Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
     



CHỖ CỦA THIÊN THẦN



    T hưở còn trẻ, bố tôi là một nhà văn "có tiếng không có miếng", phải ở nhà thuê. Gia đình tôi dọn nhà liền liền. Có ngôi nhà mới ở được bốn tháng chưa kịp quen hàng xóm đã lục đục dọn đi. Vì thế, việc học của anh em tôi chẳng ra làm sao cả. Năm tôi lên lớp ba, mẹ tôi quyết định gửi anh em tôi ở hẳn nhà ông bà ngoại để đi học trường gần đấy. "Ngôi trường" hai tầng mà chỉ có sáu lớp, cầu thang, lan can, cửa sơn đều một màu xanh lá cây, nhìn ra y hệt cái chuồng chim bồ câu lênh khênh.

Ngày đầu tiên đến trường ấy, tôi thấy đầy đủ sáu giáo viên đang đứng nói chuyện. Họ đều là nữ: hai nữ tu già mặc áo đen, hai nữ tu trẻ mặc áo trắng và hai cô giáo. Thế là tôi quên hết mọi sự, bắt đầu ngắm nghía họ và chọn người đẹp nhất. Lúc ấy tôi đoan chắc rằng hễ mình vừa lòng ai là đương nhiên người ấy sẽ dạy lớp mình, kỳ không? Lớp Ba của tôi nằm trên lầu, phải lên bằng một cầu thang gỗ lộ thiên. Và tôi thất vọng muốn khóc khi thấy giáo viên của tôi là một trong hai cô giáo, cô xấu nhất! Lại nữa, tên cô là Nguyễn Thị Bạc, cái tên chẳng gợi lên điều gì hoa mộng!

Rất may, mối thất vọng trẻ con của tôi qua rất nhanh. Ngoài việc dạy học, cô Bạc còn dạy chúng tôi biết bao điều kỳ lạ. Đằng sau dãy lớp ấy là một mảnh đất hoang mọc đầy cỏ và đầy cây con do hột trái cây mà chúng tôi ăn xong ném ra. Cô Bạc chỉ dạy chúng tôi phân biệt các loại cây: cây mận lá đỏ và mướt bóng, cây cóc lá dài, cây nhãn lá tròn, cây bưởi, cây cam... ngắt lá ngửi có mùi thơm. Buổi chiều không học, chúng tôi dẫn nhau vào các xóm ngõ sục sạo cây con mang về trường để trồng. Gặp cây quái quỷ gì lạ lạ chúng tôi cũng xin, đến nỗi một bà chua ngoa nào đó đã phải la lên (câu la mắng ngộ nghĩnh mà tôi nhớ suốt đời):

- Xin lắm rồi chỗ nào chứa? Có họa đem về lật đít Thổ công nhà chúng mày lên mà trồng!

Cái cầu thang lộ thiên cũng là một cái cầu tuột kỳ thú. Bọn con trai thi nhau ngồi lên thanh vịn nhẵn bóng của nó mà tuột xuống, trước những cặp mắt thán phục của bọn con gái chúng tôi. Tuy nghịch lén, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bị bắt gặp. Bà Rosa, bà sơ cao tuổi nhất, nếu thấy được cảnh ấy là lập tức nhắm mắt lại, hai tay ôm lấy khuôn mặt đỏ lựng, miệng lắp bắp:

- Chúa ơi, Chúa ơi... Xuống, xuống, quỷ dữ nó xô chúng bay té gẫy cổ bây giờ...

Dĩ nhiên bao giờ cũng vậy, khi bà mở mắt ra thì cả lũ đã chạy mất.

Trường tôi chỉ dạy học vào buổi sáng, còn buổi chiều hoàn toàn là nơi tụ tập chơi đùa. Trường nằm trong khuôn viên một ngôi nhà thờ nhỏ. Trong nhà thờ có một cái đàn piano ọp ẹp, ngoài nhà thờ có hang đá và hồ cá. Vào những buổi chiều êm đềm, trong khi cô Bạc dạy đám con gái học đàn thì mấy đứa con trai quanh quẩn bên ngoài cho cá ăn, hái lá cây thả thuyền đầy hồ. Chỉ tội ông Từ già hầu việc Chúa sau đó phải "hầu" cả chúng tôi vì cái đàn sẽ long chân đạp và cái hồ cá lềnh bềnh toàn ruột bánh mì lẫn lá cây. Mãi mãi tôi hoài nhớ cái sân đất chạy dài quanh những nền lớp lát gạch Tàu đo đỏ, những viên gạch vuông to, hơi trũng ở giữa vì bước chân năm tháng. Buổi chiều... những buổi chiều thần tiên ơi... Có những chiều chúng tôi mới vừa ngoan ngoãn như Thiên thần: con trai tập giúp lễ còn con gái tập múa hát kinh, cử động nhịp nhàng giữa đèn nến sáng, thì chỉ lát sau đã tinh ma như quỷ sứ, tụ họp sau dãy nhà của các sơ để nếm trộm rượu lễ và bánh lễ mà bọn con trai lén mang ra. Chiều thứ bảy cuối tuần đó, vị Cha sở già sau khi nghe hàng chục lời xưng tội giống nhau, đã âm thầm mở một cuộc điều tra. Kết quả cả lũ phải xếp hàng, mà cô Bạc là người chịu trách nhiệm, nghe "giảng" một hồi lâu. Nhưng cũng chính vị Cha già đó, thỉnh thoảng cho cả bọn vài đồng ăn kem. Kem một đồng bốn cây, nhưng thường chúng tôi không ăn kem, rủ nhau sang xe bánh mì bên kia đường mua bánh mì trét tương ngọt, ba đồng một ổ lớn ăn chung. Mấy thằng con trai cắn miếng nào cũng to tướng bị bọn con gái cằn nhằng om sòm.

Ngoài cô Bạc và bà Rosa, bốn giáo viên kia cũng thương chúng tôi: dì Sáu, dì Mến, dì An và cô Thoa. Cô giáo Thoa hát hay, trẻ, cô đẹp nhất trong mắt tôi hôm tựu trường. Nhưng khi đã là học trò cô Bạc rồi, tôi cho cô Bạc là người đáng yêu nhất. Từ một đứa học hành mất căn bản hai năm đầu, cô đã cố gắng hết lòng cho tôi ngoi lên vị thứ cao trong lớp. Cô đi đâu, tôi đi theo đó, khiến nhiều người hay đùa bảo tôi là con gái của cô.

Vào đầu hè năm tôi hết lớp Bốn, cây xoài duy nhất trong sân trường bị đốn. Cây xoài ấy là một phần đời của chúng tôi. Nó già cỗi, vươn bóng mát trùm gần hết mảng sân nhỏ, che mưa nắng cho cái cầu thang lộ thiên. Nó là loại xoài Hòn, quả bé, ăn xanh thì dòn nhưng lúc chín nhão nhoẹt, là phần thưởng sau những buổi tập hát đầy hứng thú. Ông Từ già giải thích:

- Đốn đi để lấy chỗ xây trường mới lớn hơn.

Bọn chúng tôi nắm tay nhau đứng yên lặng nhìn từng cành xoài ngã gục. Cảnh tượng nặng nề đến nỗi ông Từ phải làm bộ xua đuổi:

- Đi đi, ra chỗ khác chơi đi! Người ta đốn cây có gì lạ mà coi!

Hai mươi năm sau tôi tìm thấy bà Rosa tại một nhà nuôi trẻ ở Gò Vấp. Bà đã hơn 70 tuổi, không nhớ nổi tôi, nhưng những kỷ niệm về trường cũ vẫn khiến bà vui sướng. Mặt bà không còn đỏ lựng như xưa, mà nhăn nheo dưới mái tóc bạc trắng. Còn cô Bạc của tôi ở đâu? Không ai rõ. Tôi đoán chừng cô đã hơn 50 tuổi. Có người bảo tôi cô đã về hưu từ lâu và phải đi bán khoai lang dạo! Không lẽ một đời dạy học của cô lại có kết quả bạc bẽo như cái tên của cô vậy sao? Tôi chưa tìm được cô, nhưng từ đó, bất kể thấy ai bán khoai dạo tôi cũng mua, với lòng hy vọng rằng người đời cũng sẽ sẵn sàng mua giúp cô những củ khoai, cho cô đỡ nhọc nhằn.

Trường cũ bây giờ hai tầng xây đồ sộ, sân xi-măng lạnh lùng. Mỗi lần tôi đi ngang gió ở đâu ùa về cay mắt quá.




VVM.20.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com