Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


LẠY THƯỢNG ĐẾ, XIN THƯƠNG XÓT
CHO NHỮNG NGƯỜI ĐIÊN



thì thôi ta lỡ tằm sai kiếp
trút cạn tơ xanh. Vĩnh biệt người
mấy hướng hoang mang thời phế tích
ta còn một hướng của đơn côi


(thơ Trần Nghi Hoàng)

K hi tỉnh dậy, tôi không biết mình đang ở đâu? Thân thể dường như bị vướng víu? Cả căn nhà sáng trưng, nhưng bên ngoài, bầu trời phủ đầy màu tối. Nhìn chung quanh, thấy cơ hồ đây là một cái nhà thương nào đó? Trong phòng chỉ có hai chiếc giường, kiểu giường bệnh viện. Ánh sáng từ nền trần tỏa xuống màu trắng nhạt nhòa khó chịu. Tôi vốn ghét cái màu đèn trắng chẳng đem cho con người cảm nghĩ nào ngoài một sự chán chường đơn điệu. Nơi phía trái phòng, ở trên cao, từ góc tường ló ra, có đặt một chiếc TV đang bật mở. Một người đàn bà da trắng mập ú, khoảng 50, khuôn mặt vù xưng, con mắt phải bầm tím như thể vừa bị ai đấm một cú dữ dội vào đó, đang ngồi trên giường nhìn lên màn ảnh nhỏ. Tiếng chuyển động của thân thể tôi khiến bà quay lại. Tôi thốt rùng mình vì cái vẻ "chết" trên khuôn mặt người đàn bà. Bà hỏi nhỏ tôi, giọng buồn bã nhưng có phần thân mật:

"Cô tỉnh rồi đấy à?"

Tôi không đáp, chỉ giương mắt ngó bà, rồi nhìn lại mình. Bộ áo đang mặc vẫn là của tôi, nhưng cái khăn quàng thân thuộc và cần thiết đã không còn nơi cổ. Bàn tay phải và cả bàn chân trái đang bị cột vào cạnh giường bằng một loại vòng da vẫn buộc nơi cổ mấy con chó lớn. Tôi cảm nghe rất lạnh. Đôi hàm răng đánh vào nhau lập cập. Người đàn bà nhận biết ra điều ấy, giơ tay bấm vào cái chuông nơi đầu giường ngủ. Một anh Mỹ đen cao lớn bước vào phòng. Người đàn bà nói câu gì đó với anh ta. Anh tiến về phía tôi. Cái dáng anh to như con gấu, vậy mà đôi chân lướt nhẹ như một vũ công tài giỏi. Tôi chợt thấy mình kỳ lạ với nhận xét bất ngờ như thế. Anh hỏi tôi cần gì? Giọng anh ấm và dịu dàng đặc biệt. Tôi đáp nhỏ:

"Tôi lạnh quá! Cái khăn quàng của tôi đâu?"

Anh không đáp, mở tủ lấy ra một cái mền còn thơm mùi thuốc giặt, đắp kín tôi từ cổ trở xuống. Tôi lại bắt đầu lơ mơ mê thiếp đi.

Lần thứ hai tỉnh dậy, người đàn bà mập ú không còn đó nữa. Trong phòng, cái TV vẫn để mở. Bên ngoài cửa kính, vài ba người y tá mặc áo choàng, đi lui đi tới. Tôi cố định thần nhớ lại mọi thứ, nhưng trí óc không cách chi làm việc. Lại cũng nghe lạnh và thấy muốn đi toilette. Tôi chống tay gượng dậy. Người Mỹ đen lúc nãy bước vào. Tôi nói với anh điều mình muốn. Anh cởi trói cho tôi, xong chỉ tôi căn vệ sinh gần đó. Bao nhiêu nước trong ruột tuôn ra như suối. Cả một cái bồn đi rửa toàn một lớp chất lỏng màu đen ghê rợn. Tôi thấy trong người rã rời ớn lạnh. Giơ tay giật nước một cách máy móc, tôi nhìn vào chiếc gương đặt trên bàn rửa mặt: "Một khuôn dáng tái mét, đôi môi tím ngắt, mái tóc dài rủ xuống che hẳn một bên trán, đôi má hóp vụng về, đôi mắt chết, hai tròng đen hun hút như cái giếng sâu."

Tôi bước trở về phòng, quấn chiếc mền quanh thân thể. Người Mỹ đen đem vào một cái xe lăn, bảo tôi ngồi lên đó, xong, nhanh nhẹn buộc một tay một chân tôi vào các khung sắt bằng cái vòng xích chó lúc nãy. Tiếng lách cách từ chùm chìa khóa nơi tay anh làm tôi rùng mình vô cớ. Trí óc bắt đầu hoạt động chậm chạp trở lại. Và nhớ ra mọi chuyện... Một cảm nghĩ thật buồn bất ngờ phủ chụp châu thân.

Tôi cứ vậy mà ngồi trên chiếc xe lăn. Lặng im. Bất động.

Người Mỹ đen bước vào, đến bên tôi hỏi nhỏ:

"Cô cảm thấy thế nào?"

Giọng nói ấm áp của anh làm tôi tỉnh cơn suy nghĩ. Tôi ngước nhìn anh, mệt mỏi:

"Bao giờ tôi mới được rời khỏi nơi đây?"

Anh dịu dàng đáp:

"Phải chờ sự quyết định của bác sĩ."

Tôi đâm hoảng hốt, nhìn anh, cầu khẩn:

"Còn con gái tôi? Nó sẽ không ngủ được nếu không đan năm ngón của nó vào bàn tay tôi như mỗi tối?"

Người Mỹ đen lắc đầu, giọng thương hại: "Tôi thật buồn cho cô và con gái cô, nhưng tôi chẳng làm gì được. Bác sĩ sẽ đến nói chuyện với cô chốc nữa đây."

Xong, anh bỏ đi ra khỏi phòng.

Tôi nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. 10 giờ kém 5 phút tối. Giờ ngủ say của đứa con gái nhỏ. Ôi! Nó đang thế nào trong khi tôi ngồi đây, trên chiếc xe lăn, tay chân bị trói đúng hệt một con mụ khùng xấu xí? Cái thân thể bé bỏng biết có ai ôm vào lòng mỗi lúc nó giật mình trong cơn trở mộng giữa đêm?

Độ nửa giờ sau.

Người Mỹ đen to lớn lại đến, đẩy chiếc xe lăn của tôi sang căn phòng khác, kiểu một phòng làm việc đơn giản với một cái bàn và hai cái ghế. Anh cởi trói cho tôi và bảo tôi ngồi đợi, xong lặng lẽ bước ra, khép cửa. Tôi mệt mỏi thả mình trên lớp nệm, đầu cúi gục, đôi mắt nhắm hờ, lơ mơ ngủ....

Một giọng chào phụ nữ vui vẻ làm tôi tỉnh giấc. Người đàn bà Mỹ trắng ngồi đối diện tôi, cách một mặt bàn. Bà chồm người, giơ tay cho tôi bắt, tự giới thiệu mình là bác sĩ (tên gì, tôi không cách nào nhớ nổi). Khuôn mặt bà khá đẹp và cũng dịu dàng như anh Mỹ đen kia. Xưa nay tôi vốn rất có ác cảm với các bác sĩ người Việt Nam (lầm lì, khó chịu, lúc nào cũng ra vẻ mình là nhân vật quan trọng đầy quyền uy tiền bạc!), nhưng lại thật có cảm tình với các bác sĩ người Mỹ, dù nam hay nữ. Sự đối xử với bệnh nhân nơi cả hai giới chủng loại, khác xa nhau quá, đã tạo cho tôi cái thành kiến ấy. Có thể tôi sai, nhưng cho mãi đến bây giờ vẫn chưa có dịp chứng minh mình sai, bên tôi vẫn còn chưa muốn đổi thay nếp nghĩ.

"Cô làm nghề gì?" Bà bác sĩ hỏi.

"Dạy dương cầm và viết văn".

"Cô viết loại gì?"

Tôi mệt mỏi quá đến chẳng buồn nói, nên trả lời qua quýt:

"Đủ loại, truyện ngắn, truyện dài, đại khái..."

"Cô có bao nhiêu tác phẩm đã xuất bản?"

"Bảy."

Bà kêu lên:

"Bảy? Cuốn mới nhất xuất bản bao giờ?"

Tôi cúi đầu:

"Cách đây ba tháng."

(Trong óc nghĩ nhanh đến cái bìa quyển Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau. Ôi! Có phải là một điềm báo cho sự lụi tàn của cuộc đời tôi mà tôi lại ưa thích và chọn ngay tấm ảnh "cây nến trắng đang cháy đến gần gốc" khi lần đầu giở cuốn Đạo Đức Kinh ra và nhìn thấy nó?)

Trí óc còn đang lan man với ý nghĩ trên, tôi đã nghe bà tiếp:

"Có phải đó là một cuốn tiểu thuyết?"

Tôi nhìn bà, lầm bầm trong miệng:

"Oui. Un roman très triste. C'est ma triste vie, celle de quelqu'un qui ne sait jamais ce que le vrai bonheur!"

Đôi mắt bà mở to:

"Cô nói gì thế?"

Sực nhớ ra mình vừa nói tiếng Pháp với một người Mỹ, tôi sửa lại ngay:

"Vâng! Một quyển sách rất buồn. Đó là cuộc đời buồn thảm của tôi, một kẻ không bao giờ biết thế nào là hạnh phúc thật sự."

Và ngước nhìn bà, ngây ngô đầu óc. Vẻ mặt bà ái ngại:

"Cô có đôi mắt buồn quá!"

"Nhiều người cũng nói như vậy", tôi gật.

"Cô có chồng con không?", tiếng bà trầm ấm.

"Có, và hai con."

"Chồng cô đâu rồi?"

Tôi đáp cho chính mình nhiều hơn:

"Anh ta đã bỏ đi theo một người đàn bà khác."

Bà bác sĩ lắc đầu: "Không, anh ta đang đợi cô ngoài kia."

Tôi cúi đầu, tự thì thầm riêng mình:

"Je m'en fiche! Pour moi, il s'est déjà envolé!" (Tôi cóc cần điều đó. Với tôi, anh ta đã bay bổng rồi!)

Im lặng một lát, bà bác sĩ đột ngột hỏi:

"Trong đời, có bao giờ cô tự tử?"

"Chưa hề!"

"Cô nói dối!", bà cười nhẹ,"nhìn tay trái cô, tôi biết ít nhất đã từng hai lần cô tự tử."

Tôi không đáp.

"Cô có biết cô đã làm gì sáng nay không?"

Tôi nghe như khó thở:

"Tôi nhớ mang máng hình như đã dùng thuốc ngủ?"

"Và quá nhiều!" Bà gật. "Nhưng thật may! Người ta tìm thấy trên bàn ngủ của cô những cái vỏ đã bóc của 25 viên Valium 10mg. Lại còn hơn 30 viên chưa bóc. Tại sao cô làm thế?"

Thốt nhiên, tôi sợ hãi nghĩ đến Âu Cơ. Ôi! Đứa con gái vô cùng xinh đẹp! Giờ này nó đang thế nào? Có phải bàn tay nhỏ đang ôm vào ngực chiếc áo ấm của tôi như mỗi khuya nó vẫn làm khi tôi còn ngồi cúi mình nơi bàn viết?

"Tại sao cô làm thế?" Bà bác sĩ hỏi lần nữa.

Tôi nhìn vào khoảng không trước mặt, tâm tư rỗng tuếch:

"Tôi không biết."

"Ở đâu cô có những viên thuốc ngủ ấy?"

"Tôi gửi mua từ Việt Nam", tôi đáp nhát gừng.

Và dựa ngửa người ra ghế, nhắm đôi mắt.

Tôi nghe tiếng giấy lật từ tay bà bác sĩ đặt trên bàn viết. Một lát, bà bày tỏ:

"Trong hồ sơ cảnh sát đã ghi sáng nay, chúng tôi đọc thấy ba lần câu nói của cô: 'Tôi không muốn sống! Tôi chỉ muốn chết! Cuộc sống này quá ư tuyệt vọng với tôi!"

"Tại sao cô nghĩ thế?", giọng bà vỗ về hơn.

Tôi vẫn ngồi yên, câm lặng, cả con người cảm nghe vô cùng mệt mỏi.

Tiếng bà nhỏ nhẹ:

"Có bao giờ cô đi đến bác sĩ tâm thần?"

Tôi mở mắt nhìn bà, ngạc nhiên thật sự:

"Để làm gì? Tôi có điên đâu? Vả lại, tôi ghét bác sĩ tâm thần!"

Bà cười, cái cười dịu dàng. Tôi cũng muốn cười theo khi chợt thấy mình quá vô lý trong câu nói cuối, nhưng đôi môi không thể nào cử động nổi để làm thành một cái hình có góc cạnh. Đôi mí cứ như có khuynh hướng muốn sụp xuống trong một giấc ngủ không bao giờ thức dậy. Dẫu vậy, tôi vẫn cố đáp:

"Cuộc sống tuyệt vọng thật, nhưng tôi đâu muốn từ bỏ nó?"

"Như bà biết", tôi nói thêm, "tôi là một nhà văn nên thường ít ngủ. Uống Valium chỉ là để ngủ, nhưng không ngờ đã dùng quá độ. Đó là lỗi của tôi."

Và tôi ngước nhìn bà, buồn bã, nơi miệng tuôn ra một mạch những lời cầu khẩn:

"I want to go home! I want to hug my daughter! I want to be alone at my desk. I want to be deeply hidden in my solitude! I want every beautiful thing in life which I can never reach! But now, I am tired, so tired! Please! S'il vous plait! Ne me tuez plus par votre questions. Je vais devenir folle! Si non, un jour, je me tuerai encore une fois!" .

(Tôi muốn đi về nhà. Tôi muốn ôm con gái tôi. Tôi muốn được một mình nơi bàn viết. Tôi muốn ẩn sâu trong nỗi cô đơn. Tôi muốn tất cả mọi điều đẹp trên thế gian này mà không bao giờ vói tới. Nhưng bây giờ tôi quá mệt. Xin làm ơn! Làm ơn đừng giết tôi bằng những câu hỏi của bà. Tôi sắp phát khùng đây. Nếu không, một ngày kia tôi lại sẽ tự tử lần nữa.)

Ba câu sau, giọng tôi nhỏ hẳn xuống. Và nhắm mắt, không trả lời gì thêm...

Một lát, tôi nghe tiếng ghế đẩy lui và tiếng chân bà bác sĩ bước ra, nhẹ hệt tiếng cửa khép. Người đàn ông Mỹ đen trở vào, bảo tôi ngồi lên chiếc xe lăn và đẩy về căn phòng cũ. Lần này, anh ta để tự do tay chân tôi, không khóa chúng vào thanh sắt nữa. Cái đầu tôi vẫn cúi gục như đang say ngủ...

Tiếng TNH kêu khẽ: "Em!"

Mở mắt nhìn lên, thấy chàng đang đứng cạnh chiếc xe lăn hồi nào không biết.

11:30 đêm, tôi được phép rời bệnh viện. Người Mỹ đen đưa trả lại tôi cái khăn quàng. Tôi nghe thật khát đến khô cổ họng. Xin TNH chai nước ngọt đang cầm trên tay, tôi uống ực trọn cả một hơi.

Chàng nói nhỏ:

"Nơi đây là khu tâm thần. Bố vào, bị xét rất kỹ. Cái vỏ chai này làm bằng chất nhựa nên mới được phép mang vô."


* * *

Bốn giờ sáng ngày kế tiếp, tôi vẫn tỉnh giấc như thường lệ. Hôn vào má Âu Cơ xong, tôi rời chiếc giường có nó đang say ngủ, bước vào phòng tắm. 25 viên Valium 10mg không còn để lại dấu vết gì dưới làn nước ấm.

Trở ra bàn viết. Điếu thuốc lá đầu tiên trong buổi sáng sớm làm trí óc tỉnh táo một cách kỳ diệu. Tôi giở quyển Thérèse Desqueyroux của Francois Mauriac ra, ngồi thật lâu trước câu đề từ của Charles Baudelaire ngay nơi trang nhất:

"Seigneur, ayez pitié, ayez pitié des fous et des folles! O Créateur! peut-il exister des montres aux yeux de cellui-là seul qui sait pourquoi ils existent, comment ils se sont faits, et comment ils auraient pu ne pas se faire..."

("Lạy Thượng Đế, xin thương xót cho các người đàn ông điên và các người đàn bà điên! Hóa Công ơi, làm sao mà lại hiện hữu những con quỷ dữ dưới mắt Ngài, đấng duy nhất biết rằng do đâu chúng có mặt, làm cách nào chúng được tạo ra và như thế nào để chúng có thể bị hủy diệt?")

Lòng nghe thật buồn! Cái buồn rũ rượi của một kẻ biết mình suốt đời vẫn không thể nào tìm ra hạnh phúc, cho dù đó là cái hạnh phúc trong thế giới của những người điên!

(San Jose, CA. 22/3/1996)
(Trong "NHẬT NGUYỆT BUỒN NHƯ NHAU II")



VVM.23.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com