20 NĂM-
NGHE THẦY KỂ
CHUYỆN TRƯỜNG XƯA
2 0 năm một quãng thời gian không phải dài nhưng cũng đủ để ký ức ít nhiều phai phôi. Kỷ niệm thì có thể quên mờ đôi chút nhưng nghĩa thầy trò - tình bằng hữu của bao thế hệ học trò Quốc Học thì vẫn vẹn nguyên, như một dòng chảy truyền thống không bao giờ đứt đoạn, cứ tiếp nối bao thế hệ hiếu học, trọn tình vẹn nghĩa với thầy cô, bạn bè và cả những anh chị em của các lứa Quốc Học đã từ mái trường này mà thành nhân để rồi thi thoảng lại thấy rưng rưng khi một ai nhắc mình về trường cũ...
Hôm nay các bạn của khoá 2000-2003 Quốc Học đại diện ở Sài Gòn đã có duyên hạnh ngộ với thầy Nguyễn Chơn Đức - nguyên là Hiệu trưởng của trường Quốc Học - mà lứa học trò sinh năm 1985 may mắn được nghe thầy gửi gắm biết bao tâm huyết qua những buổi chào cờ.
Nghe thầy kể chuyện xưa về trường mà tự dưng trong mỗi một người lại tự có những hoài niệm riêng của mình. Và trong hoài niệm 13 năm tiễn bao thế hệ ra trường thầy đã luôn dặn dò thiệt gần gũi và nhớ mãi là "Các em sau này ra trường dù có thế nào thì cũng nhớ giúp đỡ, bao bọc bạn bè, viết tiếp truyền thống quý báu của bao thế hệ đã tạo nên thương hiệu đặc biệt của trường Chuyên có tiếng của miền Trung...”
Bên cạnh những ký ức vui như ngày mới về trường, thầy bỏ cái dây xích chắn lối xe vào cổng chính được báo của tỉnh nhà viết bài ghi nhận, thì cũng có cái tiếc nuối là khối nhà hội trường đã chia cắt và làm nhỏ lại không gian quy hoạch vốn có của trường. Hay như cái năm cuối, khi khoá 00-03 đi trại ở biển Cảnh Dương, thầy nói ở đó mình có quen với bên bộ đội nên cũng yên tâm, và thầy kể mới biết là cạnh đó có cái hói nước sâu thầy đã cử thầy Tiến Anh với với một thầy Giám thị treo mùng ngủ ở vị trí đó để canh không cho lũ học trò vốn nghịch ngợm được an toàn. Thì mới hay cái tình của những người thầy vốn đã tận tụy với con chữ, với nghiệp phấn trắng mà còn lo lắng cho sự an toàn của học trò mình. Những câu chuyện cứ tự nhiên theo mạch cảm xúc không đầu không cuối nhưng lạ thay lại lắng đọng trong tâm khảm của đứa học sinh tóc đã đôi màu đen trắng, nhắc nhớ mình về thanh xuân đã may mắn lớn lên ở Huế và là một thành viên của mái nhà chung Quốc Học.
Cũng trong buổi hội ngộ, các bạn cũng đã nhờ thầy góp ý về kế hoạch của ngày hội khoá 20 năm ngày trở về của khoá 00-03, thầy chia sẻ những gì nên và không nên làm. Và cũng thật là hạnh phúc khi Radio Trạm Thanh Xuân 0003 với ý nghĩa lan toả ngày hội khoá được thầy rất thích. Thầy kể tối thứ Bảy nào thầy cũng chờ đến 8h để nghe, thầy còn nhớ số đầu tiên lên sóng là ngày 05/11/2022 . Nghe thầy tâm sự cũng thấy xúc động bởi những tình cảm mà lứa học trò gửi gắm qua những bức thư, những ca khúc gửi tặng những tâm sự về trường, về lớp, về quê nhà… đã được thầy theo dõi và động viên. Trong câu chuyện bên chén trà rất ngon của thầy, thầy hỏi thăm sức khoẻ, công việc của từng bạn, trong ánh mắt thầy ngời sáng khi kể về một vài anh chị của thế hệ trước hay em Triết của thế hệ hôm nay đã bước vào cuộc thi chung kết đường lên đỉnh Olympia 2023.
Sự thân quý của thầy, sự chân thành của các bạn 1985 đã xoá nhoà cái thời gian dài 20 năm mà tụi em mới ngỡ như ngày hôm qua. Dường như không còn là lớp này lớp kia, khoá này khoá khác, mà chỉ còn đọng lại trong chính mỗi một người cái vòng tay cứ nối mãi những cái tình chân thiết trao nhau. Để rồi từ đó cái tên Quốc Học đã vượt trên cái ý nghĩa mang tên, mà là một tính từ dung chứa những tính cách, hồn cốt của biết bao thế hệ lớn lên dưới mái nhà này...
Và rồi thời gian hữu hạn mà cái tình thì mênh mông, tụi em đành hẹn thầy lại một dịp khác sẽ hàn huyên tâm sự nhiều hơn, để lại trở về nhỏ bé dại khờ với kỷ niệm xưa cứ nhẹ nhàng lật giở. Và thầy ơi, em cũng như các bạn chúc thầy luôn sức khoẻ, luôn là nụ cười hiền từ và một giọng Huế thân thương mà tụi em mong nghe lại trong ngày 22/07/2023 sắp tới thầy nhé.
Rồi tụi em lại ngồi nghe thầy kể chuyện cũ, trường xưa trong cơn gió mùa hạ mà thương biết mấy cánh phượng hồng đã bao năm là chứng nhân cùng những buồn vui của tuổi học trò.
Sài Gòn 07/05/2023
Bùi Hoàng Linh- cựu học sinh Quốc Học Huế 2000-2003