Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


LE TOUQUET , NƠI TÔI HÁI ĐƯỢC VÌ SAO




M ột ngày đang lúc tôi đầu tắt mặt tối trong bếp khách sạn Saigon Morin, thì giám đốc khách sạn vào bếp gặp tôi hỏi:

“ Cô Huy có nói được tiếng Pháp phải không?”

Tôi trả lời: “ Dạ năm xưa tôi có học tiếng Pháp”.

Ông ấy bảo tiếp: “ Trưa nay lúc 2h cô lên phòng tôi để phỏng vấn đi Pháp. Nếu cô nói được tiếng Pháp thì hy vọng.”

Ôi bất ngờ quá nên tôi xin giám đốc cho tôi về nhà xem lại một số từ trong tự điển nhưng ông ấy không thuận vì đang có những tiệc quan trọng tôi không vắng mặt được.

Vậy là tôi đành quay lại với công việc nặng nhọc mà đầu miên man nhớ lại những bài học tiếng Pháp cha tôi, cô Thân Thị Giáng Châu và thầy Phạm Kiêm Âu đã dạy năm nào. Nhưng đầu tôi rối mù. Đã hai mươi sáu năm trôi qua rồi. Mà trong khoảng thời gian ấy, tôi chưa một lần nói tiếng Pháp với ai. Ôi hy vọng quá mong manh!

Đúng hai giờ, tôi tan ca, nhìn lại người mình quá lem luốt nên chạy lên nhà hàng mượn cô bạn cái áo khoác rồi đi lên phòng giám đốc. Tôi gõ cửa, nghe bên trong có tiếng mời, tôi đẩy cửa đi vào. Mắt tôi nhìn thấy một phụ nữ Pháp đang ngồi với giám đốc nên cúi đầu chào bằng tiếng Pháp, rồi liên tục nói tiếng Pháp với bà ấy. Bà ấy ngạc nhiên khi nghe giới thiệu tôi chỉ là người làm bếp. Còn tôi ngạc nhiên vì sao mình lại nói tiếng Pháp khi tất cả kiến thức đã lùi sâu trong dĩ vãng? Quả lúc này tôi như người bị chó đuổi, gặp hàng rào cao vẫn phóc qua được. Nói một hồi, tôi chợt nhận ra tiếng Pháp của mình chữ nhớ chữ quên nên nói lời mạo đầu: “ Tôi rất xin lỗi madame. Hãy cho tôi được nói tiếng Việt vì tuy tôi được học tiếng Pháp do cha tôi dạy, ông là một giáo sư dạy tiếng Pháp nhưng do thời gian quá dài tôi không có cơ hội giao tiếp nên không thể nói tốt được.”

Bà ấy vội xua tay ra dấu tôi cứ tiếp tục.

Bà ấy yêu cầu tôi hãy trình bày cách chế biến một món ăn Pháp mà tôi biết.

Về món ăn tôi biết khá nhiều, nhưng các từ tiếng Pháp để diễn đạt thì tôi không nhớ hết nên tôi chọn món bánh crêpe, vì có những nguyên liệu và qui trình chế biến đơn giản giúp tôi diễn đạt bằng tiếng Pháp dễ dàng hơn. Sau khi tôi dứt lời bà ấy quay sang nói với giám đốc tôi:

“ Madame Huy có một ông bố tuyệt vời, dạy con học tiếng Pháp đã qua 26 năm không dùng đến vẫn còn parler bien Francais.”.

Thế là tôi đã vượt qua được cửa ải vũ môn đầy thách thức, để rồi khăn gói lên đường.

Tôi được đến Vùng Nord pas de Calais, miền bắc nước Pháp. Tại đây tôi được đưa về sống và học tập tại Lycée Hotellier thuộc thành phố LeTouquet-Paris-Plage, là một xã trong vùng Hauts-de-France, thuộc tỉnh Pas-de-Calais, quận Montreuil-sur-Mer, tổng Montreuil-sur-Mer. Thành phố này là khu du lịch nghỉ dưỡng của người Paris giàu có và nhiều khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Và tại đây, trường Du lịch cũng đã mở ra thu hút học viên khắp nơi về học tập.

Le Touquet có nhiều cái nhất: nhiều mưa, nhiều chim bay hót trên các lùm cây, nhiều hoa nở trong thành phố, nhiều ngàn thông xanh rì vươn vút trời cao và nhiều những biệt thự mà chỉ mở cổng vào những ngày cuối tuần khi chủ nhân sau công việc, cùng gia đình từ Paris về thư giản. Nó nằm bên bờ biển được đánh giá đẹp nhất nước Pháp ...

Ngày mới qua, tôi ngỡ ngàng vì đất nước này quá đẹp, quá văn minh. Mình như mụ nhà quê, vào bếp, cái gì cũng quá xa lạ. Nhất là những máy móc thiết bị ngành bếp. Trong lúc người lao động bếp ở Việt Nam đang dùng củi để nấu, ngồi bệt dưới đất để sơ chế thực phẩm...thì họ có cái tủ hấp to đùng mà về sau, chỉ 5 phút tôi có thể hấp chín, nóng hổi 1000 cái bánh bèo hay cái bể chiên sâu, chiên một lúc hàng trăm cái chả giò cho các dạ tiệc món ăn Việt Nam do tôi chỉ đạo.

Nhớ lời cha dạy:” Đừng bao giờ giấu dốt. Dốt thì phải học”. Nên tôi ra sức học. Căn phòng tôi ở trên tầng cao nhất của lâu đài. Nơi đây chỉ duy nhất phòng tôi nên đêm đêm rất yên tĩnh để tôi có thể ghi chép những điều đã học và trau dồi thêm Pháp ngữ cho việc học tập thuận tiện hơn.

Một ngày, chỉ sau một tuần đến trường, thầy Hiệu trưởng cho mời tôi lên văn phòng, tỏ ý đề cử tôi tham dự một Hội thi ẩm thực quốc tế do Viện hàn Lâm Ảm thực Pháp tổ chức.Tôi cảm thấy mình chưa đủ tầm đủ lực để trèo cao. Trèo cao e dễ ngã cái đụi! nên nói lời cảm ơn rồi từ chối.Thầy vội nói: “ Chúng tôi đã quan sát và tìm hiểu về madame. Tôi tin khả năng của bà.”

Tôi lại nêu hai lý do để mình không tham dự:

1. Kinh phí dự thi rất cao mà tôi không đủ tiền để nộp.

2. Trang thiết bị bếp nhiều thứ tôi chưa biết sử dụng nên sẽ lúng túng khi thi.

Thầy cười, bảo rằng cả hai thứ ấy thầy đều sẽ giúp tôi. Thế thì phải phóng lao thôi.

Ngày thi đã đến. Tôi phải trải qua ba vòng thi.

Ngày thứ nhất tôi được phỏng vấn với một đội ngũ gồm 20 Tiến sĩ ngành ẩm thực của Viện Hàn lâm. Nhìn họ oai nghiêm như các Tiến sĩ trong các hội đồng Y khoa, Khoa học ở quê nhà.Họ hỏi tôi nhiều thứ. Tôi trả lời bằng tất cả những gì mình hiểu biết.

Nhìn họ, tôi chạnh lòng nghĩ về người làm bếp Việt Nam.Ở đất nước này, người làm bếp được xã hội coi trọng.

Ở đất nước tôi, người làm bếp lại thật đáng thương. Họ luôn bị chủ la rầy hay bị nhân viên nhà hàng hạch sách. Cứ mỗi khi thực khách hài lòng, pourboire tiền thì chủ bỏ túi hoặc nhân viên nhà hàng bỏ túi. Mà khách chê thì đổ lỗi hết cho nhà bếp. Điều ấy không công bằng.Ý nghĩ ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi nên sau này khi trở về nước, tôi quyết tâm thay đổi quan niệm ấy. Tôi đi khắp các khách sạn để làm cuộc cách mạng tư tưởng ấy. Năm 1999, báo VietNamnews đã đưa tin về tôi: “ Ms Huy, Người mở đường cho ngành bếp Việt Nam”.

Trước tiên, muốn được xã hội coi trọng, người làm bếp phải có học. Học kiến thức và kỹ năng; học đạo đức nghề nghiệp; học giao tiếp nghề nghiệp.... Cái học sẽ giúp ta vươn lên.

Song hành việc dạy nghề, tôi luôn truyền ngọn lửa kiêu hãnh về nghề nghiệp cho học viên. Tôi đưa ra dẫn chứng: Tất cả học viên du lịch khi thi vào trường đều có mặt bằng kiến thức ngang nhau. Lúc học kiến thức cơ bản cùng giáo trình giống nhau. Chỉ khi học chuyên ngành mới tách riêng. Vậy tại sao nhân viên Bếp lại luôn mặc cảm thua kém nhân viên Lễ tân hay Nhà hàng? Và khi một nhân viên Nhà hàng đột xuất nghỉ việc, nhân viên Bếp có thể thay. Nhưng nhân viên Bếp nghỉ, liệu nhân viên Lễ tân hay Nhà hàng có đảm đương nổi không?...”

Trở lại hội thi, ngày thứ hai tôi bốc thăm đề thi, tự vào kho chọn thực phẩm theo đề rồi viết công thức nộp cho ban Giám khảo.

Đề thi vừa khép vừa mở. Nghĩa là nguyên liệu chính và phương pháp chế biến phải theo đề. Còn các thức kèm khác tự thí sinh sáng tạo.

Tôi bốc thăm ba đề:

1. Món cá Hanh vùng Địa Trung hải hấp

2. Món sườn cừu quay áp chảo

3.Món bánh crêpe phồng nhân trái cây.

Tôi vào kho tự chọn thực phẩm đúng định lượng cho 4 phần ăn rồi ngồi viết công thức nộp cho Hội thi.

Ngày thứ ba, thực hành ba món ăn đã bốc thăm. Ngày này như đã hứa, thầy Hiệu trưởng cử thầy giáo Raymond đi theo tôi để giúp tôi sử dụng một số trang thiết bị bếp. Tôi miệt mài làm với tất cả tâm huyết nhưng thực lòng không hề mong đợi giải. Làm xong ba món ăn, tôi nộp sản phẩm rồi ra về, cảm thấy nhẹ lòng vì dù sao mình cũng đã dũng cảm dự thi để khỏi mất thể diện Vietnammien.

Lúc 4 giờ chiều các thí sinh qui tụ về trường để chờ kết quả.Tôi do không hề nghĩ mình đạt giải nên không mang áo bếp, chỉ mặc áo dài Việt Nam đến tham dự. Lúc Giám khảo xướng tên. Tất cả có 7 người đậu. Gồm 5 người được Huy chương và bằng công nhận của Viện Hàn Lâm và 2 người được bằng khen. Lúc xướng đến tên người thứ 5, bất ngờ lại là tôi.Thầy hiệu trưởng luống cuống khi thấy tôi không mặc đồ bếp nên vội lấy cái mũ Toque Blanc đội lên đầu tôi rồi đưa tôi lên khán đài.

Tự hào làm sao!

Nhưng lòng tôi vẫn cảm giác mình đậu do được ưu đãi vì là người ngoại quốc chứ không do tài năng nên hỏi ngay Ban giám khảo điều ấy.

Vị trưởng ban Giám khảo là Chef lừng danh Pháp Paul Bocuse trả lời ngay trước hội trường:

“ Người ngoại quốc tham dự hội thi này rất nhiều chứ không chỉ một mình madame.Madame xứng đáng vì chính bà có kiến thức tuyệt vời và nghệ thuật trang trí độc đáo.Và chúng tôi cũng đang thắc mắc vì sao trong món ăn tráng miệng của bà có một hương vị lạ lùng mà chúng tôi không nhận ra là do đâu. Và tại sao bà chọn trái cây là Chuối mà không chọn Pomme, Nho...”.

Đến lúc ấy tôi mới chợt nhớ ra và trả lời hội đồng:

“ Tôi rất xin lỗi vì trong công thức bánh crêpe lúc chế biến do thấy trên kệ trước mặt có chai bột gừng nên tôi thêm chút ít vào caramel. Kiến thức này tôi đã học từ mẹ tôi. Bà bảo vị gừng rất hợp với caramel, nó giúp món sốt thơm ngon hơn.

Còn việc tại sao tôi chọn chuối mà không chọn trái cây ôn đới thì như quý ông vẫn biết, thức gì ta ăn hoài sẽ không còn là thức ta thèm muốn. Chuối là thực phẩm khá hiếm trên đất Pháp nên tôi cố ý chọn nó. Hơn nữa khi tham dự hội thi này, lòng tôi luôn nghĩ đến mẹ tôi, người thầy dạy bếp đầu tiên của tôi. Cây chuối là một bà mẹ kiên cường. Vừa mang nặng buồng chuối ngày ngày quả mỗi lớn dần, vừa nảy sinh các cây con dưới gốc để kế tục giống nòi. Nó cũng như mẹ của chúng ta. Người Việt Nam chúng tôi đã ví von:

Mẹ già như chuối bà Hương...

Thế nên tôi chọn chuối vì nó là món ăn của tình yêu- là mẹ của tôi đang dõi theo tôi trong Hội thi này”.

Từ mảnh đất ấy, cuộc đời tôi cứ trôi trôi theo dòng đời với đôi cánh của những thiên thần bay cao, bay cao trong ẩm thực muôn nơi, để hôm nay tôi lại hái tiếp những vì sao của ước mơ./.





VVM.15.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com