C
ứ sáng rõ sớm hôm nào cũng vậy, ông Dũng dậy tập thể dục chỗ sân gạch trước cái vườn nhà mình. Ông vừa tập từng động tác, vừa hô đếm rành rọt
cho có nhịp. Làn gió sớm mai tràn hơi ẩm không khí làm ông nhớ thói quen từ một thời người lính.
Ông bảo với bà khi chỉ có hai người : “ Bà biết khi hôm tôi xuất ngũ. Có thằng đại tá như tôi, nó bảo tôi thế nào, bà có biết không?”
Bà lắc đầu. Nó bảo là nó đứa bị thiệt thòi, bởi vì lấy vợ là con gái nông thôn có ba thứ không, một là không đánh răng, hai không tập thể dục…”
Bà chờ ông nói tiếp nhưng ông đã đi ra phía bờ ao. Mấy hôm sau bà mới gạn hỏi, bắt ông nói tiếp cái thứ ba. Ông nhìn chăm chăm vào bà
rồi nói khẽ “…là không rửa đít! Chỉ chùi”. Bà bật cười hỏi lại “ Thế ông trả lời ra làm sao?”.
Tôi bảo : “Cậu cũng lắm kinh nghiệm gớm nhỉ! Thế thì con gái thành phố thì nó rửa suốt ngày à? Tớ cóc cần”. Rồi ông lại bảo “Nói thế thôi, bà cũng nên tập thể dục đi cho nó khoẻ người”. Từ đấy bà luôn theo ông tập thê dục đều và thực sự bà thấy khoẻ ra.
Bà có gương mặt vẫn giữ được những nét đẹp thời con gái, phúc hậu, hiền lành. Tính tình điềm đạm của bà giúp bà có được thiện cảm của cư dân xóm giềng. Hôm đón ông về có cả những lãnh đạo của huyện, có cả đoàn khách những người đàn ông, phụ nữ luống tuổi, mặc quân phục màu xanh đi vào ngõ như hòa vào giữa rặng cau đang độ lên xanh. Họ đến thăm bà, trong sự thán phục của bà con xóm giềng, thật oách, thật sự làm bà tự hào về ông lắm.
Ở cái xóm này từ trước, bà vẫn sống lặng lẽ với bốn đứa con, một trai là thằng con trưởng và ba đứa con gái. Chúng đã trưởng thành cả, đến khi ông nghỉ hưu về, thì vừa lúc xây dựng gia đình vừa cho đứa con út ra ở riêng, vợ chồng lại cứ như cặp tân hôn.
Ông đi lại chỗ cái khung treo trên chỗ cửa vào buồng. Ông lặng ngắm từng đứa trong ảnh, chăm chú lâu lâu vào thằng Trưởng. Càng lớn nó càng giống ông. Tiếc là gần như cả cuộc đời ông không có điều kiện dạy dỗ được nó. Nó lớn nên như một cái cây ngang tàng mọc thẳng lên, xuyên thủng qua cả vòm lá che chở của mẹ nó.
- Bố cho gọi con ạ? - Thằng Trưởng chạy vào sân trông tất bật, quần áo lấm bùn.
- Tôi bảo mẹ anh nhắn anh lên, nhưng không phải là việc gấp lúc này. Anh uống nước đi đã, để tối nay nói câu chuyện cũng được.
- Bố ạ, con đang bận lắm, có chuyện gì bố nói luôn được không?
Nó đang nuôi những thứ ba ba, tôm cá, trồng cỏ nuôi bò sữa gì đấy. Nó là kỹ sư nông nghiệp mà không theo một cơ quan nào cả, tự mình đứng ra thầu đất thầu ao. Nghề nông ông không lạ, vất vả thì vẫn chịu được, nhưng nó làm thế thì phí đời. Ông bảo :
- Thôi được. Tôi có chuyện này định hỏi anh từ lâu rồi. Tôi muốn biết, anh chưa vào đảng là làm sao?
- Con không tự hỏi mình điều đó bao giờ, con cứ nghĩ là người tốt, chịu khó làm ăn nuôi vợ nuôi con là được.
- Anh có nghĩ anh là con tôi không? Người ngoài đảng là không có lý tưởng. Anh bằng lòng với cái thứ anh có, tuy không sao, nhưng hèn lắm. Đứng ra chỗ đầu sóng ngọn gió cho nó cứng cáp cái thân anh lên. Có cái mà người ngoài đảng sẽ không có được, trước trách nhiệm của mình với mọi ngưòi. Anh đem cái kiến thức kỹ sư của anh đi nuôi trồng cái cho riêng anh thì tốt sao?
- Bố ạ - Cậu con cả cười hị hị, nó biết được cái tính của bố nó - Con giúp khối người thành công trong việc nuôi trồng đấy. Con còn được nhiều người ở cái làng này ca ngợi đấy bố! - Im lặng một lát anh con trưởng lại tiếp
- Chuyện ấy không có gì quan trọng. Có thể bố cho con là không đúng, nhưng bố cứ để con nói. Thực tế là nhà quê vẫn con trâu đi trước cái cầy kéo người nông dân. Con có thể ngủ ngoài cái lều trông cá cả đêm, không có chăn ấm đệm êm. Con có thể có tiền mua xe ôtô tải để vận chuyển. Nhưng không thể mua ôtô đẹp chỉ để đi chơi bằng xe đời mới. Con chấp nhận uống rượu quê vì tiếc tiền không dám uống thường xuyên rượu ngoại được. Đảng viên bố ạ, không phải người tốt nào cũng vào đảng cả. Mấy lại vợ con nó yếu, nên con ở nhà cho hợp cảnh.
Nói rồi nó đi ngay ra sân, tránh sự tranh luận mà nó biết trước sẽ xảy ra căng thẳng với ông.
Ông buồn thật sự, nó không có chí tiến thủ lại chỉ nhìn vào toàn những thứ tiêu cực. Nhưng ông quyết không chịu. Ông sẽ rèn nó bằng được.
Ông bạn đại tá quê ở miền trong, cùng ông Dũng nghỉ hưu về, hôm ra cùng họp cựu chiến binh sư đoàn, rẽ đến nhà thăm ông. Lũ trẻ hàng xóm thấy người lạ xúm lại, đi theo. Thấy ông ấy đeo một đống huân chương trước ngực trông ghê quá, chúng không biết chào thế nào, cứ giương mắt lên nhìn.
Ông đại tá kéo ông Dũng ra nói nhỏ:
- Cậu phải giáo dục con cháu thế nào chứ, tôi thấy không ổn, ra chẳng đứa nào chào tôi cả, rồi lẳng lặng chuồn mất. Bọn trẻ bây giờ là dễ hư hỏng lắm!
Thực ra, lúc đó chưa có đứa nào là con cháu của ông, nhưng rõ là chúng cũng như con cháu ông.
Bà thấy hai ông gắn bó với nhau lắm. Ông Dũng như hăng hái kể lại những chuyện ngày còn trong quân ngũ, ông là người vững vàng trong thử lửa với súng đạn trên chiến trường, những vết thương thành sẹo nham nhở trên người, vẫn nhắc nhở ông bằng cơn đau mỗi khi trái gió, trở trời. Dịp được hàn huyên thế này chắc cũng đáng để nhớ lâu. Ông Dũng phàn nàn về cái ông thực sự đang lúng túng, ngày trước ông không mấy thua ai, bây giờ khi nghỉ hưu, sức thuyết phục thì kém hẳn :
- Ở ngay cái chính cái làng của mình, chính chỗ quê hương mình, mà tớ thấy mình chẳng đâu vào đâu. Bây giờ về nghỉ, đừng nói là ăn nhập, khi đã không còn quyền lực, không có vị trí trong lãnh đạo địa phương, thì sức thuyết phục kém hẳn cậu ạ. Đến con mình nói cũng không xong!
Bà Hoà chạy xuống nhà thằng Trưởng ở cuối làng, rồi lại ra chỗ ao, tìm gặp thằng con trưởng, trình bày với nó về chuyện có ông khách bạn bố đến chơi, muốn nó về với hai ông một chút để nói chuyện.
Nó thấy bà có vẻ phấn khởi lắm, nó bảo:
- Bà cầm con ba ba này về để hai ông dùng bữa. Bố con vui lắm, thế là tốt rồi. Ba ba con nuôi được, con to nhất cũng chỉ mới hơn một cân, nhưng hai ông dùng thì vừa khéo. Bây giờ con đang bận quá không về được, bà cứ bảo hai ông thông cảm!
Cái thằng rất lạ, cứ gọi bà là “bà”, còn nó gọi ông là “bố con”. Từ bé, mặc dù rất ít khi được gặp bố nhưng nó vẫn kinh sợ ông.
Những câu chuyện còn nguyên cái rừng rực lửa, tiếng tre nứa nổ lốp đốp của trận cháy rừng vì bom napan. Những chặng đường hành quân, những đêm nằm vùng vỗ đùi muỗi đốt, lẫn trong tiếng “cắc, bọp” của súng A.ka điểm xạ chống ngụy tái chiếm vùng cài răng lược, được hai ông đúc kết từ suốt những quãng dài của cuộc hành quân bất tận ấy.
- Cháu chào hai ông ạ!
Chợt một thanh niên cao cao ăn mặc có vẻ xuềnh xoàng, cặp mắt sáng trên khuôn mặt có dạn dĩ dưới hàng lông mày khá rậm, đi vào sân. Thế cũng hởi lòng, nó có khác hơn lũ trẻ ranh. Ông nhìn và nhận ra là thằng bán ngan, vẫn thường mổ vịt cho vợ nó ở chợ.
- Bà nhờ cháu vào mổ ba ba làm cơm, để hai ông dùng ạ!
Ông thấy khoan khoái hẳn, nó có ý tứ lại còn biết mổ cả ba ba nữa. Bà mà đã nhờ, chắc phải là tay khá về khoản bếp nước rồi. Ông bảo :
- Cháu ngồi đây làm chén trà đã. Định nấu kiểu gì?
- Dạ ba ba om chuối đậu có ít thịt ba chỉ nữa thì miễn chê ông ạ. Cháu sẽ làm cả món ba ba hồng xíu nữa để hai ông thưởng thức.
- Ai dè quê mình cũng lắm anh tài. Ông chỉ biết chén thôi cháu ạ. – Ông hào hứng khen nó.
Ông lại kể về điều băn khoăn không ngủ được. Ông lao vào sinh hoạt hội cựu chiến binh, sinh hoạt với hội người cao tuổi, ham muốn đóng góp những kinh nghiệm của mình bóc ra từ bốn mươi năm trong quân ngũ, Cái đồng đất quê bạc màu này cứ nghèo khổ mãi, làm ông trăn trở.
- Nhưng hình như nó như nước đổ lá khoai họ bỏ ngoài tai tất, ông ạ.
Ở cái làng quê ông trước kia nghèo kiệt, sắn khoai che hết hạt cơm trong nồi. Bây giờ tuy có khá hơn nhưng vẫn còn nhà còn dưới mức hộ nghèo, con cái còn nhiều đứa thất học.
- Cái chữ là thứ truyền tải kiến thức thuận tiện, đầy đủ hơn lời nói rất nhiều. Không biết đủ cái chữ đến hết phổ thông thì làm được trò trống gì!
Bế tắc, ông rút về vận động những người cao tuổi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Thơ.
- Cái trò thơ ca, nói thế chứ cũng là thứ truyền tải kiến thức, cũng không hẳn đã tẻ. Những thứ có trong người mình, nó vẫn cứ sùng sục lên, bắt phải cho nó tuôn ra. Thôi thì ngấm vào đâu thì ngấm, chứa vào đâu cũng được, cốt sao không phải để sau lại đem xuống âm ti là được.
- Ờ, cái thứ thơ ca cũng là một vũ khí chứ sao - Ông bạn thêm vào - Ở chỗ tớ cũng thế, Mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ thơ, ông nào ông ấy cứ cho thơ mình hay, cứ đòi in ra bằng được để gửi được đến tận tay độc giả, mà tiền thì không được bao cấp. Vận động tài trợ, quyên góp mãi in được một tập thơ “cụ” thì xếp để trong nhà văn hoá thôn, đến trẻ con cũng không đọc.
- Các cụ từ nhơ nhỡ về hưu, đến già móm hết mồm hết hồn vía mà bình thơ, thì thà rằng cứ mang thơ người khác ra đọc còn hơn. Mấy bố có dính líu chút ít lãnh đạo thì toàn thơ tổng kết đánh giá, các ông đã tham gia phong trào văn hoá, bị nhiễm thói thị dân này nọ thì toàn thơ dạy đời. Mấy ông giáo toán viết rõ lắm, nhưng toàn là thơ lục bát. Thơ các cụ nào có ra vần, chả có hình ảnh, không có mầu sắc, ánh sáng hay âm thanh. Đọc thơ mà cứ như húp cháo loãng ấy!
Hai ông thật sự hào hứng say sưa, cười nhâm nhi bên chén nước trà.
Bà lấy cớ có việc phải ra chợ. Xưa nay bà vốn vậy, nhường nhịn chồng con đãi khách thành thói quen, không cùng ngồi ăn với chồng khi có khách bao giờ.
- Cháu mời hai ông ạ! - Thằng bán ngan bê một cái mâm to lên đặt xuống giữa hai ông.
- Cháu ở lại cùng ăn với ông cho vui.
- Dạ, cháu xin phép cháu còn có chút việc ạ. Đây là cái mật ba ba tốt lắm, cháu cho vào rượu để hai ông uống cho khoẻ ạ!
Nó xoè bàn tay trong có cái mật to bằng cái đầu ngón tay út cho ông nhìn, rồi lấy dao rạch một đường dốc nó vào cái cốc có sẵn rượu. Màu rượu trắng biến hẳn sang sắc xanh lá cây.
- Cảm ơn cháu. Đúng là thanh niên thời nay, nhanh nhẹn được việc lắm - Ông khen thật lòng.
- Dạ, cháu trước còn là bí thư thanh niên của xã ta đấy ạ!
Nó về không quên chào hai ông lần nữa rồi ra về.
Ông bạn đại tá lại nói về chuyện một thằng đã từng là lính nhà báo, đã có ba mươi năm tuổi đảng tự mình làm đơn xin ra khỏi Đảng. Nó viết đơn là, xuất phát từ nhận thức của nó khi nó được vào Đảng trước kia chỉ là bằng tình cảm, bây giờ nó chuyển sang nhận thức được bằng lý trí thì nó xin ra. Nó cho rằng, đó cũng trùng với quá trình chuyển hoá của chính Đảng, từ ý chí vì dân, vì nước sang chỉ vì sự tồn tại của Đảng.
Câu nói quất vào da thịt ông. Ông bảo :
- Thằng cứt!
Ông thế mà ông vẫn nghe đài địch mới chết chứ, trước kia ông là đối tượng được nghe nên thành quen. Nhưng mà ông đâu có mất lập trường, cái đó là chỉ cho những thằng còn thò lò mũi. Ông còn biết cả chuyện tranh chấp ở Trường Sa, Hoàng Sa, chuyện khai thác Bô xít nhôm ở Tây nguyên.
Ông bạn lại nói tiếp. Nó còn viết:
- Nỗi đau ly tán khoét sâu trong lòng dân tộc, lại lộ ra mỗi khi lãnh đạo nước ta đến Mỹ, đều có những đoàn người của cộng đồng người Việt ở Mỹ rầm rộ biểu tình chống đối.
Ông nghĩ : “Nó định như thằng Phạm Nhan, theo mấy thằng Nguyên Mông học được cái thứ tà ma. Nó dẫn giặc về đánh cả dân của mẹ đẻ ra nó. Nó tưởng không có loại kiếm nào chặt đứt cái cổ họng của nó sao?”
- Còn cái chuyện Dân tộc là gì?
Ông đau lòng lắm, nói ra không hết được. Ông biết cả cái chuyện con mẹ “tiến sỹ” sử học tự xưng không có bằng, chê dân ta quên mất rằng tổ tiên mình là người Trung Quốc từ cái bàn chân lai Giao chỉ lên đến đầu. Đúng là thứ trí sỹ giấy, nhận thức như thế về lịch sử không đáng lấy một xu.
- Ờ ờ ! mà nếu có đóng góp ý kiến với Văn kiện Đại hội Đảng thì sao? - Ông lại thấy có tiếng trong cái ào ạt đang bốc lửa trong đầu - Tất nhiên rồi, nạn tham những hoành hoành ăn rỗng thủng mọi công sở lớn bé. Nếu đã là đảng viên thì chắc chắn là phải vì dân. Bất luận trường hợp nào nếu như có tham những vì cái bụng thối của nó thì chắc chắn là không vì dân. Phải chống đến cùng, phải cho ra nhẽ cho khỏi tổ chức dù nó là ai, không có thì mang tiếng.
Tự nhiên thấy bà hớt hơ hớt hải chạy về, đứng lặng ngó hai ông đang chúc nhau mừng nhân cái ngày gặp lại ở cái làng quê này. Chai rượu cạn hết cả.
Mặt bà cứ tái dần. Mãi đến tối bà mới bảo :
- Chết thật ông có thấy trong người thế nào không?
Ông nhìn bà, gặng hỏi :
- Sao có chuyện gì à?
Bà kéo ông ra một chỗ nói nhỏ:
- Cái thằng chết tiệt ấy nó đổi cái mật ba ba của nhà ta bằng cái mật vịt của con vợ nó. Tôi chợt nghe lỏm được chính thằng chồng nó nói với con vợ nó ngoài chợ!
Ông bạn bên cạnh đã ngả người ra ngủ trên ghế lúc nào không hay.
- Chết. Nó có là người hay là ma? Bà đừng nói gì nữa, phải trông chừng thằng đại tá nó mà làm sao thì tôi với bà cùng chết cả đấy!
Bà hốt hoảng run hết cả như người lên cơn co dật.
Ông loáng thoáng thấy sợ một cái gì không rõ. May mà chỉ ậm ạch cái bụng.
Nửa đêm ông tỉnh giấc nhẹ nhàng, ra khỏi giường để tránh làm mất giấc ngủ của bà. Ông che ngọn đèn cho đỡ hắt sáng ra, lấy một cái cốc to đổ một ít rượu quê. lấy giấy bút. Ông từ từ nhâm nhi chút rượu suông và làm thơ.
Ai còn đợi ta miền sông thẳm Trăng ngoài trời vẫn sáng lắm. Ánh trăng hắt qua cửa sổ thành những dài mờ lay động trên mặt bàn. Những gì hào hùng từ đâu cứ ập về.
Một chút như luyến tiếc, còn cả những tiếng nổ, một chút như níu gọi cả những day dứt thầm lặng. Chất men nâng ông lên dần, nâng cái chất
chứa lên. Trời đêm sáng mờ, rộng mà trong, hắt lên mái tóc đã pha sương. Trận tiền như còn đấy, vẫn rừng rực đang lửa cháy ngày nào.
Úp mặt sông vàng chạm nước non
Đường mây trôi mải trời thôi bạc
Mặt đất bằng ngang lặng nỗi lòng.
Con thuyền lạc mũi trong cô vọng
Nguồn ván rời thuyền vỡ mênh mang.
Bể cảnh cạn khô hoang mục vữa.
Trăng mờ sao tán chốn dừng chân.