Ô ng chuẩn bị cho công việc về hưu của mình thật nhẹ nhàng, không chạy vạy xin xỏ... Nhiều người bảo: đã đến cái tuổi về hưu thì cần gì danh với dự nữa, chẳng còn cái gì để mà mất! Cố đấm ăn xôi là được tất! Bao nhiêu năm cống hiến, cái xin cái cho có thấm tháp to tát gì đâu, của công mà! Con không khóc sao mẹ cho bú. Bạn bè khuyên: Đừng có sĩ diện hão!. Ông chỉ cười và nghĩ: xin chắc là được, vì ông vốn là người hiền lành từ trước tới nay chưa xin xỏ cái gì của công, không tư túi chấm mút gì của công, thuộc “típ” người ít nói, khảng khái, xin chắc chắn là được. Nhưng rồi cái tên của ông chắc sẽ biến dạng thành “Ông ghế", "Ông Tủ" “Ông nhặt nhạnh” hoặc dài hơi hơn một chút "Ông vơ bèo vạt tép”! “Ông chổi cùn rế rách”...
Càng gần đến ngày rời nhiệm sở, Ông cũng thấy đôi chút bâng khuâng nhớ nhung. Bạn bè đi công tác xa về thường ghé vào thăm ông và hỏi han đôi điều là chuẩn bị về đến đâu rồi đã có kế hoạch gì chưa? Vẫn gắn bó với đất mỏ hay về với xứ sở “con bo vang” (Con bò vàng) quê cha đất tổ?”
Trong tâm tư sâu thẳm của lòng mình Ông vẫn thường trực ý nghĩ, đến tuổi về hưu thì về chẳng có gì mà nuối tiếc băn khoăn! Cái tuổi 60 đã thật sự làm cho con người ta có đôi chút lười nhác, ngại va chạm, an phận thủ thường, né tránh càng nhiều càng tốt... Đến cái tuổi 60, có lẽ chỉ có cái ưu điểm là điềm tĩnh, chững chạc, chín chắn, mọi việc làm đều có sự suy đi tính lạị, tính toán cân nhắc kỹ lưỡng; Muốn nói gì đều phải qua ba lần uốn lưỡi.
Mọi sự hẫng hụt cũng sẽ đến, nhớ bạn bè, nhớ cơ quan, nhớ cái cánh cửa tủ đến mở về khoá, nhớ cái phất trần hàng ngày cầm đến để xua đi cái bụi bậm trên mặt bàn sau một đêm không có người ngồi. Nghỉ thì không còn được làm việc, không được đi trong làn mưa bụi, những cơn mưa rào, những trận cuồng phong, gió táp mưa sa trên đường đến cơ quan... Nghỉ hưu là không còn được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp thuần khiết của mấy em văn phòng, những nụ cười nửa vời, những ánh mắt, nghe những giọng tếu táo cùng trang lứa bên chén trà điều thuốc, bên vại bia. Cả những việc chê bai đập bàn chỉ mặt dè bỉu nhau- tuy chỉ trong chốc lát - là đồ ăn hại, không biết điều, là đồ ăn bẩn… Sau những lời tục tĩu thô thiển lại cười hơ hớ với nhau...
Mọi cái Ông đều nghĩ đến và hiểu cả, có cái ẩn ức lâu trong tâm trí nhưng cũng có cái thoáng qua trong giây lát. Nhưng tất cả những cái bon chen, những lừa lọc, những nịnh bợ…Ông đều coi là những “Lát Cắt” của cuộc đời. Cái mà ông trăn trở nhớ sâu đậm nhất có lẽ là sự “thăng trầm” của cái thời đương nhiệm công chức của ông. Nhanh thật, loáng một cái đã vào cái tuổi 60 rồi, tuy người ta vẫn khen ông còn phong độ lắm.
Ông công tác ở trường đào tạo nghề mỏ mới đấy mà cũng đã 10 năm. Người ta bảo chu kỳ sinh học của ông là con số 10. Có lẽ đúng thế thật, công tác ở mỏ 10 năm, làm việc ở Công ty 10 năm, bây giờ ở trường cũng 10 năm. Những năm ở trường đã để lại cho ông những kỷ niệm êm đềm khó quên, ông đã được nhà trường ưu ái cho đi dự mấy lớp sư phạm và ông đã trở thành thầy giáo, được đứng trên bục giảng về môn quản lý tổ chức hạch toán ở doanh nghiệp.
Trước lúc cầm quyết định về hưu, ông đã trao đổi bàn thảo với bạn bè và thật thà xin lời khuyên là nên làm gì và làm như thế nào để khỏi hẫng hụt, yên tâm làm kinh tế tăng thu nhập? Đầu tiên, ông dự định mua một dàn máy tính để thu hút bọn trẻ vào chơi, ông nghĩ chỉ có việc ngồi thu tiền, ông đã tính mỗi ngày chí ít ra cũng thu được 3-4 chục nghìn một tháng cũng được tiền triệu, lúc đầu bạn bè tư vấn cho là được đấy, cười hơ hớ với nhau, nhưng rồi bàn đi tính lại, lợi bất cập hại, thực tế đã cho thấy nhiều đứa trẻ vì quá ham mê điện tử mà sao nhãng việc học hành, vì ham mê quá mà trở thành con nợ phải đi lấy cắp tiền của cha mẹ, của hàng xóm để “chát” “Game”. Có em vì ham mê cuốn hút quá đã đặt cả chiếc xe đạp đang đi bỏ học để vào chơi điên tử suốt buổi..Ông đã chứng kiến những ông bố bà mẹ lôi con xềnh xệch đến của hàng để van nài chủ cửa hàng đừng cho cháu chơi nữa vì không có tiền trả...
Kế hoạch bị bãi bỏ một cách không thương tiếc… nhiều người cười cho ông là con người cổ, cái thời buổi cơ chế thị trường mà chắc lép quá thì sao sống nổi. Rồi, ông tính mở một sạp bán sách báo, tranh truyện trước cửa nhà để cho tụi trẻ đọc, nâng cao sự hiểu biết. Thời nay tụi trẻ ít đọc quá! Một ông bạn chí thân cười bả lả “Cái thời buổi gạo châu củi quế còn thích kiếm tiền làm giầu, có ai hào hứng đọc báo, xem sách đâu... mở sạp tôi e lại lỗ chỏng gọng ra đấy. ông nghĩ cũng thấy đúng!
Đến phương án cuối cùng là mở cửa hàng kinh doanh đủ mọi thứ mà cuộc sống đời thường của người dân cần như xà phòng, thuốc đánh răng, bút bi, cầu lông, tranh ảnh của những siêu sao điện ảnh người mẫu, thiệp chúc tết, sinh nhật, giấy vệ sinh, đồ gốm sứ, các ông “Phúc, Lộc, Thọ”, lọ hoa...
Nghĩa là tất tần tật những thứ mà cuộc sống con người cần. Phương án có vẻ chấp nhận được, trong đầu ông đã vạch ra tiến độ và chọn chuẩn bị ngày khai trương cửa hàng. Ông đã dứt khoát làm chuyện này.Ông đã yêu cầu thằng con rể cùng đi gom hàng với mình, xa thì đi Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn… gần thì Đông Triều, Hòn Gai… Nhưng rồi kế hoạch cũng bất thành vì được mời đi làm tư vấn kế toán dài hạn cho một Công ty thương mại…Lại tiếp diễn cuộc sống buồn vui : Sáng cắp ô đi tối cắp ô về!
Nhờ trời có cái nghề mà ông chưa kịp hẫng hụt đã vùi vào công việc mới. Cốt nhất là tuổi hưu nhưng lòng không hưu.