B à Như bước xuống xe, thong thả lại dãy ghế ở phòng chờ bến xe Miền Đông, ngồi đợi con trai đến đón. Phòng đợi nhộn nhịp hơn khi có những chuyến xe vừa về từ Đà Lạt, Nha Trang, Ban Mê Thuột. Những người bán vé số dạo mời khách vừa xuống xe mua vài tờ để lấy may; những chị bán đậu phụng, trứng gà, xoài, ổi, mía, rao lảnh lót tạo nên quang cảnh náo nhiệt, ồn ào.
Một ông lão hành khất gầy guộc mặc chiếc áo sơ mi trắng đã trở màu vàng bệch rách hở vai, chống chiếc gậy trúc lê từng bước nặng nhọc tiến dần lại dãy ghế hành khách đang ngồi chờ xe trung chuyển; đưa chiếc mũ vải cũ mèm ra trước mặt từng người, giọng khàn đục: “Xin cô bác bố thí cho đồng bạc lẻ”. Ông lão đi dần từ chiếc ghế đầu, đầu cúi xuống thấp miệng nói rền rền như để đủ người đối diện nghe được - “Xin cô bác giúp đỡ cho kẻ tật nguyền chén cháo”. Có người bỏ vào mũ lão tờ một nghìn, hai nghìn, người hào phóng hơn thì năm nghìn, có người lắc đầu xua tay ngán ngẩm.
Bà Như dõi nhìn lão - thật chậm, chợt cảm thấy dáng người quen quen; bà cố lục tìm trong trí nhớ mình một người nào đó mà bà đã từng gặp, xa lắc. Bỗng bà nhìn thấy chiếc hình đầu lâu xăm ở vai phải khi lão cúi xuống, chiếc áo rách vai đã để lộ nguyên hình cái đầu lâu mầu xanh thẫm, rõ ràng. Bà nhớ ngay lại người đàn ông dữ dằn, hung tợn đã hù dọa bà, khi bà đến hỏi tiền còn nợ của bà mấy mươi năm trước ở cái quán nhỏ bên đường giữa ngã ba đèo, mà bà đã lập ra để bán cho khách bộ hành lên xuống Vũng Rô ngày ấy.
Bà Như lấy tờ năm mươi nghìn bỏ vào chiếc mũ khi lão đến trước mặt bà vừa cất giọng rên rỉ. Lão ngạc nhiên ngước lên nhìn người hành khách vừa bỏ tiền vào chiếc mũ của mình. Tia nhìn của lão bắt gặp ánh mắt thương cảm của bà Như; lão khẽ rùng mình vì cảm thấy người khách quen quen, hình như lão đã gặp ở đâu đó, mà lão chưa kịp nhớ ra. Lão nghĩ bụng, một người có gương mặt phúc hậu, ánh nhìn thương người như bà khách kia, phải là một người có cuộc sống hạnh phúc lắm.
Trong chiếc đầu khô khốc, dưới lớp tóc trắng cháy vàng của lão, gương mặt phúc hậu ấy như lóe sáng lên dần trong trí nhớ xơ cứng của lão. Nốt ruồi cuối chân mày bên phải đó, gợi lão nhớ đến người phụ nữ ở giữa đỉnh đèo của hai mươi lăm năm về trước. Lão thoáng quay nhìn bà, sửng sốt.
Hình ảnh chiếc quán nhỏ ngày nào giữa ngã ba đèo như hiển hiện trước mắt bà Như và lão hành khất kia, như một cuốn phim quay chậm, từng cảnh, từng cảnh một quay trở lại một cách rõ ràng.
Sau khi bị “tuôn” chuyến hàng phế liệu ở Phan Thiết, Như dốc hết vốn làm chuyến gạo theo người chị họ vào Nha Trang để bán. Tàu vừa vào đến ga Hảo Sơn, đội quản lý thị trường phối hợp với du kích xã lên tàu. Tất cả số gạo trên các toa tàu bị tuôn hết xuống đất và được đưa vào ga Hảo Sơn chờ xử lý. Như cùng người chị họ và một số bà con buôn gạo chờ đợi ở nhà ga, chờ có cơ hội xin lại được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng toàn bộ số gạo được chuyển đi ngay trong chiều hôm đó, nên không ai lấy lại được ký gạo nào.
Hết vốn, Như không biết làm gì để nuôi ba đứa con còn nhỏ ăn học, bèn vào ngã ba đèo lập quán bán nước giải khát, thuốc lá, và những món ăn bình dân cho khách lên xuống Vũng Rô.
Một buổi sáng, sau khi dọn dẹp chén bát, tô, dĩa bán ăn sáng xong, thì một gã đàn ông mặt lạnh tanh, hầm hầm bước vào quán. Ông ta hét lớn:
-Chủ quán! Cho chai rượu!
Như vội lại đong rượu vào cái chai nửa lít mang ra. Ông ta nói như hét:
-Bà ở Hòa Tâm có biết “Năm Rô” không?.
-Năm Rô nào tui không biết. Tui chỉ biết có ông Năm chuyên chứa bài ở xóm chợ thôi, không biết có phải ông ấy không?
-Đúng là ông ấy đấy. Là sư phụ của tui đấy!
-Sư phụ của ông thì có mắc mớ gì tới tui?.
Ông ta nói lớn:
-Thì tui giới thiệu để bà biết tui là ai, làm gì chớ!.
Như bỗng mắc cười thầm trong bụng, cái kiểu hù dọa như vậy thật là trẻ con. Cô nghĩ, dù ông ta có làm gì cũng chẳng sợ; vì cô đã chẳng còn gì, phải vào tận giữa đèo heo hút, lạnh lẽo, bỏ con cái gởi ngoại để kiếm sống, thì còn sợ cái nỗi gì nữa. Cô trở nên tự tin, cười nhạt:
-Tui biết ông là ai để làm gì? Tui chỉ bán quán nước nhỏ cho khách qua đường giải khát, ăn uống đỡ lòng thôi. Biết ông hay không biết cũng vậy, có gì khác đâu.
Ông ta bỗng hất cái bàn ngã lăn đứng dậy, quát lớn:
-Sao không để làm gì? Tui lên xuống đây hằng ngày, ai dám “đụng” vào tui?
Như nói dứt khoát:
-Không ai đụng tới ông làm gì, nhưng tui cũng không muốn ai đụng tới tui.
Ông khách thấy Như không có gì tỏ vẻ sợ mình, liền giã lã:
-Thì tui nói vậy là muốn giúp chị thôi. Có ai “xù nợ”, hay “quậy phá” chị cứ nói với tui.
Như bỗng phì cười:
-Vậy thì cứ nói đại ra đi, bày đặt hù dọa. Nói thiệt với ông, Năm Rô là em con người chú họ của tui đó.
Ông ta bỗng dịu giọng, khúm núm:
-Vậy hả chị? Vậy mà em không biết.
-Vậy giờ biết cũng đâu có muộn!
Từ ấy, mỗi lần vào Vũng Rô, Hy - tên người đàn ông ấy, luôn ghé vào quán của cô. Khi uống xị rượu, khi chai nước khoáng, khi gói thuốc, khi gói mì tôm, cái trứng gà; nhưng luôn ghi vào sổ nợ, hẹn mãi không muốn trả. Cô vì muốn yên ổn để làm ăn, nên vẫn cứ cho Hy ký sổ; cô nghĩ, coi như mình mua sự bình yên, để kiếm tiền nuôi con.
Bẵng đi một vài tháng, không thấy Hy lên xuống Vũng rô nữa. Như nghe mọi người nói rằng, con trai của Hy bị bệnh tim phải vào viện. Ra viện vài tuần khó thở, lại phải vào viện tiếp. Một hôm đã hơn bảy giờ tối, hai vợ chồng Hy chở đứa con trai trên chiếc xe máy mượn của người chú họ ra bệnh viện tỉnh, ghé lại quán của cô. Hy nói giọng run run:
-Chị ơi! Cứu con em với. Chị cho em mượn năm trăm nghìn để đưa cháu vào viện, em không mượn ai được nữa. Từ chiều tới giờ nó rất mệt, khó thở, mượn tiền không ra, em lần lữa mãi. Chị giúp em nhé! Ít bữa em đi biển có tiền sẽ mang trả lại chị liền.
Như thấy lúng túng, không biết xử trí ra sao. Cô nghĩ, dành dụm được bảy, tám trăm nghìn, tính chủ nhật này mang về để ngoại lo cho các con, giờ đưa cho Hy mượn lấy tiền đâu đưa ngoại nuôi các con mình; nhưng không thể thấy người gặp nguy khốn mà không giúp?.
Nghĩ vậy, nên Như bước vào trong lấy tiền đưa vợ chồng Hy. Cô nói:
-Đây là tiền tui mang về cho sắp nhỏ. Đưa cậu mượn, ít bữa có là trả ngay cho tui đó nghen.
Cả hai vợ chồng Hy mừng rỡ, khúm núm:
-Cảm ơn chị nhiều lắm, vợ chồng tui sẽ gởi trả lại đủ cho chị. Chị yên tâm đi, nếu tui sai lời, Phật Trời sẽ phạt tui.
Như hoảng hốt, xua tay:
-Thôi, đừng nói như vậy. Tui không muốn cậu nói vậy đâu, giúp người lúc nguy cấp, tui nghĩ ai cũng phải làm thế thôi.
Hai vợ chồng Hy vội vã bồng con lên xe, chở đi thẳng bệnh viện.
Hai năm sau, một buổi sáng sau khi dọn dẹp chén tô bán ăn sáng xong, cô ra quét cái sân trước. Thấy Hy trong tốp người mới xuống xe đi bộ từ ngã ba xuống Vũng Rô. Cô vội vàng bước ra đường gọi Hy:
-Cậu có tiền chưa trả cho tui chớ, lâu quá rồi?.
Hy cười giã lã:
-Chưa có chị à! Khi nào có tui sẽ trả cho, khỏi cần đòi.
Như trách:
-Khi mượn nói nghe rất ngon. Biết chừng nào có mà trả, chỉ có muốn trả hay không thôi, chớ hẹn miết mấy lần rồi, biết khi nào hở trời?
Hy bỗng giận dữ:
-“Nợ mòn con lớn” làm gì dữ vậy? Để từ từ tui trả, nói nặng lời với tui là coi chừng đó nghen!
Như đỏ mặt:
-Coi chừng cái gì, nợ là tui phải đòi à. Tui cho cậu mượn hẳn hoi, chớ có phải ăn nhậu nợ tiền đâu mà hẹn; mà có ăn nhậu thì cũng phải trả chớ, người ta mua rồi nấu cho cậu ăn, chớ có ra chợ mà “hốt” không của thiên hạ đâu, tự nhiên mà có hay sao? - Như hậm hực - còn trong sổ nợ cả đống nữa đấy!
-Bà cứ chờ đó, chiều tui lên sẽ trả hết, không thiếu một xu.
-Nhớ đó nghen!
Chiều hôm đó, trời sắp tối, Hy từ Vũng Rô lên để đón xe về Hòa Xuân thấy cô đang ngồi ở trước sân nhìn dòng xe xuôi ngược trên đường đèo, liền bước qua nhà tay cầm một con trăn nhỏ đưa sát vào mặt Như - hét lớn:
-Đây, tao trả nợ cho nè, lấy không?
Như hoảng hồn, nhưng cố gượng ngồi im, nói to:
-Nợ tiền thì trả tiền, sao trả rắn?
Hy liệng con trăn vào người cô, làm cô hốt hoảng vụt bỏ chạy. Hy cười hả hê, thỏa mãn:
-Gặp tao mà đòi tiền hả? Có ngày nghen con!.
Nói xong, Hy cầm con trăn đi qua phía bên kia đường để đón xe. Đám trẻ con ông Dư phía nhà bên kia hoảng sợ, la ré lên:
-Rắn. Trời ơi, rắn!
Cô nghe tiếng Hy cười vang ngoài ngã ba, đắc ý lắm.
Tuần sau, khi cô đi ra chợ Hòa Xuân để mua hàng về bán. Vừa bước vào chợ đã nghe thấy tiếng cãi cọ qua lại của hai người đàn ông. Nhìn lại, cô thấy Hy mặt đỏ bừng, vung tay, múa chân hét lớn:
-Tao không trả đấy, mày làm gì tao?.
Người đàn ông nọ cũng chẳng kém, chửi lại:
-Đồ ăn giựt, mượn tiền mà không trả còn chửi mắng đòi đánh người ta nữa là sao?. Cái thứ… “giống” mày ăn cháo đá bát, vong ơn bội nghĩa, rồi trời đất không tha cho đâu.
Hy nhào tới đấm vào mặt ông ta tới tấp:
-Cái thứ gì...? Mày nói tao nghe thử?
Mọi người trong chợ ùa chạy ra xa, không dám lại gần sợ bị vạ lây. Người đàn ông đi đòi nợ đã bị Hy đánh nhừ tử, mặt mày bê bết máu.
Một bà đứng bên Như, kề tai cô nói nhỏ:
-Cho nó mượn có bao giờ nó trả đâu chị. Bữa trước nó đánh con Hồng bán thịt heo bầm mặt vì đòi tiền mua nợ thịt heo đấy. Trời ơi, ai mà không biết nó, cả cái vùng này sợ nó như cọp, chị ơi! Cái thứ hung dữ, lường gạt ấy, trước sau gì có ngày rồi cũng bị quả báo à!.
Như nghĩ thầm, ở đời sao lại có kẻ ngang ngược, ác độc quá vậy không biết. Cô chợt nhớ chuyện mình - nghĩ, thôi nó có trả thì trả, không thì thôi, coi như mình làm phước.
Như đang đứng chờ xe, bất ngờ một người phụ nữ chạy lại nắm tay cô, ríu rít:
-Chị Hai! Chị khỏe không? Lâu quá không có tiền nên tui chưa vô trả cho chị được. Chị thông cảm nghen! Khổ quá, có đồng nào là mua gạo cứ hẹn lần, hẹn lữa chị mãi, ngại ghê! Chị ráng thư thả cho, bữa nào cân con heo tui mang vào trả chị liền.
Như quay lại, thấy Hân - người quen sát nhà dì Út của mình, đang xách giỏ đi chợ. Cô nhớ lại mấy tháng trước khi cô ghé thăm dì Út, gặp Hân đang kêu người bán ít lúa non trả tiền chích thuốc cho con trai bị cảm sốt. Cô đã động lòng, cho Hân mượn một trăm nghìn để trả tiền thuốc, khỏi bán lúa non. Đã mấy tháng qua, cô không hề nghĩ, nhớ tới, dù cô cũng không dư dã gì chỉ đắp đổi qua ngày. Có lúc Như nghĩ, coi như mình giúp người, mai mốt biết đâu cũng sẽ có người khác giúp lại mình, vậy thôi. Cuộc sống luôn đổi thay, luôn chuyển biến, ai có thể ngờ trước được tương lai của đời mình sẽ ra sao? Cô nhìn Hân cười - giọng thân tình:
-Thôi, có bao nhiêu đâu thím, coi như tui giúp cháu!. Thím yên tâm mà lo cho sắp nhỏ, đừng nghĩ ngợi chi nhọc lòng sinh bệnh. Tui cũng tạm ổn, có đồng ra đồng vào. Buôn bán được vậy đấy thím!.
Hân cầm tay Như vuốt vuốt:
-Cảm ơn chị nhiều lắm! Chị thật nhân từ.
Chiếc xe đò cũng vừa tới, tấp sát vào lề. Người phụ xe nhảy xuống cùng Như đưa số hàng hóa lên xe. Xe chạy, cô đưa mắt nhìn qua khung cửa kính - đồng ruộng xanh mát quê nhà hiện ra bên đường thoáng vụt qua, rồi bỏ lại phía sau nỗi tiếc nuối ngẩn ngơ của cô như mọi lần.
Nắng đã lên cao, Như lẩm nhẩm - mới đó mà hết cả buổi sáng!.
Lão hành khất ngước nhìn bà Như đôi mắt đỏ rưng rưng, như muốn nói một điều gì đó; nhưng rồi, lão vội cúi gầm xuống, quay ngoắt, lủi thủi lê từng bước đi về phía cổng bến xe.
-Mẹ chờ con lâu chưa?
Bà Như nhìn theo cái dáng đi khập khiễng, xiêu quẹo của lão Hy thở dài thườn thượt. Quay lại cười với con trai, bà nói:
-Mình đi thôi, con!
Buổi chiều, nắng đã xuống thấp.
Những tia nắng chiều hắt hiu rớt xuống đường một màu vàng buồn bã, ảm đạm; như cùng chia sẻ với lão Hy, với bà Như, cũng đang rưng rưng hoài niệm về những năm tháng không thể nào quên, giữa ngã ba đèo heo hút, lạnh lẽo.