T
hông
trở mình liếc mắt nhìn đồng hồ. Anh thầm nghĩ : may
không bị gọi cho tới giờ này, nhưng chẳng chợp mắt
được phút nào, cũng như không … Thông nhận trực vài
lần mỗi tháng cho nhà thương đại học vùng anh ở. Mặc
dù công việc ở phòng mạch tư có phần bề bộn, anh vẫn
thích những phiên trực này. Y Khoa khẩn cấp có cái lôi
cuốn đặc biệt của nó. Hành nghề trong bệnh viện cũng
là dịp để gặp gỡ đồng nghiệp, để cùng làm việc
với một nhóm người đến từ mọi chân trời, khác với
sự đơn lẻ của một bác sĩ trong phòng mạch tư.
Có
những đêm trực chạy không kịp thở, nhưng cũng có
những đêm nhàn hạ, chẳng có gì làm, đến ngủ rồi về
… Đêm nay có vẻ nhàn. Tự nhiên, đêm giao thừa mà. Bọn
Tây nó cũng phải nể nang những truyền thống cao quý của
các ông nội Việt Nam của chúng nó chứ ! Thật ra, trưa
hôm qua, khi xách túi vào trực, Thông đã quên biến mất
đêm nay là đêm giao thừa, và sáng ngày mai, ánh sáng của
một năm mới sẽ đến với anh giữa mùi ê te của khu
khẩn cấp. Tối hôm ấy, giữa bữa ăn, cô phát ngôn viên
anh thích nhất của đài truyền hình số một đã nhắc
anh về cái ngày Tết đang lò mò đến, qua một phóng sự
về năm mới … « Xi noa », với múa lân, ăn nhậu cúng
keng, v.v… Bạn bè cùng trực chộp ngay lấy cơ hội, khui
thêm chai rượu, mừng « tân niên », trong khi chờ đợi
năm mới Lào, năm mới Do Thái, và năm mới … Ả Rập
!
Bữa cơm tối hôm ấy là một bữa cơm Ả Rập. Cô
bé người Syrie, bác sĩ Nhi Khoa, làm việc cho một nhà
thương cách đây hơn 100 cây số, trổ tài làm bếp. Cô
nàng có đôi mắt thật to, thăm thẳm một màu xanh biếc,
tô điểm cho một vẻ đẹp xa lạ, có lẽ không bằng
nàng phát ngôn viên đài một, nhưng … hiện thực hơn !
Không chừng vì sự kiện năm mới « Trung Hoa », mà cô ta
đến ngồi bên Thông suốt bữa ăn ? Nhiều lần ánh mắt
của cô quấn quyện lấy tia nhìn của Thông. Hàm răng
trắng ngà và đều đặn e ấp sau đôi môi đỏ mọng của
nàng thường xuyên ban cho Thông những nụ cười mát rượi.
Cô hỏi han đủ chuyện, thời sự, lịch sử, văn hóa,
văn chương, thêm chút tra vấn về đời tư của Thông. Cô
ta có vẻ tò mò về Đông Á, và khoe có đi học Việt Võ
Đạo với Thái Cực Quyền ! Nghe bạn bè bảo Thông cũng
biết võ nghệ, « Xi Noa » thằng nào chẳng biết võ, cô
nàng bắt anh « biểu diễn ». Thông từ chối, cho rằng
lố lăng, rởm, không phải chỗ. Thật ra sau vài buổi
nhậu ngà say, anh đã có lần phô trương những màn như
đấm tắt nến, chặt vỡ gạch, hay nhảy đá một mục
tiêu trên cao, với đám đồng nghiệp, khi cô bé còn chưa
gia nhập nhóm…
Rồi đêm cũng thành khuya. Đám nhân
viên trực, bác sĩ, y tá, tài xế xe cấp cứu, dần dần
bỏ đi ngủ. Khi chỉ còn hai người ngồi sánh vai nhau,
anh bảo :
- Mấy cái chuyện võ nghệ ấy chỉ là những
màn tiểu xảo của bọn vũ phu lỗ mãng. Với một người
như cô tôi thích nói chuyện văn chương thi phú hơn.
Thông buồn cười câu nói « văn nghệ cà chớn» của
mình. Trình độ cán ngố tán nữ du kích ! Anh vội thêm
:
- Nhưng sự thực là tôi muốn nghe nói về cô và quê
hương của cô…
Câu thòng theo vẫn còn « quê » không
kém, nhưng có vẻ psychologically correct hơn. Các quan đốc
Tâm Lý Học vẫn bảo ai cũng thích nói về mình mà !
Cô
bé trả lời :
- Quê hương thì bao giờ chẳng đẹp.
Nhưng chúng ta đều là những người có vấn đề với
quê hương của chúng ta. Có phải vậy không ?
Thông
ngạc nhiên :
- Bộ cô không có ý định trở về Syrie
hành nghề hay sao ?
Cô bé lộ vẻ trầm tư :
- Có
nhiều khó khăn lắm anh ạ. Có lẽ vài năm nữa, xong cái
chứng chỉ tu nghiệp, tôi sẽ tìm việc làm ở một nước
Ả Rập như Arabie Saoudite hay Emirats …
Thông hỏi :
-
Thế còn ở lại Pháp ?
Cô bé mỉm cười :
- Cũng
có những khó khăn. Ở đây họ đâu cần mình. Bác sĩ
ngoại quốc lương rẻ, không thăng tiến, trường hợp
của anh có quốc tịch Pháp nên đỡ hơn nhiều.
Rồi
nàng liếc nhìn Thông, nói qua hơi thở :
- Với lại, ở
đây, chồng em không có việc làm …
Thông vờ không
nghe thấy, nói lảng :
- Tên cô có nghĩa là ánh sáng
phải không ?
- Không phải đâu anh. Ánh sáng là Noor.
Như bà Hoàng Hậu Noor của xứ Jordanie đó, anh biết không
?
- Biết chứ.
- Bà ấy ban đầu có tên khác, đến
khi lấy Vua Hussein, mới được nhà Vua đặt cho cái tên
là Noor al Hussein
- Nghĩa là : « ánh sáng của Hussein »
?
Cô bé nheo mắt :
- Lãng mạn quá, phải không anh
?
Ánh mắt của cô nàng như thu nhỏ lại, tập trung
thành một tia điện quang, xuyên thủng tim Thông, chẳng
khác nào thanh kiếm laser của các chàng hiệp sĩ Jedi …
Thông lấy lại hơi thở, vừa kiểm điểm xem tim mình
còn đập hay không, vừa trả lời vu vơ :
- Ừ thì bà
ấy đẹp như vậy …
Như nhận thấy cái lẩn thẩn
của câu trả lời của mình, anh vội lấp liếm :
-
Đúng ! « Noor » là ánh sáng, mà tôi quên mất. Tôi có
được nghe nói về một đoạn của Kinh Coran có tên là «
Noor al noor » : ánh sáng của ánh sáng …
- Anh biết
Kinh Coran ?
Thông xạo :
- Thuộc lòng !
- Thế Ánh
Sáng của ánh sáng là cái gì ?
- Là Ánh Sáng của Thiên
Chúa chiếu soi ánh sáng của trí tuệ con người.
Nàng
có vẻ không hiểu.
Thông nghĩ bụng : đám Hồi Giáo
này cũng chẳng khác gì đại đa số người Phật Giáo
hay Công Giáo nhà mình, chỉ xì xụp cúng lạy, với chút
giáo lý « đồng ấu » học thuộc lòng, ngoài ra chẳng
biết gì sốt cả … Ngay đến Sư hay Cha, đa phần chỉ
là thày cúng ! Ý tưởng hơi kiêu ngạo của anh khiến anh
lấy lại được sự bình tĩnh. Tự cao là gì, nếu chẳng
phải thái độ của kẻ thiếu tự tin, muốn trấn an
chính mình ?
Thông nói :
- Đoạn Coran ấy nói về
tương quan giữa trí tuệ của chúng ta, và sự soi sáng
của Thiên Chúa. Giả sử chúng ta có một tư tưởng, thì
đâu là phần chúng ta tự lực nghĩ ra, đâu là phần
Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta để chúng ta có được tư
tưởng ấy ?
Cô bé nhìn Thông với vẻ ngạc nhiên :
-
Trả lời ?
- Không nhớ rõ kinh Coran giải quyết vấn
nạn này như thế nào, nhưng nếu có gì có được ngoài
sự can thiệp của Thiên Chúa, thì có phải là mâu thuẫn
với định nghĩa của Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra
tất cả hay không ?
Cô bé lại nheo mắt :
- Thế lúc
này, trong giây phút hiện tại, anh đang nghĩ gì ? Có phải
do ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi hay không ?
Thông
đánh bạo nhìn sâu vào mắt nàng :
- Tôi không muốn
xúc phạm đến Kinh Coran, nhưng điều tôi đang nghĩ trong
giây phút này, có lẽ không nên để Thiên Chúa can dự
vào …
Đến lượt cô nàng mắc cở : một vầng đỏ
hiện lên trên đôi má nàng. Thông nhận thấy da nàng quá
trắng đối với một người Trung Đông. Anh thầm nghĩ :
đức Mẹ không chừng cũng có làn da này, như những hình
tượng của người Tây Phương ? Điều này bất giác đi
ngược lại với niềm tin của Thông xưa nay, là Đức Mẹ
chắc chắn phải có da sậm màu, với mái tóc đen và
quăn, như đàn bà dòng giống Sémite, chứ không thể tóc
vàng mắt xanh như người ta hay tưởng tượng, và Đức
Ky Tô chắc chắn có phần giống đồng hương Yasser Arafat
hơn là … Robert Redford !
Im lặng hiện lên giữa hai
người. Bao lời nói nuốt vào con tim, bao hồi hộp, bứt
rứt, những tia nhìn không dám hướng sang đối tượng mà
chỉ lặng lẽ quay trở về tâm khảm chính mình. Những
giây phút trôi qua tưởng chừng như vô tận. Rốt cuộc
cô bé phá tan bức màn im lặng. Nàng nói :
- Anh tìm
hiểu Kinh Coran làm gì ? Ở nước này anh phải tìm hiểu
Thánh Kinh chứ. Thế anh có đọc Thánh Kinh không ?
Thông
vừa kịp hoàn hồn, liền xạo tiếp :
- Cũng thuộc
lòng. Đọc xuôi và đọc ngược !
Nàng cười khanh
khách :
- Anh xạo quá ! Thuộc lòng cả Kinh Coran lẫn
Thánh Kinh !
Thông trợn mắt :
Tôi đọc cho cô nghe cả
hai Kinh cùng một lúc !
- Như Marcel Dadi đàn Yankee Doodle
với Dixie ?
- Đúng dzậy !
Thông ngạc nhiên nhận
thấy cô nàng biết món tủ của mấy chú mới học đàn,
hay bắt chước Marcel Dadi chơi cùng một lượt hai bài
tiêu biểu của miền Nam và miền Bắc trong cuộc nội
chiến Hoa Kỳ, một bài ở ba dây cao, bài kia trên ba giây
trầm.
Cô bé nhích lại gần Thông, nhỏ nhẹ :
- Thôi
anh khỏi cần đọc thuộc lòng hai Kinh một lúc, anh chỉ
cần cho em biết hai Kinh ấy khác nhau ở chỗ nào mà đến
nỗi người ta phải đánh giết nhau suốt thế kỷ này
sang thế kỷ khác, qua bao cuộc Thánh Chiến ?
Thông cười
thầm :
- Triết lý ba xu đây. Chúng nó oánh nhau sặc
gạch là vì lợi lộc chứ có kể số gì tới Chúa với
Bà, Kinh này với Kinh nọ ?
Nghĩ thế, nhưng anh lại bảo
:
- Này nhé : ngay từ đoạn đầu của Thánh Kinh, có
nói Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất vạn vật trong
sáu ngày, đến ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ mệt. Kinh
Coran chống lại đoạn đó, cho rằng vô lý, vì Thiên Chúa
đâu có mệt mà phải nghỉ ? Nếu Chúa mệt, thì hóa ra
năng lực của Ngài có giới hạn, trái với định nghĩa
của một Đấng Toàn Năng. Còn nếu năng lực của Ngài
vô biên, thì Ngài không thể mệt, và không có lý do gì
phải nghỉ mệt trong ngày thứ bảy !
Nàng tỏ vẻ
thích thú :
- Hay quá ! Còn đoạn nào nữa ?
Thông lục
tìm những ký ức xa xưa, lát sau mới trả lời :
- Đoạn
nói về Job !
Như có linh cảm điều gì, cô bé trợn
mắt :
- Ông Job, Ayub, là Thánh của Đạo Hồi đấy.
Anh không được nói bậy đó nghe !
Thông xua tay :
-
Job là bậc anh hùng, đâu có gì để nói bậy về ông ta
?
- Ông Job là người không bao giờ phạm một tội lỗi
nào, dù nhỏ cách mấy chăng nữa, tức là bậc cực kỳ
thánh thiện, chứ đâu thấy ông ta anh hùng ở chỗ nào
?
- Này nhé, Job là người đầu tiên dám thẳng thắn
đương đầu với Thiên Chúa, vạch trần khía cạnh độc
ác nhỏ mọn và xấu xa của Thiên Chúa, để rốt cuộc
khuất phục được Thiên Chúa, như vậy không phải anh
hùng thì là gì ? Đến nỗi sau lời nói cuối cùng của
Job, Thiên Chúa cấm khẩu nín thinh, không còn nói gì nữa
cho đến cuối bộ Thánh Kinh Do Thái.
Cô nàng lắc đầu
nguây nguẩy :
- Anh thật ghê quá ! Em bảo anh đừng nói
xấu Thánh Job của người Hồi Giáo, anh lại quay sang nói
bậy về Thiên Chúa !
Thông phân trần :
- Thì Chúa
nghe lời Ác Quỷ hành hạ Job, giết hết các con của ông
ta, tàn phá sự nghiệp của ông, rồi bắt ông phải bị
bệnh tật ghẻ lở một cách kinh tởm, sống trần truồng
trong chỗ rác rưởi, trong khi vẫn công nhận Job là người
chưa từng phạm tội, như thế không phải là ác độc
thì là gì. Job nhất quyết đòi Chúa phải tự biện minh
cho hành vi tàn ác đó. Thay vì đưa ra một lý lẽ mà đạo
đức có thể chấp nhận được, Chúa chỉ huênh hoang
khoe khoang những quyền uy của mình, thế thì có phải cái
lý duy nhất mà Chúa đưa ra chỉ là cái lý của kẻ mạnh,
đè bẹp con người yếu đuối, nhưng thánh thiện, là
Job, hay không ?
Cô bé nói :
- Nhưng sau đó Chúa cho
lại Job những gì ông mất, tiền bạc sự nghiệp, con cái
… tất cả Job đều được hoàn lại gấp đôi.
Thông
tiếp :
- Tại sao lại hoàn trả gấp đôi ? Đó là mặc
cảm tội lỗi, là sự ân hận của Thiên Chúa. Cũng như
trong vụ Đại Hồng Thủy, tiêu diệt hết loài người,
trừ gia đình Noah, sau đó lại ân hận, vẽ ra cầu vòng
để thề hứa sẽ không làm như vậy nữa. Vả lại các
con cái và gia nhân của Job bị Chúa giết, đâu có được
sống lại ? Đối với những người đó, đâu là công lý
?
Cô nàng nhăn mặt :
- Thôi, thôi, anh đừng nói bậy
nữa. Anh mà không sám hối, đời sau sẽ bị liệng xuống
Hỏa Ngục đấy ! Mà này, anh có biết khi xuống Hỏa Ngục
anh sẽ ở tầng thứ mấy không ?
- Không.
- Anh là
người Ky Tô Giáo hé : xuống tầng thứ ba ! Tất cả
người Ky Tô Giáo khi chết đều xuống tầng thứ ba của
Hỏa Ngục, tên là tầng Hutama. Nhưng mà anh có thực Ky Tô
Giáo không, nghe anh nói chuyện, em nghi quá !
- Thì là
người Ky Tô Giáo … kiểu mới !
- Nếu vậy anh thuộc
thành phần tà đạo : xuống tầng Sagar, là tầng thứ năm
!
- Tôi thấy cô càng lúc càng dễ thương với tôi …
Cô
nàng đỏ mặt :
- Tại sao em lại phải dễ thương với
anh ?
Ngừng một lát, nàng thì thào :
- Ai biểu anh
nói bậy nói bạ …
- Thôi, tôi không nói gì nữa, tôi
nghe cô nói …
- Em nói gì vói anh bây giờ ?
- Thì,
về cô, về quê hương cô, như hồi nãy cô đã bắt đầu
đó.
Lại một phút im lặng. Một phút thật dài. Thông
quay người để đầu gối của mình chạm vào đầu gối
của cô nàng. Anh nhìn nàng, say đắm. Cô bé cúi mặt.
Thông cũng hạ tầm mắt, ngắm đôi tay thon nhỏ của nàng
đặt trên cặp đùi tròn trịa, đang vân vê vạt áo
blouse còn trắng ngần, như cánh đồng tuyết lúc sớm
mai.
Bất chợt, một giọng nói lầu bầu từ hành lang
vọng lại. Jacob, một tên bác sĩ trực trong nhóm, lêu
ngêu xuất hiện. Giữa làn da đen bóng, hàm răng trắng
nổi bật :
Tao ngủ không được ! Hôm qua làm việc
suốt đêm, rồi ngủ suốt ngày, bây giờ chợp mắt không
nổi. TV có gì coi được không ?
Hắn ngồi phịch xuống
chiếc ghế bành gần đó ...
TV phát ra một điệu nhạc
buồn. Vài người bồng súng, nói tiếng Tây Ban Nha, đi
qua đi lại trước một thi hài được đặt nằm trên một
cái bàn. Người chết tóc dài, bù rối, râu ria khắc khổ
như mang đầy mỏi mệt trước cuộc sống. Khuôn mặt
dường như bằng lòng với sự yên nghỉ, với giấc ngủ
ngàn thu. Requiem aeternam …
« Ernesto Guevara ! Le Docteur
Ernesto Guevara ! » Tiếng Jacob vang lên. « Bác Sĩ năm 25
tuổi, 28 tuổi đè bẹp Castro dưới sự hiểu biết thông
thái của mình, từ triết học Hy Lạp cho đến Kant,
Hegel, rồi Marx và Lénine ! Tụi bay thấy không ? Che Guevara
đấy ! »
Trên màn ảnh, điệu nhạc buồn được thay
thế bắng những nhịp điệu kích động. Những người
bồng súng hiên ngang tiến bước trên màn ảnh. Rồi những
tiếng nổ, bụi đất tung trời, thây người ngã gục,
từng hàng xác chết, những khuôn mặt mếu máo …
Mắt
Jacob ướt đẫm. Nó nhìn màn ảnh, nhưng có vẻ chỉ còn
thấy thi hài của Che, bất chấp những hình ảnh khác.
Giọng hắn nghẹn lại : «Nhìn coi chúng nó đối xử như
vậy với một vị anh hùng của nhân loại». Jacob học Y
Khoa ở Cuba. Có lẽ quê hương cậu ta bên Phi Châu có
những liên hệ « nghĩa vụ quốc tế » mật thiết với
Cuba. Gia đình hắn rất nghèo, ông thân sinh lại hai vợ,
vợ nào cũng đầy con. Tương lai hắn đúng ra đen tối.
Thế mà một ngày kia, hắn ngồi giữa nước Pháp, trong
áo blouse trắng của một bác sĩ chuyên khoa. Hắn mang ơn
Cuba. Thần tượng của hắn là Guevara.
Sự giáo dục
của Thông thúc đẩy anh lên tiếng. Rằng cái lý tưởng
cách mạng hoàn toàn xa rời thực tế của Guevara là một
sự tai hại, gieo nhiều tang tóc điêu linh hơn là cứu
giúp nhân quần xã hội. Đó là một tôn giáo cứu rỗi
trong đó Thiên Chúa được thay thế bằng quyền năng tối
thượng của Chủ Thuyết. Và như mọi tôn giáo cứu rỗi,
những giáo sĩ của nó mang nặng giấc mộng độc tôn,
giấc mộng của những người nắm chắc chân lý, với sứ
mạng cứu vớt xã hội, dù cho xã hội có muốn hay không
muốn. Ai có thể cưỡng lại những người dám hy sinh
mạng sống để cứu vớt mình, nếu không phải là kẻ
điên, kẻ ngu, hay là loài quỷ dữ …
Thế nhưng Thông
im lặng. Anh không dám dẫm chân lên cánh đồng tuyết
buổi sớm mai. Sự chân thành của Jacob khiến anh cảm
động.
Thông làu bàu :
- « Che Guevara hành động qua
sớm đối với thời thế… » Và nghĩ bụng : lại một
nhận định ba xu.
Tuy nhiên, Jacob có vẻ đợi Thông nói
tiếp.
Thông buộc lòng phải khai triển :
- Cách mạng
bộc phát là do điều kiện thực tế khách quan, không
phải do ý chí chủ quan, dù cho đó là ý chí của Che
Guevara.
Anh hy vọng Jacob hiểu được câu nói « duy vật
sử quan » này, và quân bình lại phần nào hình ảnh của
cậu ta về Guevara. Nhưng Jacob lại ngơ ngác, như giáo sĩ
thuộc loại thày cúng nghe giảng về thần học. Người y
sĩ Phi Châu nhanh chóng trở về với dòng suy tư của mình,
và tiếp tục nói những gì đã nói…
Điện thoại
reo. Jacob nhanh nhẩu chụp lấy ống nghe. Hắn tự chỉ vào
người mình để cho biết chính hắn bị gọi, rồi cắm
cúi ghi chép những dữ kiện về người bệnh hắn sẽ
phải « hộ tống ». Trách nhiệm của Jacob tối nay là đi
hộ tống bệnh nhân được chuyển từ các nhà thương
nhỏ về nhà thương đại học. Mỗi chuyến đi có thể
mất nhiều giờ, có khi cả đêm. Jacob có vẻ hài lòng
tìm được một công việc để làm, thay vì trằn trọc
suốt đêm, với những suy tư, dằn vặt của một người
y sĩ thành thạo, ngày kia đã lên đường giã từ Phi Châu
nghèo đói, bệnh tật, sang đến Cuba, để rồi mắc cạn
nơi Pháp Quốc trù phú này.
Cô bé với cặp mắt trùng
dương khẽ đặt tay lên vai Thông :
- Có lẽ mình phải
đi ngủ …
Thông gật đầu, đứng dậy, kéo nàng đứng
lên theo. Anh muốn kéo mạnh thêm một chút để nàng ngả
vào lòng anh, để người nàng sát vào người anh, để
đặt trên môi nàng một nụ hôn đắm đuối. Nhưng một
lực đẩy khó hiểu làm Thông lùi lại, duy trì một
khoảng cách giũa hai người. Anh giúp nàng choàng áo khoác
ngoài, và một lần nữa Thông lại ngần ngừ trước ý
muốn giữ chặt hai vai nàng trong vòng tay mình.
Hai
người lững thững đi trong đêm lạnh. Khoảng cách băng
giá chỉ chờ một cử chỉ trìu mến để biến thành sôi
bỏng. Băng qua một khoảng sân, rồi một con đường với
hai hàng cây đen rậm trong đêm tối. Đến khu phòng ngủ,
Thông chiếu đèn cho nàng đánh mật mã mở cửa, rồi
lẳng lặng theo nàng vào hành lang. Phòng nàng sát cạnh
phòng Thông. Với một nụ cười rực rỡ nàng chúc Thông
ngủ ngon, không bị quấy rầy trong đêm, và biến mất
sau khung cửa sau khi đã phóng vào tim Thông một cái nhìn
… tắt thở ! Thông ngần ngừ đứng trước cửa phòng
nàng đôi phút rồi thẫn thờ bước vào phòng mình…
Để
rồi bây giờ … nằm trên giường … không ngủ được
… Thông lắng nghe từng tiếng động bên phòng nàng. Anh
hài lòng biết nàng cũng không ngủ. Những gì vừa xảy
đến quay quần trong óc Thông. Anh lo sợ bắt gặp mình
đang mơ ước một mối tình lâu dài với người con gái
xa lạ ấy. Ừ, có thể mỗi tháng tìm được vài ngày
với nhau trong một khách sạn hạng sang trên bờ biển.
Giữa mùa đông sóng to, gió lạnh , sương mù che phủ, ôm
nhau trong một căn phòng ấm cúng, sau màn kính dày với
những giọt mưa lấm tấm, thơ mộng đấy chứ ! Rồi lâu
lâu cũng có thể tìm được một tuần lễ, để đi xa
hơn chút : Prague, Vienne, Venise, thành phố của tình nhân,
hay Hy Lạp, hay Trung Đông quyến rũ, quê hương của nàng
?
Chuyện gì đã xảy ra ? Hãy thử khách quan năm phút.
Mình nằm đây. Một mình. Chưa cởi áo blouse. Thật chẳng
ra làm sao cả. Bết quá ! Tại sao ? Hay là sang gõ cửa
phòng nàng ? Hoặc điện thoại ? Nàng sẽ nói gì ? Sẽ
vứt vào mặt mình là nàng đã có chồng ? Đối với
người Ả Rập cái đó ngặt lắm chứ có phải chơi đâu
? Tội ném đá tới chết ! Ôi ! người đàn bà Trung Đông
mà dám làm chuyện ấy, dám chấp nhận sự hiểm nguy vô
cùng to lớn như vậy, quả là can đảm, quả anh hùng. Họ
là những bậc nữ lưu anh kiệt của Tình Yêu ! Hành động
yêu thương của họ là một hy sinh vĩ đại, một thái độ
tận hiến, một …
Tiếng chuông điện thoại kéo Thông
về với cái thế giới mà anh được trả lương để cứu
độ.
- Xe GMR khởi hành lập tức, ghé trước phòng
mày. Một anh già tự vận bằng dao đâm vào cổ ở Nhà
Dưỡng Lão.
Tên standardiste gác máy. Bọn này luôn vắn
tắt. Không tràng giang đại hải trong điện thoại. Điện
thoại là cực hình của chúng nó.
GMR, groupe mobile de
reanimation, là loại xe cứu thương trang bị như một tiểu
đơn vị cấp cứu. Thường buổi tối dùng xe này vì
không sợ kẹt xe. Ban ngày dùng VIR, vehicule d’intervention
rapide, là xe nhỏ, chỉ chở bác sĩ, phụ tá, và dụng cụ
cấp cứu, chạy thật nhanh đến bên người bệnh, rồi
cùng lúc gọi xe lớn của sở cứu hỏa đến để chở
bệnh nhân về bệnh viện. Ban đêm không tiện gọi xe cứu
hỏa, cũng là một lý do khiến hay dùng GMR.
Trên xe
Thông dùng máy truyền tin gắn liền với điện thoại để
biết tình trạng ông cụ tự sát. Có vẻ không có gì
nặng. Lạ! Người ta đâm dao vào cổ mà thiên hạ cứ
tỉnh bơ !
Nhảy xuống GMR, Thông sách một hòm dụng
cụ, tên tài xế chụp lấy chai oxy, và một hòm đồ khác
đễ lên cái băng ca đẩy nhanh về phía cửa ra vào, còn
lại cho chú sinh viên lọc cọc vác chạy phía sau. Bước
qua khu tiếp tân khá tươm tất, có phần sang trọng, không
có ai, xông bừa vào một hành lang sáng đèn, gặp ngay chị
y tá tươi cười chạy le te đến. Chị ta chỉ một khúc
quẹo, rồi một căn phòng, ngăn đôi bởi một bức chắn.
Y như khi có người chết trong những căn phòng hai người.
Ông cụ ứng viên tự sát nằm cuối phòng, phía bên kia
bức chắn.
Ông nằm ngay thẳng, mắt mở to, nhìn trừng
trừng phía trước. Cặp mắt thật xanh, thật trong, như
chứa đựng một không gian vô tận. Có lẽ nhiều cô nàng
đã điêu đứng vì ánh mắt này. Ở tuổi bát tuần, đôi
mắt ấy vẫn lôi cuốn gần như tất cả sự chú ý của
người đối diện, nếu không có … con dao cắm ở cổ
ông. Một con dao loại đa dụng của Thụy Sĩ, có hai lưỡi,
mỗi đầu một lưỡi, lưỡi nhỏ đầu này, lưỡi lớn
đầu kia. Lưỡi lớn chỉa thẳng ra ngoài, lưỡi nhỏ cắm
xâu vào cổ ông, dưới « trái táo Adam ». Ông cụ không
trả lời bất cứ câu hỏi nào. Ông nhìn thẳng vào người
đối diện, như thách thức : ông làm chúng mày khốn đốn
đấy ! Cho chúng mày biết thân !
Thông kiểm điểm tình
trạng của ông cụ. Không có gì lập tức nguy hiểm. Cô
y tá đã để một catheter vào tĩnh mạch, đang truyền
dung dịch glucose. Catheter hơi nhỏ. Con bé này nhát, không
dám xài đồ bự. Thông ngần ngừ vài giây trước ý định
để một catheter lớn hơn, nhưng rồi anh bảo : Đi ! Mình
về !
Ông cụ được chuyển sang băng ca của xe GMR.
Thông nghĩ bụng : mình đến đây chẳng làm gì cả, chỉ
chở ông về bệnh viện.
Anh cười với tên tài xế
:
- Chuyến này mình làm tắc xi đây !
Anh tài xế đùa
tiếp :
- Tắc xi tốn 5000 quan đấy bố. Lần sau bảo
ông ấy đón xe buýt đi cho đỡ tốn !
Lần sau ? Thông
nghĩ : ừ, làm thế nào chẳng có lần sau ? Với cái nhìn
bướng bỉnh như vầy. Vả lại bữa nay mồng một Tết,
ông nội này sẽ đâm dao vào cổ cả năm !
Về bệnh
viện, Thông « giao hàng » cho tên bác sĩ trực Tai Mũi
Họng. Nó đi lòng vòng chung quanh ông cụ, suy tư năm phút,
rồi nắm lấy cán dao, nhổ phăng ra. Không chảy máu. Ông
cụ không một phản ứng, mắt vẫn mở to, nhìn thẳng.
Tên Tai Mũi Họng cười toe :
- Sáng mai, đánh thuốc
mê, khám kỹ lại trên bloc của tụi tao. Chắc chẳng có
gì.
Thông quay về khu phòng ngủ. Cái lạnh ngoài trời
khiến anh thật tỉnh táo. Đến gần phòng cô nàng kiều
nữ xứ Syrie, Thông mời từ từ trở về câu chuyện cũ.
Cô nàng không còn ám ảnh anh như trước nữa. Cái nhìn
thách thức của ông lão đã thay thế cặp mắt trùng
dương của người đẹp Trung Đông.
Cửa phòng nàng hé
mở. Tiếng nói nhỏ nhẹ như gió thoảng :
- Có gì nặng
lắm không anh ?
Thông dấu vẻ ngạc nhiên :
- Không.
Ông cụ tự vẫn. Đâm dao vào cổ. Chẳng có gì. Làm tắc
xi vậy thôi.
Cô bé tròn mắt :
- Kể em nghe với.
Thông
đứng tần ngần, chưa kịp nói gì, thì nàng tiếp :
-
Anh vào đây với em một chút đi.
Thông lách vào cửa.
Người anh chạm nhẹ vào người nàng. Không đợi cô nàng
mời, Thông ngồi ngay xuống bên giường. Phải chiếm
trước vị trí chiến lược. Nàng mà giữ kẽ thì sẽ
ngồi trên chiếc ghế gần đó. Còn nếu nàng cũng leo lên
giường ngồi cạnh mình thì coi như có thể « khai hỏa
». Nước anh giặc giã triền miên, nên « binh pháp » anh
thuộc nằm lòng, em ơi !
Cô bé bước thẳng lên giường,
chui xuống chăn, xếp chân ngồi thật gọn. Như một con
mèo. Nàng nói :
- Lạnh, anh nhỉ. Ngoài đường chắc
lạnh lắm.
Thông tự nhủ : câu chuyện thời tiết, khí
tượng đây !
Anh ậm ừ cho xong. Vả lại cũng chẳng
biết nói gì. Cái phong thái « anh-chàng-tôi-biết-hết »
không áp dụng được trong hoàn cảnh này. Lột nó ra,
Thông chỉ là một tên vụng về, ấm ớ. Anh cởi áo
khoác ngoài, vứt lên cái ghế gần đó. Căn phòng gọn
ghẽ bắt đầu bừa bộn.
Cô nàng gợi chuyện :
- Ở
nước anh lúc này chắc vẫn nóng ?
- Ở xứ tôi lúc
này là Tết, nóng hay lạnh, mưa hay nắng, đã lâu quá
rồi, chẳng còn nhớ. Người ta bảo Tết là mùa xuân. Cứ
tin vậy. Nhưng xứ tôi không có mùa xuân.
Đáng lẽ
Thông phải hỏi ngược lại, vẫn trong đề mục khí
tượng học : còn xứ cô thì sao, lạnh hay nóng, mưa hay
nắng, gió thổi hướng nào, tốc độ bao nhiêu, v.v…
Nhưng cô bé tỏ vẻ thông cảm, thủ thỉ tự khai : xứ
cô mùa này về tối hơi lạnh, phải mặc len mỏng. Như
Đà Lạt. Nàng không biết Đà Lạt. Cao nguyên xứ nàng là
vùng Golan khói lửa, dưới gót giầy kẻ thù Do Thái
…
Thân phụ nàng thuộc bộ lạc của Tổng Thống
Assad, nắm chức vụ cao cấp trong Đảng Baas, và chính
quyền Syrie. Ông có thời phục vụ tại Liban. Mẹ nàng là
vợ nhỏ, người Liban, sống ở Tây Beiruth, vùng của
người Hồi Giáo Chiite, của lực lượng Hezbollah, Đảng
của Thiên Chúa. Ông ngoại nàng có nhiều đất đai giáp
ranh Israel. Israel chiếm vùng đất này. Cùng với mẹ, họ
hàng bên ngoại, nàng đứng sau rào kẽm gai nhìn sang đất
đai của gia đình mình, với bãi mìn, và đồn binh. Thân
phụ nàng thuộc Hồi Giáo Sunnite. Gia đình nội ngoại
không thuận nhau. Người Liban coi rẻ người Syrie, dù
người Syrie chiếm đóng xứ họ. Gia đình bên ngoại nàng
giàu có, quý tộc, nhiều tự hào, mặc dù trong chiến
tranh đã mất mát rất nhiều. Họ thù Israel và khinh người
Syrie. Người Liban Chiite thân Iran, không ưa người Liban Ky
Tô Giáo, ủng hộ nhưng chán ngán người Palestiniens lưu
vong, có khi đánh nhau với người Druse, những kẻ tin
thuyết luân hồi, và đố kỵ người Liban Sunnite. Người
Liban Chiite luôn làm chủ tịch quốc hội, trong khi người
Ky Tô Giáo luôn làm Tổng Thống, và người Sunnite luôn
nắm chức Thủ Tướng. Quốc Hội chẳng có quyền gì.
Sức mạnh của người Liban Chiite là Đảng Thiên Chúa,
Hezbollah, công cụ của cuộc Thánh Chiến, Djihad. Người
Syrie chiếm đóng Liban và đương đầu với Israel. Họ cai
trị một quốc gia giàu hơn họ, phát triển hơn, tân tiến
hơn. Họ đầy mặc cảm với người Liban.
Cô nàng thu
mình ngồi trong chăn là người Liban hay người Syrie ? Nàng
thù Israel, và không muốn trở về Syrie.
Mẹ nàng là vợ
nhỏ. Nàng đi học ở Syrie, bên người cha thường vắng
mặt, trong một đại gia đình khe khắt. Ông bà nội,
những con người khắc khổ, luôn nhắc đến một quá khứ
khó khăn, các chú, các bác, bà mẹ ghẻ, đám anh chị em
cùng cha khác mẹ, đó là những nhân vật của vở kịch
của tuổi thơ nàng. Mẹ nàng trở về Liban. Nàng ở lại.
Kỳ hè sang thăm mẹ, cho đến khi học xong đại học. Rồi
nàng đi tu nghiệp. Ở Pháp. Người Liban thích đi Pháp.
Nàng học chuyên khoa về bệnh trẻ con.
Nàng cho phép
Thông nằm xuống cạnh nàng, bên trên tấm chăn len với
sọc đen trắng của nhà thương.
Trở về Syrie, nàng
được gả cho một nhân vật trẻ của đảng Baas, đang
lên, phục vụ trong ngành Ngoại Giao. Cưới xong, chàng này
đi nhiệm sở ở Luân Đôn. Nàng ở lại bắt đầu hành
nghề tại Damas. Chàng ta lớ mớ chi đó với vài tổ chức
lưu vong Syrie, cũng chuyện canh tân xứ sở, thay đổi này
nọ. Họ muốn tìm một lãnh tụ sau Assad. Có thể là em
ông ta, sống ở Anh Quốc. Assad không hài lòng. Assad không
thích người khác bàn chuyện sau Assad. Assad tin rằng Assad
muôn năm, Assad vạn tuế. Chàng trẻ tuổi đang lên bị
thất sủng, phải lưu vong. Cha nàng cũng thất sủng, vì
tội của con rể. Ở thời vua chúa Á Đông, ông đã bị
chặt đầu. Không khí gia đình ngột ngạt. Nàng chuồn
sang Liban một thời gian, rồi tìm được việc làm ở
Pháp.
Những năm chiến tranh tàn phá Liban, những căng
thẳng giữa gia đình nội ngoại, bà vợ lớn, mẹ nàng,
ông bố vắng mặt v.v… câu chuyện tỉ tê kéo dài.
Điện
thoại reo bên phòng Thông.
Anh chụp máy, kêu trở lại
standard :
- Thông đây !
- Khởi hành lập tức với xe
VIR. Đón trước phòng mày. Con gái, 22 tuổi, treo cổ.
Thông
bật dậy. Áo blouse chưa cởi, chụp áo khoác ngoài, xỏ
giầy chạy ra ngoài.
Chiếc xe VIR nhỏ nhắn, gọn gàng,
vừa lao tới, chạy chậm lại.
Thông nhảy lên, hỏi :
ở đâu ?
- Cỡ năm phút. Tên tài xế trả lời.
Chiếc
xe lao vào đêm tối, tiếng bánh xe rít trên mặt đường,
lẫn trong tiếng chủi thề liên tục của tên tài xế,
mỗi lúc quẹo cua, mỗi lúc phải thắng. Còi hụ bật lên
như muốn đánh thức cả thành phố, như muốn rao truyền
cho mọi người biết : một linh hồn sắp ra đi.
Đến
cửa một chung cư, phía bên kia thành phố. Năm phút 14
giây. Với tốc độ thông thường mất không dưới 20
phút. Mọi người lao xuống, mỗi tay một hòm dụng cụ.
Lầu 8. Thang máy đợi sẵn. Cửa appartement mở to. Chỉ có
người bố, da ngăm ngăm, râu cá chốt. Thổ Nhĩ Kỳ thì
phải. Thông gật đầu chào trong khi tên tài xế xông vào
phòng cô gái và bắt đầu mát sa tim với hô hấp nhân
tạo. Tài xế xe cấp cứu biết rất thành thạo mọi kỹ
thuật hồi sinh. Họ là những nhân viên ngoại hạng.
Thông
loay hoay đặt ống thở. Trong mấy vụ treo cổ như thế
này, không phải dễ. Sợi dây thắt cổ làm sưng cả vùng
yết hầu, nên lỗ vào phế quản khó tìm. Nhìn qua
laryngoscope, chỉ thấy thịt đỏ. Thông dùng một que thép
cong có mũi tròn để khỏi khỏi gây thương tổn, đưa
vào một nơi anh đoán là lỗ vào của phế quản. Thanh
sắt chui tọt qua. Được. Bây giờ lồng ống thở quanh
cái que ấy, đẩy xâu vào xem sao. Tốt. Gỡ thanh sắt ra.
Thử bơm không khí qua ống thở : bên phổi phải, bên
phổi trái, đều có tiếng không khí đi qua. Thế là xong
một chuyện. Đỡ quá ! Bây giờ buộc chặt ống thở với
băng keo thêm dây vải. Nó tuột trở ra là tai vạ đấy !
Tên sinh viên phụ tá lo bơm và mát xa tim. Phía dưới, cậu
tài xế đã đặt một catheter vào tĩnh mạch khửu tay.
Hắn ta tự động đưa vào 1 ml adrénaline, với chai dung
dịch phía sau đẩy thuốc vào tim. Trước đó hắn đã
dán các đầu điện trước ngực, và đặt scope để theo
dõi tâm điện đồ. Không ăn thua, tim vẫn không đập tự
động. Hắn đưa mắt nhìn Thông. Anh gật đầu. Hắn thảy
thêm 2 ml adrénaline. Không ăn thua. Đưa bicar vào mạch. Mát
sa đều đặn. Lại adrénaline. Chưa được. Thông lấy
catheter, đặt vào bên cổ. May quá, được ngay, máu trở
lại trong ống chích. Đẩy catheter vào sâu trong tĩnh mạch
cổ. Đưa adrénaline vào đây. Bao nhiêu ? 2 hay 3 ? Bao nhiêu
cũng được, còn sẵn bao nhiêu trong ống chích đưa hết
cho tao. Adrénaline vào chỗ này gần tim hơn, với dung dịch
đẩy phía sau, có hy vọng vào đến tim nhiều hơn là từ
khửu tay. Mát xa vài cái. Ngừng xem. Tâm điện đồ nhảy
tự động. Nụ cười nở trên môi mọi người.
Cả
Thông lẫn tên tài xế đều cùng đặt tay lên háng cô
gái : có mạch đập. Tức là tim làm việc hiệu quả. Đặt
thuốc trợ tim qua ống tiêm điện nữa là xong. Cô gái
vẫn hôn mê ở trình độ xâu nhất.
Thông nói :
-
Mình đi.
Ngoài cửa, băng ca của sở cứu hỏa chờ
sẵn. Hai anh lính cứu hỏa tăng cường bơm hơi, cầm bình
oxy, cầm các chai dung dịch, trong khi nhóm Thông thu dọn
dụng cụ. Xuống đến xe, sẽ có máy thở tự động loại
nhỏ, khỏi phải bơm tay.
Ông bố lóng ngóng ngoài hành
lang. Thông cho ông biết tim đã đập trở lại. Ông mở
cửa bước vào một căn phòng kế đó. Phòng đầy người,
dường như toàn đàn bà, con gái. Bà mẹ, có lẽ vậy,
chạy ra, mếu máo, phân trần điều chi Thông không hiểu.
Một cô bé khoảng 15-16 bước ra theo, cho biết chị cô tự
tử vì thất vọng tình cảm, chị cô học giỏi, đại
học chi đó, đẹp, tính làm tiếp viên hàng không, hay
hãng du lịch, đại khái vậy … Thông ngoái nhìn chiếc
băng ca đang ra khỏi cửa : ừ cũng khá đẹp, người
thon, ngực nhỏ, núm vú quá dài, anh phủ lên người cô
ta cái chăn treo lủng lẳng ở chân băng ca. Làm việc
nhanh, hay quên những chuyện lặt vặt, trong cái lạnh của
mùa đông như đêm nay…
Thông hộ tống cô bé Thổ Nhĩ
Kỳ trên xe của sở cứu hỏa. Chiếc VIR chạy theo sau.
Gọi điện thoại báo cáo về nhà thương xong, anh đến
ngồi gần cô ta. Nhịp đập tim, áp huyết, phổi, tốt.
Vạch mắt xem : tròng đen vẫn nở tối đa, chiếu đèn
cũng không động. Không sợ cô ta tỉnh dậy trong khi
chuyên chở. Giả sử có tỉnh dậy thì thuốc an thần và
giãn cơ đã sửa soạn sẵn. Công việc của người y sĩ
coi như tạm xong. Thông bắt gặp mình suy nghĩ vẩn vơ :
Cô gái xinh xinh học giỏi, chuẩn tiếp viên hàng không,
bây giờ ở đâu ? Có còn ở trên chiếc xe cứu thương
cọc cạch này không ? Giả sử cô không bao giờ tỉnh
lại, thì giờ phút này cô đã ra đi chưa ? Còn nếu cô
hôn mê nhiều ngày rồi mới chịu tỉnh lại, thì trong
lúc hôn mê, cô đi đâu ? Đi đâu rồi lại về đây ? Có
biết tôi đang nghĩ gì ? Có thấy tôi đang làm gì ? Cô
nghĩ sao ? Anh tập rung tinh thần, thử dùng « thần giao
cách cảm » liên lạc với cô gái. Không hiệu quả. Có
lẽ cô đã tan vào hư vô …
Rời người đẹp Turquie,
Thông gõ nhẹ cửa phòng người đẹp Syrie-Liban. Không đợi
trả lời anh thử mở cửa. Cửa mở. Nàng có vẻ ngủ.
Quay mặt vào tường. Tấm chăn được nàng ôm quyện lấy,
hở lên phía sau. Đường cong tuyệt vời ẩn hiện từ
lưng đến mông, với khoảng mông lung nơi bắt đầu cặp
đùi, được đặt trước mặt Thông, như dâng hiến.
Thông ngồi xuống giường, vuốt nhẹ mái tóc nàng,
rồi đặt môi mơn trớn gò má mịn màng, mí mắt dài mi,
sống mũi gọn xinh, đôi môi mọng đỏ … Cô bé chuyển
mình, rên khẽ, rồi ngửa mặt đón nhận một nụ hôn
dài.
Thông hỏi, ngớ ngẩn :
- Em ngủ hả ?
Cô bé
ậm ừ chi đó, rồi hỏi lại :
- Có cứu được không
?
- Không biết. Tim đập trở lại. Còn bộ óc … tùy
Trời định đoạt. Inch Allah !
Người Thông đã dán
vào người nàng. Anh chậm rãi thụ hưởng từng cảm xúc,
bình tĩnh chờ cơn sốt ái tình càng lúc càng tăng nơi
thân thể người đẹp… Tấm chăn mỏng đã bị đẩy
sang một bên …
Thời gian đọng lại trong Thiên Đường
Tình Ái, nhưng vẫn trôi nhanh trong địa ngục trần
gian.
…………
- Gần sáng chưa anh ?
- Không biết.
Thông vừa trả lời vừa lật mình phủ cánh tay lên người
nàng.
- Yêu em nữa đi.
Một đời yêu đương giữa
anh với em, có lẽ chỉ một đêm nay. Phải tận hưởng.
Phải sợ trời sáng. Sợ những tia nắng mặt trời phá
tan giấc mộng tình của những người đang yêu …
Thời
gian lại đọng lại. Đồng thời vẫn lại trôi
nhanh.
Thông chưa buông thả, chưa « kết luận », nên …
bao nhiêu cũng được. Em cứ ra lệnh. Anh chấp hành tốt.
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, cổ nhân đã dạy …
♣ ♣ ♣
Rồi
nàng cũng mệt. Người nàng mềm lại trong vòng tay Thông.
Em ngủ đi, anh nhìn em ngủ. Anh hôn nhẹ trên mắt em khép
kín. Anh vuốt mái tóc em ướt mồ hôi, đôi vai trần em
cuộn tròn trong vòng tay anh. Còn nếu em không ngủ thì
cũng đừng cho anh ngủ. Nhé em. Anh không muốn mất một
dây phút nào bên em.
Nàng thiếp đi. Rồi giật mình
tỉnh dậy. Em không muốn ngủ. Em sợ ngủ. Như những đêm
nằm nghe bom, nghe pháo kích ở Beiruth. Em ôm chặt lấy mẹ.
Cấm mẹ ngủ. Cấm mẹ cho con ngủ. Không biết cái gì sẽ
sảy ra khi tỉnh giấc. Con muốn tỉnh thức. Giữ chặt
lấy mẹ trong vòng tay. Ngoài trời bom nổ, đạn rít, kinh
hoàng. Có tiếng la hét gần quanh đây. Nhà hàng xóm trúng
đạn. Tiếng khóc, tiếng than van, rên rỉ. Để mẹ ra
xem. Con cấm mẹ đi. Mẹ không được đi !
Bọn Do Thái
… Nàng nguyền rủa Tsahal. Nguyền rủa Israel. Nguyền rủa
chủng tộc Do Thái. Chủng tộc anh em Sémite. Dòng dõi của
Isaac, em của tổ phụ Ismael. Nguyền rủa và nguyền rủa.
Nàng thương cảm cho người Liban, cho người Palestine
…
Thông cảm thấy một niềm đau trong tâm khảm mình.
Anh có thể nghe Jacob thần tượng hóa Guevara. Cách mạng
hoang tưởng, có lẽ chẳng tai hại gì bao nhiêu, còn có
thể đem lại chút lý tưởng cho một tuổi trẻ mất niềm
tin. Vả lại Guevara cũng là một đồng nghiệp. Mon cher
confrère ! Nhưng lương tâm anh thật sự dằn vặt khi nghe
miệt thị người Do Thái. Truyền thống tâm linh mà anh đã
thừa hưởng, khiến cho đối với Thông, Israel không phải
là một dân tộc, không phải là một quốc gia. Israel là
một huyền thoại. Thông tự cảm thấy một liên hệ
thiêng liêng với dân tộc này, khiến anh đau niềm đau
của họ, cùng lo nỗi lo của họ. Tương lai Israel mong
manh đến nỗi mọi tấn công vào nhóm người Do Thái nhỏ
nhoi này gợi lên trong tâm hồn Thông một sự kinh hoàng
khó tả. Israel bị bắt buộc phải luôn chiến thắng. Chỉ
cần thua một trận giặc, Israel sẽ bị tiêu diệt. Sẽ
không còn một người Do Thái nào trên xứ Palestine. Thậm
chí không còn một con chó Do Thái, một con mèo Do Thái,
một con hamster Do Thái ! Nã Phá Luân đã ở trong tình
trạng luôn phải chiến thắng ấy. Không ai có thể luôn
mãi chiến thắng …
Thông buột miệng :
- Người Ả
Rập, người Palestine, tranh đấu để dành lại đất đai
của họ, cho hãnh diện dân tộc của họ, hay cho Thiên
Chúa … Israel tranh đấu cho sự sống còn của mình, để
khỏi chết …
Người con gái quay phắt lại. Cặp mắt
như có tia lửa của nàng nhìn chòng chọc vào mặt Thông.
Một cảm giác lành lạnh nổi lên dọc theo sống lưng
anh. Chiến tranh Trung Đông hiện diện trên chiếc giường
chật hẹp này. Một chiến tuyến đã hiện lên. Thông
nhắm mắt để khỏi nhìn thấy tia nhìn nặng nề của
nàng. Anh ghì nằng xuống đặt một nụ hôn dài. Người
con gái như tỉnh hẳn dậy. Nàng lăn lên người Thông.
Lần này nàng có vẻ quyết liệt đòi hỏi một « kết
luận » …
Ừ thì anh xả láng, nếu em muốn. Cho em
hết. Để rồi sau đó, anh sẽ mệt nhoài, sẽ buồn ngủ,
sẽ không còn nam tính, sẽ là một thân xác vô tri, sẽ
hôn mê, như cô bé Turc lúc nãy. Như cô ta, hồn anh cũng
sẽ lìa khỏi xác. Còn em ? Linh hồn em có đến với anh
không ? Chúng mình sẽ bay lượn trên Trung Đông huyền bí,
sẽ viếng thăm ngọn núi với cây Cèdre thần thánh quốc
thụ của xứ Liban, sẽ đi trên con đường Damas, như Saul
trước khi trở thành Phao Lồ, sẽ tìm lại Sidon, Sarepta,
nơi Elie đã gặp tình yêu, sẽ đến thăm Our Kasdim, giữa
Irak điêu tàn, nơi Abraham khởi hành đi tìm đất hứa.
Rồi tại sao không về Đà Lạt thông reo, trèo lên ngọn
Lâm Biên nhiều kỷ niệm, lên đèo Đơn Dương dõi mắt
nhìn ra biển, đến Suối Vàng, làm tình sau thác nước,
ngồi bên Hồ Than Thở, dạo chơi trên đồi cát Cam Ranh,
tắm biển Đại Lãnh, lặn trong lòng đại dương quanh Hòn
Yến, lượn trên Sài Gòn nhộn nhịp, miền Tây xanh mướt,
tìm đường vào Thất Sơn thần thánh …
Khi Thông tỉnh
dậy thì người con gái không còn đó nữa. Trong trí óc
mệt mỏi, Thông cố nhớ lại …
Anh nghe thoang thoảng
tiếng em nói trước khi anh đi vào cơn mê. Em nói gì nhỉ
? Rằng em không thể hai lần phản bội ? Hai lần phản
bội ? Ừ thì cho là phản bội cái truyền thống chung
thủy kể là một lần đi. Còn cái quái gì nữa ?
Thông
tìm thấy trong túi áo mình một sợi dây chuyền với tấm
mề đay có khắc mấy chữ Ả Rập. Tên nàng chăng ? Ngoài
trời tuyết rơi. Thật lạnh. Sáng mồng một Tết, mùa
xuân chưa đến.
Thông không bao giờ gặp lại nàng
nữa.
Dường như mẹ nàng đã chết trong cuộc oanh tạc
ấy …