H ằng được mẹ gom góp vàng bạc, chạy mượn thêm của bà con, cho nàng theo chiếc thuyền câu của người chú họ, vượt biển, với hy vọng nàng sẽ có một công việc làm tốt ở một nước nào đó; kiếm được nhiều tiền, gởi về giúp đỡ cho gia đình, xây nhà, nuôi các em ăn học như con gái bà Hải ở xóm Cầu.
Sau hai ngày lênh đênh trong hải phận quốc tế, chiếc thuyền chở gần hai mươi người của người chú Hằng đã được đưa về trại tỵ nạn Heilingchau của Hồng Kông, vào đầu năm 1994. Nàng và tất cả người trên thuyền đã được cho tạm trú hơn hai năm, để chờ đợi dịp may được chuyển đi đến nước thứ ba.
Những tháng ngày sống lạc lõng, vô vọng, và đầy lo lắng ở trại đã khiến nàng gầy hư, phiền muộn. Hằng xin theo học lớp xóa mù chữ của một tổ chức từ thiện, vừa được mở ngay trong trại; để những tháng ngày sống cô độc, vơi bớt căng thẳng, đã làm nàng thêm bệnh mất ngủ từ nửa năm nay.
Hằng bước chậm rãi trở về lán trại sau khi tan buổi học. Nàng đọc lẩm nhẩm những chữ vừa học, như sợ nó biến mất khỏi chiếc đầu nhỏ bé của mình; với lòng quyết tâm sẽ phải biết đọc, biết viết trong năm nay. Cái khổ nào Hằng cũng có thể chịu được, duy cái khổ không đọc, không viết được đã làm nàng chua xót, xấu hổ, mặc cảm với mọi người chung quanh; khi họ nhìn nàng với ánh mắt thương hại, có chút nhã cợt.
Những chữ cái r, s, b, p… những vần an, un, ch, tr… cứ lộn qua, lộn lại dù Hằng cố căng mắt để nhớ, nhưng cái đầu vẫn cứ quên trước, quên sau. Hằng nghĩ, “có lẽ mình lớn tuổi khó tiếp nhận được hay mình không đủ trí khôn để học?”. Nàng cảm thấy xấu hổ nhất là mỗi khi có ai lớn tuổi nhờ đọc thư hay giấy tờ gì; Hằng mắc cỡ cứng người, đành thú thật là mình không biết chữ, để nhận cái nhìn đầy thương cảm của họ, mà tủi cho phận mình.
Hằng không thể cứ mượn Thương đọc và viết giùm thư mãi được, những điều thầm kín muốn chia sẻ với người yêu, cứ phải nói ra để Thương hí hoáy viết, thấy kỳ kỳ thế nào ấy. Cho nên khi ban quản lý trại thông báo mở một lớp dạy cho người tỵ nạn biết đọc, biết viết để dễ dàng sinh hoạt trong cộng đồng, là Hằng sốt sắng đăng ký ngay.
Bạn học của Hằng gồm những cô, chú lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn, thuở xưa chỉ lo bương chải nuôi con, cũng không được học hành giống như Hằng vậy. Hằng thường đến lớp sớm một chút để quét lớp, lau bàn ghế cho thầy giáo; nên cả lớp ai cũng quí mến, thương yêu nàng. Từ ngày được ngồi vào lớp học, Hằng rất vui và hy vọng về một tương lai tươi sáng đang chờ đón nàng phía trước. Phước - người yêu của Hằng, đang chờ ngày bảo lãnh nàng qua Canada cùng anh. Hằng đang đợi ngày ấy đến, với bao yêu thương, hy vọng.
Ngày Hằng mới đặt chân đến đây, nàng ngơ ngác khi mọi thứ chung quanh đều lạ lẫm. Nàng gặp Phước, anh tận tình giúp đỡ cho nhiều người để quen với cuộc sống mới nơi đây. Trông anh hiền lành, chân chất, luôn vì người khác nên ai cũng mến thương anh. Anh người miền Tây, được đưa vào trại vài tháng trước. Nhìn thấy Hằng - cô gái quê miền Trung có đôi mắt to, đen, với cái nhìn ngơ ngác, vẻ mặt hồn nhiên, đã làm anh chú ý. Dần dần, anh có nhiều dịp gần gũi, rồi yêu mến và sẵn lòng giúp đỡ nàng hết lòng.
Tình yêu đến với hai người - hai mảnh đời bơ vơ giữa xứ lạ; họ đã có niềm cảm thông sâu đậm, chia sẻ và an ủi nhau. Lần đầu trong đời người con gái, Hằng mới cảm nhận được tình cảm mới lạ mà quyến rủ, là tình yêu.
Nhiều đêm, ngồi bên nhau bên bờ biển ầm ào tiếng sóng, Phước đã tâm sự cùng nàng về quê hương anh - những vườn trái cây sum suê, trĩu quả; với những mùa nước nổi, với những chiếc ghe bầu, nàng lắng nghe mà cảm thấy giống như trong chuyện cổ. Tuổi thơ của Phước buồn hiu hắt: Mẹ anh đã mất khi anh vừa bảy tuổi, anh lớn lên bên một người chị gái, và một đứa em trai vừa lên bốn, trong tình thương và sự đùm bọc chí tình của người cha là một thương binh. Để đỡ gánh nặng cho gia đình trong buổi ngặt nghèo, khó khăn - anh được người bác đưa đi cùng với gia đình ông trong một tối ba mươi tết.
Đáp lại, Hằng đã không chút ngần ngại kể lại cuộc đời mình, về người mẹ tuy chưa già mà luôn buồn, luôn ốm đau, về ba đứa em nhỏ đang tuổi đi học, nhất là về nỗi khổ không biết được “cái chữ” của mình. Nàng cũng không dấu Phước nỗi buồn của nàng về người cha đã chạy theo người phụ nữ khác, lâu thật lâu mới về thăm mấy mẹ con nàng một lần; như xem thử họ đã sống chết thế nào, không cần biết họ làm gì để có thể sống được. Nhìn lũ bạn cùng trang lứa trong làng ngày ngày được đến trường, nàng thèm lắm. Trong đám bạn, có đứa cảm thông thương cho hoàn cảnh của nàng, có đứa lại chọc ghẹo, trêu đùa việc nàng không biết chữ. Những lúc như thế, Hằng chỉ biết rấm rức khóc và tủi thân không dám nói một lời nào.
♣ ♣ ♣
Phước từ giã Hằng để đến Canada với người mẹ nuôi nhận bảo lãnh, ngày chia tay anh hứa sẽ sớm bảo lãnh Hằng khi đã hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ cần thiết. Hai người ngậm ngùi tạm xa nhau với niềm tin yêu và nỗi nhớ. Anh thường xuyên viết thư thăm nàng, chia sẻ cùng nàng những tin tức về đời sống mới, những buồn vui, sự nhớ thương và hy vọng sẽ sớm đón nàng một ngày không xa. Phước được người mẹ nuôi tốt bụng giúp đỡ tìm việc làm. Anh chắt chiu, dành dụm để khi đưa Hằng qua, có thể có được cuộc sống ổn định nơi quê người.
Mỗi lần nhận được thư anh, Hằng luôn nhờ Thương - người bạn cùng trại, đọc và hồi âm giúp. Thương viết lại những gì Hằng nói ra giấy, đọc lại cho Hằng nghe, rồi Hằng mới gởi thư đi.
Một ngày, ban quản lý trại ra thông báo yêu cầu những thuyền nhân tỵ nạn chưa có thể được nhận sang nước thứ ba, tự nguyện xin hồi hương để có thể hưởng chế độ ưu đãi, nếu không tự nguyện đăng ký xin trở về, thì buộc sẽ cưỡng chế. Cả trại nhôn nhao, ai cũng lo lắng mình sẽ bị trả về nước.
Thương hoang mang:
-Hằng này! Tụi mình chắc sẽ bị trả về, coi như mất hết. Buồn quá! Giờ có ai bảo lãnh mình qua nước khác, muốn gì mình cũng chịu.
-Biết làm sao bây giờ - Hằng chợt thở dài, mình bơ vơ, phải sao chịu vậy thôi.
-Mình không bỏ cuộc đâu -giọng Thương có vẻ cương quyết, tin tưởng.
Một tuần lễ sau, Hằng nao nức cầm bức thư trên tay, đi thẳng vào lán của Thương. Thương đang nằm đọc báo thấy bạn cầm thư tìm mình - một niềm hy vọng lóe sáng trong chiếc đầu u tối của cô như tia chớp. Bao mưu tính nhanh chóng được ẩn giấu trên khuôn mặt xinh đẹp, ranh mãnh của cô.
Ánh mắt Thương chợt lên niềm vui:
-Nhận thư chàng hả?
-Ừ! Cậu gắng giúp mình lần nữa nghen, biết đến bao giờ mới hết làm phiền cậu đây trời?
-Đưa đây! Thương nói như ra lệnh.
Thương đọc thư của Phước, ước mình là Hằng, để có thể đón nhận tình yêu thương ngọt ngào, chân tình của anh. Trong phút chốc, Thương đã tìm ra đường đi của mình. Khi viết thư hồi âm cho anh, thay vì viết theo lời Hằng, cô viết bằng suy nghĩ của mình. Thương muốn chia rẽ tình yêu của họ và thay mình vào vị trí Hằng trong tim anh. Thương viết:
“Anh Phước thân!
Em viết thư này cho anh, trước hết em xin anh đừng buồn mà hại sức khỏe; sau đó em báo cho anh biết đôi điều về Hằng, bạn thân của em. Lẽ ra em không nói, nhưng em nghĩ trước sau gì anh cũng sẽ biết. Anh biết đấy! Em là bạn thân của Hằng từ hồi nhỏ, khi đến đây, hai đứa như chị em. Thư từ anh gởi, Hằng đều nhờ em đọc và hồi âm; nên em rõ tình yêu anh giành cho bạn em nhiều ngần nào.
Thế nhưng, Hằng sợ anh chưa kịp hoàn tất giấy tờ bảo lãnh thì đã bị trả về nước; cho nên Hằng đã ưng một người đàn ông Pháp khi họ đến đây thực hiện công tác cứu trợ. Hằng đã được trại giúp đỡ, nhanh chóng theo ông ta về nước. Trước khi đi, Hằng có dặn em viết thư báo anh biết và gởi lời xin lỗi anh. Bạn ấy nói hẹn anh kiếp sau vậy.
Anh đừng buồn anh nhé! Không thiếu gì người phụ nữ nết na, đôn hậu để yêu thương. Anh hãy quên Hằng đi để lòng mình nhẹ nhàng, và có thể đón nhận một tình yêu mới.
Nhận được thư, hồi âm cho em nhé!
Mong tin anh!
Hoài Thương”.
Phước đau khổ, căm tức, khi đọc những giòng Thương viết. Anh gởi thư hồi âm cảm ơn và thường tâm sự cùng Thương. Chưa được nửa năm sau, Thương thay thế Hằng trong trái tim lạc lõng của anh.
Hằng chờ thư anh đến mỏi mắt, ngày nào nàng cũng lên ban quản lý xem có thư mình không, lần nào cũng buồn bã trở về, không tin tức gì của anh; nhưng niềm tin về tình yêu luôn cháy bỏng, khiến nàng luôn hy vọng, luôn chờ đợi. Hằng cố gắng học đều, nàng muốn được viết cho anh những lời yêu thương bằng chính bàn tay mình, dầu nguệch ngoạc, bỡ ngỡ.
Dạo sau này Thương thường tránh mặt Hằng. Hằng tâm sự:
-Không biết anh ấy có chuyện gì mà không một lá thư? Mình lo quá!
-Lo chi cho mệt, chắc ảnh bận làm và lo giấy tờ bảo lãnh cậu đấy.
-Thì mình cứ chờ, chứ biết sao? Chỉ sợ ảnh có gì không may.
-Cứ lo hão!
Hằng gầy hẳn, vì đêm ngày vừa lo cho anh, vừa lo sẽ bị trả về nước. Nhiều đêm Hằng không sao chợp được mắt, hình ảnh mẹ và các em chờn vờn, tiều tụy trước mặt. Bao nhiêu kỳ vọng của mẹ khi lo cho nàng đi, mong ước nàng làm có tiền gởi về, để gia đình bớt vất vả, và sẽ trả hết số tiền đã vay mượn của những người bà con. Và những lúc ấy, tình yêu của anh như vì sao sáng ấm áp, lấp lánh trong tim nàng. Nàng nhớ, nàng bồn chồn, nàng lo sợ; cứ thế quay quắt, bề bộn trong lòng, khó lòng nằm yên dỗ giấc ngủ.
Rồi một ngày, người ta chuyển nàng sang trại B để chờ ngày trả về nước. Nỗi buồn trong lòng nàng càng lớn hơn, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu dự định về tương lai, rã tan trong trái tim khô héo của nàng. Hằng không dám nghĩ đến lúc sẽ chẳng bao giờ gặp lại Phước; khi hai người ở hai phương trời xa cách quá đỗi.
Tự nhiên, Hằng thắc mắc, tại sao Thương không phải chuyển qua cùng trại với mình? Câu hỏi này cứ vướng mãi trong đầu, nàng cố tự giải thích, cũng không thể nào giải thích nổi. Hằng tuyệt vọng với câu hỏi “không biết khi trở về nước mình phải làm gì? Phải đối diện với mẹ thế nào đây?”
Một buổi chiều, vừa nhận cơm ra đang chuẩn bị về lán trại; Hằng gặp Thủy - người bà con của Thương.
Thủy mừng rỡ:
-Kìa Hằng! Em đưa qua trại B rồi hả?
-Dạ! Em qua trại B cả tuần rồi anh.
-Con Thương vậy mà may mắn, vớ được anh chàng Canada bảo lãnh. Thương đi sáng nay rồi, nó có chào em không?
Hằng lắp bắp - hơi thở nặng trĩu, gắng giữ bình tĩnh:
-Sao em không nghe Thương nói gì hết? Mới gặp bạn ấy hôm thứ năm tuần trước, có nghe nói gì đâu, mà anh biết ai bảo lãnh Thương không vậy?
-Thì cậu Phước khi trước cũng ở đây chớ ai, nghe nói hai đứa quen nhau lâu rồi.
Hằng run lên - giọng đứt quãng:
-Anh… nói gì? Anh Phước? Anh… có lộn với ai không?
-Làm sao mà lộn? Cậu Phước người miền Tây, có giọng nói miền Nam dễ thương ấy.
Hằng cố gượng, đứng cho vững trên đôi chân muốn khụy xuống, đầu nàng tê điếng. Hằng ứa nước mắt, nàng muốn hét to lên, la lớn lên thấu đến trời cao, sao lại có thể cho nàng nỗi đau lớn như vậy? Nàng có tội tình gì mà Thương nỡ đối xử như thế?
Hằng bật khóc tức tưởi, đồng thời, nàng mới hiểu ra vì sao lâu nay không nhận được một bức thư nào của Phước. Hằng thầm nghĩ “mình có ác với ai bao giờ, luôn thương và giúp đỡ người khác, mà sao cuộc đời mình bất hạnh thế này? Mình yêu anh rất chân thành, không chút lọc lừa; có phải mình yêu anh ấy để được bảo lãnh đâu? Còn với Thương, mình có sai trái gì, chơi thân nhau từ bé?”. Bao nhiêu suy nghĩ căng cứng như quyện chặt lấy nàng. Cầm hộp cơm đã méo xẹp trên tay, Hằng thất thểu trở về lán trại. Hình ảnh nàng và Thương cùng lớn lên trên làng cát, một làng chài vùng biển hiền hòa nắng gió. Những kỷ niệm tuổi thơ ngày nào quay về như một cuộn phim. Hai đứa cõng em, cùng leo lên đồi toàn cát là cát, hái chiêm chiêm, dú dẻ; hái lá dứa thắt những chiếc chong chóng, rồi cùng quay trong những chiều trên bến sông đợi mẹ về. Hằng chưa bao giờ làm gì mích lòng bạn, chơi trò gì nàng cũng luôn nhường nhịn.
Hằng bỗng nấc lên: “Thương ơi! Sao cậu nỡ đối xử với mình như vậy? Có gì ngon mình cũng chia sẻ với cậu, có bao giờ mình tiếc gì với cậu đâu?”.
♣ ♣ ♣
Hằng ôm túi xách, lặng lẽ bước theo chân đoàn người lên máy bay hồi hương. Thỉnh thoảng, nàng quay nhìn lại, cố ghi nhớ trong đầu hình ảnh nơi đây - nơi nàng đã gặp Phước, mối tình đầu mà suốt đời này có lẽ sẽ không bao giờ nàng quên được.
Ngồi trong lòng máy bay mà Hằng cảm thấy như mình đang ngồi trên con đò không tay chèo - mặc tình trôi dạt lênh đênh giữa sóng
gió cuộc đời.