Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

ĐẬU BIẾC.
SẮC HOA MÀU NHỚ


                     

N gày thơ ấu, khu vườn trong nội thành Huế mà tôi đã sống cùng mẹ cha, đã có một giàn hoa Đậu Biếc ngoài khung cửa phòng ngủ của mấy chị em tôi. Cái giàn hoa ấy cha tôi đã trồng để làm rèm cho khung cửa bớt ánh nắng chói chang mỗi Hạ về. Tôi cùng lũ bạn hàng xóm thường hái những nụ hoa có sắc màu xanh biếc làm món hàng trong trò chơi bán buôn con trẻ. Thuở ấy tôi vẫn nghe mẹ gọi tên là Nụ Tầm Xuân. Rồi trong ca dao, tôi lại nghe đâu đó lời than trách duyên phận lỡ làng:

“Nụ Tầm Xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ Trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Bẵng một thời gian dài bóng hình cây Đậu Biếc như nhạt nhòa khi tôi đã phải bôn ba rong ruổi những dặm dài trên mọi nẻo đường cuộc sống. Hôm nay, khi quay về An Chi viên an nghỉ những năm tháng cuối đời, tôi mới có dịp trồng lại giàn hoa Đậu Biếc cho mỗi sớm mai thức dậy, ly trà Đậu Biếc đậm sắc tím Huế nhớ thương cùng tôi bên nhau giữa muôn ngàn tiếng chim hót líu lo trong vòm trúc xanh xanh đang xào xạc tiếng khua lá ngoài hiên. Đậu biếc (danh pháp khoa học: Clitoria ternatea) là một loài thực vật có hoa trong họ Đậu. Những bông hoa của cây này được hình dung là có hình dạng giống bộ phận sinh dục phái nữ, vì thế tiếng Latin gọi tên của chi là Clitoria, có gốc từ chữ clitoris (âm vật)

Đậu Biếc là cây leo thân thảo. Thân và cành mảnh có lông, thường đeo bám các giàn cây để phủ đầy tán lá, sống nhiều năm, thường được trồng làm hàng rào hoặc thành giàn hoa. Hoa có màu xanh tím, xanh lam đậm hoặc màu trắng, nhưng phổ biến nhất là màu xanh tím. Giữa đám lá xanh, lại lốm đốm xuất hiện những nụ hoa màu xanh biếc tạo nên một mảng sắc màu đẹp mắt. Hoa có 2 loại: hoa kép và hoa đơn. Tùy nơi, còn tên gọi Đậu hoa tím, Bông biếc, Nụ Tầm Xuân…

Đậu Biếc được trồng trong các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới như là một cây leo làm cảnh trong vườn và công viên. Ở những nơi khí hậu mát hơn, chúng có thể được trồng trong nhà kính.

Quả đậu non có thể ăn được. Hoa Đậu Biếc được sử dụng tạo màu xanh trong thực phẩm xanh (ví dụ trong gạo ở Ấn Độ hoặc Cuba) và đồ uống cocktail ở một số nước Châu Âu, các loại bánh, xôi…ở các nước vùng Đông Nam Á. Từ quả đậu, lại cung cấp khoáng chất và vitamin cho người sử dụng. Thân, cành, lá cây Đậu Biếc cũng thường được sử dụng làm phân xanh bón trên các cánh đồng và đồn điền trồng thực vật khác để giúp tăng thêm chất màu mỡ cho đất. Nó lại còn là thức ăn cho gia súc. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô lưu trữ như cỏ khô.

Hạt và thân được sử dụng để nhuộm các vật liệu, chẳng hạn như vải. Trong y học dân gian, quả và rễ của cây Đậu Biếc cũng được dùng chữa bệnh. Trong những công trình nghiên cứu khoa học, người ta đã phân tích được từ hoa Đậu Biếc nhiều hợp chất hóa học hữu cơ, đáng chú ý là 2 hoạt chất: anthocyanin (một loại flavonoid) tạo nên màu xanh rực rỡ của hoa và cliotide.

Những năm gần đây giới trẻ rất thích thú khi thưởng thức món ăn, thức uống lạ mang nhiều màu sắc: xanh biếc, tim tím, hồng hồng….Sắc màu ấy tạo từ những cánh hoa màu xanh biếc. Nó không chỉ đẹp mắt mà còn nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Trà hoa Đậu Biếc có nguồn gốc từ Thái Lan, sau đó theo chân du khách lan sang Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam và một số nước vùng Đông Nam Á. Từ những kiến thức học hỏi được, tôi hái Hoa Đậu Biếc, có thể dùng tươi, sấy khô hay tán thành bột để tạo màu. Khi ngâm ấm trong nước khoảng 5 phút, những cánh hoa sẽ tiết ra loại nước có màu xanh biếc, không mùi vị. Lọc xác hoa lấy phần nước. Sau đó đổ vào hỗn hợp đường (mật ong), nước đá hoặc sinh tố, cocktail (có thêm trái cây khác như dâu tây, táo…), thêm một chút hương vani thì sẽ thành một thức uống có màu sắc tuyệt đẹp. Màu này biến đổi từ xanh biếc sang hồng đến tím tùy theo lượng hoa, khi ta giọt thêm một ít nước cốt chanh.

Tôi tự hỏi: “ Dùng hoa Đậu biếc có những điều lợi gì?”

Lướt qua một số trang Web, tôi tìm thấy những thông tin sau về những lợi ích của Hoa Đậu Biếc cho sức khỏe con người:

Với sắc màu tự nhiên, hoa Đậu Biếc không những trông đẹp mắt mà còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Màu xanh biếc của hoa Đậu Biếc lại dễ dàng tan trong nước với thời gian rất ngắn, chỉ khoảng vài phút. Khi ta uốngTrà hoa Đậu Biếc, sẽ giúp cải thiện sức khỏe bằng cách ngăn chặn các tác động có hại của các gốc tự do gây ra. Một số công dụng điển hình sau:

1. Làm đẹp cho người dùng, đặc biệt là phụ nữ: đẹp da, đẹp tóc, chống lão hóa, chống béo phì.

Vì sao?

Vì hoạt chất trong hoa Đậu Biếc cải thiện sức khỏe tế bào. Chúng cũng làm máu lưu thông tốt đến mọi ngóc ngách cơ thể giúp nuôi dưỡng tốt da lông, làm chậm sự lão hóa, ngăn ngừa rụng tóc và làm cho tóc đen bóng mượt. Hơn nữa, anthocyanin có thể ức chế được phản ứng peroxy hóa lipid, ngăn cản sự tích tụ chất béo trong nội tạng nên giữ vóc dáng được thon thả, tránh béo phì. Điều này đã giúp các thiếu nữ ở Thái Lan từ bao đời có phương pháp truyền thống làm đẹp bằng cách uống trà hoa Đậu Biếc thường xuyên.

2. Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư

Từ Hoa Đậu Biếc, khả năng chống oxy hóa cao nên giảm tối đa sự hình thành các gốc tự do, ngăn chặn các tác động có hại của các gốc tự do gây ra. Ngoài ra, hoạt chất trong hoa Đậu biếc có công năng ổn định di thể trong nhân tế bào, bảo vệ màng tế bào, tăng cường khả năng nhận diện ung thư của bạch cầu và thực bào nên hạn chế được sự phát triển tế bào ung thư và bảo vệ bệnh nhân trong quá trình xạ trị. Mặt khác, trong phòng thí nghiệm, chất cliotide của hoa Đậu Biếc đã thể hiện khả năng ức chế tế bào ung thư một cách đầy ấn tượng.

3.Tăng cường miễn dịch

Màu xanh của hoa có hoạt chất anthocyanin giúp bảo vệ DNA và lipid peroxidation khỏi tổn thương và tăng sản xuất cytokine để tăng miễn dịch cho cơ thể.

4. Tính kháng khuẩn

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy cliotide trong hoa Đậu biếc có khả năng kháng khuẩn in vitro chống lại E. coli , K. pneumoniae , và P. aeruginosa.

5. Tốt cho tim mạch

Nhiều nghiên cứu cho thấy hoa Đậu Biếc cải thiện đáng kể nguy cơ tử vong do động mạch vành vì giúp bảo vệ thành mạch, ngừa xơ cứng mạch máu, giảm thuyên tắc máu ngăn ngừa huyết khối não và giảm huyết áp.

6. Hữu ích cho bệnh tiểu đường

Hoa Đậu biếc cũng có thể làm tăng tiết insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm giảm một phần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

7. Cải thiện thị lực

Việc tăng cường máu đến các cơ quan cũng giúp cho dòng chảy của máu qua các mao mạch của mắt được cải thiện, làm mắt được bảo vệ tốt, thị lực tăng lên. Mắt được bảo vệ tránh những tổn thương do các gốc tự do nên làm chậm sự tiến triển của đục thủy tinh thể, giúp điều trị những tổn thương của võng mạc.

8. An thần, giảm lo âu, ngừa trầm cảm

Theo các tài liệu cổ, hoa Đậu biếc có tác dụng an thần, giảm lo âu, ngừa trầm cảm là do màu xanh của hoa. Đây là lý luận của Ayurveda Ấn Độ và Trung Y.

9. Tăng cường sức khỏe, bớt mệt mỏi, giảm căng thẳng

Trong món ăn, thức uống làm từ hoa Đậu biếc đã có những hoạt chất có ích nên hiển nhiên cơ thể được tăng cường sức khỏe, bớt mệt mỏi. Lúc uống trà hoa Đậu biếc, khách lại có cảm giác khoan khoái, thư giãn khi ngắm nhìn màu xanh biếc, hoặc tím ngắt, hay hồng hồng của trà sau những lúc làm việc căng thẳng.

Tuy nhiên, việc sử dụng hoa Đậu Biếc không phải lúc nào hoàn toàn hữu ích. Nó cũng có những phản ứng xấu nên ta cần lưu ý các trường hợp sau:

- Nếu dùng Đậu Biếc thường xuyên với số lượng lớn thì độc tính của anthocyanin sẽ tạo điều bất lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên với một người lớn nếu uống với mức độ uống 1-2 ly trà hoa Đậu Biếc trong ngày (khoảng 5-10 bông, tương đương 1-2 gam hoa khô) thiết nghĩ cũng không có hại.

Ta chỉ cần lưu ý vì hoa Đậu Biếc chứa anthocyanin có tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu, tăng lưu thông máu, thúc đẩy sự co bóp tử cung nên lưu ý phải tuyệt đối cẩn thận, hạn chế dùng trong các trường hợp sau:

- Phụ nữ đang có thai.

- Phụ nữ đang hành kinh.

- Người đang chuẩn bị phẫu thuật.

- Người đang dùng thuốc chống đông máu.

- Trẻ con dùng hạt sẽ dễ buồn nôn

Quả thật nếu những thông tin trên đúng sự thật thì Hoa Đậu Biếc quả là một thứ thần dược. Tuy nhiên ta phải hiểu rằng, đến hôm nay, khi tôi viết dòng chữ này, vẫn chưa có một Cơ sở Y tế uy tín nào chứng nhận những giá trị của Đậu Biếc cũng như tên loài hoa này chưa có mặt trong danh mục những cây thuốc Việt Nam. Do đó, nên chăng ta chỉ thỉnh thoảng thưởng thức một chút sắc màu Đậu Biếc trong ly trà tím biếc để gợi nhớ Huế thương một thời? Ôi màu tím Huế nhớ thương!




VVM.18.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .