Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



HOA ĐÀO NĂM NGOÁI



Xin được phép tặng bạn H. ở Stockton như lời cảm ơn.

(Thế Phong)

3.



H ơn ba mươi tuổi, một vợ sáu con; kể ra tôi là người thuộc số nếu không lấy vợ sớm thì không sao ngủ một mình được! Mấy thằng bạn lấy vợ muộn thường mỉa mai tôi như vậy. Thực ra, trong lương tâm của tôi chỉ áy náy ray rứt khi gia đình có chuyện lôi thôi. Thảo, thuộc loại đàn bà hiền lành, một thứ mái đẻ, chăm sóc con cái rất chu đáo. Không phải tôi có ý chê vợ tôi xấu hoặc không dám cho bạn bè biết rằng mình có vợ, như vậy là người ta chê vợ mình.

Thực ra, Thảo không đẹp, nhưng có duyên, một người đàn bà xinh và có dáng dấp con nhà quý phái. Nên đôi khi gặp bạn bè thân mà không mấy hiểu về gia đình tôi, có nghĩa ít khi họ biết địa chỉ riêng của tôi, tôi thường nói dối là chưa lập gia đình. Để lấp trống sự nghi ngờ của bạn, trong túi sẵn tiền, tôi đưa họ vào những chỗ trăng hoa, uống la-de và giải độc tinh thần thèm muốn đàn bà. Vậy họ chẳng còn cách nào tin rằng tôi có vợ. Làm công chức hạng C như tôi, buổi chiều thứ bẩy như buổi nay, còn gì sung sướng hơn! Chỉ ngày nghỉ tôi mới làm chủ mình, không còn bị các xếp sai bảo, chèn ép. Nghề công chức của tôi, có nghề chuyên môn riêng, nghề nhiếp ảnh; dù có một vài mánh khóe để bịp, mà còn không sao chịu nổi cấp trên! Chiều thứ bảy đầy sung sướng kia, chỉ có vào cuối tuần; nhưng lần này làm tôi điên đầu!

Nằm ở nhà, không sao ngủ được giấc trưa, nhất là nhìn vợ con sụt sùi khóc. Chẳng là tôi sắp bị đổi đi một nơi đèo heo hút gió. Đất đỏ miền Pleiku. Tôi sẽ phải xa Dalat thân mến, nơi tôi có mặt từ bốn năm nay. Trước ngày đó, tôi ở Sàigòn. Tôi được tuyển mộ vào làm Chủ sự phòng Nhiếp ảnh, khi một đàn anh của tôi nắm chức Bộ trưởng. Bây giờ tôi mới nhận thấy rằng, càng làm cao càng dễ kiếm nhiều tiền và càng nhiều quyền hành. Nhưng phải có một điểm: biết gò lưng và biết nịnh bợ. Như tôi, một ông Chủ sự đến sở muộn, không ai dám ho he, mà mỗi khi dân chúng cần tìm tôi, đã có nhân viên thuộc hạ, tay chân biện hộ rất hữu lý.
Một ông Chủ sự có xe hơi riêng, tiền nhiều hơn công chức thuộc hạ. Vả lại, trên chóp Bộ, tôi là đàn em của một vị Bộ trưởng; muốn vào ra lúc nào cũng dễ dàng. Nên ngay ông xếp của tôi cũng nể mặt khôn cùng! Lúc đó, thật ra tôi không nghĩ đến tài năng; mà bây giờ xét lại, nếu có, thì tài của tôi chỉ là tài vặt. Chụp một bức hình cho ái nữ Bộ trưởng, trên bãi biển chẳng hạn, có cả đường hằn da thịt, tôi đủ tư cách được Bộ trưởng thân tín giao phó cho làm Chủ sự rồi.

Nên nhớ rằng, nhân viên thuộc hạ của cấp cao chót, không căn cứ vào khả năng, chỉ căn cứ vào thân thuộc, tin cậy nhiều hay ít, thế thôi. Càng thân tín, càng lên chức cao. Một ông xếp làm được việc nhờ ở những ông chủ sự giỏi, một ông Chủ sự giỏi là nhờ công việc góp lại của những thuộc hạ; công lao có thì cấp trên trực tiếp nhận, còn lỗi đã có cấp dưới gánh. Hệ thống của anh lính ra mặt trận và viên chỉ huy trung, đại đội, tiểu đoàn cũng như vậy; nghĩa là giống hệt trong công sở chúng tôi. Ba năm ròng, đàn anh của tôi ngồi trên ghế chính quyền, tôi và những thuộc hạ thân tín khác chỉ làm công việc thổi phồng đàn anh. Tìm những thủ đoạn như đoạt tâm lý quần chúng vào trong phương thức tuyên truyền, như chính trị gia phát xít áp dụng. Có thế, chúng tôi, những dây leo mới có thể lên cao khi đàn anh của chúng tôi có uy thế. Lý luận, dễ hiểu hơn, đàn anh của chúng tôi có vững ghế, thì chúng tôi mới có cơm áo nhiều, làm việc ít. Song một khi nào đó đàn anh rục rịch phải xuống ghế, ai nấy đều lo chạy chọt cho mình một chỗ yên thân. Riêng tôi, bây giờ mới nhìn rõ rằng, tài nghệ về nhiếp ảnh chẳng có là bao! Nên không thể ngồi lại trong Bộ, để đối địch với những người khác. Tôi đành phải xin đổi lên cao nguyên, một nơi xa xôi, mà tin rằng sẽ yên thân nuôi vợ con. Khi đàn anh nhìn sự vụ lệnh của tôi, anh rầu rầu bảo, nhắn nhủ mấy câu. Đại để là chịu khó yên thân trên ấy ít lâu, rồi sau anh em mình lo liệu. Tôi cảm ơn anh Cả vô kể. Anh Cả hỏi thăm về gia đình tôi, nhất là về Thảo, vì Thảo họ hàng xa với anh Cả. Kể ra, thật tôi lấy vợ một cách thật tình cờ.
Vào Nam, theo làn sóng di cư, không bố mẹ, đại gia đình, hoặc thân thích. Một sự mạo hiểm, khi nghĩ rằng trong tay có một nghề nhiếp ảnh. Trong chuyến đi này, tôi quen người nhà của anh Cả. Dần dà, trong câu chuyện trên tàu, người ấy thương tình, nên đưa tôi về nhà anh Cả. Tôi sống trong gia đình này, được ưu đãi một phần, cũng nhờ vào cái nghề biết chụp ảnh.
Trong những lần anh Cả đi nghỉ mát ngoài biển hoặc cao nguyên, có tôi theo tháp tùng. Khi anh Cả sửa soạn lên làm Bộ trưởng, tôi được làm trong Bộ và cất nhắc dần lên chức Chủ sự.

Khi có tiền lương tháng rồi, người ta cũng như tôi, việc nghĩ đến đầu tiên là lập gia đình. Không ai, ngoài với Thảo, con cái họ hàng xa với anh Cả. Trong Thảo có những nét hấp dẫn của người con gái dậy thì, cộng với đêm lạnh giá ở Dalat, tối đến lại làm quen với Thảo một cách lén lút trong khách sạn. Ấy thế mà anh Cả giúp tiền nong. Ba năm làm Chủ sự, ba đứa con chào đời. Con gái lớn, thằng trai thứ, con bé thứ ba; cho đến nay năm gái, một trai, thì rắc rối của cuộc đời bắt đầu vây quanh lấy gia đình tôi. Câu chuyện thật ra rất giản dị. Đầu tiên của sự bị đẩy đi xa là mâu thuẫn giữa tôi và Trưởng ty. Của nhiều lần tích lũy. Cho đến khi em vợ của Châu, một xếp nhỏ của tôi, sửa soạn lấy vợ ở đây. Rồi chú ấy muốn ở lại Dalat vì thích không khí giá lạnh. Vài hàng về Châu. Cũng làm nghề nhiếp ảnh như tôi, lâu năm trong nghề, đầy những mưu mô, thủ đoạn ấp chiến lược để giữ ghế cho mình. Như trong kỳ tháp tùng Ngô Tổng thống, Châu biết sở thích của người thích sưu tập chẳng hạn, thế là khi về rồi, Châu đã loan tin khắp nơi nào là Tổng thống sành điệu trong nghề, dầu không là nhiếp ảnh viên: song người chụp một cuốn phim 20x36 pô, chụp không hư một kiểu nào; cái gì có đôi chút chuyên môn. Tất nhiên trong sự khen có nịnh bợ kia cũng không đến nỗi khó nghe cho lắm!

Giữa ngày chủ nhật đi chơi về, nhà tôi nói lại rằng anh Châu đến tìm đi chụp ảnh cho Tổng thống, lại không gặp tôi. Anh ta đành phải đi thay vậy. Khi Châu về, Châu báo cáo lên trên, tôi bỏ việc; anh ta phải nhờ em vợ đi chụp thay cho tôi. Người em vợ Châu tên là Hoài, chụp ảnh rất thành công; hy vọng rằng được Tổng thống khen. Quả như là có sự sắp đặt trước, viên xếp tin Châu bắt đầu ghét tôi. Ít lâu sau, ông ta làm báo cáo về tổng nha rằng tôi bỏ nhiệm sở đi chơi, bê bối về đời sống gia đình, đề nghị đổi tôi lên Pleiku. Hoài sẽ được tuyển dụng, thay thế chỗ của tôi ở Dalat. Không hiểu sao Trưởng ty lại có nhiều tài liệu bê bối về tôi đến vậy! Bao nhiêu là tội, nào là chịu nợ nhà ảnh, ăn chịu ở quán, say sưa tối ngày. Cả việc tôi liên lạc với viên Thanh tra của Tổng Nha lên đây thanh tra; trước đó ăn cơm ở nhà tôi. Sự kiện gây cảm tình này là âm mưu cho liên hệ kéo bè cánh định lật Trưởng ty. Thanh tra Kinh, tôi quen anh, từ khi anh Cả làm Bộ trưởng. Khi anh lên đây gặp tôi, anh vẫn niềm nở, săn sóc, thăm hỏi đàn em cũ của anh Cả. Anh có ý muốn về nhà riêng của tôi để thăm Thảo. Tôi không quên câu nói của anh Kinh:

“Thảo đẹp như hoa khôi Hội Chợ, em lấy được nó tốt số lắm!”

Thực ra, tôi muốn lảng trách việc thăm hỏi này. Không ai còn lạ gì Kinh, nguyên tỉnh trưởng Nam Định trước. Thời Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí, Đại Việt quan lại. Dâm ô và xách thủ tiền tài khét tiếng. Khi Kinh làm Thanh tra Tổng Nha, cái vỏ chải chuốt của anh làm cho bao nhiêu cô cán bộ chỉ vì mê chức tước, nệm trắng xe hơi, rồi đành chặc lưỡi; khi ở giữa khoảng trời bao la bát ngát, chỉ còn lại hai kẻ, đó là Thanh tra Kinh và nữ nhân viên thuộc hạ.

Nhưng sao tôi lại dẫn anh Kinh về nhà, vì tôi là họ hàng của anh Cả. Thật ra, tôi muốn lên mặt với Châu, với ông Trưởng ty nữa, tôi có đàn anh là Thanh tra của Tổng Nha. Về nhà ăn cơm, Thanh tra coi tôi như thân bằng, quyến thuộc; tôi dẫn ông ta đi chơi. Cái oai kia đã làm tôi vinh dự lây ở bậc đàn anh. Sau khi tan sở, tôi dẫn anh Kinh về nhà. Tôi gọi thật to tiếng cho vợ tôi biết là có đàn anh tới. Vợ tôi nhìn thấy Kinh, lộ vẻ mừng. Nhưng Thảo không tha thiết như tôi. Kinh khen, hỏi thăm Thảo qua loa; từ đó cho đến lúc ra đi, vẫn có điều gì ẩn chìm giấu kín, chưa dễ dàng bộc lộ. Để Kinh ở phòng khách, tôi vào nhà trong. Bàn với vợ, anh Kinh đòi ăn cơm nhà mình. Thảo cho biết ở nhà không sẵn bát đũa, lại không thể làm cơm ngon thết khách. Tốt hơn hết, mời đàn anh ra hiệu. Nhưng vấn đề tiền, làm sao bây giờ? Gia đình công chức hạng C như tôi, nói đến khách, lại một lần nhăn mặt. Mỗi khi con ốm, còn khổ sở về tiền nong, huống hồ chi nói đến tiền đãi khách. Xẻn lắm, tàm tạm cũng phải hàng ngàn đồng.
Thảo nói mát với tôi:

“Anh hiếu khách quá, anh còn lạ gì tình cảnh nhà mình! Thôi, anh để cho em đi cầm đôi kiềng mới có tiền mời khách được”.

Tôi bảo nhà tôi rằng mới sanh nở được ít lâu, làm sao mà ra phố? Nhưng Thảo nói là đi được, không sao! Tôi thương vợ tôi hết sức, rồi tôi ra nhà ngoài tiếp khách. Nói qua loa về hoàn cảnh công chức cho đàn anh nghe. Những nỗi khổ sở nheo nhóc của tôi. Hạng công chức với đồng lương thấp nhất. Nhà tôi mới sanh, lại càng eo óc mệt nhọc. Nhưng bỗng nhiên Kinh hỏi về việc Thảo sanh con trai hay gái? Lại khen Thảo có nết, có sắc. Khen thêm tôi tốt số lấy được Thảo. Anh hứa sẽ đề nghị cho tôi lên chức. Chẳng hạn như thăng ngạch, phải ráng lên, dầu sao có anh Cả và còn “ảnh”, bởi tôi vẫn là chỗ thâm tình từ xưa kia.
Tôi cũng mừng thầm được vậy, còn gì bằng! Phen này anh em trong sở tha hồ nể tôi. Nào ông Thanh tra tới nhà ăn cơm, trong khi ấy từ chối bữa cơm của ông Trưởng ty. Con gà sống tức nhau tiếng gáy. Nên gáy liên hồi. Tôi như đã trả thù được nhiều oan ức từ xưa kia. Cho mình mất một tháng lương cũng xứng đáng. Tôi đã nghi ngờ về đàn anh một cách không chính đáng. Như ít tính tốt lại có thói trăng hoa. Song đàn anh bao giờ cũng rộng lượng, cho dầu dàn em nghi ngờ sai; mai sau hiểu, hối hận, càng quý anh hơn. Nhưng phải là thứ đàn anh có bản tính tốt thực sự. Anh Cả dạy thế, nói như Thánh Kinh. Như triết gia Khổng Phu Tử, như Chí sĩ. Tôi chỉ biết so sánh có vậy.
Tôi gọi con Kim, người nhà đem nước trà lên mời khách. Tôi vào trong nhà mặc quần áo. Khi đang thắt cà-vạt, con Kim nhìn tôi như có điều gì muốn nói. Chẳng lẽ đàn anh đã giở trò gì rồi? Vô lý. Mà cũng có thể có lý lắm. Trông con Kim cứ như là miếng thịt mỡ, dứ trước miệng mèo đói. Nó lại có đôi má hồng từ ngày theo chúng tôi lên Dalat này. Trông thật duyên dáng quý phái, chứ không phải Mari Sến tí nào. Nghĩa là chẳng có chút nào dáng dấp của một người làm. Nó giận anh chị nó, về ở với chúng tôi đấy chứ!
Chính tôi cũng nhiều lần định tòm tem, mỗi khi vợ đẻ. Một mình không sao ngủ được, với gió rét căm căm Dalat xúi giục. Rồi nghĩ đến cảnh vợ eo óc, hàng xóm làm rùm beng lên, nhất là phải bị đuổi khỏi sở vì việc này, thì còn mặt mũi nào! Nên đành ôm gối ngủ mà trong lòng ray rứt, đớn đau.
Có tiếng nheo nhéo của con tôi réo mẹ về chợ. Tôi cầm tiền ra nhà khách mời đàn anh đi ăn. Bữa tiệc này kể ra là tiền mồ hôi, nước mắt của vợ tôi. Bây giờ tôi được hưởng bữa ăn ngon lành. Cùng với vị đàn anh sang trọng danh vọng, uy quyền tột bực. Đấy cũng là nhờ anh Cả. Chứ nếu không, tôi có tiền, cũng chẳng thể mời nổi ông Thanh tra đến dùng cơm, do tôi đài thọ.

Hai chúng tôi lên phố. Tôi đưa đàn anh tới một quán cơm Tây, số 26 đường Hoàng Diệu, nổi tiếng ở Dalat của những khách sành ăn. Tôi vào đề cho anh biết lai lịch quán kia như vậy. Nào là quán này chủ nhân là người bếp cũ của quan Toàn Quyền Đông Dương Decoux.
Tôi cũng muốn chủ nhân biết là tôi đang đi bên cạnh ông Thanh tra từ Sài Gòn tới. Và cũng muốn cho đàn anh biết, tôi thuộc loại nghệ sĩ sành ăn. Chẳng qua phải chịu sống với nghề công chức này, vì vợ, vì con. Chứ nếu không, tôi đã tung hê cái nghề khốn nạn này từ lâu rồi. Kinh thở dài thương hại tôi, anh hứa chuyến này về, sẽ đề nghị hàng đầu cho tôi thăng trật.

Kinh nói:

“Chú biết tài anh mà. Anh có bao giờ nói phét. Nói sao làm vậy. Nhưng chú phải cho anh được điều anh muốn. Đêm Dalat rét căm căm đầy thơ mộng ít ra mình cũng phải buông cương cho chính mình chứ!”.

Tôi đáp:

“Dạ thưa anh có, em sẽ đưa đàn anh tới quán Xóm Me Thái, nhất Dalat về món ăn chơi”.

Rồi nhân dịp sửa soạn nhiều chi tiết lạ cống hiến đàn anh, đàn anh lại càng nghiêng cảm tình về phía tôi. Tôi thao thao bất tuyệt, kể cho đàn anh nghe những thú ăn chơi trên này. Những con người, những mưu lược. Những gì là phía sau cặp mắt sắc sâu của Thanh tra Trung ương. Cật, gan, tim, giái gà xào; rồi đến sốt chua ngọt đưa đẩy; nhiều cái gật đầu tán thành dễ dãi. Vì trong nghề đã lâu, lại khôn ngoan dùng tiểu xảo, nhưng cũng biết chặn đầu đuôi, như là double jeux của nhà trinh sát tài tình. Để nếu anh không thanh trừng được viên Trưởng ty; ít ra, tôi cũng không bị đổi đi. Hay đúng hơn là bể nồi cơm.

Quả như cổ nhân dạy, muốn nói với nhau điều gì khó khăn nhất; người đời hay dùng tiệc, vì chính lúc ngon miệng người ta dễ nhượng bộ nhau hơn. Đàn anh khen món ăn ngon và sau đó đưa anh đến quán Xóm Me Thái. Vẫn là nghề bán hàng trắng trá hình. Chỉ có người Bắc là chuyên viên tài tình nhất trong việc bán buôn nghề này.
Những đứa con gái mơn mởn lượn ra, lượn vào, trước mắt Kinh, qua phản ánh từ chiếc cốc tràn bia 33. Say ngà ngà, muốn tìm đệm ngả lưng. Vẫn là chiến thuật cổ truyền. Các cụ dạy xưa; nay chúng tôi vẫn còn áp dụng. Đàn anh gật gù chỉ vào Y.:

“Có sạch không em”.

Tôi đáp:

“Dạ thưa anh, em xin làm người dẫn đường. Anh cứ việc làm theo ý thích. Trọn đêm anh nhé!”

Tuy nói vậy, nhưng tôi thắt bụng nghĩ đến tiền. Hơn một ngàn đồng trong túi lúc nãy vợ đưa, tôi đã trả mấy trăm ngoài vào ăn rồi. Còn gần bảy trăm. Tôi lại còn muốn dành cho vợ tôi đôi ba trăm đi chợ. Nhưng nghĩ đến sự trả thù Châu, trả thù viên Trưởng ty, tôi bấm bụng để lộ ra nụ cười bất cần gì đời, tiền có là cái gì đâu!
Đàn anh gặng hỏi tôi, anh chỉ muốn ở lại đây chốc lát thôi, vì anh sợ tai tiếng; nếu có chuyện chẳng lành xảy đến. Hơn nữa, anh còn muốn về nhà tôi ngủ; từ lúc nãy anh chưa kịp hỏi thăm Thảo.
Lại thêm một hân hạnh, tôi nói ngay với anh như thế. ‘Nhưng nếu anh không chê nhà em nghèo, còn gì vinh hạnh cho bằng!’
Anh gật đầu và cho tôi biết, sống với nhau căn cứ trên chữ tình. Chứ không là giàu sang, danh vọng và tiền bạc. Những thứ kia chỉ là thêm thắt.
Nghe anh nói, thật như cởi mở được nỗi lòng. Tôi ở ngoài đợi anh, trong khi anh tìm một đôi phút thú vui. Tôi quên bẵng mình, qua tiếng nhạc và âm thanh hỗn tạp. Nhưng tôi chẳng thể nào quên được hình ảnh, nếu đàn anh không can thiệp được, tôi phải ra đi. Mà như thế sẽ mất mặt hết, vợ con lại phải gửi nơi ông nhạc ở Phi Nôm. Mình sẽ phải nhường chỗ cho Hoài, người mới có thế lực.

Trong ngành công chức, tôi còn bị chèn ép lại chịu nhiều bất công; nói làm chi đến dân chúng, người ngoại cuộc. Bây giờ tôi mới thương dân chúng, song hơi muộn. Chỉ bây giờ tôi mới biết đến làm dân là chịu trăm cay nghìn cực. Lúc này đàn anh thất thểu đi ra, vẫn là sau khi mình để lại những giọt trăng hoa ân tình! Nét hào hoa phong nhã đã gửi vào hư vô. Hư vô bạn hỏi tôi nghĩa là gì, tôi xin chịu chết không biết. Chỉ biết hư vô cái hư không, cái hào hoa của mình đổ vào chỗ bàng bạc nào của đất trời. Để còn lại trên thân, hình hài mình những nét tiều tụy mệt mỏi rã rời!
Chúng tôi ra về. Giờ thì anh ít nói hơn lúc ra đi. Khen Dalat lắm thú vui; những rét ngọt gây thêm hứng thú, Sàigòn không có. Hai anh em chúng tôi về đến nhà. Mọi người đã đi ngủ. Dalat đóng cửa sớm, vì không phải toàn thành phố đều ăn chơi cả. Tôi đưa khóa mở cửa. Mời đàn anh vào nhà. Không có dư lấy một bộ quần áo ngủ. Mấy đứa con, hằng đêm, quen ngủ với bố; nay phải di dân sang ngủ với mẹ nó và Kim. Vì tôi đã dặn vợ để dành một giường riêng: anh và tôi ngủ. Lại một lần nữa, phải xin lỗi đàn anh về sự nghèo nàn của mình. Anh chỉ gạt đi và bảo rằng, anh em phải căn cứ trên tình và nghĩa. Tôi nằm phía trong. Đàn anh nằm ngoài. Chúng tôi hàn huyên, một vài câu chuyện bâng quơ, đàn anh ngủ trước. Tôi say rượu chát, ngủ say sau đó. Trước đó, tôi dặn anh chỗ cầu tiêu. Phòng lúc ban đêm cần đến. Ông Thanh tra rời cao nguyên yêu mến trở về Sàigòn bằng chuyến bay thường lệ rồi. Chiều hôm ấy, ở sở về, tôi đã nhận thấy sự bực dọc mà ông Trưởng ty đối xử với tôi. Lại còn thêm cả vẻ ủ dột mà vợ tôi biểu lộ nữa. Thực lắm cái bực mình! Còn gì giận chán hơn là nét mặt sưng xỉa của vợ con sau mỗi lần ở sở về. Nàng chẳng biết cái nhục nhã cho tôi thì thôi, lại bắt tôi phải chịu thêm dằn vặt từ gia đình đưa đến.

Tôi mơ đến những ngày còn độc thân. Cố bươi lại cái thuở yêu nhau đẹp như bao giờ. Dalat rét. Khách sạn. Hành lang. Bóng tối, Thảo và tôi thủ thỉ. Tôi học lóm được một vài câu văn trong tiểu thuyết. Để nói với nàng: “Em là quả đào độ chín trên cành. Không hái thì cũng chịu số phận đào thải của thiên nhiên. Rụng xuống chân cây. Mà nếu không rơi trên đất thịt, chẳng hạn thế, nếu rơi trên mỏm đá, làm sao mọc mầm. Như vậy sẽ tiêu tan”. Giữa lúc đó, tôi thấy Thảo gục đầu vào vai tôi. Đêm ấy chúng tôi làm lễ cưới cho nhau. Trước khi anh Cả và cuộc đời làm lễ hôn phối chính thức. Nghĩ gì thì nghĩ, chẳng sao vơi được nỗi buồn bực bây giờ đang bốc lửa! Nóng bừng bừng vì: “Cái lão Thanh tra đàn anh của anh về rồi à? Của nợ. Toàn là chuyện nhảm nhí. Anh tưởng chừng nhờ hắn mà anh lên mặt với nha sở và vợ con?”

Thế có nghĩa gì? Vợ tôi kể lại trọn vẹn sự khuấy động của ông Thanh tra. Nàng đang thiêm thiếp ngủ, có tay người rờ. Tiếng nói nho nhỏ: “Anh đây mà Thảo. Anh còn nhớ em chứ, mà em không hay biết. Và em đi lấy chồng. Để anh ngẩn ngơ tiếc nhớ. Ngàn năm một thuở. Bây giờ gặp lại em”.
Nàng sống như trong cơn mơ. Và không ai lại thỏa thuận hay chống đối mình trong cơn mơ bao giờ. Thảo quên mất mơ mộng, là cái gì nàng không được sống với cuộc đời thực tế. Những cái bấu chí tiếp theo sau thức tỉnh nàng quay về sự thực:

“Anh là ai?”

“ Kinh đây mà em. Em quên anh rồi sao?”

“Anh Kinh vào đây làm gì?”.

Ý nghĩ của nàng biết là Kinh vào làm gì rồi, Thảo là thứ đàn bà hiền lành. Không muốn làm mất lòng ai bao giờ; ngay từ khi còn con gái. Cũng may lấy chồng sớm. Chứ không, thứ con gái dễ tính, chỉ khổ cho thân, cho xác. Kẻ gây hậu họa đi xa, mây gió đuổi theo không sao kịp. Người lữ hành đàn ông muôn thuở vẫn đểu như vậy. Tôi bắt đầu nghe về phản ứng bực bội. Thế ra Kinh đã mò mẫm vô giường vợ tôi:

“Có chồng thì mặc có chồng.
    

Sẵn duyên anh cứ bế bồng trên tay”.

Thế mà đàn anh dám bảo muốn gặp Thảo, là muốn sống với anh Cả và đàn em của anh Cả về cái tình nghĩa. Những người làm chính trị thường có nhiều thủ đoạn. Anh Cả đấy. Nói đùa như nói thật. Nói thật như nói đùa.
Có lần anh Cả kể một chuyện mai mỉa về đời sống chính trị của một người mang biệt danh Ngựa Rùa. Ông ta thường bô bô rằng:

“Nó là người của mình, thằng kia do mình tạo ra nó, nó là đàn em. Tả khuynh, hữu bật, mình đều có anh em: họ đều là người của mình”.

Anh Cả kể tiếp:

“Nhưng đau đớn thay vợ của mình, vợ mình là người thân tín nhất của mình chứ gì? Vậy phải là người của mình mới hợp lý. Hợp lý và chính đáng. Người quốc gia chân chính tất nhiên phải yêu dân tộc. Vậy thì phải bảo vệ hữu sản hóa của riêng mình. Hợp lý mà lại hợp tình, hợp cảnh nữa. Nhưng đau đớn và nhục nhã thay cho người quốc gia chân chính kia, một lòng vì tổ quốc Việt Nam mến yêu đó, đã để rơi một vật quý báu nhất trong đời. Đó là câu: “tả khuynh hữu bật, mình đều có anh em, họ đều là người của mình. Nhưng vẫn dùng hai chữ đau đớn thay, vợ mình lại không là của riêng mình, mà lại là của chung, giữa mình và một Tây đực. Vì Tây đực có nhiều tài vặt giao du với người đẹp, nên vợ chàng ta không còn là của chàng ta”.

Nghĩ lại câu chuyện anh Cả kể, tôi thấy đau đớn gì gì đó! Tôi không làm chính trị. Chỉ là một nghệ sĩ tài ba không nhiều. Là người bình thường, có đôi chút ý thức. Vậy: vợ phải là của mình. Sao lại không được quyền ghen giận? Tôi hỏi dồn Thảo về câu chuyện ngoại giao bóng tối của Kinh. Cũng là người quốc gia chân chính nhưng thiếu đại nghĩa.
Vậy người quốc gia chân chính có đại nghĩa là thế nào? Kinh sách và kinh sách đã dẫn giải trong mục học làm người của cổ nhân. Vậy một người quốc gia chân chính, còn là chính trị gia, đàn anh của tôi, sao lại có thể làm mất đại nghĩa được!
Nàng trả lời. Cũng còn sợ tôi làm mất lòng đàn anh. Đàn anh đang định nâng đỡ cho tôi lên trật. Lại mắc kẹt một chuyện không đâu, có thể làm hại cho việc thăng ngạch trật của chồng.

Tôi nổi nóng, một cách tàn nhẫn:

“Anh không cần nó. Nó là quân mất dạy, vô liêm sỉ. Em kể cho tôi nghe rõ đầu đuôi”.

Nàng vẫn bình thản, loại bình thản của một người đàn bà dẻo dai chịu đựng. Nàng mới qua kỳ sinh nở, cho có ý muốn làm đẹp lòng đàn anh, cũng không ai chấp nhận.

“Em là con đĩ hay sao?”

“Sao anh lại nói vậy?”

Câu chuyện này không kéo dài nữa. Tôi bỏ ra phố. Giận mình, giận đời, chán ghét tất cả. Con người mang tiếng văn minh; nhưng dã man và đểu cáng, còn chưa được bằng giống vật! Hai hôm sau, tôi mới rõ sự liên hệ này chỉ xảy ra giữa Kinh và Kim.

Cùng vần K, nên muốn tìm gần nhau. Kim chối rằng Kinh không ngủ được với nó. Sau vợ tôi cho biết: thời gian Kinh đến với Kim sau khi bỏ giường Thảo. Chờ một giấc ngủ đợt hai. Con Kim đã cho Kinh chung chăn gối thì phải. Thêm lời hứa hẹn làm vợ hai cho nhiều tiền. Nhưng con Kim phát giác, việc làm vợ hai của Kinh xa vời quá. Còn cho tiền thì người quốc gia chân chính lại quên! Qua đò quên tình nghĩa, cả tiền tài lẫn kinh phí qua sông.
Còn tôi làm việc tại Ty, lại bị Châu nhìn bằng con mắt khác. Thêm vào những lời nhiếc móc xa xôi, mai mỉa, khích bác. Rồi ra tôi sẽ làm dưới quyền xếp. Tôi biết rằng anh nhiều tài, lần này cấp trên sẽ không quên anh. Anh sẽ làm lớn, tôi biết mà, ở lâu mới biết lòng người. Đại để là vậy. Nhưng trong khoảng thời gian sau, tôi lại rục rịch bị đổi lên Pleiku nữa rồi. Người thay chỗ tôi vẫn là Hoài. Tôi buồn khổ sở vô hạn, vẫn nói dối vợ con. Rằng nhiều anh em, bè bạn. Ở Sàigòn, thì chúng nó chết. Chỉ cần một lời thở than thôi. Bao nhiêu là thằng giúp đỡ. Tôi lừa dối chính bản thân, để có một ảo tưởng mà sống với đời.
Kiếp này, có nên tu tỉnh; còn cầu mong được làm người ở kiếp sau? Con người hơn con vật biết suy tưởng. Phải giữ nhân vị, triết lý chính trị tam túc tam giác gì đó. Phải học tập chính trị để giữ nhân vị của mình. Nhưng học mà nhận lấy sự chà đạp nhiều hơn thì đau đớn quá! Giá tôi không mời viên Thanh tra Trung ương đến nhà ăn cơm, đâu nào đến nỗi này! Tôi xin phép về Sàigòn, nhưng Trưởng ty không chấp thuận. Sợ tôi có nhiều anh em trong Tổng Nha; vịn vào cớ công tác của tôi còn bề bộn không chấp thuận cấp phép.

Tôi trình bày với vợ tôi như vậy. Nàng chẳng tham gia ý kiến cho rằng trong câu chuyện đề cao tôi có lố bịch hay bịp bợm, vẫn quý mến tôi như thế. Trông đàn con nựng bố khi ở Ty về là một lần tôi có cảm giác như kim đang xâm vào tim.
Tôi sẽ phải xa chúng nó. Đến miền xa xôi của đất đỏ muôn ngàn buồn thảm. Với số lương chia hai; chồng một nơi, vợ một ngả, làm sao đủ sống. Người quốc gia chân chính là đàn anh của tôi, không sao biết chuyện đau đớn này. Buồn chán tôi chỉ còn cách tìm quên trong chén rượu. Ở cái thị trấn cỏn con này, ai đến, ai đi, làm sao mà giấu được! Nhà rửa ảnh Mỹ Dân đòi tiền tôi mua chịu phim. Bà chủ quán cháo gà Đoàn Thị Điểm đòi tiền thiếu, của mỗi chiều tôi làm bạn với 33, với gà luộc, xôi gà, miến gà. Con số của quán này đã lên khá cao. Hai tháng lương gộp lại chưa đủ trả.
Chắc chắn, tôi chưa thể đem vợ con gửi ông nhạc ở Phi Nôm, hay để lại ở Dalat, làm con tin món nợ của tôi trước đã? Lại thêm một chuyện đớn đau.

Làm người như tôi chưa chắc gì sướng hơn con vật! Đã có lần ý nghĩ mỉa mai trên đến ám ảnh tôi hoài hoài; từ ngày Pháp còn ở trên đất này. Kiếp sau, tôi xin làm con bẹc-giê của viên chủ giàu có tiền bạc và quyền thế. Tôi sẽ được ăn sung sướng lại được mọi người bản xứ vì nể. Nể thần, nên cây đa được kính trọng. Chiều thứ bảy, những giằng xé tôi, của anh công chức hạng C. Tôi đã đổi căm giận vào tốc độ của chiếc mô tô cũ. Lăn trên đường tìm an ủi và lãng quên. Khúc quẹo chợ mới Dalat. Đến khu chợ cũ Hòa Bình. Gặp ngay thằng bạn ở Sàigòn, ăn vận quần áo chỉnh tề, bảnh bao; trông nó, tôi có cảm tưởng như nó có nhiều quyền thế. Có lẽ trong tôi bây giờ, chỉ cần quyền thế, chỉ có uy lực, mới cứu vãn được hoàn cảnh bế tắc của mình. Thật ra là nó cũng không còn nhớ tên tôi cả tôi cũng chẳng còn nhớ tên nó. Nhưng nhớ từng bạn với nó từ ngày tôi còn là Chủ sự ở Sàigòn. Nó nhớ tôi vì ảnh thời sự và truyện làm bản kẽm không tốn tiền. Nhớ rồi. Chính nó. Tôi đã đưa nó đi tìm thú vui trăng hoa. Thuở Ngã Năm Thành Cổ Loa vào thời hoàng kim. Tôi đã đưa nó về nhà tôi ở một ngõ hẻm Hiền Vương.
Tôi hỏi nó lên đây làm gì? Nó lơ lửng trả lời không dứt khoát. Lối nói lưng chừng của khách du lịch lên viếng Dalat. Tôi hỏi qua loa về nghề mà nó hiện theo đuổi. “Làm Báo”. Nó trả lời cụt ngủn. Tôi mời nó về nhà tôi cho biết. Nó từ chối. Có lẽ đây là một dịp may chăng? Quý nhân phù trợ. Như trong tử vi của báo hàng ngày dạy. Khi đau khổ, có bạn, thật là may! Cứ cho rằng nó không giúp gì được mình nữa.
Tôi mời nó ăn cơm với vợ chồng tôi. Nó đáp rằng không dặn ở nhà. Muốn ăn cơm khách phải báo trước cho nhà biết. Một người cậu của nó ở trên này. Nó mời tôi đến quán cà phê, sau khi ở nhà tôi ra. Nó hào hoa, vì chưa vợ con. Tôi thèm được vào địa vị nó. Nó lại khen gia đình tôi êm ấm. Tôi bật nhớ tới lời Kinh khen và hành động của Kinh để lại không tốt đẹp trong gia đình. Để hôm nay tôi chịu hoàn toàn hậu quả. Đem trường hợp của tôi ra trình bày với nó. Nó không hứa giúp gì. Và chỉ nói làm công chức hạng C khó hơn gấp bội lần cấp cao. Mọi việc phải biết hết lại chịu đựng. Nghĩa là cần nhiều tài tiểu xảo. Hơn cả một công chức cao. Nó nhắc đến trường hợp ông đổng lý Cù, còn kiêm thêm nghề soạn thơ. Một lối giải thoát tâm tưởng khai thác quyền uy bán sách. (Chết cha tôi rồi, nó đả kích một nhân vật chú vợ tôi.)
Tối hôm ấy, về nhà ăn cơm, sau khi đã giới thiệu tên cho nhau rồi, anh Thoa (nhà báo) cho biết về đổng lý Cù. Vậy phải bàn với vợ tôi nhờ ông can thiệp.

Tối nay tôi gặp lại Thoa. Nó làm báo bênh vực những người thấp cổ bé miệng. Đúng như trong tử vi dạy, đã có quý nhân phù trợ. Một người bạn từ lâu không gặp, nay đến với tôi trong lúc tôi nguy khốn. Ăn cơm tối xong, tôi đem máy ảnh theo. Một vài tấm ảnh chụp kỷ niệm cho nó. Lấy tình cảm. Người Đông phương chúng tôi quý nhau, qua những món quà lót tay không đáng kể; mà lại rất đáng kể ở phía đoạt cảm tình. Rồi từ đó trở thành thân mật, nhờ nhau, sẵn sàng chỉ bảo cho nhau. Tôi lại mời nó ăn cơm vào trưa mai. Cổ nhân dạy miếng ăn dễ nói được nhiều chuyện khó nói. Tôi lại đem ra áp dụng. Tâm trạng tôi lúc này như trẻ con. Mừng rỡ và nhiều hy vọng. Sự ở lại của tôi sẽ làm cho Trưởng ty và viên xếp nhỏ của nó biết tay.

Gặp Thoa vào tối nay, tôi sẽ hỏi thẳng ý kiến. Bây giờ tôi hiểu vai trò cố vấn của nhà báo. Dân chúng hằng tin cậy; mỗi khi bị chính quyền làm khó dễ, hoặc oan ức chưa được phơi ra ánh sáng. Tôi đến nhà Thoa. Nó mặc quần áo xong. Tôi khấp khởi mừng thầm; vì ngay từ lúc gặp gỡ ban chiều, chúng tôi vẫn xưng hô mày, tao. Nhắc lại viên đổng lý làm nghề vẽ chữ, gọi thơ, tên là Cù. Hắn là chú vợ, Thảo. Ông nhạc của Nguyện (tên thật của tôi) viết cho Cù càng tốt hơn. Thoa không thể giúp đỡ gì cho Nguyện, ngoài ý kiến. Lẽ giữa Cù và Thoa quen biết lại không hợp nhau. Cù là người nhiều quyền hành, hiện đương là phó Đổng lý, chuyên viết diễn văn cho Tổng thống. Một cú điện thoại cho đàn em Tổng giám đốc Thông tin, văn sĩ Tạo. Thế nào Nguyện cũng được ở lại; với điều kiện đừng khai Thoa cho Nguyện ý kiến. Giữa Thoa, Cù, không thiện cảm với nhau. Về tư tưởng thơ văn cũng như quan niệm sống. Một tên phó đổng lý viết diễn văn, làm nghề vẽ chữ gọi là thơ; lại bán tác phẩm của mình, bằng cách khấu trừ vào lương công chức thuộc hạ, bắt mua những cuốn sách in ốp-xét giá đắt thật là cướp cơm chim! Viên tỉnh trưởng nào mà chả phải cổ động trong quận hạt của mình mua sách ông phó đổng lý Đoàn Cù?
Ông ta từng viết diễn văn cho Ngô tổng thống. Đáng lý ra Thoa không nên ăn cơm trưa mai với Nguyện. Lẽ ra có nhiều cái khó nói ra.
Tôi hơi giận Thoa; nhưng thừa nhận ý kiến của nó. Tôi chụp ảnh cho nó, hứa sẽ phóng tấm nào đẹp. Một lối gây cảm tình của công chức hạng C như tôi; chỉ biết làm có vậy. Tôi mời nó xuống Phi Nôm nơi ông nhạc tôi ở. Trình bày ý kiến mà Thoa cho. Rất có lợi cho bố con chúng tôi gần nhau. Nhưng Thoa từ chối. Tôi cố mời nó về nhà ngủ. Không hiểu sao tôi lại nẩy ra ý kiến này; từ khi nó từ chối xuống Phi Nôm. Tôi nhắc nó về Kim và về Kinh. Nó biết cả Kinh. Thằng cha ấy chỉ gái, tiền và nịnh cấp trên là giỏi. Kim đẹp đấy chứ, trông hấp dẫn ghê! Qua quần huyền u uất che thân người lại xảy ra dưới ánh đèn ngủ ban đêm với trời giá lạnh Đà Lạt; làm sao mà Kinh không chết! Tôi bảo nó thích Kim, tôi sẽ làm mối cho. Kim là em Thảo. Thoa lại chưa có vợ. Nó im lặng. Con Kim bây giờ nhận là em tôi, và cũng cần kiếm một tấm chồng. Khi Thoa tới nhà, con bé đã đam mê ngay, vì Kim đã từng đọc truyện của nó trên báo. Cả một sự vui mừng, vì tác giả nhà báo kia lại chưa có vợ. Chẳng hiểu sao Kim lại tin chuyện này thực. Thiếu gì đàn ông tuổi nó, nói là chưa vợ thì Kim bĩu môi. Nhưng với Thoa, Kim lại tin. Tôi sẽ mời Thoa ngủ lại và một khi, giữa hai chúng nó chịu chuyện nhau; tất sẽ giúp đỡ tôi việc này. Nó quen nhiều, tuy nó không nói hẳn ra vậy. Nhưng tôi đã dò hỏi thì được biết nhà báo gióng cho một vài lời, việc gì mà chẳng xong. Huống hồ là chuyện này, hủy sự vụ lệnh cho công chức hạng C. muốn ở lại Dalat là chuyện dễ dàng. Tôi bèn xin phép nó trở về nhà có chút việc. Nó ngồi ở quán cà phê đợi tôi. Tôi về nhà bàn với vợ sắp đặt công chuyện.

Khi tôi trở lại, tôi đưa Kim đến với tôi. Hai đứa chúng nó bắt chuyện với nhau rồi. Tôi có thể thành công trong công việc giương sẵn kế hoạch. Tối nay tôi sẽ mời nó ngủ lại nhà. Tôi sẽ coi như là mình ngủ say, để chúng nó tự do tình tự. Và như thế, nó sẽ giúp tôi đưa thư cho Đoàn Cù và nói thêm vài lời can thiệp với ông Tổng giám đốc văn sĩ Tạo. Như thế, tôi sẽ cứu nguy được tình trạng bế tắc. Tôi sẽ được ở lại Dalat. Viên Trưởng ty và xếp nhỏ của tôi, sẽ thộn người ra mà thán phục! Khi tôi nghe thấy Kim tán tụng truyện dài của Thoa đăng trên báo, tôi càng mừng thầm. Kim ăn vận vào, trông không kém một phu nhân đài các. Dưới ánh đèn, má hồng của Kim đẹp hẳn lên. Những duyên của con gái mới chỉ biết vài lần làm tình ái lại càng mặn nồng; càng làm cho đàn ông ham thích. Đó là cảm quan của một nghệ sĩ nhiếp ảnh như tôi, cho là vậy.

Kế hoạch của tôi dường như thành công. Vì tôi đã nhờ Thảo xếp đặt. Tất nhiên trong tôi, sự mừng khấp khởi, dấy động. Tôi đưa ra những mưu chước; lần này, chúng tôi phải đi chơi, uống qua nhiều quán ở Đà Lạt; những quán nước, phòng trà, thú vui giải khuây là tao nhã nhất của du khách. Người nghệ sĩ nào có tâm hồn mà chẳng đồng ý với lời đề nghị này. Chúng tôi liên tiếp ngồi trong nhiều quán khác nhau. Hai người đi với nhau còn tôi phải dẫn tay chiếc mô tô. Cái kế hoạch là vậy, thật ra ở Dalat có bao giờ sợ mất cắp xe đâu? Tôi đã hứa với họ tới một quán cà phê, dốc Minh Mạng. Nơi mà Thoa cho là thú nhất, nhìn đúng tầm mắt đến dốc, nhất là trời mưa đem lại nhiều cảm giác mờ ảo. Vẫn chỗ ngồi mà Thoa hằng ưa; ở trên dốc, một căn nhà có bao lơn nhếch ra đường thấp thoáng sau mành có bóng hồng. Tay đang cầm cuộn len đan. Tôi liếc mắt nhìn hai người. Họ như có vẻ tương đắc lắm. Một khi Thoa có thế lực mà nó lại giấu tôi. Chẳng bù cho Kinh thường hứa những điều ngoài sức mình có.

Buổi tối Cao Nguyên có sương đêm, quả là thơ mộng! Chỉ có đêm nay, tôi mới cảm thấy đẹp. Thì ra bao nhiêu lần; tôi bị chìm vào sự lo lắng, làm sao mà cảm thấy đẹp.
Đẹp toát từ nội tâm phải hòa hợp với ngoại cảnh. Hai người vẫn đi bên nhau; thấy họ tốt đôi quá. Có lẽ định mệnh thật. Lập gia đình cũng do thiên mệnh dự liệu. Như tôi chẳng hạn có bao giờ nghĩ rằng lấy vợ sớm thế đâu? Nay đã mấy con rồi. Ông bà nội của chúng chẳng bao giờ biết mặt. Khi tôi đến quán, hai người ngồi hai bên nhau rất tốt đôi. Trong một bàn, hai ly cà phê đặc biệt; thực là đẹp cho đôi chồng vợ. Như sau một đêm, sáng hôm sau; hai người ngồi uống cà phê nhấm nháp hương vị hạnh phúc. Tự dưng, tôi trở thành một nghệ sĩ giàu cảm quan nghệ sĩ. Tôi đến Thoa gọi sẵn cho một chai 33 lạnh, nó biết tính tôi; như tôi biết tính nó, thích đàn bà loại như Kim. Ngay từ bây giờ, tôi muốn say sưa, để hai kẻ tự do tình tự: “Ôi ! Tên bạn thân mến kia ơi! Mi hãy hưởng nốt cho ta cái tình yêu mà ta vội vàng thụ hưởng, trong sự hứng khởi của mi, ta có dự phần trong đó”. Kể ra, tôi cũng có thể làm văn sĩ được đấy chứ. Nhìn đồng hồ, 11 giờ 30 đêm. Lòng thêm hứng thú.

Chúng nó chịu nhau rồi. Hãy trông kia, nụ cười của Kim như đang nở trên môi Thoa. Tôi bảo Thoa về nhà tôi ngủ, để hàn huyên, trò chuyện và xem tôi rửa hình cho nó một thể. Tôi rửa những tấm hình vừa thu vào ống kính. Sáng hôm sau, bá cáo lại từ nơi Kim. Kim có lại giường Thoa, gọi nó dậy để tâm sự. Nó từ chối. Tình ái đến sớm sẽ chóng phai, không chứng tỏ sự chung tình. Những nỗi buồn lại đến, thay cho niềm vui hụt đêm qua. Công việc của chúng tôi như vậy, không thành tựu sao? Cảnh chia rẽ của gia đình tôi vẫn như còn quanh quất đâu đây? Tôi và vợ con tôi chưa thể nào nuôi mộng ở gần nhau. Thằng Thoa rất bướng. Kim không dụ dỗ được, huống hồ tôi; làm sao có đủ yếu tố bắt nó giúp tôi. Tôi đã nhờ ông nhạc viết thư cho đổng lý Đoàn Cù. Làm sao nhờ nó đem thư về và nói thêm với ông Tổng cho. Tôi đến nhà cậu của Thoa, thì nó đang ngủ. Mấy đứa em gọi nó dậy. Trông thấy vóc nó, tôi đoán được ngay rằng không mấy có kết quả. Hai chúng tôi rủ nhau đi xuống ven hồ. Nó vào đề bằng một câu nói độc địa: “Đáng lẽ tao không nhận ảnh mày chụp cho. Mày lừa tao. Mày là thằng đểu. Từ nay đừng nhìn mặt tao. Tao rất ghét những thằng bạn đi qua mặt tao, mà nó tưởng chừng tao không thấy”. Tôi im lặng chịu trận. Mặt tôi ửng đỏ vì tức giận. Nó đòi xuống xe và tôi trở về nhà. Sau khi ngồi bên hồ Xuân Hương, với căm giận, không bật thành lời.

Tôi vào quán đêm qua, nơi cả ba cùng ngồi. Gọi rượu mạnh. Sau khi uống nhiều 33 ở một quán khác. Trong túi tôi sẵn khẩu Colt. Tôi cần đến để giải quyết công việc. Ngay đêm nay. Không thể kéo dài được! Tôi không thể bị đổi đi Pleiku. Tôi không chịu nổi sự uất ức mà mọi người xung quanh sỉ vả, nhiếc móc. Ở Ty, họ nhìn tôi qua con mắt khinh khi. Rồi đến hàng xóm, dường như họ biết hết mọi chuyện nhanh chóng đến thế! Tôi làm sao còn đủ can đảm sống, nhìn họ ở xung quanh mình. Lừa chết để da, người chết để tiếng. Tôi để lại tiếng xấu nhơ nhớp.

Thằng Châu, con Lan, chúng nó là con tôi đem chuyện này từ trường về kể cho bố nghe. Và những chủ nợ liên tiếp đến nhà tôi đòi tiền. Sự vụ lệnh cấp bách buộc đi. Trong ba hôm, đương sự phải có mặt tại Pleiku. Phương tiện chuyển vận do đương sự tự túc. Chữ ký của ông Phó tỉnh. Còn một thằng bạn cố vấn duy nhất, nó cũng khinh miệt nốt. Cô bé chiêu đãi viên bưng ly rượu mạnh ra bàn tôi; nghi ngờ tôi say, nên không dám lại gần. Tôi gọi lại. Lảng tránh. Đúng rồi, nụ cười mai mỉa của nó phát ra, làm vài thanh niên bàn khác cười rộ. Tôi gọi nó thêm một tiếng lại bỏ chạy vào nhà trong. Tôi gọi thật lớn. Bà chủ đi ra. Bà chủ bảo hãy về nhà ngủ. Tôi say rồi. Bà không tính tiền đâu mà lo. Rõ ràng nhé. Tất cả coi tôi như không có trên mặt đất này. Như vậy, tôi còn sống làm gì cho nhục! Loạng choạng đứng dậy, hét lên một tiếng thật to và rút súng ra. Mọi người im lặng. Nhạc bắt đầu tắt. Cơ khí cũng còn uy lực, hiệu nghiệm hơn thằng tôi. Bây giờ sự im lặng sợ sệt, là chứng cớ thật hùng hồn. Đó là uy lực súng đạn. Chứ thằng người như tôi vô giá trị. Khách hàng lúc trước có sợ tôi đâu, nhưng bây giờ, chúng đều như hình nộm cả. Tôi bảo gì, chúng nó sẽ phải nghe theo. Rõ ràng nhé. Súng đạn còn có uy lực mầu nhiệm; tôi không giá trị bằng một cục sắt. Chưa bao giờ thấy mình đáng làm người hơn lúc này. Từ khi cha mẹ sinh ra, năm nay ngoài ba mươi tuổi, mới biết. Chúng mày thôi rồi, không bao giờ còn khinh rẻ được tao! Họng súng đen ngòm vẫn chĩa ra phía khách hàng cười lúc nãy. Bà chủ cùng chiêu đãi viên lấm lét nhìn theo tôi. Nhưng lát sau, cái gì lạnh buốt từ sau lưng tôi đẩy mạnh lại, và tiếng hô của ai từ sau hô bỏ súng xuống, giơ tay lên. Những cái tát nổ đom đóm mắt bắt đầu chiếu hào quang xung quanh tôi. Chiếc Colt rớt xuống; tôi bị khóa tay, bị đánh ngất bởi cảnh sát, tôi không còn biết gì nữa!
Khi đảo chính thành công vào cuối năm 63, tôi ra tù. Và theo như vợ kể thì Thoa đã đưa thư cho viên đổng lý rồi. Đến nay tôi ở lại đây không phải đổi đi. Châu bị gọi về Trung ương, lý do nhân viên lạm dụng quyền thế bị thải hồi. Còn Trưởng ty bị câu lưu, sau hôm đảo chính, lý do dễ hiểu: đảng viên thân tín của Cậu Sáu Miền Trung. Nhân viên kinh tài cho đảng Cần Lao. Tôi được tha, vì đã chống chế độ cũ. Từ đấy, mỗi chiều thứ bảy ra phố; nhưng để ý đến du khách lên Đà Lạt, chưa gặp Thoa. Nếu gặp nó, tôi cảm ơn. Rất mong vóc dáng anh chàng nhà báo hôm nào, một ân nhân và cố vấn của tôi. Bây giờ gặp lại Thoa; tôi sẽ mời hắn dùng cơm với vợ chồng tôi; mời đi phòng trà – nhưng là sự thành khẩn của bạn bè quý nhau; chứ không sắp đặt với nhiều ẩn ý trục lợi như hôm nào! ( )


4.



T6 ngủ dậy, không thấy vợ con đâu, chàng choáng váng gọi lớn:

“Thủy, em ở đâu?”

Chàng ra bàn ăn, thấy lá thư có mấy hàng chữ:

“Anh Sáu. Em và con đi Dalat đổi gió. Nếu gió trên cao nguyên này hợp với mẹ con em, thì sẽ không về nữa. Anh tha thứ cho sự ra đi đường đột này. Em. Ngày... tháng ...năm...”

T6 tá hỏa tam tinh, lấy xe đạp đi tìm Dũng trắng, một trong những bạn thân của chàng không có trong vần Tà Dũng trắng cấp tiền cho bạn khá nhiều, hơn cả T1 luật sư. Thằng này ngũ đoản ăn nói giỏi, lý sự cừ, và cãi khỏi chê. Nhưng chi tiền cho T6 hẳn không bằng Dường trắng. T1 còn bố mẹ già, các em đông, hiện nay mới chỉ một T1 là có danh và tiền bạc mà thôi. Gặp Dũng trắng, T6 đưa thư của Thủy, chờ ý kiến bạn:

“Nó theo bạn của thằng T3 văn sĩ rồi. Mấy hôm trước tao đi nhẩy ở Tự Do đã thấy vợ mày cặp kè với thằng Đinh Bù Loong.”

“Sao mày gọi thằng chả là Đinh Bù Loong?”

“Thằng Tây lai có nhiều bạc, lắm tiền, cao ráo, sạch sẽ. Nó họ Đinh, tao phết cho nó nickname ...Bù Loong.”

“Bây giờ phải làm thế nào?”

“Tao và mày lên trên ấy đón mẹ con Thủy về. Nhưng từ nay, mày phải nhớ điều này, tiền bạc cần lắm cho vợ con và phải có thường xuyên. Hay mày dạy thay tao ít giờ Anh văn vậy?”

“Chuyện này hạ hồi phân giải. Bây giờ phải xoay tiền đã. Tao xuống ông anh bà chị tao kiếm một mớ. Kẹt một cái gia đình ông anh bà chị lại không chịu cho tao làm đám cưới với vợ tao, bởi vũ nữ còn độc hơn xướng ca vô loại – ông anh bà chị phán như thế!”

“Buổi đầu tao thấy bà ấy đi làm trở lại, tao đã biết là nhiều chuyện sẽ xảy ra. Ngựa quen đường cũ, bà ấy còn đẹp sắc sảo, nhiều thằng chết mê mệt. Mày có nhớ thằng nhà văn diễm tình ăn khách trong giới trẻ, Huy Tuấn không? Thằng này đêm đêm, lái xe díp màu trắng đến Tự Do, chỉ chờ được nhảy với vợ mày mà thôi. Thằng này có sách bán chạy, con nhà giầu, đẹp trai, trẻ tuổi, ăn nói bắt mắt bắt hồn phụ nữ.”

“Có phải Huy Tuấn trước đây trong nhóm Phong trào đòi Hoà Bình, bị nhốt, không phải đưa ra Bắc, viết phơi-ơ-tông ăn khách và tiểu thuyết xuất bản quyển nào quyển ấy dầy cộm. Lại bán chạy nữa. Thằng T3 gọi nó là văn sĩ H. trong truyện ngắn Thủy và T6 viết phơi-ơ-tông trên báo Điện Ảnh ấy.”

“Nhưng nguy hiểm hơn hết vẫn là Đinh Bù Loong, bây giờ nó đưa bả và con mày lên Dalat, liệu bả có chịu về lại Sài Gòn không? Dũờng trắng nói như gằn giọng. Chung qui cũng chỉ tại mày. Lần trước mày cho phép bả đi Dalat bế con theo, nói là lên thăm chị Hoa trên ấy. Thằng T3 đến xin phép, mày đồng ý liền. Mày đọc cuốn tự-sự-kể của nó viết về mày và Thủy ra sao không?”

Dũng đi đến kệ sách lục tìm cuốn sách vừa nói, lấy tay tìm đoạn nói về Thủy và T6. Dũng trắng đưa cho T6 và bảo:

“Mày đọc đi, lần trước, nó đi với T3 - bây giờ với Đinh bù Loong.”

T6 cầm sách đọc:

“.....Trong vòng một năm nay, tôi không làm một bài thơ nào, viết một truyện nào. Lại còn đang buồn và không thú bằng cả đi săn. William Faulkner của những ngày trước khi sắp giã từ đời. Với danh vọng, tiền tài, với bấy nhiêu năm tháng trên đầu, câu nói kia của văn sĩ Hoa Kỳ, tất có lý. Tôi chưa già, nhưng hơn mười năm làm văn nghệ, bây giờ tôi chán rồi. Nên bạn bè hỏi tôi sao dạo này không viết sách, lại đi khiêu vũ thường trực hàng tháng ở Tự Do. Thì tôi bảo họ, đây, tôi kể cho bạn nghe câu chuyện văn chương này, chẳng thú hơn sáng tác sao?”


Câu chuyện của hai cô vũ nữ, cô Ng. và cô Thủy, hai người được nhiều bàn mời nhất là kiếm nhiều tiền nhất. Cô mời tôi khiêu vũ đây là cô Ng. Tôi bảo tôi có vợ, chẳng có gì quan trọng phải không, lại tỏ ra mình trả lời không hợp cảnh. Có vợ thì anh ngủ với vợ anh, chứ đến đây làm gì? Nhưng tôi đến đây để tìm không khí xưa, âm nhạc, đèn màu, và mẹ đẻ văn chương. Vẫn muốn vậy, và vẫn muốn không thất hứa với vợ mình. Tôi được quyền tự do đi chơi, mấy giờ về, vợ tôi đều mở cửa. Nhưng chỉ có một điều là không được ôm ai vào trong tay, kể cả khiêu vũ. Tôi nhận lời. Nếu buổi nay tôi khiêu vũ với cô, như vậy tôi nói dối. Tôi không muốn dối vợ tôi và chính tôi. Kể cả việc nói dối là bịa ra một câu chuyện để nàng không biết việc kia và tự dối mình, cho dầu là không nói ra. Song tôi cũng ghét luôn đến người mặc áo đen vào sáng chủ nhật buộc tôi xưng tội.
Tôi cứ nhận tôi là người theo Thiên chúa giáo để cho Ng. là tín hữu thực thụ tôn trọng điều tôi nói hơn.
Một đêm thứ bảy, Ng bảo tôi hãy đưa nàng về sớm hơn một tiếng. Sau khi nàng bón cháo cho tôi ăn, lấy khăn cho tôi lau miệng (đêm thứ bảy, nhảy tới bốn giờ sáng và vũ nữ có cháo ăn đỡ lòng tại Tự Do), hai chúng tôi môi sát môi, đầu hai đứa ríu vào nhau, hạnh phúc biết mấy! Khiến cho bạn trẻ ngồi phíasau ghen tuông, buông lời phản đối: “...nào Thế Phong mặc áo đại quan nhảy đầm nhé...”.

Tôi theo lời nàng. Chúng tôi lên tắc xi. Khi gần tới rạp Quốc Thanh, nàng bảo tôi đây rồi và chúng tôi rời tắc xi, bước lên cầu thang. Ở ngoài có ánh điện, nhưng hành lang sâu thẳm, tối om. Đàn bà và bóng tối thú lắm. Nhưng với Ng. mười chín tuổi, lại có thêm ba năm học thoại kịch. Vào trường hợp này, nàng lại ngại ngùng bảo tôi, có thể về được rồi. Tôi không làm theo lời nàng. Nàng đành đi nép về một phía hành lang, tôi theo sau cũng tỏ ra mình nhút nhát, nép vào một phía. Qua hành lang thứ hai, cũng vẫn không đèn, tối om. Nàng lại bảo được rồi, cảm ơn. Tôi không chịu và nhất định đưa nàng tới buồng. Nàng cũng vẫn nép mình vào một phía len lén đi và tôi cũng nép mình như vậy, đủ cho nàng tin rằng tôi rất nhút nhát và kính trọng nàng rất mực.

Khi đến hành lang thứ ba, đèn sáng, đến trước cửa phòng nàng rồi, tôi cúi đầu chào và xin phép ra về. Ng. ngạc nhiên, gọi tôi lại. Cho biết đây là lần thứ hai, tối nay nàng sẽ không ngủ được, chị hai về quê, có lẽ nàng sẽ phải đọc sách, chứ làm gì cho tới sáng được! Tôi chưa biết nói sao, Ng bảo tôi đợi nàng mở cửa xem phòng nàng đã. Tôi chiều theo ý nàng. Cửa mở, chiếc giường trải nệm mousse, drap màu đỏ thật lộng lẫy, quyến rũ. Và lại là một vũ nữ nổi tiếng là nghiêm trang, đứng đắn – đã tặng bạn tôi, giáo sư dạy giờ tại Đại Học Văn Khoa, vì anh đã chạm vào ngực nàng, một cái tát nổ đom đóm mắt. Anh ta đau đớn, đến bàn tôi than thở. Tôi bảo anh, tôi chưa được đàn bà đánh mắng bao giờ, anh được Ng. tát, là hân hạnh mới phải chứ. Tôi còn nhớ đến chuyện này, khi đứng bên cạnh Ng. giờ này. Tôi khen phòng nàng đẹp và xin phép về, kẻo khuya quá, vợ tôi chờ. Ng. nhìn theo và bảo tôi trung thành với vợ quá, nàng thèm muốn sự trung thành kia.

Tôi về nhà, và buồn biết mấy khi bước ra đến ngoài đường. Tới nhà, lách cửa vào nhà. Cởi quần áo trong bóng tối lên giường nằm, ngửa mặt, khoanh tay trước ngực, nhìn lên đỉnh màn. Và những cái xoay mình thật khó chịu. Từ hôm ấy, tôi không trở lại vũ trường khiêu vũ nữa và anh bạn cùng đi cho biết: Ng. hỏi thăm tôi và sao vẫn chưa đem biếu nàng bó hoa Lys Dalat? Vì tôi biết rằng hoàn cảnh của tôi bây giờ chưa cho phép tôi lập gia đình. Với bất cứ ai mà tôi yêu hoặc người ta yêu tôi. Nhưng nếu thiếu người yêu, tôi càng chán nản và lại thêm buồn khổ.
Cuộc đời tôi bây giờ, như một bạn sinh viên Văn Khoa Sài Gòn khác, dắt vợ lên Dalat chơi – mà tôi vừa nhắc ở trên kia. Anh hỏi tôi một năm nay, tôi sống bằng gì? Tôi chưa có cái gì bảo đảm nuôi sống mình, làm sao mà nghe theo lời Ng. (giả thiết vậy) hoặc ai yêu tôi và tôi yêu người ta?
Để an ủi rằng mình không thể là người không thể có vợ được, không biết chiều đãi đàn bà, chẳng hạn thế. Nên tôi sẽ kể cho bạn đọc nghe một câu chuyện nữa. Về Thủy. Cũng là một trong hai người mà khách yêu đẹp và yêu cách nói chuyện tài hoa, lịch lãm ở vũ trường kia, tất phải biết Thủy, vũ nữ tài danh.
Khi Thủy xin phép được chồng (T6), có lần tôi đã nhắc tên và trong truyện nữa, bằng lòng cho nàng đi Dalat chơi với tôi vài hôm, nhân dịp Thủy xin đi thăm chị Hoa. Để cho Thủy nhớ lại Dalat và chỉ có không khí Dalat mới khiến cho nàng còn thiết tha sống và kể lại dĩ vãng cho tôi nghe. Và tôi nói với nàng, tôi rất muốn viết truyện dài về Thủy.
Sáng hôm cuối cùng trở về Sàigòn, Thủy dậy rất sớm. Có lẽ khách sạn Dalat Hotel chưa ai dậy cả. Bốn giờ sáng. Trời khá lạnh. Chúng tôi ngủ chung một phòng, hai giường.
Sự nghi kỵ của anh bồi bắt đầu bằng cách gõ cửa mỗi khi vào phòng – chứ trước kia họ không bao giờ có thói quen này, đối với riêng tôi. Nhớ lại hôm đầu tới nơi, Thủy gặp Kim Chi, đồng nghiệp, ngay ở hành lang Dalat Hotel. Nhìn tôi, Chi bảo Thủy:

“Mày không cùng đi với chồng sao?”

Thủy gật đầu, giới thiệu tôi là bạn của chồng. Lại cả anh chàng Tuấn Giang, (bây giờ gọi là Tuệ Giác, vì ký bút hiệu mới trong cuốn nói về Phật giáo tranh đấu chống Ngô Đình Diệm) gặp tôi. Anh kêu lên thật to:

“Đi với cô nào đẹp thế!”

Cả khi chúng tôi lên phố ăn cơm, lại gặp anh ta, anh nháy mắt, nhìn chăm chăm. Tôi nhìn Thủy và bảo anh ta:

“Chúng tôi coi nhau như bạn đàn ông mà.”

Làm sao mà anh ta tin, nên tôi lại bảo Tuệ Giác hỏi Thủy xem có đúng không? Anh ta hỏi thật và tiếng cười của Thủy vang lên buốt lạnh, trong không khí trầm ấm tiếng nói của nàng, như làm cho sương và gió lạnh tan đi.
Rồi cả hai nhân vật ấy về lại Sàigòn, nên hai miệng này thì cả Sàigòn biết tin thôi.
Trở lại với buổi sáng dậy sớm hôm ấy, Thủy gọi tôi ra bàn trang điểm trong lúc tôi đang nhìn ra phía cửa sổ. Trong sương mù, sao như những ngọn đèn lại biết chạy. Rõ ràng là tôi tỉnh ngủ. Tôi dụi mắt và tìm cách thử xem mình thức thật hay là còn ngái ngủ. Tôi tỉnh thức rồi đấy chứ. Sau khám phá ra câu chuyện này, là sau đó, chiếc xe hơi chạy tới gần, mà lúc ở trên cao, tôi thấy ánh sáng kia tưởng chừng đèn đường biết chạy.

Thủy cười mãi về chuyện này. Rồi chúng tôi ra phố uống cà phê, vì cà phê Domino năm giờ sáng mới bán. Thủy vui vẻ, như chưa bao giờ thế cả! Chúng tôi xuống dốc, tôi đi nhanh hơn. Thủy kéo lại. Nô đùa tưởng như là đôi vợ chồng mới cưới vào tuần trăng mật. Tất cả bạn bè cũ của Thủy đã trầm trồ khi hai chúng tôi vào Maxim's và Night Club hoặc Tulipe cũng vậy. Ở đâu, Thủy cũng được nhiều người biết, Thủy nổi tiếng, hẳn nhiên, và được mọi người chào hỏi. Tôi bảo Thủy:

“Coi như tôi vô danh, nay có cơ hội nổi danh rồi!”

Thủy đáp:

“Dân thượng du phía Bắc khôn lắm! Từ uống cà phê, biết nghiêng tách, lệch về thành đĩa, cả đến cách múc thìa đường vơi cho vào ly. Cả cách cầm thìa cũng điệu nghệ.”

Uống cà phê xong, tôi hỏi Thủy, vào ngày chót ở Dalat, nàng đã hết lo sợ về tôi chưa? Một người đàn bà đi bên tôi, ngủ chung phòng mà chính người ấy cũng lo, hẳn sao chồng nàng không lo. Và hơn nữa lại có nhiều điều tiếng từ trên Dalat về Sàigòn. Nhưng họ làm sao biết được, trong đời tôi, đã hai lần buộc con gái trinh nguyên khỏa thân trong phòng: để tôi tự thử xem mình có làm chủ được sự thèm muốn và đam mê không? Khi cô gái mặc quần áo vào rồi, ngạc nhiên lại bực tức nữa, bởi như họ bị tước đoạt giá trị, trước một tên đàn ông kỳ quặc.

Ngay tối đầu tiên tới khách sạn này, tôi đã bảo nàng:

“Nếu sáng mai khi Thủy ngủ dậy, không thấy tôi ở giường bên kia. Đừng lo nhé! Tôi không bị bắt cóc đâu, tôi đi ngủ chỗ khác và sẽ trở về. Bao giờ Thủy là đàn ông sẽ biết tại sao lại như vậy? Cũng sắp rồi (như nói đùa với nàng) đàn bà tu chín kiếp, kiếp sau sẽ được làm đàn ông, và kiếp thứ mười lại thành đàn bà đẹp có duyên.”

Thủy gật đầu. Nhưng đêm đầu tiên, tôi vẫn nằm giường bên cạnh. Đêm thứ hai cũng vậy. Bây giờ Thủy cười và nói:

“Không sợ anh làm sao được, nếu khi tôi tắm bước ra, anh cứ ôm đại lấy tôi, tôi biết làm sao?”

Chúng tôi dắt tay nhau đi hái hoa, Thủy thích nhất màu đỏ, còn màu đen chuộng thì nàng đã mặc com-lê vào thân người rồi. Tôi bảo nàng:

“Tôi và Thủy giống sở thích của nhau nhiều quá. Nếu Thủy là đàn ông, tôi phải khử - hoặc có tôi - hoặc còn nàng Thủy. Bao nhiêu kẻ thù nguy hiểm nhất, từ xưa, nhăm nhăm vào tôi để phóng giáo mác, nhưng bất thành. Nhưng Thủy là người tôi phải né tránh.”

Bông thược dược nhung đỏ trên tay, nàng lấy ngón tay xoay tròn cuống và nhìn màu đỏ tía tỏa hào quang. Chúng tôi sống những ngày, những đêm đi chơi thật nồng nhiệt.

Thật là sống đời đáng sống...

Câu chót nàng nói trước khi rời Dalat, Thủy nói:

“Đàn bà rất khó chọn chồng theo ý muốn. Nhưng đàn ông các anh dễ dàng lựa chọn người vợ hợp ý mình hơn. Sau này anh có vợ, anh sẽ biết chiều vợ và vợ anh thực sự sung sướng.”
     Cảm ơn Thủy.
     Và cảm ơn nhiều.
     Bằng cả dòng chữ viết....”
     ..................................

Khi về Sàigòn, tôi còn đưa Thủy đi xem tử vi một lần nữa. Một đêm, ở Calmette. Sau khi lấy tử vi nói về cuộc đời nàng xong rồi, hai chúng tôi đi uống cà phê. Gặp một bọn cao bồi, chúng nhìn chúng tôi như mồi. Thủy thấy tôi nhìn nghênh chúng, nàng bảo:

“Chúng nó à? Anh phải để cho bọn đàn bà trị chúng mới ổn.”

Nhìn Thủy khóc, tôi bảo:

“Nếu khi cần, tôi sẽ nói thẳng, mê vợ bạn, có là phạm tội?”

Thủy cười không đáp. Nhưng nụ cười, tôi nhớ mãi. Lại gặp Thu Minh và Phương Duyên, hai vợ chồng này có biết tôi lên Dalat với Thủy đâu? Mà bây giờ gặp, họ biết tỏng từ trước. Tôi không biết chối bằng cách nào, đành nhận. Nên sau này, chồng nàng nghi ngờ tôi cũng phải. Một người như tôi có nhiều người quen biết, như Thủy nổi tiếng càng hơn, làm sao không gặp người quen cho được? Tôi từng nói nửa đùa nửa thật với chồng nàng:
“Khi nào tao mê vợ mày tột đỉnh, tao sẽ đưa khẩu súng và bảo: nếu mày không bắn chết tao, mày mất vợ.”

Anh bạn Thu Minh có tin tôi đi chơi với Thủy như tình bạn không thôi, tôi không biết. Nhưng thực ra chúng tôi nằm khác giường, chung phòng; nhưng không có tà ý. Điều này chỉ có hai người biết với nhau thôi. Vẫn mong rằng có một ngày nào, tôi hoàn thành truyện về Thủy – những tình tiết công bố điều hôm nay chưa viết ra đây, ngay với chính tôi cũng lắm điều bất ngờ, thú vị. Lần ấy, Thủy có đọc hai cuốn sách mới nhất của tôi, cuốn thơ Thơ Làm Lớn Dậy Con Người, còn cuốn kia là truyện, Truyện Người Của Tình Phụ. Cuốn truyện sau này tôi viết về một nữ văn sĩ nổi danh của miền Nam thời kỳ trước 1963. Chẳng cần phải nói tên bà, độc giả cũng biết bà là ai? Trong tình trường, bà là người mê dục vọng và thích đổi đàn ông như thay áo. Chồng bà là một giáo sư dạy Anh văn dịch sách nổi tiếng và trong trường chính trị cùng đảng Dân Chính Đại Việt với Nguyễn Tường Tam thời hậu chiến. Bà làm tình trước mắt chồng với người thân của chồng, bà cho đó là cảm giác mới cung cấp cho tình tiết đời làm văn sĩ sau này viết truyện. Chẳng bao lâu, bà lại thay ngựa giữa dòng, không biết ngựa này đã kiệt sức; hay những đám mây đầy giọt sương hoa không còn từ trong khí huyết cung cấp đủ cho bà. Bà lại lên Dalat cùng một thanh niên nghệ sĩ tài hoa về đường tình ái, dẫn dắt bà đến với một ngựa tình sung sức lại có tiền có của, chức vụ trong guồng máy: Sở Thủy Lâm địa phương. Chàng thanh niên nghệ sĩ đưa bà đi đây đó, không biết lúc này đã cấp cho bà bữa điểm tâm tình ái chưa? Nhưng đi đâu, chàng cũng đóng vai em trung tín hầu hạ bà chị nạ dòng. Lần ấy, ở sân bay Tân Sơn Nhất, T3 lên máy bay đi Dalat gặp. Và chàng phụ tá đang lăng xăng cầm máy ảnh bấm lung tung dung nhan bà chị. Gặp T3, anh xiết tay và đưa máy lên chụp một pô. Anh cười rất duyên dáng, thỏ thẻ như lời đường mật của vũ nữ nhà nghề:

“Lâu lắm mới gặp anh. Hôm nay tôi và bà chị lên Dalat thăm anh Hoàng Tổng, một công chức rất nghệ sĩ tính mời chúng tôi lên chơi thăm cảnh Dalat, để có hứng cho bà chị tôi khởi sự viết truyện dài. Tôi có thể nói với anh ngay, truyện này thuộc loại cách mạng làm đổi mới phong cách ngôn ngữ, cũng như lối viết tiểu thuyết mới, xuất sắc hơn cả danh tài đang lên của Pháp Michel Butor là khác!”

“Hân hạnh và hân hạnh. Thật diễm phúc cho văn chương Việt Nam qua lời giới thiệu của anh.”

Biết chàng phụ tá đi hầu bà chị văn chương, chàng bỏ cô vợ đã ăn hỏi; đến nỗi bà chị văn chương tự động đến nhà người vợ chưa cưới của chàng phụ tá, thỏ thẻ. Đại để: ...“ Em ạ, chị chỉ còn một mối tình lớn nhất trong đời là anh ấy. Em còn trẻ, đẹp, danh tiếng (cháu họ nhà thơ nổi danh Hoàng Chương), em còn nhiều cơ hội hơn chị, rồi ra em sẽ gặp người yêu làm chồng tuyệt vời hơn cả hoàn cảnh bây giờ”.

Thế là cô em trẻ đẹp đành để cho bà chị nhiều thủ thuật trường đời áp dụng vào chuyện tình của nàng. Nàng gật đầu và người phụ tá em này cứ cố gắng lên; chị sẽ giúp em thành công về văn nghiệp rạng rỡ sau này; ở một người có thiên tài như cậu em. Nhưng mỗi lần cậu em đè ngửa bà chị ra theo dẫn dắt cơn tình đòi hỏi, bà chị muốn bật thành tiếng “anh ơi, em sung sướng quá” – sao hai tiếng anh ơi chưa thể thốt ra tự nhiên được.
Thủy đọc thâu đêm ở Dalat, tiếp theo trận bão cười. Còn khi đọc thơ nàng gạch dưới đoạn này và nhìn đứa con trai kháu khỉnh của nàng làm nũng mẹ. Hẳn T3 hiểu, khi móng tay dài vút đỏ thon thon kia chỉ vào:

      ..... tôi muốn theo người tình
          không bao giờ cần cưới
          để hưởng đêm tình ái Dalat
          vô cùng ấm lạnh
          mà quên đi quên hết ...

Lần thứ hai, Thủy đọc những câu trên, đắc ý. T3 muốn gọi Thủy và nói với nàng như thế này:

“Bà Huỳnh Thị Thu Thủy ơi, tôi muốn chọn một công việc nhỏ nhất, không ai tranh giành. Một anh tân binh cấp bậc binh nhì chẳng hạn. Điều mong ước của tôi giản dị lắm. Như thế này chẳng hạn:
Thế kỷ hôm nay đá lởm chởm nhiều hơn đất thịt tôi lớn lên theo tháng năm mấp mô nên từ chối lời ngọt ngào âu yếm đời sống con người trâu chó thiếu tự do nên vần thơ về thành đạn trái phá tấn công những xúc xiểm thành trì kiên cố Hố hầm nhiều cỏ úa không nẩy chồi ngoài công viên mua cỏ
Miếng bảng nhỏ cài lên trên bằng ba thứ tiếng ne marchez pas sur la pelouse xin đừng giẫm lên thảm cỏ đất nước mình xa lạ như một công dân khác quốc tịch viếng thăm ngàn đời tôi là con chim họa mi anh hùng lấy hoang vắng của núi rừng cao cả
Mặt trời chiều làm bạn dung thân nhìn ra bốn phía buồn tênh chân lý cuộc hành trình thi vị nhất là đơn độc...

Vì chúng ta đều thích rừng thông, nắng chiều hiu hắt, đơn độc. Tôi sẽ không quên nhiều chiều của tháng ngày này. Thủy một mình trên đồi sương mưa, để một quân nhân trạc tuổi tôi thấy vậy, sợ Thủy tự vẫn, nên ông ta trèo lên sân Cù an ủi. Khi tôi trở lại, ông ta xin lỗi và nói nguyên câu văn ấy. Ở đây Thủy đánh rơi mất cặp kính râm trên đồi thông, còn tôi mất chiếc nút manchette nhãn hiệu Hitcock. Thủy cười và bảo rằng trong hai chúng ta đều lưu lại cho Dalat kỷ niệm của lần này. Công bằng, Thủy bảo vậy, tôi vẫn còn nhớ. Rồi ánh đèn buổi nào trong sương mù dày đặc đêm Dalat, tôi mơ tưởng như nó vẫn còn chạy trên ngọn cây. Nhưng vắng Thủy. Không khí phù thủy của màu xanh rêu, bao vây khách sạn số ba của Biệt thự Hotel Au sans Souci trong rừng thông man mác
Chiều vàng, ngồi gác chân nhìn ra, phía trên tầm mắt là đường Trần Hưng Đạo dốc, tập giấy trắng vẫn nguyên hình giấy trắng. Của ngày này, tuần này, hai tuần sau, vẫn không khác hơn. Tôi đành về lại Sàigòn. Tôi lấy tay chỉ vào đoạn thơ này, chính tác giả còn thích thú. Bởi chúng chân thành như một người bạn không bao giờ phản bội. Cho rằng tôi thế nào đi nữa. Chẳng hạn như Nicholas Gogol nói:

..Tên tôi sau này sẽ sung sướng hơn tôi bây giờ...

Dân tộc tôi, rồi cũng sung sướng hơn dân tộc tôi ngày này. Khi tôi trở về (thật ra có đi đâu mà đòi trở về) tôi lấy vợ. Vợ tôi có thật sung sướng như Thủy nói không, nhưng tôi sẽ lại thăm Thủy. Hoặc Thủy lại thăm. Và nếu vậy, tôi sẽ mở cửa đứng chờ. Ngoài ra, không tiếp ai, như những câu thơ dưới đây, tất nhiên trừ Thủy:

       ...Tôi chọn mùa thu, rừng thông, nắng vàng hiu hắt
          bỏ làm thơ
          hết dằn vặt thể xác đớn đau
          để nghe em vợ khôn ngoan
          nét mặt cau có, hiên ngang sai bảo
          tên chủ nông trại này
          hãy đốt lửa và buông màn
          tôi làm tên nô lệ tình nguyện ý thức rằng
          bạn-bè-chồng-vợ-con-cái-bầu-đàn-lếch-thếch
          ngủ một giấc dài
          sáng sớm mai
          vươn vai
          ngáp dài
          chăm bón cây trái
          ngoài hàng dậu
          gần ngay cổng trại
          bảng đề không là ba thứ tiếng
          như bồn cỏ đô thành
          - không tiếp ai
          vì chúng tôi là người ngoại quốc
          (Thơ Làm Lớn Dậy Con Người)

Đọc xong T6 bảo bạn:

“Tao thấy nó rất chân thành. Tao tin là nó giữ đúng vai trò coi vợ bạn là chị, nó không làm điều gì tà dâm, như đạo Thiên chúa giáo của tao theo phê phán.”

Dũng trắng hếch mũi lên, như chê bạn là cả nể, dễ tin:

“Thằng ấy thuộc loại vô liêm sỉ. Xin phép dắt vợ bạn lên Dalat, mà mày cũng cho, rồi Thủy đem cả con theo, mày cũng cho. Trời Dalat thơ mộng cho những cặp có hai người, thằng ấy ngủ chung phòng, khác giường, thế mày cũng tin được nó không dám lần sang, xong việc lại quay về giường nó. Nhất là Thủy có con mắt đồng tình với nó.”

T6 thở dài:

“Chuyện đã qua rồi, dù có hay không, bây giờ lại luận chuyện cũ chẳng ích lợi gì. Mày dự định thế nào? Chúng mình lên trên ấy đón Thủy nhé. Bây giờ vợ đi vắng, tao nhớ con nhiều hơn là nhớ vợ. Tao không thể ở đây mà không có con tao.”
“Tao gửi thư tay theo xe đò lên cho thằng bạn ở Dalat dò tông tích xem Thủy ở đâu? T6, lần này mày không lên đón vợ mày sớm, mày mất con là chắc. Thằng Đinh Bù Loong không như thằng T3 đâu? Bởi T3 không thể lấy vợ mày, kể cả Thủy đồng tình? Mày biết tại sao không? Bởi nó trên răng, dưới bút máy – lấy tiền đâu nuôi vợ con – tình cảnh nó cũng chẳng khá hơn mày bây giờ, vất vưởng. Còn Đinh Bù Loong, nó có tiền của xe hơi – vợ mày chịu làm bé Đinh, để có tiền nuôi con. Mày không còn nhớ câu thà làm bé ông lớn còn hơn làm lớn ông bé à? Giá trị của văn chương dân gian rất năng động, linh hoạt, như là đúc kết kinh nghiệm cuộc đời, để thành ngạn ngữ dạy dỗ đời, kim chỉ nam. Còn văn chương của bọn nhà văn ngày nay, như tác phẩm của thằng T3 là cái đếch gì, chẳng ích lợi cho ai, kể cả cho nó. Và cuộc đời của nó sống bấp bênh, khổ như một con chó hoang kiếm sống.”

T6 gật đầu tán thành:

“Mày nói tao mới nhớ, thằng T4 thẩm phán, trước kia lúc còn học Luật là bạn thân gặp nhau thường ngày. T4 thường phát tiền cho nó buổi sáng, nó vào thư viện, trưa dùng tiền ấy ăn cơm tay cầm( ) chiều lại vào thư viện - chiều tối chúng nó gặp nhau bát phố, uống cà phê. Tháng này qua tháng khác, năm qua năm, cho đến khi T4 đậu Cử Nhân Luật, học lớp thẩm phán, vẫn cấp tiền cho nó. Thấy nó và T4 ngồi ở La Pagode, mặt nó nghênh nghênh hãnh diện, tao muốn đá cho nó vài cái và nói cho nó nghe cuộc sống ảo tưởng của nó. Nhưng không hiểu sao tao lại chưa kịp nói?”

Dũng trắng lại thêm lời hạ phẩm giá bạn:


“Tao còn nghe thằng T nhỏ, thằng Tối Văn Sáng, bạn học với nó xưa ở Hà Nội, kể lại bà mẹ T4, còn đòi gả chị T4 cho nó. Bà cụ nói với chồng, gả Liên cho nó, thêm đũa thêm bát, vì nó có nghề ngỗng gì đâu gọi là chắc chắn, nay viết được vài bài báo, mai lại không - Năm này viết được cuốn sách, chẳng nhà xuất bản nào chịu in, lấy tiền đâu để sống, vậy mà bà cụ T4 bảo thêm đũa thêm bát là một cách nói khiến cho bố T4 yên tâm chấp nhận. Chứ miệng ăn núi lở, rồi khi có con cái, núi lớn núi nhỏ sập hết.”

T6 đánh giá lời của Dũng trắng hoàn toàn chính xác, có cơ sở. Kể cả đối với Đinh Bù Loong, nếu không sớm đón vợ con về, coi như lần này T6 trắng tay về đường vợ con. T6 nhủ lòng, đành vác mặt xuống ông anh, bà chị vay tiền lên đón vợ con vậy.

...CÒN TIẾP ...




VVM.11.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com