Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HOA TÌNH YÊU



M ỗi khi gió bấc thổi về hiu hiu người ta lại nghĩ về tết với nhiều tâm trạng khác nhau. Người lớn tuổi, thích an bình cũng xôn xao nào hoa, nào kiểng. Mấy bận có những nhóm người ở tận đâu đâu ghé qua nhà tôi ngó, trầm trồ gốc hoa giấy ở sân. Họ nói  thân cây to, cổ, có dáng kiểng nhưng ngặt nổi không biết uốn lượn gì gì đó thành ra giảm giá trị. Nói vậy nhưng họ cũng sẳn sàng bỏ ra vài triệu để mua về trồng chơi.

Tôi cứ xúi ngoại bán đi. Không phải tôi tham mà vì tôi thương bà, muốn cho ngoại có tiền ăn một cái tết thiệt to. Từ khi tôi biết nhìn ngó thế giới quanh mình thì thấy bà ngoại tôi chẳng có ngày nào rỉnh rang tiên bạc. Hạt gạo, nước mắm, lít dầu… phải chắc chiu  từ đồng lương dạy học ở trường làng, nay càng còm cỏi với đồng lương hưu. Còn tôi thì ăn chưa no, lo chưa tới đâu cả! Vả lại, mình có biết gì về kiểng đâu mà uốn nắn hay tìm ra người đam mê mà hét giá cao. Rồi không biết chừng mai đây trời xui, đất “xụi” như thế nào thiên hạ hết thú vui chơi kiểng mà chuyển sang chơi kiến, sưu tầm kiến thì sao? Lúc đó có kêu mà cho chắc cũng không ai bỏ công ra bứng cái gốc cây to ềnh, xù xì hết chỗ nói.

Ngoại lắc đầu nói với tôi rằng đó là hoa tình yêu. Tôi ôm bụng cừơi ngặt nghẽo. Thuở đời nay, người ta nói hoa hồng, hoa cẩm chướng gì gì đó là hoa tình yêu chứ có ai như ngoại tôi không nè trời, hoa giấy mà gọi là hoa tình yêu!

Ngoại nghe tôi cười mà không giận, ký lên đầu tôi cái cốc rồi nói: “ Cái thằng, chọc quê ngoại hoài. Nhưng mà nè, sau nầy lúc ngoại chết rồi con muốn bán hay muốn để cũng được, tùy con”.

Tôi xin chúng bạn đem về trồng trước sân mấy khóm hoa hồng như cố cho ngoại biết sắc đẹp quý phái của loài hoa mang ý nghĩa của tình yêu thực thụ. Hồng cũng ra hoa đẹp lắm, thường mở nụ cười ngó nghiêng nhìn những bông hoa giấy không hương.

Ừ, mà đúng cái loài hoa kỳ cục, đã không hương mà cánh hoa còn thô thô ráp ráp như giấy và một điều thiệt vô lý nữa đó là hoa thật một trăm phần trăm mà cứ xúm nhau mà gọi là hoa giấy. Vô duyên dễ sợ.

Vậy đó mà không thấy bà ngoại mặn mòi, chỉ hay gượng cười khi đứa cháu tận tay bẻ những bông hoa hồng đem khoe với ngoại và bà cũng ậm ừ cho cháu vui

Tôi học trường gần nhà nên có lúc nghỉ tíêt vì thầy cô ốm hay bân viêc tôi cũng chạy như bay về thăm nhà. Lũ bạn cũng ùa bay theo. Mắc cười, nhà thì nằm trơ trơ ra đó có mất đi đâu mà cứ chạy về thăm. Trường thì sân rộng mênh mông tha hồ mà nhảy nhót vậy mà cứ về là về.

      

  Lũ bạn nhặt hoa giấy, bẻ hoa giấy bóc rời rồi tung lên cho gió bay như xác pháo, thích chí và cười. Ngoại thường mắng lũ chúng tôi lớn tồng ngồng mà tính tình y hệt trẻ con.

     

Hôm ấy phá chán ngoài sân chúng tôi lại quần nhau trong nhà với trò trốn tìm. Chả là  ngoại thường vắng nhà luôn vì phải đến nhà mẹ tôi phụ dệt chiếu gia công, kiếm tiền thêm để nuôi tôi ăn học. Cha tôi đi biệt tăm từ khi tôi còn đỏ hỏn. Mẹ tôi có chồng khác, cũng nghèo nên tôi phải sống với ngoại. Chắc thấy thằng cháu không may nên ngoại thương tôi vô cùng.

       

Tôi co mình dẹp lép của mình trốn vào phía sau tủ sách của ngoại. Cái tủ cũ kỹ vách ván thau lau mấy mươi năm, đã tới thời đòi nghỉ. Từng tấm ván mo lên cong cướng, kéo cả những cái đinh nhô ra. Tôi chắc mẫm rằng không có đứa nào phát hiện ra mình trốn ở đây vì khe hở từ tủ đến vách nhà quá hẹp. Không ngờ, trái với ước mong, do tôi cố sức quá nên đã làm xê dịch tủ. Chân tủ lệch khỏi viên gạch ống mà ngoại kê làm cái tủ ngã lên nền nhà sóng soài, sách vỡ của ngoại văng tung tóe ra ngoài. Một quyển sổ màu bìa xanh được đóng từ những tờ giấy học trò rớt bìa sút ra nhiều trang viết.

      

Tôi bảo mấy đứa nghịch ngợm hơn quỷ ấy về lớp để tôi bình tâm giải quyết “chiến trận” mình đã bày. Tôi phải đọc và xếp lại theo thứ tự cái quyển sổ kia, quyển sổ mà ngoại tôi thỉnh thoảng  đem ra xem. Từ đây, tôi đã biết được những điều mình chưa biết về cuộc đời của ngoại và câu hỏi vì sao ngoại không chịu bán cây bông giấy già nua kia. Qua những trang nhật ký này, tôi viết lại quá khứ về cuộc tình của bà ngoại tôi đây.

       

Cây bông giấy do ông ngoại tôi trồng. Ừ, thì tôi biết lâu lắm rồi, dễ có là từ khi tôi vừa bập bẹ nói thì ngoại đã cho tôi nghe điều đó khi bà ẵm cháu, đút cơm dưới bóng cây hoa này. Tôi đã xem đó là mặc nhiên nên chẳng quan tâm gì hơn nữa. Giờ tôi được bổ sung them rằng nó được trồng từ khi ông bà còn trẻ, thời mới cưới. Ông bà mua về từ hội chợ hoa xuân. Không có tiền để mua mai, mua cúc, mua lan… Ông chọn gốc hoa giấy màu đỏ rực trưng trước sân nhà trong ba ngày tết. Tiện hơn nữa là cây ra hoa suốt mùa. Cây bông giáy qua tay ông chăm sóc thiệt kỹ lưỡng,  ông tỉa cành, tạo dáng cho cây, đẹp lắm. Bà ngoại tôi khen ông có mắt nghệ thuật!

         

Bà ngoại tôi làm giáo viên mà. Có chữ, có kiến thức, đọc nhiều sách báo, chắc vậy nên cũng lãng mạn hơn. Biết vậy, nên ông thường âu yếm tặng bà những lời trăng hoa, những món quà đầy tình tứ trong những ngày có ý nghĩa trong năm.

Trời ơi, ăn còn không no lấy đâu ra quà cáp. Ồ không, đó chính là những chùm hoa giấy xinh xinh mà ông tặng cho bà. Có vậy thôi mà!

          

Giáo án, bài vỡ học trò, cơm –áo- gạo- tiền quay quanh, bà ngoại tôi lúc ấy như già hơn tuổi và tất nhiên quên đi nhiều thứ mà mình mộng mơ lúc trẻ tuổi. Hôm ấy kỷ niệm 10 năm ngày cưới của mình, bà ngoại tôi cũng quên luôn. Bất ngờ khi ở trường về bà trông thấy bình hoa giấy thật to đặt ở giữa nhà. Ông ngoại tôi chạy ra ôm chầm lấy vợ, thủ thỉ:

-   Anh không có tiền để mua hoa hồng tặng em. Em hãy tưởng tượng mỗi bông hoa giấy là một nụ hồng nhé. Mỗi bông hoa là một lời yêu thương anh dành cho em đó. Tình yêu của anh ơi!

Cái bình hoa giấy đó in sâu vào tiềm thức của bà ngoại tôi. Những lời yêu chân thành của ông làm bà ngất ngây, bủn rủn.

Hai năm sau đó, Ông ngoại tôi tròn ba mươi lăm tuổi, người ta nói đó là cái tuổi may mắn trong sự nghiệp của một đời người. Mà thiệt, gom số vốn dành dụm, ông giả từ nghề mộc bấy lâu còng lưng đóng tủ bàn đó đây trong xóm để theo người bạn đi buôn chuyến. Mỗi đợt hàng phải lên tận thành phố mang về bỏ mối cho bạn hàng chợ huyện, có khi phải xa nhà dăm hôm. Có tiền ra, tiền vào cuộc sống gia đình sung túc hơn, bà ngoại tôi bớt vất vả lo sớm lo chiều với đồng lương giáo viên còm cỏi.

  Cuộc sống cứ thế mà trôi…Một ngày, bà ngoại tôi từ trường về nhà như mọi khi. Bước vào cửa đã thấy một đóa hoa hồng thật to trên bàn rồi. Kèm theo đóa hoa là tấm thiệp in rất đẹp. Ông ngoại tôi ghi chúc mừng sinh nhật cho bà và lời xin lỗi vì kẹt đón chuyến hàng  đang về nên không ở nhà cùng bà vui cho trọn vẹn. Ông nói những bông hoa hồng này đáng lẽ ông phải tặng cho bà từ rât rất lâu nhưng vì trước kia không có khả năng kinh tế nên phải bỏ ước mong. Bà ngoại tôi nghe vui buồn lẫn lộn và cũng thương quá nhiều người chồng phải chịu sớm nắng, chiều mưa.

Chuyến đi đó, ông ngoai tôi bị tai nạn giao thông và mất. Một năm sau, dưới bóng cây hoa giấy năm nào của ông trồng, bà ngoại tôi đối mặt với một người đàn bà xa lạ. Người đàn bà tay dắt đứa con gái chừng hai tuổi giao lại cho ngoại tôi và khấn cầu nuôi giúp vì đó là con ruột của ông ngoại tôi và bà ta. Bà ta phải đi lấy chồng vì tuổi xuân đã còn quá ngắn. Ác đời, đứa con gái có gương mặt giống ông ngoại tôi như đúc và bà ta có đưa cho bà ngoại tôi xem bức hình cả gia đình chụp chung. Ông ngoại tôi ôm eo tình tứ cùng bà ta và cùng nưng niu đứa con gái nhỏ.

Sau cái gật đầu như vô hồn của bà ngoại tôi, bà ta đi biệt tích. Đứa con gái ấy dần lớn khôn theo tình thương của bà ngoại tôi. Và, tôi cũng thật bất ngờ vì đó chính là mẹ tôi.

Trời, vậy là thời gian trôi đi hơn ba mươi năm. Bà ngoại tôi đã giấu kín trong long biết bao điều mà không hề buông lời tâm sự cùng ai. Bà nuôi đứa con rơi của chồng với sự thất vọng ê chề vì bị chồng gian dối. Lúc ấy, bà đôi lần bà đem dao ra sân định chặt phăng cái gốc cây hoa giấy ngày nào. Chẳng biết thế nào lại thôi. Chắc bà muốn giữ lại hình ảnh chân chất với tình yêu nồng cháy của ông ngoại tôi ngày nào đã in đậm trong tim bà.

Rồi tôi cũng xếp lại ngay ngắn cái tủ sách bằng ván cũ kỹ kia của bà nhưng đã không giấu được sự việc khi cái của tủ sút bản lề còn dính tòn ten với thân vì ổ khóa.Và, cái quyển sổ bìa xanh không còn gọn gang với những trang viết của bà.

Từ đó, bà ngoại thường bắt gặp đôi mắt buồn của tôi khi ngước nhìn những chùm hoa giấy đỏ thẳm trước sân nhà. Không buồn sao được khi tự dưng tôi thấy mình có dây mơ rễ má với nỗi buồn của bà ngoại tôi. Những chùm hoa giấy như nhắc tôi rằng có một gia đình tan vỡ, có một con người đau khổ âm ỉ trong lòng. Những bông hồng tôi trồng quanh rào tự nhiên vô duyên lạ, ẩn đâu đó một ý niệm giả dối vô cùng. Tôi nhổ chúng đi mà không thương tiếc.

Tôi đi học về thì thấy sân nhà trống trơn. Gốc hoa giấy thân quen không còn nữa. Ngoại nói đã bán cho người ta rồi, lấy tiền ăn tết. Tết, ngoại vẫn mặc chiếc áo cũ, bánh mứt cũng chẳng hơn mọi năm vì cứ dừa, cứ chuối, những cây nhà lá vườn mà làm lấy mà thôi. Bà cũng chẳng có tiền cho thằng cháu đi chơi mấy ngày đầu xuân.

Thực ra, tôi đã biết, cây hoa giấy già kia ngoại đã thuê người bứng gốc và đem chôn ở cuối vườn, cạnh mộ ông ngoại của tôi.





VVM.11.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com