Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MÙA SO ĐŨA RỘ



T hu còn chưa tàn đông đã lấp ló chờ sang. Là gió, là mây…là sắc màu của những vòm lá, đang xanh um bỗng nhiên ngả màu vàng úa. Tiết trời như cũng đang hùa theo góp vào sự sắp đặt sẵn có của thiên nhiên.

Chỉ mới cuối thu cơn gió đã ngai ngái những nỗi buồn, làm nôn nao lòng người một nỗi niềm khó tả mà rất dễ nhận ra. Hầu như chỉ cần một tẹo mùi gió và nắng hay đúng hơn là sự lỗi nhịp của những đám mây khi bỗng dưng ngược hướng, bước thong dong từ trời tây bỗng chựng chừng trở mình quay quắt một trăm tám chục độ. Đó là khi gió chướng đã về, cái tên của nó đúng với bản chất, chẳng có gì chướng bằng cái gió này. Cơn gió xốn xang và đa mang nhất hồng trần ví mà nó có màu chắc là cái màu thê thảm lắm, mặc dù đã chia sớt một mớ u hoài lên từng ngọn cây cọng cỏ, khoác một màu áo lạnh lùng vào trần gian…

Ngọc đứng so đo với cây so đũa mẹ trồng, mới hôm nào thấy mẹ lom khom đào cuốc con đê này xuống cây mà bây giờ nó đã quá đỉnh đầu, cái bông cao nhất là phải lấy cù móc kéo oằn nhánh vừa tầm tay mới ngắt được nó. Mặc dù là giống so đũa Thái, còn được gọi là so đũa tứ quý vì nó cho bông quanh năm, mà thước tấc của nó cũng đong đỏng cao kiệu chứ chẳng chơi. Chắc là do mẹ chăm bón tốt quá nên nó mới phát tướng lớn mau đến vậy. Chứ so đũa mình thì hiển nhiên không xét nét độ cao được, nó cứ thản nhiên mà vươn mình đến hết mức cho phép. Nhà có hai cây so đũa mình thân cây cao lớn, mỗi lần hái bông là cực chẳng đã. Giờ nó như ông lão già nua với lớp thân vỏ sần sùi nâu đen, gốc to, thân đứng thẳng tưng xòe mấy tán lá, rợp bóng một khoảng sân. Thấy vậy mẹ mới kiếm loại giống tứ quý này về trồng cho dễ hái lại còn có bông ăn suốt năm cho bé Ngọc đã thèm. Lại nghe đâu bông này ăn nhiều cũng sanh bệnh này kia nên mẹ chẳng dám cho Ngọc ăn nhiều, giao kèo với con bé một mức hợp lí nhất định. Và Ngọc chỉ có tuân lệnh chứ không được cãi. Có lần, mẹ mắng yêu rằng, bây giống cha bây quá sá, thèm cái gì là phải ăn cho đã mới thôi. Vừa mỉm cười Ngọc cảm giác có cái gì đó dờn dợn đáy lòng, nó chẳng những làm nóng các mạch máu trong tim mà còn sụt sùi sống mũi. Cay xè…!

Hái mỏi cả tay, mỗi kí nhóc bông luôn mà bán ở chợ giá rẻ rề. Ngọc đã từng thấy một cô sồn sồn, gương mặt rám nâu, chân trần đen đủi, thô kệch, tay cầm cái rổ vừa vừa đầy những bông trắng đi khắp chợ mời người mua. Vậy mà cả buổi sáng chẳng ai dòm tới, lắm lúc họ cần thì không có bông đâu mà bán nhiều rồi kêu ca là hiếm. Vậy nên mẹ thường bảo Ngọc hôm nào hái được nhiều thì đem chia cho cô bác lối xóm cùng ăn chứ buôn bán mà chi, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Và đó là nhiệm vụ tối ư quan trọng mẹ giao cho Ngọc hằng ngày.

Mỗi mùa gió chướng tràn về mang trên mình nó đặc sản ngày mùa mà tự bao giờ đã trở thành một báo hiệu đặc biệt và là sắc thái của một mùa gió không lẫn vào đâu được, nào điên điển, so đũa, đậu rồng, trái quách,…Người miền Tây nhắc đến những loại hoa quả này thì rành vanh vách từ cách sơ chế đến cách ăn uống. Chẳng những vậy còn rành rọt mấy kiểu bồi món, ví như điển điển phải nấu món gì với cá gì hoặc cũng có thể làm dưa chua, còn so đũa nấu canh chua là bá cháy, trái đậu rồng thì ăn sống chấm mắm tép hoặc xào tép thì ngọt biết mấy và trái quách thì ngâm rượu khỏi chê còn có công dụng làm thuốc trị bệnh chứ không vừa...Đó, sơ sơ có vậy mà đã nghe thèm thuồng trong nỗi nhớ, nó đã ăn sâu vào máu thịt của bao người xứ sở từ trẻ đến già. Và Ngọc thích nhất là món so đũa đủ các kiểu, nó thích một cách mê mệt đến mức chỉ nhắc tới thôi đã chắc lưỡi thèm thuồng. Trông bộ dạng của nó thôi mà không nhịn được cười.

Từ khi nhà nội xảy ra biến cố ba trở nên trầm mặc hơn, chỉ còn những nếp nhăn sâu dần qua mỗi luồng kim tích tắc của chiếc đồng hồ treo áp tường. Đôi mắt đẫn đờ trông xa hoắm, tiếng thở dài đều đều nặng đầy u uất. Lời nói lịm dần vào khoảng hư không là lúc lòng người đã xa xôi nhiều hiện thực, bấu víu vào một cõi phong linh chỉ còn lại tiếng thổn thức não nề. Cảm thấy cuộc đời thật cay cú với mình và với những người thân yêu. Mẹ nhìn ba trong sự lầm lũi, héo hon. Mẹ chẳng nói lời nào thêm nữa, trong những tình huống như thế này có còn nói nào có thể xoa dịu được mất mát, đau thương. Thôi thì đành lặng lặng chăm chút miếng ăn giấc ngủ cho ba, kề cạnh ba hi vọng ba sẽ trút bỏ được gánh nặng này.

Người đời thường bảo, nó - cơn gió chướng, cơn gió của những kẻ lang thang, những người điên. Chắc là vậy, một tâm hồn bình lặng còn muốn rối bời cảm xúc vì cái hanh hao màu nắng vì ngơ ngẩn mấy lối ảo diệu phù vân. Thì những kẻ vốn dĩ đã nặng lòng với ảo ảnh khó lòng mà làm chủ được xúc cảm trống trải ngày mùa lam chướng. Làm sao họ còn biết gì ! Những bước chân họ lang bạt nhiều hơn, chẳng biết truy nguồn sự gì ở cái không gian rộng lớn này. Có thể đang tìm kiếm một sự mất mát nào đó đã được mặc nhiên trong trí và khi những ngọn gió biển đông ồ ạt tràn về lại khơi dậy giữa lòng họ một ẩn dụ huyễn hoặc. Ôi ! khi mà những con sông đang miệt mài ngày đêm chảy về biển lớn thì đâu đó vẫn có những hòn đá tảng chực chờ ngăn lối.

Gió thốc từng cơn táp vào khuôn mặt, lá vàng theo gió lây lất bên xó đường, lá rơi nhiều. Trên cành, những màu vàng ua úa như đang chuyền nhau sự cộng hưởng của đất trời hay đơn giản là đang cố hùa theo đẩy bật tiết thời. Bên hông mé cháy đám cỏ dại ngả buồn không còn tươi tắn nữa, điệp khúc nào trỗi nhịp một mùa cũ càng, ủ rũ, sậm sờ.

Cây so đũa lão làng ấy thấy vậy mà gây nhiều thiện cảm với Ngọc, do ba xin được ở nhà người bạn đem về trồng. Ba thường hay bảo, ba thích những chùm hoa trắng đung đưa theo ngọn gió ngược ngạo mùa này, dưới ánh nắng ban trưa những tán lưa thưa của nó làm run rẩy những vạt bóng sáng tối dưới đất, ngó lên mấy tàn cao những hạt nắng chen chúc xuyên qua nhành lá xanh xanh. Và cái thích thú ấy của ba đã chuyển tải hết cả vào tâm khảm con bé hay mơ mộng ấy. Để rồi mỗi mùa gió chướng ùa về Ngọc lại cứ hay lấp ló xem so đũa cụ đã ra bông chưa, dẫu nó biết rằng ngoài bờ đê luôn rực rạo một màu đo đỏ thắm của tứ quý. Bởi vì nó muốn đón nguồn gió từ biển khơi như so đũa và như những lời buột miệng từ cội nguồn dân giã miền Tây. Hay chỉ đơn thuần nó muốn lật giở từng trang kí ức, một nỗi buồn hai nỗi nhớ kết lại đau đáu. Ngày ba ra đi cũng vào mùa chướng gió thế này, một ngày bình thường quá đỗi. Mẹ với Ngọc chỉ kịp chấp nhận sự thật một cách tạm bợ y như rằng cần phải chấp nhận mà thôi. Dẫu gì thì trời kêu ai nấy dạ, âu cũng là do số phần, câu cửa miệng của người quê hay nói với nhau như thế. Và rồi mẹ với Ngọc đã học cách sống cùng định mệnh éo le này.

Lần nào cũng vậy, khi đã hái đầy một thúng tứ quý mẹ lại ngồi xuống bên gốc dừa gần đó, phe phẩy chiếc nón lá trên tay hòng làm dịu những giọt mồ hôi đang rơm rớm trên khuôn mặt. Mấy sợi tóc bạc lơ thơ trước mắt, từng sợi trắng đến hững hờ. Vết thời gian đã cầm chiếc gậy của tên phù thủy nào đó mà hóa phép vào làn tóc mẹ, một màu mây dè dặt phủ đầy…

- Mẹ ! tóc mẹ bạc nhiều quá…

- Ờ…! Mẹ nhìn Ngọc mỉm cười thản nhiên quá đỗi. Như có thứ gì đó nằng nặng nơi đáy lòng Ngọc bùi ngùi trong dạ và bỗng dưng thấy mình thương mẹ thiệt nhiều.

Trong cơn gió nhè nhẹ thoảng qua lay nhẹ mấy chùm so đũa còn non choẹt, be bé. Cái màu đỏ thắm kia cộng với ánh nắng trời chiều làm chóa một màu chói chang lộng lẫy. Đôi khi chỉ dòm thôi cũng đã mắt hơn đã thèm. Ngọc dõi về phía con đê xa tắp kia như bắt gặp ánh mắt ngày nào của ba mỗi chiều vác cuốc đi về, phía sau con vện đang đủng đỉnh theo chân. Nắng hạ màn vàng hoe bờ mắt, hạt nắng nào rớt lặng trên bờ vai gầy đã sờn màu sương gió.

Trên con đê, hai bóng người kẻ trước người sau lặng lẽ bước thật chậm rãi, chừng như trĩu lòng.




VVM.14.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .