S au hơn mười năm, chúng tôi gặp laị nhau tại một Seminar ở Hà Nội.
Không còn trẻ trung và hơi đẫy đà nhưng Thúy vẫn đẹp như một bức tranh Barốc*, rườm rà và bí ẩn. Đôi mắt ướt đam mê của người đàn bà bước vào tuổi hồi xuân với lối trang điểm gam màu nóng, trông nàng điệu đà và hấp dẫn; Thúy khác với ngày xưa, chỉ cái trán dô bò liếm thi vẫn thế, dù có một lọn tóc khéo léo chờm lên . Khi còn yêu nhau tôi hay thơm vào nơi ấy.
Nàng vui vẻ : “ Em mong gặp anh …you look wonderful,l Darling*…” sực mùi nước hoa đắt tiền, khi lướt tới trước mặt tôi.
“ Chào Thúy, vẫn mong được gặp lại em”.Tôi cố ý trả lời trịnh trọng, dù biết nàng nói thật lòng.
Tình yêu đã qua dày vò ta như căn bệnh mãn tính. Cảm giác khó miễn nhiễm của “ thằng đàn ông một thời hoa, lửa…” làm tôi bối rối khi gặp lại những người đàn bà đi qua cuộc đời mình.
Trong ký ức, những cuộc tình sinh viên hiện về với cái đêm Nguyệt Thực của một thời xa vắng chẳng thể quên…
Thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, sinh viên Hà Nội chúng tôi phải sơ tán xuống nông thôn. Cùng học khoa xã hội, tôi là cầu thủ bóng đá, Thúy trong đội ca múa của trường. Bọn sinh viên chúng tôi thường gặp nhau ở những lần hò hét, cổ vũ các trận cầu nảy lửa trên bãi cỏ ven đê và ve vãn nhau khi túm tụm đứng xem diễn văn nghệ, dưới ánh sáng của mấy cây đèn măng xông. Tham gia thể thao, văn nghệ, trai gái rất dễ “kết” nhau…
Chẳng dễ dàng nhận ra được nàng trong đám đông những cô gái rời làng quê lên Hà Nội; thời chiến họ mặc toàn quần đen và áo sơ mi màu sậm. Thúy trông tầm thước, rắn chắc của một cô thôn nữ bình thường. Nhưng dưới cặp chân mày dài là đôi mắt ướt, to, đa tình có sức hút khó cưỡng nổi . Ở nàng sự giản dị hồn nhiên thôn dã đã hòa trộn khá hài hòa với lối cư xử khéo léo thị thành. Nói chung, nàng có đủ năng lượng và tình ái để chuyển tải niềm vui tới đàn ông.
Nghe bạn bè xì xầm về chuyện Thúy được kết nạp Đảng từ thời còn là học sinh phổ thông, chỉ sau vài ba tuần nàng tham gia trực chiến với đám dân quân xã, tôi cũng không mấy để tâm.
Mười năm sống trong trường nội trú, toàn bọn con trai, khá tách biệt với xã hội bên ngoài, với tôi, tình yêu nam nữ là một thứ hàng xa xỉ; loại trái cấm ngọt ngào, được hình thành, lớn lên và định hình qua những tiểu thuyết và xi- nê cổ điển. Trở thành sinh viên được tự do tiếp xúc với bạn gái trong những hoàn cảnh rất đời thường, tôi khá bỡ ngỡ, lúng túng, và dễ mắc sai lầm - Rơi vào vòng tình ái, như cái cây cao bị đốn hạ, vô tư ngã nhào xuống đất xuyên qua những bụi rậm đầy gai góc của cuộc đời.
Trước khi đến với Thúy , tôi cũng có những cuộc tình dang dở. Đó là hệ quả của một sự ngộ nhận về đối tác. Họ mơ mộng nhưng không ảo tưởng. Mãi về sau tôi mới vỡ lẽ : hãy vô tư yêu nhau khi còn là sinh viên và chấp nhận chia tay như một hệ quả tất yếu. Tuổi sinh viên là suối nguồn tươi mát của tình yêu thanh khiết; nó khó mà biến thành dòng sông thế tục của hôn nhân.
Năm thứ nhất khi trường còn ở Hà nội, lớp tôi chỉ có mười sinh viên: sáu nam và bốn nữ.Theo nhận xét của bọn con trai thì nhan sắc của các nàng đều không phải giai nhân.Tôi thích cô nàng cùng lớp, tên Thu Hằng. Là con của một quan chức cao cấp, nàng thông minh và khéo cư xử nên chinh phục được cả bọn. Thằng Hữu học giỏi mà xấu trai, là đứa bị nàng thôi miên nặng nhất. Mỗi khi mái tóc dài và khuôn mặt tròn, lấm tấm tàn nhang của nàng xuất hiện thì đôi mắt hắn nhướng lên sau cặp kính cận dày cộp, há hốc mồm ngắm từng bước chân nàng vào lớp. Hằng khá thân với tôi. Có lẽ vì tôi là thằng ngố, chỉ ham đá banh và ít để ý đến những chuyện lặt vặt của các thành viên trong lớp; Tôi vô tư vác ba lô cho Hằng đi tập quân sự ở Nhổn; Khi cả lớp đi lao động trên Trại Cốt Bài, tôi và thằng Triết xung phong gánh vác công việc cuốc đất, lấy củi… để Hằng rãnh rỗi kể chuyện. Từ kịch “ Lôi Vũ” của Tào Ngu đến trinh thám “ Người Tàng Hình” của H.G Well và cả kho tiếu lâm hiện đại Việt nam, qua giọng kể hấp dẫn của nàng cả lớp nghe say sưa. Tôi và Hằng càng trở nên thân thiết đến độ chúng tôi trao đổi thông tin cho nhau chỉ qua cái nháy mắt. Nhưng niềm vui dễ bay đi mà sự trắc trở thì thường đọng lại.
Một đêm mùa đông lạnh, mưa phùn, sau khi xem bộ phim Ô- ten- lô, chúng tôi đạp xe từ nội ô về tới trường thì trời đã quá khuya. Cổng im ỉm khóa. Gọi mấy lần mà người gác cổng vẫn lặng thinh, tôi và Hằng đành dắt xe thất thểu đi quanh bờ tường, tìm chổ chui vô. Nhờ ánh đèn hắt ra từ phía Nhà Mậu Dịch ( sinh viên gọi là Nhà Xanh) chúng tôi phát hiện có một đoạn tường xiêu vẹo, hơi thấp. Tôi tựa xe đạp vào tường, trèo lên; cởi phăng áo bông đang mặc ra, lót lên mặt tường; Hằng lấy một đoạn dây, buộc vào xe rồi đưa tôi kéo lên, thả vào bên trong. Còn với nàng, tôi đành nhảy xuống, ôm chặt nàng, cố sức nâng lên ( lần đầu tiên trong đời tôi chạm vào da thịt con gái,). Ơn trời! nàng cũng vượt qua bưc tường mà không một lời oán trách, nhưng trong mắt nàng có ngấn nước …Hằng im lặng đạp xe về khu nhà nữ. Dù bị trầy xước tôi cũng đánh một giấc ngon lành… Hai tuần liền, Hằng tránh mặt … Nhưng một tháng sau, chúng tôi lại cùng nhau đi xem phim … Gần cuối năm học, Hằng đưa tôi về nhà ở chợ Hàng Đậu cùng ôn thi. Trưa hè, gác hai vắng lặng, ngồi bên nhau, trên bàn có bức hình cô đào xi nê mặc áo trễ ngực, từ phía Cửa Bắc tiếng ve kêu râm rang. Sau mấy phút cận kề cùng học bài, chúng tôi nhìn sâu vào mắt nhau. Có lẽ em sinh viên mười tám bị tình yêu mê hoặc là sinh vật đẹp nhất trên đời. Cặp môi của chúng tôi sắp quyện vào nhau… thì cả hai giật nẩy mình vì tiếng bước chân vội vàng từ dưới nhà chạy lên, cùng lúc với tiếng nổ chát chúa của pháo phòng không và tiếng phản lực gầm rít ngang bầu trời …Bên Đức Giang, một cột khói đen bốc lên cao. Tất cả chỉ xảy ra trong vòng năm phút. Chiến tranh đã vào tới Hà Nội…Ra khỏi nhà, tôi và Hằng im lặng đạp xe chầm chậm dọc phố, nghe tiếng ve thưa thớt rồi tắt lịm Tôi mua hai que kem ở tiệm Tràng Tiền.
Tôi và Thúy say mê nhau khi chúng tôi sơ tán từ Hà Nội ra ngoại thành. Ban đầu, tình yêu đi theo quỹ đạo lý tưởng của “Paven và Tonia”*. nhưng năm cuối thời sinh viên, khi sắp xa nhau, Thúy tiếp tục học, còn tôi ra công tác thì tình yêu chúng tôi mang hơi hướng “Liêu trai”. Chúng tôi luôn tìm cách được gần bên nhau.
Ở nơi sơ tán, bọn sinh viên năm thứ tư chúng tôi cố gắng sở hữu hai thứ giá trị đặc biệt: xe đạp và người yêu. Với xe đạp thì chàng mới có thể đưa người yêu về Hà Nội dạo phố ngày Chủ nhật. Còn người yêu thì gã sinh viên nào mà chẳng phải săn tìm để khỏa lấp nổi cô đơn. Mà tôi chỉ có tình yêu.
Là sinh viên năm cuối, tôi được khoa phân công ở trọ trong nhà dân phía đầu làng, Thúy, năm thứ hai, ở tận cuối xóm . Có ba con đường chạy qua làng. Một con đường chạy xuyên qua những bãi ngô, một đường khác được lát bằng gạch thẻ, phẳng phiu, chạy vòng qua tận làng bên, và có một con đường nhỏ gập ghềnh ven theo bờ sông Đáy. Để gặp nhau, chúng tôi thường theo con đường này dù hơi khó đi nhưng vắng vẻ, và dễ tìm một chổ kín đáo, khuất tầm nhìn.Thưở ấy, cặp đôi sinh viên nào mà chức sắc bắt quả tang nắm tay yêu nhau là bị kỷ luật liền.
Đó là đêm nguyệt thực toàn phần đầu tiên trong đời tôi. Trời trong xanh và trăng tròn vành vạnh, tỏa ánh sáng thanh khiết trên trời cao. Ngồi bên nàng,và tận hưởng hiện tượng kỳ thú của vũ trụ diễn ra chậm chạp, cảm nhận rạo rực hạnh phúc đang trào dâng trong cơ thể. Nước sông lấp lánh bạc rồi sậm dần lại – “gấu ngậm vành trăng”. Tiếng trống chiêng đuổi “gấu” văng vẳng từ bên kia sông,vọng lại.
Khi ánh mắt trao nhau và nụ hôn ngọt ngào, một bàn tay tôi lần qua áo ngực, bàn tay kia đặt lên trên cặp đùi rắn chắc của nàng. Khẽ kêu “ đừng anh…đừng anh” nhưng nàng áp sát cả thân thể vào người tôi. Đêm mềm ra như sương, nồng nàn như trời đất …Mặt trăng sáng một nửa mơ hồ, ám ảnh như ẩn giấu điều bất trắc nhưng huyền dịu của tự nhiên... “hãy chảy đi sông ơi” *với đêm nguyệt thực tuyệt vời.
Tốt nghiệp, tôi vào tuyến lửa xa xôi công tác.
Đêm chia tay, nàng nói với tôi :“ …em sẽ vào với anh”
Hình ảnh nàng và những bài hát ca ngợi cuộc chiến là sức sống của tôi nơi đất lửa. Chiến tranh phá hoại ở vùng này dạo đó thật ác liệt. Những đợt bom B 52 hay những trận pháo kích từ biển diễn ra hàng ngày. Những lúc có một thân một mình, tôi cảm thấy sợ cái chết. Ban ngày, những tuyến đường giao thông huyết mạch vắng lạnh, với những chiếc cầu đầy thương tích; bao quanh chi chít những hố bom đủ kích cỡ khác nhau. Nhưng ban đêm, các con đường lại hồi sinh cho những đoàn xe, pháo…những đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong , xuôi Nam, ngược Bắc.
Thời gian đó Hà nội vẫn yên lành, như một sự mặc cả. Hình như đó chỉ là một khoảng lặng giữa hai cơn bão lớn.
Tôi vượt qua quảng đường gian truân về Hà nội bằng xe đạp, chủ yếu là để gặp nàng. Sau mấy năm sơ tán, Trường Đại học được trở về Hà Nôi, sinh viên vui mừng như được trở lại chốn thiên đường.
Mùa Đông Hà Nội, đi dạo phố khuya với bạn gái là một trãi nghiệm tuyệt vời. Gió lạnh ngoằn ngoèo xuyên qua những dãy phố sâu, rồi thấm vào người nghe rét ngọt. Ta có thể cảm nhận được mùi phở bò thoảng bay từ các gánh hàng rong với chiếc đèn Hoa kỳ mờ tỏ, mùi hoa sữa lãng bảng trong ánh đèn vàng cuối phố như làm bạn với tiếng dép cô đơn của người thợ đi làm ca ba mệt mỏi trở về. Những chuyến tàu hỏa kéo bằng đầu máy hơi nước cũ kỹ, nặng nề chở chiến cụ lăn bánh qua cầu Long Biên vào ga Hang Cỏ … Một bức tranh tĩnh vật bình lặng đến nao lòng.
Đi bên nhau, lặng lẽ.. Thúy vẫn âu yếm những lời yêu thương nhưng trên khuôn mặt nàng thoáng hiện một quần tối mơ hồ. Tôi nhận ra nàng đang vận tấm áo len ngoại đắt tiền và chiếc khăn quàng nylon mới. Đến cuối đường Nam Bộ*, nàng cầm tay tôi và nói:” Xin lỗi anh, nhưng em …”.
Lặng người, nhưng tôi hiểu nàng và còn đủ can đảm để không thốt ra câu hỏi vô duyên : “Vì sao…”. Từ từ quay lưng, tôi bước nhanh ra ga Hàng Cỏ*…
Con tàu hú một hồi còi khàn khàn rồi lao về Nam. Tôi bỏ lại phía sau một tình yêu đầu đời và một kinh thành trở gió lạnh trong đêm.
Đã đến lúc , tôi biết từ bỏ những thứ không thuộc về mình.
Ghi chú
. You look wonderful: Anh trông tuyệt vời!
. Pavel – Tonia : nhân vật của tác phẩm “ Thép Đã Tôi”
. Baroque – Trường phái nghệ thuật Châu Âu hết sức hoa mỹ thịnh hành thế kỷ 17, 18.
. Đường Nam bộ là Đường Lê Duẫn hiên nay
. Ga Hàng Cỏ là ga Hà Nôi bây giờ