Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

      

NHỮNG NỖI NIỀM TIẾNG VIỆT (3)


    

T iếng Việt là cả một không gian bất tận bí ẩn đầy hiểm trở với những ai không sinh ra trên mảnh đất hình chữ S. Vì nó sẽ không là tiếng mẹ đẻ. Phải học mới làm quen, nhận biết và hiểu. Nhưng không thể cảm nhận trực giác như da sờ vào sự vật, như lưỡi nếm vị thức ăn, như tai phân biệt ngay âm sắc… Cho dù tiếng Việt cần phải Cảm như thế.

Nhất là đại từ nhân xưng của tiếng Việt.

Cả lớp dán mắt vào các hình vẽ, cố gắng hiểu và (đừng quên) những quy định kỳ lạ của các mối quan hệ tuổi tác, dây mơ rễ má họ hàng hoặc trong quan hệ người dưng với nhau đi chăng nữa, cũng thấp thoáng những bí ẩn quái gở của các thang bậc tình cảm khác nhau của người Việt.

Cô giáo chỉ vào các hình người già, trẻ, trai gái, tóc bạc tóc xanh, mặc váy, mặc comle, giảng liên hồi :

Ừ, bố mẹ và các con phải xưng với nhau : mẹ- con, bố-con

Ông bà với cháu phải : cháu chào ông- bà ơi cháu đã về

Vợ chồng với nhau phải : anh ơi-em đây, em ơi-anh đây

Nhưng anh chị em trong nhà với nhau cũng : anh ơi, em ơi, chị ơi…

Rồi hàng xóm với nhau cũng : chào ông, chào bà, chào anh, chào chị…

Đấy là trong sách chưa xuất hiện hình vẽ các đôi bạn : ấy ơi, đằng ấy ơi, tớ đây, bạn ơi, cậu à…

Sinh viên gái mắt tròn xoe, miệng lẩm bẩm, tay viết ngoệch ngoạc, sinh viên nam ngồi ngây như tượng, mắt hết nhìn cô giáo, nhìn vở, rồi…nhìn nhau. Chúng cười rúc rích. Cả lớp hết hồn. Rắc rối quá.

Tôi vừa viết lên bảng vừa bảo Julia, một cô gái đã có chồng, mà không phải chồng bình thường, chồng người Việt nam hẳn hoi :

- Nếu một hôm, Julia không xưng EM với chồng, mà xưng TÔI là có vấn đề rồi đó, giận nhau rồi…

Julia cười khúc khích.

- Nhưng hôm nay về nhà, Julia hãy đừng gọi tên chồng một cách ngắn gọn nữa, mà rót vào tai anh chồng Việt những câu sau đây : „Mình ơi !” hoặc :”Anh ơi !”… chồng em đảm bảo sẽ…ngất lịm đi vì sung sướng…

Cả lớp cười ran khoái trá.

- Thưa cô – Mihály, một cậu học trò rất lém lỉnh hỏi - không được xưng „tôi” với cô giáo phải không ?

- Sẽ rất ấm áp nếu chúng ta xưng với nhau : cô với em, em với cô -Tôi trả lời- Nhưng cô vẫn muốn dạy cả lớp học thuộc và dùng quen đại từ nhân xưng ”TÔI” đi đã vì trong mọi trường hợp, nó sẽ giúp ích và cứu các em nhiều lắm.

Đáp lại những ánh mắt tò mò háo hức dò hỏi của cả lớp, tôi kể lại một câu chuyện :

Một lần ở Hà nội, tôi cùng một cô bạn gái đi ăn tối trong một quán chay có tên HOA SEN. Bước vào, ngồi xuống bàn bên cạnh là một thanh niên trẻ, ăn mặc lịch sự, mái tóc nâu hoe hoe. Anh ta gọi món, ăn một chút rồi buông đũa, chần chừ đưa mắt nhìn ông chủ quán ngồi xa xa đang đọc báo, như vừa muốn hỏi vừa ngần ngại. Đúng lúc ấy tôi đưa mắt nhìn sang, đón lấy cái nhìn của tôi, anh ta vội vã :

- Bà ơi !

Cô bạn ngồi đối diện với tôi lập tức ngoái nhìn sang bàn bên, phì cười.

- Chà ! chắc tớ trông già quá !- tôi bảo và cũng cười.

Thấy chúng tôi cười, chàng thanh niên hốt hoảng :

- Xin lỗi, anh…à …em …à…cháu… không biết…

Không nhịn được nữa tôi và cô bạn cười phá lên. Té ra đây là một anh chàng lai, bố Việt, mẹ Pháp, anh ta đang định hỏi tại sao thức ăn quán này không có thịt, nhưng miệng lúng búng không biết xưng là gì cho phải vì thấy chúng tôi cứ sặc sụa cười.

- Anh không biết từ : chay ?- Cô bạn tôi cố nén cười.

Còn tôi vội vã :

- Anh đi học tiếng Việt người ta không dạy cho anh từ : tôi ? Anh không biết từ „tôi” ?

Anh chàng ngơ ngác lắc đầu.

Thế là trong khi cô bạn tôi hý hoáy tìm bút, giấy để viết cái từ ”cứu cánh” ra thì tôi giảng giải :

- Từ bây giờ anh phải nhớ cái từ ”tôi” này rõ chưa, vì có thể xưng hô với ai cũng được, kể cả chỉ tạm thời, mà không bị sai, bị cười, nhớ nhé !

Anh chàng gật lấy gật để, toát mồ hôi ăn nốt đĩa thức ăn không thịt, mà bây giờ mới hiểu sau khi học xong từ : chay.

Trước khi chúng tôi tạm biệt quán ra về, tôi sực nhớ ra một ”mẹo”, bèn dặn với lại cho kẻ bất hạnh :

- Nếu vẫn tiếp tục quên từ ”tôi” anh cứ việc xưng tên, đúng rồi ! cứ xưng tên như một đứa trẻ ấy, anh tên là gì ?

- Daniel.

- Tạm biệt Daniel, đừng quên ”tôi” !

Hahahahahahahah….

Tiếng Việt như tâm tính người Việt, đầy màu sắc, đầy các cung bậc trầm bổng, đong đưa sắc thái, như khí hậu gió mùa và hương vị ngào ngạt khác nhau của hoa trái xứ nhiệt đới. Các em hãy Cảm nó, như người cảm với người ấy.

Và khi chưa cảm được nó, như người yêu với người yêu, thì…cố mà học, ít nhất, học lấy một số trường hợp thông dụng nhất, đừng mang logic ra mà hỏi nhé.

Một buổi học tôi viết lên bảng câu hỏi :

- Bạn viết mỏi tay chưa ?

- Vâng ạ - Mihály trả lời

Cậu là một sinh viên cao kều, trông lúc nào cũng lém lỉnh bởi cái miệng cười rộng đến tận mang tai và đôi mắt sáng ngời.

Tôi gõ gõ bút lên bảng :

- Vâng ạ là cái gì ? Hôm qua vừa học từ : chưa… Nào, ai biết trả lời ?

Peter, chàng sinh viên đẹp trai như Romeo trong phim Romeo-Juliet ngồi đầu bàn vội vã trả lời :

- Chưa ạ.

Andrea ngồi cạnh cũng lau tau :

- Mỏi rồi ạ.

Mihaly quay sang các bạn cố cãi :

- Thì cô giáo hỏi : Bạn mỏi tay ? Tớ nói „Vâng ạ” là đúng rồi còn gì ?

- Thế từ : „ chưa” biến đi đâu ?

- Ajjjj ! ! ! - Mihaly lật vở, tìm kiếm rồi kêu rú lên

- Đây rồi ! Ajjjjjj ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! !....

Budapest.(2012.10. 10)



VVM.18.2.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com