T hầy Ngô Hoành sinh năm Ất Sửu (1925) tại xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
1- Những lần về thăm thầy
Quê tôi là huyện Tiên Phước, hiện nay tôi đang sống tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Cứ mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi thường đến thăm thầy Ngô Hoành
Xuôi theo con dốc thoai thoải tại ngã tư, (trước đây là ngã ba) thị trấn trung du Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tôi ra ngã đi về xã Tiên Mỹ. Con đường chạy giữa hàng cau xanh mướt lá, và lác đác cây lòn bon nổi tiếng huyền thoại trái Nam trân. Cuối tháng Tám, mà chùm trái đã chín vàng ruộm. Đồng ruộng mơn mởn xanh. Vài ngôi nhà tầng đang bận rộn thi công bên những nếp nhà ngói đỏ.
Ngõ hẹp quanh quanh bậc đá thấp, dẫn vào nhà thầy Ngô Hoành. Hàng cau thẳng tắp. Vài cây quế, lá thơm nồng, bên choái tiêu, chùm trái xanh cay xé.
Tôi nhớ lại ngày đến thăm thầy, mặc dầu tuổi đã vào khung đại thọ, và một chân bị cưa do suy thoái xương, ngồi trên xe lăn, nhưng thầy vẫn khỏe. Bên thầy, tôi nhắc lại tên của những học trò ngày xưa cùng ngồi lớp Năm, niên khóa 1953 – 1954, trường Mính Viên, xã Tiên Lộc. Ánh mắt thầy bỗng trở nên xa xăm. Ôi biết bao xúc động! Thầy trò cùng ôn lại những kỷ niệm êm đềm ngày xưa dưới mái trường lợp rạ, vách đất, giấu mình giữa rừng cây già.
Tôi nhắc về thầy Hiệu trưởng Đỗ Tấn Xuân hiền từ mô phạm. Nhà thầy là mái quán thấp le te, ngay tại ngã ba Bà Xù, gối đầu tuyến đường Tiên Phước – Tam Kỳ. Phía sau nhà thầy Xuân là đồi sim vun đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò.
Trường Mính Viên hồi ấy có ba lớp Năm (Năm A, Năm B, Năm C, và một lớp Sáu). Thầy rất trẻ, 27 tuổi, bảo học sinh gọi thầy bằng Anh.
Tôi nao nao nhắc lại đêm văn nghệ của Đoàn văn công Quân khu V diễn vở kịch Chị Ngộ. Bỗng nửa chừng, hội trường vội tắt đèn, vì nghe có tiếng máy bay giặc Pháp vọng đến từ xa.
Thầy Ngô Hoành của chúng tôi là một trong nhiều học sinh xuất sắc, được tiếp thu sở học với những vị Giáo sư nổi tiếng: Lê Trí Viễn, Phan Thao…tại trường Viên Minh ở Hội An (1941 – 1945). Sau đó, thầy Ngô Hoành về dạy trường cấp 2, huyện núi Quế Sơn. Năm 1951, chuyển về dạy trường Mính Viên xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước; ngôi trường cấp 2 đầu tiên và duy nhất trên huyện Tiên Phước. Năm 1954, do tình hình cuộc chiến, trường dời về đình Tây xã Tiên Mỹ. Tháng 7/1954, sau khi quân và dân ta thắng to trận Điện Biên Phủ, các anh bộ đội đến tận trường để thuyết minh về trận đánh kiên cường, vinh quang thắng lợi và nêu cao những tấm gương anh hùng quả cảm.
Ngày 27/9/1954, sau vụ đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ, các thầy đều về quê, và số học sinh còn lại không quá 30 người. Bấy giờ, thầy Ngô Hoành vừa đảm trách Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường, đồng thời dạy các môn văn, toán, lý hóa…
Những năm tiếp theo, thầy Ngô Hoành vẫn được tiếp tục công việc giảng dạy. Niên khóa 1975 – 1976, thầy giữ chức vụ Hiệu Trưởng Trường Phổ thông cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, và rồi được chuyển sang công tác tại Phòng Giáo dục huyện Tiên Phước, cho đến khi về hưu trí tại quê nhà Tiên Mỹ.
Thơ trữ tình của thầy nhẹ nhàng, xa vắng, nhớ nhung-“ Cũng lại trời xanh, trời mướt xanh/ Em buồn da diết đợi chờ anh/ Anh chim di trú quên đường cũ/ Em cánh buồn đơn đợi gió lành” (Đơn sơ). Hiệu suất cảm xúc trong thơ lục bát của thầy như một sự độc bạch, man mác với những bè đệm sắc điệu cảm thán đa thanh, lồng ghép không gian hai phía – ruộng vườn trung du và cao nguyên đất đỏ: “Bỏ ruộng vườn, bỏ con thơ/ Em đi nào có ai ngờ được đâu/ Phải duyên đã bén từ lâu/ Đã chung nhau nghĩa trầu cau mặn nồng/ Cao nguyên đất bụi gió lồng/ Vui chăng em kiếp bềnh bồng nổi trôi” (Khuyên em). Trước hiên nhà, thầy treo lủng lẳng những giò hoa lan sắc màu, hình ảnh của lạc quan vui thú điền viên, tạo nên phối cảnh cảm xúc: “Lủng lẳng hiên nhà mấy giò hoa/ Hoa chi cũng được, hoa thôi mà/ Hoa chi cũng mặc, không cần biết/ Ông thích, ông treo nó ở nhà” (Yêu hoa).
2- Vĩnh biệt người thầy khả kính Được ông Nguyễn Đình Liên, là cháu gọi thầy Ngô Hoành bằng Cậu và các em tôi báo tin buồn, thầy tôi đã vĩnh viễn ra đi, lâm chung vào lúc 8 giờ, ngày 15/10/2021 tại quê nhà Tiên Mỹ. hưởng đại thọ 96 tuổi.
Đường sá xa xôi, mưa gió não nề, lại thêm dịch Corona – 19, nên không thể về quê đưa tiễn thầy. Từ Vạn Ninh – Khánh Hòa, tôi thành tâm ngưỡng bái qua bài viết, xin được làm nén nhang tưởng niệm, tiếc thương, thắp lên nỗi đau buồn đưa tiễn, vĩnh biệt người thầy cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp ở huyện Tiên Phước, rời cõi trần ai.