C ách nhau nửa vòng trái đất, tôi gởi “Meo” qua để “Ai-can-i-u, Ai-van-i-u” vài mươi lần mà cái anh SN không nghe nên sự quá độ của NGUỒN biến thành KHƠI NGUỒN khiến tôi buồn buồn. Nay văn kỳ thanh NGUỒN lại hồi sinh, tôi vui vui. Phải trái đúng sai giữa SN và TAL hay “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”. Điều nào cũng ngòai tầm với của tôi. Sống ở cảnh siêu thực siêu giả như má như mông như lông như tóc gồ ghề sắc màu nhìn đâu cũng thấy như lời ca dao mới thời chiến lọan:
Nghìn năm trên cả địa cầu
Anh hùng thiên hạ đếm đầu ngón tay
Việt Nam khói lửa hôm nay
Vừa ra khỏi cửa gặp ngay anh hùng
Ca dao Quảng Bình
Một sếng sáng ở bên Tàu xưa ngôn rằng: “Vật bất kỳ bình, tắc minh”. Câu thơ hàm ý ngậm nghĩa gì thì ai cũng biết. Những đấng quân tử Tàu văn hay chữ tốt cỡ “Tiên sanh” lại ở vị thế buôn có bạn, bán có phường, có môn bài kinh doanh mới ong óng bắt chước cái ông tướng Nhật bổn Y Đằng Bác Vân hồi thế chiến thứ 2 để minh:
Đại thanh hô tửu thướng cao lâu
Hùng khí nhược thôn ngũ đại châu
Nghĩa:
Thét to gọi rượu bước lên lầu
Máu hùng muốn nuốt cả năm châu
(HVĐS thóat dịch)
Tôi chỉ nói những điều thật nhỏ như ngọn cỏ gió đùa mà vẫn thấy teo teo. ***
Những ngày tháng này lòng tôi trống trải quá! Những người tôi thân vá thân với tôi lại ở quá xa, xa cả nửa vòng trái đất. Thảng hoặc có thư từ qua lại bằng giấy bút là thứ quý hiếm của thời A Còng, thời @ này có đủ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Ưu vì nhanh gọn và khuyết vì nó vô hồn. Nó vô hồn vì vài lời vắn tắt gõ vào phím chuyển cho nhau không có dấu qua vệ tinh được coi là văn mimh tiến bộ của lòai người hôm nay. Thiểu số người Việt Nam cũng theo đó để “bước” tới tới. Văn hóa văn nghệ… đều trèo lên mạng phủ khắp địa cầu. Ai không biết hay không có máy vi tính, không biết vào mạng hoặc hòa liên mạng kể như nhà quéo tận cùng bằng số. Nhưng số người Việt Nam ta ở nước trong và nước ngòai có bao nhiêu người biết sử dụng thành thạo và khai thác hết chức năng cái khỏan vi tính? Niếm vui hay nỗi buồn cũng từ đấy mà nảy nở.
Sự kiện “A Còng” rồi “Y-a-hu-chấm-com” hôm nay khiến tôi nhớ lại những chuyện xưa tích cũ đã xưa như trái đất chất ngất khôi hài đen như mõm chó mực.
Xin lần lượt điểm qua vài vụ việc Tiếu Lâm cây trâm có trái.
1.CỬU THIÊN KHỀ
Sau thời các vua Hùng dựng nước, cháu con hậu duệ Quốc Tổ muốn “nâng mình lên” từng cá nhân phải Học rồi Hành. Học phải có hòan cảnh, phải kiên trì mới mong khá được. Ở cảnh côi cút:
Con chú, chú cho học chữ Nho
Cháu chú, chú bắt chăn bò chăn trâu
(Ca dao vùng Đông Triều - Hải Dương)
vì thế mới có Lý Đạo Tái (1284 - 1364) không muốn suốt đời bị coi khinh với nghề chăn trâu cắt cỏ nên ông cố học để quên đói, đọc sách để quên ăn nên thân thể vêu vao. Họ hàng làng nước của ông ở làng Vạn Tự, huyện Gia Định tỉnh Bắc Giang xưa ngó lơ. Năm 21 tuổi ta, Lý Đạo Tái thi đỗ Trạng Nguyên . Ngày Quan Trạng vinh quy, họ hàng làng nước đông nghìn nghịt. Riêng những người nhận là anh em có cả vạn; khiến ông cao hứng cho treo bức hòanh trước cổng nhà: CỬU THIÊN KHỀ. Nào có ai biết “Khề” khà là cái gì đâu. Mãi mới có người hiếu sự diễn ra thơ nôm rằng:
Xưa kia chẳng có ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em
Quan Trạng Lý Đạo Tái ra làm quan được chen vai trong biển họan với các bậc nguy khoa đầy cơ mưu để tự tư tự lợi. Do đó ông chán ngán nhân tình đen bạc nên sau lần gặp Pháp Loa Đại Sư đàm đạo, Lý Đạo Tái đã không coi cái bằng Trạng Nguyên và quan chức ra chi nữa. Quyết chí theo sư Pháp Loa. Sư đặt cho pháp danh là Huyền Quang. Từ đó hai đại sư theo Điều Ngự Giác Hòang (Pháp danh của vua Trần Nhân Tôn khi đi tu) đi thăm các danh lam thắng cảnh trong nước rồi lập Tông Phái Thiền Đại Việt.
Phái Trúc Lâm Yên Tử có ba đại tồ sư; Đệ nhất tổ là Điều Ngự Giác Hòang, Đệ nhị tổ là Pháp Loa và Đệ tam tổ là Huyền Quang. Nước Việt Nam nói chung và Phật tử Việt Nam đều hãnh diện có một "nét nhìn" của riêng mình về Phật Giáo, lập một dòng Thiền riêng: Thiền Trúc Lâm Việt Nam nhờ công đức của Trúc Lâm Tam Tổ.
2. NÔM NA MÁCH QUÉ
Chữ nghĩa tạo nên phẩm giá con người và cũng tạo ra nhiều hố ngăn cách . Bằng cấp của các bậc học xưa, nay gọi là học vị của những người học thật, thi thật và đậu thật. Họ học rồi hành xứng danh xứng chức vụ được giao phó. Trạng Nguyên Lý Đạo Tái hay Đại Sư Huyền Quang coi cái bằng Trạng Nguyên như mảnh giấy lộn. Đại Sư Pháp Loa thế danh Đồng Kiên Cương không thấy sách sử ghi là có học có thi để đậu bằng cấp gì đâu! Thế mà ông lại là sư thừa truyền y bát cho sư Huyền Quang.
Lễ Nghĩa Liêm Sỉ của người học nho xưa kỳ tuyệt quá! Xã hội Việt Nam văn minh tiến bộ hôm nay cần các công dân của mình phải giỏi và đẹp, phải có "văn hóa phẩm" sao cho bắt mắt để thiên hạ kính phục lăn đùng té ngửa mới đã. Nên; nếu chưa đẹp hết ý thì cứ đến "chuyên gia" đủ kích cỡ để bồi đắp vá víu hoặc đẽo gọt cho mông cho má cho... tuyệt vời. Chỉ còn có cái óc cái lưỡi là không thể đục đẽo hay hàn xì hàn điện được đành phải chịu. Như cái gọi là Học Vị; nếu lạy mà không đậu thì mua, mua không xong thì mướn, thì mượn người thi dùm như kiểu quan Bảng Nhỡn Lê Quý Đôn bắt học trò Đinh Thời Trung đội tên con ông ở Quyển dự thi Hương trường Thăng Long để Lê Quý Kiệt có cái Thủ Khoa cho rạng rỡ tông môn. Việc bại lộ. Người Bắc Hà thời Lê Trịnh có truyền tụng đôi câu đối:
Quý Kiệt hòan dân, tăng Duyên Hà chi đinh số
Thời Trung phát phối, chấn Đông Hải chi văn phong
Vân Đài Lọai Ngữ - Tác giả tác phẩm
Phạm Vũ, Lê Hiền dịch và chú giải)
Rồi chữ Nôm được "thiết định" sau bài văn đuổi cá sấu ở sông Nhĩ Hà của Thái Học Sinh Nguyễn Thuyên thời vua Trần Thái Tôn. Có hai chuyện ngòai văn học nho nhỏ như con thỏ đã vỗ béo để "sốt vang" nhưng lại vẽ được bối cảnh lịch sử một thời mà người dân sống trong xã hội ấy phải cam chịu:
* CÁT CAO LÀ CÁI GẦU TÁT NƯỚC
Đuổi được quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi biên ải phía Bắc bằng cuộc hành quân thần tốc khiến Tôn Sỹ Nghị, Đại Nguyên Sóai của Tàu phải chạy trối chết về nước. Vua Quang Trung khải hòan "về" Quốc Đô Phú Xuân thiết lập triều nghi. Một cựu thần nhà Lê là Cử nhân Nguyễn Thiếp (1722 - 1804), danh nhân xứ Nghệ được người thời ấy tôn phục là La Sơn Phu Tử "ứng mệnh" ra làm quan. Ông dâng sớ lên đức vua cho dùng chữ Nôm để cách biệt hẳn với Tàu. Nhà vua chấp nhận. Từ đấy trong các Sắc - Chiếu - Biểu hoặc Văn - Thư - Từ - Lệnh từ trong triều ngòai nội đều dùng chữ Nôm.
Tụi con buôn phía Bắc lợi dụng lúc vừa hết chiến tranh đã thì thụt qua lại biên giới Việt Hoa để buôn lậu bằng ghe thuyền. Quan "Biên Phòng cho Hành Quân Cảnh Sát" thường là bắt được tụi gian thương ấy. Phép nước là mọi sự khám xét bắt bớ phải có biên bản, có khẩu cung kê khai từng người từng món đồ trên ghe để thu giữ. Tất cả đều có chữ Nôm để ghi chép, duy có cái GÀU TÁT NƯỚC thì quan thư ký "ngọng". Việc lơ tơ mơ ấy được trình lên quan trên . Quan xuống lệnh: Trong quân sĩ ai biết sẽ được thưởng cho làm quan. Có anh "lính búa" biết nhưng chưa chịu nói. Nguyên lai; anh ta là con nhà phú hộ, cha mẹ không tiếc tiền đón thầy về dạy tại nhà để cho "ông con" mai kia mốt nọ ra làm quan. Thầy đến thầy đi vô số kể rồi. Cuối cùng có ông thầy biết được "thời trời", biết được tham vọng của gia chủ nên ông 'đã "nhét được một chữ vào bụng học trò". Đó là chữ CÁT CAO là cái GÀU TÁT NƯỚC. Cả mấy năm trời, sáng trưa chiều tối, khi đang ăn, lúc đang ngủ thầy cũng bắt học trò tay viết miệng thưa: CÁT CAO là cái GÀU TÁT NƯỚC (ở ghe thuyền)
Đến ngày trò phải đi lính. Cha mẹ lo lắng khóc lóc thê thảm, than là vô phúc vì có mỗi đứa con trai chỉ là cục thịt. Thầy đồ lại cười ha hả nói:"Đệ tử của tôi sắp làm quan, phúc vào đến cửa rồi, phải ăn mừng mới đúng chứ!"
Vợ chồng gia chủ đều "Chúng khẩu đồng từ":
- Gia đình tôi cám ơn thầy đã nể mặt không bỏ đi. Con tôi, tôi biết nó chỉ có tài ăn. Bây giờ đi lính, may thì được đành trống, chạy cờ hiệu. Còn không thì vác dáo đi đầu, cầm mã tấu theo lệnh đánh xáp lá cà... quan phường tuồng cũng không đến lượt nó. Phúc đức nào tới với nhà tôi được đây?
Thầy đồ nghiêm mặt, nói:
- Cái việc làm quan là chắc chắn rồi. Còn quan lớn hay quan nhỏ là tùy ở nó thôi. Ông bà chỉ mong muốn cháu nó làm quan, tôi dạy nó làm quan. Nhất định nó được làm quan.
Thầy nhìn trò đang hơn hớn có vẻ vô lo. Ông truy vấn nó:
- Thầy dạy mày có một chữ để làm quan, mày vẫn nhớ chứ? Chữ gì?
- Bẩm thầy: CÁT CAO ạ!
- Tốt! Nhưng khi quan trên của mày cho hỏi tất cả mọi người, mọi người đều không biết. Mày là người cuối cùng lên bẩm với quan trên là biết. Mày phải dạy quan Thư Lại trong dinh viết chữ CÁT CAO. Quan hỏi mày học ai mà biết thì cấm không được nói tên thầy. Mày bẩm với quan trên rằng do thần nhân mách bảo từ lúc mới ra đời. Kết quả là "nhân bảo như thần bảo", thằng bé được làm quan. Nó xênh xang áo mão về làng, cha mẹ nó mừng lắm. Nó hỏi đến thầy học thì được trả lời:
- Con đi rồi thì thầy cũng đi luôn. Thầy đi vào hướng núi không thèm nhận cả lộ phí.
Chuyện thật hay giả? Chuyện "Tiếu Lâm" do mấy anh đồ Nho cỡ Chiêu Lỳ Phạm Thái hay Hồng Sơn Liệp Hộ Nguyễn Du hoặc Hòang Quang tác giả Hòai Nam Khúc? Nào ai biết được.
* THƯA THẦY TÊN CON LÀ TRÒN...
Ông thầy cúng được gia đình người đàn bà trẻ góa chồng mời cúng sao giải hạn. Gia chủ tên Lê Thị Tròn. Thầy viết sớ bằng chữ Nôm, đến chữ TRÒN thì thầy khuyên một vòng tròn. Có con ruồi đực đậu vào "vòng tròn" còn ướt đẫm mực Tàu rồi bò ra kéo một vạch dài xuống. Trước bàn thờ khói hương nghi ngút, đèn nến sáng choang.Nữ gia chủ quỳ cung kính bên cạnh thầy cúng. Ông ta bắt chị ấy lễ, lạy, rót rượu, rót nước, cắm nhang lên bàn thờ rồi ê a đọc sớ. Đọc đến tên chị ấy thầy xướng là Lê Thị Gáo. Chị ta giãy lên đành đạch phản đối ông thầy rằng:
- Thưa thầy tên con là Lê Thị Tròn, thầy đổi là Lê Thị Gáo, thần linh đâu có ứng cho con, chồng con đâu có biết Lê Thị Gáo là con chết tiệt nào? Vậy Lê Thị Gáo là con chết bầm nào? Nó là vợ hai của chồng con từ bao giờ? Nó thuê thầy bao nhiêu để thầy thông đồng với nó để nhập vào cái nhà này hả? Ối giời ơi! Khổ cái thân tôi chưa? Tôi tưởng nó chung thủy nên tôi thủy chung thờ chồng nuôi con. Ai ngờ nó...
Ông thầy cúng đang ở tuổi sồn sồn còn rất khỏe mạnh, chỉ tôi mắt hơi kèm nhèm nhưng không đeo kính ngừng đọc. Ông lập uy quát lên:
- Mày mù chữ nhưng không mù mắt. Mày Lê Trôn Lê Tỳ, Lê la cà kếu thì kệ cha mày. Chữ nghĩa còn rành rành đây! Mày nhìn đi! Cái mả mẹ mày đây; Tròn gì mà lại có chuôi có cán. Mày có gào lên cho cả làng biết ông cũng đếch sợ, mày có giỏi thì kiện lên quan đi, mày có ngon cứ đạp đổ bàn thờ đi!...
Cụ đồ già trong làng được mời đến phân giải. Ông thầy cúng thú thực nho nhỏ với cụ:
- Con không biết viết chữ Tròn bằng chữ Nôm nên đã khoanh một cái. Nhưng khi nhìn vào sớ đọc thì thấy "nó" như cái gáo dừa nên đọc là Gáo.
Cụ đồ già thương anh nhà nho trẻ lạc thời lỡ vận, thiếu đức để "tiến vi quan, đạt vi sư" thiếu tài để làm bốn nghề cho người không đỗ đạt là Nho - Y - Lý - Số. Đã mạt hạng nên làm nghề thầy cúng rồi mà còn lơ đễnh, thiếu vốn sống nên bị tai nạn nghề nghiệp. Tháp tùng cụ đồ đi hòa giải "chùa" có mấy cao đệ của cụ. Các cậu ấy mắt sáng như "đèn bin" nên nhìn vào tờ sớ, ở "chữ Tròn" còn có ba cái cẳng con ruồi đực mất nết. Các cậu ấy đã bí mật bẩm với cụ đồ và cho cả ông thầy cúng nghe nguyên nhân gây ra cớ 'sự. Trước khi ra về, cụ đồ nói lời "vỗ an bá tánh":
- Chị Tròn! Lòng thành của chị thần linh đã thấu. Chồng chị đã cảm nên hiện hồn về ứng vào tên chị ở trong sớ là muốn chị cứ tròn mãi chứ không va chạm để móp méo, lại thêm cái cán dài vào Tròn để thành Gáo là nhắc nhở chị chớ có "khôn ba năm, dại một giờ" mà mất đi tiết trinh của đàn bà nước Nam ta. Nghe chửa!
- Bẩm cụ đồ dạy chí phải. Con xin nghe để quyết giữ cho trinh bạch.
Ông thầy cúng cũng cuốn gói bước vội theo thầy trò cụ đồ. Đến chỗ có rặng tre che khuất, ông ta quỳ xuống hành đại lễ, lễ cụ một lễ rồi ù té chạy như ma đuổi. Hành động của ông thầy cúng, cụ chỉ mỉm cười. Cụ tâm sự như tự nói với mình nhưng mấy đệ tử theo hầu vẫn nghe rõ: "Chữ Nôm hay chữ Nam? Ha! hà... Hay thì có hay đấy nhưng chỉ có các bậc chân nho thực học mới dụng được. Còn dở thì dở lắm! Ông thầy ;cúng chưa chắc đã biết Thái Thượng Lão Quân tên thực là gì. Chưa chắc đã đọc hết Đạo Đức Kinh, còn ông ta mà hiểu được những uyên áo trong kinh thì đã không làm thầy cúng. Chữ nghĩa của ông ta chỉ đủ để điền vào chỗ trống của sớ có sẵn cũng không xong mà dám báng bổ thần thánh thì to gan thực!"
Một anh học trò đánh bạo thưa:
- Bẩm thầy, con cứ nghe mãi cái chuyện "nôm na mách qué". Chỉ có chữ nghĩa của thánh hiền là Hay thôi phải không ạ.
- Chữ Nôm căn bản vẫn là chữ Nho. Chỉ "mách qué" với những lọai như ông thầy cúng vừa rồi thôi. Còn cái chữ mà ta quen gọi là chữ thánh hiền là chữ Nho tức là Nhu. Cái ông Khổng Tử chỉ là người san định lại Kinh Xuân Thu nước Lỗ nhỏ bé ở bên Tàu. Vua nhà Hán lợi dụng chữ Nho rồi chiếm lấy luôn, bắt mọi người phải gọi là chữ Hán. Nhà Hán chỉ là một triều đại của nước Tàu. Các anh phải cố học để "cách vật trí tri", phải học phải ngẫm lời Lão Tử phê phán Khổng Tử rồi chính Khổng Tử đã tự phê... Chỉ tiếc nước ta mới chỉ có một tướng Lý Thường Kiệt, một vua Quang Trung.
Chuyện đang dở dang thì đã về đến cổng nhà thầy. Tất cả đưa thầy 'đồ đến tận cửa nhà rồi mới cáo thóai ra về. Sau này có một thành ngữ: "Chuyện ruồi bu" chắc là do từ cái vụ việc Tròn hóa thành Gáo mà ra.
****
Tây sang đô hộ, phong trào để răng trắng cắt tóc ngắn, học chữ quốc ngữ rồi chữ Tây. Ai không bắt được nhịp sống mới ấy đều bị cho là hủ Nho là nhà quê. Những người học để trở thành Y Nha Dược Sĩ, Kỹ Sư, Giáo Sư, Luật Sư để tranh đấu với Tây còn quá ít. Trung bình là lọai chuyên viên các nghành nghề, thư ký thông ngôn được tôn vinh là quan Tham, quan Phán. Hạng bét là bọn bồi, bếp, lính khố xanh khố đỏ... tuyệt đối trung thành với các quan Đại Pháp. Nhưng lóang thóang vẫn có những ông Đội Cung, Đội Cấn... Hai phong trào Đông du rồi Tây du đều có những rực rỡ, bọn "chồn lùi" và kẻ thù phải khiếp sợ ý chí cang cường của các Đấng, các Bậc đạt nhân quân tử làm "quốc sự". Những đau thương mất mát của thời vong quốc ấy biến thành tinh hoa, trở thành keo sơn gắn kết trong quốc dân đồng bào. Các cụ hy vọng như thế và vững tin rằng:
Tinh hoa địa tại chung lai phục
Mỹ chủng căn tồn hạnh vị lưu
Phan Sào Nam
Trên đây là hai câu Luận trong bài thơ cuối cùng của Đức SÀO NAM gửi lại cho cháu con Việt Nam. Chính người đã chuyển sang Quốc Âm:
Đất còn màu mỡ cây còn tốt
Giống vẫn tinh dòng rễ vẫn dai
Cụ Phan và các cụ đâu ngờ đất đã cằn, cây đã cỗi. Nòi giống cũng có thể suy tàn nếu như tòan thể quốc dân đồng bào tụng mãi mô Tàu thức Tây thì làm gì còn nền móng mà vững bền nữa.
Ngày "Quốc bộ gian nan" ấy; có nhiều chuyện ẩm ương dài dài theo năm tháng.
3. TIẾNG TÂY BỒI
Từ sông Vị. Nhà nho Trần Tế Xương đã phải thét lên:
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
Thế mà cũng có lúc cụ Tú phải cảm thán cho mình hay cho đời: "Văn có hay đã đỗ làm quan võng điều võng tía. Võ có giỏi đã ra giúp nước khố đỏ khố xanh"
Võng điều võng tía là phương tiện chuyển dịch của các quan ta đang cộng tác với "Tân Trào" vẫn ra vẻ vì dân vì nước phải gánh vác. Khố đỏ khố xanh là lính tráng theo Tây đi đánh dẹp phá phách, bắt bớ ở Bãi Sậy, ở Yên Thế, ở Vụ Quang(!)
Sách sử không thấy ghi chép cái thời Tàu xâm lăng có người Việt nào cam tâm đi làm Thông Ngôn cho nó hay không? Còn ái thời Tây xâm thì thượng vàng hạ cám hay dưới cả cám nữa là quý vị Thông ấy, thông sai thông ẩu mà quan Tây, chủ Tây vẫn hiểu.
* ĐẦU THÚ
Giờ làm việc của Ty Mật Thám ở một tỉnh miền Trung. Anh Mật Thám Ta dẫn một người chán cảnh tranh đấu về hàng giặc. Chữ nghĩa Việt Nam ngày đó gọi là Đầu Thú tức là mang đầu về thú tội. Mật Thám Tây hất hàm hỏi:
- Nó là ai? "Ki- e- sơ- ki"?
Mật Thám Ta đáp:
- Mông xừ! Lúy: tết- a- ni- man.
Quan Tây hiểu liền. Người về Đầu Thú ấy phải làm thủ tục khai báo để "đới công chuộc tội".
Chuyện này tôi nghe "quan năm" Trịnh Thiên Khoa kể trong một bữa nhậu ở Đà Nẵng từ 1970.
* LÚY MẮM SỐT BỚP
Tại nhà một Tây Đoan ở một huyện bán sơn địa phía Bắc. Có con cọp vằn chui vào khuôn viên từ bao giờ mà đang gầm gừ nhe nanh, đang sắp vồ cậu PÔN con chủ. Anh Bồi Bếp dậy sớm nổi lửa chuẩn bị đồ ăn sáng cho chủ nhìn thấy. Anh ta xông vào phòng ngủ của vợ chồng chủ nâng đầu ông chủ dậy.
Bà chủ hét lên. Ông chủ "ban" cho anh ta một cái đạp té lăn cù. Anh ta đừng dậy sọng một hơi, vừa run run như gà bị cắt tiết đang giãy chết, chân tay múa máy diễn tả cộng với miệng lắp bắp:
- Me xừ! Lúy mắm sốt bớp... lúy ba bớp. Lúy tí ti dôn. Lúy tí ti noa. Lúy măng dê moa. Lúy măng dê me sừ. Lúy lúy...
Tây Đoan nắm vững vấn đề ngay, vội vàng lấy súng săn hai nòng ra bóp liền hai phát chỉ thiên. Con cọp vằn nhảy vút qua tường rào biến vào rừng.
Ngày ấy chưa có bia "tai-gơ" để anh Bồi Bếp được "Giáo cụ trực quan" nên anh phải "bẩm" với me xừ rằng: Nó như con bò mà không phải con bò. Nó có tí vàng vàng lại có tí đen đen. Nó ăn tôi, nó ăn ông, nó ăn Pôn.
Chỉ tội nghiệp con bò, trước khi bị xả thịt thì phải kéo cày kéo xe, vô duyên vô cớ vướng vào chuyện cọp vằn ở nhà anh Tây nhà Đoan trên Quốc lộ 18 cạnh chợ Cột huyện Đông Triều tỉnh Hải Dương cũ. Người sọng tiếng Tây là "ông Bếp Hưởng" dân chợ Cột, Đông Triều. Chuyện xảy ra trước năm 1945.
4. THI CA PHÁP NAM ĐỀ HUỀ
Tiếng Tây "nói" bằng miệng có tay phụ giúp để Tây hiểu đã là khá lắm rồi. Còn không cần múa tay, Tây vẫn nhận đủ chi tiết báo cáo công việc mới tài.
Một đòan tù nhân vì tội yêu nước phải đi lao động. Tóan 9 người được giao cho một thầy Cai (Hạ Sĩ) quản lĩnh. Quan Tây hỏi thầy Cai việc phân công. Thầy Cai đứng nghiêm "lập bộ" rằng:
- Mông-xừ! Xanh-cu-li chan chát, cát-cu-li bồm bộp, tức là 5 cu li chặt tre, chặt tre thì tiếng động phát chả chan chát là gì, 4 cu li đào đất cứng chả chả vang lên tiếng bồm bộp hay sao.
Chỉ hiềm thầy Cai ấy gọi những người đi tù vì yêu nước hay yêu nước mà đi tù là cu li.
* ÂM TÂY CHỮ TA
Thế chiến thứ nhất (?) hay chiến tranh Pháp - Đức, Việt Nam ta phải góp cả nhân lực tài lực cứu nước Pháp bằng khẩu hiệu hô hào đóng góp: "Rồng Nam phun bạc đánh bại Đức tặc". Đức tặc bại thật. Khẩu hiệu được thể hiện trên tạp chí Nam Phong do "Quan Chánh Mật Thám Marty sáng lập". Chủ bút Nam Phong là nhà văn hóa Phạm Quỳnh cho đăng bài "bài hát tiếng bồi này là tác phẩm của một ông quan ở Nghệ, nơi Marty làng Công Sứ":
MỪNG ĐÌNH CHIẾN
Năm min-nớp-săng-đít-lớp
Lễ cắt-tót mà gặp phép đờ-pe
Bốn năm tròn, một trận la-ghe
Vích-toa đó công-phê-ly-xít
Pháo nổ bê-ta, đèn lăng-téc
Cờ bay ê-xéc, súng ca-nông
Suốt toa-dua, lạc dữ dân đồng
Khắp một tỉnh, tú-lơ-mông mừng rỡ
An-măng xẹp nhờ oai bảo hộ
Su-vơ-nia này, xin chúc mừng
Vi-vơ-la-phơ-răng!
Trong CHƠI CHỮ trang 60, Học giả Lãng Nhân có ghi nhận: "Cờ bay mà là ê-xéc nghe cũng đã ghê, nhưng chưa rùng rợn bằng vích-toa đó công-phê-ly-xít! Âu cũng là một sự khổ tâm cho họ Phạm, bị bó buộc phải đăng tải bấy nhiêu đó trên tạp chí mà ông đang đóng vai trò "học phiệt"!"
* TÂY TA SÁNH BƯỚC.
Cùng thời với bài hát Mừng Đình Chiến của vị quan lớn trong Nghệ. Người ta còn được nghe:
ME TÂY RU CON
Cút-xê đồng, mông se pơ-tí
Manh-tơ-nằng, phi-ní pa-pa!
ME TÂY TIỄN CHỒNG VỀ PHÁP
Sao toa vội trở gót ăn-phoong?
Bạc bẽo làm chi hỡi đí-đoòng!
Chắp cánh bay cao lòng cá-nác
Dừng chân đứng lại phận cô-soong
Sụt sùi moa những nhìn la-pốt
Năn nỉ sừ ơi nỗi lạc -gioòng
Một tiếng ô-voa khôn kể xiết
Xa người xa cả cán ba-toong
THƠ THĂM CHỒNG TÂY
Đê-cờ-ri tình thơ uynh-lét
Để cho mình con-nét mông cơ
Từ khi mình kít-tê dơ (ý hẳn là je)
Bon-nơ cũng lắm, ma-lơ cũng nhiều!...
Lạnh lùng một mảnh sơ-mi
Li-ve trằn trọc lơ-li một mình
Loanh-tanh ai có thấu tình
E-me đến nổi thân mình biểng-pan!...
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà! Cơm nhà quà vợ, nếu không ăn ở nhà thì ăn ở mô? Tháng Hai cờ bịch thì làm gì có "Vé" để vào các "Cờ-lớp VIP". Lạng quạng chắn cạ hay sạc bài cào mà bị lính kín lính hở tó thì ba xu danh dự còn lại cũng cạn láng. Cá độ bóng đá, chơi xổ số với số đầu số đuôi đã nhiều trự đi ăn mày rồi. Buồn buồn đọc lại mấy chuyện lăng nhăng cho nó có "Văn Hóa Phẩm" một tí tẹo thì thấy: Các me Tây thím Khách xưa đồng dạng với cánh "chị em ta", các "bả" nhất định không thèm biết chữ Nho rồi chữ Quốc ngữ. Vì thế, nhất định từ các Me ru con đến các Me tiễn chồng Tây lại về Tây ắt là do các đấng trai trẻ có chữ nghĩa phóng bút diễu đời chơi cho đỡ buồn. Kể cả cái thơ thăm chồng Tây được "thi hóa" bằng hai ngôn ngữ cũng niêm luật Ta và mẹo luật Tây, khác xa với "Bài Hát Mừng Đình Chiến" chữ nghĩa lổn nhổn.
Không biết các chàng trai Việt ấy có được các Dương Phụ cho xơ múi gì không mà có bài cảm thán hạ quyết tâm dùm:
Moa kít-tê vu mạch-tờ-nằng
Mô Phật, mô pháp, nam mô tăng
Giọt nước cành dương, ừ tốt-tốt!
Đồng hồ quả quýt ném phăng-phăng
Các sừ hết ngõi me dài tóc
Cửa Phật rầy thêm vãi trắng răng
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn
Mặc ai cẩm-nách với a-măng!
Chữ nghĩa Nho nhe, Nôm na, rồi Quốc ngữ, Tây ngữ cũng đều có vang bóng một thời, còn lưu lại đâu đó những buồn vui như chữ Quốc ngữ trong các I MEO bây giờ. Chuyện vui trở thành buồn rồi lại vui ở bức Điện Tín, người bình dân gọi là Dây Thép hay là Tê-Lê-Gầm.
* VỠ ĐÊ
Ông chủ nhà người vùng chiêm trũng Bắc Việt ra Hà Nội buôn bán phất lên giàu có đã mua vài chục mẫu ruộng đất ở quê. Anh học trò con ông Chánh Tổng bá hộ trọ ở nhà ông. Ông chủ nhà ký nhận dùm cái Dây Thép cho anh học trò đang đi chơi vắng. Ông đọc và đinh ninh rằng VỠ ĐÊ, mà đê vỡ thì sản nghiệp ông ném ra đồng ruộng đội nón ra đi! Ông khóc than và ba chân bốn cẳng chạy về quê hòng vớt vát. Về đến nơi, đê vẫn vững. Lúa sắp chín đang trĩu hạt trên các thửa ruộng của ông và khắp cánh đồng. Ông cởi bỏ khăn áo, phanh ngực đứng trên đê đón từng trận gió cuối Thu cho ráo mồ hôi rồi vào làng hỏi cho ra cớ sự cái vụ VO DE. Anh học trò hôm sau cũng về tới nơi. Cả nhà đng chuẩn bị ăn mừng vì bố mẹ anh ta có "đích tôn thừa trọng". Ông Chánh Tổng Bá Hộ vì quá mừng và theo văn minh, báo tin cho con trai, bố thằng cu . Nhân viên nhà Dây Thép ở Huyện lị viết dùm và gởi đi hai chữ VỢ ĐẺ nhưng chữ không có dấu nên mới bầy ra sự khóc cười.
***
Chuyện cũ chuyện mới giới hạn trong vòng 5 hay 7 thế kỷ trở lại đây là muốn ngoi lên được cừ phải là biết thật nhiều "Mô Tàu Thức Tây" mới mong đạt thành chánh quả! Chuyện mới mới cứ tân nhật tân của thiên niên kỷ này là"@ yahoo. com" và còn biết bao nhiêu cái mới kế tiếp nữa? Người Mít Dai như chúng tôi gọi là hay phát âm là "A khoanh" vì nó ở trong khoanh tròn hoặc "A còng í à hu chấm còm". Già trẻ lớn bé bây giờ ai không biết không hiểu thế nào là A Còng với Chấm Com là chậm tiến, là đồ phế thải. Đó là nguyên nhân và hậu quả của sự phân chia giai cấp, phân biệt "sang hèn" dẫn đến hệ lụy là: "Cách cái mạng chó" của nhau đi theo ngôn ngữ của ông Tàu Lỗ Tấn. Thành thử; nòi giống Tiên Rồng đích thực từ Huyền Tích đã phải phân tán mỏng để mưu sự trường tồn cho trăm ngàn vạn ức đời sau. Theo Phạm Trần Anh, ông đã "khảo" đống sử liệu mốc thếch đại vương thì nòi Bách Việt ta đều Anh Hùng Anh Thư cái thế cả. Sau khi "chia phôi một mẹ trăm can, đã đi rồi!". Đi muôn nơi để khai cơ kiến nghiệp, để thành các quốc gia ngòai hải đảo, trong rừng sâu núi thẳm rải rác từ Á sang Âu sang Mỹ... Căn cứ vào đâu mà "ngôn" như rứa? Thì cứ "Đo chỉ số sọ. Thì cứ xét C14". Đến một ngày đẹp trời nào đó, các anh chị em ở muôn phương tìm về NGUỒN thì Bách Việt Bách Hoa Khai Phú Quý- Tiên Long Muôn Ức Đại Gia Thanh.
Việc đo, việc tìm về NGUỒN CỘI có đến sớm hay không còn tùy ở tâm tình những người thực là người. Còn những ngợm thật tài thật giỏi lại cứ cái mửng tự tư tự lợi, cứ khuếch đại, khuếch tán các sự hiềm khích nhỏ để làm nên một sự một việc đại bất hòa thì còn lâu mới có sự nhìn nhau là anh em cùng một bọc (đồng bào).
Tháng trọng Xuân, ngày mùng 6 hằng năm là ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng, ngày phụ nữ Việt Nam, ngày Quốc Lễ. Nhưng sau 30.04.1975 ngày 6 thánh Hai âm lịch không phải là ngày Quốc Lễ nữa. Trong dân gian vẫn tế lễ theo nghi thức cổ truyền (Ở Hát Môn - Sơn Tây ngày 6 tháng 2. Ở Đồng Nhân - Hà Nội 6 tháng 3). Người Bắc kỳ ở Sài Gòn dù 9 nút hay 3 nút đều cung kính cử hành Tế Lễ Trưng Nữ Vương theo dân Sơn Tây - Hát Môn (6 tháng 2).
Tháng quý Xuân, ngày 10 tháng 3 là quan trọng nhất. Ngày kỷ niệm Quốc Tổ Hùng Vương
Dù ai buôn bán trăm nghề
Ngày kỷ niệm Tổ: Hướng về Phong Châu.
Về Phong Châu, về Nghĩa Lĩnh đâu phải là dễ. Muốn lắm mà không về được thì đành phải nghĩ: "Con đâu cha mẹ đó" nên đã có Tế Tổ ở khắp nơi, dâng lên Tổ bánh dày bánh chưng, trầu cau, rượu gạo nếp là căn bản. Các món khác tùy Đền Miếu có khả năng nhiều ít mà bày biện. Người ta dâng lên Quốc Tổ lời cầu xin gia hộ cho quốc thái dân an, phù hộ cho sống lâu giàu bền, thăng quan tiến chức.
Riêng tôi chẳng dám xin Quốc Tổ cho nhiều vì phúc mỏng đức bạc, vì tài hèn sức mọn sao mà "hưởng" như người ta. Chỉ cúi xin tiên tổ ban cho
một ước vọng từ nay tất cả anh chị em họ Hồng Bàng hãy dẹp tị hiềm, đừng tự tư tự lợi để làm nên một sự Đại Hòa.
* Danh Nhân Tự Điển: Nguyễn Huyền Anh
* Vân Đài Lọai Ngữ: Lê Quý Đôn
* Chơi Chữ: Lãng Nhân
* Sưu Tập riêng: Hòang Vũ Đông Sơn
* Quốc Tổ Hùng Vương: Phạm Trần Anh