Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NHẬT NGUYỆT BUỒN NHƯ NHAU



                    

MỜI QÚY VỊ MỞ NGHE: tiếng violon của Thu Vân.


L ời ghi Clip 1.

  Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau 40 năm sau tại thính phòng khách sạn Palace Dalat, July 25, 2015 thứ Bảy. Tango Argentina Uno (mất đoạn đầu) và Tango Tristesse Chopin (mất đoạn cuối). Trong đời tôi, cái gì cũng dang dang dở dở…

Piano: anh Phùng Kim Ngọc.

Violon: Thu Vân.

(Vân San quay clip)

 

* * *

Đêm qua (Nov. 23, 2021) nằm nghe lại tiếng violon của buổi July 25, 2015 mới thấy rằng lời anh nhận xét (với Túy Tâm, lần đầu mời anh đến nghe tại Palace) là ĐÚNG:

“Tiếng đàn Thu Vân khác xưa nhiều lắm.”

“Khác thế nào?”

“Ngày xưa lãng mạn phiêu bồng, còn ngày nay nỗi thống khổ sâu dầy bám lên trên từng note nhạc.”  

+ Uno là bản Tango Argentina đầu tiên anh chép tay cho tôi vào một đêm mưa buồn tháng Mười năm 1974 ở căn nhà 7B Quang Trung Nha Trang với lời nói quả quyết: “Em đã đặt chân vào giới dancing thì anh sẽ mở ra cho em một cánh cửa thật huy hoàng, tất cả các nhạc sĩ trong ban, kể luôn anh, sẽ đệm, đưa tiếng violon lên tới đỉnh cao ngưỡng mộ của giới sống về đêm.”  

+ Cũng Uno (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa Một, Duy Nhất), ở lần GẶP LẠI NHAU tại khách thính Palace, Dalat, tháng 7/2015 (tâm hồn tôi đang tan hoang từng mảnh), Túy Tâm xin nghe anh đàn với violon. Chú Võ Hiền nhường chỗ...

Tôi ngỡ ngàng không dám nhận cũng không từ chối. (Anh bỏ đàn từ khi tôi bỏ Dalat tháng 5/1975)...

Anh hỏi: “Em còn nhớ Uno?”

Tôi không gật cũng không lắc. (Mấy chục năm qua, tôi chẳng hề đàn đến Uno).

Anh bắt ngay vào bản, tôi cũng bắt theo. Bản nhạc hoàn hảo đến không ngờ!

* * *

Bây giờ nghe Vidéo clip San quay đêm July 25/2015 mới biết: “Trong tim anh vẫn giữ kỷ niệm của bản Tango Argentina RẤT ĐẦU TIÊN anh đưa tôi”.

Khi Violon chạy nhịp (tâm trạng hụt hẫng), Piano bao bọc ngay bằng những accord mạnh mẽ, những cú giật tango uy lực, những contre-chante âu yếm che chở, nhịp điệu sít sao chắc nịch (như cái ôm thật sát của người tình –y hệt ngày nào trên sân khấu Duy Tân).  

Kết quả của những vỗ về vừa mạnh mẽ vừa dịu ngọt của Piano qua Uno đã cởi ra được trọn vẹn nỗi lòng đau khổ của Violon qua Tristesse Chopin tiếp theo.

Tri âm là thế! Trong Âm Nhạc hay Văn Chương, thật rất cần tri âm, tri kỷ.  

*/ Hãy thử đặt hai giọng đàn đau khổ (thời kỳ rơi rớt 2015) vào những đêm tháng 1/1975 trên sân khấu Duy Tân, tài năng đang độ sung mãn, Piano và Violon “đối đầu” nhau chan chát qua Sombre Dimanche, qua Ai Nói Yêu Em Đêm Nay, mới có thể đo lường được sự “nhức nhối” trong tim người nghe cao đến chừng nào!

* * *

+ Tristesse Chopin là bản Trần Phụng Hà rất yêu từ tiếng violon tôi khi tôi 18 tuổi. Mùa hè 2015, nỗi đau đớn của “gà mẹ mất con” làm âm thanh Tristesse não nề quá!

* * *

Bây giờ, những kẻ tri âm hiểu tiếng đàn tôi như anh Phùng Kim Ngọc, như Trần Phụng Hà, như Nguyễn của Trân Sa, như con gái Âu Cơ, cả như Phạm Thái Chung, tác giả “Người Đàn Bà Trong Căn Nhà Những Người Trăm Năm Cũ”, … biết tìm thấy nơi đâu?!

[]

Lời ghi clip 2:

TIA LỬA MONG MANH  

(Đoản văn dưới đây là khúc mở đầu truyện dài The Choking Sound -Âm Thanh Thống Khổ- mà ÂU CƠ khởi sự viết từ mùa hè 2000 trong dịp nghỉ hè Dalat, khi 14 tuổi, cảm hứng từ tác phẩm Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau của mẹ, kể về mối tình đau khổ cũ...)  

 (TTBG chuyển Việt ngữ)  

(Kính tặng Bác Phùng Kim Ngọc, Dalat.)  

Một người đàn ông và một người đàn bà tìm đến với nhau trong cùng một định mệnh: Âm Nhạc. Ngay lúc khởi đầu, một tình yêu mạnh mẽ đã thắt chặt hai tâm hồn. Mối tình kỳ diệu này giống như một buổi chiều tàn, thật gần gũi mà cũng thật là xa thẳm... Mối tình đẹp lẽ ra làm lu mờ những kẻ chung quanh bằng ánh sáng chói lòa của nó thì lại bị bóp chết do bởi lòng ghen của một kẻ thứ ba...

Ba mươi năm trôi qua, Thời Gian đã tàn phá hai người nghệ sĩ. Trái tim trẻ trung ngày nào phải hứng chịu biết bao thống khổ cuộc đời. Với họ, tuổi trẻ chỉ còn là kỷ niệm, những kỷ niệm từ từ phai nhạt... Nhưng còn ngọn lửa đó, nỗi khát khao theo những tiếng rung của các sợi giây đàn vĩ cầm và sự mềm mại của những phím dương cầm vẫn sống trong họ. Sự run rẩy mê hoặc của những nốt đàn vẫn đè nặng trái tim họ, đêm lại qua đêm! Ngọn lửa của chàng thì đã gần lịm tắt, những cảm xúc và đau khổ được chôn giấu dưới đáy tâm hồn. Người nhạc sĩ từng một thời hào hoa chói sáng bây giờ bị bao kín lại trong tâm cảm riêng, không thể nào gỡ thoát, ngoài một xác thân hiện hữu. Nhưng còn ngọn lửa trong tim, chàng vẫn cố gắng không để tắt...

Nàng mạnh hơn –vẫn tiếp tục sống còn trong sự mất mát nghệ thuật bằng cách kiếm tìm và kiếm tìm hoài những gì có thể làm đầy cái trống rỗng không cùng đó. Vẫn cố gắng để chụp bắt lại “tình yêu mỏng manh” kia.

Nàng là mẹ tôi. Từ nàng, tôi nhìn ra một sự mất mát rất lớn, nỗi tuyệt vọng thật sự của một người nghệ sĩ không thể phô bày nghệ thuật của họ được nữa. Mọi nỗi buồn bị nén lại, những giọt nước mắt bị cầm giữ, nhưng còn tia lửa mong manh, nàng vẫn cố gắng duy trì, không muốn để mất đi cái phần thân thiết như thân xác ấy. Âm nhạc là người tình muôn thuở. Người yêu đầu tiên và cũng là cuối cùng của đời nàng.

[]

(Đọc lại những lời con gái viết vào buổi chiều trước lễ Thanks Giving, lá rụng đầy sân, bầu trời xám xịt, y như chiều Ba Mươi Tết trong quê hương, y như cõi lòng tôi LÚC NÀY.

Suốt hai ngày ngồi nghe kỹ từng cái clip San quay tối July 25, 2015, dài ba tiếng đồng hồ, đàn với chú Hiền và đàn với anh Ngọc, mới nhận ra càng nhiều hơn tấm tình của anh qua các bản đàn anh đệm cho tôi. Tiếng piano như nâng niu bao bọc tiếng violon mỏng mảnh, chân không đạp pédale để làm “chết” tiếng violon da diết, cho dù ở ngày xưa 1974 hay muộn màng níu kéo ở bốn chục năm sau, 2015...)

Trong clip này, bài Over the Rainbow tôi rất yêu mến, bị mất đoạn cuối. Âm nhạc cũng dang dở, như mối tình Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau 8 tháng dở dang!  

(Nov. 24, 2021)

[]

Lời ghi clip 3:

NGƯỜI TÌNH ÂM NHẠC.  

Hai giờ sáng Thanks Giving 2021 thức giậy, nằm nghe cái clip cuối cùng (up-load bên dưới). Càng nghe càng não nuột buồn theo hai chữ Định Mệnh. Âm Nhạc là “người” tôi chọn từ thuở mới lớn. Âm nhạc thực sự hiện thân qua anh Phùng Kim Ngọc năm xưa ở Dalat. Âm nhạc vẫn đeo đuổi tôi những năm tháng phong trần sau khi bỏ anh, bỏ Dalat ra đi. Năm năm lưu diễn Nước Chảy Qua Cầu, cây violon vẫn là vật cầm tay, theo tôi khắp đầu ghềnh cuối bãi. Qua đến Âu Châu, Âm nhạc bắt đầu thành hình cho nỗi đau lấp ló sau lưng. Nhưng tôi biết nó KHÔNG chết. Để rồi, như lời Túy Tâm mùa hè 2015 ở Dalat: “Trong nhiều mối tình của chị, chỉ có tình dành cho Âm nhạc mới là đặc biệt. Các người tình đến rồi đi, chị không lưu luyến, không níu kéo. Riêng với tình cho Âm nhạc, khi có dịp gặp là chị vẫn chụp bắt say mê như thuở nào.”  

Cái tình được “chụp bắt” ấy, không phải ai cũng là đối tượng, ngay cả anh Ngọc ở thời điểm 2015. Nhưng, khác hơn tất cả những ai từng đệm dương cầm cho tiếng violon tôi, chỉ riêng anh mới có được sự “sống lại” một cách thật ngậm ngùi về phía tôi (lẫn cả phía anh).

Tôi từng đàn chung với nhiều nhạc sĩ, có những người rất nổi tiếng. Kết quả chỉ là “anh đường anh tôi đường tôi”. Điều này, suốt ba ngày nghe đi nghe lại các cái clip đàn với hai con người khác nhau, anh Ngọc và chú Hiền, tôi càng nhận rõ hơn.  

Tháng 11 năm 1974, ở Dalat, anh Ngọc đưa tôi bản Tango Argentina Blue Sky, cung Fa thứ (4 bémol) trong một buổi tập tại dancing Duy Tân. Điểm độc đáo của loại Tango Argentina nằm ở chỗ: hai bè Violon và Piano đều là chính; note bè này vừa dứt là note bè kia chụp nhanh vào, hai giòng âm thanh quyện nhau thật khít khao, quyến rũ. Phải là tay vững nhịp lắm mới làm hoàn tất được cái lôi cuốn đó.

Bữa ấy, đàn lướt qua giai điệu Violon, trái tim tôi bị chụp bắt liền. Anh tập với tôi suốt sáng; tối đó biểu diễn ngay trên sân khấu; bạn bè và khách nhảy nghe, đều xúc động.

(Về sau, một đêm tan dancing, ngồi ăn xôi ở khu Thủy Tiên, anh Thiếu tá Quí nói với anh Ngọc: “Tiếng đàn Thu Vân rõ là có ma lực. Đang say ngất ngư mà vào Duy Tân nghe tiếng violon, tỉnh liền!” Anh Đại úy Nhiệm thêm: “Ma lực nhất là khi Thu Vân đàn Tango Blue Sky, chỉ muốn ngồi nghe mà không muốn nhảy.”)  

Buổi đầu tiên trình diễn Blue Sky, trở về cái tổ ấm 33 Phan Đình Phùng, tôi nói với anh: “Từng người tình đi qua đời em đều được em đặt tên bằng một bản nhạc. Blue Sky có âm điệu buồn man mác nhưng không kéo tâm hồn đi xuống khi nghe nó, mà chỉ thấy trong tim nổi lên cái đẹp đâu đâu của lòng thương xót. Bản này em đặt tên cho anh.”

Anh mỉm cười: “Anh mong rằng Blue Sky không có địch thủ.”

Những lời nói đùa của thuở mới đi vào đời nhau, về sau lại trở thành lời nói thật cho CẢ HAI suốt mấy chục năm dài. Blue Sky KHÔNG có địch thủ thật. Chưa người pianiste nào (dù tên tuổi đến đâu) có thể đệm Blue Sky cho tôi, kể từ đó. (Khoan nói đến nhiều bản Tango Argentina khác anh từng đàn với tôi). Mỗi khi cầm lên cây violon, Blue Sky vẫn là bản được tôi tấu đi tấu lại. Các phần đệm khít khao của piano nâng niu cái mỏng manh của tiếng violon bấy giờ được tôi thay vào các note pizzicato (búng giây). Như vậy, tôi một mình hoàn tất Blue Sky, hoàn tất tình yêu năm cũ với Âm nhạc, với anh, mà không cần có ai đi theo bên cạnh.

* * *

Đêm 25/7/2015, ở cái clip sau cùng, có hai lần chơi Blue Sky.

+ Blue Sky lần đầu: Tính trách nhiệm và hòa hợp tình yêu hiện rõ trong hai giọng đàn: lúc Violon quên câu nhạc thì Piano đỡ ngay, xong suốt tới hết bài. (Sự kiện Violon quên câu nhạc có phải biểu tượng cho biến cố bất ngờ 30/4/1975 để Violon phải bỏ ra đi?)

Khi Violon lấy nhanh được thăng bằng thì đôi lần ghìm nhịp đỡ cho Piano. (Nhờ vậy mà hai bài kế tiếp La Cumparsita và Lime Light ăn khớp hoàn hảo. Đặc biệt Lime Light, hai giọng đàn đều buồn da diết, nói lên tâm trạng đau khổ không ngừng của người nghệ sĩ. Trong La Cumparsita, tiếng la hét của con nít phía sau có phải là "những nhũng nhiễu hôn nhân về cả hai phía?" Dù vậy Âm Nhạc vẫn giúp họ vượt qua bằng sự chắc nhịp.)  

+ Blue Sky lần hai: Khi anh đứng lên định rời ghế đàn thì tôi (một cách ngoan cố) xin anh đệm Blue Sky. Bây giờ đôi lần Piano rớt hay quên câu nhạc, tức khắc Violon ghìm nhịp, dùng kỹ thuật pizzicato đỡ ngay.  

*/ Blue Sky dứt, tôi chuyển liền qua Nửa Hồn Thương Đau. Lạ thay, mãi đến note cuối cùng của bản này mới hết phim.

Đêm qua, nghe lại, chợt nhận ra điều kỳ cục:

-Trong ba tiếng đồng hồ, mọi cái clip quay tôi với chú Hiền, câu nhạc đều hoàn tất.

-Còn ba lần đàn với anh, cái nào cũng đứt phim, không đầu thì cuối... bản nhạc trở thành dang dở... Chỉ mỗi clip cuối mới suông sẻ với tiếng violon não nùng trong Nửa Hồn Thương Đau. Điều đó có phải nói lên rằng: “Định Mệnh đã buộc mỗi người Tôi-Anh đều BỊ MANG số phận PHẢI TỰ MÌNH HOÀN TẤT cái nửa-hồn-âm-nhạc-thương-đau của riêng mình ở đời kiếp này?” Có lẽ!

* * *

*/ Nhận định 1 (chiều hôm qua, Nov. 23/2021):

Văn là người. Âm nhạc là người. Tiếng đàn tôi là Tôi (dứt khoát, mạnh mẽ, nhưng da diết buồn rười rượi).

Năm xưa bạn bè bảo: “Đàn ông nghe TVân đàn thì rất dễ mê TVân. Còn đàn bà nghe, dễ ứa nước mắt”.

Điều đó đúng, bởi vì ba hôm nay, tôi cứ ứa nước mắt, không những vì thương tiếng violon mà còn nhớ cả tiếng-piano-tri-kỷ đã lạc mất nhau từ đêm cuối cùng 19/3/1975 trên sân khấu Duy Tân.  

*/ Nhận định 2 (đêm nay, ThanksGiving): Bản-chất-ngựa-bất-kham-tôi suốt đời đi tìm một tay nài giỏi đã biểu hiện rõ ràng ở BA bài cuối.

1/ -Lime Light (điệu Boston) và Blue Sky (Tango Argentina), tiếng đàn thật buồn nhưng quả quyết, nói lên sự vững vàng tâm lý (8 tháng trong mối tình Nhật Nguyệt và 26 năm từ khi Âu Cơ chào đời cho đến lúc nó bỏ đi.)

-Tính “Trách Nhiệm, Chịu Đựng và Lầm Lũi Một Mình” của Violon tỏ rõ bởi sự chắc nhịp nơi những khúc chuyển, trong khi Piano chới với. Một lần Violon phải kéo thêm một phách cho Piano vào kịp.

-Blue Sky lần đàn thứ hai, Piano ổn hơn.  

2/ Nửa Hồn Thương Đau là kết quả dấu vết của hai lần tan hoang rời rã (tháng 5/1975 tôi bỏ Dalat và tháng 12/2014 Âu Cơ quay lưng bỏ tôi), tiếng Violon điển hình cho sự tuyệt vọng, buông xuôi. (Thời điểm July 2015, tâm trạng “gà mẹ mất con” lên tới đỉnh điểm, vì vậy Âm Nhạc đã đưa tay cứu vớt qua cuộc gặp và trình diễn lần đó với anh.)

Âm Nhạc cũng như Văn Chương: Điều quan trọng là “chụp bắt được trái tim người nghe, người đọc” qua câu văn, tiếng đàn đơn giản, không cần phải phô trương techniques.

Tiếng violon và cả piano trong Nửa Hồn Thương Đau đã cho thấy sự tuyệt vọng tận cùng của hai người nghệ sĩ. Đó cũng là chủ ý của tác giả Phạm Đình Chương trong câu nói với ca sĩ Duy Quang: “Sau Thái Thanh, chỉ mỗi tiếng đàn Thu Vân mới diễn tả đúng nhất những cảm xúc cậu muốn bày tỏ.”    

*/ Phải viết "Đau Khổ là vốn liếng của kẻ Tài Hoa." Hay ngược lại, "Kẻ Tài Hoa rất cần có Đau Khổ làm vốn liếng!"

[]

Sài Gòn, 2012 – 2013 (Nov. 25, 2021)




VVM.15.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com