Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ




V ào khoảng 11 giờ đêm một ngày cuối tháng 6, đang mơ màng chìm vào giấc ngủ sau thời kinh buổi tối – ông Viên bỗng nghe tiếng chuông điện thoại reo. Ai lại gọi điện thoại vào giờ này nhỉ?. Các con ông ở xa, đều biết rõ “thời khóa biểu” trong ngày của ông, ít khi gọi vào lúc quá 10 giờ đêm. Sống một mình trong ngôi nhà gạch đã được xây cất hơn nửa thế kỷ, tường xiêu mái dột nơi cái thị trấn nhỏ êm ả, vắng vẻ này – quá 10 giờ đêm là đã vắng hoe. Dọc phố, chỉ còn vài ba nhà buôn tạp hóa chưa kịp kéo cửa; ngoài đường thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy vụt qua vội vã, như cũng đang đi tìm giấc ngủ mệt mỏi sau một ngày kiếm sống…

Chuông lại reo vang đến lần thứ tư – Chắc là có chuyện gì cần gấp lắm đây – ông ngồi bật dậy, vén mùng – vói tay nhắt ống nghe nơi chiếc máy đặt trên chiếc bàn thấp ở đầu giường: “A lô, xin lỗi ai cần gọi?”.

-Thưa Thầy, có phải là Thầy Lê Thế Viên không ạ? – một giọng nữ trầm, thấp, từ bên kia đầu dây.

Ông cố nhớ, nhưng cũng không hề nhận ra là giọng nói của ai. Gần 15 năm đi dạy học, qua nhiều miền – nhiều trường, đến nay đã hơn ba mươi năm – trí óc đâu mà nhớ hết ngần ấy học trò?. Ông ngần ngại: “Đúng rồi! Xin lỗi, cô là ai vậy?”.

-Thưa Thầy, em là Nhung – Nguyễn Tuyết Nhung, học trò cũ của Thầy ở H.V, Thầy có còn nhớ em không, thưa Thầy?.

À, là một học trò cũ – Nguyễn Tuyết Nhung … Ông nhớ ra ngay dáng cô bé học trò cũ đã gần 40 năm vắng bặt tin tức : Cái cô bé cao dong dỏng, hơi gầy, tuy mới là học sinh đầu cấp Trung học, nhưng trông chải chuốt, rất đàng hoàng, duyên dáng…

-Thầy nhớ ra rồi – ông reo lên, Tuyết Nhung đấy à? Em đang sinh sống, công tác ở đâu vậy?

-Thưa Thầy, em hiện đang ở thành phố Santaana…

-Thành phố Santaana à? – ông thoáng ngạc nhiên, nghe quen quen nhưng thầy không rõ…

-Thưa Thầy, Santaana thuộc bang California, nước Mỹ…

-Chà - ông Viên thở dài, em đang ở tận bên kia bờ đại dương – xa quá nhỉ?

-Đâu có gì xa, thưa Thầy! Chỉ có lòng người xa thì mới đáng buồn…

-Em nói hay đấy, nhưng ít có người nghĩ được như thế – ông cười lớn.

-Thưa Thầy, em còn nhớ lời dạy của Đức Phật đại ý là ở xa mà có lòng tri ân, có tình yêu thương còn hơn là ở gần mà vong ân, bạc nghĩa đó Thầy! – tiếng cười ấm vang lên.

Một phút im lặng.

-Thưa Thầy, Thầy biết em đã tìm Thầy bao nhiêu năm không Thầy?

-Bao nhiêu năm? – ông lại cười, chờ đợi.

-Gần ba chục năm đó Thầy! Vẫn giọng trầm ấm, nhỏ nhẹ – Em nhờ bà con, bạn bè bên ấy hỏi giúp địa chỉ, số phone nhưng chẳng ai biết rõ cả! Gặp ai bên này cùng quê với Thầy, em cũng hỏi thăm – có người biết Thầy, nhưng địa chỉ, tin tức về Thầy thì biết không chính xác. Có người bảo Thầy lang bạt, rày đây mai đó – có khi vào sống trong chùa – có phải vậy không Thầy?

Giọng ông Viên trở nên ngần ngại vì những tin tức của một thời gian nan đã đến tai cô học trò cách xa ngàn dặm: “Ờ… cũng có lúc như vậy” – ông bỗng cười lớn: “Nhưng … “quá khứ đã đoạn tận, tương lai thì chưa đến”(*) bây giờ nói chuyện hiện tại đi nhé!”.

-Chuyện gì vậy Thầy?

-Chẳng hạn, sao hôm nay em lại có số phone của Thầy, cả địa chỉ nữa…

-Chuyện dài lắm – giọng cười lại vang lên, trong lúc em đang viết thư về cho đứa cháu nhờ “Tìm Thầy” trên báo, trên TV… thì một người bạn ở PY gọi cho em, đọc luôn địa chỉ, số phone đầy đủ… Em mừng quá nên gọi “thử” về Thầy, dầu biết rằng giờ này ở Việt Nam là đã khuya! Em xin lỗi Thầy…

-Never mind ! It’s nothing… Ông Viên cười khà khà – Đáng lẽ ra Thầy phải “xin lỗi” em mới phải, vì “ở sâu quá” trong cái thị trấn nhỏ này… bắt em phải tìm đến… gần 30 năm!

-A lô… Thưa Thầy, Thầy cho phép em hằng tuần gọi về thăm Thầy, chuyện trò với Thầy – được không, thưa Thầy!

-Sao lại không được? – ông cười, sống mà không có bạn, không có thư, không có phone .. thì đời sống buồn thảm biết chừng nào – phải không? – Ông ngập ngừng, chỉ ngại em tốn tiền thôi!

-Không có gì đâu, Thầy! Lại có tiếng cười rúc rích, em mua card 5 đô, nói chuyện được nửa giờ. Ba mươi phút mà có biết bao là niềm vui, hạnh phúc … thì sao lại đắn đo, phải không – Thưa Thầy? Em chỉ ngại làm phiền Thầy thôi…

-Không có gì là phiền cả – ông nói giọng dứt khoát. Thầy xin cám ơn em trước vậy …

Hơn nửa tháng sau từ đêm nói chuyện với Tuyết Nhung, ông Viên nhận được giấy báo đến Bưu điện nhận thùng bưu phẩm. Đó là quà của cô học trò cũ – Nguyễn Tuyết Nhung từ thành phố Santaana, Ca. Ông rất đỗi ngạc nhiên và bàng hoàng trước tấm lòng cao quý của cô học trò cũ ngày nào. Đã 40 năm trôi qua. Cuộc đời có biết bao là biến chuyển, thăng trầm – nhưng quả thật tình người vẫn còn sáng mãi. Đẹp mãi.

Thùng bưu phẩm được sắp xếp thứ tự, có bao bì riêng, lại được “trang trí” rất đẹp: Đầu tiên là một phong thư có cột sợi nơ màu đỏ, thư viết dài đến 18 trang giấy pelure khổ lớn. Tiếp đến là một sợi chuỗi bằng hạt Bồ đề khô màu nâu, một hộp nhỏ thắt nơ màu vàng (5 x 10 cm) đựng tượng Phật bằng đá trắng, hai chiếc Cravate, hai áo sơ mi, một áo ấm bằng da, và một chiếc ví đen có hai đồng đô la mới bỏ trong phong bì đỏ và ba tấm ảnh phóng lớn.

Theo lời thư của Tuyết Nhung, xâu chuỗi Bồ Đề và tượng Phật đã được “cô bé” thỉnh ở xứ Aán, trong chuyến hành hương về đất Phật bốn năm trước. Xâu chuỗi hạt Bồ Đề khô được lấy từ Bồ đề đạo tràng. Tượng Phật được khắc chạm trên đá rất nhỏ, tinh vi, từ đá của nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Hai chiếc Cravate (một sản xuất ở London và một của bang California) cùng chiếc áo ấm, hai chiếc áo sơ mi “cô bé” đã mua trong các lần dạo chơi ở các Shop trong nhiều năm trước với ý định khi tìm được địa chỉ của ông Viên là sẽ gởi. Riêng cái ví da đen, có phong bì màu đỏ, đựng hai tờ giấy bạc 1 USD là “để cầu mong cho Thầy được nhiều may mắn, vì ở bên này, tờ bạc 1 đô rất hiếm, tượng trưng cho duyên may…”.

Ông Viên cầm ba tấm ảnh lớn (cỡ 20 x 30cm) đưa lên cao ngắm, nhìn. Hai tấm ảnh màu chụp Tuyết Nhung và cậu con trai ngày tốt nghiệp Đại học Y với áo mão thùng thình; tấm kia chụp “cô bé” ở bãi biển… Tấm ảnh đen trắng đã chụp từ gần 40 năm trước, có ông đứng giữa sáu cô cậu học trò lớp 6 được lãnh phần thưởng cuối năm trong đó có Tuyết Nhung cao lều khều… Được nhìn lại ảnh cũ – một thời tuổi trẻ đầy ước vọng; ông như sống lại được phút giây đã qua – hình dung lại bao kỷ niệm với trường lớp, với học trò, với bạn bè trong những tháng năm phiêu bồng, thơ mộng ở P.Y.. Tuyết Nhung đã giữ lại được tấm ảnh như một bảo vật bên “những tháng ngày vui buồn nơi xứ người, những đêm không ngủ nhớ về quê hương, và lòng em lúc nào cũng tưởng nhớ đến ngôi trường ngày xưa mà em đã học với Thầy…”.

Đặt ba tấm ảnh lên bàn viết, mắt nhìn lơ đãng qua ô cửa sổ – nắng chiều vàng ruộm cuối Thu đượm màu buồn – ông thở dài :

-Thầy xin cám ơn em!

Lập Tâm tịnh thất, tháng 10.2007





VVM.07.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com