Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


MIỀN NHỚ



S au một năm thất học vì trượt kì thi Cao đẳng, tôi trở lại thị xã để ôn thi tiếp tục, với ý nghĩ mong manh sẽ đậu kì thi này. Nhưng không, cổng trường Cao đẳng không đón chào tôi chẳng màng đến những ước mong được chấp cánh trong tôi. Lại một lần vỡ lỡ. Trượt…!

Thêm một lần trượt dốc. Tôi trượt dài trong nỗi buồn của tuổi mười chín, dường như lạc lõng quá đỗi, tiếng nấc trong đêm khi to khi nhỏ vì không muốn những người kề cạnh nghe thấy. Hai hàng nước mắt chảy dài ướt đẫm gối đêm. Tôi cảm giác như cuộc đời mình đã đi đến cuối con đường, bế tắc. Ở cái tuổi đó không nghĩ được nhiều những triết lí sâu xa, đâu biết rằng đường đời có muôn phương vạn nẻo và những ai đã ở trong hoàn cảnh đó chắc hẳn hiểu hơn hết muôn nỗi niềm kẻ thi rớt. Thế nhưng cũng nên nói lại, nói để tỏ tường ngọn ngành kết quả. Tôi không chơi bời gì cho lắm, mười hai năm đèn sách thì có chín năm cố gắng, hai năm lưng chừng mộng và một năm cuối cùng của những điều viễn vông. Cứ y như một biểu đồ tụt đáy. Không phải đâu, không phải những điều viễn vông vô lý chỉ là tâm tư non nớt hay phản động lại mối cảm đầu đời nên dù ngọn gió hay áng mây bay cũng xao xuyến là lạ. Ở cái tuổi thiếu niên nửa trẻ con nửa người lớn đó làm cho những kẻ có máu nghệ sĩ như tôi thấy khó chịu. Như cánh bướm non chưa thoát khỏi kén tơ, một sự bức bối có thể làm cho người ta nổi loạn. Tuổi trẻ nông nổi, không sai, tôi nhớ hoài câu ấy.

Lục lọi mớ gia tài long bong đã qua, bỗng khựng lại, một cơ hội rồi lại một cơ hội trôi đi, tôi cảm thấy lo sợ, sợ cho tương lai mờ mịt trước mắt, sợ đường đời lắc lẻo éo le…và sợ những điều còn chưa biết. Nỗi sợ của một chú cừu muốn làm chúa sơn lâm.

Mấy ngày sau tôi cũng dần nguôi ngoai nỗi “đoạn trường” vì còn phải lo thêm một kì ôn tập cho đợt thi thố ở trường Trung Cấp đang cận kề. Lại một tháng nữa để thử thách, lòng dạ nặng trĩu gì đâu. Vì sự phiền muộn khi trước vẫn còn lảng vảng, đợt ôn này tôi không còn dành nhiều tâm trí nữa. Ôn thì ôn, thi thì thi không màng gì nữa cả. Nhưng hỡi ôi cuộc đời ngộ nghĩnh làm sao! Tôi đã đậu. Chấm hết những phút tự ti của kẻ chiến bại, tôi thấy lòng mình như nở đầy hoa. Trời xanh trong, nắng đẹp lạ lùng như có khúc nhạc đang trỗi dậy trong lòng, tôi mỉm cười với sự bí ẩn của cuộc đời mình. Tuổi đời mười chín của tôi bắt đầu gắn bó với mảnh đất thị xã kể từ đó.

Tôi còn nhớ đám bạn hiền ngày ấy ríu ra ríu tít như bầy sẻ non, chuyện buồn chuyện vui gì cũng nhao nhao cho mà biết. Buổi học chuyên môn là đáng nhớ nhất, bài vở đã có thứ tự quy định ngày duyệt và nộp thì cứ y đó mà mần. Nhưng, ôi sao mà nó mệt. Lúc nào chúng tôi cũng vẫn là kẻ chạy đua với thời gian, đến phút chín mươi mới gọi là hoàn thành bài. Lớp tôi có những cái tên sáng giá có thể gọi là trò giỏi và tôi không đủ tài đức nằm trong top đó, tôi là cục nợ nằm trên phao cứu sinh thì đúng hơn. Nhưng dẫu là cục nợ, tôi đã không đến nỗi bỏ đi, đã vào khuôn thì phải liệu thân mà dập. Đó, một mớ hoàn cảnh và sắc thái đầu đời tôi cơ bản là vậy.

Từ những ngày đầu của năm tháng sinh viên cho đến bây giờ, thị xã Trà Vinh là một bến trong của tâm hồn là một người bạn thân thiết với tôi tự lúc nào không rõ. Dẫu vui dẫu buồn tôi vẫn muốn tìm người bạn ấy chỉ muốn được nhìn con đường quanh qua quẹo lại, được ngồi lặng lẽ với ưu tư nghe đâu đó những tiếng nhạc đệm phát ra trong quán thân quen…thấy được lòng mình bổi hổi thèm thuồng về một ngày xa xưa nay đã thành dĩ vãng. Tôi hay gọi tên người bạn ấy trong hoài niệm, nơi có bước chân tôi qua có bạn bè quấn quýt buổi chuyện trò, thân thương biết mấy. Dọc theo bờ bến mộng đẹp ngày thơ, chúng tôi đan vào nhau sự lưu luyến tình bạn, tình thầy trò và cả tình người trong đó của những mối liên quan xa lại thành quen. Không biết có sến hay không khi mà ở cái tuổi “tam thập nhi lập” mà tôi cứ ngỡ mình đã già gấp bội. Tôi hay nhớ những ngày những tháng giảng đường, thích ngồi trầm tư mặc cho dòng chảy quá khứ tuôn trào.

Không khó để người ta đem lòng hoài cổ, với tôi nó thật sự đơn giản hơn bao giờ. Nó khoác lên mình một sự thật khó cãi và mang nhiều ẩn ý mà chỉ những ai thật sự đã trãi mới ừ hử một câu chí lí.

Nhớ ! Nhớ người thân thiết lẫn người lạ mới quen, nhớ cảnh vật nhớ hoài chuỗi ngày thơ. Bước ra khỏi cổng trường, hướng về tay trái khoảng hai mươi bước chân, đối diện là một quán lá nhỏ đơn sơ. Những chiếc bàn, ghế đã xịn màu, phía trên mái lá đã ngả màu xám tro chắc đã qua mấy mùa mưa nắng, buổi sớm mai chan hòa những hạt nắng li ti. Trong không gian nhỏ bé đó, lũ học trò chúng tôi một người một vẻ riêng biệt đang om sòm đủ thứ chuyện đời. Đã là “nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò” thì tụi này không thể là thứ tư. Nhìn kìa, có đứa trai phì phào điếu thuốc lâu lâu lại nhấp ngụm trà đá vàng ươm trông nghệ sĩ dễ sợ, đúng bài học trò của trường văn hóa nghệ thuật. Lứa chúng tôi không kể nhạc, họa đa số thích uống trà đá hơn những thức uống khác, có lẽ vì rẻ tiền và đã khát. Cái căntin trong trường dẹp tiệm chắc cũng bởi lí do đó. Lâu dần thành quen, góc quán đơn sơ đó đã thành nơi dừng chân của chúng tôi, đôi khi chúng tôi chỉ đến ngồi một lúc rồi vào lớp không cần ăn uống gì cũng được. Những người xa lạ bốn phương gặp nhau sự kết nối ở chúng tôi với chủ quán là tình người, cái tình trong trẻo đến lạ.

Riêng sở thích cá biệt của tôi là cà phê quán, ở cạnh đó có một cái quán cà phê cũng coi được và tôi là khách quen có lẽ của quán này. Buôn bán là vậy nhưng khi lui tới đã nhiều lại thành quen. Tôi nhớ có hôm đang cà phê một mình, cô chủ quán mang ra một dĩa bánh trái mời tôi ăn. Tôi đưa mắt nhìn có thể tính được món quà biếu ấy gấp mấy lần tiền ly cà phê của mình. Sự thân thương là thế, chẳng nói được tại vì sao.

Là sinh viên nhưng tôi chỉ có một tháng trọ trải nghiệm trong đời còn những năm tháng sau là “dặm trường sương gió”, sáng đi chiều lại về. Bởi lẽ đoạn đường từ nhà đến trường của tôi chỉ khoảng bốn mươi phút chạy xe máy nên tôi quyết định đi đi về về trong ngày. Như thế thì ngày nào tôi cũng được về quê không như mấy bạn ở xa phải cuối tuần hay nữa tháng mới được về. Đồng hành cùng tôi có một vài bạn cũng sáng đi chiều về như tôi và đó là những người bạn thân suốt chặng đường kí họa. Ở lại buổi trưa trong trường tất nhiên là chúng tôi phải ăn cơm tiệm suốt mấy năm học hành.

Trước đình Thanh Lệ đường Phạm Ngũ Lão trước kia có cái quán cơm bình dân, ngày đó chúng tôi thường ăn cơm dĩa vì giá tiền hữu nghị và vì phần dĩa cơm ấy chúng tôi ăn cũng vừa đủ no, đặc biệt nơi đó có món canh chua tuyệt hảo. Cơm nhiều đồ ăn ngon, canh vừa miệng thì còn gì bằng khi bạn phải ăn cơm tiệm quanh năm suốt tháng. Lâu dần thành quen, mỗi khi đến quán chúng tôi lại được trò chuyện với mấy cô chủ quán. Những lời hỏi thăm nói chuyện phiếm trông như đã quen khi nào không biết. Rồi một ngày đẹp trời chúng tôi tản ra đi kí họa ngoài trời, lùng sục trong những con hẻm nhỏ để tìm mái lá nhà tranh những cảnh đồng quê trong nội ô thị xã này. Cặp kè cái bảng vẽ bên hông bước lên bước xuống trên bờ đê lối ruộng chúng tôi đi tìm những góc cảnh đẹp theo lời thầy cô đã dạy. Bước dần vào giữa cánh đồng mênh mông màu mạ, qua một cây cầu khỉ đến mấy mái nhà nửa tường nửa lá, góc bếp còn nguyên nền đất đen mun. Đây rồi cảnh đẹp đang tìm chứ đâu. Đón tiếp chúng tôi trước tiên là tiếng chó sủa rần trời, người lạ mà. Sau đó là những cái đầu lấp ló đưa ra từ trong nhà “Ai đó, kiếm ai ?” rồi “ Ủa, mấy đứa à, đi đâu đó?” Thì ra là nhà mấy chị chủ quán cơm ruột của chúng tôi…Sau màn chào hỏi thâm tình chúng tôi tản ra ngồi vẽ, cuối buổi trưa các chị ấy lại thân tình đãi chúng tôi một bữa cơm hoành tráng và đương nhiên là không thiếu món canh chua huyền thoại. Chúng tôi ăn ngon lành, tiếng cười gòn giã theo câu chuyện kể, bữa cơm ngon vì tình ngọt vì nghĩa. Tình đất tình người gói trọn cả vào đây.

Quá khứ ấy không chỉ có những chuyện vui cười toe toét mà nó còn có những điều khó nói thành lời. Với tôi, bản thân chỉ muốn nhớ một cách trọn vẹn niềm thương. Cho đến thời điểm hiện tại mỗi khi nghĩ lại tôi rất mãn nguyện với quãng đời sinh viên của mình, có chơi lẫn học chứ chẳng chơi ngoa. Đám bạn tôi, có kẻ cứ hay tiếc rẻ hoài tuổi ấy, chúng nó không biết chơi cứ lo cặm cụi suốt ngày với những điểm số muốn có và lo sợ, chúng nó chỉ muốn những thứ ở thì tương lai mà quên mất bản thân đang ở hiện tại. Và giờ đây họ lại khao khát một quá khứ đã qua. Sao mà ngược ngạo đến thế không biết.

Như một kẻ lang thang trên phố, bước chân thật chậm để tâm mình thật lắng đọng, hít một luồng thân quen đầy cả hai buồng phổi, nhắm nghiền đôi mắt tôi thả hồn trôi dạt về cái gọi là kỉ niệm. Những dòng cảm xúc, như có một cái gì nhơ nhớ mang máng trong tim. Tôi nhớ Trà Vinh xanh tàn cây cao phủ bóng, hoa nắng bỗng lang thang dáng người thương miên man. Những con đường in bóng người qua kẻ lại, bằng lăng tím đều những chiều mưa ngâu. Con đường hoàng hậu sắc vàng tươi thắm, mỗi lần qua khắc khoải một màu hoa. Đường Trà Vinh những con đường vuông vức tựa một bàn cờ nhiều bến dừng bến đợi, rẽ qua ngõ này ta lại về lối khác. Trà Vinh ta đó, góc quán nào ta vẫn thường lui tới, ơi mĩ miều lý lẽ của niềm thương.





VVM.10.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com