơ được mãi? Hơn nữa, Đăng là đàn ông, lại là “thủ phạm vụ án tình” này, anh có “xuống nước” trước cũng hợp lý!

Nghĩ thế, Đăng quả quyết lấy can đảm phá tan bầu khí nặng nề ngột ngạt:

-Chào Xuân!

-…

-Em khỏe không?

-…

-Giờ em làm gì?

-…

Ba câu hỏi rơi vào im lặng. Xuân không trả lời cũng không ngoái đầu lại.

Thái độ đó làm Đăng ngượng ngập, người nóng ran. Có lẽ mặt anh đang đỏ rần rần. May mà Xuân không thèm nhìn để thấy.

Anh tiu nghỉu ngồi im. Nỗi buồn từ đâu ùa đến cho lòng anh nặng nề như đeo khối đá. Nhưng anh không giận Xuân. Phản ứng của Xuân không có gì quá đáng cả, chỉ có anh đã không phải với cô thôi. Hứa yêu người ta, thế thốt trời trăng mây nước đủ điều để rồi chỉ hai tháng sau bỏ người ta đi cưới vợ giàu, Đăng còn gì mà bào chữa?

-Cháu bị sao thế, Xuân?

Đăng gượng gạo mở lời lần thứ tư.

Lần này thì Xuân mới chịu quay mặt lại, nhưng chỉ để tặng đối phương một cái liếc xéo đầy riễu nhại.

Chợt nhớ ra, Đăng cười thầm mình vớ vẩn thật. Đã được bác sĩ chỉ định vào khoa sốt xuất huyết thì còn bệnh gì khác mà hỏi?

Đăng biết có cố gắng nữa cũng vô ích, Xuân quyết liệt không giải hòa rồi.

Giờ thì Xuân đã nằm lên cái ghế vải kê sát giường bệnh của con, kéo tấm chăn mỏng lên khỏi đầu, vờ ngủ. Dáng nằm co ro làm Xuân càng thêm nhỏ bé.

Lòng Đăng se lại, bùi ngùi quá. Sau mấy năm xa cách, nhìn Xuân gầy và xanh xao, Đăng đoán cuộc sống cô vẫn nhiều lận đận. Gánh nặng mẹ bệnh em dại chưa thôi đè nặng vai Xuân. Cũng vì thấy gánh nặng đó mà mẹ Đăng quyết liệt không chấp nhận Xuân.

Thoa, người vợ bà mẹ chọn cưới cho Đăng không đẹp bằng Xuân nhưng đang là chủ một tiệm ăn lớn, rất đông khách.

Và vì là một tiệm ăn lớn rất đông khách nên công việc ngập đầu khiến Thoa quay cuồng từ sáng sớm tới nửa khuya. Mỗi khi con gái ốm phải nằm bệnh viện, cũng một mình Đăng theo chăm sóc. Tiệm không thể đóng cửa nghỉ bán buổi nào, đẩy một người khách quen phải tìm đến ăn nơi tiệm khác thì khả năng mất đứt người khách ấy rất cao. Trong thương trường ai cũng hiểu vậy.

Mà con gái Đăng thì đau bệnh thường xuyên. Chẳng hiểu có phải thiếu bàn tay mẹ chăm nom không mà ngay từ bé, nó đã ốm yếu quá, hễ bệnh là lần nào cũng phải nằm viện dai dẳng.

Nhìn đứa con tròn trĩnh trắng trẻo của Xuân, Đăng ngán ngẩm thở dài, ngắm lại con mình. Xuân nuôi con sao mà khéo! Thằng bé đang bệnh mà vẫn hồng hào mập mạp, thật dễ thương. Phải chi Thoa là Xuân, để con gái Đăng cũng xinh xắn đáng yêu y như thế.

Đăng lẩn thẩn so sánh, để rồi biết mình vô lý. Nào phải Thoa lơ là bổn phận với con, chỉ do công việc đòi hỏi thôi. Để giữ vững doanh thu khủng hàng ngày, buộc Thoa phải đánh đổi. Đăng không gia trưởng cũng không phân biệt giới tính. Trong gia đình, ai thuận lợi vai trò gì thì lãnh nhận vai trò đó thôi. Thoa đã vất vả quán xuyến lo toan kinh tế, dĩ nhiên phần chăm nuôi con phải là của Đăng gánh vác rồi.

Dù Đăng cố tình xua đuổi những ý nghĩ kỳ thị thì anh vẫn không giấu được nỗi buồn khi bác sĩ cho biết do tai biến sản khoa, Thoa sẽ không còn sinh thêm con được nữa. Bị băng huyết nặng, thoát chết đã là may. Ông Trời “phạt” Đăng rồi. Chẳng bao giờ anh có được một mống con trai - một đứa cháu đích tôn cả dòng họ anh hằng khao khát.

Đã đôi lần, Đăng chua chát nghĩ vậy.


Hai ngày sau, Đăng mới thấy giường bệnh bên kia có người nhà vào thăm, người mà con Xuân gọi “bà nội”.

Cứ cách ngày, bà già vào thăm cháu một lần, đem theo rất nhiều quà bánh. Bà ngồi khá lâu, ôm hôn, vuốt ve đứa bé âu yếm lắm, nhưng với Xuân thì lạnh nhạt ra mặt, chỉ vài câu nhát gừng hỏi tình hình ăn ngủ của cháu nội, rồi thôi.

Chỉ thế là đủ cho Đăng hiểu mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhà này rất tệ. Anh càng thấy thương Xuân. Anh biết tính Xuân hiền lành, chịu đựng đã quen, hẳn sống trong nhà chồng, cô phải chịu không ít đắng cay, thua thiệt.

Nhìn Xuân một mình chăm sóc con, Đăng thương quá. Xuân khá nhẹ cân còn thằng bé thì tròn quay nặng ký, mỗi lần bồng đi xét nghiệm hay dọn vệ sinh, thay quần áo cho nó, Xuân rất vất vả. Có đêm cô như thức trắng nếu vì bệnh mà con bứt rứt chẳng chịu ngủ yên.

Chồng Xuân đâu mà không một lần bén mảng? Mà ngoài bà già ra, cũng không còn ai khác vào thăm.

Đăng thắc mắc tự hỏi, thêm đôi chút ngấm ngầm tức tối hộ Xuân. Hay chồng Xuân cũng bận bịu tít mù như Thoa nên giao phó con cho mình vợ? Nếu là Đăng, dù bận thế nào, Đăng cũng không thể yên tâm được. Con trai đang bệnh khá nặng, người cha nào có thể bình chân như vại ngồi nhà?

Đứa bé có cái tên hay: Anh Vũ. Muốn bảo đó là tên hoa, tên cá hay tên loài chim quý, đều đúng cả. Đăng thầm khen giác quan thứ sáu của Xuân bén nhạy. Sao chưa lần nào nghe Đăng nói ra mà Xuân cũng đồng một tư tưởng như anh: chọn tên Anh Vũ cho con trai và Trúc Đào cho con gái?

Buổi sáng, lúc Xuân đưa con đi xét nghiệm, Đăng tò mò lại đầu giường bệnh, cầm tấm bảng theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của bé Anh Vũ lên xem.

Đăng giật nảy mình, lạnh sống lưng khi mắt chạm vào hàng số ghi ngày tháng năm sinh đứa bé. Hơn 9 tháng, sau buổi tối đó!

Đăng nặn óc cố nhớ thật kỹ, sợ nhầm lẫn. Nhưng không, anh khẳng định mình nhớ chính xác. Đúng là thời điểm đó! Đăng không thể nhầm hay quên được, vì chỉ một lần đó mà thôi. Hai tháng sau, anh cưới Thoa rồi.

Đăng bàng hoàng, không biết đang tỉnh hay mơ. Bé Anh Vũ là con trai anh sao? Nên vui hay buồn? Và anh phải xử sao đây?

Thì ra ông Trời không “phạt” Đăng, trái lại, ông Trời “thương” anh không hết là khác! Nên dẫn dắt cho hai cha con anh vào điều trị cùng khoa, cùng phòng với hai mẹ con Xuân. Nên xui khiến cho anh tò mò cầm tờ giấy lên đọc để khám phá ra bí mật động trời.

Đăng run cả hai chân, cơ hồ đứng không vững. Tim anh loạn nhịp. Ước gì ngay lúc này có bé Anh Vũ ở đây, để anh được ôm chầm lấy con, siết thật chặt vào lòng và hôn điên cuồng lên cơ thể báu vật của đời anh. Giống như buổi tối nào, anh đã điên cuồng với Xuân vậy.

Hai mẹ con Xuân đi khá lâu mới quay lại phòng. Bây giờ thì lòng Đăng đã dịu xuống, bình tĩnh lại nhiều. Anh hau háu dán mắt vào thằng bé, để càng nhận ra điểm nào ở nó cũng đẹp, cũng đáng yêu, cũng phả vào hồn anh tình yêu cháy bỏng.

Đăng quyết định thật nhanh. Nếu đúng bé Anh Vũ là con anh, anh phải giành lại quyền làm cha cho mình. Dù cả nhà Thoa có chống đối, anh cũng không buông tay, không lùi bước. Vô tình bỏ rơi con 6 năm qua, giờ là lúc anh phải chuộc lại lỗi lầm, phải đền trả cho con những gì con đáng được hưởng. Cả hai cha con anh đều thiếu thốn tình phụ tử từ lâu.

Giờ thì Đăng đã có thể lý giải tại sao chồng Xuân vắng mặt, không ngó ngàng thăm nom bé Anh Vũ. Hẳn anh ta đã biết không phải con mình. Chỉ bà nội thằng bé không biết, nên đối với đứa cháu hờ vẫn hết sức thương yêu.

Hai mẹ con Xuân đã trở về, bé Anh Vũ tỏ ra mệt mỏi khó chịu, bỏ bữa ăn. Xuân ra sức dỗ dành mãi, đến bơ phờ. Dù rất sốt ruột, Đăng cũng ái ngại dằn lòng, biết lúc này có hỏi gì cũng bất tiện.

Nhưng khi Đăng vừa lên tiếng:

-Xuân, em nói thật cho anh biết, bé Anh Vũ là con anh...

Thì Xuân đã trừng mắt, cắt ngang:

-Anh lấy quyền gì hỏi vậy?

Đăng sững người, chưa biết phản ứng sao, Xuân lại cười gằn, mai mỉa:

-Anh mà xứng đáng có đứa con thế này à?

Lời nói chứa đầy oán hận.

Đăng không hề giận, chỉ thấy xót xa lẫn hối tiếc. Giọng anh lạc đi như đang sũng nước:

-Ngàn lần xin lỗi em... Tha thứ cho anh...

-Tôi không muốn nghe. Anh nói gì nữa đừng trách tôi bất lịch sự...

-Cho phép anh được nhận con, được...

Một lần nữa, Xuân đanh thép ngắt ngang:

-Không bao giờ! Đừng có mơ!

Rồi Xuân lấy gối che ngang mặt, bịt chặt cả hai tai cương quyết không nghe, không đối thoại thương lượng gì với người tình bạc bẽo nữa.

Hôm sau, Xuân xin xuất viện. Cô lẳng lặng thu dọn quần áo xếp sẵn vào ba lô. Đợi lúc Đăng bồng con gái xuống canteen mua sữa, Xuân âm thầm đưa bé Anh Vũ ra khỏi khoa. Cô không muốn Đăng nhìn thấy lại níu kéo hay cật vấn giữa chỗ đông người.

Cứ để Đăng đau khổ vì lại “đánh mất” bé Anh Vũ đi. Anh ta đáng tội như vậy! Niềm đau sẽ ray rứt hành hạ anh ta suốt phần đời còn lại. Thế mới bù đắp phần nào nỗi tổn thương tình phụ của Xuân.

Cho dù sau này trên đường đời, vô tình chạm mặt nhau lần nữa, và cho dù Đăng năn nỉ cầu xin, thậm chí quỳ gối nài van, Xuân cũng cương quyết không hé lộ gì thêm.

Sẽ không bao giờ Đăng biết được rằng: ba mẹ bé Anh Vũ đang có chuyến công tác nước ngoài chưa về, nên khi bé bệnh, bà nội bé phải thuê Xuân làm người nuôi bé trong bệnh viện.

Có thế thôi!




VVM.10.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .