T
huở nhỏ, mỗi lần đoàn văn nghệ Xuân Thu
đến trình diễn ở thị trấn bé nhỏ
này là lòng tôi cứ rạo rực, nôn nao. Tôi tìm
cho mình một chỗ ngồi gần kề sân khấu để
nhìn cho rõ khuôn mặt dễ thương của nữ ca
sĩ Bích Sơn. Mắt mí lót, môi mỏng, khuôn mặt trái
xoan. Và giọng nói “Bắc kỳ” đầy âm điệu, nhỏ nhẹ,
duyên dáng khi chào khán giả: “Bích Sơn xin chào quí vị…”.
Nàng khẽ cúi đầu và nở một nụ cười có núm đồng
tiền duyên dáng. Sau đó nàng mới cầm micro, cất tiếng
hát: “Hôm nay trời xuân bao tươi thắm. Dừng gót phiêu
lưu về thăm nhà… Cô láng giềng
ơi! Không biết cô còn nhớ tới tôi. Giây phút kia khi ta
còn ngây thơ…” Tôi ngồi chồm hổm, hai tay ôm lấy
đầu gối, mắt đăm đăm nhìn lên sân khấu. Tự nhiên
tôi liên tưởng tới Hà, cô bạn láng giềng bé nhỏ xinh
xinh, mới từ Bắc vào. Giọng nói lạ tai, khi trầm khi bổng,
khi nhanh khi chậm. Có một cái gì đó giống nhau giữa Hà
và Bích Sơn. Chừng nào Hà sẽ lớn lên, thành thiếu nữ
như người ca sĩ kia. Chừng nào tiếng hát của Hà sẽ cao
vút, bay xa, thu hút làm rung động lòng người. Vì bấy giờ
chúng tôi chỉ là những đứa trẻ mười hai tuổi. Hình
ảnh Bích Sơn tôi ngưỡng mộ là hình ảnh của Hà những
ngày sắp tới. Còn hình ảnh của Hà bây giờ là hình ảnh
của Bích Sơn những ngày đã qua.
Nam nghệ sĩ của đoàn Xuân Thu làm tôi say mê và ao ước
sau này lớn lên tôi sẽ thành danh như ông: X.P. Ông hát
đã hay mà diễn kịch càng hay hơn. Ông đóng vai hề, mỗi
điệu bộ khôi hài của ông làm những đứa trẻ như chúng
tôi đều ôm bụng cười lăn.
Sân khấu của đoàn rất dã chiến. Đó là sàn hai chiếc
xe GMC 10 bánh quay đuôi lại nhau. Tới nơi nào trống vắng
thì đậu lại và hai thành xe như hai cánh chim đại bàng
xoè ra, đủ làm một sân khấu cơ động. Khán giả ngồi
bệt xuống đất, giữa trời, xem thoải mái không tốn tiền.
Tôi ước mơ lớn lên cùng Hà lập một
đoàn kịch nói. Cả hai chúng tôi sẽ trở thành
những diễn viên tài hoa như X.P, như Bích Sơn, đi
diễn khắp miền đất nước. Nhưng khi đất nước
bị cắt đôi, đoàn Xuân Thu đã bặt tăm, những
ước mơ đó của chúng tôi cũng tan theo cùng năm tháng.
l Mới đó, thắm thoát đã 26 năm, kể từ
ngày chia đôi đất nước. Mới đó, 5 năm sau ngày thống
nhất đất nước 1975. Người còn ở lại quê
hương. Kẻ lưu lạc trên đất khách. Tôi bỏ
Sài Gòn trở về lại quê cũ, một thị
trấn nhỏ, rồi bỏ thị trấn nhỏ tìm đến một vùng
quê hẻo lánh, xa lạ, sống ẩn dật, cuốc đất trồng
nho. Lần lượt tôi nghe tin những người thân còn lại ở
quê nhà vượt biển ra đi. Kẻ thoát, sống tập trung ở
đảo. Kẻ chết vì hải tặc cướp bóc hãm hiếp rồi xô
xuống biển làm mồi nuôi cá mập. Đời sống thật cay
nghiệt. Chuyện mưu sinh làm khờ khạo cả người.
Sáng nay, trời mới trở lại quang đãng, sau một cơn
bão rớt. Mưa lâm râm suốt mấy ngày đêm, bây giờ
mới thật sự dứt hẳn. Bao nhiêu hy vọng đều tiêu
tan cùng tai ương. Tôi bước đều từng bước, nhè nhẹ
trên lối đi, dưới giàn nho mới tàn tạ mà mắt thì nhìn
về một khoảng trời xa. Những chùm nho dầy đặc chín
đỏ, nặng trĩu trên giàn trước khi trời mưa, bây giờ,
sau cơn bão rớt chỉ còn trơ cành. Những trái nho rơi rụng
tơi tả, nằm đầy nghẹt khắp mặt đất, phơi xác đỏ
tươi như xác pháo. Mọi thứ: gạo cơm, tiền học hành
cho con cái… trăm thứ trông mong vào vụ thu hoạch nho, đều
tan tành. Giữa lúc tôi đang lo toan về cơn hụt hẫng này
thì Hoàng dẫn mấy người bạn từ Nha Trang vào Sài Gòn,
ghé lại thăm tôi. Nhìn vẻ mặt tôi xơ xác. Nhìn giàn nho
điêu tàn. Hoàng vỗ vai tôi nói khẽ:
- Thôi đi, ông bạn. Bỏ lại hết đàng sau.
Bây giờ đi với bọn mình vào Sài Gòn.
Thấy tôi còn lưỡng lự, Hoàng rút trong túi một xấp tiền
đưa cho vợ tôi:
- Chị cầm lấy. Đừng ngại, xem như tôi trả nợ cũ,
trước năm 75 vậy.
Không
để vợ tôi bỡ ngỡ Hoàng quay sang tôi nói:
- Phải
thế không ông bạn?
Tôi gật đầu cho vợ tôi yên tâm nhận. Tôi vội
vã theo Hoàng ra đi.
Người thiếu nữ ngồi xích lại, nhường chỗ
cho tôi, sát cạnh cửa xe. Mắt tôi cứ dán vào kính, nhìn
ra cảnh vật hai bên đường đi. Hoàng chăm chú cầm tay
lái. Mọi người đều ngủ gật. Có tiếng hát rất khẽ,
như tiếng ai thì thầm bên tai tôi. Tôi không dám cục cựa,
ngồi cứng đơ, nhưng hồn lại nhập vào tiếng hát.
Bước men ven hồ Hoàn Kiếm…
Hà Nộ 49. Bỗng nhiên tôi đưa tay rờ nhẹ lên má mình.
Cái bạt tai nẩy lửa nhớ đời ngày còn thơ ấu do bọn
mật vụ thời Diệm để lại sau khi chúng lục xét chồng
sách vở học trò của tôi, vô tình rơi ra tấm ảnh chụp
Hồ Hoàn Kiếm mà Hà mới tặng tôi, phía sau tôi viết nghệch
ngoặc: Hà Nội ơi, biết bao giờ
ta mới đến. Họ xé nát tấm hình đó sau khi đe dọa
tôi: “Bộ mày muốn làm Cộng Sản, như thằng anh mày đã
tập kết ra Bắc hả.” Lúc ấy tôi không hiểu gì hết,
chỉ ấm ức trong lòng là vật kỷ niệm nhỏ nhoi của Hà
mà tôi giữ không trọn. Suốt cả tuần sau đó, Hà an ủi
tôi bằng cách kể cho tôi nghe về quê hương nàng: Hà Nội.
Nào Hồ Gươm. Hồ Tây. Chùa Một Cột. Rồi, Hà hát bài
Hà Nội 49. Hai đứa hẹn nhau, lớn lên, khi đất nước
thống nhất, sẽ sánh đôi đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm.
Người thiếu nữ ngả đầu dựa vào thành ghế,
mắt lim dim, nhưng đôi môi vẫn mấp máy; và tiếng
hát nhỏ nhẹ rót vào tai tôi: “Chàng về. Chàng
về nay đã cụt chân…” Tôi chạm tay vào đầu gối
mình xem thử đôi chân mình có còn không. Và tôi mỉm cười
một mình. Nhớ lại, trong một hoạt cảnh “Nhớ người
thương binh”, tôi giả làm người cụt chân, chống cây
nạng đi khập khểnh quanh sân khấu. Hà đứng sau cánh gà,
cất tiếng hát: “Chàng về. Chàng về nay
đã cụt chân…” . Có lẽ nhìn vẻ mặt tôi thiểu
não, giọng hát Hà bỗng nghẹn ngào rồi tắt hẳn. Lúc
hạ màn, Hà buồn bã nói không bao giờ có lần thứ hai
phải nhìn tôi lê bàn chân còn lại và nghe tiếng nạng
gõ từng tiếng một. “Thảm quá Tân ạ, dù là bọn mình
chỉ đóng kịch. Hà sẽ không hát bài ấy nữa đâu?”.
Từ đó, tôi chuyển qua vai hề. Và, tôi đã đem tiếng cười
nắc nẻ cho Hà cùng đám khán giả trẻ con. Đoàn kịch
“con nít” của chúng tôi tan rã sau khi chúng tôi lên
trung học. Vào trường trung học Duy Tân chúng tôi lại được
kết nạp vào ban văn nghệ. Mỗi lần Tết đến, nhà trường
đều tổ chức trình diễn văn nghệ tại một rạp hát
lớn của thị xã. Tôi vẫn là cột trụ của những vở
hài kịch do các thầy dựng lên, và tôi phải diễn dưới
sự đạo diễn của thầy. Tôi không thích thú bằng tự
biên tự diễn của chúng tôi ngày nào. Hà là giọng ca vàng
của nhà trường, được thầy dạy nhạc hướng dẫn hát
cho đúng nhịp, đúng giọng; và bài hát phải thích hợp
với tuổi học trò. Khán giả vỗ tay tán thưởng khi tiếng
hát Hà vừa dứt. Còn tôi thì không xúc động chút nào.
Tôi lén chép mấy bản nhạc: Giọt mưa thu, Con thuyền
không bến của Đặng Thế Phong vào trang giấy học trò
đưa cho Hà mà không nói một lời nào. Nhưng tôi biết Hà
sẽ nghe Thái Thanh hát những bài ấy trong chương trình “Tiếng
hát Dạ hương”, và nàng sẽ hát theo. Sau đó, một buổi
chiều vàng, cô bé 15 tuổi ngồi trên bờ thành hành lang
hát khẽ: “Đêm nay thu sang cùng heo may”. Trước
mặt cô là thằng con trai tuổi 16, hai tay khoanh lại, dựa
lưng vào vách tường, đứng chéo chân, say sưa lắng nghe.
Tiếng hát của Hà, từng giọt âm thanh êm ái rót vào tâm
hồn chàng như ru chàng vào một nơi chỉ có trời mây lãng
đãng. Trong giây phút đó, tôi mới cảm thấy tiếng hát
của Hà sao mà ấm áp, réo rắt, làm tâm hồn tôi xao xuyến
đến kỳ lạ.
2 Trong buổi ăn trưa ở một quán nhỏ bên
đường, Hoàng mới giới thiệu tôi với mọi người
đi cùng xe. Người thiếu nữ đang ngồi trước mặt tôi,
chính là con gái của X.P. Tôi có dịp nhìn kỹ nàng hơn.
Khuôn mặt hình trái xoan. Mũi hơi dài và cao. Đôi mắt màu
hạt dẻ. Hàng lông mi rậm và cong. Miệng hơi rộng. Khi
cười, người thiếu nữ ấy vẫn điểm một núm đồng
tiền duyên dáng. Tôi hỏi thăm về cha nàng, sau bao nhiêu
năm. Nàng cho biết cha nàng vẫn còn sống, hiện ở Mỹ.
Rồi thôi. Nàng còn nhắc lại vài kỷ niệm, ngày còn nhỏ
xíu, được nữ ca sĩ Bích Sơn hát ru, dỗ dành, âu yếm.
Người thiếu nữ nhìn vào khoảng không gian xa vời vời,
buột miệng:
- Cô
ấy cũng không còn ở Việt Nam.
Trong lòng
tôi như thốt lời thì thầm:
- Hà
cũng không còn ở Việt Nam
Tôi nghe người thiếu nữ nói khẽ, như chỉ
đủ cho chính mình, cùng nỗi luyến tiếc:
- Khi nào thống nhất đất nước, cô sẽ đưa cháu về
Bắc thăm quê hưong, cùng nhau đi lễ chùa Hương. Thế mà…
Lên xe, mọi người lại ngủ gật, nàng vẫn hát thì
thầm, và tôi vẫn là người ngồi bên cạnh im
lặng lắng nghe: “Hôm nay em chùa Hương…”
Năm cuối cùng của bậc trung học đệ nhất cấp, nhà trường
tổ chức đêm diễn văn nghệ chia tay. Hà mặc áo dài lụa
trắng, đầu đội nón quai thao, chân mang hài vải, vừa
múa vừa hát bài “Đi chùa Hương” thơ của Nguyễn
Nhược Pháp do Trần Văn Khê phổ nhạc. Tôi đóng vai chàng
thư sinh, mặc áo the thâm, theo sau cô bé tuổi mười lăm.
Sau đó, tôi cũng từ giã mái trường cũ và
ra Huế học tiếp. Giã từ Hà. Giã từ
sân khấu. Bạn bè ở Huế, không ai biết tôi
đã từng đóng kịch. Từ từ, thay vì gởi những
bản nhạc chép tay trên giấy vở học trò: “Trăng mờ
bên suối, Anh đến thăm em một chiều mưa, Suối tóc,”
tôi lại gởi về cho Hà những đoản văn mà mình vừa tập
tễnh sáng tác. Tôi không thể diễn kịch, thổ lộ tình
cảm mình qua tiếng nói, qua điệu bộ cho Hà xem vì khoảng
cách không gian, nên tôi trải hồn mình qua văn chương. Những
lá thư hồi âm bao giờ Hà cũng động viên tôi trong “cuộc
chơi” mới đó. Xe bắt đầu vào thành phố. Người thiếu nữ ngừng
hát. Mọi người khác cũng vừa thức giấc. Hoàng lái xe
chậm lại như cố ý để cho tôi nhìn ngắm
lại những đổi thay của cuộc đời bể dâu. Hai bên đường,
những dãy phố đã khép cửa kín bưng, những bảng hiệu
buôn ngày trước năm 75 đã hạ xuống. Thỉnh thoảng, xen
kẽ vài căn nhà, cửa mở thật rộng, người người xếp
hàng nối đuôi, tay cầm cuốn sổ mua hàng phân phối. Vài
cửa hàng may đo lưa thưa người. Hợp tác xã mua bán, hàng
hóa không có bao nhiêu, mà lại đầy nghẹt người ra vào.
Còn đường lộ, chỉ thỉnh thoảng vài chiếc xe du lịch
mang biển cơ quan chạy nghênh ngang giữa đường. Xe đạp
lấn át, hàng hai hàng ba, thanh niên mặc áo kaki xanh công
nhân, chân mang dép nhựa, nữ mặc quần đen áo bà ba trắng.
Giờ tan tầm của các cơ quan, xí nghiệp.
Qua ngã tư, Hoàng lái xe chậm lại để nhường
đường cho một chiếc xe đò từ tỉnh vào. Khói nhả
lên khoảng không gian mịt mù. Phía sau đuôi xe mang nặng
một khối trụ bằng gang như hỏa tiễn. Người lơ xe, mặt
lem luốc lọ nghẹ, tay cầm chiếc que sắt dài thọc vào
cái lỗ nhỏ phía dưới khối trụ để thông lửa. Vài
viên than đá rực sáng rơi rớt trên mặt đường lộ. Hành
khách trên xe chật cứng. Thiếu xăng dầu, xe đò đành độ
lại chạy bằng than đá. Thời buổi này mà chúng tôi được
ngồi trên chiếc xe Toyota, mặc dầu đã cũ của cơ quan
xây dựng của Hoàng, là may mắn lắm rồi. Hoàng dừng xe
lại trước một khách sạn trên đường Lê Lai, bỏ chúng
tôi đứng lơ ngơ trước restaurant ngỗn ngang người ăn
kẻ uống, còn anh lái xe tìm chỗ đậu an toàn. Trước cửa
khách sạn treo lủng lẳng tấm bảng đen viết phấn trắng:
Một đĩa mồi kèm hai chai bia hơi. Chúng tôi xách hành lý
đi ngang qua các dãy bàn ăn để tới quầy đăng ký thuê
phòng trọ. Hoàng lấy chìa khóa và không quên cho hắn tiền
boa. Thoát được cảnh ồn ào phức tạp, chúng tôi mới
thả người lên mấy chiếc giường nệm phủ ra trắng.
Người thiếu nữ và cô gái trẻ ở một phòng nhỏ, chỉ
kê đủ một chiếc giường. Bọn đàn ông, bốn tên ở
phòng bên cạnh, rộng gấp đôi và kê đủ hai giường lớn.
Cả hai phòng đều có cửa sau, thông ra một hành lang nhỏ,
đủ để bắc ghế ngồi nhìn trời mây bâng quơ và hưởng
một chút không khí trong lành. Sau buổi ăn trưa rồi ngủ
một giấc ngắn, tôi ra hành lang hóng mát. Đứng trên cao
nhìn chung quanh là những mái nhà tôn của những khu nhà
trong hẻm, và dưới kia, ngoằn ngoèo những con đường hẹp,
chằng chịt, chỉ đủ cho hai người đi ngược chiều gần
đụng vai nhau, lạ mặt cũng làm quen bằng một nụ cười.
Người thiếu nữ cũng bước ra, đứng dựa lưng vào vách
tường, cất tiếng hát. Lần này không hát thì thầm, mà
nàng hát lớn làm mọi người đều ra khỏi phòng mang theo
những chiếc ghế nhỏ để ngồi quanh nàng. “Nhà em
bên chiếc cầu soi bóng, anh đến thăm một lần…”
Tôi vẫn nhìn về phía trước, dừng mắt lại ở một căn
gác gỗ, mái nhà tôn thấp áp mái chắn ngang cửa ra vào,
và bên trong khung cửa sổ, dưới sàn gỗ kia một người
đàn bà đang nằm dài, ôm chiếc gối ngủ giấc trưa. Cái
nắng chói chang của Sài Gòn trong những ngày đầu hạ thật
oi bức, nhất là đối với những căn gác không trần mà
mái tôn thì thấp lè tè, tỏa hơi nhiệt nóng ran trên sàn
gỗ.
Mấy năm sau, khi tôi ra Huế, Hà cùng gia đình vào Sài
Gòn. Hà cũng như tôi, bỏ lại tuổi thơ
đầy mộng mơ ở cái thị trấn nhỏ bé
đó. Giã từ sân khấu. Giã từ chiếc áo dài trắng
mang bảng tên trường lớp. Giã từ tiếng hát. Đến một
nơi xa lạ, sống trong không khí náo nhiệt, ồn ào, đời
sống bon chen ở thủ đô miền Nam, Hà phải hòa mình vào
dòng người tất bật, vội vàng đến sở làm. Ngày tám
tiếng, trước mắt là những con số kế toán xa lạ. Những
người mới quen đều biết Hà là cô gái thích nghe nhạc,
nghe hát, nhưng không ai nghĩ rằng Hà là người hát hay.
Những buổi chiều chủ nhật tôi thường đến nhà Hà,
trong một con hẻm đường Trần Khắc Chân, hai đứa ngồi
ở hành lang trên căn gác gỗ, vẫn tưởng như ngày còn
thơ ấu ở tỉnh lẻ, mặt đối mặt, mỗi đứa đều thấy
khuôn mặt mình nơi đôi mắt của bạn mình, và Hà hát
cho tôi nghe những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Ướt Mi.
Diễm Xưa. Cả hai chúng tôi đều quên đi thời gian, quên
bấy giờ tuổi mình đã gần 30. Đôi mắt Hà lại u uẩn
những nỗi buồn sâu kín của đời người con gái. Giọng
hát của Hà bỗng nghẹn ngào, đứt khoảng. Như trên sân
khấu, chỉ có Hà hát một mình. Như dưới hàng ghế khán
giả, độc nhất chỉ mình tôi âm thầm đứng nghe.
Người đàn bà ở căn gác bên kia đường trở
mình, rồi đứng lên, xách chiếc ghế ra ngồi hành
lang. Hình như nàng bị sức hút của tiếng hát
từ bên này vọng qua làm nàng ngồi yên như pho
tượng, bàn tay chống cằm, cùi chỏ tựa lên thành
lan can, mái tóc dài thả xuống gần đụng nền sàn gỗ.
Tôi không thấy rõ nét mặt người đàn bà vì khoảng cách
nhưng tôi hình dung đôi mắt đó đang rớm lệ. Hàm răng
đang cắn chặt lên môi để chận lại nỗi xúc động đang
trào lên từ đáy lòng nàng. Cũng như tôi đang lặng người,
tê điếng cả tâm can, và tiếng hát mang hồn tôi bay sang
bên đó. Có phải thật sự Hà đang ngồi hóa đá? Tôi đứng
sau lưng Hà, bàn tay đặt nhẹ lên vai nàng. Giọng tôi nói
nghẹn ngào: “Thôi nhé. Hà. Giã từ tất cả”. Hà không
trả lời nhưng vai nàng rung lên và chỉ khẽ gật đầu.
Đó là kết quả của một đêm tôi thuyết phục Hà đi
lấy chồng. Khi tôi đi làm về chị tôi đưa cho tôi tờ
điện tín từ Sài Gòn nhắn tôi vào gấp. Ký tên ba của
Hà. Tôi vội thu xếp công việc ở sở rồi đi máy bay vào.
Ba mẹ Hà nhờ tôi khuyên Hà lập gia đình. Đám này là
chỗ thân tình từ ngoài Bắc. Ba Hà bảo: “Hai bác đều
biết Hà chỉ nghe lời con thôi.” Tôi chỉ biết gật đầu
và yêu cầu ba mẹ Hà đừng cho Hà biết việc này. Vừa
đi làm về, thấy tôi ngồi dựa vào thành ghế salon hút
thuốc, Hà vui hẳn lên, khác với mọi ngày sau những giờ
làm việc nàng trở về nhà vẫn còn mang khuôn mặt mệt
mỏi ê chề. Hà reo lên. “Ngày mai Tân chở Hà tới sở,
sẵn có Tân vào Hà xin nghỉ phép năm luôn, tụi mình
có thời gian rong chơi nhé”. Tôi dừng xe honda trước cổng
sở Hà làm việc và hẹn sẽ trở lại đón Hà lúc tan tầm.
Hà, trước khi bước xuống xe còn nhắc lại: “Tân nhớ
nhé. Đừng quên nhé. Đừng để Hà đứng lơ ngơ nhé.”
Không biết làm gì cho hết giờ, tôi vào nhà sách Khai Trí
tìm mua vài cuốn truyện của Nhã Ca để tặng Hà. Sau đó
đến quán La Pagode uống cà phê một mình, rồi lật đật
bỏ đi, sợ gặp anh em văn nghệ rồi sa đà quên giờ hẹn.
Cuối cùng, tôi dừng xe trước cổng cơ quan của Hà, vẫn
ngồi trên yên mà hút thuốc, đợi chờ. Để khỏi sốt
ruột tôi nghĩ vẩn vơ đủ mọi chuyện nhưng thời gian
sao mà dài thế. Đưa mấy ngón tay rờ lên môi, lên cằm,
cảm thấy nhột nhạt mới biết mình chưa cạo râu, và
bây giờ thì tôi đưa hai ngón tay cái và trỏ nhổ đi từng
sợi một, nghĩ về từng thời điểm lịch sử cùng cuộc
sống đã cuốn chúng tôi vào cơn lốc, râu của tôi từ
từ thưa thớt đi. Hà đến ngồi trên yên xe sau lưng tôi
lúc nào tôi không hay. Hà rủ tôi đi ăn trưa. Hai đứa vẫn
ngồi chỗ cũ, ở một góc phòng nhìn ra đường xe cộ qua
lại nhưng không gây được tiếng động vì vách ngăn bằng
kính trong. Nhà hàng bắt đầu bằng chữ Hà. Hà Thành.
Vẫn hai đĩa bít tết, một dĩa khoai tây chiên, và một
chai rượu chát. Ly rượu của Hà bỏ vào một tí đường
đủ để đôi má ửng hồng khi rượu đã cạn. Ngồi đối
diện với tôi, bỗng Hà cười khúc khích: “Tân định
dựng kịch? Hitler hả?”. Nhìn vào tấm gương soi bên cạnh
của nhà hàng tôi cũng bật cười về hàm râu quái đản
của mình. Hàm râu bị chắn đôi, cả một khoảng ở sóng
môi trống trơn như chiếc cầu Hiền Lương chia đôi đất
nước. Tôi nói đùa với Hà: “May Hà ra kịp lúc, chứ
không để lấp khoảng trống đợi chờ thì cả hàm râu
Tân biến mất.” Sau bao nhiên năm, râu tóc đã hoa râm,
nhưng hàm râu tôi vẫn bị một khoảng trống phân biệt
hẳn hai miền. Mặc dầu có lần xem tivi quảng cáo thuốc
mọc râu, tôi mua về bôi nhiều lần chỗ trống đó để
râu ra nối liền sự chia cách. Môi tôi sưng đỏ lên. Và
mãi mãi râu tôi không bao giờ đâm ra được ở nơi đó
nữa. Ra khỏi nhà hàng Hà bảo tôi ghé vào một tiệm bán
tạp hoá gần đó và Hà mua cho tôi một dao cạo râu. Thay
vì về nhà, chúng tôi vào rạp chiếu bóng thường trực
ở đường Lê Lợi. Khán giả đông nghẹt. Và bóng tối
lờ mờ. Tôi nắm tay dìu Hà tìm chỗ ngồi. Chỉ còn một
ghế trống, hai đứa ngồi chung với nhau. Hà nép người
nghiêng về một bên để tôi thoải mái đưa tay lên mặt
cạo râu. Tôi kéo nhanh lưỡi dao làm bay đi những sợi râu
còn lại để Hà trở lại tư thế ngồi bình thường.
Khi hết phim, đèn bật sáng, hai đứa nhìn nhau cười như
hai đứa trẻ con. Thời gian bị kéo lùi lại. Tôi
cứ nghĩ Hà là cô bé thời thơ
ấu. Người bán hàng kem dạo đi ngang, Hà mua hai
cây kem có bọc sôcôla và hai đứa ung dung ăn ngon
lành.
Hai tâm hồn trẻ thơ nằm trong hai thân xác người lớn.
Người thiếu nữ lại tiếp tục hát: “Hôm nay trời
xuân bao tươi thắm. Dừng gót phiêu lưu về thăm nhà…
Cô láng giềng ơi! Không biết cô còn nhớ
đến tôi. Giây phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ…”
Tôi vẫn tiếp tục chống cằm lên bàn tay, mắt dõi nhìn
về căn gác đó. Người đàn bà áo trắng vẫn còn ngồi
hoá đá, và hồn tôi vẫn lang thang trong những ngày xa xưa.
Ngày Hà lấy chồng, tôi cũng vào kịp lúc dự tiệc cưới.
Đáng lẽ tôi vào trước một ngày, lên máy bay rồi ngồi
ghế nịt dây an toàn để máy bay cất cánh, nhưng sau đó
cô tiếp viên hàng không xin lỗi hành khách vì lý do kỹ
thuật phải hủy chuyến bay, xin hẹn lại ngày mai. Vừa
tới Sài Gòn tôi vội đến nhà Trọng để hai đứa cùng
đi đến nhà hàng dự tiệc cưới. Trọng là bạn văn cũ
của tôi và là người bạn mới của Hà. Trọng cho hay hôm
qua Hà có gọi điện thoại hỏi Tân đã vào chưa? Và Trọng
trả lời: “Không thấy. Ngày mai, ngày mốt đều không
có chuyến bay. Thế là ngày cưới Hà thiếu hắn rồi.”
Bên kia đầu giây chỉ có tiếng trạch lưỡi như tiếng
thạch sùng kêu trong đêm vắng. Cuối cùng Hà chỉ thốt
lên: ‘Buồn nhỉ”. Và cúp máy. Tôi và Trọng vội vàng
đi taxi đến nhà hàng Đồng Khánh. Khách ngồi chật cả
phòng. Trọng kéo tôi đi tìm Yến. Trong đám bạn bè cũ
tôi biết Hà chỉ mời có ba người. Gặp tôi Yến nói:
“Hà mới hỏi tôi Tân có vào không? Tôi lắc đầu.”
Ba chúng tôi cùng ngồi một bàn với những người không
quen. Đã qua cảnh giới thiệu hai họ cùng cô dâu chú rể
trên bục diễn. Trên sân khấu cô ca sĩ đang uốn éo cầm
micro hát bài “Ngày cưới em”. Tôi nhìn quanh cố ý tìm
Hà nhưng không thấy. Tôi chỉ muốn báo ngay cho Hà biết
là tôi đã có mặt trong ngày cưới Hà. Tôi hỏi mượn
Trọng cây bút và viết vội sau tấm danh thiếp. Trọng và
Yến thắc mắc định hỏi nhưng tôi lấy tay làm dấu cho
họ im lặng. Tôi nhờ người hầu bàn chuyển tới ban nhạc.
Một lát sau, khi đã dứt tiếng hát người nữ ca sĩ lui
vào nhường chỗ cho một nữ ca sĩ khác trong chiếc áo dài
màu tím, thướt tha, giới thiệu bản nhạc sắp trình diễn
cùng lời yêu cầu của tôi “Có một người nhờ chúng
tôi hát bản Cô láng giềng để tặng cô dâu trong
ngày cưới”. Tiếng kèn đồng khởi dậy đưa tiếng hát
người ca sĩ vang lên: “…Cô láng giềng
ơi! Không biết cô còn nhớ tới tôi, giây phút
êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ…” Và, tôi đợi
chờ. Hà đến thật. Hà nắm tay Quốc, đi như chạy, về
phía tôi. Trước mặt tôi, bấy giờ tôi mới nhận ra Hà
đã lớn hẳn lên, không còn là cô bạn láng giềng bé nhỏ,
ngây thơ, nhí nhảnh của những ngày thơ ấu cũng như thời
con gái. Nàng đang bước vào một cuộc sống khác. Tôi rót
rượu vào cốc mượn của Trọng và Yến đưa cho Hà và
Quốc, tôi nâng cốc của mình lên, uống rượu tiễn đưa
cô bạn láng giềng, giã từ một thời đã qua, thời của
mộng mơ và lãng mạn. Tôi cầm bàn tay của Quốc đặt
lên bàn tay của Hà mà nói: “Hôm nay và mãi mãi Quốc là
người dìu dắt Hà, cô bạn láng giềng của tôi, tìm hạnh
phúc trong cuộc sống gia đình”. Quốc, một tay nắm chặt
lấy tay tôi, biểu hiện sự cảm động. Còn Hà, hai mí
mắt nhấp nháy. Tôi biết Hà sắp khóc. Tôi nói to như cho
mọi người cùng nghe: “Này nâng ly rượu lên chúc mừng
cô dâu chú rể.” Tôi cụng ly với Hà, với Quốc. Cả
ba chúng tôi uống liền một hơi. Men rượu nồng làm cơ
thể tôi bừng bừng như có một luồng điện chạy khắp
châu thân. Trong tôi lẫn lộn giữa niềm vui và nỗi buồn
khôn xiết. Nhìn đôi má Hà đã ửng hồng, tôi nói nhỏ
với Quốc: “Cậu coi chừng Hà sắp say đó. Hà không quen
uống rượu nặng. Cậu dìu Hà đi nhé”. Quốc gật đầu,
dắt Hà đến chào các bàn khác. Hà đã khuất bóng. Tôi
cũng đứng dậy bỏ đi. Trọng và Yến theo sau. Ra khỏi
cái ồn ào náo nhiệt và ngộp ngàng hơi người tôi nhẹ
hẳn người, nhưng sau đó một nỗi bơ vơ chợt đến choáng
ngợp hồn tôi. Tôi chơ vơ ngã xuống vực sâu. Trọng kéo
tôi và Yến vào vũ trường ở sân thượng của nhà hàng.
Tiếng kèn đồng thắm thiết. Người nữ ca sĩ, mặt đau
khổ, mắt nhắm nghiền, hai hàng lông mi cong vút, cả thân
hình lắc lư, cả hai bàn tay cầm chiếc micro đưa sát vào
môi mấp máy. Giọng ca khàn khàn như của một người vừa
uống rượu nồng. Trọng mời Yến ra sàn nhảy. Còn tôi
ngồi uống rượu một mình. Dưới ánh đèn mờ ảo, từng
cặp trai gái ôm nhau nhảy điệu boston tình tứ. Tôi vẫn
ngồi một mình và uống rượu cùng với nỗi cô đơn tràn
ngập. Tôi cố nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp của một
thời Hà còn con gái nhưng bao quanh tôi chỉ toàn là đám
mây dầy đặc, ban đầu màu xanh rồi chuyển thành màu xám,
cuối cùng là một màu đen kinh rợn, xô tôi rớt xuống
vực sâu. Tôi gọi to tên Hà như một lời cầu cứu. Có
tiếng đáp lại rất khẽ của Hà thời thơ ấu: “Tân
hả?” Cô bé Bắc kỳ nho nhỏ đưa bàn tay bé bỏng nắm
lấy bàn tay đầy gân guốc của người đàn ông kéo lên.
Hà của thời thơ ấu và tôi của thời hiện tại.
Một cái đập tay vào vai kéo tôi ra khỏi cõi mộng.
Tôi lắc đầu và nhấp nháy mắt nhìn kỹ người
đứng trước mắt mình. Tôi nhận ra Hoàng. Anh cười và
nói nhỏ:
- Ông đã thiếp đi một giấc ngắn ngủi đủ
đưa ông vào một giấc mộng đẹp. Ông đã gọi to tên
một nhân vật nữ đã lảng vảng hầu hết trong các truyện
ngắn thuở nào của ông: Hà!
Tôi cười khẽ, nhìn Hoàng với đôi mắt ngơ ngác
như còn luyến tiếc một cái gì vừa mất đi.
Tôi gật đầu. Người thiếu nữ đã ngừng hát
và bước tới đứng cạnh tôi, tay chống lên thành
lan can, mùi thơm thoang thoảng của nước hoa làm tôi dễ
chịu hơn. Nàng không nói gì, đôi mắt vẫn nhìn về một
phương trời xa xăm, ở nơi đó bên kia nửa quả cầu, những
người thân của nàng đang sống. Tôi nhìn căn gác gỗ,
tìm lại bóng dáng của người đàn bà đã ngồi hoá đá
nhưng nàng đã biến mất, không để lại một vết tích
nào. Chiếc ghế trắng cũng không còn. Chiếc hành lang nhỏ
hẹp, trống trơn. Cánh cửa sổ đã khép lại. Cửa chính
cũng không còn mở. Với người đàn bà kia, bên này chúng
tôi đang đứng là sân khấu diễn kịch. Chúng tôi là diễn
viên. Còn nàng là thính giả. Màn đã hạ khi người thiếu
nữ ngừng hát, khi nghe tiếng la thất thanh của tôi từ
cõi mộng. Còn đối với tôi, nơi hành lang của căn gác
gỗ kia là sân khấu. Người đàn bà đó là diễn viên.
Tôi là khán giả. Một vở kịch câm. Người từ cõi mộng.
Màn đã hạ khi người đàn bà đó bỏ đi.
Sau này, một khoảng thời gian dài, mười năm sau tôi mới
thật sự đem gia đình vào sống ở Sài Gòn. Thành
phố đã vươn mình bừng dậy. Tất cả nhà
nằm ở mặt đường lộ đều trở thành phố xá tấp
nập người mua kẻ bán. Tôi chen chân vào tìm thuê một
căn nhà nhỏ trên con đường mà trước năm 75 cũng như
mới đây thôi, một năm trước, vắng hoe người qua lại,
nhà cửa lụp sụp cũ kỹ và thưa thớt. Phía trước làm
cửa hàng bán tạp hóa, sau bức vách ngăn tạm bằng gỗ
ép, cả gia đình tôi bảy người chen chúc nhau mà sống.
Ban đêm đóng kín cửa sắt lại chẳng khác nào chúng tôi
đang ở trong nhà tù. Chỉ có vài lỗ thông hơi sát trần,
lúc nào cũng ngợp ngàng gần như thiếu không khí để thở.
Ban đêm, nhất là về khuya cho đến trời vừa ló sáng,
tiếng xe tải kéo nặng nề những container rền vang trên
mặt đường nhựa hắt vào căn nhà làm rung rung thân xác
tôi đang trăn trở trên chiếc ghế bố mà không sao ngủ
được cho ngon giấc, tôi mệt mỏi sau những cơn ác mộng
kinh hoàng. Ban ngày, ngồi trông hàng, trước mắt mình lúc
nào cũng xe cộ vun vút chạy ngang như đàn kiến đang di
tản ngược chiều, gặp nhau chỉ ngừng lại trong tích tắc
rồi tiếp tục cuộc hành trình, cứ thế mà ngày qua tháng
lại như con thoi, làm tôi lúc nào cũng choáng váng mặt mày.
Khói xe luôn luôn bám đen tất cả mọi đồ vật trong nhà.
Người tôi lúc nào cũng nhám xì vì bụi. Không riêng gì
tôi, cả gia đình tôi, vợ và các con nói chuyện với nhau,
tay chân đều cử động, lơ quơ như người câm ra dấu
diễn tả, nhưng lời nói của chúng lại to tiếng như đang
cãi lộn. Khi nhận ra điều này tôi giật mình và nói với
mọi người là mình phải ăn nói từ tốn như những ngày
còn ở quê. Tôi nói thử, nhỏ nhẹ, dịu dàng với vợ
tôi: “Em lấy cho anh vài điếu thuốc ba số.” Vợ tôi
trả lời khi tôi đến gần sát bên cạnh nàng: “Em nhớ
nhà anh Quỳnh chỉ có hai số.” Thế là chúng tôi phải
nói to và làm dấu diễn tả mới hiểu ý được. Cho nên
khi đến nhà Quỳnh, tôi mới nhận ra cùng một thành phố,
trong một con hẻm nhỏ, cùng một bầu trời nhưng ở đây
tôi mới cảm được màu xanh dịu dàng lốm đốm mây trắng
bay, cùng một không khí để thở nhưng sao ở đây lại
trong lành dễ chịu. Tôi và Quỳnh ngồi ở một góc hành
lang nối liền giữa nhà trên và phòng ngủ, dưới mái hiên
chỉ che mưa khỏi ướt người, chừa một khoảng không
gian cho chiếc sân nhỏ. Quỳnh pha cho tôi một cốc cà phê
thật đậm, từng giọt nước đen ngòm, đặc quánh nhỏ
xuống cái tách thủy tinh trong veo. Tôi ngồi dựa lưng vào
thành ghế sát vách tường, hít một hơi thuốc và nhả
một làn khói bay lơ lửng. Trước mắt tôi chắn ngang tầm
nhìn là vách tường ranh giới của nhà bên cạnh, làm thành
bức bình phong màu vàng nhạt để nổi bật màu xanh của
lá cùng màu đỏ bầm lốm đốm của những đoá hồng,
đoá tường vi được trồng trong bồn hoa xây sát chân tường.
Ngồi với nhau như từ thuở nào, ngày còn đi học, ở chung
một phòng trọ, hai chúng tôi vẫn thường im lặng mà hồn
thả trôi lênh đênh. Quỳnh để băng cassette cho tôi nghe.
Giọng ca lả lướt và réo rắt của Thái Thanh đã từng
mê hoặc tôi một thời tuổi trẻ. Những bài tình ca thời
tiền chiến lại dẫn dắt tôi trở lại thời gian của
cái thời lãng mạn đã nuôi nấng tâm hồn tôi. Trong tiếng
nhạc đệm du dương nổi lên tiếng hát vang vang đã đưa
tôi vào một cõi khác. Và từ đó những khuôn mặt của
những người đã đi qua đời tôi xuất hiện, họ chen lấn
nhau trong trí nhớ.
Ban đầu là người thiếu nữ mà mãi giờ
tôi không biết tên, đã hát cho tôi nghe dưới đêm trăng
năm nào. Đêm càng khuya trăng càng sáng. Qua khúc quanh, uốn
lượn như con rắn, một bên là triền núi, một
bên là bãi biển. Như biết ý tôi, Hoàng dừng xe lại
sát lề đường. Vừa mở cửa xe, tôi chạy ùa xuống bãi
cát mịn màng và trắng toát. Đầu ngẩng lên về hướng
mặt trăng. Mây trắng phơn phớt từng cụm nhỏ lờ đờ
trôi qua mặt trăng nhưng không đủ làm giảm đi ánh sáng
vốn đã huyền ảo. Sóng từng đợt, đều đặn uốn lượn
táp vào bờ tạo thành những âm thanh rền rỉ như tiếng
sấm gầm ở một khoảng trời rất xa vọng lại. Âm thanh
ấy vẫn đều đều và triền miên cùng năm tháng. Tôi hít
nhẹ một cơn gió thoảng vào phổi và tôi thổi ra bằng
một tiếng hét thật to như đẩy ra những nỗi bực dọc,
buồn phiền đã chất chứa trong lòng, chìm xuống lòng đại
dương. Và rồi theo ánh trăng ập vào hồn tôi một niềm
an lạc vô biên. Nghe tiếng Hoàng kêu: “Tân ơi! Đừng đi
xa, không ổn đâu”. Tôi quay người lại và đi về hướng
các bạn đang tập trung ngồi quanh người thiếu nữ trên
tảng đá lớn bên cạnh lởm chởm những hòn đá khác như
mọc lên từ đáy biển. Sóng rì rầm vỗ vào kè đá làm
tung tóe những bọt nước trắng xoá. Người thiếu nữ
đứng lên, dang tay ra rồi thu lại, và nàng cất tiếng hát
“… Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát. Đời vắng em rồi
vui với ai.” Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn, đúng
như tâm trạng của nàng chăng? Hoàng cho tôi biết người
thiếu nữ đó đã có một mối tình thơ mộng, họ yêu
nhau từ thuở còn cắp sách đến trường. Họ vừa mới
đính hôn, chưa kịp đến ngày cưới thì biến cố lịch
sử năm 75 ập đến. Người chồng sắp cưới đã lưu lạc
phương trời xa xăm nào đó. Còn nàng ở quê nhà đợi tin
về. Vẫn bặt tăm. Tôi ngồi một mình trên tảng đá đối
diện với người thiếu nữ mà nhìn nỗi bất hạnh của
nàng thể hiện trên nét mặt khi diễn tả lời ca tiếng
hát. Gió biển thổi vào làm chiếc áo nàng mặc dán sát
vào người, hai viền áo quanh hông nàng lất phất như những
cánh diều gặp gió lướt lên không trung. Tiếng hát của
nàng như những lời gởi gắm tâm sự của mình tới một
phương xa cho ai đó. Âm thanh, từng giọt buồn như
những giọt nước mưa nhỏ xuống tí tách vào hồn tôi.
Tiếng hát theo gió cuốn đi, nhỏ dần, nhỏ dần. Trăng
đã lên trên đỉnh đầu chúng tôi. Mặt trăng hình bầu
dục không tròn trịa như ngày rằm nhưng ánh sáng toả ra
phân biệt đường ranh giới màu xanh lơ giữa biển cả
và bầu trời như một sợi chỉ mong manh kéo dài cắt ngang.
Hình ảnh người thiếu nữ đứng dang tay giữa trời như
một pho tượng màu trắng ngà dán lên bức tranh phong cảnh
mờ ảo của nền trời mây lãng đãng. Tiếng hát của nàng
đã dìu dắt tôi gặp Hà trong cõi mộng. Khi nghe tin Hoàng
cho biết người thiếu nữ ấy đã chết trong một chuyến
vượt biên xảy ra sau đêm hát cho chúng tôi nghe ở bãi
biển một năm sau. Không hiểu sao nghe Hoàng kể, lòng tôi
vẫn dửng dưng như nghe một cái tin đăng trên báo mà nạn
nhân chỉ là người xa lạ không liên quan gì đến đời
mình. Cuộc sống đã làm tôi quen với những tai ương.
Mưa bắt đầu rơi xuống lộp độp trên mái nhà
tôn và nhiễu xuống sân từng giọt buồn lẫn với
giọng ca truyền cảm cao vút bén như dao lam cắt vào da thịt
tôi. Lúc đó trong tôi mới lảng vảng hình ảnh cái chết
bi thảm của người thiếu nữ đã bị bọn hải tặc cắt
lưỡi rồi quăng nàng xuống biển làm mồi cho cá mập.
Tôi hình dung cảnh người thiếu nữ đứng trên boong tàu,
dang hai tay như với lấy mây trời, giữa những cơn gió
lồng lộng, đôi mắt khép hờ, và tiếng hát cất lên,
to dần và tỏa ra lan theo làn sóng. Tiếng hát ấy đã đem
lại tai ương cho nàng nhưng cùng lúc là sự may mắn hạnh
phúc cho kẻ khác. Tiếng hát ngoài biển cả, như làm mồi
kêu bọn hải tặc đến, cũng tiếng hát đó như một lời
kêu cứu với tàu biển nước ngoài. Một người đàn ông
đã đi cùng chuyến vượt biên đó mới trở về thăm quê
hương kể lại với Hoàng: “Tiếng hát đã làm cái ác
và cái thiện cùng xuất hiện một lúc. Cái ác đã giết
cô ấy, cái thiện lại cứu mạng chúng tôi.” Bọn cướp
chuồn mất khi một tàu lớn xuất hiện. Tôi biết người
thiếu nữ kia khi hát nàng không nghĩ gì cả. Nàng hát cũng
như nàng cần phải thở.
Tôi đưa tách cà phê lên môi, chưa nhấp mà
miệng đã đắng. Khói thuốc tôi nhả ra có phải làm mắt
tôi cay. Đúng lúc này Thái Thanh hát bài Cô
láng giềng. “… Cô láng giềng
ơi! Không biết cô còn nhớ đến tôi, giây phút
êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ.” Như giọt nước
sau cùng nhỏ vào cái ly đã đầy làm cho nước trào ra.
Tôi nhìn vào bồn hoa trước mặt, bỗng khám phá ra cây
tường vi đã rũ lá, đoá hoa màu hồng đã gục chết. Lẩm
bẩm trong miệng tôi hát theo: “Đưa tay buồn hái bông
hồng tường vi. Em nói rằng em sẽ chờ
đợi tôi, đừng nói đến chia ly.”
Bỗng dưng tôi thèm nghe Hà hát đến kỳ lạ. Giật mình
nhận ra tuổi đã xế chiều. Còn Hà thì xa vời vợi. Lúc
bấy giờ thì tôi khóc thật.