Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CÂU CHUYỆN VỀ
MỘT VỊ PHẬT SỐNG





Nguyên tác của Malquihu (Mông Cổ)

     Tác Giả: Sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở Nội Mông vào năm 1930, Malquihu phải chịu đựng nạn đói và những khó khăn khác. Ông gia nhập Đệ Bát Lộ Quân lúc mười lăm tuổi. Không lâu sau, ông được chỉ định làm vệ sĩ cho một nữ sĩ quan trong Biệt Đội thứ Mười Một của Đoàn Kỵ Binh Nội Mông. Vị sĩ quan này thấy ông thông minh nên gửi ông vào trường Cao đẳng Tự trị Nội Mông. Tại đây sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu. Ông là tác giả nhiều truyện ngắn, kịch, thơ, tiểu luận, kịch bản phim và những vở opera ngắn. "Bọn Tứ Nhân Bang" đã giam cầm và cấm ông viết hơn mười năm.


N hà tôi ở trong một ngôi làng tên là Bayinhot. Tại đây, tôi đã trải qua "thời kỳ vàng son" thời thơ ấu, giờ đây được bao phủ bởi một thứ ánh sáng mờ ảo và huyền bí, gợi lên trong tôi một nỗi nhớ khôn nguôi.

Hàng xóm của chúng tôi là một Lạt Ma tên là Tegus. Theo truyền thống, các Lạt ma không được kết hôn. Tuy nhiên, Tegus không những chỉ kết hôn, mà thậm chí còn có một gia đình. Tôi vẫn không hiểu được điều này xảy ra như thế nào.

Lạt Ma Tegus có ba con trai. Con cả là Hasenjiab, Garhe là con thứ hai và Malaha thứ ba. Malaha bằng tuổi tôi. Khi chúng tôi mới bắt đầu học nói, hai chúng tôi cởi trần chơi với nhau trên bãi cát trước nhà. Vào thời điểm chúng tôi lớn hơn mặc quần thủng đít thì nhanh chóng trở thành đôi bạn thân.

Bé Malaha là một cậu bé đẹp, có đôi lông mày đẹp và đôi mắt trong veo, môi đỏ, răng trắng, khuôn mặt tròn, mũi cao và mái tóc xoăn đen nhánh. Chỉ có đôi tai của anh ta là quá dài, trông dị tướng. Những người lớn tuổi trong làng lại nói đôi tai này là một "đặc điểm của Phật", và những người có đôi tai dài sẽ có vận may. Tôi không biết vận may là gì. Nhưng dù sao thì Malaha khôn ngoan, lanh lợi và táo bạo hơn tôi nhiều. Tôi rất thán phục anh ấy.

Gia đình tôi rất nghèo. Gia đình anh ấy đã khá hơn một chút. Vào mùa xuân năm tôi khoảng bẩy tám tuổi, làng gặp nạn đói. Ngoại trừ một vài gia đình khá giả, các gia đình trong làng không có gì để ăn. Một buổi tối, Malaha đến nói với tôi:

- Lấy giỏ đi, chúng ta leo cây du hái quả ăn.

- Đi đâu trong đêm tối đen như thế này?

- Đồng cỏ rộng lớn phía trước dinh thự, chúng ta có thể leo lên những cây du to lớn đó.

Tôi hoảng sợ khi nghe điều này, vội đáp:

- Đó là những cây thánh. Cậu không thấy hàng năm người ta đến đó qùy lạy sao? Ai dám trèo lên đó? Thánh thần có thể chặt chân chúng ta.

Malaha xua tay nói:

- Ha! Cây thánh. Cái gì vậy? Có ai nhìn thấy thánh thần nào chưa? Mà cậu có bao giờ nhìn thấy chưa?

Tôi lắc đầu chiếc đầu trọc.

- Nào, đi nhanh trước khi mặt trăng lên cao. Nhanh lên.

Trái du trộn với cám rồi hấp là món ăn ngon, đặc biệt trong những năm đói kém, chúng là món ngon hiếm đối với người nghèo. Biết là ngày mai nhà tôi không có gì để ăn, tôi thu hết can đảm, cầm theo chiếc giỏ và theo anh ta đến đồng cỏ rộng lớn trước ngôi dinh thự cổ.

Bé Malaha là một con quỷ. Cách chúng tôi không xa, một con bò đốm già đang gặm cỏ với chiếc cổ vươn dài. Bảo tôi làm như anh, anh nằm xuống thảm cỏ và rón rén bò như ếch về phía con bò. Lúc đầu, tôi không biết anh ấy làm gì. Sau đó, tôi nhìn thấy anh ta lái con bò và lấy một cành cây che chắn để chúng tôi tiến từ phía sau hướng về phía một cây thánh. Sau đó tôi nhận ra rằng nó che cho toán lính canh trên chiếc pháo đài của dinh thự không phát hiện ra chúng tôi được. Con bò đốm già khá ngoan ngoãn. Che chúng tôi bằng thân hình to lớn của mình, nó ấy dẫn chúng tôi đến một cây thánh lớn, chiếc đuôi dài đung đưa khi di chuyển.

Màn đêm đen kịt khiến cây thánh lớn càng thêm tối. Cành lá đung đưa khiến tôi kinh hoàng mất vía. Trong khi tôi sững sờ đứng run rẩy thì Malaha đã nhanh nhẹn trèo lên. Lấy hết can đảm, tôi cũng leo lên. Nó thực sự là một cây thánh, dù mùa khô như thế này mà vẫn sinh sôi nảy nở tươi tốt. Chẳng bao lâu chúng tôi đã hái đầy hai giỏ trái du. Mặt trăng lớn màu đỏ đã mọc trên bầu trời phía đông, trông thật dịu dàng, bí ẩn và trìu mến, chúng tôi bị mê hoặc bởi cảnh tượng hùng vĩ này. Cẩn thận treo những chiếc giỏ đựng đầy trái du lên cành cây, chúng tôi vẫy ngôi mặt trăng .

Mặt trăng lên cao hơn, rọi ánh bạc lên khắp đồng cỏ. Tôi chợt nghĩ về việc trở về nhà, lo lắng hỏi Malaha:

- Mặt trăng sáng như vậy làm sao chúng mình có thể thoát ra khỏi đồng cỏ đây?

- Thì phải nhờ con bò già giúp một lần nữa.

Khi rời khỏi đồng cỏ, chúng tôi đặt hai chiếc giỏ xuống đất và lăn lộn trên thảm cỏ với niềm vui sướng tột cùng. Sau cuộc chạy trốn căng thẳng là cuộc vui chơi thỏa thích. Nằm dài, đôi chân dang rộng trên đồng cỏ đẫm sương và lặng nhìn bầu trời đêm xanh thẳm. Trí tưởng tượng của chúng tôi bây giờ đã được phóng đại. Bầu trời được làm bằng gì? Tại sao nó lại có màu xanh đậm như vậy? Liệu có một thế giới khác sau bầu trời xanh kia không, và có những thiên thần cùng các chư Phật mười phương cư trú ở đó không? Chắc chắn ở đó không có những con người hung dữ, cũng như người nghèo khốn khổ phải sống nhờ cây du như chúng tôi ...

Ngày hôm sau, cả hai gia đình chúng tôi có một bữa ăn ngon với mùi thơm ngọt ngào của trái du trộn hấp với cám.

Mùa xuân năm đó khô hạn và mùa hè ngập úng. Mưa rơi liên tục từ đầu hè, con suối trong vùng dâng cao, mọi người có thể lội xuống bắt cá. Một ngày nọ, cậu bé Malaha chạy đến tìm tôi, trên trán lấm tấm mồ hôi.

- Chúng ta đi bắt cá dưới suối đi. Suối mát và có nhiều cá lắm.

Ở nhà mãi thấy buồn nên tôi đồng ý ngay mà không thắc mắc

Trận lụt đã qua. Nước suối trong đến mức có thể nhìn thấy tận đáy. Những viên sỏi nhiều màu dưới lòng suối hiện ra cùng biết bao con cá bơi tung tăng. Chúng tôi lột sạch quần áo và lao xuống. Một cảm giác mát lạnh dễ chịu lan nhanh khắp cơ thể, thậm chí thấm sâu vào tận trái tim. Chúng tôi trần truồng đứng dưới suối, tạt nước vào nhau và mải miết chơi đùa mà quên cả việc bắt cá.


Ngày hôm sau, vào khoảng giữa trưa, một tin gần như không thể tưởng tượng được lan truyền khắp làng. Malaha, người mới hôm qua là bạn bắt cá trần truồng của tôi, đã được Tu viện Gegen chọn làm Phật Sống! Nói rằng anh được chọn làm Phật Sống là hoàn toàn không chính xác. Theo lời Phật dạy, một vị Phật Sống là sự tái sinh của một người khác từ tiền kiếp, điều này có nghĩa là, Đức Phật Sống trong kiếp trước viết ra bằng vàng lỏng trên tấm lụa sa tanh đỏ về nơi cùng gia đình ngài sẽ tái sinh. Tấm sa tanh này được đựng trong một chiếc bình bạc có niêm kín và được cất ở một nơi bí mật. Sau khi Đức Phật Sống qua đời, một hội nghị được tổ chức gồm các Lạt Ma cao cấp, do "thầy dạy kinh" của ngài chủ trì. Chiếc bình bạc được mở ra trước công chúng và di chúc được đọc trong buổi họp. Sau đó, theo chỉ dẫn được đưa ra trong di cảo huyền bí và giống như câu đố, một cuộc tìm kiếm vị Phật Sống tái sinh được thực hiện.

Được biết, vị Phật Sống trước đây tại Tu viện Gegen đã viết trong di cảo là các đặc điểm của gia đình ngài sẽ tái sinh như sau: Thứ nhất, các âm tiết đầu tiên của tên ba người con trai theo thứ tự của bảng chữ cái Mông Cổ là - Ha - Ga - Ma ... do đó nếu âm tiết đầu tiên của tên người anh cả là "Ha" thì âm tiết của người anh thứ hai sẽ là "Ga" và của chính anh ta là "Ma". Thứ hai, tám trăm mười bước về phía đông nam ngôi nhà của họ là một cây lớn mà năm người nối tay cũng không vòng quanh hết được. Và thứ ba, tám trăm mười bước về phía tây bắc ngôi nhà của họ rồi ba bước dưới lòng đất là một cục đá granit to bằng chiếc đầu bò. Tìm một gia đình có ba người con trai có tên bắt đầu bằng âm tiết Ha, Ga và Ma cũng chưa đủ, mà ngôi nhà của gia đình đó phải phù hợp với hai điều kiện sau được mô tả. Khi đó, các Lạt Ma mới có thể tuyên bố gia đình của Đức Phật Sống mới đã được tìm thấy.

Các phái viên do tu viện Gegen cử đi mất vài năm để điều tra bí mật này và cuối cùng kết luận rằng người bạn nối khố nhỏ của tôi Malaha chính là Phật Sống mới mà họ đang tìm kiếm. Bé Malaha bắt cá trong suối với tôi hôm qua, thế mà chỉ sau một đêm đã trở thành một vị thần, vị Phật Sống thứ tám của Tu viện Gegen.

Đây là một sự kiện quan trọng. Mọi người trong làng dường như được chia sẻ một phần vinh quang. Mọi người đều cười rạng rỡ và cả làng sôi sục như một vạc nước sôi. Vào buổi trưa, Lạt Ma cao cấp hàng đầu của Tu viện Gegen thông báo là bắt đầu từ hai giờ chiều, Phật Sống Malaha sẽ nhận sự cúng bái của dân làng.

Mẹ tôi là một người rất sùng đạo. Bà bảo tôi rửa tay, rửa mặt sạch sẽ, đi đúng vào thời gian đã định để đảnh lễ Đức Phật Sống Malaha. Nghe đến đây, tôi không nhịn được cười lớn. Thấy hành động vô lễ như vậy, bà véo mạnh tai tôi và nghiêm khắc nói "Không được cười". Tôi không dám cười nữa.

Vào lúc hai giờ mẹ tôi đưa tôi đến quỳ lạy Malaha. Tính tò mò trẻ con của tôi muốn tìm hiểu xem người bạn nhỏ bé của tôi, người đã trở thành một vị Phật Sống bây giờ trông ra sao.

Tôi theo mẹ đến cổng nhà Malaha. Một số lớn đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã tập trung ở đó. Vì Malaha giờ đã trở thành một vị Phật Sống nên sự phân biệt giữa các thế hệ trong thế giới bên ngoài không còn áp dụng cho ngài nữa. Những người mà anh ta gọi là chú, dì hoặc thậm chí là ông bà cũng phải đến để bày tỏ lòng kính trọng và nhận được sự ban phước của anh ta. Sau một thời gian, đến lượt chúng tôi vào trong và lạy Phật Sống, tim tôi bắt đầu đập nhanh, vì dù sao thì tôi cũng sợ. Tôi bị đẩy vào trong nhà.

Tôi thấy Malaha đang ngồi ở trung tâm căn phòng, một chiếc bàn gỗ đỏ ở trước mặt, trên đó có đặt một quyển kinh, một cái bình bạc đựng "nước thánh" có gắn lông công. Chiếc lông công này được dùng để vẩy nước thánh lên người thờ lạy. Khi tôi bước vào, Malaha mỉm cười với tôi tôi không biết mình có cười hay không. Ngồi hai bên Malaha là bà mẹ và "thày dạy kinh" của anh ta. Mí mắt và môi của ông thầy dạy kinh trùng xuống, mỗi bên miệng có hai rãnh sâu. Gương mặt u ám và trông đáng sợ. Tôi không dám nhìn anh ấy nữa. Mẹ tôi quỳ xuống đất, đặt hai lòng bàn tay vào nhau thành kính quỳ lạy ba lần. Tôi vội bắt chước bà cũng quỳ lạy Malaha. Khi ngẩng đầu lên, mắt chúng tôi chạm nhau. Anh ta nở nụ cười hồn nhiên thường ngày, vẫy tay và nhăn mặt chọc tôi. Tôi không dám cười, nhưng tôi thấy anh ấy rất vui. Vị thầy dạy kinh rõ ràng đã tức giận trước hành vi đó, phát ra hai tiếng khịt mũi cảnh cáo. Mẹ của Malaha hoảng hốt vội vàng nói với anh ta bằng một giọng nghiêm khắc:

- Phật Sống, Ngài hãy ngồi yên và đừng làm trò.

Khi mẹ và tôi đã hoàn thành việc cúng bái Malaha cầm quyển kinh mà anh ta không biết một chữ nào, chạm nhẹ vào trán chúng tôi. Sau đó anh ta vẩy "nước thánh" lên đầu chúng tôi bằng chùm lông công. Nghi thức đã kết thúc. Khi mẹ đưa tôi ra khỏi nhà, tôi mạnh dạn quay lại nhìn Malaha một lần nữa. Người bạn của tôi nhướng mắt và cố ý nháy mắt với tôi như muốn nói: - "Cứ đợi nhé, chúng mình lại trèo cây hái trái du và bắt cá dưới suối".

Tôi không khỏi nghĩ: Malaha vẫn chưa biến thành Phật, anh ấy vẫn là người bạn của tôi.

Vào lúc 4 giờ sáng hôm sau, Đức Phật Sống Malaha sẽ khởi hành chuyến đi đến Tu viện. Tất cả dân làng đứng ở hai ven đường còn đầy nước từ rất sớm để chờ tiễn ngài. Tôi thức dậy vào rạng sáng ngày hôm đó, nghĩ rằng sẽ sớm phải chia tay người bạn thân thiết khiến tôi buồn vô cùng. Tôi muốn khóc nhưng không khí trang nghiêm và yên tĩnh đến mức tôi không dám. Tôi chỉ nhìn chằm chằm vào lối vào của ngôi làng nơi Malahe sẽ xuất hiện.

Ngay sau đó là những âm thanh huyên náo của một ban nhạc gồm những chiếc kèn vàng và bạc, những chiếc kèn sừng cừu một chiếc kèn lớn dài hơn ba mét được biểu diễn bởi hai cậu nhỏ, tám trống và mười đôi chũm chọe. Tôi chưa từng nghe hay thấy có một vở nhạc kịch nào biểu diễn thứ âm nhạc chói tai đáng sợ kia cả. Trong cái trung tâm vĩ đại này, một vật thể lớn màu vàng kim di chuyển về phía chúng tôi, càng lúc càng gần. Những người đứng đợi hai bên đường bắt đầu quỳ lạy không ngớt khi vật thể đó tiến lại gần. Đoàn người đưa Phật Sống Malaha bây giờ đã ở trước chúng tôi. Với hy vọng được nhìn người bạn nhỏ của mình lần cuối, tôi thẫn nhìn theo. Mẹ tôi giục: "Quỳ xuống, quỳ xuống!" Trong sự bối rối, tôi qùy xuống và sau đó ngẩng đầu lên nhìn Malaha. Ha! Tôi nhìn thấy một đoàn gồm chín con ngựa to cao, mỗi con được phủ tấm vải sa tanh lớn màu vàng buông thõng xuống tới gần mặt đất. Các Lạt ma và các thành viên trong gia đình của Malaha đi sau chín con ngựa. Malaha, mặc một chiếc áo choàng màu vàng, trông thật cô đơn cưỡi lên con ngựa thứ năm. Mặc dù có bốn vị lạt ma đi kèm ở cả hai phía, nhưng anh ta vẫn sợ bị ngã, hai tay giữ chặt dây cương. Khi đến trước mặt tôi, anh ta nhìn tôi đang cúi gằm. Đôi lông mày rậm của anh nhíu chặt tỏ rõ nỗi buồn chia tay với những người thân và những người bạn. Hình như có những giọt nước mắt trên khóe mắt anh.

Đoàn người màu vàng xa dần và mất hút trong lớp bụi. Dân làng đứng dậy, trán họ đều lấm đất. Những người quỳ lạy nhiều có nhiều đất hơn trên trán. Họ đã đắm chìm sâu trong sự sùng kính tôn giáo đến nỗi quên lau đi.

Khi theo đám đông trở về, tôi cảm thấy như thể bị cướp mất một thứ gì đó. Thật không thể chịu nổi! Tôi không ăn uống cả ngày hôm đó. Tôi lang thang một mình rồi ngồi im lặng dưới bóng cây trên bãi cỏ rộng lớn. Khi trời đã muộn, mẹ tìm thấy tôi và đưa về nhà.

Ba năm trôi qua, tôi được theo học tại một trường kiểu phương Tây.

Một hôm đi học về, tôi thấy khuôn mặt nhăn nheo nghèo khổ của mẹ rạng ngời hạnh phúc, mẹ nói với tôi:

- Phật sống Malaha sẽ về làng mình vào ngày mai để nhận việc cúng lạy của dân làng.

Tâm trí một lần nữa lại tràn ngập hình ảnh người bạn nhỏ Malaha yêu quý của tôi.

Đức Phật Sống Malaha nhận được sự tôn sùng của người dân từ bậc thang cao nhất bằng đá cẩm thạch trắng trước căn phòng chính của một ngôi nhà cổ kính ở phía đông ngôi làng. Người ta nói rằng lạy Phật Sống có thể xua đuổi được vận rủi và biến tai họa thành may mắn. Do đó, một số người với hy vọng chuộc lại những "tội lỗi" mà họ đã phạm phải trong kiếp sống hiện tại và hưởng "bình yên và hạnh phúc" trong cuộc sống sau. Họ còn quỳ lạy sau mỗi bước đi ngay từ ngưỡng cửa nhà của họ cho đến khi đến trước bàn chân của Đức Phật Sống. Để làm được như vậy, một số người đã thức dậy từ lúc nửa đêm. Là một học sinh trường kiểu phương Tây trong vài năm, tôi trở nên thờ ơ với tôn giáo. Tôi không quan tâm đến cấu trúc tráng lệ của tu viện, hay sự trang nghiêm của buổi lễ, mà chỉ tập trung đi đến gần vị Phật Sống để xem kỹ người bạn thời niên thiếu của mình bây giờ ra sao. Giữa làn khói dày đặc của nhang, tôi bị dòng người đưa đến trước mặt bé Malaha, à mà không phải, mà là Đức Phật Sống Malaha. Anh đang ngồi trên một tấm đệm dày bằng sa tanh màu vàng ở bậc thang trên cùng, trong khi tôi đang quỳ gối dưới chân bậc đá cứng. Tôi ngẩng đầu, mở to mắt nhìn và nhanh chóng nhận ra người bạn nhỏ Malaha của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Hai má anh hốc hác, hốc mắt trũng sâu, khuôn mặt trắng bệch, không có tình cảm. Đôi mắt của anh ta đặc biệt có vẻ mệt mỏi và vô thần. Dường như anh cũng đã nhận ra tôi và đảo mắt. Nhưng không đợi phản ứng của tôi, anh liền trở về với cương vị của một vị Phật Sống với ánh mắt trở nên bất động. Chao ôi! Chỉ mới vài năm, người bạn nhỏ của tôi đã thay đổi từ một đứa trẻ hồn nhiên hoạt bát thành một "vị thần" lạnh lùng và thờ ơ. Tôi cảm thấy như có con dao nhọn đâm vào tim.

Vào mùa hè khi Malaha đã là Phật Sống được 5 năm, một lễ lớn sẽ được tổ chức tại Tu viện Gegen, trong đó Phật Sống Malaha sẽ giảng kinh Phật. Tôi đi với những người hàng xóm để chứng kiến ​​sự kiện tuyệt vời này. Vào ngày cuối, Lạt ma cao cấp hàng đầu của Tu viện Gegen tuyên bố: "Đức Phật Sống sẽ nhận việc cúng bái của giáo dân vào buổi tối".

Tối đó tu viện có rất đông tín đồ. Tôi đứng ở xa chừng trăm mét cuối dòng người hướng về phía Phật Sống. Những ngọn đèn cháy trong sảnh chính, mặc dù mỗi chiếc ly bằng đồng có thể chứa được hơn năm mươi lạng dầu nhưng ánh sáng vẫn không đủ mạnh để tôi nhìn rõ mặt anh. Tất cả những gì tôi có thể thấy là một bóng người khoác trên mình chiếc áo choàng màu vàng, chiếc mũ trùm đầu bằng sa tanh màu vàng, hai lòng bàn tay đan vào nhau, đang ngồi đó bất động như một tượng thần bằng đất trong một tu viện lớn.

Tôi đi đường vòng từ sau chánh điện đến trước Phật Sống. Ở đâ thật huyên náo vì không ai kìm được xúc động. Một số lớn tiếng cầu nguyện, những người khác khóc lóc van xin sự ban phước. Họ cúi đầu thật thấp, sẵn sàng quỳ xuống bất cứ lúc nào. Tuy nhiên Đức Phật Sống Malaha nhắm mắt, không để ý đến đám người sùng đạo cuồng tín kia, thậm chí không nhúc nhích một sợi lông mi. Để thu hút sự chú ý, tôi cố tình đứng thẳng người và đi sát ngay đến chỗ anh, mong rằng anh ấy sẽ quay mắt nhìn tôi. Nhưng hy vọng của tôi đã biến thành thất vọng. Đột nhiên tôi nghĩ ra một kế, rón rén đến sát anh rồi cất tiếng gọi: "Malaha, là tôi đây! Xin chào, là tôi đây!" Mặc dù tiếng gọi của tôi không lớn nhưng chắc chắn rằng anh nghe thấy. Nhưng anh ta không đáp lại lời gọi này. Trái tim tôi như bị đông thành đá. Có thể là anh ấy đã thực sự trở thành một vị Phật Sống rồi chăng? Trong cái không khí tôn giáo đầy uy quyền và bí ẩn này, tôi không tự chủ được, quỳ xuống trước anh và lạy nhiều lần liên tiếp. Khi đứng dậy lê mình ra khỏi tu viện, lòng tôi đau xót với ý nghĩ là mãi mãi đã mất đi người bạn thời thơ ấu thân yêu.

Mấy chục năm trôi qua. tôi đã lớn lên từ một cậu bé nghèo hèn, dốt đặc nay trở thành một nhà văn. Tôi thường hồi tưởng lại tuổi thơ vàng son của mình cùng bao người bạn đồng hành thuở thiếu thời, những người đã trở thành hình mẫu cho những nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm của tôi, nhưng không hiểu sao tôi lại đã không thể viết về Malaha. Có thể vì anh ấy không còn là một người bình thường trong trí của tôi, mà đã là một vị Phật. Trong các tác phẩm văn học của tôi, mô tả cuộc sống thực, điều tôi viết ra là những người đàn ông bằng xương bằng thịt, những người có cảm xúc chứ không phải những thần tượng bằng đất thậm chí không thể quay mặt hoặc phản ứng khi tên của chính mình được gọi.


Vào một đêm mùa đông khi đang ngồi trong phòng làm việc và viết thì nghe thấy tiếng ai đó gõ cửa. Mẹ tôi đã tám mươi sáu tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh lên tiếng: "Đang đến, sắp tới" rồi đi ra mở cửa. Rồi tôi chợt nghe thấy tiếng con gái nhỏ của mình la khóc:

- Papa, đến đây nhanh lên, bà nội bị ngất rồi.

Tôi quăng vội cây bút rồi chạy ra. Không phải mẹ tôi ngất đi mà bà đã quỳ lạy liên tục. Con gái tôi chưa từng thấy chuyện này bao giờ nên nó nghĩ rằng bà nội ngất xỉu. Trong khi đó, người khách đã sải bước và đang cẩn thận đỡ mẹ tôi dậy:

- Dì ơi, dì không nên làm như vậy. Con là một người bình thường, không phải là một vị Phật Sống nữa đâu.

Tôi quay lại nhìn người khách. Anh ấy ăn mặc chỉnh tề. Hai bên thái dương xám xịt, khóe miệng rũ xuống và mái tóc trên đầu được chải gọn gàng về phía sau. Anh quay về phía tôi sau khi đỡ mẹ tôi dậy. Sau đó, từ đôi mắt cười của anh, tôi nhận ngay ra: đó là nhỏ Malaha, người bạn thời thơ ấu của tôi!

Sau vài lời chào hỏi, tôi mời anh tới phòng làm việc, chuyện trò sao bao nhiêu năm xa cách không biết tin tức của nhau:

- Anh ở đâu suốt những năm qua?

Anh ta uống một ngụm trà rồi nói một cách ôn tồn, kèm theo một lời tự chế diễu:

- Tôi đã đi khắp nơi để hành nghề y, tới bất cứ nơi nào có thể. Sau khi ở trong tu viện trên 10 năm, tôi giao công việc lại cho vị Lạt Ma cao cấp nhất và bắt đầu nghiên cứu y học Mông Cổ và Tây Tạng ngay trong ngôi chùa nơi tôi sống. Kiến thức y học cổ truyền của người Mông Cổ và Tây Tạng thật vô cùng phong phú. - Nói rồi anh ta lấy trong cặp ra một cuốn sách được đóng bìa công phu. - Đây là kết quả nghiên cứu hơn bốn mươi năm của tôi, được xuất bản gần đây.

Tôi cầm lấy cuốn sách và thấy trên bìa có in nổi tiêu đề: "Dược điển Mông Cổ và Tây Tạng" với ký tự lớn bằng vàng, trong đó in các ngôn ngữ Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Hoa. Bên dưới có in tên tác giả: "Bác Sĩ Malaha".

Tôi phấn khởi nói:

- Vào thế kỷ trước, nước này đã sản sinh ra một Yinzhannaxi (Chú thích: Yinzhannaxi là nhà văn và nhà thơ và nhà tư tưởng nổi tiếng Mông Cổ), bây giờ ở thế kỷ này, chúng ta lại có bác sĩ nổi tiếng Malaha. Đây là điều mà người dân tự hào.

Khuôn mặt của Malaha rạng rỡ, rõ ràng là anh cảm thấy vô cùng vinh dự. Đôi mắt thông minh của anh sáng lên.

- Tôi vừa tham dự một hội nghị quốc gia về khoa học y tế ở Thượng Hải, và đặc biệt đến để gặp bạn trên đường trở về.

Malahe ở với tôi trong ba ngày. Vào đêm trước khi anh ấy đi, tôi đã chuẩn bị một số món ăn và rượu chia tay. Anh không phải là một người uống rượu giỏi, nhưng tối hôm đó anh đã uống hết ly liên tiếp. Rượu làm ấm mặt chúng tôi. Tình cảm của chúng tôi khi còn nhỏ nay lại quay trở lại. Cả hai chúng tôi thật vui. Có lẽ nhờ rượu mà tôi buột miệng hỏi một câu mà mấy hôm nay tôi không đủ can đảm hỏi:

- Bây giờ bạn là Bác sĩ Malaha hay Phật sống Malaha? Bác sĩ là một người. Nhưng nếu bạn vẫn là một vị Phật Sống thì bạn không phải là một người mà là một vị thần.

Malaha ngồi trên ghế tựa, tay cầm tách trà. Anh cười buồn, và nói với giọng không nhanh cũng không chậm:

- À, tất nhiên, không có vị Phật Sống nào tại đất nước này cả. Người ta đã tạo ra các vị thần cho chính họ với mục đích nào đó. Và tôi đã thấy rõ việc này nên chuyển qua việc nghiên cứu y học vậy.




VVM.28.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .