Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



CHUYỆN ÔNG TRƯƠNG TAM




M ình nằm bệnh viện cùng phòng với 2 ông già: ông Phan Minh Chánh đến từ Nha Trang, 76 tuổi, có 7 con và ông Trương Tam, 75 tuổi, đến từ Bình Thuận, có 11 con. “Ba ngự lâm pháo thủ tịt ngòi” nằm trò chuyện với nhau. Ba nhà rất vui chuyện, thân tình.

Chuyện về ông TAM rất thú vị, nên xin chia sẻ với bà con.

Đầu tiên thấy ngạc nhiên, một ông già đen đúa, nhỏ thó, rõ là nông dân chính hiệu, đang nằm trên băng ca đưa vào phòng mà ông cầm điện thoại cùi bắp, quát rất to: Tụi bay cứ theo kế hoạch tau đã dặn, dẫn nước vô các ruộng… Rồi ông nói gì đó nhiều lắm, rõ là giọng điệu của sếp, mình chỉ nghe được lõm bõm, vì giọng ông nghe rất khó.

Mình bảo: ông là sếp gì mà cực vậy, đang bệnh mà phải chỉ huy, quát nạt? Rõ cực hơn cả ông Nguyễn Phú Trọng giữ hai chức to tướng mà thấy ung dung nhàn nhã...

- Phải chỉ huy 5 đứa trong đội thủy nông dẫn nước cho 700 ha ruộng đó...950 ngàn đồng một ha một năm của dân chứ có ít đâu. Mà nước phải cung cấp đúng lúc, kịp thời vụ, cho từng nhà...

- Sao ông già rồi lại bệnh mà không để người khác làm thay?

- Dân tín nhiệm mình, mà mình vẫn làm tốt lại có tiền…

Buổi tối thấy 2 chàng trai và một cô gái trẻ đến thăm ông. Ông bảo, có 4 cháu là sinh viên đang học ớ Sài Gòn. Mỗi năm ông phải tài trợ cho mỗi cháu sinh viên 15 triệu, bốn đứa là 60 triệu một năm đấy.

- Ông có bao nhiêu cháu tất cả nội ngoại?

- Có hơn 30 đứa

- Ông có nhớ hết tên từng cháu không?

Nhớ hết chứ. Hơn 300 hộ trong xã mà tôi dẫn nước thuỷ nông, tôi đều nhớ hết…

- Ông làm gì có nhiều tiền để hỗ trợ 4 cháu sinh viên 60 triệu một năm?

- Có chục ha cao su, mấy ha điều, một ha lúa nước…

- Đất ấy từ đâu mà có?

- Khai hoang và mua của chính quyến, có sổ sở hữu 50 năm...

- Có chăn nuôi không?

- Trước có nuôi vài chục con bò nay thì bán hết rồi.

- Chà chà, thời cải cách ruộng đất ông phải là đại địa chủ đấy!

- Mình phải có đầu óc, phải tự lao động là chính chứ. Có thuê người phải trả 300 ngàn một ngày.

- Thuê người ở địa phương à?

- Thuê người dân tộc ở đó, người Gia rai, Cờ ho, S'tieng…

- Người Kinh mình lên lấy hết đất của người dân tộc à?

- Không, họ được chia nhiều đất đấy, nhưng họ không biết làm nên bán đi. Họ quen du canh du cư. Nay định canh, thâm canh không biết làm, nên thích làm thuê hơn!

- Ông là người gốc ở Bình Thuận à?

- Không, từ Quảng Nam chạy vào đó từ năm 1969. Ba là cán bộ hoạt động bị lộ Tết 68 nên 69 cả nhà chạy vào Bình Thuận.

- Thế ông cũng làm cán bộ chứ?

- Không, làm nông dân thôi, nhưng có uy tín…

Đó là vào năm 2000 dân góp tiền cho xã làm đường, nhưng xã ăn hết cả tiền huyện cho và tiền dân đóng góp, làm qua quýt một tí, kêu hết tiền, bảo dân đóng tiếp… Tôi không chịu, làm đơn tố cáo lên huyện, tỉnh, nhà báo về điều tra, viết bài. Tôi mua 300 tờ báo phát cho dân ở các thôn trong xã…

Sau đó bí thư xã bị điều lên huyện làm cán bộ, còn Phó chủ tịch mất chức; Chủ tịch sau cũng về.... Chủ tịch, bí thư mới lên, bảo: bác có uy tín với dân, bác đứng ra vận động dân góp tiền làm đường đi.

Tôi đồng ý nhưng cho tôi toàn quyền. Tôi đến từng thôn một để họp dân và vận động, 7 thôn cứ ra 7 người cùng với tôi để điều hành. Tôi tính toán mỗi suất góp 100 ngàn, được hơn 600 triệu. Hồi đó 600 triệu to lắm. Tôi giao cho ủy ban xã giữ. Tôi thuê xe đá, xi măng nhân công làm đến đâu, viết phiếu cho xã xuất tiền trả đến đó. Cuối cùng xong đường hơn 6km, xe ô tô 7 chỗ đi tốt... Đường xong rồi còn thừa 18 triệu, tôi bảo để duy tu đường. Nhân dân ai cũng tin tưởng vui mừng… Tôi bỏ ra một tháng rưỡi để trực tiếp chỉ đạo làm đường, còn mỗi ngày thì có một người của một thôn cùng với tôi giám sát. Tất cả chúng tôi không lấy tiền công của dân...

- Vậy sao ông không ứng cử làm chủ tịch xã luôn?

- À à … tôi thích làm dân tự do thoải mái…

Chiều 6/3 cô con gái tên Nhung lên thay em Hậu chăm cha… Mình bảo cô Nhung chắc giống má, thằng Hậu giống ba nên gầy ốm?

- Không con giống ba chứ, má con ốm ốm lắm. Ba con hồi trẻ không ốm thế này đâu. Em Hậu nói má mập là má Tư đó, má Hậu đó. Má con là má Ba. Má con mất sớm chỉ có mình con thôi. Ba con những bốn bà cơ…

- Trời! Bái phục Đại ca Trương Tam! Bốn bà cùng tồn tại.

- Dạ...Má cả được bốn con, má hai được ba con, mà ba con được có mình con, má tư ba con, tất cả là 11 đấy.

- Trời! Bái phục lão Trương Tam quá. Bái phục! Bái phục! Thế 4 bà cùng ở chung một nhà à?

- Không. Bốn bà đều được ba làm cho nhà, chia ruộng nhưng má con mất sớm, má cả mới mất. Bây giờ còn má Hai và má Tư thôi. Bây giờ ba sống cùng với má Tư...

- Ông Tam ơi, sau khi có bà cả rồi thì ông kiếm bà hai như thế nào?

- À… mình đi làm, gặp người phụ nữ… hai bên yêu nhau rồi khi có con thì mình phải có trách nhiệm thế là làm nhà cho cô ấy ở thành vợ chồng..,

- Anh Trang đang tiếc đấy. Anh Tam phổ biết kinh nghiệm cho anh ấy học tập- Kim Chi lên tiếng.

- Thế lấy bà Ba, bà Tư thì cũng theo cách đó à?

- Thì mình yêu người ta có con rồi thì phải lấy làm vợ chứ, phải có trách nhiệm lo cho mẹ con sinh sống làm ăn… Bà nào tôi cũng làm nhà hoặc mua nhà cho rồi có ruộng đất đàng hoàng để phát triển kinh tế… - Nhà mỗi bà có cách nhau xa không?

- Cách nhau 100 đến 200m thôi.

- Có đăng ký kết hôn không?

- Không mình lấy nhau ngoài pháp luật mà…

- Ba con công giáo đó, nhà thờ đâu có làm phép cưới cho vợ hai, vợ ba… Ba con cũng bỏ đạo luôn. - Nhung nói.

- Thế Nhung có còn đi nhà thờ không?

- Có, con lấy chồng cũng công giáo nên vẫn đi nhà thờ.

- Thế ông phải sống luân phiên với mỗi bà một hai tuần à?

- Ừ phải thế thôi… - Ông Tam cười...

- Các bà có ghen tuông suy tị không?

- Có ghen một tí chút nhưng không làm chuyện gì lớn, không có cãi lộn. Các con đều làm chăm chỉ, ngoan ngoãn hiếu thảo đoàn kết. Tất cả con cháu không có đứa nào nghiện hút, hư hỏng..; các con thì không có đứa nào học đại học, làm nông dân cả thôi. Nhưng các cháu thì phải khuyến khích chúng nó học lên càng cao càng tốt, nên tôi chi tiền cho các cháu học.

- Ông thật là tuyệt. Có 4 bà nên bà nào cũng phải cạnh tranh nhau chiều chồng, chăm con cho khéo đúng không? Mình có mỗi vợ độc tôn toàn trị nên o ép, quản lý ghê lắm...

Lão Tam cười gật gật, có vẻ khoái chí .

Kim Chi cười, ai o ép bắt nạt được anh. Nhưng đàn ông anh nào cũng muốn noi gương ông Tam hả? Nhung bổ sung:

- Các con của ba con đoàn kết lắm. Ví như có giỗ hay có việc gì tất cả phải xúm vào làm, chục mâm. Hôm mới rồi tổ chức cả gia đình đi du lịch phải thuê một cái xe hơn 40 chỗ. Đi vui lắm.

- Ngoài bốn bà ra ông có bồ bịch nhiều không?

- Không! Không! Mình chỉ yêu những cô gái chưa chồng, yêu nhau có con rồi thì lấy nhau thôi chứ không lăng nhăng.

- Vậy là ông dám yêu, dám làm, dám chịu, công khai hết, không có lèm nhèm giấu giấu giếm giếm... Dũng cảm thật! Ông không sợ dư luận xì xào à?

- Kệ người ta, mình sống tử tế, có trách nhiệm mà...

- Ông sống tự do như thế nên không tham gia vào hệ thống của đảng, chính quyền được. Nhưng là một Già làng uy tín toàn diện trên mọi chiến trường là nhất rồi. Nhưng công nhận chính quyền địa phương ấy cũng hiền lành, chứ ông tố cáo nó tham nhũng mà nó không lấy cớ bắt ông, hồi tố về tội đa thê, vi phạm luật hôn nhân, bỏ tù ông là nó tử tế đấy.

- Mình làm ăn đàng hoàng, có uy tín với dân làng không sợ gì cả.

- Ông có uy tín với với dân làng, nếu có bọn đến cướp đất, ông hô lên một tiếng là cả dân làng theo ông chống cướp đất đúng không?

- Đúng, tôi kêu gọi thì cả làng hưởng ứng ngay!

- Đấy, ông Lê Đình Kình cũng uy tín như ông nên mới bị nó giết. Ông mà uy tín kêu dân giữ đất không cho nó cướp thì nó cũng giết ông thôi!

- Đúng! Đúng thế!

- Ông may mắn là một Già làng nơi bình yên.

Bây giờ Ông có quyền nói: năm 1969 đến đất này Ta chỉ có một thân một mình, nay ta có 4 vợ, 11 con, với 11 dâu rể là 22, hơn 30 cháu. Rồi sẽ có sáu mươi cặp vợ chồng của các cháu rồi sẽ sinh ra khoảng 200 chắt...Mà tất cả no ấm, ngày càng giàu có, văn minh...

Gia tộc ta đã bao giờ có cơ đồ được thế này chưa?

Ông hoàn toàn có tư cách nói như vậy và có quyền tự hào, vì tất cả đều do đầu óc và “ngũ chi” của ông làm ra thật. Chứ còn người ta bầu ông lên làm xã trưởng, ông chả làm ra cái gì, mọi thứ đều do Dân làm ra, rồi ông kể công: xã ta đã bao giờ được thế này chưa, cứ như công của ông, thì đúng là nhận vơ...

Ông đúng bản tính người Quảng Nam: một là hay cãi đi kiện đến cùng; hai là đa tài, ba là đa tình; bốn là lo cho sự học của con cháu. Ông đủ cả Nhân, Trí, Dũng, Liêm của đời SỐNG THẬT, chẳng sợ Chúa, sợ Luật cứ dấn thân, say mê cháy hết mình!l

Ông cho địa chỉ và số điện thoại đây rồi. Lúc nào khỏe ra chỗ ông chơi tha hồ đánh chén và nghe nhiều chuyện hay.

12/3/2021



VVM.23.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com