L ụa bỗng quay lại nhìn chằm chặp lên con mắt trái của Cang, con mắt hơi lõm sâu, hai mí mắt lệch xuống, trông giống một con mắt lé. Không rõ Cang có gì ngần ngại e dè khi bắt gặp những ánh mắt nhìn ngó khác lạ như thế của Lụa, anh hướng mặt nhìn lơ đãng lên cầu. Lần này Lụa tin rằng chắc Cang khó chịu, buồn bã khi biết nàng nhìn vào con mắt trái của anh. Mấy bận trước, chừng như Cang cố che lấp sự ngượng ngùng, cười nói vồn vã, nhìn ngó lung tung, khiến Lụa nghĩ chắc anh ta không mấy để ý tới con mắt trái. Quả thực nếu anh không nói, nàng cũng chẳng biết đó là con mắt giả. Lụa chỉ đinh ninh rằng Cang bị thương, bị một mảnh đạn bom nào đó nơi mí mắt khiến nó méo lệch, nhỏ lại đi thôi. Tới lúc Cang đưa tay vạch hai mí mắt đỏ loét của anh ra, nàng nhìn thấy con mắt giả đục, mờ, cứng nhắt. Từ lúc đó Lụa vẫn thường nhìn lên con mắt trái của Cang, như một thói quen, mỗi lần giáp mặt, gần gũi như thế. Cảm tưởng thường có nơi Lụa là một nỗi thương xót, đớn đau và thường tự an ủi vỗ về bằng câu nghĩ thầm: mất một con mắt bây giờ cũng là một diễm phúc. Thiếu gì những người như Cang chết nát thây không tìm được xác như chồng bà Thị, chồng con Lành, anh thằng Nhạy? Và cũng thiếu gì người trở về với đôi chân cụt quá gối, cánh tay cưa tới khủy, thân thể nhăn nhúm loang lở những vết sẹo, mưng mủ?
Thật là tội nghiệp cho chồng con Lành. Hôm Lụa nghe anh về, bà Sáu thở dài chép răng chép lưỡi kể lể đến chuyện Lành bỏ nhà trốn biệt, bỏ lại ba đứa con đằng nhà người Dì, tới chừng anh khập khiễng náo nức trở về đưa chiếc nạng gỗ đập lên phên cửa, mới hay vợ đã bỏ đi. Có lẽ Lành đã nghe tin anh bị cưa hẳn một khúc chân và một bàn tay trái? Ngồi trước hiên nhà suốt buổi chiều, nhìn lại khung cảnh êm đềm yêu dấu cũ, anh đã cảm thấy xót xa hơn lúc tỉnh cơn mê nhìn xuống một ống chân bị cưa mất. Lúc đó, những đốt xương tưởng rời rã dần ra, da thịt nát mục, ống chân bàn tay đã mất, ăn mòn lên như một người hủi. Cảnh quạnh vắng hiu hắt của buổi chiều trở về ngồi dưới hiên nhà đã xuôi anh nhìn thấy rõ đời sống anh bấy lâu chỉ mơ hồ ray rứt. Anh đã quyết định sống lại trong nhà lạnh lẽo đó dù ngày nay có khác. Đời sống có trở trái làm mặt. Sau đó Lụa có tìm đến thăm anh một lần vào buổi trưa từ lò vôi trở về. Trông thấy anh và ba đứa con bên mâm cơm đặt dưới nền đất, Lụa bàng hoàng. Những lời trách của bà Sáu tuy đã khiến nàng xót xa, nhưng thấy anh và ba đứa con lam lũ bên mâm cơm nghèo khó, nàng mới thấy rằng sự vắng mặt Lành là một điều bạc ác. Lành đã trốn đi như một hành động phũ phàng, cay đắng, trùm chụp lên cảnh đời bốn cha con anh. Cái kết quả buồn thảm của những ngày hy vọng trở lại đã quá khắc nghiệt đến nổi anh không hề ngờ. Anh không tin rằng người con gái e lệ, hiền hậu như những con sáo trên sườn đồi Trường Úc, lại có thể ăn ở tệ bạc với anh như thế. Nhưng bây giờ Lành đã đi đâu mất rồi. Lụa nhìn lên cánh tay anh có xâm hàng chữ “Khi tôi chết ai là người xây nấm mộ”, phía trên là câu “Hận Đời Đen Bạc”. Nàng cảm thấy rõ ràng sự lẻ loi, bạc bẽo của những ngày sống kế tiếp của anh như hàng chữ xâm đậm nét trên cánh tay.
Anh không ngẩn lên nhìn Lụa - giọng nói chậm chạp:
- Tôi không buồn đâu, hơi sức đâu mà buồn bã với loại đàn bà trắc nết như thế? Đàn bà con gái hễ nhúng vào sở Mỹ là dễ bỏ chồng con lắm. Chiến tranh nó tạo ra nhiều chuyện kỳ cục quá …
Lụa im lặng, bâng khuâng.
Anh nói tiếp:
- Tôi chỉ buồn cho cái tật nguyền của tôi không thể làm gì để nuôi sống ba đứa con này. Bây giờ Cang đã trở về với một con mắt giả, một con mắt ngời sáng tuổi thơ đã mất, một con mắt tình tứ cũ không còn long lanh ngập ngừng. Con mắt giả lờ đờ dưới trũng mắt sâu đang quay lại phía nàng. Trước mặt Lụa: Dòng sông chảy từ nguồn Hà Thanh đang dâng cao theo mực nước thủy triều từ cửa biển. Nàng nhìn phân vân theo dòng nước lặng lờ lạnh lùng tưởng dòng sông đang ở vào mùa tháng chạp, mùa dòng nước phẳng lặng, bầu trời mát dịu với thứ ánh sáng mông lung dễ quyến rũ lòng người, ngày Cang bịn rịn thắc thỏm ra đi, suốt một mùa xuân kế tiếp, Lụa đã sống trong lặng lẽ âu sầu. Cang nói:
-Trời mùa đông nhưng giống tiết tháng chạp quá.
Lụa nhìn Cang, thoáng lên con mắt trái, giọng còn đặc quánh mơ tưởng xa vời:
- Em đang nhớ lại ngày anh mới xa Trường Úc.
Cúi xuống nhìn bực cấp dẫn xuống bờ sông. Cang cười mơ hồ:
- Anh thì nhớ hôm hẹn em ở sườn núi, hình như lúc đó trời cũng không có nắng.
- Không có nắng, gió mát lạnh như bây giờ …
Nhớ tới dãy núi Trường Úc, ngôi chùa, miếu cổ, con đường vắng, mỏm đá gập ghềnh, cánh đồng tươi mượt, Lụa nhớ rành rọt trở lại những ngày tuổi nhỏ còn sống gần gũi khép nép bên Cang. Đó là những ngày tháng lận đận vì những cuộc đổ bộ, càn quét, ném bom, bắn phá của Pháp. Những ngày từ cửa biển Quy Nhơn, những viên đạn đại bác liên tiếp nổ rầm rang đây đó trong xóm. Những ngày Tây đen Tây trắng ồ ạt dồn đuổi gia đình vào nửa đêm thật bất ngờ chỉ bồng bế dắt díu nhau chạy mà không mang theo được hạt gạo, tấm áo nào. Đó là những ngày xuôi ngược khốn đốn, hãi hùng của gia đình Lụa. Dù chưa nhìn thấy rõ mặt một thằng Tây trắng Tây đen nào đã phóng lửa đốt xóm, đã bắn giết rượt đuổi, đã cướp bóc hiếp dâm nhưng trong trí tưởng nàng lúc đó, những thằng Tây phải giống những con quỷ dữ dằn man rợ nhất, khiến tất cả đều sợ. Vì thế, lúc nhìn thấy bà Giàu bươn bả chạy lên từ ngả cửa biển Gò Bồi, trần truồng kỳ dị, Lụa nghe người ta nói bà ta bị Tây hiếp, nàng đã nhìn bà như một người bị ma quỷ ám hại. Một năm sau bà sinh được một đứa con mắt đục, mũi cao, tóc quắn, da đen; nàng cũng đã nhìn đứa nhỏ như một quái vật ghê tởm. Nhưng thật tội nghiệp cho nó, nó đã không sống lâu được bên sự khốn khổ, bơ vơ của người đàn bà cô độc. Mấy năm sau nầy, mấy năm tản lạc, mấy năm chui rúc bìa rừng góc núi, mấy năm đói khát, ăn củ ăn rau, mấy năm lửa ngập lan tràn; người ta không còn gặp bà Giàu nữa. Ngày được trở lại quê, Lụa cố ý tìm kiếm bà ta, nhưng cũng chẳng một ai hay biết bà ta còn hay mất. Từ ngày được trở về, nhìn thấy những đống tro tàn, sống giữa khung cảnh quạnh quẽ tiêu điều, Lụa càng khắn khít bên Cang những sớm những chiều lặn lội ngoài đồng còng lưng mò cua bắt ốc, quơ củi hái rau. Dãy núi Trường Úc đã được những bàn chân gian nan lạc lõng của nàng và Cang dẫm nát. Từng mỏm đá, bờ cây, đã quen thuộc như một hình ảnh gắn liền bên đời sống khép kín.
Một buổi chiều nào đó vào năm 1954, một toán Tây trắng Tây đen dừng lại dọc đường, bên xóm, với đồng phục áo quần bà ba đen, vẻ mặt ngơ ngác tiều tụy, bộ tịch chậm chạp lặng lẽ. Đứng bên Cang, Lụa đã nhìn ngắm đám tù binh buồn bã này với ánh mắt thương xót. Hình ảnh hung tợn dữ dằn của những con quỉ mũi lỏ, mắt xanh, tóc quắn, mặt rạch không còn trong đầu nàng nữa. Trước mặt nàng những tên lính viễn chinh đánh thuê giết mướn thật là tội nghiệp, hiền từ. Đám tù binh đứng ngồi lố nhố dọc đường, mắt nhìn dáo dác, biếng lười cười nói. Lụa hình dung tới một quê hương xa lơ nào đó bên kia bờ biển của họ, chắc ở đó cha mẹ, vợ con, bè bạn của đám tù binh cũng đang ngong ngóng chờ đợi tin tức? Cũng đang buồn bã lo âu cho một ngày trở về đoàn tụ? Bất giác, Lụa cảm thấy như tất cả mối thù hận đã nuôi nấng trong lòng bấy lâu, tan biến thực chóng. Đám tù binh đã sắp thành ba hàng ngay thẳng, tiến bước rập ràng. Người bộ đội hướng dẫn điều khiển họ hô vang những câu “Hoan hô, đả đảo” đeo khẩu súng lục bên hông, mũ cối có lưới, chân mang dép cao su, giọng nói miền ngoài. Đám tù binh ngoan ngoãn như những kẻ chưa hề biết tới súng đạn. Lụa đã không rời tay Cang chạy theo những bước chân xa lạ đó xuống cuối xóm, dọc theo dãy núi Trường Úc. Buổi chiều hình như có những cơn mưa nhẹ.
Buổi trao trả tù binh được tổ chức vào khoảng chín giờ sáng tại ngôi miếu cổ bên quốc lộ, nằm sát dưới chân dãy núi. Bên này là đám tù binh Tây trắng Tây đen. Bên kia là đám tù binh bộ đội người Việt. Họ đã đứng thành hàng, đối diện, trong cảnh im vắng của một buổi sáng tinh sương. Những người có trách nhiệm của buổi lễ trao trả tù binh bắt tay nhau, nói chuyện, trao đổi những tấm giấy giao kết trước ngôi miếu. Phía sau hai đám tù binh, đồng bào hiếu kỳ chen chúc dòm ngó, vẻ mặt chưa hết sợ hãi, sững sờ. Lụa chú ý tới những người tù binh bị thương. Những vết băng bó tật nguyền vẫn còn trông thấy. Cang chỉ cho Lụa những tù binh nằm treo chân trên những chiếc võng, khập khiễng trên đôi nạng gỗ sần sùi. Họ xanh mướt và rũ rượi. Lụa dõi mắt nhìn qua bên kia khoảng đường, đám tù binh bộ đội trong bộ áo quần áo kaki vàng, tự dưng lòng trào dâng một nỗi thương xót mông lung.
Buổi lễ được kết thúc bằng việc trao trả các tù binh của hai bên: Đám tù binh bộ đội phấn khởi tiến qua ngôi miếu, cởi bỏ áo quần, vất bừa bãi trên mặt đường. Đám tù binh Tây trắng Tây đen lầm lũi lạnh lùng đi xuống … Những bóng đèn dềnh dàng thô kệch nhỏ dần, mờ dần trong đôi mắt bùi ngùi của Lụa.
Nắm một bàn tay Lụa, anh nói:
-Anh không ngờ còn nắm giữ bàn tay này được.
Lụa cười:
-Bàn tay này anh đã dắt em đi từ hồi nhỏ kia mà…
Cang vẫn không rời tay Lụa, giọng cao, rõ:
-Hồi nhỏ khác, bây giờ khác…
Ngước nhìn lên mặt Cang, Lụa hỏi:
-Khác chỗ nào? Anh thấy em có khác gì không?
Tiếng Cang cười:
- Có, khác nhiều lắm.
- Khác chỗ nào? Em không bao giờ khác lạ với anh…
- Khác chứ. Chẳng hạn bàn tay Lụa bây giờ ấm hơn lúc đó.
Lụa bỗng cười, rút bàn tay lại, vỗ lên đùi Cang.
Cang nói:
- Còn nữa. Chẳng hạn em bây giờ không còn ở trần, mặc quần cụt như hồi đi quơ củi ở trên sườn núi Trường Úc…
- Anh ăn nói gì kỳ vậy, đi lính về mấy người ăn nói thiệt kỳ.
- Kỳ cái gì. Có sao nói vậy, ai kêu em hỏi?
Từ ngày Cang trở về, chiều hôm nay là buổi đầu hai người được ngồi gần nhau riêng rẽ thực lâu. Dầu anh vẫn biết những kỹ niệm ấu thời và những ngày đầu biết nhớ nhung hò hẹn khó phai mờ trong tấm lòng thủy chung, nặng tình của Lụa, nhưng phải nói thẳng những lời thúc giục vội vã của cha cho nàng bây giờ thực là khó. Cang vẫn nhận thấy, đành rằng anh không còn ở vào cái thời ngây thơ yêu bóng yêu gió, nhưng chừng như hễ được gần gũi Lụa, sự ngại ngùng xa vắng cứ trì hoãn lần hồi những câu nói đã được sắp đặt. Mẹ anh đã thở dài như vừa thoát khỏi cơn ác mộng: Mầy không định cưới vợ sao? Tới chừng nào mầy mới nghe lời? Thôi, con à, thế là yên thân được rồi, lo cưới vợ có con làm ăn với người ta đi. Trái lại, cha anh, nóng nảy, bồn chồn, giận dỗi: Mày là đứa con bất hiếu quá. Thuở xưa lão Lai đã còng lưng, tóc bạc còn làm trò mặc áo xanh áo đỏ múa may cho cha mẹ vui lòng ; còn mày, hôm nay mày cứ chần chừ chỉ có một việc cưới vợ không cũng làm buồn cha mẹ. Ừ lúc trước mày kêu lính tráng sống chết nay mai tao cho cũng được đi, chứ còn bây giờ, bây giờ… À, có phải mày thương con Lụa đàng nhà lão Xã Ba chứ gì? Thương, mày cứ nói là thương, nói thẳng với nó, em ơi anh thương em quá, rồi tao mang rượu tới ngay tức khắc.
Cang nhớ tới nét mặt hầm hầm gay đỏ của cha cũng chỉ vì chuyện cưới vợ, và câu ông nói “Em ơi, anh thương em quá”, mà không dấu được nụ cười. Tới bây giờ, tóc đã bạc, ông mới thốt ra câu đó dễ dàng như hớp một ngụm rượu, chớ hồi ở lứa tuổi son trẻ, sức mấy ông được dạn dĩ như bây giờ? Hay ông đã len lén đi qua trước nhà dòm lén vào một cái như chớp, rồi vụt đi thẳng như lời mẹ thường kể? Mãi cho tới sau hôm làm đám cưới, ông mới rụt rè bỡ ngỡ nhìn kỹ được mặt mẹ anh bây giờ? Nhiều lúc đang ở cảnh khó xử, lại nghe ông la ầm ầm lên, Cang muốn nhắc cho ông nghe lại quãng đời cũ của ông, nhưng nghĩ cũng chẳng ích gì. Bao giờ lời khuyên nhủ răn dạy cũng dễ nói nhưng ít có người nào có thể tự bản thân đã làm đúng theo những lời cứng nhắc, khắc khe đó cả. Nhất là ở tuổi già, lớp tuổi thường trách cứ, uốn nắn, khuyên dạy con cháu như một mệnh lệnh tuyệt đối bằng chiếc miệng không còn một chiếc răng của mình. Qua đôi mắt đơn giản, mọi việc cũng thực là giản dị như đời sống giới hạn trong một khu vườn. Bóng tôi đã phủ lên một lớp mỏng bên kia bờ sông: Những căn nhà gác bằng gỗ, bóng cây, khu chợ mờ loãng im vắng. Trên cầu, không có dáng một chiếc xe nào chạy qua. Mặt nước sông xanh đậm, bốc gợn một lớp khói sương. Mấy chiếc ghe chở san hô,vỏ ốc từ hòn Phương Mai, Phước Hải, đã xuôi dòng ra cửa. Đèn đã đốt sáng trong ba ngôi miếu thờ phía sau lưng. Lụa im lặng, nhìn bâng quơ xuống dòng nước phẳng. Có lẽ nàng cũng đang đợi chờ thổn thức như mình? Cang nghĩ vậy, và húng hắn ho.
Anh nắm lấy bàn tay Lụa, săm soi nhìn:
- Anh muốn nói với em một chuyện …
Lụa nhìn những ngón tay Cang trên bàn tay mình:
- Sao anh không nói đi?
Cang ngẩng lên nhìn Lụa:
-Sở dĩ anh chưa nói là vì sự xa cách bấy lâu khiến anh có cảm tưởng xa lạ về em, nhưng anh biết, em không hề thay đổi, em vẫn chờ đợi anh như câu hát nặng tình má em vẫn thường đọc cho anh nghe lúc trước.
Lụa vẫn ngồi lặng lẽ, tựa đầu lên cạnh vai Cang. Gió từ cuối sông, cửa biển, thổi mênh mông trên dòng sông. Lớp sương mờ từ giữa dòng bay dạt vào bờ, những bực cấp vôi, mấy bụi bờ lẫn khuất đen tối, chập chờn trên da thịt hai người. Những sợi tóc Lụa ve vuống trên mặt, quấn quít nơi cổ Cang. Anh đọc thầm câu hát cũ mà Lụa đã quen ngâm nga như một gởi gấm tâm sự nỗi lòng: “Chừng nào Trường Úc hết vôi, thì em hết đứng hết ngồi với anh; chừng biển nọ xa gành, cù lao xa biển em mới đành xa anh”. Biết tới bao giờ làng xóm Trường Úc này mới dẹp bỏ những chiếc lò nung san hô, vỏ ốc không lồ kia để cô gái không còn đứng ngồi với người tình đã tha thiết nữa?
Tiếng Lụa trong vắt trong bóng tối mờ ẩm:
-Anh có thấy lạnh không?
-Lạnh.
Nói dứt tiếng, Cang nghiêng mình, cúi đầu hôn lên đôi má lạnh của Lụa. Anh nghe như nàng khẽ nhích động. Đôi vai nàng sụt xuống một chút. Cang vòng tay qua lưng, kéo nàng vào lòng. Cô bé ở trần quần cụt thuở xưa đang ngoan ngoãn trong đôi tay anh. Cô gái với câu hát nồng nàn chất chứa bao tâm tình đang là cái cù lao nhỏ bé giữa vùng biển xanh mênh mông. Cang náo nức hôn suốt khuôn mặt nàng…
Từ ngày đi bỏ trà rượu đằng nhà ông Xã Ba về, Cang để ý thấy mẹ thường nói cười rộn rã, thường lặng lẽ hân hoan. Trên gương mặt đã khô héo nhăn nhúm của mẹ, anh tìm thấy được nhiều nét tươi dịu, rạng rỡ. Bà tỏ ra chiều chuộng, lo lắng cho Cang hơn trước. Nhiều lúc bà bộc lộ một cách thái quá, khiến Cang nghĩ, mẹ vẫn xem mình như hồi còn ở truồng, tóc để chởm vậy; còn cha anh, ông đã hết la ó mắng chửi anh như bấy khi. Thế vào, ông rất thường lặng lẽ cười hoặc liếc nhìn anh với đôi mắt ngời sáng, êm đềm. Ông đã yên tâm từng buổi sáng bên chén trà bốc khói, đã náo nức từng buổi chiều uống thêm vài ly đế. Có lúc ông ngà ngà chếnh choáng, ông gọi Cang ra cười đắc ý hỏi: Mày có thấy tao dạy có đúng không? Chuyện gì cũng vậy, cứ nói thẳng tuột ra là tốt. Thương, mày cứ nói là thương, chuyện ái tình mà mày ngần ngừ sợ hãi, có ngày mất vợ. Thiếu gì thằng thất tình chỉ vì có miệng mà không dám mở ra? Con gái thói thường nó vẫn ưa cái loại nói tuột tuột như vậy …
Lụa tự dưng bẽn lẽn, nao nức hơn khi kề cận ngày làm đám cưới. Nàng cố tránh chạm mặt Cang như không cho anh trông thấy nỗi xúc động sôi nổi trong lòng. Hình như nàng cũng ít muốn gặp gỡ ai nữa. Những nụ cười ngầm ý trêu cợt, những câu hỏi ngầm ý nhắn nhủ lắt léo, quả thực đã làm nàng ngượng ngùng hết sức. Có những chuyện chỉ nên im lặng hiểu ngầm, hoặc chỉ để hai người thỏ thẻ, nhưng những người quen gặp nàng đã cười hỏi oang oang lên. Chẳng hạn mới hôm trước thấy cha Cang và hai người đàn ông lễ mễ mang rượu trà tới, hôm sau ông Lịch gặp Lụa đã hỏi: Sao, bữa nào cho chú uống rượu đó? Dạo nầy hết than lạnh lẽo rồi chứ gì? Con Thanh, bạn nàng thấy nàng từ xa đã ngóng cao cổ cò lên nói lớn: Lụa, mày làm lơ tụi này hả? À, mày sắp sướng rồi mà. Đó, cứ mỗi người một lời, dần dà Lụa hết bình tĩnh không đủ can đảm cười nói chống trả thân thiết như mọi khi. Hôm có việc phải lên quận, đi ngang qua chi y tế, trụ sở xã, trường tiểu học, chi xã hội, chi thông tin, Thanh (lại con cò) từ trong quán nước gần quán chạy ào ra, bá vào vai, kéo Lụa lại, cười ranh mãnh: Đã có hồng thiệp chưa? Có. Sao không mời tụi này? Lo gì. Hổm rày đã thấy sướng chưa? Chưa. Gần hết mùa Đông rồi gấp lên nhé? Cảm ơn. Chỉ có bận đó, khi rời được Thanh, Lụa mới thấy mình ăn nói liều lĩnh thôi. Nàng tự nhủ, phải nói bừa như vậy, với những kẻ ẩu xị nhiều lời như Thanh.
Cang đã đón chực sẵn ở bên nầy cầu khi Lụa từ lò vôi đi xuống. Dù đã nhiều lần đón đợi, gần gũi Lụa, nhưng giây phút gấp gáp xao xuyến này đã khiến những hơi thở anh chùng thấp hẳn. Cang nghe rõ từng hơi thở hắt ra, nặng nhọc vượt thoát khỏi lồng ngực bồi hồi. Tới chừng Lụa đến gần, anh bước ra khỏi quán, ấp úng gọi:
-Lụa, Lụa - em …
Lụa quay lại, nhìn quanh quất, giọng khó chịu:
-Gì nữa?
-Em đi đâu về vậy?
-Đi mời chú Tám, thím Hương …
-Tối mai ra bờ sông … anh nhớ …
-Thôi, nhớ gì …..
Lụa quày quả bỏ đi thẳng. Cang cúi xuống rút một điều thuốc châm hút. Trời bắt đầu một cơn mưa về chiều.
Không có cái náo nức nào khó chịu như những ngày chờ đợi cưới vợ, Cang nghĩ thầm, loay hoay phụ giúp mấy người trong họ thu dọn bàn ghế, trải khăn bàn, trang trí chiếc cổng ở đầu ngõ, bày biện trang thờ. Cang chạy lui chạy tới lăng xăng tưởng như cái náo nức kia có chân ngọ ngoạy, ray rứt trong lòng anh vậy. Phía sau nhà, mẹ anh và mấy người đàn bà lân cận đang nôn nã nấu sẵn thức ăn. Duy chỉ có cha anh là thư thả: Ông vận bộ áo dài nhiễu xanh, lụng thụng, đi lên đi xuống, hoặc ngồi trầm ngâm ở chiếc trường kỷ giữa nhà. Thỉnh thoảng, vài ba người ghé vào, cùng họ nhấm nháp vài ly rượu thuốc, cười nói sang sảng. Nhiều lúc nghe rõ tiếng ông cười dòn, dài dặc, Cang nghĩ rằng, chắc ông đã đợi cái ngày mặc áo nhiễu xanh, ngồi uống rượu khề khà này đã lâu rồi? Cang đã không dè ông đã quá hạnh phúc trong cái hạnh phúc mơ ước của anh. Mày là con bất hiếu, anh tự dưng nhớ lại nét mặt tối sầm, đỏ gay mùi rượu của ông, mà lâng lâng xúc động. Giờ thì ông mặc áo nhiễu xanh, đang ngồi uống rượu ở trường kỷ. Sáng sớm ngày mai, ông sẽ xênh xang đi trước, dẫn theo một đám người họ hàng bước vào ngõ nhà lão Xã Ba như được sắp đặt gần một tháng nay.
Sáng sớm ngày mai, ồ, sao mà lâu lắc thế? Cang quay nhìn vào gian nhà giữa, mỉm cười. Lụa thức dậy khoảng bốn giờ sáng sau một giấc ngủ quên ngắn. Trong nhà, mẹ nàng vẫn còn ngồi bên những quả bánh. Chiếc bàn thờ chong đèn sáng rực từ đầu hôm. Mấy người phụ việc vẫn còn ngủ nướng thêm sau một đêm thức gần tàn canh hai. Lụa đẩy nhẹ tấm phên cửa ở nhà sau bước ra bờ giếng, mò đến chum nước rửa mặt. Một tiếng nổ rất gọn: Lụa ngã xuống …