Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

DI VẬT CỦA CHA



I.

Một hôm mẹ tôi đưa tôi lên rẫy giỗ cha tôi. Tôi rất mừng vì lâu nay tôi nghe cha tôi hy sinh nhưng chưa hề biết mộ cha ở đâu. Đi đường tôi hỏi mãi:

- Giỗ chỗ mô mẹ

Ngồi yên đó, nói con cũng không biết.

Lên mộ cha theo con đường đất đỏ quanh co, lụn vụn đá núi, nhiều lùm bụi nhiều sim, móc, mâm xôi. Tôi vừa đi vừa hái những qủa sim chín mọng ngọt lịm, mẹ tôi chờ tôi hái, đôi khi mẹ cũng vói hái dùm tôi những trái sim mọc cao quá đầu tôi và những trái mâm xôi chín tới đỏ tươi ngọt thanh, thi thoảng tôi bắt gặp hai bên đường. Mẹ và tôi vào một ngôi nhà tranh vách đất. Tôi thấy trong nhà toàn đàn bà con gái, có một cô gái chừng chín tuổi, nhỏ hơn tôi một chút, lúng liếng đôi mắt đen sau liếp cửa lúc ấy tôi đã mười tuổi. Mẹ tôi nói chuyện với người đàn bà, tôi đứng bên phản nghe trộm lòng ngạc nhiên đợi kết thúc câu chuyện giữa mẹ và người đàn bà tôi sẽ hỏi cho ra lẻ vì sao cha tôi mất?

II.

Hạnh vắt khăn lên vai, tay trái khoác bộ đồ bộ đi lui sau vườn, đến cây khế cô giơ tay lấy chìa khoá giữa hai nhánh cây rồi đi đến mở cánh cửa sắt và bước tiếp xuống mấy bậc đá và tấm đoanh hình chữ nhật lấp xấp nước triều dâng. Dòng sông trước mắt cô lung linh ánh trăng lững lờ về biển. Hạnh ngồi lên bậc cấp, để áo quần, khăn trên giá tre sát bụi môn xoà những chiếc lá tròn to rồi gỡ từng khuy nút bóp… Bến vắng, rõ cả tiếng óc ách sóng vỗ. Hạnh cầm chiếc áo vừa cởi đưa lên mủi ngửi, cô nhíu mày nhưng lại hít thật sâu cái mùi nồng nã bịn rịn từ người cô từ sáng đến giờ mới chịu vứt vào chậu đồng óng ánh ánh trăng mà chị Dung của cô vừa tắm xong để lại cho cô dùng. Khi không còn mảnh vải trên người, Hạnh vói hai tay lui sau bối chặt mái tóc dài trên gáy và lấy chiếc gáo dừa móc trên cọc tre đóng kề tấm đoanh; sực nhớ chưa lấy tượng Phật đeo trên cổ, cô để gáo dừa nổi lềnh bềnh trên tấm đoanh, lấy tay lột tượng Phật rướn người lên móc lên một nhánh cây rồi lại ngồi xuống lấy gáo múc nước sông dội từ vai xuống tắm. Trăng khuya nhuế nhoá lùm bụi cây lá hai bên bến, thấm đẫm trên những tàu lá chuối trong vườn và chảy nhễ nhại trên tấm thân mười bảy tuổi của Hạnh; cả người cô toả hào quang sáng ngà ngà góc bến nước…

Tiếng rột rẹt trong bụi rậm phía cây sung sà mặt sông làm Hạnh giật mình hốt hoảng:

- Ai!?

Chung quanh Hạnh vẫn lặng tờ, linh tính mách bảo cô có gì đó không bình thường, cô vội ngồi co người lại dáo dác nhìn quanh và kéo chiếc thau đồng “rẹt...” vào người, nhanh tay quơ vội bộ quần áo bẩn trong chậu đồng vắt ngang hai bắp vế. Bỗng nghe tiếng quẫy nước của một người lặn ra xa. Hạnh giật mình, run run:

- Ai?

Tiếng nói của Hạnh chìm trong tiếng rên rỉ áo não của các loại côn trùng và tiếng lao xao của bến nước sau khu vườn đêm. Hạnh xích lại bụi môn lúp xúp tối xỉn, bờ vai ngang nhô lên trắng ngần dưới ánh trăng. Bất thần, Hạnh đứng lên ôm bộ đồ sũng nước chạy ù vào nhà bếp. Dung đang đứng nghiêng đầu chải tóc sau cửa bếp, thấy vẻ sợ hãi của em, hỏi:

- Chuyện chi mà chạy hốt hoảng rứa?

- Ai rình em tắm ơ chị!

- Sao biết?

- Em nghe như có người nấp dưới gốc sung.

Dung nói:

- Thằng Vạn bên Xóm Cồn chớ ai vào đây! Đêm nào hắn cũng chèo ghe đi đâm cá thấy đàn bà con gái tắm là hắn thu ghe trong bụi, lặn xuống nước rình, bọn con gái xóm ni biết tẩy hắn rồi.

- Dễ sợ!

Hai chị em lại đi xuống bến. Hạnh vẫn mặc nguyên bộ đồ bẩn múc nước sông dội tắm. Dung đứng trên bậc đá vừa hong tóc từ cơn gió thổi ngoài mặt sông vào vừa canh cho Hạnh. Đằng xa, một chiếc ghe ánh sáng trắng trờ tới. Dung báo động:

- Hắn trở lại đó, mò cho tau vài viên sỏi tau cất trên tấm đoanh.

Hạnh mò sỏi, cô mò hoài không thấy trong khi chiếc ghe rọi cá đến gần, ánh sáng trắng của ngọn đèn Măng xông rọi sâu xuống nước rõ mặt gã trai trạt trai ngoài hai mươi tuổi, đen thui, tay lăm lăm chiếc đọc ba mũi. Dung lại giục:

- Mau! Đưa tau viên sỏi!

- Để Hạnh!

Dứt lời. Hạnh nhảy ùm xuống nước, quẫy chân thật mạnh, nước sông ào vào ghe người đi đâm cá làm chiếc ghe câu của gã dạt ra xa. Gã bị nước bắn ướt, la:

-A…a.... Ngon hả?

Gã giơ dầm lên định đánh. Dưới ánh đèn hắn nhận ra Hạnh. Miệng hét:

- Cô chủ. Chơi chi lạ rứa?

Rồi Vạn cười ... Hề... hề.. tinh quái, chèo ghe ra xa. Anh đèn Măng xông chòng chành trên nước mấy cái và lướt nhanh trên mặt sông, khuất sau những lùm bụi mảng tối ven sông. Hạnh tắm xong cùng chị lên vườn thay áo quần, đứng hong tóc. Chợt Hạnh ngoay ngoảy người đi xuống bến, lội trên tấm đoanh đi đến cọc tre vói tay trên nhánh cây lấy tượng Phật, cô lại hét lên:

- Chết!

- Chi vậy?- Dung hỏi?

- Tượng Phật của em mô rồi.

Thôi bỏ đi, mai tau xin me dắt mi sang chợ Đông Ba thỉnh một tượng bằng vàng đẹp hơn.

Hạnh thút thít:

Tượng Phật của Hạnh không chỉ có giá trị sợi giây bằng vàng Tây, tượng Phật ngọc cổ có giá trị tâm linh, còn là vật kỷ niệm của me cho Hạnh. Chị Dung nói qua chợ Đông Ba mua làm sao có được, lại chẳng vừa ý của Hạnh. Hạnh vác bản mặt dàu dàu lên giường ngủ, lòng cứ mong trời mau sáng, sang Xóm Cồn tìm Vạn chuộc lại tượng Phật, chậm nó bán mất! Hạnh trăn qua trở lại thao thức mãi...

Hai chị em qua cồn mồ, ở đó một bãi bắp cặp mép sông bắp xanh ngan ngát, rìa bắp có một đường mòn nhẵn láng do bà con đi lại, họ chọn đường mòn này để đi băng ra đường cái cho nhanh. Hai chị em chở nhau bằng một chiếc xe đạp mini đến nhà ông Rạm. Gia đình ông Rạm trước ở trên đò chòng chành sông nước, ăn ngủ, đại tiểu tiện cũng trên chiếc đò. Bà con xóm Cồn đều biết “Bà Đại Lý” me của Hạnh, bán đại bài gạo, từng giúp đỡ cho cả nhà ông Rạm cha của Vạn.

Trước đây, đò chú Rạm đò thường neo đậu sau bến sông vườn nhà Hạnh cả ngày lẫn đêm. Lâu lâu chú chèo đò và chiếc ghe nhỏ đi làm cá đâu đó vài ngày rồi lại về neo đậu sau bến nước, còn thường kéo theo sau chiếc đò lớn chiếc ghe nhỏ làm nghề giăng câu, đâm cá kiếm thêm thức ăn cho cả nhà. Me của Hạnh thường nhờ chú Rạm lên làm vườn và cho gia đình chú miếng đất thừa thẹo bên cồn làm túp nhà tranh cho gia đình chú lên bờ sinh sống đỡ chật chột lại trông giúp vườn bắp cho nhà Hạnh luôn thể. Niềm khao khát lên đất ở của chú được trọn vẹn. Chú bán đò lên ở hẵn trên khô từ đó. Nhưng vẫn luyến tiếc sông nước nên giữ lại chiếc ghe

Dung và Hạnh gặp chú Rạm đang tù tì xị rượu trắng

- Cô chủ sang tui có việc?

- Có.

Dung trả lời xong tự bước vào nhà ghé ngồi lên chiếc chõng tre trước mặt chú Rạm đang ngồi nhậu, Dung hất hàm hỏi trổng:

Vạn có nhà không? Hạnh

sợ chị Dung “nói toạt móng heo” thêm rách việc. Vạn hắn không cho chuộc thì hỏng. Hạnh cướp lời:

- Không có chi chú ạ. Cháu nhờ anh Vạn một việc. Có đứa em họ đi học bị tụi học trò chận đường ăn hiếp. Nhờ anh Vạn nạt cho tụi một trận “khiếp đen” luôn.

Chú Rạm cười khà khà... chi chơ chuyện nớ thằng Vạn nhà tui trừng mắt một cái, xong ngay. Để tui dói nó về cho cô chủ gặp. Không biết khi hôm hắn đi đọc cá “trúng đậm” sao sáng ni chơi xì lác rứa không biết. Nói xong chú Rạm láng cháng đi gọi con. Thằng Vạn về. Thấy Hạnh và Dung mặt hắn tái tái nhưng vẫn sừng sộ:

- Chuyện chi rứa? Đây không biết à nghe.

Hạnh vẩy tay gọi Vạn ra ngõ. Nói nhỏ:

- Đưa tượng Phật đây.

Thàng Vạn chối:

- Tượng chi, ai biết. Đừng hàm hồ nghe cô chủ. Khi tối là cô chủ đó, chứ người khác quẫy nước ướt tui, tui đánh cho một dầm chết ngắt.

Hạnh thì thầm năn nỉ Vạn. Nhét vào tay hắn mấy chục bạc. Hắn tươi mặt nói:

- Sợi dây tui bán chơi bài rồi. Còn tượng Phật tui cho anh Chánh, cô chủ tìm anh Chánh lấy lại. Tui thấy óng ánh dưới nước tui lặn xuống lượm, chứ phải tui ăn cắp mô đừng đổ oan cho tui.

III.

Chánh quen Hạnh nhờ tín hiệu hoa khế. Hôm ấy me bảo Hạnh đạp xe về làng Vân mời bà Nghẹt mạ anh Chánh lên chích lể cho me bị phong ngứa. Một buổi sáng, trời còn mờ mờ sương, ngọn gió còn se se lạnh, Hạnh đạp xe về làng Vân tìm nhà bà Nghẹt, khi dắt xe vảo ngõ giữa hai hàng chè tàu, hình như một cái gì rơi xuống bám vào mái tóc Hạnh. Hạnh giật mình tưởng là chị sâu, dừng lại, đưa tay lên vuốt xuống - một chùm hoa khế nho nhỏ, tim tím dễ thương. Hạnh ngước mắt lên, thật ngạc nhiên những cành khế chi chít hoa, những cánh hoa bé xinh với sắc màu tim tím nhàn nhạt. Cái màu tím biêng biếc làm Hạnh bâng khuâng… Đây là nhà anh Chánh.

Từ đó Chánh và Hạnh quen nhau. Lâu lâu có tín hiệu hoa khế hay vài lá khế ở hộp thứ bí mật của Hạnh đặt dưới cục đá dưới chòi ngắm sóng sau vườn nhà Hạnh. Chòi là chỗ ba Hạnh khi còn sống thường ngồi chơi chiều tối, đó là túp lều tranh vách ván sau vườn sát bến sông để uống trà, đọc sách… gia đình Hạnh gọi CHÒI NGẮM SÓNG. Thường Chánh đến mời Hạnh đi uống nước hay đi đâu đó, anh thường đi lối này bằng cách leo qua gốc sung lên chòi, chứ không vào cửa chính. Hai đứa ngồi tán chuyện đông tây rồi chia tay. Thời gian cứ thế trôi qua, và Hạnh Chánh thân nhau lúc nào không biết.

Lần nầy, Hạnh về làng tìm anh, không có anh, Hạnh viết vội mấy dòng: “Chánh thương! Khi hôm em… định nói Hạnh đi tắm nhưng thấy dị nên mình viết, em treo tượng trên nhánh cây bị mất, thằng Vạn nhặt được, nghe nói anh mua lại của nó, cho em chuộc lại, đừng cho ai à nha, Hạnh nói Chánh mua chứ thằng chẳng Vạn cho ai bao giờ đâu. Cả em giận đó. Hạnh định viết thương nhiều nhưng ngại nên viết em HẠNH”. Hạnh hái mấy bông hoa khế tim tím đè lên mảnh giấy và để một cục đá lên trên miếng lá khô trong bụi gia tàu ngõ vào nhà anh. Ở đó cũng có hộp thư bí mật của Hạnh và Chánh. Hạnh và anh đã hẹn vào tối nay bằng tin nhắn hoa khế. Nên Hạnh chờ trời chạng vạng nói dối với chị Dung, Hạnh đi chơi nhà bạn gái một chút và cầm cuốn truyện “Hương Lửa Ba Sinh” ra chòi ngắm sóng ngồi đọc chờ anh đến. Hôm ấy, Chánh đến bến sau nhà Hạnh, người ướt đẩm, anh đứng lắc người cho khô và ráo mái tóc. Chòi ở cuối vườn nhà, mỗi khi Hạnh và anh gặp nhau thường không ai phá rầy, hơn nữa Hạnh đã khóa ngõ từ nhà xuống bến, ai xuống bến cũng phải tìm chìa khóa. Chánh vừa leo lên mấy bậc cấp gỗ chòi, Hạnh đã hỏi:

Tượng Phật Hạnh mô?

Từ từ đã nà.

Lên chòi vừa vào cửa anh đã ôm Hạnh hôn, Hạnh im lặng một hồi rồi vờ vùng ra lí nhí:

Me thấy la chết, chưa chi mà...

Chánh cười khề khề lúng túng đứng đực mặt ra, miệng nói:

Xin lỗi, tại anh nhớ…

Anh móc trong túi áo ra một bọc ni lông nhỏ, mở lấy tượng Phật có thêm sợi dây băng vàng y. Hạnh nói:

Dây em vàng tây mà

Cứ coi có phải tượng của Hạnh không đã, anh thấy em đeo hoài mà, nên anh cho thằng Vạn ít tiền xin lại tượng đó. Còn dây chuyền anh qua phố mua tặng em thay sợi dây Vạn đã bán.

Tượng của em. Hạnh xây lưng cho anh Chánh móc giúp dây. Hạnh soi chiếc gương mà cha đã treo trong chòi từ lâu, thấy vàng rực cổ, Hạnh lại lí nhí với dòng nước mắt:

Cám ơn đó!

Năm Chánh 18 tuổi được người chị đầu giới thiệu, anh đến gặp ông Nguyễn Hữu (bí danh Hải) thành ủy viên. Chánh hoạt động tích cực, được tham gia chiến dịch, thuộc đơn vị 66E, tiểu đoàn trinh sát vũ trang thuộc Ban an ninh Huế. Có một hôm, anh Chánh bị cảnh sát rượt, ảnh nhảy tỏm xuống sông Hương, đoạn trên trường Quốc Học anh bơi một mạch vế đến bến nhà Hạnh. Anh lên chòi ngắm sóng ẩn. Anh bơi rất cừ và trong thời anh hoạt động chìm ở làng Vân, anh chuyên đi bằng đường sông, khi đi dưới đám bèo Nhật Bản khi đi chìm dưới sông với một ống hóp để thở. Lần ấy Hạnh tắm xong leo lên chòi thay áo quần bất chợt anh lù lù dưới gầm bàn chui ra. Trước cảnh đó Hạnh rất luống cuống mặc dù đã đính hôn nhưng làm sao ấy. Anh nói trong hơi thở: “cho anh, chắc anh sẽ phải lên chiến khu em à. Anh ở đây bị lộ, phải đi thôi”. Hạnh không biết làm gì, chỉ im lặng lắc đầu… sau này Hạnh lại khóc cho duyên phận mình, anh khuyên lơn an ủi, hứa sẽ về cưới Hạnh đàng hoàng, anh nói gì Hạnh theo đó. Đó là đêm Hạnh trao thân cho chồng. Rồi những lần hẹn sau tuy vội vàng nhưng dạn dỉ hơn. Cho đến khi anh lên chiến khu rồi, Hạnh nằm với anh gần suốt đêm, đến hai ba giờ sáng Hạnh mới mò vô nhà thỉnh tượng Phật trao anh làm tin làm, giao kèo cho mối tình thời con gái Hạnh.

IV.

Tôi gặp cha, cha tôi chỉ một nấm mộ đất vừa làm sạch cỏ, giỗ cha không có một tiếng ồn. Tôi bùi ngùi đứng trước mâm cơm khói hương nghi ngút, lòng quặn đau! bỗng nhiên tôi khóc òa…mẹ tôi kéo cánh tay nói tôi nói nhỏ:

- Thuận đừng khóc to họ nghe, nghe con.

Giỗ cha cả buổi chiều tôi ngồi bên mộ cha, một người cha chưa hề biết mặt. Bà Thẻo lấy trong tủ ra một tượng Phật trao cho tôi, nói:

- Trước khi hy sinh, cha con đã đưa tượng Phật cho chồng bác, để trao lại cho con đó.

Tôi nắm tượng Phật trong lòng tay. Mở tay ra nhin vào ngài chỉ thấy ngài từ bi nhìn tôi. Tôi kính cẩn đeo vào cổ và nguyện sẽ gìn giữ mãi mãi và học hạnh Phật suốt đời vì đây là tượng của mẹ tôi tặng cha tôi ngày cha lên chiến khu. Là di vật của cha!

Trời đã chạng vạng, con đường vào nhà dưới tán vườn ổi đã tối nhập nhọang, nhiều nơi sẩm tối. Cô gái nhỏ tay bưng cây đèn dầu đang cháy loe leót đi ra. Cô đi đến sau lưng tôi, nói: “Mạ mình nói, nhất rạng đông, nhì chạng vạng. Vô nhà đi Thuận. chỗ ni nhiều rắn lắm đó”. Tôi cùng cô gái đi vào cùng cả nhà ăn cơm Tối, tôi chuẩn bị leo lên phản ngủ cô gái cầm một túi ổi chín hườm nói:

Thuận cất ăn cho vui, mình hái khi chiều đó

Răng biết tui thích ăn ổi.

Thấy Thuận leo hái. Lấy đi, đây không ai ăn mô.

Cám ơn chị

Không biết tôi gọi cô là chị từ hồi nào. Cô không nói gì đứng trước hiên trong vùng sáng vàng sậm của ngọn đèn dầu. Bỗng dưng cô nói:

Hẹn gặp lại năm sau nhé

Ừ.

Cô đưa ngón tay ra, Thuận và cô nghéo tay làm tin. Cô bỏ chạy vào bếp túm tóc đuôi gà đưa qua đưa lại dưới bờ vai ngang bé nhỏ và mất hút trong vùng tối của căn buồng phên tre…




VVM.11.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com