B óng hình cây tre đi vào ký ức tôi từ thưở xa xôi-những trưa hè ngày thơ ấu, nằm võng đu đưa nghe bà kể chuyện Cây tre trăm đốt, với lời hô “Khắc nhập, khắc nhập, khắc xuất, khắc xuất” của anh lực điền cần cù đôn hậu. Bóng tre lại in sâu thêm sau mỗi lần về quê, bước chân vào cổng làng rợp bóng những lũy tre. Bên bờ kênh trong xanh, từng hàng tre soi bóng, thân cọ nhau kêu kẽo kẹt, lá khô rơi xuống, theo gió thổi, đuổi nhau trên đường làng, tạo thêm tiếng xào xạc…khi tôi tung tăng chân sáo trên lối về…
Có thể tôi đã yêu tre từ dạo ấy.Tình yêu ấy lớn dần thêm khi tôi bắt đầu có những gắn bó hơn với cây tre trong cuộc đời mình.
Bài học lịch sử đầu tiên về người anh hùng dân tộc, tôi đã tròn mắt vễnh tai nghe kể chuyện ông Gióng với bụi tre nơi miền quê Sóc sơn kỳ bí. Chiếc nỏ thần An Dương Vương chống giặc cũng được vót từ thân tre bình dị của quê hương. Rồi gậy tầm vông, chông tre đánh giặc qua bao cuộc chiến trong lịch sử …cũng đã được những con người yêu nước âm thầm ngồi vót, làm vũ khí bảo vệ quê mình. Tôi ngồi nghe những kỳ tích của đất nước mà cứ ngỡ như nghe chuyện trong mơ.
Nhưng chuyện cây tre trong đời này là chuyện thật. Ta đã chẳng từng đi qua cây cầu tre lắc lẽo gập ghềnh trên những dòng sông đầy giai thoại đó hay sao?
Nơi những dòng sông chưa bắc được cây cầu, chiếc xuồng tre lại nối đôi bờ đưa khách qua sông? Hay nơi mạn ngược, non cao, người địa phương biết kết tre thành mảng, thả theo dòng để vận chuyển hàng hóa về xuôi…
Đi đâu ta cũng nhìn thấy cây tre gắn bó với con người. Cuộc sống của người Việt không thể thiếu bóng tre xanh. Thúng mủng quang gánh bà mẹ quê gồng gồng gánh gánh đi bán sản vật vườn nhà đã được đan bằng tre. Cái cán cuốc, cán cày bừa người nông dân ra đồng ra cày cày xới xới để trồng cây lúa, cây khoai..đều cũng vót từ thanh tre cật. Cái đơm, chụp của kẻ vạn chài cũng là vật dụng từ tre. Nơi bếp lửa cây tre lại cho ta đôi đũa, cái rá rỗ, sàng, trẹt, cối chày…để chế biến món ăn.Trưa mùa hạ đất trời nóng như thiêu đốt, bà phe phẩy cái quạt nan tre cho ta thêm chút gió. Ăn cơm xong con kính cẩn mời mẹ cha cái tăm tre nhỏ xíu vót từ đôi tay cần mẫn của những người khiếm thị.
Ngôi nhà ta ở cũng dựng lên từ những cột tre chống đỡ, phên tre… che chở ta nắng mưa, mà bao thế hệ người Việt đã có tổ ấm trở về sau mỗi ngày lao động.
Khi thư nhàn con người tìm vui trong nghệ thuật, cây tre lại cho ta chiếc sáo tiêu, cây đàn T’rưng, cánh diều, vũ điệu múa sạp…để tạo thêm những âm thanh kỳ diệu cho cuộc sống này thêm thi vị, thăng hoa…hoặc chạm khắc trên thân tre để lại những lời vàng ý ngọc cho đời như năm xưa Hàn thuyên đã từng thực hiện và còn lưu lại đến hôm nay.
Có phải không? Cây tre là bạn thân thiết của con người? Chẳng phải chỉ mình tôi mà qua bao năm tháng trước, đã có biết bao người yêu mến cây tre. Thân rổng vươn cao, cây tre ( trúc) đã được biểu trưng cho người quân tử. Kẻ yêu cuộc sống dùng tre tạo nên bao điều tiện lợi cho người chung quanh. Kẻ không màng danh lợi phù du tìm về qui ẩn trong rừng Trúc, dựng ngôi trường nứa lá tranh tre dạy học trò nghèo. Kẻ có tâm hồn nghệ sĩ, lại sáng tác những bài thơ, bài viết, bài hát, bức họa… về tre, cho tôi bao lần trong đời xúc cảm:
“ Tôi đi dưới tre gió bồng chân sáo
Đường hành quân mỗi lần tre níu áo
Lòng bồi hồi rộn nhớ bóng tre xưa…”
Cây tre quả thực là cây biểu tượng cho hồn Việt. Ấy vậy mà trong lần phỏng vấn cuộc thi Miss Việt Nam, một Người đẹp VN đã phát biểu cây xương rồng là cây biểu trưng VN. Đó là nỗi đau lòng vì thế hệ hôm nay đã không còn bóng hình tre trong hồn họ.
Người xưa có kinh nghiệm: Xuân trúc lục tiêu. Nghĩa là trồng cây tre vào mùa xuân, cây tre tươi tốt, trồng cây chuối vào tháng sáu để tết có quả thu hoạch...Mụt măng ( cây tre con) đâm chồi trong mùa xuân gặp tiết trời thuận lợi sẽ vươn lên thành cây tre thẳng, dùng được việc trong xây dựng, vật dụng và cả vũ khí chiến tranh. Mùa thu, mụt măng đâm chồi gặp mưa gió sẽ không phát triển tốt, nên người trồng tre dùng mụt măng làm thực phẩm:
Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá
Bộ luật Gia Long đã qui định một số điều luật về thu hoạch tre. Có một giai thoại kể rằng một lần vua Minh Mạng nhân vừa có chiếc ống nhòm do người tây phương đến bang giao tặng, đã lên Lầu Tứ Phương ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Tình cờ khi nhìn về miệt An hòa, nhà vua phát hiện một bóng thiếu phụ đang bẻ măng trong mùa cấm.Vua ra lịnh cho lính ngự lâm lên điều tra. Người đàn bà bẻ trộm măng đã bị đưa ra trước cửa quan.Bà khai rằng vì ngày mai giỗ cha nhưng nhà quá nghèo không có tiền mua sắm, đành liều bẻ măng làm cỗ. Nhà vua chiếu theo hình luật vẫn phạt nhưng lại cho tiền làm cỗ vì lòng hiếu thảo đáng khen.
Tháng 12/1835 Nhà vua sai đúc Cửu đỉnh, trên mỗi đỉnh khắc ghi 17 cảnh vật của đất nước như các dòng sông Hồng, Hương, Cửu long, vầng trăng, vì sao, cây cối, súc vật, xe cộ, thuyền bè… biểu tượng non sông gấm vóc của đất Việt và mong ước sự trường tồn của triều đại. Cửu đỉnh được đặt ở Hiển Lâm Các, đối diện Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Ngày học môn lịch sử, tôi được mẹ dẫn vào xem.Tôi đã nhìn thấy cây tre được khắc hình trên đó.Mẹ dạy rằng tất cả những cây cỏ trên Cửu đỉnh đều là những cây hữu ích gắn bó với cuộc sống con người. Đó là cây làm lương thực, vật liệu xây dựng, dụng cụ, vũ khí hoặc cây làm thuốc cho sức khỏe con người… Cây tre gồm cả ba giá trị ấy. Trong một số bài thuốc dân gian có dùng cả phấn trên thân tre/trúc.
Tôi đã được đi hầu khắp mọi miền đất nước. Nơi núi rừng trên đỉnh đầu tổ quốc, tôi đã từng cùng đồng bào thiểu số nấu món cơm lam trong ống tre ( ống bương). Nhét gạo nếp vào ống tre non, bịt kín hai đầu.Từng ống tre được vùi trong lửa. Sau một hồi, nước từ ống tre non nóng lên, thấm hơi làm hạt gạo chín mềm và thơm dậy hương tre. Chẻ dọc ống tre lấy ra thỏi cơm chín dẻo, chấm muối ớt hay lạc vừng, mời khách miền xuôi lên thăm bản, ăn một miếng ngon dân dã nhớ đời.
Qua xứ Lạng, tôi lại được ăn món dưa măng chua ngọt, rồi mua mấy hũ làm quà.
Về Hà Nội ngày tết cổ truyền được ăn món Giò hầm măng, măng xáo…
Lên Tây nguyên lại được ăn măng khô nấu thịt gà rừng.Những miếng măng được hầm nhừ quện vị ngọt thịt gà hoang dã, tạo một cảm giác ngỡ ngàng cho dẫu trong đời tôi cũng đã có lần tận hưởng nhiều miếng ăn ngon nơi một số vùng đất nước.
Mỗi miền quê có cây tre mọc vươn lên trong bầu trời xanh biếc, người Việt ở đó đều có những món ăn chế biến từ
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng”
Khi vừa tập tành nấu nướng, bà tôi đã dạy tôi vót sợi lạt giang (tre nứa ) thật mảnh để gói chiếc bánh tét ngày xuân, chẻ thanh tre nẹp vào đòn chả thủ hay món Chạo Gắp tư để nướng trên lửa than hồng. Bà còn dạy tôi vót cái chèo tre nhỏ để ăn món bánh bèo. Ăn bánh bèo Huế là dùng chèo tre lùa bánh chứ không dùng đũa hay thìa.Vừa chèo vừa húp nước mắm, nên chi có câu ca đùa trong đám trẻ con:
“ Mi giàu mi ăn cá tràu đỏ đ… ít
Tau nghèo tau ăn bánh bèo chèo đò đi chơi”
Từ Măng tre, tôi học hỏi dần nhiều món nấu. Khi nhà sắp có phương việc, bà dạy tôi ngồi dùng cái lược sừng trâu chải từ mụt măng ra sợi nhỏ, luộc xả vị đắng, hăng rồi rim đường làm nhân bánh.Đó là chiếc bánh Măng mà nay còn rất ít người biết chế biến.Món xúp măng cua nấu bằng măng tây nhưng những ngày xảy ra chiến tranh Pháp Nhật, măng tây không nhập được nên bà tôi cũng đã linh hoạt dùng măng ta. Thay thế, nhưng phải khéo chải bằng cái lược sừng trâu để sợi măng được mềm. Măng lại được cắt hạt lựu, xào chung tôm thịt và một số nguyên liệu khác như cà rốt, su hào…làm nhân thập cẩm cho cái bánh bông hồng hay bánh ít nhân thập cẩm hoặc mụt măng vòi được cắt sợi cho vào hũ tôm chua đặc sản quê nhà.
Vào đầu bữa, bà lại dạy tôi làm món gỏi măng. Măng được luộc chín, tướt sợi nhỏ. Xào thấm tôm thịt, trộn chung vào, thêm các rau gia vị: thơm, răm, ngò gai ( mùi tàu) và lạc, vừng rang. Cái bánh tráng gạo( bánh đa) nướng dòn rụm bẻ miếng xúc ăn.
Măng kho tôm thịt hay sườn là món nấu phổ biến nhất. Bà hay bảo tuy măng không giàu chất bổ dưỡng như các thức khác nhưng là món đưa cơm.Quả thực ngày nào có món măng kho, tôi ăn thêm bát cơm.Có thể các bà mẹ Việt không có những hiểu biết về độc tố trong măng. Nhưng chính cách luộc bỏ nước đắng trước khi nấu là một bài học truyền khẩu trong dân gian đã giúp người ăn khỏi say ( ngộ độc) mà ta cần quan tâm lưu giữ.
Chuyện về cây tre còn biết bao điều để nói…Tôi đã từng nghe chuyện kể về tre từ người săn cọp. Họ kể rằng râu con cọp có một loại khuẩn, nếu cấy vào mụt măng hay thân tre sẽ sinh ra một loài sâu bọ thải được chất độc giết chết người. Vì thế trong phường săn, họ luôn có một thông lệ khi săn được cọp, việc đầu tiên là đốt hủy râu nó. Ngày nay chuyện săn cọp đã là hành vi cấm.Nhưng câu chuyện kể trên nếu đúng sự thật cũng là bài học đáng lưu tâm.
Với tôi cây tre đã gắn bó gần như suốt đời mình.Tôi đã trồng một bụi tre trong vườn nhà ngày tôi còn bé. Nó sống theo tôi đến hôm nay. Ông tôi kể có người đã từng nhìn thấy hoa tre. Cứ ba trăm năm tre sẽ nở hoa một lần rồi tàn lụi. Nơi gốc cây lại mọc lại những mầm non. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoa tre mà nay tôi đã già cổi. Nhưng tôi đã bao lần nhìn thấy mụt măng non đâm vươn lên chào cuộc sống. Tre già măng mọc là qui luật cuộc sống này. Vì thế khi tôi không còn đủ sức cầm bút, sẽ vẫn còn trăm ngàn câu chuyện Măng Tre tiếp nối lời tôi.
Mãi mãi trong hồn tôi cây tre là biểu tượng hồn đất Việt chúng ta.