T
ừ khi ba tôi mất rồi, tôi mới nghiền ngẫm những lời giáo huấn của ba thật là tuyệt hảo, ba đã cho tôi những kinh nghiệm về cuộc sống trên bước đường đời
Ba là một người luôn luôn cầu tiến, từ một cậu bé mồ côi cha lúc mười bốn tuổi ba đã học hỏi, cố gắng vươn lên để trở nên người thành đạt trong cuộc sống và có ích cho xã hội hiện thời.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ ba thường dạy tôi dùng những từ nhẹ nhàng êm ái trong sinh hoạt hằng ngày, ví dụ như, ăn cơm, ba dạy nói xơi cơm, ngủ ba dạy dùng từ nghỉ hoặc ngơi và những điều vệ sinh cá nhân ba cũng dạy nói những từ hoa mỹ, dễ nghe. Ba dạy theo cung cách nhà quan, mà đúng vậy ba là cháu quan huyện, quan đốc, cha là ấm sanh . ông nội là tiến sĩ làm quan đời vua Tự Đức, hiện tại có tên trong bia văn miếu ở Huế. Mỗi lần ba dạy tôi mẹ thường pha trò
_ Quan tui ngủ, quan tui ngơi, quan tui xơi......
Những lúc ấy, ba nhìn về phía mẹ bặm môi nhưng trong ánh mắt ba lại ánh lên nụ cười. yêu thương Ba dạỵ chị em chúng tôi từ cách thức ăn uống, từ tốn, đến đi đứng dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, đi thưa về trình, nhất nhất trong cuộc sống hằng ngày ba đều chỉ vẽ chu đáo, lớn lên chút nữa, ba dạy ra chợ mua con cá tươi, mua con cua chắc, cua có gạch , bó rau ngon...v...v...Ba dạy tôi cách dọn mâm cơm cho đẹp mắt, sắp xếp chén bát cho hợp lí ..v....v
Còn mẹ thì không dạy chúng tôi tỉ mỉ mà dạy thơ văn, vì mẹ rất thích thơ những bài thơ dài mẹ đọc một lần là nhớ hết, nhớ rất lâu, còn văn, mẹ xem một cuốn truyện dài nhớ rò nội dung và thuộc tên nhân vật, mẹ đọc từ hồi còn trẻ mà bây giờ qua bảy mươi năm sau mẹ vẫn còn nhớ.
Điều quí giá mà ba dạy chúng tôi là câu " Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim " Rồi ba giản giải, tình nghĩa mới quan trọng, mới cần thiết, còn tiền chỉ là phân, là đất mà thôi. ba còn dạy với câu châm ngôn " của phi nghĩa có giàu đâu " Ba dạy chúng tôi, con người phải có lòng nhân ái, phải sống có nghĩa, có tình với những người chung quanh
Thuở ấy ba có một người bạn rất thân, bác ấy là vai anh, anh em kết nghĩa cùng chung hoạn nạn có nhau, nhưng hai vợ chồng bác ấy không có con, ba thường xót xa cho bạn quạnh hiu, trong nhà vắng tiếng cười khóc của trẻ thơ, buồn lắm, trống vắng lắm. Anh em rất thân thiết, vợ chồng bác thường về nhà ba mẹ ăn uống ở lại có khi cả tuần
Rồi một hôm bác ấy mượn của ba mẹ hai ngàn đồng, thuở ấy hai ngàn rất lớn, có thể mua một cái nhà nhỏ. Mãi sau nầy bác ấy làm ăn khấm khá hai bác lơ luôn, mẹ cứ thúc ba đi đòi.
Một hôm ba chở tôi bằng xe đạp lên nhà bác ấy đòi. Nhà bác ấy ở tận Đồng Dài cách nhà ba mẹ bảy cây số, ba chở tôi đi qua một cánh đồng dài ngoằn, có lúa chín vàng, gió lay xào xạc, những cơn gió mát nhẹ, mang theo bao mùi hương tinh khiết của đồng nội, chân quê, gieo vào lòng tôi một cảm giác bâng khuâng xao xuyến. Khoảng giữa của đoạn đường có một đồi sim trái sum sê chín mọng, đến một nơi hàng quán đông đúc, có chợ được gọi là chợ Đồng Dài, chợ này chuyên bán trái cây , như thơm, mít, ổi, xoài, của các nhà vườn đem đến ..v...v các người đi buôn ở tận Bồng Sơn đi thật sớm lên mua và đem về bán tận dưới phố. Ba ghé vào một căn nhà sạch sẽ, mát rượi nhờ bóng dừa bao bọc chung quanh, trước ngỏ có khóm tiểu cúc để uống trà. hoa nở vàng tươi thắm Nhưng mà nhà đóng cửa, ba nói cùng tôi
_ Đây là nhà của bác ba Bộn, người thiếu tiền mình
Ba gọi mãi chẳng có người thưa vì cửa nhà không khoá, ba đành chở tôi lên ngả ba sông nơi nhánh rẽ của con sông Ân Thường và con sông Lại Giang. Ở đầu nguồn nước rất cạn, ba vác xe đạp lên vai, rồi dắt tôi lội qua. tôi nhìn xuống đáy sông nước trong veo, có lớp cát dợn sóng,từng đàn cá bơi qua, bơi lại dưới ánh nắng và nước, đôi mắt của cả sáng ngời, trong vắt
Ôi ! Bên kia sông là một con đường mát rượi không có bóng nắng, mép bờ sông là một con đường đât pha cát rất sạch sẽ, ba chở tôi đi trên con đường thơ mộng, có hàng tre cao vút, có những lá tre bay bay rải rác ven bờ. đi lên bên tay mặt là sông, đoạn sông này nước trong xanh, rộng và rất sâu, mỗi lần gió thổi qua có sóng dập dềnh. Bên tay trái là nhà, nhà nào cũng có vườn rộng, cây trái sum sê, có nhà ngõ, có hàng rào chè tàu thẳng tắp, có những cây cau cao vút, hương cau thơm dìu dịu, thật đê mê lòng người. Nhà và ngõ cách xa nhau, trước nhà có trồng cây hoa phượng ta đỏ thắm, hoặc vàng tươi, bên phải có đống rơm to tướng, nơi đây một vùng quê thanh bình, như chẳng bao giờ biết đến chiến tranh
Đến xưởng giấy ba làm, xưởng giấy có tên là Gia Bình, nhưng đó là gần Dinh Bà nên người ta đọc lái là Gia Bình. Nơi ấy có một dinh thự rất nguy nga không biết có từ bao giờ, dinh được tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn, còn nguyên vẹn, nhưng dấu vết thời gian đã nhuộm đầy ẩm mốc rêu phong, những hàng ngói lưu li đen sì có cây lá mọc trên ấy, một bên hông có cây đa rất to toả bóng mát một vùng, tạo nên cảnh âm u kì bí....
Xưởng giấy sát bờ sông, núp dưới hai hàng dừa kín đáo, công nhân làm rất đông, ai gặp ba cũng vui vẻ rủ ba ở lại, nhưng ba nói phải về vì con nhỏ. Ở đó ba chỉ phụ trách về khâu kỹ thuật máy móc, nên ba cứ đi đi về về, miễn sao máy móc chạy tốt là được, vả lại ba có phần hùn, nên thì giờ cũng thoải mái tự do
Trên đường về ba dẫn tôi ghé quán ăn cháo tim cật, rất ngon rồi ba nói cùng tôi bác ba Bộn không trả thì thôi từ nay ba không đi đòi nữa
Về nhà mẹ hỏi đòi được không?
_ Ba nói
_ Thôi mình ạ! Bác ấy muốn tránh mặt thì thôi
Mẹ tức tối
_ Cho sáng con mắt ông, nửa đêm cũng bắt tôi thức dậy làm gà, làm vịt đãi bạn quí
Ba nói
_ Ở đời mà " Lịch sự thầm dễ ở, hổ ngươi thầm biết thuở nào nguôi "
Từ hôm ấy ba mẹ có vẻ giận nhau
Nhưng cái tính lạt lòng và thương người cơ khổ của ba vẫn không bỏ được, ba hay cho bạn, hoặc đàn em mượn tiền rồi họ quỵt luôn, là chuyên thường tình
Mẹ thường nói Ba là đàn ông, nếu là đàn bà sẽ bị dụ dỗ, thân tàn ma dại.
Sau này ra đời rồi tôi mới thấy ba là người đàn ông quá tuyệt vời. Dù mẹ không sinh được con trai, nhưng tôi chẳng bao giờ nghe ba ước mơ có mụn con trai để hương khói sau này. Ba còn khuyên mẹ
_ Mình ơi! Đừng buồn vì số vợ chồng mình không có con trai mình nhé. Trai hay gái gì cũng con mình, chúng mình đều thương yêu chúng như nhau
Nghe ba nói mà lòng tôi dâng lên một nỗi xúc động miên man, tôi thấy thương ba vô cùng....
Ba cũng có những tháng ngày lãng mạn, ngồi cả ngày bên bờ sông câu cá, hoặc lênh đênh trên con thuyền nhỏ giữa những đêm trăng, mà nghe tâm hồn, thổn thức lắng đọng mênh mang....
Nhưng sau nầy tôi lấy chồng, lúc ấy chưa có con, một hôm, trong trại lĩnh lương chiều thứ báy, những người trực ở lại, rồi bày ra chơi bài tại nhà tôi. Ban đầu chơi không tiền, rồi chơi nhỏ, sau nóng máy chơi lớn Hôm ấy chơi suốt đêm, anh đã thắng sáu người vơ hết tiền về phần mình. Tối ấy tôi đã nấu cháo gà đãi tất cả mọi người
Sáng ra anh đưa tiền thắng bạc cho tôi, tôi không nhận và nói
_ Anh hãy trả lại cho các chú ấy đi vì "của phi nghĩa có giàu đâu" Đồng tiền mình phải làm bằng mồ hôi và sức lao đông mới quý, mới xứng đáng, tiền cờ bạc chẳng có nghĩa gì
Anh nghe lời tôi trả lại tiền và cũng từ đó anh không bao giờ chơi bài nữa. Cũng từ hôm ấy tôi thấy rõ lời giáo huấn của ba là hiệu nghiệm,
Tuy ba đã ra đi khá lâu và ba cũng không để lại cho chị em chúng tôi vàng bạc châu báu gì. ruộng sâu, trâu cái gì Nhưng những lời giáo huấn của ba như còn vang vọng bên tai tôi, để lại trong tâm tư tôi biết bao lời nói mà tôi ngẫm nghĩ còn quý giá hơn vàng bạc gấp vạn lần. Đó là vốn liếng quí giá mà chúng tôi ra ứng xử với trường đời,
Tôi còn nhớ ba rất trọng " Nhân nghĩa lễ trí tín " ba nói
_ Ở đời " một lần thất tín, vạn lần thất tin" Quan trong là đừng bao giờ dối gạt và nói láo
Vào năm 1960 lúc ấy ba mẹ ở Đà Nẳng mới vào Qui Nhơn được mấy tháng chưa mua nhà còn ở nhà thuê, ba đi làm ở đường Lê Thánh Tôn Một hôm người rễ của dì thứ Năm từ Hoà Phong xuống nói dì dượng bị thiếu tiền thuế nông nghiệp bị người ta bắt nhốt, sai con rễ xuống mượn tiền hoặc vàng, để về nộp. Vậy là ba mẹ bàn nhau, dì dượng có ơn với mình, lúc mình hoạn nạn, mình đem con mình gửi mấy tháng, giờ anh chị gặp nạn không lẽ mình làm ngơ và đây cũng là dịp để vợ chồng mình trả ơn. Vậy là ba mẹ, hớn hở cho mượn ba cây vàng. Nào ngờ bị gạt, người rễ của dì dượng lừa gạt đem về đánh bạc thua hết.
Sau này mãi đến năm năm sau, dì dượng thương tình trả lần mới hết, ba mẹ cũng vui vẻ chẳng nói tiếng nào mích lòng.
Bây giờ ba không còn nửa, ba ra đi đã mấy chục năm rồi, nhưng những hình ảnh của ba, tiếng nói ấm dịu của ba ngày nào như còn phảng phất đâu đây, trong tâm khảm tôi, trong trái tim tôi,tôi nhìn lại bức hình của ba mà nghe lòng rưng rưng, nhớ đến những lời giáo huấn của ba lúc sanh tiền.....