Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

Mũi Cà Mau của Nguyễn Vinh Hiển - Vĩnh Long

ĐẤT MŨI CÀ MAU
NƠI CUỐI PHƯƠNG TRỜI NAM


                     

Đ ất Mũi- nơi tận cùng đất nước Việt- nơi tôi đến trong chuyến du hành về phương Nam hôm nảo hôm nào.

Là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km.

Đất Mũi thường được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam.Yêu đất nước, yêu quê hương, ai ai cũng ước mong một lần được đến nơi tận cùng Tổ quốc này để được nhìn tận mắt thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ, để được biết đất nước ta xinh đẹp như thế nào với hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú.

Cà Mau là một vùng đất mới, được khai phá khoảng trên 300 năm nay, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thảm rừng tràm bạt ngàn và hệ sinh thái rừng ngập mặn trải dài, nối liền từ U Minh Thượng đến cửa Gành Hào (giáp tỉnh Bạc Liêu). Lịch sử phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau gắn liền với việc khai hoang mở cõi của các cộng đồng lưu dân người Kinh, Hoa, Khmer.

Sử ghi lại rằng, việc khai phá vùng đất ĐBSCL bắt đầu từ công của Mạc Cửu. Mạc Cửu là người Lôi Châu, Quảng Đông, do không tâm phục triều đình nhà Mãn Thanh nên mang gia quyến, vượt biển đến đất này. Ông chiêu mộ lưu dân tứ xứ bao gồm cả người Kinh, Khmer, người Hán...chọn mảnh đất này lập cơ nghiệp mới.

Nhờ sức người cùng sự góp công của thiên nhiên hào phóng, chẳng bao lâu Đất Mũi Cà Mau là nơi thu hút con người và cả chim chóc, muôn thú ... về cư ngụ bởi đất lành chim đậu, tạo nên nhiều tràm chim có tiếng trong vùng.

Tên gọi Cà Mau xuất phát điểm từ cách đồng bào Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau", có nghĩa là nước đen. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước.

Qua một đêm dài trên chuyến xe open tour, tôi đã đến Cà Mau. Mọi thứ đều ngỡ ngàng. Nhất là khi xuống Tắc ráng để theo sông ra biển.

Đoạn sông này nước đang cuồn cuộn đổ về biến khơi, hai bờ xa tít, nước chảy xiết, có những xóm nhà sàn dựng tạm bợ dọc đường đi. Ngồi đầu mũi, tôi mở lớn mắt nhìn non nước phương nam. Trên sông, lục bình trôi phăng phăng theo con nước. Hai bên bờ lúc thì đám Dừa nước, lúc là rừng Bần, lúc thì những khóm cây Điên điển…Đó là những cây sống ở vùng nước mặn. Vừa là nơi sinh sống của chim chóc, vừa là nơi tạo nguồn tài nguyên phong phú cho dân bản địa…

Bác lái chìa cho tôi một quả bần rồi kể rằng năm xưa trên đường lưu lạc, loại quả này đã nuôi Nguyễn Ánh trong cơn đói lòng.

Tôi cắn nhai thử, thấy vị chát chát. Chát nhưng vẫn giúp qua được cơn đói lòng để về sau Nguyễn Ánh tức Vua Gia Long quay về Phú Xuân dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn.

Đang mùa nước nổi nên hoa Điên điển mọc đầy tạo nên những mảng vàng nên thơ giữa sông nước mênh mông. Đó đây có những cô gái chèo thuyền vin cành hái hoa. Hoa Điên Điển mà nấu canh cá rô thì ngon lắm. Bởi con cá rô vùng này béo mập, xương mềm, được sống trong dòng nước đục ngầu lắm phù sa.

Tắc ráng cập bến Đất Mũi, tôi đi lên với ngỡ ngàng này nối tiếp ngỡ ngàng khác.

Đầu tiên là trên đường đi, tôi nhìn thấy dọc hai bên đường là hai dòng nước chảy như tôi vẫn thường thấy trên đường đi học ở quê nhà vào mùa mưa dầm xứ Huế. Nhưng khác là trong dòng nước này lại có lũ cá thòi lòi đang tung tăng bơi lội. Thì ra lũ cá này sống trong vùng rừng ngập nước, theo con triều lên đất Mũi tung tăng. Mãi ham chơi nên khi triều rút, chúng không kịp quay về. Đành bơi lui bơi tới nơi những vũng nước còn đọng, để chờ mong đợt thủy triều lên.

Ôi!

Nâng một chú cá lên tay, nó vùng vẫy mạnh, nhảy vọt ra khỏi lòng bàn tay tôi, lao xuống vũng nước. Rồi cùng đồng bọn bơi bơi... khi lìa xa bước chân tôi như trốn chạy, khi quay lại gần bên tôi như muốn làm hướng dẫn viên du lịch cho người khách lạ lần đầu bước chân lên Đất Mũi này.

Tôi được leo lên chòi quan sát, được tận mắt nhìn thấy Mũi đất cuối cùng của Tổ quốc mình. Xa xa là những đảo nhỏ của Tổ quốc với cái đẹp mê hồn và tiềm ẩn bao điều để khám phá. Ngoài biển khơi là Vịnh Thái Lan, mênh mông, mênh mông..

Anh bảo vệ chòi canh nói cho tôi hay rằng, hiện tại rừng đang lấn biển, do cây Mắm và cây Đước là 2 loài cây đặc hữu tạo nên Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau mà vừa qua đã được tổ chức UNESCO công nhận.

Cây Mắm âm thầm lấn từng bước một vươn ra biển, chặn dòng phù sa từ sông Mê kong đổ ra biển với sự hợp lực của hai dòng hải lưu từ biển Đông và Vịnh Thái lan, thu gom đẩy phù sa vào đất liền để cây Đước bám theo sau giữ lấy. Chúng nhịp nhàng từng bước, từng bước một làm cho chót mũi Cà Mau ngày càng thêm rộng ra về phía biển. Nghĩa là chính những cánh rừng ngập mặn nơi đây đang ra sức bảo vệ mảnh đất này tránh sóng biển lở đất, tránh bão táp sập đổ nhà cửa… và ngày đang mỗi sinh sôi mọc lấn dần ra biển cho đất liền ngày càng rộng thênh thang. Một tấc đất là một tấc vàng.

Ôi thương biết mấy rừng cây Mắm, cây Đước đã yêu thương đất Mũi của ta!

Tôi lại được lên mốc Tọa độ Quốc gia, điểm Tọa độ GPS 0001, để nghe đâu đây trong gió thoảng, hương linh những người xưa đi khai phá chốn hoang vu này.

Và một chút hương vị đậm đà nơi đầu lưỡi với những đặc sản nơi đây: Mắm lóc, Ba khía, Sò huyết , Tôm khô cũng đủ khiến lòng nao nao lúc chia tay.

Xin cúi đầu cảm tạ tổ tiên xưa!





VVM.15.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com