Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      






NÉT CHỮ TÊN SÁT NHÂN








                                 

X ế trưa ngày 16 tháng 2 năm 1936, có tiếng điện thoại reo ở bót cảnh sát Greenhill (Boston), một vùng ngoại ô toàn người sang trọng cư ngụ. Trung uý cảnh sát Brian Cliffton nhắc điện thoại lên nghe.

- A-lô! Thưa tôi là cảnh sát viên Hamilton. Một vụ án mạng vừa xảy ra ở số 216 đường Lincoln. Một thiếu phụ trẻ bị giết chết tại nhà.

Viên cảnh sát im lặng giây lát và nói thêm bằng giọng thì thầm, như không muốn ai khác nghe:

- Đây là một vụ án rất ư là…rắc rối.

Vài phút sau, Trung uý Clifton bước vào một toà biệt thự lộng lẫy, có những cây cột thật to, thật đẹp. Cảnh sát viên Hamilton có mặt trên thềm toà nhà; đằng sau anh ta là một bà già khoảng 60 tuổi, nét mặt lo âu, dao động. người cảnh sát dẫn cấp trên của mình đi qua một hành lang rộng lớn, sàn lát đá cẩm thạch.

- Tôi đang đi tuần trên đường thì bà hầu phòng này tri hô lên và mời tôi đến. Thi hài nạn nhân nằm ở phòng khách.

Cảnh sát viên Hamilton đẩy cánh cửa, và Trung uý Clifton trông thấy người thiếu phụ nằm sóng soài trên tấm thảm. Người quá cố rất trẻ đẹp: dáng người cao thon, tóc nâu, trạc 25 tuổi. Nàng mặc chiếc áo đầm thật thanh lịch, chắc chắn được may tại một tiệm may lớn có hạng. Một vết thương đẫm máu ở đỉnh đầu cho thấy nàng đã bị đánh bằng một vật gì đó rất nặng. Chắc đã có sự vật lộn vì căn phòng bị xáo trộn, bừa bộn thấy rõ.

Trung uý Clifton hỏi người hầu phòng đang nhìn anh với ánh mắt hoảng sợ:

- Người bị hại là ai?

- Thưa, cô Dolorès Shapman.

Viên Trung uý nhíu cặp lông mày:

- Tôi nhớ mang máng có nghe nhắc tới tên này. Nàng từ Mễ Tây Cơ đến phải không?

- Vâng, thưa ông đúng thế ạ!

Brian Clifton mơ màng nói với cảnh sát viên Hamilton, cũng như với chính mình:

- Đây là con gái của Bob Shapman, kẻ đã bị tình nghi là thủ phạm nhiều vụ đánh cướp có vũ trang; hắn đã di tản sang Mễ Tây Cơ khi thấy có nguy cơ bị bắt giữ. Năm 1928, hắn và vợ bị một tòng phạm cũ hạ sát, và tên này đã bị cảnh sát Mễ bắn hạ. Tôi biết rằng sau đó, con gái của anh ta đã rời Mễ Tây Cơ ngay tức khắc, nhưng đâu ngờ cô ta về đây ở.

Viên Trung uý quay sang cảnh sát viên Hamilton:

- Tôi đâu thấy có gì rắc rối trong vụ này. Đây đơn giản chỉ là một vụ ân oán giang hồ, chứ có gì là lạ?

Viên cảnh sát tằng hắng:

- Đó là vì… Trung uý chưa trông thấy căn phòng kế bên.

Căn phòng kế bên được bày biện, trang trí một cách chọn lọc. Hai vách tường được trang trí bằng một loạt tủ đựng toàn sách vở quý giá. Nhưng đến khi nhìn vào bức vách thứ ba thì Trung uý Clifton ngẩn người, há hốc miệng vì ngạc nhiên:

- Ồ! Thật khó tin!

Trước mắt Trung uý Clifton là cả một dàn chân dung, được lồng trong khung kính hẳn hoi, của hầu như tất cả những nhân vật nổi cộm nhất của thành phố Boston. Có không dưới năm mươi bức, và điều quái đản nhất là bức nào cũng mang lời đề tặng của nhân vật trong ảnh. Clifton tình cờ bước lại gần chân dung vị Tổng giám mục và đọc: “Thân ái tặng Dolorès, với tất cả lòng trìu mến và biết ơn của tôi”. Kế đó là chân dung ông Thị trưởng, ông Thượng nghị sĩ, ông Thẩm phán… tất cả đều có những lời đề tặng không kém phần thân tình và trân trọng.

Trung uý Clifton buồn bã nhìn lại 15 năm làm việc gương mẫu của mình. Ở tuổi 35, ai nấy đều cho rằng chàng có một tương lai vô cùng xán lạn trong ngành cảnh sát. Nhưng với vụ này thì chàng kẹt cứng rồi. Khi phải điều tra, đối đầu với những thứ “dữ” này, dám bị trắng tay lắm. Chàng hỏi người hầu phòng:

- Thực ra những nhân vật trong ảnh này quan hệ thế nào đối với cô chủ của bà?

- Họ đều là khách hàng của cô chủ tôi – người hầu phòng trả lời không do dự.

Viên Trung uý cảm thấy nhức nhối và hỏi lại bằng giọng nghèn nghẹn:

- Khách hàng à?

- Dạ, khách hàng. Cô chủ tôi là một người rất tài giỏi. Cô ta là… tôi không biết gọi cô ta là gì, nhưng cô ta biết xem và đoán nét chữ của mọi người .

Brian Clifton cảm thấy dễ thở hơn: nạn nhân chỉ là một người xem và đoán các nét chữ. Chàng đứng lùi về phía sau một chút và nhìn lên bức tường. Ôi! Còn lâu mới là một vụ thanh toán giang hồ. Trong số những vị đang nhe răng cười này, kẻ kém quyền thế nhất cũng có thể dễ dàng bóp nát sự nghiệp cảnh sát của chàng, THẾ MÀ KHỐN THAY, TẤT CẢ BỌN HỌ ĐỀU LÀ NHỮNG KẺ BỊ TÌNH NGHI TRONG VỤ NÀY!


Ngày 19 tháng 2 năm 1932, Ba ngày đã trôi qua, Trung uý Clifton ngồi đúc kết tất cả các yếu tố đã thu lượm được. Dolorès quả đã bị giết bằng một vật nặng, rất có thể là một đồ vật ở trong căn phòng mà hung thủ đã mang đi mất. Các chuyên viên tìm dấu vết đã tìm thật kỹ mọi nơi, mọi chốn trong biệt thự. Họ đã tìm ra được bốn loại dấu tay khác nhau. Ba loại đầu nằm rải rác khắp nơi: đó là những dấu tay của nạn nhân, của người hầu phòng, và của một người lạ mặt – rất thân tình với nạn nhân, có khả năng là tình nhân của nàng. Về điểm này, mặc dù đã tra hỏi kỹ người hầu phòng, Trung uý Clifton cũng không tìm được gì. Người hầu phòng chỉ tới làm việc mỗi buổi sáng, và tuyệt đối không hay biết gì về các hoạt động của chủ mình trong các thời điểm khác. Bà ta cũng chưa hề được gặp một khách hàng nào của Dolorès, vì nàng chỉ tiếp họ vào buổi trưa.

Nhưng vết tay thứ tư rất đáng lưu ý: người ta tìm thấy nó ở gầm một cái bàn, ngay trong căn phòng xảy ra án mạng. Có thể suy đoán đây là vết tay của thủ phạm, sau khi phạm tội đã cố gắng xoá bỏ hết mọi vết tay của mình trong phòng, nhưng quên không nhớ tới và đã bỏ sót vết tay ở dưới gầm bàn này.

Brian Clifton nhăn nhó và cảm thấy rất khó chịu trong khi lái xe trên đường phố Boston: điều khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước. Vết tay là vết tay của ông Thị trưởng, ông Thượng nghị sĩ, ông Tổng giám mục, hay của nhà tỷ phú cả thế giới biết danh? Hà! Thực ra cũng không khó gì để điều tra. Chỉ cần đi tới gặp tất cả bọn họ, người nọ kế tiếp người kia…

“Xin lỗi Đức Giám mục, xin Ngài vui lòng nhúng ngón tay trỏ của Ngài vào mực…Không, xin Ngài đừng lo ngại, đây chỉ là vấn đề thủ tục: Ngài bị tình nghi có dính líu tới một vụ án mạng…”; “Xin mạnh tay điểm chỉ trên tờ giấy này, thưa ngài Thượng nghị sĩ…”; “Xin tha lỗi vì chúng tôi đã làm rộn Ngài, thưa tỷ phú Rockefeller, chúng tôi là cảnh sát hình sự…”.

Rất may Trung uý Clifton cũng có một nơi để tiếp cận: Đó là Thẩm phán Flint, người có mặt trong số các chân dung. Chàng và vị thẩm phán này đã nhiều lần gặp gỡ nhau trên phương diện nghề nghiệp, và cả hai tương đối có cảm tình với nhau. Với thẩm phán Flint cũng không phải là chuyện dễ, nhưng ít ra cũng khả thi.

Trung uý Clifton tập trung nghị lực khi bước qua cánh cửa bọc thép của văn phòng Thẩm phán Flint. Richard Flint đứng dậy chào đón chàng. Đó là một người khoảng lục tuần, dáng điệu oai vệ, độc đoán nhưng nét mặt lại tỏ ra rất thoải mái mỗi khi gặp viên Trung uý cảnh sát.

- Ông Clifton thân mến, đã lâu không gặp, mời vào, mời vào… Rồi, anh đang điều tra vụ gì mới đây?

Viên Trung uý ngồi xuống ghế bành, trả lời thẳng:

- Thưa, vụ án mạng mà nạn nhân là Dolorès Chapman.

Richard Flint chống hai ngón tay của bàn tay phải trên mặt bàn và vẫn mỉm cười:

- Trung uý nói ai?...Nói lại đi, tôi nghe đây.

Clifton nhìn một cách sợ hãi người mà chàng luôn coi như hiện thân của lòng ngay thẳng và của đạo đức. Thế mà giờ này ông ta đang vờ như không hề quen biết nạn nhân. Thật khủng khiếp, Thẩm phán Flint đang nói dối!

Richard Flint nhắc lại câu hỏi, một cách hỏi thiếu kiên nhẫn:

- Ồ, nói đi Clifton!

Trung uý Clifton nguyền rủa Định Mạng đã buộc chàng phải làm những điều có thể phương hại đến sự nghiệp của mình. Nhưng nhiệm vụ là trên hết:

- Tôi tới thăm ngài như tới thăm một nhân chứng vì ngài biết rất rõ nạn nhân.

Richard Flint nhảy bổ lên từ chiếc ghế bành:

- Sao? Tôi chưa bao giờ nghe thấy cái tên này. Anh điên rồi à?

Tiếp tục tiến bước trên con đường đau khổ, viên Trung uý lấy ra từ tập hồ sơ bức chân dung có mang lời đề tặng:

- Xin ông hãy tự nhìn xem.

Bây giờ đến lượt vị thẩm phán trở nên hoảng hốt, ông đọc ấp úng như nghẹn lời:

“Tặng Dolorès, kẻ phạm tội quá đẹp và quá tài ba, mà tôi tuyên án là phải làm bạn thân của tôi cho tới ngàn đời”.

Thật hết chỗ nói! Thật là… Tôi không biết phải nói sao bây giờ?

- Nhưng có phải là nét chữ của ngài không?

- Phải, đúng là nét chữ của tôi. Thế mới quái lạ!

Thẩm phán Flint nắm lấy cánh tay viên Trung uý:

- Hãy nghe tôi Clifton, tôi xin thề trên danh dự và nghề nghiệp thẩm phán là tôi không hề viết những lời ấm ớ này, và cũng chưa hề bao giờ gặp người đàn bà này. Anh tin tôi chứ?

Mặc dù bị dằn vặt dữ dằn bởi các cảm nghĩ vô cùng mâu thuẫn, và mặc dù chẳng hiểu gì về những sự việc quái lạ đang xảy ra, lần đầu tiên Trung uý Clifton cảm thấy loé lên một tia hy vọng. Thẩm phán Flint, kẻ được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng, giờ đây chỉ là một ông già đang như van lơn chàng tin ông ta, và sự thành thật của ông như đập vào mắt chàng.

Brian Clifton trả lời bằng giọng nói đầy cảm động:

- Vâng, tôi tin ngài. Chúng ta đang phải đối đầu với một điều bí mật mà tôi thề sẽ khám phá ra, cho dù phải thức suốt đêm nay với những bức chân dung ma quái này.

- Như vậy ngoài chân dung của tôi, còn có nhiều bức khác nữa à?

- Vâng, còn có chân dung của tất cả những ai có chức, có quyền và có tiếng tăm ở thành phố này.

Đưa Clifton ra về, Thẩm phán Flint quá xúc động, chỉ còn biết nói:

- Xin Chúa Trời phù hộ cho anh.


Trung uý Clifton không cần phải thức nhiều đêm để khám phá bí mật về những lời đề tặng. Trong đầu chàng bỗng nảy ra một sáng kiến mà thoạt đầu chàng không nghĩ tới: tháo bỏ khung kính và xem xét kỹ các bức hình. Kết quả giảo nghiệm, phân tích thật rõ ràng, chính xác: Trên tất cả các chân dung chỉ tìm thấy hai loại vết tay: một là của Dolorès Shapman, và vết tay còn lại chỉ có thể là của nhà nhiếp ảnh, mà các vết tay nào cũng được tìm thấy ở khắp nơi trong biệt thự. Trong khi đó, trên các bức chân dung, không hề có vết tay của những nhân vật viết lời đề tặng. Làm cách nào để người ta có thể VIẾT VÀ KÝ TÊN MÀ KHÔNG ĐỂ LẠI VẾT TAY? Đúng là chuyện không thể nào xảy ra.

Đối với Trung uý Clifton, vấn nạn đầu tiên, khủng khiếp nhất, phải coi là như vậy, đã được làm sáng tỏ. Chính Dolorès đã tự nhái các nét chữ, một phần nhờ ở tài xem và đoán các nét chữ của mình. Nhưng nàng lấy ở đâu ra các mẫu chữ? Đây là điều phải làm sáng tỏ sau này, mỗi việc đều có thời gian thích hợp của nó.

Điều phải giải quyết ngay bây giờ đối với Trung uý Clifton là tìm bằng được và tức khắc nhà nhiếp ảnh bí mật… Nói bí mật thì không đúng, vì Clifton dễ dàng tìm ra tên hắn: đó là Jack Crawley, nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất thành phố. Tất cả các nhân vật nổi cộm nói trên đều là khách hàng của hắn cả, và đó là lý do tại sao hắn có các ảnh chân dung của họ. Rất không may, Jack Crawley lại đi vắng. Hắn đã đi Hoa Thịnh Đốn đúng vào ngày xảy ra án mạng. Crawley không như bất cứ nhiếp ảnh gia tầm thường nào: anh ta đang thực hiện một loạt chân dung của Tổng thống Hoa Kỳ và các thành viên trong gia đình ông ta.

Khỏi nói cũng biết là ngày 25 tháng hai, 1932, khi Crawley trở về Boston, thì Trung uý Clifton đã có mặt ở sân ga để đón hắn.

- Thưa ông Crawley, mời ông theo tôi. Tôi có một tin rất không vui phải báo cho ông biết, và cũng có rất nhiều câu hỏi phải nhờ ông ta trả lời…


Về tới văn phòng, Clifton mới cho nhà nhiếp ảnh hay về cái chết của người tình của anh ta. Nhà nhiếp ảnh tái hẳn mặt. Mọi người thấy rõ hắn hết sức cố gắng nhưng vẫn không cầm được giọt lệ: hắn nóng nảy xoắn nhầu nát chiếc cà-vạt hắn đang đeo.

- Xin Trung uý thông cảm, thực bất ngờ và quá khủng khiếp.

Brian Clifton cười gượng:

- Tôi hiểu rất rõ nỗi đau của ông, ông Crawley, nhưng cũng mong ông hiểu rằng tôi còn cần biết rất nhiều điều, và có thể nói còn cần phải tò mò nữa.

Nhà nhiếp ảnh ngửng đầu, vẻ cương quyết:

- Tôi sẽ làm tất cả những gì cần phải làm để giúp ông tìm ra thủ phạm đã giết Dolorès.

- Thế thì tốt lắm. Ông đã đưa những bức chân dung cho cô Dolorès phải không? Xin cho biết vì mục đích gì?

- Trước nhất tôi phải giải thích cho ông biết Dolorès là ai đã. Nàng về đây cách nay bốn năm, như ông có thể cũng biết, sau cái chết của cha mẹ nàng. Nàng muốn thay đổi khung cảnh sống, muốn làm lại cuộc đời, và nàng có tiền. Nàng đã theo học các lớp để trở thành chuyên viên đoán nét chữ và đã thành công rực rỡ. Dolorès rất có tài, và cho rằng mọi sự sẽ dễ dàng đối với nàng; nào ngờ, chẳng có gì là dễ dàng cả…

Jack Crawley thở dài, tiếp:

- Tôi đã gặp nàng vào thời điểm đó, lúc nàng đang tuyệt vọng. Nàng không có được một khách hàng nào. Trong khu phố sang trọng và quý tộc mà nàng dọn tới ở, ai nấy đều biết nhau cả, và chẳng có ai tỏ thái độ nhân ái, bao dung với người mới tới. Ai cũng biết nguồn gốc của nàng. Dù giàu sụ, nàng cũng chỉ là con gái của Bob Shapman, tên găng-tơ.

Trung uý Clifton lộ vẻ mặt mất kiên nhẫn, hỏi:

- Tôi cũng biết rõ dân Boston như ông. Xin hãy trả lời ngay vào vấn đề chúng ta cần làm sáng tỏ.

Nhà nhiếp ảnh nhìn người đối thoại với vẻ mặt rầu rĩ:

- Những gì tôi sắp nói với ông sẽ làm sáng tỏ tất cả, Trung uý ạ. Dolorès, vì muốn chuộc lại một quá khứ mà nàng không hề có chút trách nhiệm nào, nên rất cần được mọi người tôn trọng. Nàng chỉ có một ước mơ duy nhất là được hoà nhập vào giới thượng lưu của thành phố này. Chính nàng đã nảy ra ý kiến sử dụng các bức chân dung. Tôi thì tôi quen hết những người đó vì lý do nghề nghiệp, Trung uý hiểu chứ?

- Vâng, tôi hiểu. Nhưng cô ta làm thế nào để nhái được các nét chữ?

- Tôi đơn giản chỉ cần đưa cho nàng các tấm ngân phiếu mà tôi nhận được từ họ. Nàng không cần gì nhiều hơn để nhái và viết các lời đề tặng. Và điều kỳ lạ là sự việc này đã giúp cho nàng rất nhiều. Mọi người sau khi thấy hành lang chân dung đã tin tưởng ở nàng. Kể từ khi treo các chân dung, nàng có số lượng khách hàng rất lớn. Nhưng trên thực tế, Dolorès đã không làm những việc này vì tiền, mà chỉ vì nàng muốn có một ảo tưởng. Do nhìn mãi những bức chân dung, và đọc mãi NHỮNG LỜI ĐỀ TẶNG DO CHÍNH MÌNH BỊA RA, cuối cùng Dolorès có ấn tượng những lời đó là thật…

Brian Clifton nhìn nhà nhiếp ảnh một cách lạnh nhạt:

- Ông đã rời bỏ thành phố vào đúng ngày xảy ra án mạng.

Jack Crawley có vẻ đặc biệt chú ý tới lời nhận xét của viên Trung uý cảnh sát:

- Tôi nhận được một đơn đặt hàng chính thức từ Phủ tổng thống, và ông cũng biết rõ sự việc này.

Cái nhìn của nhà nhiếp ảnh bỗng đanh lại:

- Hãy nghe tôi nói đây Trung uý, tôi không phải là kẻ sát nhân, nhưng tôi có thể giúp ông tìm ra kẻ đó.

- Bằng cách nào thưa ông?

- Tôi biết rất rõ căn nhà xảy ra án mạng. Ông thì ông chỉ có thể quan sát, giảo nghiệm những gì ông thấy ở đó, vào lúc đó. NHƯNG GIẢ THỬ CÓ VẬT GÌ Ở ĐÓ BỊ LẤY ĐI TỪ TRƯỚC, THÌ LÀM CÁCH NÀO ÔNG BIẾT ĐƯỢC?

Crawley lấy ra từ trong ví một tấm ảnh:

- Tôi đã chụp cho Dolorès một tấm ảnh trước hành lang chân dung. Ông đã tìm thấy bao nhiêu chân dung tất cả?

Viên Trung uý cảnh sát thuộc nằm lòng con số:

- Bốn mươi chín.

Crawley lấy ngón tay đếm từng chân dung trên bức ảnh và nói:

- Nè, Trung uý, TRÊN ẢNH CÓ ĐÚNG NĂM MƯƠI BỨC CHÂN DUNG; ÍT RA ĐÓ CŨNG LÀ SỐ LƯỢNG TRƯỚC KHI HUNG THỦ LẤY BỨC CHÂN DUNG CỦA HẮN ĐI…


Vài giờ sau, Trung uý Clifton đã có mặt tại văn phòng của Francis Miller, Giám đốc ngân hàng Miller và Miller, một nhân vật quan trọng đang tranh cử dành chỗ của vị Thượng nghị sĩ sắp hết nhiệm kỳ - MILLER MÀ BỨC CHÂN DUNG, CÓ Ở TRONG HÌNH CỦA CRAWLEY, ĐÃ BIẾN MẤT SAU KHI XẢY RA ÁN MẠNG.

Francis Miller tiếp đón viên Trung uý một cách rất nhã nhặn, vui vẻ. Kẻ nào muốn được bầu tất nhiên phải nhã nhặn, vui vẻ với mọi người, nhất là với giới cảnh sát.

- Rất vui mừng được gặp Trung uý, ông cần tôi giúp đỡ gì chăng?

Brian Clifton đã quyết định cấp tốc tấn công mạnh mẽ:

- Vâng, tôi cần ông cho biết ông đã làm gì vào lúc 10 giờ 30 ngày 16 tháng hai, là lúc cô Dolorès Shapman bị hạ sát.

Yếu tố bất ngờ đã mang lại kết quả. Vị chủ ngân hàng, ứng cử viên tranh chức Thượng nghị sĩ lắp bắp:

- Nhưng…sao….?

Và, viên Trung uý cuối cùng đã dõng dạc nói lên được câu nói, mà khi mới bắt đầu cuộc điều tra, chàng đã nghĩ là chẳng bao giờ dám nói:

- Thưa ông Miller, xin ông nhúng ngón tay trỏ ở bàn tay mặt của ông vào lọ mực này, và điểm chỉ trên tờ giấy này giúp tôi. Ông thấy không, kẻ sát nhân đã lấy bức ảnh của mình đi, và đã cẩn thận xoá sạch mọi vết tay. Hết mọi vết, trừ một vết dưới mặt bàn, không trông thấy được, mà hắn đã bỏ sót không xoá. Vậy, xin ông nhúng ngón tay vào mực và điểm chỉ đi!

Nhà tỷ phú biết mình đã bị bại lộ. Hắn đành thú nhận:

- Tôi có nghe nói về tài đoán nét chữ và nhái nét chữ của cô Shapman, và được biết cô ta rất ao ước được gia nhập giới thượng lưu, nên tôi đã tới gặp cô ta và đề nghị một sự trao đổi. Nếu cô ta chịu nhái nét chữ của vị Thượng nghị sĩ sắp hết nhiệm kỳ và chịu viết những lời lẽ có hại cho hắn, thì tôi sẽ mở cửa giới thượng lưu cho cô ta bước vào.

Francis Miller dùng hai tay ôm lấy đầu, tiếp:

- Nhưng tôi đã nhầm về con người cô ta, và đã không ngờ là cô ta lại lên cơn điên mà hành động như vậy. Cô ta đã cả gan đe doạ tôi, rồi lại đưa ra một đề nghị hoàn toàn tương phản. Không những cô ta không chịu nhái nét chữ của người tôi muốn hại, mà còn doạ sẽ NHÁI CHÍNH NÉT CHỮ CỦA TÔI, nếu tôi không mở cửa giới thượng lưu cho cô ta được hoà nhập. Thế là chúng tôi đi đến chỗ cải cọ, ẩu đả. Vì quá nóng giận, tôi cũng nổi cơn điên, và đã dùng một pho tượng nhỏ để ở trên bàn để…

Brian Clifton mỉm cười. Cuộc điều tra của chàng đã kết thúc, và sự nghiệp cảnh sát của chàng vẫn còn nguyên vẹn, vững chắc – nếu không muốn nói vững chắc hơn bao giờ hết. Clifton liếc mắt nhìn lên mặt bàn giấy của người chủ ngân hàng, ở trên đó có cả đống giấy tờ do chính tay ông ta viết, và chàng kết luận:

- Tựu trung, Dolorès Shapman cũng đã phạm một lỗi rất nặng về nghề nghiệp: lẽ ra nàng phải thấy rằng ÔNG CÓ NÉT CHỮ CỦA MỘT KẺ SÁT NHÂN.


dịch theo BELLEMARE




VVM.29.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .