Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



BIỂN VẪN MẶN MÀ



1.

Lúc tôi ngang qua, thành phố đã lên đèn, con phố đang đứng im trong thời khắc giữa ngày và đêm như một vị khách lạ tư lự chưa biết phải về đâu hoặc đang chờ trông một trái tim ấm áp, bỏ ngỏ thay cho quán trọ đêm nay, nhưng, đường phố thì vẫn chộn rộn, gió vẫn vui đùa trên những hàng cây, quấn quýt trên những hè phố vắng hoặc mải mê đuổi theo những phiến lá khô trong mùa đông cũ, gío ở thành phố này dường như chẳng bao giờ biết mệt mỏi. Hàng quán chiều nay đang rủ rê về những ong bướm mang theo lời mật ngọt trên môi. Người ta ghé đây để tìm cho mình hoạc cho bóng hồng bên cạnh đôi điều mơ ước không tên gọi chỉ để giúp nàng nối lại giấc mơ đêm trước còn dở dang.Hoặc tìm trong nhau hơi hướm những bàn tay đang mời nhau bịn rịn. Bãi biển đêm nay rất vắng vì thời tiết chưa thực sự vào hạ, nhiều gót chân hồng còn ngại ngùng e dè trên nền cát lạnh nên tìm vui trong những nơi sáng rực ánh đèn màu. Còn xa xa giọng ngâm nga của biển cả đã theo gió đêm tải vào trong đất cùng với tiếng lao xao của lũ hải âu làm nhạc nền cho bài ca muôn thuở của biển khơi. Không ai đuổi phía sau nhưng gót giầy của tôi vẫn nhanh đều trên lối mòn còn cách xa bờ khoảng vài trăm thước, nếu là ban ngày, tôi có thể hình dung ra những vết chân gầy mỏng in lên trên nền cát mịn mà ngày xưa tôi vẫn thích nhìn lại phía sau để tiếc những vết chân nàng đi bên tôi khi con sóng vô tình xô vào bờ xóa đi. Những vết chân ấy hôm nay chỉ còn là vết mờ đang bị bào mòn bởi thời gian. Tôi kéo cao cổ áo để tìm hơi ấm trong chiếc áo len mầu xám tro khá dầy và chiếc mũ bê rê xụp xuống khỏi mang tai. Đêm nay trăng lên sẽ rất sáng rất tròn như giấc mơ đẹp tuổi thơ, chỉ còn khoảng nửa tiếng nữa thôi là nàng như chiếc đĩa tây lớn sẽ trồi lên từ lòng biển, cùng lúc nàng sẽ đem đến cho tôi hàng chuỗi quá khứ nàng cất dấu trong  gói hành trang của nàng luôn mang theo bên mình khi mùa trăng trở lại làm tôi khát khao như khát khao dòng sữa mẹ ngày ấu thơ, nào là những đêm  chúng tôi còn lênh đênh trên biển mà lòng dạ đầy ắp những âu lo và những năm chờ đợi trên hải đảo Nam Dương mà nay đã biến thành những món đồ cổ quý hiếm. Những mùa trăng trên biển như đêm nay, ánh đèn mầu chẳng thể khiến cho tôi dừng chân vì chúng không hề giúp tôi khỏa lấp những trống trải trong lòng.

Có những điều sâu thẳm trong lòng không hẳn là vết thương mà người mẹ thường giữ kín không nói ra (người ta thường ví chín đỏ trái sầu) khi tôi tới nơi vầng trăng đang rước thủy triều lên với nàng, hòn đá nơi tôi vẫn thường ngồi tối nay đã mấp mé, nước đang liếm vào bãi cát khô làm nó hẹp lại, một giao ước ngầm đã có giữa  trăng rằm và đại dương từ khi nào nhỉ? Chính nàng đã khám phá ra sự huyền nhiệm này từ ngày chúng tôi đặt chân lên đảo, thời đó cà hai chúng tôi mới vừa lớn lên, nàng mười lăm, tôi mười bảy cùng có chung với nhau một niềm vui là cùng nhau khám phá thêm ra những bí mật và huyễn hoặc của biển khơi và chúng tôi yêu đại dương từ ngày đó, yêu cái huyền nhiệm của biển như yêu bà mẹ luôn giữ cho mình đôi điều kín đáo trong lòng. Chẳng rõ có phải tại cả hai chúng tôi đều là những đứa trẻ mồ côi, luôn thèm khát tình mẫu tử nên khi đứng trước cửa biển nhìn ra đại dương dù đêm hay ngày chúng tôi vẫn nhận ra bề mặt của đại dương bao la và sâu thẳm như lòng mẹ hiền.Người mẹ hậu hĩ, mà chúng tôi (nàng đang an nghỉ dưới gốc cây sồi) sẽ kể hầu các bạn trong những đoạn sau. Lũ chim trắng đã từng cặp vội vã bỏ lại tôi một mình trên bãi về lót tổ đêm nay mang theo sau những tiếng kêu như lời tạ từ một ngày đang thầm lặng lẩn vào bóng đêm rồi chìm dần trong quá khứ. Trăng đã lên khỏi mặt nước khoảng mấy bộ, rất sáng và rất tròn tượng trưng cho cuộc đời may mắn của ai đó chưa bao giờ bị va vào khổ đau, lúc này nàng đang vẽ cho chúng tôi bức tranh thủy mạc lộng lẫy, những ngọn gío do nàng tạo ra đang đùa giỡn với sóng biển, nàng rọi luồng sáng lóng lánh xanh dịu dàng như tơ lên đầu những con sóng đang xô nhau chạy vào bờ, nước dưới chân nàng đen thẫm như thật, như mơ dấu kín những bí ẩn mà con người không bao giờ được biết. Từ phía xa qua khỏi tầm con mắt muôn ngàn hạt nước theo sóng ném chúng tung lên khỏi mặt đại dương bắt ánh sáng trăng rồi rớt xuống như những giọt pháo bông có lúc như những vì sao đang đổi ngôi trong thiên hà. Biển sẽ có một đêm say duyên cùng chị Hằng mà mỗi mùa trăng trở lại, là một cuộc hẹn hò nàng lại lột xác  thành cô gái 16 tinh khôi làm bâng khuâng cả đất trời. Gió không nhiều nhưng cũng lạnh đủ làm tôi tạm rời bãi cát trở lại gốc cây sồi (nơi công viên có tên gọi English Bay) nơi nàng đang yên nghỉ đêm đêm điệu ru của biển cả giúp nàng quên đi những muộn phiền tuổi thơ. Một phiến lá xanh chưa kịp ủ mộng đời đã vội lìa cành trong cơn đau buốt của thế kỷ. Chọn một chỗ khuất gió, tôi rót ra hai ly café mang theo trong backpack, mời nàng, so dây đàn hát tặng nàng, cánh lá thu cô đơn ra khỏi cuộc đời vào một chiều thu cách đây đã nhiều năm trong trại tỵ nạn Galang I.

 “Em nhìn thu vàng úa,
nghe đời hắt hiu trên môi.
Mình em chiều quên,
làm nghiêng bóng trên đường vắng âm thầm.
Xa cách rồi còn ai, thương giấc buồn trên tay.
Em lang thang, một mình thương yêu trống vắng.
Mùa thu cánh nâu, vàng con lá sầu.
Em đi, một mình cô đơn trái chín.
Chiều lên gió cao, hú gọi tên nhau.
Em về, nghe đời nhớ,
trên từng ngón tay cô đơn.
Nhịp chân gầy xanh,
buồn như lá thu ngày tháng hao mòn.
Em về chiều nay, thu vàng trên tay.  (*)

2.

Năm lên tám, tôi đã biết dựa đầu vào niềm đau để lớn lên trong cảnh không cha không mẹ trong viện mồ côi mang hàng chữ ngoài cổng: Cô nhi viện Linh đông - Thủ đức. Một quận lỵ với những hột cát hiền lành làm ngấm nhanh những trận mưa, trung tâm có dáng dấp của một tu viện nữ trước đây với những hành lang dài rộng và âm u, những cửa phòng luôn luôn đóng kín, bầy dơi làm tổ dưới hàng hiên đêm đêm bay ra bay vào kiếm ăn, đen đủi và hôi hám như bóng tương lai của cuộc đời. Bên ngoài là tường vôi đã lở lói đòi tu sửa, cổng cao và luôn khóa kín như dấu chúng tôi cuộc đời khác của xã hội bên ngoài, tiếng còi xe lanh lảnh như thúc dục mọi người phải mau chân hối hả vì cuộc đời ngắn quá, ngắn hơn cuồn chỉ của người thợ may, tiếng rao hàng ơi ới bên ngoài cổng vọng vào bán những món quà mà chúng tôi chưa một lần biết đến tên,

Với tôi và những đứa con trai, con gái đồng lứa cái trung tâm ở đâu không mấy quan trọng cho bằng tình thương đi theo câu hỏi không có lời giải đáp, “ai là cha mẹ của tôi ?” Riêng tôi, những người lính Cộng hoà sau khi càn quét lũ xâm lược đã lượm được tôi trong căn nhà vừa bị xập do pháo kích của phía bên kia bên xác của cha mẹ khi tôi vừa tròn hai tuổi và những bàn tay nhân ái ấy cõng tôi trên vai trong dịp lui quân và gởi tôi vào đây. Năm lên mười trang sử oai hùng của dân tộc chúng tôi đã bị khép lại. Những đứa trẻ mồ côi không biết từ đâu trôi về ngu ngơ như bầy lục bình mỗi ngày một đông, có đứa bị chiến tranh bầm dập không tròn thân, nhưng tât cả đều khóc ngất đi khi bị ném vào một nơi chốn xa lạ không hơi ấm của mẹ cha, anh chị mà mới ngày nào chúng được âu yếm ẵm bồng. Cơm gạo bỗng trở thành khan hiếm không đủ cho ngần ấy miệng ăn.Hoàn cảnh không tiện nói ra nhưng ai cũng biết nạn đói đang là chuyện cấp bách không còn cách nào giải quyết. Trong đời sống bấp bênh, những đứa lớn tuổi như chúng tôi (bị gọi là lớn vì hoàn cảnh bó buộc) phải đi tu nghiệp tại chỗ một ngành nghề để chuẩn bị xuất viện, có đứa học cách sửa xe đạp và vá bánh xe, bọn con gái chọn nghề đánh máy chữ, những con chữ xinh xinh theo tiếng lóc cóc của bàn phím làm thăng hoa trong tim những giấc mơ con gái kiếm được việc nhàn hạ, rồi em sẽ phấn son trang điểm, em  sẽ ăn ngon  mặc đẹp em từ cánh chim sẻ cô đơn hôm nao em sẽ lột xác thành chim phượng hoàng và em sẽ tìm được đáp số vinh quang cho cuộc đời, hoặc học nghề cắt tóc để vừa có tiền lại được co chân đuổi theo mode này, mode nọ làm thèm khát ánh mắt của lũ choai choai, có đứa miệt mài học may để dọn sẵn cho đời một ngày nào đó với áo dài khăn cưới.

Bọn tôi bốn đứa cùng phòng ba đứa con trai tu nghiệp khóa thợ máy, còn bé Hoàng Điệp nhỏ hơn tôi hai tuổi đang học khoá may vá. Ngày ba đứa chúng tôi đủ 15 tuổi được dì giám đốc là Soeur Theresa (sau này khi chúng tôi may mắn đã đi định cư gom ít tiên dành dụm gởi về biếu me Theresa, hình của bà tôi còn giữ cho tới ngày nay) đã chúc lành cho chúng tôi trước giờ xuất viện và cho phép buổi tối được trở về ngủ qua đêm, đó là chế độ bán tự lập, chẳng ai bảo ai, chúng tôi lần lượt đến ôm hôn dì (người chúng tôi nhận là mẹ) sự biết ơn sâu thẳm trong con tim của chúng tôi vẫn ngủ yên bỗng  được đánh thức dậy lấp đầy những hố sâu đó là quên đi tính nết khó thương của dì (nếu không muốn nói là dữ) những lần chúng tôi bị phạt, bị hành hạ dưới những roi đòn hoặc giam dưới nắng có khi chỉ vì dì không biết trút cơn giận lên đầu ai. Hai đứa kia may mắn kiếm được chân thợ phụ sửa chữa máy tàu, chỉ được ăn ở không có lương. Tôi như cánh gió lang thang trên hè phố đã mấy ngày, nắng hè đang đốt cháy vài hy vọng cuối cùng chẳng kiếm ra việc vì lúc này việc làm rất hiếm hoi và  xung quanh lúc nào cũng không thiếu những ánh mắt thiếu thiện cảm dành cho những đứa trẻ mồ côi, đành ghé vào một quán ăn bình dân dựng sơ sài bên bờ  xa lộ (thời ấy quán ăn loại này rất đông khách vì giá rẻ) chân chạy bàn và rửa chén để kiếm cơm ngày hai bữa (không mong gì được trả công). Chủ là một quân nhân trước đây nên đã cho tôi một việc làm (không phải là hành vi bố thí). Đến lúc này thấy mình lại may mắn hơn hai đứa kia, cuối tuần lãnh lương đầu tiên tôi kêu hai đứa tới tiệm tôi đang làm đãi hai thằng một bữa cơm ngon và dúi vào tay một chút tiền còm, tình bạn trở nên khăng khít từ cử chỉ nhỏ bé ấy. Tôi trở về gặp lại mẹ Theresa xin bảo lãnh Hoàng Điệp đi với tôi, mẹ hỏi nhiều lắm tôi không nhớ hết, sau cùng mẹ cho nàng đi theo thử việc trong hai tuần lễ. Mười ba tuổi, gầy đét như cây chuối non rớt xuống đời trong cơn bão tố, nàng đã quen, biết cách chống chọi với khổ đau và đói rách đã dạy cho nàng sớm khôn hơn. Tôi xin cho Điệp chân chạy bàn còn tôi lãnh việc nặng nhọc hơn là theo chủ buổi sáng kéo chiếc xe hai bánh đi chợ khuân vác thực phẩm về và rửa chén. Được ăn no, mặc lành tiền lương không cần tiêu đến, cũng như tôi những tuần lương đầu tiên đem về biếu hết cho mẹ Theresa.

Cho tới những ngày này chúng tôi cũng chưa biết hình dáng biển như thế nào ở đâu, nghe nói Vũng tàu, nhưng sao nghe xa lạ như thuộc về thế giới nào đó có lẽ chỉ dành cho những ai may mắn giàu sang. Việc làm của Điệp và tôi thuộc vào loại việc dành cho những dân nghèo thất học, khuân vác và chậy bàn rửa chén từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối ai mà ham, chính vì thế  mà hai đứa tôi được yên thân chẳng ai nhòm ngó ghen tương.  Đã để dành được một món tiền kha khá gởi mẹ Theresa cất giữ dùm.Chúng tôi vươn vai lớn lên giữa đời ô trọc như cây non bốn mùa thay lá, mong một đêm trời đẹp trăng thanh làm vì sao đổi ngôi trở nên kiếp người như muôn vàn kiếp người.

Hai đứa kia Khuê và Cường đã được chủ trả lương và thuyên chuyển ra Phước tỉnh làm trong ụ sửa ghe chài và máy tàu đã được hai năm, thỉnh thoảng chúng trở lại thăm chúng tôi, có tiên mặt mũi sáng sủa và ăn mặc bảnh bao, buổi tối rủ nhau đi ăn kem. Đời đã hết những chuỗi ngày sáng sáng dậy sớm theo tiếng kẻng sắp hàng một, điểm danh lên nhà nguyện đọc kinh sáng, trong lúc hai con mắt vẫn còn nhíu lại vì thèm ngủ, lại sắp hàng ngay ngắn không nói chuyện đi vào phòng ăn (đứa nào xui xẻo bắt gặp bị phạt quỳ gối). Bữa sáng đều đặn một tô cháo mạch và một ly sữa đậu nành do cơ quan viện trợ Công giáo Hoa kỳ gởi tặng. Lớp học sáng bắt đầu 8 giờ rưỡi 11 giờ rưỡi. Sắp hàng trở về nhà cơm lãnh một tô cơm độn ngô hoặc khoai và một chén súp nhỏ nửa con cá mòi kho hoặc khô nướng. Buổi chiều lũ con trai guồng nước từ giếng lên cho bọn con gái tưới vườn, mảnh đất hình vuông phía sau nhà khoảng sào đất đã được bọn chúng tôi xới lên trộn phân đánh thành luống trồng đủ loại rau và khoai mì (để ăn độn cơm).Trước kia khi chế độ còn tự do, mẹ Theresa không nhận quá 60 trẻ vì ngân sách, số giường và phòng có hạn, sau này mẹ bị ép buộc phải nhận vô điều kiện mỗi giường ngủ hai đứa, vệ sinh trở nên tồi tệ chúng tôi bị rận rệp tấn công và sau là bịnh ghẻ hoành hành, người ngợm  trông như một lũ chó ghẻ vừa gầy guộc vừa rách rưới đến thảm hại, nguời ta không cho phép cơ quan từ thiện và khách vãng lai được chụp hình chúng tôi vì sợ lọt ra ngoài.

3.

Thằng Khuê về tìm chúng tôi vào một buổi trưa tháng hai

 - Tụi tao mời hai đứa bay ra Phước tỉnh ăn tết và nhân tiện đi câu đêm cho biết vui lắm, hy vọng hai đứa bay ráng thu xếp, tao chờ”. Nó nhìn tụi tôi mặt tỉnh bơ

-Chừng nào

-Ngày mai 

-Thu xếp, may ra, nếu chỉ vắng mặt một hoặc hai bữa là cùng thôi nhé, trả lời cho mày chiều nay

- Được, ráng đi, tao chờ

Chuyến xe đò Sài gòn Bà rịa sắp chúng tôi như cá mòi trong hộp, chạy bằng than nhả khói mù mịt trên đường. Tiếng ống bô nhả khói nghe xấu xi như rao rếu lên với thiên hạ xung quanh một thời chó má.Đây là chuyến đi xa đầu tiên trong đời vật vã bọn tôi một hồi thả chúng tôi xuống giữa đường giữa chợ. Leo lên chiếc xe Lambro lắc lư như người say rượu để tới địa điểm. Đó là một làng chài lưới hỗn độn và bẩn thỉu cá khô phơi đầy khắp nơi bốc mùi nồng nặc, ruồi bọ bay rợp trời, con nít dường như không được đi học cởi trần trùng trục chạy đuổi theo trái banh. Thằng Khuê dẫn chúng tôi lên một cái gác xép nóng nung người:

-Tao trở lại đi làm, hai đứa bay đói bụng ráng ăn đỡ mì gói chiều đợi tụi tao về,không được đi đâu xa. Nói xong nó quay lưng bỏ đi một nước.

Còn lại hai đứa tụi tôi với muôn ngàn dấu hỏi

-Chúng rủ ra đây ăn tết mà có bóng dáng gì là tết đâu anh. Điệp nói lên câu mà chính tôi cũng đang thắc mắc, nhưng tôi trấn an:

- Theo anh, tết nhà nghèo mà, có lẽ chỉ là một bữa cơm trắng không độn, có cá có thịt thế cũng là tết rồi đâu cần bánh chưng dưa hấu, thôi kệ , chắc đêm nay đi câu, mong là em không bị say sóng thì vui hơn.

-Say sóng là say cái gì có giống say rượu không anh ? Câu hỏi ngô nghê tức cười muốn chết nhưng nghĩ tội nghiệp cho nàng, mười lăm tuổi đầu chưa một lần ra khỏi quận Thủ Đức!

-Ngày còn dài, đi ra biển không anh ?

-Đi thì đi, nhưng ăn mì đã.

-Tụi mình có tiền mà, đi chơi xa tội gì ăn mì gói... đi ra ăn ngoài cho sang. Vừa nói Điệp vừa vênh mặt nhìn tôi như thách đố. Tôi cười, không dè con bé lúc này khôn lanh hơn hai năm về trước nhiều. Điệp dáng vốn gầy nên khi lớn lên đẹp như cành bông lay ơn, da trắng mịn khuôn mặt nhỏ mũi cao thanh tú, mắt nâu ngời lên nét dịu dàng kín đáo của ý nghĩa hoa lay ơn trắng, tóc mun cột cao đuôi ngựa nên trông lớn và điệu hẳn ra, bông hoa như Điệp không cần trang điểm (không dây chuyền, chẳng bông tai, son phấn) đó là theo cái nhìn mộc mạc của tôi, chẳng hiểu lúc này trong túi có tiên nàng có ý nghĩ gì khác không,  tôi nhủ thầm, nàng không còn để lại dấu vết khuôn đúc ra từ lò cô nhi nữa, hai thằng kia sau hai năm ra đời cũng đã tự lột xác, có lẽ cả ba đứa đều là con bỏ chợ vô tư chẳng cần gia phả nên không có một quá khứ đau buồn như tôi để mỗi đêm về ngồi gặm nhấm nỗi buồn thiên thu. Từ khi còn nhỏ nàng và tôi không hiểu vì đâu gần gũi nhau như hai chiếc lá khác loài mọc chung một cây, mẹ Theresa nhờ tôi dạy nàng học và tập viết, khu vườn sỏi đá trong viện mồ côi vừa nở trong tôi một đóa lay ơn trắng ngọt ngào. Dù đói khổ, bất công nhưng Điệp cắn răng chẳng than van trách móc coi như  kiếp người cũng như kiếp sâu bọ là như vậy. Lớn thêm chút nữa không cần ai dạy bảo, nàng trở nên ý tứ hơn tôi (có lẽ do thiên bẩm chăng hay tại nàng là con gái) hiểu rõ tính nết từng đứa trong nhà và kể ra vanh vách cho tôi nghe trong giờ học bài. Cái quá khứ vui ít buồn nhiều như cây cột chung, chúng tôi dựa đầu vào để sống còn.

Điệp và tôi lang thang như mây trời cả ngày mà không biết đói, xách dép lội bộ trên nền cát ướt có lẽ đang tạo cho nàng cái cảm giác thú vị vì thỉnh thoảng tôi thấy đôi môi nàng mỉm cười bí mật, hai má con gái trắng mịn lúc này đỏ tươi vì dơ má cho mặt trời hôn lên cả ngày. Nàng kéo tôi vào và ngồi xuống bên chiếc bàn hai ghế quay ra biển, cái quán tôi đặt tên là Quán gió vì nó chứa không hết gió biển nên cái mái lá run lên bần bật. Vừa ngồi xuống

-Anh thích ăn món gì em bao. Con bé hôm nay bỗng dưng trở trành chị hai.

Tôi cũng chẳng vừa: Anh thích nhất món ngồi nhìn em ăn thôi.

-Anh này, kỳ quá hà.

Điệp đã biết đỏ mặt vì thẹn, kêu hai đĩa bánh cuốn chả lụa,  món nàng ưa thích trong lúc đi làm, nhưng vì tằn tiện nên không dám ăn. Thừa lúc nàng đang để mắt nhìn những dân chài lên cá, tôi đứng dậy trả tiền và mua thêm cho nànng một ly nước cam tươi ướp lạnh.

Chúng tôi rời quán Gió, tiếp tục lang thang nhìn cái vành môi hồng non kia đang ngậm ống hút làm lòng tôi bị khuấy động.

Trời về chiều nung những bãi cát nóng ran, nàng vẫn thích đi chân không trên cát ướt, tôi quay lại nhìn những vết chân trắng ngần mỏng manh thon nhỏ in lên cát mà lòng trổi lên một tình thương đến nghẹn ngào, những vết chân vô tội ấy lại bị đày đọa trong kiếp người không may. Thấy tôi chìm đắm trong thế giới riêng mình, nên nàng kéo tôi ra:

-Anh nghĩ gì vậy?

-Không, anh không nghĩ ngợi chi cả. Tôi tỉnh bơ chối phắt đi.

-Có mà, đừng có dấu em. Em biết rồi.Con bé khôn như ma ranh.

-Ừ thì anh không dấu em nữa.

-Kể đi

-Một năm nữa anh đủ tiền anh bao em trở lại đi học, chịu chưa?

-Rồi sao nữa?

-Rồi em học xong, rồi em lấy chồng.

-Còn anh?

-Anh vẫn là anh của em, thế thôi, em đã khổ nhiều rồi, anh muốn thấy đời em hạnh phúc.

-Em, em sẽ chỉ hạnh phúc bên một người đồng cảnh ngộ, sau này em yêu mà thôi,và như thế em đâu cần phải học cao. Nàng vừa va vào trái tim của tôi lúc nó đang trong cơn bình yên. Biển bữa nay thật trong và xanh biếc, gió đang rủ rê những con sóng chạy đua và bổ nhào vào những tảng đá đầy rêu xanh làm chúng tan tành xác pháo khiến nàng ướt nhem vì không đề phòng. Mùi da thịt và mùi tóc của Điệp được gió đồng lõa đang ướp tôi trong đó làm tôi vừa nhột nhạt vừa thi vị.

-Lũ cua con này,chúng đang làm gì vậy anh?

-Đó là con dã tràng, đang vê cát làm thành những viên bi.

Điệp đứng chết trân say mê mỉm cười nhìn chúng làm những việc uổng công. Ánh mắt nàng lại đang vui lên chồng chất thêm những dấu hỏi.

Khi thấy nước da của nàng trắng tinh người ta nhìn nàng và biết nàng không thuộc về chốn này. Chúng tôi đã đi khá xa ra khỏi khu dân chài ở nơi đây gió mát rửa sạch mùi tanh tưởi của cá mú, ngoài xa những hòn đảo lô nhô nhũng bóng dừa xanh như mọc lên từ lòng biển, mắt nàng như dán vào những hàng dừa xanh có lẽ đôi mắt đang được thả lỏng nên chúng đi rong chơi trên những ốc đảo nơi những buổi chiều tà có mặt trời đỏ ao lặn dần xuống khỏi mặt nước trở về thuỷ cung bầu bạn với những nàng Mermade. 

- Có lẽ mình về thôi, (tôi đề nghị) cá cam mới về tươi lắm hay tụi mình mua về nấu ăn thay cho họ chiều nay.

- Phải đó, anh chọn mua, em trả tiền thay anh.

-Anh giúp em làm cá nhé, để riêng đầu đuôi.

-Em tính đãi cà bọn ăn món chi vậy ?

- Đãi món C. C. C. C. Con nhỏ liếc tôi cười hóm hỉnh.Nhỏ lúc này giỏi và dễ thương ghê, (tôi nói thầm trong bụng).

Chiều về trời đầy ráng đỏ nhuộm nước biển có chỗ xanh chỗ đỏ quá đẹp mắt, gió đưa vào mát rượi, bụng đói chờ hoài chẳng thấy ai về, hai món canh chua cá chiên (C C C C) thơm phức trong chảo kêu lèo xèo càng làm lòng dạ cồn cào. Cô bé đã biết trổ tài nấu nướng có lẽ học được nhiều món trong hai năm hầu bàn vừa qua. Đói quá hai đứa rủ nhau ăn trước, gió mát lăn ra ngủ khi nào không hay.

4.

Chẳng rõ lúc này là mấy giờ rồi, trời tối đen như mực. Tiếng súng vừa nổ ở đâu nghe rất gần có lẽ bắn ra từ trong xóm dân chài lọt vào trong phòng đánh thức chúng tôi dậy mới đầu còn lẻ tẻ sau đó nổ dòn như bắp rang làm cô bé hoảng :

-Anh ơi hay là mình đi về đi anh, có lẽ có chuyện gì, nên không thấy ai về.

- Cứ bình tĩnh, không nên về lỡ hai đứa nó về không thấy mình thì rất là phiền phức cho chúng. 

Chúng tôi còn đang nói thì nghe tiếng mở khóa, nhìn xuống thấy cả hai bóng người, giọng thằng Cường nói vừa đủ nghe: 

-Xin lỗi hai đứa bay, tụi tao bận không về được, ăn gì chưa

-Ăn rồi, tụi bay đói không?.

-Đói, nhưng phải đi ngay bây giờ

-Đi đâu?

-Đi câu, giờ này nước rút nhiều cá lắm.

Hai thằng dúi tụi tôi vào chiếc xe Lam đã có sẵn mấy người trong đó, trời tối đen chẳng nhìn rõ ai. Điệp bấm tay vào đẩu gối tôi tỏ vẻ hoài nghi, tôi cũng vậy nên đã nắm chặt tay nàng thay cho câu trả lời, nhưng một mặt vẫn tin tưởng vào hai thằng bạn. Thình lình chiếc xe dừng lại, mọi người xuống hết chẳng ai nói câu gì, khúc bãi biển chỗ này vắng lặng như tờ cây cối mọc um tùm người đi trước dẫn đường đến một con rạch có lối mở ra biển (tôi chỉ đoán lờ mờ vậy) một chiếc ghe đánh cá dấu trong bụi lau sậy không lớn lắm, chiều dài chỉ độ mười thước. Mọi người leo lên nhanh như những con chuột, Hoàng Điệp và tôi lùi lại phía sau tính bỏ trốn, tôi nghe tiếng Khuê và Cường thúc:

-Lẹ lên cha nội. Chẳng hiểu sao, bộ não bỏ tôi đi đâu mất rồi , mất hết cả trí phán đoán, cầm lấy tay nàng cả hai cùng nhẩy xuống thuyền như con cào cào. Nhóm thanh niên đẩy chiếc thuyền ra khỏi bờ.Lạ thật chiếc ghe như có một dòng nước nào đó cuốn đi, trên ghe không đèn đóm. Mọi người được lệnh (đó là giọng của thằng Cường) phải nằm ép sát người xuống lòng thuyền. Chiếc ghe chòng chành như đu võng, độ hai mươi phút sau, tôi đoán nó đã trôi ra tới biển vì lúc này mũi ghe nâng lên hạ xuống vì bị sóng nhồi (thằng Cường chơi trò ma thuật nối cây láp vào cái “đi na mô” chạy bằng điện đạp cái chân vịt như magic đẩy chiếc ghe ra biển khoảng ba bốn trăm thước không gây ra tiếng động) Thằng Khuê trong bóng đêm đi qua đập tay xuống vai tôi và đầu Hoàng Điệp, nó đề máy. Tiếng máy dầu nổ xình xịch rên lên rất sẽ. Bang...bang ...bang....phập, phập, phập... phập...phập...ph.... ậ... ập... ập ....

Súng, súng, từng loạt đạn Ak trên bờ nổ rền về phía thuyền của chúng tôi như xé màn đêm. Nhiều cây súng thi nhau nhả đạn về phía chúng tôi mỗi lúc một rát. Thằng Khuê có lẽ đã đoán được sự phản phé của bọn họ đêm nay nên nó đã ra tay sớm hơn chương trình một tiếng, Chiếc ghe đang lướt đi như bay trên mặt nước để ra khỏi tầm đạn. Tiếng máy nổ giòn như rang bắp để đoạt được công sức tối đa. Nghe thấy thần chết đang đập vào tai những tiếng chát chúa, ai nấy đều biết bỏ chỗ đang nằm bò lết về phía mũi ghe may ra tránh được lằn đạn. 

 Tiếng súng đã im bặt. Hú hồn. Tôi phải ôm chặt lấy Hoàng Điệp vì nàng run bần bật trong tay tôi như trong cơn kinh phong, tinh thần nàng chắc đang căng thẳng như sợi dây đàn, một đứa bé khóc ré lên vì sợ hãi càng làm cho nàng thêm cuống cuồng. Nhổm đầu lên nhìn qua cửa sổ tròn bọc kiếng, đêm nay nó đã chọn một đêm mịt mùng cơn đen vần vũ trên trời không trăng sao. Chỉ hai năm ra đời mà chúng khôn gấp bao nhiêu lần tôi, chúng dám đi giữa một đêm đầy thần chết, chúng dám chọc thủng màng lưới do thần chết buông xuống xung quanh (mãi cho tới khi nhập trại tỵ nạn, mọi người đều sống sót, tài công là ông Nguyễn Cao,  lính hải quân trước đây đã về hưu, và hai tài cải là Khuê và Cường kể lại trò chơi phản gián thách thức với thần chết, vô hang bắt cọp lừa bọn công an phường để cùng ăn chia chiến lợi phẩm, vì thế chúng đã không chịu thông đồng với công an biên phòng để được ăn trọn gói). 

Ghe đã bỏ bờ rất xa, một ánh đèn dầu do thằng Khuê vừa thắp lên chỉ vừa đủ cho một mình nó đang ngồi coi máy. Nhìn mặt nó bình tĩnh chịu ăn thua đủ như  chưa hề có chuyện gì xảy ra trước đó. Biển về đêm đang mở ra cho chiếc ghe xấn mình vào cõi bí mật của đại dương đêm nay, không rõ gió biển hay chính vận tốc của ghe đang cọ xát vào khí trời tạo ra, từ trong lòng thuyền vẫn nghe tiếng gió luồn qua mái và hai bên lườn nghe rào rạt như một cơn mưa rào bên ngoài.

Giây phút hãi hùng đã qua, chiếc động cơ đã bỏ lại thần chết trên bờ để thênh thang chờ bình minh. Ai nấy có lẽ đã an tâm phần nào nên đàn bà con nít đã đi vào giấc ngủ, chiếc ghe chỉ hơi tròng trành như ru võng. Đến bên thằng Khuê, nó nhìn tôi nháy mắt:

-Chuyến này tụi mình đi câu xa,  muốn có tôm cá, sáng mai sẽ có tôm cá, một chuyến đi câu lịch sử. Đồng hồ chỉ 5 giờ sáng.

- Tụi bay có nghe súng nổ trước lúc tụi tao về không  ?

- Nghe, rồi sao ?

-Một chuyến đi hớ hênh nên đã bị chúng thộp cổ. Muốn được sống, phải kín đáo phải dám đối diện với Diêm Vương, không còn chọn lựa nào khác.

- Đi đâu ?

-Indonesia.

-Chuyến đi chừng bao lâu ?

-Theo lời tài công cũng là chủ ghe, nếu được biển êm, năm ngày.

-Sao quyền gì mà bay được cho hai đứa tao tháp tùng ?

-Vì bọn tao là tài cải ra công lắp đặt máy tàu nên mỗi đứa được mang theo một người bạn.

-Chuyến này sao chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu ?

-Chỉ gia đình mười người và bọn mình nên mới thoát đẹp như đêm nay.

Mặt trời mọc trồi lên từ mặt nước, uy nghi lộng lẫy, tôi đánh thức nàng dậy để kịp thấy cảnh huy hoàng mà lòng đại dương đãi ngộ những kẻ liều mạng đi tìm sự sống trong nỗi chết. Sau giây phút chiêm ngắm cảnh bình minh trên biển nàng là người đầu tiên bị té nhào trong cơn say sóng, liệt giường ba ngày ròng rã . Hai đêm sau mọi người đã quen, sinh hoạt trở lại bình thường, tụi tôi bốn đứa hàng đêm rủ nhau lên sàn ghe ngắm trăng trời gắn đầy sao lấp lánh đẹp như những niềm tin và nghe sóng biển thì thầm dưới mạn thuyền, chẳng đứa nào tỏ ra nhớ nhà, nhớ cảnh, nhớ người (Có nhà, có ai đâu mà nhớ). Có lẽ chỉ thành phần như chúng tôi kiếp mây trời từ tấm bé trôi dạt lang thang, những cánh chim yếu ớt bay qua khung trời tuổi nhỏ gian nan, khi còn tại quê nhà hay sau lúc ra đi, chẳng một chút vấn vương trong lòng. kỷ niệm, quá khứ dĩ vãng gom lại cũng chỉ là những cơn mưa rào bay qua trong đời đợi khô khi nắng lên, chẳng lưu lại một vết son nào trên trang kỷ yếu trong lòng. 

Có mấy khi giấc mơ trong đời đã biến thành sự thật.

Chẳng mấy khi.

Giấc mơ thường đẹp được vẽ lên trong thế giới ảo, nhiều khi muôn đời chỉ là giấc mơ đi về trong cõi xa mù của tâm linh mà ai cũng từng trải, nhưng khi nó may mắn khoác áo cẩm bào xuất hiện thì người ta vẫn không nhận ra vì nó hư hư thật thật người ta có thể sờ  mó vào nó, muốn tin nhưng lại không dám tin vào đôi mắt mình cho tới khi...chiếc ghe đụng mạnh vào bãi cát:  Đảo Airaya.

Chuyện thường xuyên xẩy đến cho thuyền nhân sau những ngày lênh đênh là tưởng ngôi sao định mệnh đã dắt mình tới bến bờ tự do, chiếc ghe lạc vào một khu vực không biết tên trên hải bàn, hải đảo nào trên đại dương cũng giống nhau. Cơ may, hay tình cờ, nào ai dám khẳng định chỉ biết gần hết ngày thứ năm, chiếc ghe đã cạn dầu nó như chiếc lá trôi vào giữa hành lang một rừng đảo nhỏ yên tĩnh như sa mạc trên mặt biển êm, ánh ngày đang chìm dần trong nỗi băn khoăn đang dâng cao của mọi ánh mắt, nó đi lừ đừ chiếc chân vịt như ngại ngùng không biết du con thuyền về đâu. Bãi cát trắng phau phía trước cách chúng tôi chỉ độ 500 thước, nhiều bóng người lố nhố như đang chờ đợi ai, có lẽ họ đã nhìn thấy chúng tôi từ xa,  cái chân vịt như bắt được sức mạnh nó lao ngay vào bãi cát. Đứng lại.

Cuộc đời đang dẫn hai đứa chúng tôi vào những bài học vỡ lòng, tôi tự hỏi: “Trên hải đảo này, em và tôi sẽ được dành cho những bài học gì, dễ dàng hay khó nuốt trôi, và trong vòng quay của tương lai sẽ khởi đi bằng những bài học tương tự...?”.Vâng, với hầu hết những kẻ có vàng và tiền đô trên đảo, có lẽ giây phút hạnh phúc đang nhen nhúm, như người tỵ nạn khắp nơi so sánh, Nam dương là thiên đàng của trại tỵ nạn. À, thế ra chúng tôi đang  trong cảnh thiên thai, lời này không ngoa lắm vì vừa đào thoát ra khỏi thiên đường Cộng sản. Chỉ hai tuần lễ sau, cả bọn đều ngã vào cơn sốt rét rừng. Muỗi anophenes là thủ phạm nhiều và hung hăng hơn cả Cộng sản thế giới cộng lại, trong lúc chúng tôi thiếu thốn mùng mền. Những viên Sulfadoxine-Pyrimethamine đủ sức chận đứng những cơn sốt nhưng không phải là loại có thể chữa khỏi bịnh này. Cơn sóng thần anophenes đã cuốn theo niềm vui ban đầu. Có những ân huệ chỉ biết giữ kín trong lòng vì những con chữ không có đủ phép màu để làm con tim sáng lên trong lời cám ơn ba người bạn đồng hành và đồng cảnh ngộ mặc dù lúc này nhan sắc của em điêu tàn, còm cõi vì bị mất máu nhiều. Có lúc tôi sinh ra hối hận, bị giằng co trong những đêm không ngủ...Giá biêt thế...Khế ước đa phương vô hình ký kết giữa chúng tôi trong tim đã từ lâu sống chết có nhau, nên tôi không ngần ngại cầm tay em liều lĩnh nhảy xuống thuyền cùng nhắm mắt hè nhau cưỡi lên cơn sóng đời.

Tin chuyển trại vừa được ban thông tin niêm yết.

May ra chúng tôi có cơ hội đào thoát lần thứ hai khỏi tay tử thần anophenes. Cho tới trước ngày chuyển trại đã có 12 thuyền nhân ngậm ngùi vĩnh viễn ở lại trên đảo hoang. 

5.

Galang (tiếng Nam dương có nghĩa là đảo rắn, mặc dù chẳng thấy con nào) là đây, trại tỵ nạn có những tổ chức quy củ như một xã hội ngăn nắp, có chợ búa nhà thương trường học, đồi tôn giáo nơi mọc lên nhà thờ lẫn chùa chiền, có đủ mọi thành phần hợp lệ là tỵ nạn lẫn với không hợp lệ, vì thế nhiều loại “Chúa đảo” ăn chực nằm chờ bóc cả mấy cuốn lịch mà vẫn chưa chịu nhúc nhích. Mọi người sống vào tin đồn mà đa số là tin vịt.

Bọn tôi bốn đứa chẳng thuộc diện ưu tiên nào giống như những vì sao lẻ tẻ không tên gọi, lạc trong thiên hà, nhờ còn “độc thân” nên “vui tính”. Hoàng Điệp khỏe lại được một thời gian, chúng tôi nào biết gì về thuốc thang, nghĩ rằng nàng đã khỏi. Hai đứa mỗi mùa trăng lại rủ nhau ra biển nghe những tàn phai khắc ghi trong lòng sỏi đá, những thở than của chim trời cá biển, kỳ bí của cô Hằng thả mồi bắt bóng với biển khơi, bóng dừa lả lơi như trêu ghẹo, la cà cho tới đêm mới chịu về chỉ khi trời đã ướp lạnh trong lòng những cơn gió về đêm mang theo nhiều hơi biển . Những chiều hạ vàng nắng đổ, đất trời như lên cơn sốt, em thích vòi vĩnh tôi lặn xuống nước (không sâu lắm) đục những con sò béo bở mang về nàng nấu món Bouillabaisse đặc sản của miền Marseille với hương vị của fennel, cà chua, vỏ cam và saffron cho cả bọn ăn cho quên đời tỵ nạn, mỗi nơi dạy những bài học vỡ lòng khác nhau. Khuê và Cường đã đi tìm việc làm Khuê sức khoẻ tốt nên theo ghe biển đi đánh cá. Cường thông minh, học giỏi nhưng có tật nên xin làm trong ban thông tin của trại, cuối tháng mang tiền về trao cho Hoàng Điệp làm thủ quỹ đi chợ và nấu ăn.

 Một năm sau bệnh cũ tái phát biến chứng thành Plasmodium vivax Malaria tôi phải đưa nàng đi nhập viện. Nhân viên y tế không nói ra nhưng qua cách chữa trị chỉ có tính cách an ủi qua những chai serum truyền vào mạch máu và những viên Fancidar. Thấy bớt, người ta lại cho nàng xuất viện vì không có đủ ngân sách, giường bệnh và thuốc men, tôi trông nom săn sóc sức khỏe cho nàng và đi chợ nấu ăn, chiều chiều đưa nàng ra bãi biển hóng gió vì sức nóng trong trại làm nàng mệt lả. Tiếng gío theo con sóng đưa vào làm mát lại hai cõi lòng cô đơn, ánh mắt nàng đang đuổi theo vạt nắng chiều sắp tắt. Lần đầu tiên em than thở:

-Anh thấy khổ vì em bên cạnh không? Câu hỏi làm lòng tôi chật kín những bồi hồi. Kéo nàng lại sát bên tôi, nhìn sâu vào ánh mắt nàng:

-Anh em mình như đôi chim ghép bầy sống bên em 17 năm, đau khổ và thiếu thốn dạy cho chúng ta bài  học chịu đựng, cũng như em, anh không than vãn vì than vãn, khóc lóc là hèn nhát. Nước biển còn mặn không em?

-Thưa anh còn, và mãi mãi vẫn còn.

-Anh cũng vậy sẽ mãi mãi bên em và muốn được chịu khổ cùng em.

Em nắm lấy bàn tay tôi, tôi nghe bàn tay em lạnh giá như hết sinh lực.

 Thời gian trôi đi rất chậm khi người ta sống trong giai đoạn mong chờ.

Con chim non của tôi không còn đủ sức sải cánh bay trong khung trời tự do mà chúng tôi đã mang lại cho em hơn hai năm qua. Thời gian chờ đợi căng như sợi dây đàn nó đã bào mòn sức khoẻ của em và có thể sẽ gãy đổ bất cứ ngày nào. Những lần sau này đưa em đi dạo ngoài bờ biển, tôi vẫn quay lại phía sau để thương tiếc những vết chân chim xinh êm in lên nền cát ướt, tôi muốn van xin những con sóng đừng vội xóa đi để giúp tôi đào sâu chôn chặt chúng vào kho kỷ niệm của đời tôi sau này, điều này ám ảnh tôi những đêm thiếu ngủ nhưng không muốn tỏ cho nàng hay.

-Hai đứa bay vừa có tên được lên gặp phái đoàn Cao ủy?

-Dạ, phái đoàn Thụy sĩ có chương trình nhận những thuyền nhân thương tật,trong chương trình bốc nhân đạo, Cường đã được lên phỏng vấn chiều nay lúc hai đứa bay đi bãi, nó khai cả tên tao vào, vì nó không muốn ra đi mồ côi.

-Tao cũng nghĩ mày nên đi với nó cho có bạn, đừng nghĩ ngợi gì về hai đứa tao. Sớm muộn gì thì người sau cùng cũng phải ra khỏi đây.

Miệng nói thế nhưng lòng đang nhói lên những cơn đau. Sợi dây leo ràng chặt bốn cõi lòng gần hai mươi năm sắp bị chia lìa. Bài học “Đời là cõi vô thường” có nghe nói đến nhưng giống như cánh gío thổi qua vai hôm nào...mơ hồ...Hôm tiễn chân hai đứa đáp tàu đi Singapore, hương vị của bài học trở nên chát đắng trên môi, cổ họng cũng nghẹn lời, chào nhau bằng ánh mắt thay cho lời chúc thượng lộ bình an. Ngoài trời không  mưa sa gió táp nhưng trong lòng lại lũ lụt cuồng phong.

Đêm nay chúng tôi nghe cô đơn gọi về, nhắc chúng tôi cái cô đơn đồng dạng chất lên vai đứa trẻ hồi lên tám. Có lẽ ở một chốn nào đó đêm nay Khuê và Cường cũng đang rơi vào khúc sông lạc đường ra biển.

6.

Bánh xe vô thường vừa cán lên chúng tôi làm xô lệch một đoạn đời, nó đang bám riết lấy tấm thân gầy gò của em như cố tình tuyên bố với chúng tôi về thân phận của một kiếp người gắn liền với số mệnh. 

“Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

 Tôi vừa bước vào tuổi 20 và con số 18 cũng vừa rớt xuống đời nàng, nghĩa là chúng tôi đả trải qua thời gian ba năm trong cái phạm vi vỏn vẹn 9 mét vuông trong lòng barrack. Hoàng Điệp không còn đủ sức đi hóng gió mỗi buổi chiều. Tôi làm đơn xin cho nàng được ký túc trong bệnh xá (có máy điều hòa) ban đêm, nàng đi lại khó khăn, sống nhờ vào những viên thuốc Fancidar, thuốc giảm đau sau mỗi 4 tiếng và vào những ly sữa do tôi bón cho nàng, bịnh suy thận ( kidney failure ) đã đến mức trầm trọng là biến chứng của Vivax malaria. Còn lại chút hơi tàn, nàng cố nâng cánh tay lên để bàn tay trong tay tôi, một cử chỉ thay lời cám ơn và ký thác đời nàng.

Chiếc lá xanh rụng xuống trong vòng tay ôm của tôi vào một đêm thu mà rừng cây chưa kịp úa vàng trong tiếng gió giao mùa lao xao tiễn đưa một linh hồn trong trắng và tinh khôi Elizabeth Hoàng Điệp vừa lìa bỏ cõi đời.

Vị linh mục người Nam dương, cha Patmo đã dâng thánh lễ an táng cho nàng, sau đó thể theo lời xin, nàng được quá giang tới Singapore để hoả táng. Vài tuần lễ sau, tôi nhận được hài cốt của nàng trong một bưu kiện.

Dù cuộc đời của ve sầu chỉ nằm gọn gàng trong cái quan tài vô hình mà chu vi không dài quá một mùa hè, chúng cũng lao nhọc để sống qua những tháng ngày oi nồng khắt khe của mùa hạ để khi ra đi trang nhật ký vẫn còn dang dở phải đối diện với mùa đông lạnh lùng xua đuổi. Chúng tôi bốn đứa đã lao nhọc học thuộc lòng những bài học đầu đời, bài học chia ly làm sứt mẻ một mảng đời của em và tôi để khi ra đi định cư mang theo gói hành trang là sự mất mát to lớn cho người còn lại.

Tôi mang theo Hoàng Điệp cùng đi định cư, trên mảnh đất tự do North America, để đêm đêm nhất là vào những mùa trăng em được thấy cảnh thơ mộng vầng trăng thơ ngây như tuổi xuân của em treo lửng lơ trên mặt đại dương  với lời ca muôn thuở của trùng dương và tiếng gió thì thầm dưới gốc cây sồi mang tên nàng.

Sau bao nhiêu năm tháng dài nơi miền đất tạm dung, tuổi đời tôi tuy vẫn nguyên vẹn là phiến lá năm nào nhưng cùng với con tim đã hết màu xanh, vẫn thường xuyên thức trắng đêm để nghe những tờ lịch rơi và tiếng gõ của chiếc đồng hồ treo tường như gõ vào chuỗi ngày dĩ vãng khi còn được bên nhau. Mỗi khi dỗ được giấc ngủ thì hình ảnh Hoàng Điệp lại hiện về như cánh bướm vàng đậu xuống đời tôi, bông hoa không còn nhụy vàng cho em nhưng nàng vẫn xuất hiện đều đặn như mỗi tháng đều có một mùa trăng vẫn để lại những vết chân mỏng mềm trên cát làm tươi mát lại những kỷ niệm ngày xưa đang mỏi mòn bởi tuổi đời chai cứng và cũng để nhắc nhở tôi tình yêu không hề già nua bởi tình yêu không có giấy khai sinh thì sẽ chẳng có ngày khai tử và linh hồn tinh anh của em luôn ở bên tôi không bao giờ xa vắng, héo tàn. Tình yêu tôi dành cho nàng vẫn nguyên vẹn, như nước biển khơi ngàn đời sau vẫn mãi mãi mặn mà.

(Tháng sáu 2021)
(*)N. Ánh




VVM.15.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com