Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TẢN MẠN NHỮNG NGÀY Ở SEATTLE



C ận ngày bay nhân viên phi đoàn Eva Airline đình công, hoãn chuyến khiến chúng tôi phải lùi hơn tuần lễ sau mới khởi hành (01/7/19). Chiều phi trường Tân Sơn Nhất “người đi réo kẻ về” đầy nỗi niềm cảm xúc. Lần đầu trong đời ngồi tàu bay 12 tiếng đồng hồ, tôi hơi oải  so với cái tuế ngoài 70 đang rần rần trên mái tóc muối ngày càng nhiều hơn tiêu. Màn hình sau lưng ghế trước mặt liên tục cập nhật hành trình bay báo cho hành khách biết tàu bay đang ở độ cao11.277m – vận tốc 852Km/h – thời tiết bên ngoài âm 57 độ C. Tôi chép miệng thầm – thật không thể tin được mình đang “du hành” trong vũ trụ.

Tôi ngồi im thít thực tập quán chiếu, gọi tâm về với thân ngay trong khoang Boeing Br026 – cảm giác mình trong trạng thái lơ lửng trống rỗng. Nghìn trùng xa quá xa. Tôi lan man nhớ về cố quận. Chẳng hình dung rõ rệt điều gì. Saigon như tấm ảnh đen trắng phai thuốc rửa, nhiều vết xước rỗ lác. Lấp loáng cơn mưa mùa hạ. Thấp thoáng phố thị rong rêu. Bóng nhỏ liêu xiêu. Chiều Tao Đàn ghế đá công viên hoang phế, bỏ quên một thời tuổi trẻ  rong chơi. Tôi cảm giác  Saigon chảy luồn trong hệ tuần hoàn mao mạch đi khắp cơ thể. Saigon ngấm vào tôi như rượu. Saigon, nơi tôi gửi cuống nhau cho bà Từ Dũ giữ hộ – nơi tôi học tập gắn bó với Petrus Ký, Văn Khoa, Sư phạm – trưởng thành vào đời – nơi tôi chứng kiến biết bao sự đổi thay dâu bể mà mãi đến tận bây giờ tôi mới tường tận qua những tư liệu lịch sử được công bố gần đây trên các trang mạng.

Saigon,nơi tuổi 26 của tôi (1975) bước qua cuộc đời khác,vừa đi vừa mò mẫm “làm gan” bỏ mặc cho số phận tùy duyên – Đùng đùng gió giục mây vần/Một xe trong cõi hồng trần như bay(1). Có lẽ vì thế thỉnh thoảng trong tôi lại bật lên câu hỏi : Ta là ai – mà “phi hiện hữu” trong cõi ta bà ?

Đèn tắt bớt, khoang tàu bay tù mù, lối đi hẹp, 3 dãy ghế dài sau lưng cabin phi công, từ hạng Vip cho đến hạng cá kèo đầy nhóc người – chút ánh sáng hắt ra từ khu vực restroom – một vài ánh chớp nháy từ những màn hình video bé như tấm bảng con đeo sau lưng ghế. Hành khách thiêm thiếp – chẳng biết họ nghĩ gì. Tôi cảm giác mình rơi vào trạng thái Zéro –  “sắc-sắc,không-không”…?

Tàu bay đáp xuống phi trường Tacoma – 20g đêm, mặt trời Seattle chưa chịu sập cửa. Bước từ kinh tuyến Đông “giật lùi” sang kinh tuyến Tây, vẫn còn là ngày cũ như lúc ở Tân Sơn Nhất. Tôi kéo lê hành lý “nhảy phóc” lên miệng  giếng. Tôi biết mình đã thực sự cách xa Việt Nam nghìn dặm. Mỗi bước chân giờ đây lạ lẫm. Gia đình con gái đã chờ sẵn, hai cháu ngoại mừng rỡ ôm chầm lấy ông bà, kéo hộ hành lý ra xe. Khu parking rộng mênh mông, chất nhiều tầng, xe phải chạy xoắn loằng ngoằng mới trổ ra đến cổng. Màn đêm thực sự buông phủ, nườm nượp dòng xe ngược xuôi ra vào Sea-Tac. Về đến nhà (khu Bellvue) gần nửa đêm, sắp sửa sang ngày mới – Xin chào Seattle đã cho tôi nếm nỗi niềm xa xứ – “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu”. (2)


2-

Theo tìm hiểu, Seattle là thành phố cảng biển, thủ phủ của Quận King – được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của khu vực, nằm ở phía tây tiểu bang Washington trên một dải đất giữa Vịnh Puget (một nhánh nhỏ của Thái Bình Dương) và hồ Washington, cách khoảng 160 km về phía nam biên giới Canada – Hoa Kỳ. Tổng diện tích 83,9 dặm vuông, Seattle nằm căng trên bảy ngọn đồi : Capitol Hill, First Hill, West Seattle, Beacon Hill, Magnolia, Denny Hill và Queen Anne (47,37 vĩ độ Bắc và 122,20 kinh độ Tây). Địa hình chính là đồi núi, rừng xanh hăng sực sức sống. Cũng giống như các thành phố nằm trên cùng vĩ tuyến cao phía Bắc, ngày mùa hè ở Seattle kéo dài (mặt trời chiếu sáng suốt 16 giờ vào ngày 21/6), ngược lại, ngày mùa đông lại ngắn và ảm đạm (mặt trời chỉ chiếu 8,5 giờ ngày 21/12).

Nhiệt độ ít khi xuống 0 độ C vào mùa đông nên cũng ít khi có tuyết. Lượng tuyết rơi trung bình hằng năm là 33 cm (được đo bởi Sân bay Sea-Tac). Mưa nhiều nhất là vào tháng Một đến tháng Năm và từ tháng Mười đến tháng Mười hai. Mưa không lớn nhưng đa số là mưa phùn, nhỏ và kéo dài. Trong một tuần mưa có thể liên tục bảy ngày, một năm chỉ được khoảng 60-70 ngày nắng. Bão ít khi xảy ra ở Seattle. Thời gian khô ráo nhất trong năm là từ tháng 6 đến tháng 8.

Seattle có nhiều điểm thu hút sự quan tâm của du khách như Ballard Locks (cống dẫn nước vào Vịnh Puget); Experience Music Project (bảo tàng âm nhạc), Museum of Flight (bảo tàng hàng không)… Khách đến thăm Seattle có thể đi du thuyền trong Vịnh Puget và lên tháp Space Needle. Chợ ngoài trời Pike Place cũng là một điểm đến vô cùng hấp dẫn. Chợ rất sạch sẽ, hiện đại và luôn chật cứng người vào dịp cuối tuần.

3-

Tôi ghé thăm thư viện địa phương Lake Hills Library – King County. Kệ sách Việt khiêm nhường với vài trăm đầu sách, chiều hôm đó gần như chỉ dành “độc quyền” cho riêng tôi – “ông khách đến từ Saigon-VN”, săm soi lục lạo tìm kiếm. Đúng là :“tha hương ngộ cố tri”! Không gì hạnh phúc bằng được gặp “đồng hương” nơi đất khách quê người. Xin được ghi ra đây những cái tên sách, tên tác giả lặng lẽ, đã khiến lòng “Việt” trong tôi lúc bấy giờ dấy lên niềm xao động khó tả: Nguyễn Du (Truyện Kiều), Ngô Tất Tố (Tắt Đèn), Vũ Trọng Phụng (Lấy nhau vì tình, Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô), Khái Hưng (Nửa Chừng Xuân), Thạch Lam (Dưới Bóng Hoàng Lan), Lan Khai (Truyện Đường Rừng), Nguyễn Công Hoan (Tuyển tập), Vũ Bằng (Phù Dung ơi giã biệt !)… Những tác giả trong và ngoài nước (VN) xuất hiện sau 75: Mạc Can (Người nói tiếng bồ câu), Nguyễn Nhật Ánh (Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng), Phan Nhật Nam (Chuyện dọc đường), Nguyễn Tường Thiết (Nhất Linh cha tôi), Hồi ký Bà Tùng Long, Vũ Quốc Thúc (Thời đại của tôi – cuốn 1 – Nhìn lại 100 năm lịch sử), Ma Văn Kháng (Chim én liệng trời cao), Hữu Mai (Những ngày bão táp), Đỗ Phấn (Vắng mặt), Trang Hạ (Đàn bà 30), Song Thao (Phiếm 21), Nguyễn Lương Vỵ (Tuyển tập thơ Bốn mươi lăm năm 1969-2014), Lê Văn Nghĩa (Saigon dòng sông tuổi thơ), Hà Đình Nguyên (50 chuyện kỳ thú phương Nam), Thái Bá Lợi (Bán Đảo), Du Tử Lê (Sơ lược 40 năm Văn Học Nghệ Thuật Việt 1975-2015)…


4-

Giữ thói quen ở Việt Nam, qua đây sáng nào tôi cũng đi bộ thể dục lòng vòng quanh đồi Newport Hills. Bellevue đẹp tuyệt vời. Tôi như đi trong cõi thiền, thỉnh thoảng vụt bóng áo choàng đen bay ra khỏi tán lá kim, buông rời thanh âm quác…quác. Tôi mơ hồ thấy những dáng thông xanh hình chóp nón bước ra từ những tấm thiệp Merry Christmas ngập tràn mùa ân phước. Những ngôi nhà lặng lẽ ven dốc. Chủ nhân đâu chẳng thấy, xe cộ đỗ vất bên đường. Thềm cỏ mịn mượt cắt xén tăm tắp. Cẩm tú cầu màu tím xanh cuồn cuộn sức sống. Những quả táo bám đầy cành, rụng đầy sân. Hoa Hướng Dương lặng lẽ nở bung. Tuổi về chiều sống ở đây thích thật, yên tịnh, môi trường xanh sạch. Chỉ mỗi tội quá buồn. Người Việt mình có xu hướng sống ổn định nhưng Trời làm một trận phong ba xới tung lịch sử, khiến đành thôi phải ra đi. Đêm nhớ,ngày mong canh cánh nỗi niềm :“Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc/Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia”- (3).

5-

Tham quan Mount Rainier National Park

Nằm ở phía đông nam Hạt Pierce và phía đông bắc Quận Lewis thuộc tiểu bang Washington, Công viên quốc gia Mount Rainier được thành lập vào ngày 2 tháng 3 năm 1899, là công viên quốc gia thứ năm tại Hoa Kỳ. Công viên rộng 236.381 mẫu Anh (369,35 dặm vuông; 956,60 km) bao gồm Núi Rainier 14.411 feet (4.392 m) – điểm cao nhất trong dãy Cascade, bao quanh là thung lũng, thác nước, đồng cỏ, rừng già và hơn 25 sông băng. Núi lửa thường bị che khuất trong những đám mây đổ lượng mưa và tuyết khổng lồ trên đỉnh mỗi năm.

Đi bộ theo đường mòn xuyên qua rừng,tôi ấn tượng với vẻ đẹp của những cây tuyết tùng đỏ, cây linh sam Douglas, cây hemlock miền tây. Cầu treo đong đưa bên dưới dòng suối trong veo nhiều sỏi cuội. Những đời cây lá kim thân thẳng hiên ngang cao vút – tôi mân mê xoa tay vào lớp vỏ dày khô ráp tưởng tượng như chạm da thịt thời hoài thai địa chất – 500.000 năm trước. Nhiều “cụ tổ” đại thụ không cưỡng lại được qui luật “sinh diệt” – mệt quá cái thân ta này ngã vật chắn lối thu sang !

Một thoáng ngậm ngùi liên tưởng đến những thân phận tha hương nằm lại nơi xứ tuyết – Gió lạnh chiều nghĩa trang lặng lẽ, những mộ phần thinh lặng ép mình dưới mặt cỏ,ngước nhìn trời xanh sắc không !

(Saigon,tháng 7/2020)
(1)Truyên Kiều – Nguyễn Du
(2)Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn
(3) Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan
(4)Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều





VVM.25.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com