Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


Đầm Thị Nại Quy Nhơn

NHỚ QUÊ



H ồi nhỏ, lúc còn học trường làng, trường cách nhà vài trăm mét, tôi chỉ mong tiếng trống tan học. Tan học chạy ù về nhà, vì phải xa nhà mấy tiếng đồng hồ nhớ lắm!

Lên lớp nhì, tôi học trường tiểu học ở xã. Sáng tòn ten một ca táp, một cà mèn cơm, xà lỏn chân đất tôi vượt từ cuối Đông bắc đến cực Tây nam xã Phước Thuận. Tôi đi học từ mờ sáng, tan học lúc mặt trời sắp lặn. Mưa nắng, bão lụt gì cũng đi, tôi là kẻ đồng hành với những bà buôn gánh chợ huyện, chợ Bồ Đề…vui thì vui thật nhưng suốt ngày chỉ mong hết giờ học về. Một ngày không ở nhà, nhớ lắm!

Cấp hai, tôi “du học” tận Qui Nhơn. Đậu vào Trung học Cường Để, tôi là niềm hảnh diện của gia đình, của xóm làng…oai lắm! Ở Qui Nhơn, tôi trở thành “người thành phố”. Đi học thì quần tây, sơ mi đóng thùng, mang giày săn-đan, về nhà mang guốc gỗ y chang “Tuấn chàng trai nước Việt” của ông Nguyễn Vỹ. Tôi đi học được thầy thương bạn mến. Lòng tôi lúc nào cũng mang “chí lớn”, “kẻ sĩ”. Sau này nghĩ lại thấy buồn cười, chả là tôi nhiễm Ông Cao Bá Quát, ông Nguyễn Công Trứ…từ những ngày đọc sách mượn mấy anh lớp trên. Còn nữa, cơm tháng ba trăm đồng, tôi ở trọ nhà bác, được một phòng riêng, học thì bàn ghế, đèn điện đường hoàng, chả bù hồi tiểu học tôi hay nằm “chổng khu” đọc sách, học bài. Bảnh là bảnh thế, nhưng tôi cứ mong đến cuối tuần. Chiều thứ bảy, khi ca-nô về đến chợ Bến, tôi nhảy ào xuống đất, cởi quần tây và giày cất vào ca-táp, chạy “u” về nhà. Gặp được ai thì gặp, tôi đến đầu hiên nhà, mở vung lu nước, múc đầy một gáo dừa, “ực ực” một hơi cho đã. Một tuần rồi chứ ít sao ? Nhớ lắm!

Cuối những năm sáu mươi, học ở Sài Gòn, lại  ở trọ, cơm tháng. Khoảng cách về không gian đã xa (hơn 600 cây số!), khoảng cách về thời gian cũng xa hơn, cố lắm tôi cũng chỉ về vào nghỉ  hè hoặc mùa tết. Nhớ nhà phải nén lại, không phải vì tôi bận đi học mà vì sợ…tốn tiền! Cách xa mấy tỉnh, tôi không chỉ nhớ mái tranh đơn sơ với cha và anh chị em tôi, tôi còn nhớ cả cái làng nhỏ bé dễ thương với bao nhiêu người chân quê thân thiết của tôi. Tôi nhớ từ núi Xương Cá làng tôi đến dãy Kỳ Sơn, nơi tôi học tiểu học. Tôi còn nhớ cả đầm Thị Nại với những chuyến đi sáng thứ hai, lượt về chiều thứ bảy…Tôi nhớ Qui Nhơn của tôi suốt thời trung học. Nhớ nhiều lắm! Nhớ nhà với tôi bắt đầu thành nỗi nhớ quê, lúc nào cũng muốn tìm về!

      Có  những câu thơ nhớ quê được tôi viết trong thời kỳ hai mươi này:

      Quê  nghèo có ai đếm thời gian
      Rỗi tay những ngày lúa xanh, lúa trỗ
      Cũng không buông cái nơm, cái  đó
      Quên cơ hàn nên đầy ắp niềm vui
      ……
      Xa bao ngày lòng đâu dễ gì  quên
      Em tóc cháy mà môi hồng vẫn thắm
      Em bé nhỏ trong tôi bỗng lớn
      Thành hào quang trong nỗi nhớ quê  nhà

                                    
    (Năm mới niềm nhớ cũ)

Lớn lên vào lúc chiến tranh, gia đình tôi kiếm cho một chỗ  lính có “chữ thọ” thật lớn, chỉ mong tránh được “hòn tên mũi đạn”, chứ không màng làm người hùng, mong được thăng tiến bằng “con đường súng đạn”. Tôi chứng kiến những người bạn trung học của mình, cầm micro nhảy thót lên bàn, hoan hô đả đảo không thiếu những hành động đầy bạo lực…trong phong trào “học sinh tranh đấu” ở Qui Nhơn sau ngày ông Ngô Đình Diệm bị hạ bệ! Tôi không thích “trò chơi yêu nước” của họ nên tránh xa…! Chúng tôi phải học, học phải đậu, rớt một năm là đi lính ngay, mà đã vào lính thì phải làm sao giữ mạng. Khái niệm “yêu nước thương nòi” trong chúng tôi “có có không không”, nhưng nhớ nhà/nhớ quê luôn luôn là một điều có thật. Vào lính, cái mạng của mình còn thuộc về người khác, lấy đâu ra cái quyền được về nhà theo ý mình! Cho nên, mỗi lần nghỉ phép về nhà, tôi như được sống lại, gia đình tôi mừng như tôi vừa cõi chết trở về…Tôi mặc sức vẫy vùng, hưởng thụ bao nhiêu tình cảm của gia đình, của quê hương. Sướng!

Hòa bình, Tôi  về Đà Lạt với gia đình nhỏ của mình. “Hoài bão lớn” ngày trẻ chỉ còn là “hạnh phúc nhỏ” với vợ con. Tôi “cày sâu, cuốc bẩm”, làm một người lương thiện đúng theo “cái gu” của xã hội. Vất vả thế nào đi nữa, tôi vẫn cố gắng về quê kể cả khi cha mẹ tôi đã mất hết, ngôi nhà từ đường không còn!

Tôi hạnh phúc vì bây giờ vợ con tôi luôn luôn có ham muốn được về quê. Quê nhà  của vợ tôi (gốc Bắc) và của ba đứa con (được sinh ra ở xứ khác) là xóm làng nghèo khó của tôi, cạnh núi Xương Cá, phía dưới núi Kỳ Sơn, ở đó ngoài anh chị xóm giềng ngày xưa, chúng tôi còn bà con, bạn bè thơ ấu. Vợ con tôi biết thương quê theo tôi, biết trông mưa khi quê nắng hạn, biết dõi theo Ti Vi để xem quê mình bão lũ thế nào, biết trân trọng từ chục bánh tráng, gói mắm ruốc ở quê gởi lên…Album hình quê chụp ở núi Kỳ Sơn với mồ mả ông bà cha mẹ; hình chụp dưới chân núi Xương Cá là nơi tôi tập leo trèo, đến những tấm ảnh đền đài, chùa tháp, cả ruộng lúa, đống rơm, bầy vịt đồng đến cái nơm cái đó…luôn được khoe là “cảnh quê mình!”.

Mỗi lần ra phố, khi trông thấy một chiếc xe mang biển số  77…, vợ tôi hay đập vai tôi :-Người quê mình kìa anh! Có lần gặp một người đàn ông gánh đôi nừng, rao :”Cốm… đây!”, vợ nhận ra người đồng hương ngay. Ra chợ, đôi lúc vợ tôi mua hàng mà chẳng cần kỳ kèo, trả giá vì một lý do đơn giản, “chị ấy là người Bình Định!”. Trong số những người thoáng gặp, cũng có vài người đến nhà chúng tôi, kết thân, thường xuyên lui tới. Những buổi tiệc bánh tráng hột vịt đơn giản đầy chất quê hương mà vui nhất là cả nhà được nghe, được nói tiếng quê!

Nhớ  quê…

Năm nào cũng vậy, trước tết mươi ngày, vợ tôi chuẩn bị nếp, đậu xanh cho nồi bánh tết. Tôi dắt con ra chợ lựa mua lá dong, lá chuối, lạt tre…dĩ nhiên phải dạy chúng yêu cầu của vật liệu để làm một chiếc bánh ngon. Ngoài hương trầm hoa quả, tôi còn nhắc con mình phải tìm mua trà mộc, loại cộng nhỏ…cho hợp ý ông nội, trầu tươi xanh, cau non mềm…cho hợp lòng bà nội. Trái cây cúng khi nào cũng có một vài nải chuối mốc, trước khi “cam, bom, lê, nhãn…” hay “cầu, dừa, đủ, xài…” như thiên hạ. Nói theo kiểu vợ tôi, đó là :”Cho vừa ý bố mày!”. Kể cũng vui!

Nhớ  quê…

Chuyện cúng bái ngày tết, từ việc cúng tất niên, cúng đón ông bà, cúng giao thừa, cúng mừng tuổi sáng mồng một, cúng cơm hằng ngày…tôi đều hướng dẫn các con tôi, đúng theo kiểu cha tôi từng làm từ bốn mươi năm trước.

Lần nào cũng vậy, sau khi cúng giao thừa xong vợ con tôi rủ nhau đi chùa để bắt đầu một năm mới. Vợ tôi đôn hậu, nết na… Các con tôi đều học hành, công việc đáng hoàng, các cháu ngoan ngoản học giỏi…Gia đình tôi thật hạnh phúc! Nhưng vào những đêm trừ tịch tôi thường có cảm giác buồn, thậm chí tủi thân…Có khi tôi rơi nước mắt vì nhớ cha mẹ, anh chị em xưa, nhớ cả quê nhà một thời thơ ấu. Tôi cố tạo nên những động tác, những diễn biến trong sinh hoạt gia đình như những gì đã học được ở quê, cố tạo nên một không gian Bình Định trong một gia đình, một căn hộ nho nhỏ nơi thành phố ồn ào này, cho đỡ nhớ!

Nhớ  quê…

Những sinh hoạt của một thị dân ở thành phố đầy nhiễu nhương, phức tạp với bao nhiêu quan hệ cuộc đời nên ngày tết, dù nhớ bao nhiêu, tôi không thể về quê được! Nghĩ, bây giờ râu tóc đã bạc, còn về quê được bao lần nữa? Căn bệnh nhớ quê mãn tính lại phát tác dữ dội vào những ngày lễ, tết…Nhớ lắm, khổ lắm…quê ơi!

…Em đừng nghĩ rằng tôi giả bộ
Vì  nhớ quê an nhớ  trật bao giờ…

(Nhớ  Qui Nhơn)

Đà Lạt, cuối tháng chạp 2010



VVM.23.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .