K ể từ hơn hai năm nay: 2020, 2021 và mấy tháng đầu năm 2022 này, khi mà cơn dịch Coronavirus Vũ Hán trở thành nỗi kinh hoàng của toàn cầu, gồm hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tôi thấy mình có những cảm xúc về những khổ đau mà thế giới này phải gánh chịu. Như, cả triệu con người đã tử vong vì con virus này, hàng triệu người khác bị tổn thương và mất mát, hàng trăm ngàn trẻ mồ côi thiếu tình của cha mẹ…, và còn biết bao những hệ lụy khác như thất nghiệp, đói nghèo!
Thế là, tuổi tôi từ ngày sinh ra đời, năm 1936 cho tới nay, 2022, là 86 năm. Với cơn dịch cúm Covid-19 này, tôi nghĩ có lẽ nó là cơn dịch cuối cùng của đời tôi. Cơn dịch của đầu đời tôi là trận đói năm Ất Dậu (1945), khoảng hai triệu người miền Bắc chết, năm đó tôi mới 9 tuổi. Và nếu kể cả chiến tranh là dịch của hủy diệt, thì đời tôi còn trải qua hai cuộc chiến trên đất nước mình. Đó là cuộc chiến chống Pháp của toàn dân VN sau 80 năm người Pháp cai trị, áp dụng chính sách thực dân tàn bạo, đối với dân chúng và săn đuỗi các lãnh tụ, các chiến sĩ thuộc các phong trào cách mạng của phía các lực lượng Quốc Gia. Sang đến thời kỳ Việt Minh-Cộng Sản cầm quyền, chính sách cai trị suốt 80 năm của người Pháp được Cộng Sản triệt để thi hành, cộng thêm với sách lược đấu tranh giai cấp của Staline và Mao. Tôi còn trải qua cuộc chiến tranh thứ hai, đó là cuộc chiến do Cộng sản Hà Nội phát động nhằm thống trị cả miền Nam. Nên đây là cuộc nội chiến. Tôi nghĩ cơn dịch cúm Covid-19 chắc là trận dịch cuối cùng của đời tôi, ngoại trừ bỗng dưng nhân loại lại xảy ra những cơn ôn dịch khủng khiếp khác, như các loài côn trùng, các loài cầm thú và gia súc cùng chim chóc từ trời sa xuống chết đầy đường…Lúc đó, con người cũng không biết sẽ chạy trốn nơi nào, vì nơi đâu, từ núi đồi, rừng rậm, đâu đâu cũng có ôn dịch và cảnh tượng như vậy! Hỏa ngục trần gian hay đó là ngày tận thế?!
Nếu hai cuộc chiến tranh và hai trận dịch tôi nhắc đến trên đây, có gom góp lại những gì là tàn bạo, man rợ, máu chảy và xác người chết không còn hình hài con người nữa, thì thiết nghĩ nó cũng đã là một cơn hồng thủy thứ hai do con người tạo ra. Nên nhân loại chưa đến giờ nghe được tiếng loa của các Thiên thần kêu gọi linh hồn người chết hãy trỗi dậy… Tôi tin những gì Kinh Thánh đã ghi chép.
Cho nên, tôi tin là con Covid-19 là đại dịch cuối cùng của đời tôi. Trong thời kỳ vừa qua, tôi đã đóng góp ít bài thơ và tản văn về cơn dịch này. Vì nó đến trong thời đại tôi sống và nó cũng đã lần lượt xâm nhập vào gia đình tôi năm người, ba thế hệ hay là ba đời. Tất cả đã trích ba mũi vaccine. Có điều nó gây cho chúng tôi sự mệt mỏi một cách kỳ lạ. Cứ người này đến người kia, cách nhau sáu ngày, cẩn trọng thì một tuần lễ. Cuối tháng 12 năm 2021, tôi bị một con siêu vi tấn công trong khoảng từ 15 đến 20 phút. Thời gian này, Sài Gòn đang nóng gay gắt, tia cực tim ở tình trạng báo động, thế mà tôi lạnh run lên, toàn thân co rúm lại. Tôi vội vã lên giường nằm phủ chăn lên, cứ thế từ sáng cho tới chiều. Nay, con Covid-19 lại xâm nhập gia đình tôi, sang đến tôi là cuối cùng vào mấy ngày cuối của tháng 2, đầu tháng 3/2022. Đây lại là tuần lễ, theo chương trình, tôi được mời ra Vũng Tàu mấy ngày, do một gia đình trong dòng họ mời hơn một tháng trước.
Thế là tôi đã lỡ một chuyến trở lại Vũng Tàu, cách xa đã rất lâu, nay mới có dịp trở lại, nhưng lại bị lỡ mất. Tôi tiếc! Tiếc vì có lẽ đây là chuyến trở lại một nơi cách nay đã 68 năm, tôi đã đến đây và làm việc tại trại tạm cư Rạch Dừa, nơi tiếp đón người di cư từ miền Bắc vào. Tiếc vì lỡ chuyến trở lại lần này, không phải vì mất dịp xuống biển hay thưởng thức gió biển, tiếc không phải vì được ở trong một phòng khách sạn tân tiến của một thành phố du lịch lâu đời, mà tôi tiếc vì nhờ dịp này, tôi hy vọng mình sẽ hình dung được những cảnh cũ, những con đường cũ, đặc biệt con đường ra Bến Đình đầy cây và bóng mát, mà tôi thường đi bộ vào các buổi trưa; còn ngôi chợ Vũng Tàu cũ, khách sạn bên hông chợ, gần bãi tắm trước, là nơi chúng tôi tạm trú trước khi xuống Rạch Dừa công tác. Tôi cũng sẽ rất tiếc bởi làng Thắng Nhứt ở Rạch Dừa, nơi có ngôi đình của làng, và ngôi nhà toàn gỗ quý mà chính là nơi chúng tôi ở trong suốt thời gian trại tạm cư hoạt động.
Đây cũng chính là lý do tôi đặt tên cho bài này là “lỡ một chuyến trở lại…” Vũng Tàu. Tôi không dùng chữ “đi”, một chuyến đi, mà dùng động từ “trở lại”, hàm ý nói rằng, nơi tôi đến là nơi tôi đã ở trước đây, làm việc tại đây. Nó rất thân thiết với tôi, nhiều kỷ niệm với tôi, nhất là những kỷ niệm đầu đời. Bởi mảnh đất Rạch Dừa-Vũng Tàu, là nơi tôi đến làm việc chỉ mấy tháng sau tôi rời xa quê nhà. Vì thế, tôi cũng không thể quên cái mùa hè năm 1954, trước lúc tôi rời xa nhà, xa đất Bắc để vào Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, tôi đã về quê thăm cha mẹ và mọi người thân yêu khác. Tôi không ngờ đó là cái mùa hè cuối cùng của tuổi học trò của tôi, là lần cuối cùng tôi gặp mẹ, rồi không bao giờ gặp người nữa.
Vậy dưới đây là những hoài niệm đó. Những hoài niệm này tôi đã viết trong bút ký: “An Mỹ-Quê tôi một tuần trong đời”, sau ngày tôi về thăm nhà lần thứ hai năm 1997, chưa công bố, ngoại trừ sao chép lại ít bản tặng người nhà và bạn hữu dăm ba người, ngày đó Internet chưa phổ biến rộng tại Việt Nam.
Tôi chưa hề quên mùa hè năm 1954, cái mùa hè cuối cùng của tuổi học trò của tôi ở quê nhà, có đủ cha mẹ, anh chị. Tuy nhiên, lần về nghỉ hè này, tôi đã gặp hai điều bất thường mà tôi mới thấy lần đầu. Hồi đó, chưa có con đường từ Ngã Ba Nguộn (nay là Phố Nguộn, kể từ sau ngày sáp nhập thành phố Hà Nội) về thẳng làng tôi như bây giờ, mà phải đi qua hai làng là Tạ Xá và Văn Hội. Lần này, lúc tôi đi qua một cổng nhà ở Văn Hội thì nghe có tiếng người gọi đúng tên tục cha mẹ đặt cho tôi:
“Chú Tùy đi học về đấy à ?”
Tôi quay đầu lại, mới biết là một thanh niên đang đứng ở cổng, nhìn tôi cười. Tôi không nhận ra anh ta là ai, sao ở làng trên này mà lại biết tôi? Hay anh là người cùng quê với tôi, lấy vợ người làng Văn Hội này? Mặc dù không biết rõ người gọi mình là ai, tôi vẫn mỉm cười chào lại anh.
Điều bất thường thứ hai là ngay khi tôi bước chân vào đến sân nhà mình, thì người đầu tiên tôi gặp là mẹ tôi, lúc ấy đang phơi thóc ở ngoài sân. Nghe tiếng tôi chào, mẹ quay nhìn tôi mà nói như giận:
“Về làm gì, cha đã đi rồi, nhiều người cũng đã đi rồi.”
Nghe mẹ nói thế, thật tình lúc ấy tôi chưa hiểu lời người nói. Tôi vội đi vào nhà, đặt cái va-li nhỏ đựng mấy bộ quần áo xuống mặt phản, rồi đi qua nhà người chị ở bên cạnh, ngõ phía trước. Tôi vừa bước chân lên hiên nhà người chị, thì mẹ tôi cũng vừa vào đến sân. Chị tôi lúc đó đang lúi húi ở dưới bếp, thấy có mẹ và tôi về thì vội bỏ lên nhà. Lúc này, mẹ tôi dịu giọng nói với tôi:
“Lúc nẫy thấy con về, mẹ mừng nhưng đang ở ngoài nắng, có mắng con mấy câu, con đừng giận mẹ. Có nhớ mẹ thì ở nhà mấy hôm thôi rồi lên với anh con ngay. Trong nhà xứ không còn ai nữa đâu. Làng người ta cũng đi nhiều lắm rồi”.
Thấy mẹ và chị nói chuyện về người này người kia ở làng đã lên cả ở Hà Nội hay xuống Hải Phòng, mà như không muốn cho tôi nghe, tôi xin phép về bên nhà thày mẹ tôi, rồi thay quần áo lên phản nằm nghỉ. Tôi đang thiêm thiếp ngủ thì nghe tiếng của mẹ nói:
“Bỏ lên bếp cho nó một bát cháo đậu xanh, lúc nào dậy nó ăn. Ở nhà này chỉ có mình nó là thương mẹ. Phải để nó đi thôi”.
Sau đó là yên lặng. Cái yên lặng của buổi trưa mùa hè ở nhà quê miền Bắc. Nhưng như bây giờ tôi mới hiểu, đó là cái yên lặng sau một quyết định về cuộc đời sau đó của tôi. Cũng chỉ bây giờ tôi mới hiểu những ánh mắt, những cái nhìn của hai người chị, nhìn tôi, khác thường nhưng trìu mến lắm, thương lắm. Chắc là cha mẹ tôi đã nói về việc tôi sắp đi xa.Tôi đã ngủ được một giấc, trở dậy thấy dễ chịu hơn. Tôi lấy nước rửa mặt. Nước trong bể lớn có mui vòng là nước mưa, còn nước ở bể con bên cạnh là nước gánh ở giếng ngoài làng về. Cả hai bể nước nói chung đều rất trong lành, nhưng tôi lấy nước ở bể lớn. Tôi vục cả mặt vào thau nước. Nước mát làm cho tôi thấy lòng nhẹ nhàng, như tan hết những bụi bặm trên đường đi bộ từ Ngã Ba Nguộn về đến nhà. Nhưng lời mẹ tôi nói lúc tôi vừa bước vào sân nhà là cha xứ đã đi rồi, lúc nầy tôi vẫn muốn vào nhà thờ và nhà xứ. Nghĩ thế, tôi liền mặc quần áo rồi đi ngay.
Khi tôi tới cái ngõ trước cửa nhà thờ, tôi thấy có một người đàn ông, đang đi theo sau tôi, cách xa vài chục mét. Tôi không thể phân biệt được người này có phải là người làng tôi hay người ở nơi khác đến, vì tôi vào ở hẳn trong Nhà Chung, từ năm 12 tuổi, nên không biết nhiều người ở ngoài làng. Lúc tôi đi tới bên hông nhà thờ, trước cửa nhà xứ, thì người đàn ông ấy cũng vào tới sân nhà thờ và đi về phía tôi. Tự dưng tôi bỏ ý định vào nhà xứ, chỉ dừng lại mấy phút trước cổng, vì biết rằng trong đó, nơi tôi đã sống chung với thầy giáo Yêm, anh Căn, anh Thiện, Nhân và Dánh cùng một vài anh em vào nhà xứ sau tôi, trong đó có anh Tùy, anh Giảng, anh Cánh và chú Thường…, nay người thì về nhà, người đi xa, không còn ai ở trong nhà xứ nữa, một khi không có linh mục, ngay đến hai ông bô giúp cha xứ việc cơm nước, nay cũng về với gia đình mình. Tôi thấy nao nao trong đầu, đưa mắt nhìn bâng khuâng vào bên trong, nhớ nhung, bồn chồn. Đôi chân như nặng nề hơn lúc ở nhà bước đi. Lúc ấy, sao mà như có lửa đốt trong lòng, chỉ mong vào ngay nhà xứ thôi. Tôi đi về phía cửa lên nhà mặc áo của các cha, các lễ sinh, ngồi xuống bậc thềm, bên cạnh là cây đại (hoa sứ), sắc hoa mầu trắng. Mấy cánh hoa rụng xuống trước mặt, tôi cầm lên một cánh, đưa lên mũi ngửi. Mùi hoa của cây đại được kể là đã có tuổi thọ, tỏa hương thơm dịu, tôi lại càng thấy nhớ về những năm tôi ở trong nhà xứ, rồi được cha xứ gửi đi trường Hoàng Nguyên, là ngôi trường đầu tiên tôi đi học xa nhà, ngoài trường làng. Người đàn ông tiếp tục đi về phía tôi. Khi đi ngang qua chỗ tôi ngồi, ông đưa mắt dò xét nhìn tôi. Lúc đó, tôi chỉ là một cậu học trò nhỏ, tính rụt rè, chẳng nghĩ suy gì về sự kiện sao người đàn ông này lại cứ theo tôi từ nẫy đến giờ? Ông ta ở đâu đến đây? Hay sau này tôi mới nghe nói, làng tôi cũng có những cán bộ theo VM từ trước, họ đã gieo rất nhiều đau thương cho người trong làng hoạt động tôn giáo, phục vụ nhà thờ, nhà xứ như thân phụ tôi. Khoảng năm 1995, tôi đem câu chuyện hè năm 1954 trở về quê, kể cho hai người bạn văn chương nghe, (Văn Thế Bảo và Ngứa Nhĩ Trần Nguyên Ánh) lúc chúng tôi ngồi uống cà phê với nhau, bấy giờ tôi mới hiểu hành tung của người đàn ông đi theo mình. Các bạn tôi đều cho rằng số tôi gặp may, còn được trở lại Hà Nội để có ngày hôm nay, gặp nhau tại đây. Còn như ở vùng các anh, Vĩnh Phú…, thời gian đó mà ở Hà Nội về là khó ra đi được nữa, mặc dù cũng chỉ là học trò về thăm nhà cả thôi. Một trong hai người bạn tôi, nói rằng cũng vì nhớ mẹ, nhớ nhà trở về mà thân chỉ chậm một chút là bị kẹt ở lại. Nghe bạn nói, tôi mới hiểu ra tại sao lúc thấy tôi về, mẹ tôi, dẫu mừng và thương tôi, cũng không cầm chế được một chút giận dỗi, đã mắng tôi “về làm gì”!
Tôi không sao ngờ được, đó lại là cái mùa hè cuối cùng trong đời học trò của tôi được trở về quê mấy ngày ngắn ngủi bên cha mẹ và anh chị.
Tôi nghỉ ở nhà mấy ngày rồi trở lên Hà Nội. Lúc này, ở Hà Nội và trong Hà Đông, người ta xôn xao về việc vào Nam. Trên nhiều con đường trong thành phố bày ra một hiện tượng khác thường là các khu “chợ trời”, bán đủ mọi thứ, như bàn, tủ, giường, ghế, bát đĩa, đồ sành đồ sứ và các loại hàng thủy tinh v.v…, toàn những thứ đắt tiền. Tình thế khó ở, Hội nghị Genève đang tới hồi chung cuộc, kết thúc cuộc chiến Việt-Pháp. Dư luận bàn tán về việc đất nước chia hai. Báo chí và nhất là Đài phát thanh trong nước cho truyền đi liên tục ngày đêm bản nhạc “Nhà Việt Nam”, trong đó có lời:
“Ai ơi đừng phân chia Nam-Bắc-Trung…”
Khi ấy, anh tôi đang ở trong Hà Đông, chạy đi chạy lại giữa Hà Đông và Hà Nội như con thoi. Một hôm, anh mang chiếc xe đạp nhôm nữ, mầu trắng, hai bánh có gắn lưới, tháo rời ra từng bộ phận, bỏ tất cả vào thùng gỗ, đóng đinh lại cẩn thận. Bên ngoài dán một tờ giấy, viết tên anh, còn địa chỉ gửi đến là Redemptoris (DCCT) số nhà và tên đường trong Sài-Gòn. Như vậy là anh em tôi chuẩn bị ra đi, anh bảo tôi thế.
Chiếc xe đạp này cũng có một lịch sử của nó. Đến bây giờ tôi già rồi mà vẫn nhớ nó. Để tôi kể vài lời, như chiếc xe này là một vật kỷ niệm đầu tiên trong đời tôi ở tuổi học trò. Đó là một hôm, tôi đi từ Nhà chung Hà Nội xuống Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà Ấp, dọc đường có một cô gái đi xe đạp cùng chiều, quay sang hỏi tôi:
-Chiếc xe này mua bao nhiêu ?
Tôi nhớ lời anh tôi nói, mua nó ở tiệm Vĩnh Lợi đường Phủ Doãn. Chủ tiệm này là ông Mai Văn Hàm, theo anh tôi, ông là thân nhân của Linh mục Gioan Baotixita Trần Đình Cung. (hay Trần Trọng Cung, theo danh sách các linh mục địa phận Hà Nội từ 1835 đến năm 2009), ngài là nghĩa phụ của anh, lúc đó đang ở Sở Kiện, sau khi làm Chính xứ Kẻ Lường, quê tôi. Giá chiếc xe là 2.000 đồng (Đông Dương), gần một năm tiền trọ học của tôi ở Hà Đông, nhưng ông Mai Văn Hàm đã bớt cho anh 200 đồng.
Đó là lần cuối cùng, cái mùa hè cuối cùng của năm ấy, tôi còn trọn cái hình hài học trò với chiếc xe đạp của con gái. Tôi không thể quên giai đoạn này. Tôi viết mấy lời về chiếc xe đạp, khi ra đi cũng mang theo nó vào Sài Gòn, để cám ơn anh tôi, người đã đưa tôi vào Sài Gòn.
Một hôm thân phụ chúng tôi lên Hà Nội muốn mang tôi về quê, song anh tôi xin với người để cho tôi đi vào Nam với anh, “để chú ấy còn học…”, cha tôi không ép.
Ngày 02.8.1954, chúng tôi lên máy bay ở phi trường Gia Lâm vào Sài Gòn, xuất phát từ Dòng Chúa Cứu Thế, Hà Nội. Chúng tôi đi cùng với cộng đoàn nhỏ trong Hà Đông của cha Matthêu Trần Trinh Khiết, chính xứ Hà Đông lúc bấy giờ, anh tôi thuộc cộng đoàn này. Người chị lớn của chúng tôi có mặt tiễn anh em tôi đi. Khi mọi người đã lên hết trên xe cam nhông để ra phi trường, chị tôi còn mua cho tôi một bát chè đậu đen. Xe chuyển bánh. Anh tôi vẫy tay chào chị, nước mắt trào ra. Hầu như mọi người trên xe cũng thế, ai cũng có người đưa tiễn. Trong tình cảnh đó, ai biết ra sao, người ở lại hay kẻ ra đi thương đau nhiều hơn.
Chiếc Dakota chở đoàn chúng tôi cất cánh từ phi trường Gia Lâm vào 2 giờ chiều trong ngày 02.8.1954 đó và đáp xuông phi trường Tân Sơn Nhất sau hơn 3 giờ bay, giờ còn rất sớm, để chúng tôi còn thời gian nhận phòng tạm trú. Đó là Trường Tiểu học Minh Mạng, nay là trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Ngôn ngữ miền Nam đầu tiên tôi đọc và nghe được là chữ “vô”, viết trên một miếng giấy dán trên cửa ra vào một văn phòng nhà trường. Đó là chữ “Cấm Vô”. Lần thứ hai là khi anh em chúng tôi đi lễ sớm tại nhà thờ Ngã Sáu, cách nơi tạm trú không bao xa. Đường xá Sài Gòn ngày đó rất ít xe cộ lưu thông, nhất lại là sáng sớm, nên chúng tôi đi bộ dưới mặt đường, thay vì đi trên vỉa hè, nhưng chúng tôi vẫn đi sát lề đường, tuy vậy vẫn làm một bác đạp xích lô khó chịu, ông quát lớn tiếng “xích dzô” khi đạp xe đi qua chúng tôi.
Hơn một tuần lễ sau, đoàn chúng tôi gia nhập Lực Lượng Thanh Niên Tự Do. Nếu tôi không lầm thì tổ chức này do ông Lê Khải Trạch đứng đầu và có nhiệm vụ đi đón đồng bào miền Bắc di cư vào đổ xuống ở các bến tàu hay phi trường rồi dẫn đồng bào về trại tạm trú. Công việc của họ sau đó là lập danh sách từng gia đình để phát thực phẩm và tiền mỗi ngày. Công việc này rất phức tạp vì có nhiều người đi và đến thường xuyên. Lý do là người cùng một nhà hay cùng một làng ra đi không cùng một chuyến tàu vào Nam, nên một lúc nào đó những người này đã đến được bến bờ và biết trại tạm cư nào có người thân của mình, thì họ xin chuyển về đó để được đoàn tụ, để sau này khi chấm dứt việc di cư trên toàn quốc theo hiệp định Genève, đi định cư ở đâu thì cũng có nhau. Cũng có trại tạm cư trở thành trại định cư, như trại Rạch Dừa, nơi chúng tôi công tác.
Đi tìm cộng đoàn đầu tiên của mình để cộng sinh, đó là đặc tính của xã hội nông nghiệp.
Trước ngày lên đường nhận công tác, anh trưởng đoàn của chúng tôi là Du, đã nói với chúng tôi vài lời nhắn nhủ mà cũng rất tâm tình. Anh bảo rằng từ nay trở đi, chúng ta bước vào một khúc quanh mới, một đoạn đời mới. Điều quan trọng nhất là giữ vững niềm tin, hiệp nhất với nhau trong tình anh em như chúng ta vẫn thế từ trước tới giờ. Hãy cầu nguyện hằng ngày cho nhau.
Đúng ra tôi không thuộc cộng đoàn tu trì này. Sự liên hệ giữa cộng đoàn này và tôi, là do anh tôi ở trong cộng đoàn, nên anh tôi bảo sao hay cộng đoàn quyết định điều gì thì tôi cũng phải theo. Trong cộng đoàn chỉ có anh Du là người duy nhất đã theo đuổi con đường tu trì đạo hạnh mà anh đã đi từ ngày còn ở Hà Đông. Sau ngày chấm dứt công cuộc di cư, trại tạm cư Rạch Dừa trở thành trại định cư, đoàn công tác cũng chấm dứt nhiệm vụ, giải thể hoàn toàn, cộng đoàn tu trì cũng giải tán. Anh tôi ở lại trại, dạy học rồi cưới vợ tại đây. Còn anh Du gia nhập địa phận Cần Thơ. Kết quả là ngày 29.4.1967, anh thụ phong Linh mục. Lúc này, anh có tên gọi mới là Trần Đức Duy. Hơn 40 năm sau, kể từ ngày tôi rời xa anh và cộng đoàn ở Rạch Dừa về Sài Gòn học, thì ngày 17.03.1998, cha Duy của chúng tôi đột ngột đến thăm gia đình tôi ở giáo xứ NH, Tân Bình. Vợ chồng tôi xúc động đến khóc được. Tôi ngỏ lời xin cha làm phép bàn thờ và căn nhà chúng tôi mới mua được 4 năm. Ngài mở túi lấy sách ra làm ngay.
Xin trở lại việc chúng tôi ra Rạch Dừa, Vũng Tàu. Ngày lên đường, mỗi người trong chúng tôi lên một xe chuyên chở lớn của Mỹ, những xe này dùng để đi ra bến tàu chở người di cư về trại tạm cư mỗi khi có tàu từ Bắc vào cập bến. Vì cộng đoàn chúng tôi nhỏ, trên dưới mười người, nên không đủ người phục vụ một trại tạm cư như trại Rạch Dừa có khoảng 60 cái bạt của Mỹ, mỗi cái chứa từ 15 đến 20 người, nên được tăng cường thêm 4,5 người nữa, toàn là thanh niên. Dù là người ngoài cộng đoàn, ngày đó chúng tôi đều hợp nhất, sống chung, sinh hoạt chung.
Ngày chúng tôi lên xe ra Vũng Tàu, thì trại tạm cư Rạch Dừa chưa dựng bạt vì chưa có đồng bào di cư. Chúng tôi ra trước mấy tuần lễ để chuẩn bị mọi thứ, phối hợp với tòa hành chánh địa phương…Thời gian này, chúng tôi ở khách sạn bên hông chợ Vũng Tàu, ngày đó còn có tên là Cap Saint-Jacques, rất gần với bãi tắm trước, nên tôi thường ra tắm hoặc thơ thẩn trên bãi, có ngày thì ra Bến Đình, con đường sạch sẽ, nhiều cây cối, mát mẻ.
Rồi cũng đến một ngày, đoàn chúng tôi phải từ giã khách sạn, từ giã cái chợ trước mặt, bãi tắm và con đường ra Bến Đình, để trở về Rạch Dừa, bắt tay vào công việc đón tiếp đồng bào. Nơi ở của chúng tôi ngày đó là căn nhà bằng gỗ, khá rộng, thuộc làng Thắng Nhứt.
Ngoài công việc về sổ sách, ghi nhân khẩu hàng ngày, theo đó mà phát ra cho từng gia đình, căn cứ trên sổ sách và thực tế, nghĩa là người tị nạn phải có mặt, có đại diện chính quyền sở tại giám sát. Có đêm chúng tôi phải đi “canh trộm” bên ngoài một lều trại nào đó khi có tin báo là có mất trộm. Còn ban ngày thì có một cảnh sát địa phương về trại trực suốt ngày. Nhưng thời gian tôi làm việc ở đó, không có trường hợp nào cần đến cảnh sát can thiệp.
Tôi làm việc ở trại Rạch Dừa có mấy tháng thì nghỉ, vì anh tôi muốn thực hiện lời đã thưa với cha, là để cho anh mang tôi theo vào Nam để tôi còn học. Mặc dù đây là mục đích chính, song mãi về sau tôi mới hiểu còn một lý do khác mà tôi phải nghỉ việc sớm ở trại Rạch Dừa, đó là có một gia đình trong trại do tôi phụ trách, muốn gả con gái cho tôi. Bà mẹ cô gái đã có lần vừa cười vừa nói với tôi rằng, người ta hỏi “nó” có chồng chưa, bà bảo chồng nó đang làm việc trên phòng hành chính (bà ám chỉ tôi). Anh tôi vì muốn giữ thanh danh cho cộng đoàn chúng tôi và cũng chưa muốn tôi có vợ sớm. Lúc đó tôi mới 19 tuổi, cũng chưa hề để ý chuyện trai gái yêu đương.
Trước khi tôi từ giã trại về Sài Gòn học, tôi có vào văn phòng trại để chào người đại diện Chính quyền sở tại. Ông nói vài lời cám ơn tôi về thời gian tôi công tác ở trại, tuy không lâu, nhưng ông nói rằng, tôi dù còn nhỏ, song đã không mắc sai lầm nào, tác phong làm việc nghiêm túc.
Ngày 9.03.2022